Do đó mà người đời sau dẫu tập theo lẫn nhau, ganh đua tiêm xảo, chẳng quan tâm gì đến ý nghĩa; cho nên thời gần đây, khi làm thơ lại lấy bốn câu giữa làm thân, trên đầu đặt hai câu làm khởi, dưới đuôi thêm hai câu làm kết. Ôi, người ta không ai là không lúc bé thì học, đến khi lớn thì cho, vốn dĩ là như thế. Từ lúc cầm bút lúc lắc cái đầu, bắt đầu học ngâm nga cho đến khi ngồi ngạo nghễ vuốt râu, tự hào là thi bá, không ai không cho đó là cái thế quyết nhiên không thay đổi được. Có biết đâu rằng hai câu 3, 4 chuyển thừa cho hai câu 1, 2 mà các câu 1, 2 thì có dụng ý cao trội, so với các câu 3, 4 còn nghiêm nhặt hơn, hai câu 5, 6 chuyển ra hai câu 7, 8 mà hai câu 7, 8 hàm súc sâu xa, so với hai câu 5, 6 lại càng mật thiết hơn; đâu có thể lấy hai chữ khởi, kết mà bôi bỏ đi hết biết bao tâm huyết của người xưa được.
Thơ cần có chân tâm, thực ý; nếu đã chân tâm, thực ý thì khiến cho người khác đọc thơ mình không ai không bùi ngùi cảm động. Không như thế thì không có ai đọc cả. Ảnh: freepik. |
Bài thơ vịnh vật nếu dùng toàn thể hứng thì hay, dùng toàn thể tỷ thì cũng hay, nhưng nếu chỉ dùng để phú thì lại không hay. Thơ là tứ (ý nghĩ), thơ xuất phát ra thì tất do tứ của con người, mà vào thì cũng tức do tứ của con người. Vì ra vào đều cho tứ của con người, cho nên gọi là thơ. Nếu như thơ không tỷ, không hứng mà chỉ phú một vật, thì đó là tấm bình trướng dát vàng, nạm ngọc của người thợ vẽ. Người ta vì cớ gì mà đọc thơ, lại chợt đau đớn, lại chợt vui mừng. Ôi, làm thơ mà người ta không đau đớn, không vui mừng thì thà đừng làm. Đó là lối làm thơ không tỷ, không hứng mà dùng toàn thể phú vậy.
Trong thơ vịnh vật, quá nửa là những câu vịnh người, vậy mà các bậc hậu hiền cứ toàn làm thể phú.
Tả nữ lang mà tả đẹp thôi thì tục bút, tả dâm thì ác bút, tất yếu phải tả cái ngây, mới là diệu bút. Lại nữa tả cái ngây (si) của nữ lang mà để nữ lang tự bảo là ngây thì là tục bút; tả nữ lang muốn người khác nói ra cái ngây của mình thì lại ác bút; hẳn phải tả nữ lang ngây mà không tự biết mình là ngây, mới là diệu bút. Có kẻ tả nữ lang ngây, thì tả nữ lang ngủ trưa không dậy, nay lại tả dậy sớm không ngủ là diệu bút trời sinh vậy.
Bài phú Hậu Xích Bích của Tô Đông Pha có câu: Nhân ảnh tại địa, ngưỡng kiến minh nguyệt (Bóng người in trên mặt đất, ngang đầu trông thấy vầng trăng sáng). Chỉ vì câu khởi được hay, nên bên dưới liền tùy ý, thuận tay tự do thừa tiếp, hoặc nói bi phẫn hoặc nói phóng đạt, hoặc nói là cao ngạo, hoặc nói là vô lại, thế nào cũng được. Suốt bài phú Hậu Xích Bích của Tô Đông Pha có văn tự vừa kỳ, vừa khoái, vừa sợ, cũng chỉ vì tám chữ khởi được hay mà thôi.
Về luật thơ trước hết phải mệnh ý, mệnh ý rồi phải thẩm cách, sau khi thẩm cách rồi lại phải bận tranh phác bút. Sau khi mệnh ý, thẩm cách, phác bút đầy đủ ở bên rồi, chỉ còn lặng chờ sử dụng mà thôi...
Phàm người xưa có một lời, một dòng, một câu, một chữ, đủ đề bước một mình trong một thời, chiếm ngự cả ngàn năm, thì ta phải tin rằng không có gì là không do ở đọc sách, dưỡng khí mà ra.
Xem núi sông đẹp thì trong mắt cần có chương pháp.
Thuật núi sông đẹp thì trong miệng cần có chương pháp.
Từ xưa đến nay cái việc văn chương, hễ do tâm linh của chính mình xuất, phát ra thì có thể mặc sức vùng vẫy, khua động; còn một khi bị tiền nhân đè nén thì khó thoát khỏi lao lung; đó đều là lý nhất định, sự cố nhiên vậy.
Thơ cần có chân tâm, thực ý; nếu đã chân tâm, thực ý thì khiến cho người khác đọc thơ mình không ai không bùi ngùi cảm động. Không như thế thì không có ai đọc cả.
Chỉ có một tâm tình cao quý, một phong cách thanh khiết, từ trong lòng, dưới bút chợt tự nhiên tuôn chảy, chính là bài thơ chân thực sẵn có trong trời đất vậy.
Người ta ở thế gian này, đợt sóng trước tự diệt, đợt sóng sau nổi lên, có cổ nhân nào đâu, thuần kim nhân cả.
Cái việc bút mực thật đặc biệt. Chỉ là một giải bốn câu, hai giải tám câu, thế mà trong đó ngàn muôn biến đổi, tuyệt không một điểm nào giống nhau. Giống hệt như trên mặt người đi đường, chẳng qua chỉ có bốn cái là mắt, tai, mũi, miệng mà tuyệt không một điểm nào giống nhau. Như Phi Khanh (Ôn Đình Quân) tề danh Nghĩa Sơn (Lý Thương Ẩn), không có một chữ nào của Nghĩa Sơn, mà Nghĩa Sơn cũng không có một chữ nào của Phi Khanh cả. Chỉ vì các bậc đại gia ấy không làm theo một chữ nào, không nhường thua một chữ nào, cho nên mới được tề danh. Nhưng cái cớ sở dĩ không tập, không nhượng lại chỉ ở trong khoảng một khổ bốn câu, hai khổ tám câu. Tôi thật không hiểu cái biến Pháp tánh, xoay cuốn bánh xe, đáy cùng đúng thực ở nơi nào.
Theo Phê bình thơ Đường của Kim Thánh Thán
Bản dịch của Trần Trọng San