Văn hóa nghệ thuật

"Chuyện đời Sương" - Số phận bi thương của một nàng dâu Việt ở xứ Hàn

Hân My
Sách
08:16 | 17/07/2024
Gấp lại những trang cuối cùng của Chuyện đời Sương, người đọc cảm thấy có chút gì đó bức bối, hụt hẫng và tiếc thương cho số phận éo le của Sương - người con gái mang trong mình ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc, tươi đẹp, nhưng rốt cuộc lại chỉ nhận về đắng cay...
aa

Chuyện đời Sương (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2020) là một trong những tiểu thuyết đương đại bán chạy tại Hàn Quốc. Cuốn sách đã chinh phục biết bao độc giả xứ kim chi, giành được giải Văn học Sechong 2017 và giải Tác phẩm xuất sắc nhất thành phố Busan. Tác giả cuốn sách là Suh Song Nan - tiến sĩ Sáng tác nghệ thuật, với luận văn về đề tài phụ nữ kết hôn với người Hàn Quốc. Bà đã từng có thời gian sống ở Việt Nam nên rất quan tâm tới cuộc sống của cô dâu Việt ở xứ Hàn. Sau Ớt chuông, Chuyện đời Sương là cuốn sách thứ hai Suh Song Nan viết về đề tài này.

Cuốn sách "Chuyện đời Sương" của Shuh Song Nan - Ảnh: NXBPNVN

Câu chuyện mở đầu bằng dòng hồi tưởng của Jang - một giảng viên đại học kiêm nhà phê bình văn chương. Sau khi kết hôn, Jang cùng Lee Ryeong chuyển đến thôn Gail heo hút, sống trong ngôi nhà trắng xinh xắn và thuê Sương làm người giúp việc. Ấn tượng đầu tiên của Jang là Sương nấu ăn rất ngon, cô “làm các món ăn thành thạo như một bà nội trợ Hàn Quốc thực thụ”. Dần dần, bóng dáng Sương cứ thấp thoáng trong suy nghĩ của Jang và anh đã thầm thương trộm nhớ cô.

Sương là cô gái xinh đẹp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, luôn mơ mộng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc nơi miền đất hứa, với người chồng Hàn Quốc lớn tuổi. Cô hằng ước ao được hòa mình vào thành phố tươi đẹp nhộn nhịp với những người trẻ năng động, mà đâu biết sẽ phải chôn mình ở miền núi hẻo lánh, nghèo khổ. Tất cả những gì cô tưởng tượng khi rời khỏi quê hương Việt Nam hóa ra chỉ là ảo vọng. Cô đã nghĩ mình phải quý trọng, thương yêu chồng và tin rằng mình chắc chắn sẽ được gia đình chồng yêu thương. Cô đã vẽ ra ngôi nhà đầy đủ mọi thứ nơi đô thị hoa lệ, cùng những đứa trẻ xinh đẹp, đáng yêu và cuộc sống ngập tràn niềm vui.

Tuy nhiên, Sương không hề hạnh phúc. Cuộc sống ở nhà chồng vô cùng khắc nghiệt. Cô bị mẹ chồng ngược đãi, thậm chí còn không có được một đám cưới tử tế. Mọi cử chỉ của Sương đều bị soi xét, đánh giá. Có một sự thực vô cùng cay đắng, đó là, dù cô có sống suốt đời và chết đi ở thôn Gail thì đối với những người dân ở đây, cô mãi mãi chỉ là một người con dâu ngoại quốc.

Một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà và khu trồng nấm, lấy đi mạng sống của mẹ chồng Sương. Mất tất cả chỉ trong một đêm, gánh thêm một khoản nợ, giờ đây Jong Tae chỉ còn Sương là tài sản duy nhất. Gã chồng thô kệch, vô dụng, hơn Sương những hai mươi tuổi, từ sáng đến tối chỉ biết say mèm và đánh đập vợ. Dù thế, Sương không trốn đi mà vẫn ở lại thôn, vất vả làm thuê để nuôi chồng. Tuy nhiên, Jong Tae luôn cho rằng Sương là kẻ đã châm lửa đốt nhà và giết mẹ, nên đã tìm mọi cách hành hạ và giày vò cô. Hắn căm thù những người giàu, bởi thế hắn hận vợ chồng Jang, cho rằng chính họ là nguyên nhân khiến vợ mình thay đổi và quyết tâm trả thù. Hắn đã chủ tâm đốt ngôi nhà trắng, khiến Lee Ryeong bị chết ngạt trong đám cháy, đồng thời đổ tội cho vợ. Sương bị cảnh sát bắt và kết tội trong sự phẫn nộ, nguyền rủa của tất cả dân làng, trừ Dong Joo - người đàn ông câm hiểu rõ mọi chuyện nhưng hoàn toàn bất lực, không thể làm gì để cứu cô...

"Chuyện đời Sương" phản ánh lối sống đa dạng của giới trẻ và quan niệm sống của người Hàn Quốc - Ảnh: Thanh Xuân

Chuyện đời Sương có kết cấu và nội dung hấp dẫn, các tình tiết càng về sau càng gay cấn, phản ánh lối sống đa dạng của giới trẻ và quan niệm sống của người Hàn Quốc. Tác giả không ngừng đặt ra những tình huống thử thách nhân vật, khiến độc giả tò mò và bị cuốn theo diễn biến câu chuyện. Bên cạnh việc khắc họa đời sống của một cô dâu ngoại quốc ở xứ Hàn với bao khó khăn, trắc trở, cuốn sách còn mở ra chuyện đời nhiều màu sắc của những người Hàn Quốc như Jang, Lee Ryeong, Dong Joo... mà Sương tình cờ là một mắt xích trong cuộc đời họ, như sợi dây kết nối những mảnh ghép thành một bức tranh. Suh Song Nan đã rất thành công khi miêu tả diễn biến tâm lý. Tác phẩm hầu như không có lời thoại, chủ yếu là những dòng hồi tưởng của các nhân vật. Lần lượt, từng người kể lại sự việc với mạch truyện đan xen giữa thực và mơ, giữa hiện tại và quá khứ. Họ không chỉ mở ra câu chuyện cuộc đời mình mà còn góp phần hé lộ chuyện đời Sương.

Gấp lại những trang cuối cùng của tiểu thuyết Chuyện đời Sương, người đọc cảm thấy có chút gì đó bức bối, hụt hẫng và tiếc thương cho số phận éo le của Sương - người con gái mang trong mình ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc, tươi đẹp, nhưng rốt cuộc lại chỉ nhận về đắng cay, tủi nhục. Hàn Quốc không phải thiên đường như cô hằng mộng tưởng, cuộc sống của nàng dâu xứ lạ chẳng phải một cuộc sống màu hồng. Cuối cùng Sương nhận ra, chẳng có thứ gì không phải vất vả mà dễ dàng có được, đáng lẽ cô không nên rời quê hương, không nên chấp nhận mạo hiểm để đi qua sông, không nên mơ về một thế giới mới... khi chẳng biết chút gì về thế giới lạ lẫm, nhiều bất trắc ấy.

Tuy có nhiều bi kịch cũng lắm góc khuất, Chuyện đời Sương vẫn thể hiện sự ấm áp của tình người. Tác phẩm ca ngợi những tình cảm đẹp đẽ của con người. Ví như chuyện người phụ nữ sẵn sàng nuôi tình nhân của chồng qua kỳ ở cữ; người con cố gắng trở thành nhà văn để mẹ tự hào; người mẹ dù không biết chữ vẫn nâng niu những sáng tác của con gái; người đàn ông câm hiếu thảo với mẹ già...

"Chuyện đời Sương" ca ngợi những tình cảm đẹp đẽ của con người - Ảnh: NXBPNVN

Dẫu tiểu thuyết đã khép lại, người đọc vẫn cảm thấy như các nhân vật đang tiếp tục sống cuộc đời riêng của mình, dù chưa rõ tương lai của họ sẽ ra sao. Cũng chẳng ai biết liệu Sương có thoát khỏi số phận đầy bi ai, để tìm thấy một bến bờ khác bình yên hơn hay không. Song ngoài kia, vẫn có biết bao cô gái Việt giống Sương, mang trong mình ước mơ đổi đời, làm dâu xứ ngoại. Mong rằng sẽ không ai gặp phải bi kịch như cô, bởi chúng ta ai cũng đều xứng đáng có được một cuộc sống hạnh phúc.

Những mảnh vỡ số phận Số phận thế gian này phụ thuộc vào lòng yêu thương của con người* Chiến tranh có nhiều khuôn mặt phụ nữ trong điện ảnh gần đây Phụ nữ và Nobel Văn chương Khúc Hải du chốn Long thành - Tọa đàm ra mắt sách "Cầm thư quán"
Bộ NN&PTNT ra công điện ứng phó Bão trên Biển Đồng

Bộ NN&PTNT ra công điện ứng phó Bão trên Biển Đồng

Baovannghe.vn- Bộ trưởng NN&PTNT đã ban hành Công điện số 7930/CĐ-BNN-ĐĐ việc ứng phó với mưa lớn, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông.
Năm 2025: Chưa xem xét điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu và trợ cấp người có công

Năm 2025: Chưa xem xét điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu và trợ cấp người có công

Baovannghe.vn - Cơ quan thẩm tra Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, thống nhất với phương án đề xuất của Chính phủ, trong năm 2025 chưa xem xét việc tiếp tục điều chỉnh tiền lương khu vực công
Có một cây cầu chỉ còn trong ký ức… Tản văn của Minh Nhạn

Có một cây cầu chỉ còn trong ký ức… Tản văn của Minh Nhạn

Baovannghe.vn - Cây cầu Đắk Nông cũ – một cây cầu vô cùng bình thường, chẳng có gì đặc biệt, cũng không to lớn, tưởng chừng dễ dàng bị người ta lãng quên đi.
Thời đã xa. Truyện ngắn của Lê Đức Dương

Thời đã xa. Truyện ngắn của Lê Đức Dương

Baovannghe.vn - Hôm đó cơ quan vắng ngắt, tôi bỏ đi chơi ra biển nhặt những vỏ sò dưới mép cát chơi. Biển vắng hoe chỉ có gió và màu xanh của biển.
Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) sẽ công diễn vở "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" vào ngày 24/10 do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn.