Minh họa Phạm Hà Hải |
Thời chiến, gái có chồng, nhất là chồng bộ đội, chung thủy là phẩm hạnh số một. Mai là bí thư đoàn xã, chồng cũng bộ đội. Vịnh và Mai cưới nhau như cái chớp nhoáng nhoàng. Hai người nẩy nở tình ý trong lễ giao quân có bí thư Đoàn đưa tiễn. Năm đó Mai hai ba. Trước khi đi B, Vịnh được về phép bảy ngày. Bảy ngày vừa ăn hỏi cưới xin. Cưới xong ăn ở vỏn vẹn với nhau được ba ngày. Ba ngày tất bật cho sự nồng cháy...
Mẹ chồng Mai, bà Trinh, cảm thông con dâu phải đảm đương việc xã hội nặng nhọc. Vậy mà cứ ở xã về là Mai xắn tay áo lo bếp núc, giặt giũ, nép dọn. Ngày nghỉ thì làm đồng áng. Khác bà, ông Trinh xét nét, khắt khe nhưng tự hào với công việc xã hội của con dâu. Những lần họp chi bộ, ông Cư, bí thư Đảng ủy về dự đều khen Mai năng nổ, hoạt bát. Ông Trinh nở mày nở mặt. Không chỉ vậy, ông còn hài lòng khi Mai làm dâu khéo, ăn nói mát tai.
Là chuyện công tác, chuyện làm dâu. Còn chuyện nữa, mơ hồ xa xôi nhưng ông vẫn linh cảm bất an. Ông thấy con dâu ngày cứ nõn nà mơn mởn ra, cứ lồ lộ trước ánh nhìn của thiên hạ. Công việc Đoàn thời chiến chẳng giờ giấc, có khi họp hành cả đêm. Đã đôi ba lần, Mai họp về khuya, ông lẳng lặng đi đón lõng để kiểm chứng con dâu... Sự bất an nhiều lúc cũng làm ông mất ăn mất ngủ. Những lúc đó ông tự trấn an - “đường đường một bí thư Đoàn, một đảng viên, nó phải biết giữ gìn chứ; nay cán bộ Đoàn, tương lai là cán bộ Đảng, nó thừa khôn ngoan để phấn đấu. Già rồi mà còn nông nổi...”.
Bà Trinh chỉ cởi mở trong công việc. Chuyện cồn cào của đàn bà làm sao sẻ chia được với ông. Càng không với con dâu. Nói ra khác chi thêm dầu vào lửa. Ở đời, đàn bà con gái chẳng khổ sở nào hơn xa chồng đằng đẵng, nhất là khi xuân sắc, da thịt đang căng tràn. Bà nghĩ, Mai làm liền tay để không còn rảnh rang cho cơ thể bứt rứt báy ráy. Những năm ông đi bộ đội Điện Biên, bà cũng vậy.
Vịnh đi B đã ba năm. Ba năm chỉ có hai thư cho Mai. Mai cũng chỉ gửi cho Vịnh được hai lá. Vịnh dặn, ở chiến trường đơn vị di chuyển thường xuyên, hòm thư không cố định được lâu.
Thư thứ hai, Vịnh tâm sự: “...Vì chiến tranh, sau cưới, vợ chồng mình ăn ở với nhau quá ngắn ngủi. Mới bén hơi đã phải xa. Thật tiếc, ba ngày không đủ để em cho anh một đứa con, cho ông bà một đứa cháu. Nơi chiến trường ác liệt, đêm đêm xen lẫn giữa bom đạn, anh vẫn thao thức nhớ em, vẫn hình dung bóng dáng em nơi quê nhà. Ở quê nhà, nỗi nhớ có giày vò em? Là một bí thư đoàn, anh tin em có nghị lực để chiến thắng bản thân, chiến thắng tình cảm ủy mị (nếu có). Để ngày hòa bình anh về, hạnh phúc sẽ trọn vẹn”.
Mai xa chồng đã sáu năm. Hai năm đầu còn có thư. Bốn năm rồi bặt tin. Chiến trường... đạn bom... hy sinh... là chuyện thường của chiến tranh, của định mệnh. Nhưng bình thường sao được với người phụ nữ son trẻ nơi thôn dã đan xen bao mối quan hệ, luôn âm ỉ khát khao?
Công việc Đoàn của Mai vẫn được Đảng ủy đánh giá xuất sắc. Tám năm làm bí thư, Mai đã đưa phong trào “ba sẵn sàng” của thanh niên Bằng Sơn với thành tích dẫn đầu huyện. Ông Cư dự kiến, khóa tới sẽ cơ cấu Mai vào Thường vụ làm nguồn một vị trí chủ trì.
Sáu năm với bố mẹ chồng, Mai được mọi người coi như “cô Tấm thảo hiền”; sáu năm, kết nối giữa Mai với chồng chỉ hai lá thư mỏng manh; còn là đêm dài nối đêm dài vô tận, lạnh lẽo, cô đơn, vò xé thân xác tâm can, chỉ có Mai thấm thía; sáu năm, cả ngàn đêm, khi lửa dục vọng cồn cào, khi ham muốn chạm tột đỉnh, Mai lăn bên này sang bên kia giường, bên nào cũng trơ trọi, cũng không xua được sự trống trải, cô đơn. Cảm giác ham muốn hừng hực như ngọn lửa thiêu đốt các đầu dây thần kinh. Nhớ chồng, thèm chút hơi đàn ông bứt rứt không sao ngủ được. Mai rũ tung áo quần Vịnh quấn lên cơ thể. Vật vã đến khi mệt quá thiếp đi...
*
Cầu Nầm là cửa ngõ vào Bằng Sơn. Cầu kết nối với mạng giao thông chiến lược, là trọng điểm máy bay Mỹ ném bom bắn phá. Mấy năm, chúng chỉ đánh ban ngày, bị trung đội 12ly7 và tiểu đội súng trường của dân quân bắn trả quyết liệt nên không đánh trúng được.
Một ngày bất ngờ chúng đổi quy luật, tập kích ban đêm. Hai chiếc phản lực bay tầm thấp, lẻn vào theo hướng đông bắc, cắt bom. Chúng đánh trộm vào ban đêm, nhưng trung đội trực chiến vẫn kịp thời nhả đạn và làm nên kỳ tích. Một chiếc bốc cháy giữa trời đêm, đâm đầu xuống xã Châu Sơn phía sau núi Nầm.
Máy bay rơi một lúc, kẻng báo động gióng liên hồi để bắt phi công nhảy dù. Theo quy ước, khi báo động, chỉ có cán bộ và dân quân mới được ra khỏi nhà để làm nhiệm vụ. Mai dặn ông bà Trinh “nếu máy bay quay lại, bố mẹ phải xuống hầm trú ẩn”. Dứt lời, Mai khoác súng lên vai, đi như chạy ra đường.
Làng Phúc Lai của Mai nằm mé sông Ngàn Phố. Từ làng đến trụ sở chỉ có con đường vắt vẻo qua Lòi Hóp. Ông bà Trinh thấp thỏm lo cho con dâu. Đêm cuối tháng tối om. Tình huống báo động lại có súng mang theo nên Mai chẳng có cảm giác sợ hãi gì. Khi đến gần Lòi Hóp, bỗng máy bay địch ập tới. Tiếng gầm rít tưởng như chúng bay sát ngọn cây.
Bỗng ba quả pháo sáng lần lượt treo ba góc trời. Xã Bằng Sơn và núi Nầm sáng trưng như ban ngày. Mọi người phải án binh bất động, tìm bóng cây gần nhất để ẩn trú. Phía Linh Cảm, trận địa cao xạ 37 ly bảo vệ phà, bắn từng đợt không cho tốp máy bay lượn ra phía Châu Sơn, nơi chiếc phản lực vừa rơi.
Mai ôm súng khom người chạy vào Lòi Hóp. Bóng râm của cây cối là nơi ẩn trú an toàn nhất. Vừa tìm được chỗ thì Mai giật thót người, hốt hoảng khi thấy có người đang nép dưới bóng cây lộc vừng gần đó. Mai giương súng quát:
- Ai, nói ngay không tôi bắn!
- Anh... Nhàn đây!
- Anh đi đường nào mà lại vào đây - Hay vừa nhảy dù xuống? - Đang thất thần nhưng nhận ra người quen Mai vẫn đùa được một câu.
- Anh biết em đi một mình nên - Vừa nói, Nhàn vừa giẫm lên bụi dứa, bước nhanh đến bên Mai.
- Đêm tối thế này, anh đừng lại gần em, người ta thấy thì... chết!
Gặp người con trai trong tình huống có một không hai này, lại là người quen, tim Mai như rối nhịp, ngực như đánh trống. Mai sợ hãi vô cùng. Tai ù đặc không còn nghe tiếng máy bay đang rít trên đầu, tiếng chát chúa của đạn cao xạ.
Chẳng cần giữ ý, Nhàn vòng tay ôm lấy eo Mai.
- Anh làm gì thế! Bỏ tay ra đi... Mai tỏ thái độ dứt khoát - Anh không thấy máy bay... pháo sáng... báo động... Không được đâu... Anh làm thế là có tội với anh Vịnh đó! - Mai hụt hơi, đứt quãng...
Mai vừa lẩy bẩy run vừa đẩy Nhàn ra... Nhưng chẳng hiểu sao hai cánh tay Mai yếu ớt dần. Nhàn luồn tay qua làn áo xoa lên bầu vú trắng ngần, căng tròn của Mai. Mai tê dại, thân thể nhũn ra, rụng rời, hai chân chới với... Nhàn quay người Mai lại rồi đỡ Mai nằm xuống vạt cỏ cạnh gốc cây sanh. Tay Nhàn lần vội mở cúc áo Mai. Mai giãy giụa, thở gấp gáp rồi nhắm mắt lại. Mai thấy mình rơi thỏm vào khoảng không vô định, chẳng biết đang ở đâu. Mặt đất như nghiêng chín mươi độ làm Mai mất thăng bằng, như đang rơi tự do... Mai không còn ý niệm được thời gian vật chất vô cùng nguy hiểm. Mất cả phương hướng, không kiểm soát được mình, hai tay Mai vô thức riết lấy lưng Nhàn lúc nào không biết. Sáu năm rồi, cơ thể, da thịt, từng mạch máu, từng tế bào của Mai mới có cảm giác mê mẩn thế này...
Khoảng mười phút, ba quả pháo sáng rụng dần thì chúng bắn tiếp ba quả khác. Ai ở đâu lại phải ở đó khi đường làng, ngõ xóm, đồng ruộng sáng trắng như ban ngày.
Rồi pháo sáng tắt. Tiếng máy bay nhỏ dần...
Trong bóng đêm mênh mông, Mai bật khóc tức tưởi nhưng cố nén lại vì sợ có người nghe thấy. Mai hoảng loạn khi ý thức được chuyện động trời động đất như tia sét, quá bất ngờ, làm rối tung tất cả...
Thấy Mai nức lên rồi nghẹn lại, Nhàn bẽ bàng, đơ ra... Lúc sau mới rụt rè: “Anh xin lỗi...”.
Hồi kẻng báo an kéo dài. Mai dặn Nhàn chờ Mai đi trước một quãng đã. Về điểm tập trung mới biết, nhờ phối hợp đánh chặn của pháo cao xạ Linh Cảm, đơn vị bộ đội được điều động cấp tốc đã bắt được phi công. Bị cắt sóng bộ đàm, hai chiếc phản lực và chiếc trực thăng ứng cứu mất liên lạc đành lủi thủi quay về.
Những ngày sau đó, Mai như người không hồn vía. Mai thấy mình không phải mình nữa. Cái đêm ác mộng đó ám ảnh, đeo bám Mai như bóng ma quái dị. Đêm đến vào buồng ngủ là Mai rấm rứt khóc. Người ta khóc cho nhẹ người, Mai càng khóc càng u uất nặng nề. Sau mỗi đêm, hình hài cái tội tày trời với chồng, với bố mẹ chồng, với lòng tin của bí thư Đảng ủy cứ choán ngợp dần... Thật tai ác, ở đời bao chuyện sửa sai được, chuyện này thì không. Khôn ba năm dại một giờ. Biết vẫn không tránh được. Lỡ rồi, trót rồi biết làm sao được. Chỉ mong không để lại gì.
Sự đời vốn nghiệt ngã, điều không muốn thường lại đến. Mai có thai!
Những khác thường của con dâu không qua được mẹ chồng. Bà Trinh phát hoảng, rụng rời... Đêm không nhấp mắt được... Đến bữa không nuốt trôi cơm... Tỉ tê, gặng mãi, Mai vừa khóc vừa nói bị cưỡng bức trong một đêm đi họp về. Bà không tin khôn ngoan như Mai mà bị cưỡng bức. Nhưng cũng không hiểu nổi, nết na, hiền thảo, được tiếng thủy chung, lại là cán bộ, sao đổ đốn được thế! Nhớ chồng không chịu được thì đổ lúa mà xay, đổ gạo mà giã, vác cuốc mà cuốc đất như bà năm nảo năm nào. Nghĩ con trai ngày ngày giáp mặt hòn tên mũi đạn, sống chết mỏng manh như tia chớp, cái giận cái thương con dâu trong bà giây lát đảo chiều - trước thương mười giận một, nay thương một giận đến trăm lần.
Giờ thì bà tạm giấu đã. Bà sợ nhất ngày vỡ chuyện chẳng khác chi bom nổ. Ông biết thì chết mất! Rồi làng xã nữa. Ra đường đeo mo vào mặt.
Người thứ hai biết chuyện là bí thư Đảng ủy. Lúc sóng đang ở đáy sông, bà nhắm đến chỗ tin cậy nhất để thưa chuyện. Ông bí thư là người luôn miệng khen và tin tuyệt đối con dâu bà. Sự việc đột ngột quá làm ông bị choáng. Nghe đến đâu mặt ông biến sắc đến đó. Trong tâm thức đã đóng đinh của ông, Mai là cán bộ trẻ mà chín chắn, bản lĩnh. Lại mẫu phụ nữ thủy chung. Con người như thế sao có chuyện xấu xa nhơ nhuốc đó được. Ông chau mày... Chuyện này đâu của một người một nhà. Nó là tai tiếng cho cả xã.
- Giờ thế này bà nhé... Nghĩ mãi, ông mới cất được lời – Sáng mai, bà nói o Mai đến trạm xá. Tôi sẽ giao chị Kim hộ sinh khám và kết luận. Chưa có gì chắc chắn. Biết đâu oan cho o ấy.
Ra về, bà mang theo chút hy vọng như bí thư. Ừ, biết đâu...
Chị Kim cầm phiếu khám đến báo cáo bí thư: o Mai có thai khoảng ba tháng!
Ông Cư thừ ra bất động...
Tin bí thư đoàn xã chửa hoang ngập tràn như nước lũ. Đời nghiệt ngã là thế. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ còn xa hơn. Lại là tiếng dữ về một bí thư đoàn đẹp người đẹp nết, bao năm chỉ có khen, chỉ có mến mộ. Chỗ nào cũng tụm năm tụm ba bàn tán, tưởng đời này không còn chuyện gì nói nữa. Mồm miệng thiên hạ đầy ác ý. Họ nói bí thư đóng kịch giỏi, diễn đẹp. Bàn dân thiên hạ còn rỉ tai đoán già đoán non người đàn ông ăn nằm với Mai cho thỏa trí tò mò.
Sau nhiều lần bí thư gặp riêng, Mai vẫn nói bị cưỡng bức. Ông Cư nửa tin nửa ngờ. Dù thế nào thì cũng không trì hoãn xử lí kỷ luật. Ông triệu tập họp thường vụ sau mới họp chấp hành. Định một buổi kéo đến ba buổi. Buổi nào cũng dai dẳng quá trưa hoặc nhá nhem tối. Mai như bị “đánh hội đồng” lên bờ xuống ruộng. Chả trách thiên hạ lắm lời, độc miệng. Mấy ông bà chấp hành cũng thi nhau xới xáo quy kết không tiếc lời. Nào là vi phạm tư cách, đạo đức, lối sống của người đảng viên… làm mất uy tín người cán bộ, làm vẩn đục thanh danh một xã đang được đề nghị anh hùng… đánh mất danh dự, phẩm hạnh của người phụ nữ hậu phương với tiền tuyến...
...
Ngoài chì chiết cho hả dạ, họ vặn vẹo Mai về người đàn ông bất chính. Họ không tin Mai bị cưỡng bức.
Ba buổi họp, toàn đao to búa lớn và lời lẽ miệt thị. Biết mình có tội, dưới con mắt người đời là xấu xa nhơ bẩn, loại tội không có cơ để sửa, không dễ tha thứ nên Mai cúi đầu chịu trận.
Mai bị khai trừ Đảng và cách chức bí thư Đoàn xã.
Chứng kiến tai ách như trời giáng xuống Mai, Nhàn bàng hoàng. Nhàn không lường hết sự ghê gớm ở đời. Làm việc với nhau, Nhàn linh cảm được nỗi khổ âm ỉ của người vợ xa chồng. Giữa xuân sắc phơi phới, bụng dạ ai chẳng có lửa thiêu đốt.
Nhàn làm cấp phó cho Mai. Chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà cái đêm chết tiệt ấy, bất chợt Nhàn nảy sinh ý định điên rồ. Tưởng chuyện qua đi. Ai dè... Điều Nhàn không hiểu, sao Mai có thể cắn răng cắn lợi, ngậm đắng nuốt cay như thế.
Sau khi kỷ luật Mai, Đảng ủy phân công Nhàn làm bí thư tạm quyền. Làm chưa đầy một tháng, nhân đợt tuyển quân quy mô chuẩn bị cho chiến dịch lớn, Nhàn chích máu viết đơn xin nhập ngũ và tha thiết được vào Nam chiến đấu, dù Nhàn thuộc diện được tạm hoãn nghĩa vụ vì có anh trai đang tại ngũ. Có lẽ, đó là cách giải thoát giữa lúc bối rối. Mai đoán vậy. Trước ngày nhập ngũ, Nhàn đến chào Mai để nói lời tạ lỗi. Gặp lúc đông người, Nhàn chỉ nhờ ánh mắt nói hộ, không biết Mai nhận ra không. Nhàn về, Mai lẻn ra vườn sau quệt nước mắt...
Cả tháng nhà ông bà Trinh thưa thớt tiếng người. Bà Trinh lúc cần nói trống vài câu. Ông Trinh như cái cây bị sét chết đứng, héo khô, câm lặng. Linh cảm mơ hồ mấy năm trước đang hiện hữu trong nhà ông. Sáu năm nó ăn ở rất khéo, hóa ra khéo giả để giờ nhà ông bẽ mặt, mang tiếng xấu để đời. Đau nhất là nó phản bội chồng đang làm nhiệm vụ thiêng liêng ngoài mặt trận.
Ngày Mai bị kỷ luật, tối hôm đó, ông Trinh phán câu xanh rờn:
- Chị lòng dạ bội bạc không đáng làm vợ thằng Vịnh nữa, không đáng làm dâu nhà tôi nữa. Sớm mai chị xếp đồ đạc về bên bố mẹ đẻ mà ở. Tôi sẽ nói chuyện với ông bà Thận sau.
- Kìa ông... thư thư chút đã... - Trước sự nóng nảy của ông, bà Trinh van vỉ. Bà cũng giận Mai lắm nhưng không đến như lưỡi dao chém ngang tàu chuối.
- Không khoan dùi gì hết! Tôi chỉ có một lời!
Cổ họng nghẹn đắng. Mai quỳ xuống xin lỗi bố mẹ chồng. Một lát vào buồng vơ quần áo, sổ sách nhét vào túi. Nước mắt lã chã, Mai xin về trong đêm.
Trước cảnh tan đàn xẻ nghé, bà Trinh bật khóc. Bà lường tính, ngày hòa bình, thằng Vịnh may mắn trở về, không còn vợ, phải chịu sự trống trải ra sao, đau lòng thế nào khi vợ bội bạc...
Vừa bước chân về nhà, Mai ôm mẹ đẻ òa khóc. Bao tủi nhục dồn nén bấy lâu như được vỡ ra. Thương con gái bị thiên hạ bêu riếu, nước mắt bà Thận lăn xuống gò má, thấm nóng vai áo Mai.
Cả tháng nay, ông Thận giận dữ và xấu hổ chuyện con gái. Làm nghề bốc thuốc sái, tháng rồi, ông đóng cửa. Giờ thấy thông gia nhẫn tâm, ông nói với bà:
- Xấu đã xấu rồi, giờ người ta ép nó vào ngõ cụt, phải cưu mang lấy nó, không nó chết mất!
Chín tháng có lẻ, tính từ đêm định mệnh ở Lòi Hóp, Mai sinh một bé trai. Người nhà lẳng lặng ngắm thằng bé xem giống ai. Thằng bé sơ sinh, chưa rõ nét ai.
Con đã ba tháng. Ở nhà lấy gì nuôi con. Như cái cây gió táp mưa sa, giờ đã mặt dạn mày dày, Mai xin làm cửu vạn lò gạch của xã. Đóng gạch, bốc xếp gạch không hợp vóc dáng Mai nhưng lúc này làm gì có lựa chọn. Những ngày đầu, Mai còn hứng chịu ánh nhìn xoi mói của đám cửu vạn. Có điều ai cũng thầm chắt lưỡi trước vẻ đẹp đang như ánh trăng non của Mai.
*
Sau Hiệp định Paris, Vịnh phục viên. Trở về từ bão lửa đạn bom là điều kỳ diệu. Ba tháng ra Bắc an dưỡng, ông Trinh đã viết thư kể chuyện Mai để ngày về Vịnh khỏi bị sốc.
Ngày về Vịnh không sốc nữa nhưng đêm đầu trong buồng ngủ, đối diện với trống trải, lạnh lẽo, đơn độc Vịnh trằn trọc trắng đêm. Mai đã từng trống trải, lạnh lẽo, đơn độc sáu năm thế này ư? Sự lạnh lẽo, đơn độc còn đáng sợ hơn bom đạn ngoài chiến trường. Hôm sau Vịnh kê phản phòng ngoài để ngủ.
Một tối, việc riêng của Vịnh được bàn tính. Bà Trinh nhanh miệng để lái ý mọi người. Bà nhỏ nhẹ:
- Theo mẹ, nhà ta nên mở lòng tha thứ cho Mai. Con người ai chẳng có lúc lầm lỗi. Mẹ đàn bà, mẹ hiểu. Mai cũng đã khổ sở giữ gìn sáu năm trời chứ có buông thả ngày một ngày hai đâu...
Ông Trinh phủ nhận không thương tiếc:
- Ai biết ma ăn cỗ lúc nào! Tiếc gì cái đồ mèo mả gà đồng! Nó bôi tro trát trấu cho thằng Vịnh, cho nhà ta chưa đủ à! Bỏ...! Bỏ...!...
- Con nghĩ, chị Mai đã có con riêng nên khó hàn gắn được với anh Vịnh nữa – Viện, em trai góp thêm.
...
Chờ ngày Mai nghỉ, Vịnh sang nhà ông bà Thận để nói chuyện. Mười năm biền biệt, người mòn mỏi ngóng đợi, người không tin được trở về. Vậy mà ngày gặp lại, tình cảnh không thể trớ trêu hơn.
Xáp mặt Vịnh, Mai sượng sùng. Vịnh nhìn Mai như người xa lạ. Mai nức nở khóc. Mai muốn trút hết sự trĩu nặng bao năm chồng chất lên mình. Không dám nhìn thẳng vào mắt Vịnh, Mai gục đầu nói trong nước mắt:
- Giờ em chỉ biết xin lỗi anh. Em biết mình không còn xứng đáng với anh, không còn xứng đáng với bố mẹ bên nhà nữa.
Trước yếu thế của Mai, Vịnh động lòng trắc ẩn...
Hai người đang khó ăn khó nói thì bé Nghĩa chạy về sà vào lòng Mai.
Mai ôm con vào lòng, bối rối ngượng ngùng thêm.
Sự xuất hiện của bé Nghĩa làm Vịnh sững người. Vịnh chăm chắm soi thằng bé giống ai... Máu ghen như con rắn lại trườn lên huyết quản. Chút lòng trắc ẩn chợt đến lại chợt tan. Vịnh nhìn Mai tỏ ý thương hại. Hai người ngồi lặng lúc lâu. Cuối cùng Vịnh buông nước đôi:
- Anh chưa hết thương em... Nhưng tình thế em không về lại nhà anh được. Khổ thêm cho em...
Hơn tháng sau, Vịnh cưới Hương. Nhà Hương ở làng bên kia sông. Trớ trêu, đoàn rước dâu đi qua làng Mai. Khổ tâm rồi, Mai điếng người thêm.
Vịnh cưới vợ ngày trước thì hôm sau xã tổ chức báo tử Nhàn. Những năm cùng công tác, Mai và Nhàn không có tình tứ gì. Đứa con của hai người cũng ngoài ý muốn. Giờ Nhàn đã hy sinh, Mai thương Nhàn, thương ông bà Hạ quá!
Lễ truy điệu Nhàn, Mai không đến vì ngại. Nhìn đứa con vô tình Nhàn để lại, Mai thương nó đứt ruột. Mai nghĩ, lẽ ra phải buộc cho nó cái khăn trắng nhưng đành nén lòng vì không thể. Mấy ngày sau, lựa lúc chạng vạng, Mai dắt con đến nhà ông bà Hạ, xin phép thắp hương cho Nhàn. Trước di ảnh Nhàn, Mai thầm hứa nuôi Nghĩa nên người, chờ dịp sẽ thưa chuyện với ông bà Hạ.
Những cơn sóng dữ gối lên nhau vùi dập Mai. Mai suy sụp, người quắt queo, chẳng đủ sức trở lại làm ở lò gạch. Không lâu sau, Mai lâm chứng trầm cảm. Thời đó, người ta gọi bằng cái từ rờn rợn: điên!
Ông bà Thận khổ sở với bệnh tình của Mai, tất tả chạy thầy chạy thuốc. Xót cho đứa con xinh đẹp giỏi giang mà hẩm hiu, điêu đứng. Nghĩ đến con lúc nào nước mắt bà Thận chảy quanh lúc đó.
Bệnh tình của Mai ngày một nặng.
Rồi một đêm Mai biến mất...
Sáng sớm, mọi người bủa đi tìm và phát hiện đôi dép và túi xách bằng vải đựng đồ vặt của Mai trên bến Hàm Rồng.
Cả xã rúng động khi nghe Mai trẫm mình xuống sông Ngàn Phố. Đây là cú sốc thứ hai với làng xã. Có điều lần này cái chết bất thường tội nghiệp của Mai như có phép nghịch đảo tâm lý. Dân tình thương xót nhiều hơn độc mồm như trước.
Ông Thận thuê vạn chài cùng người nhà túc trực để vớt xác con ở eo núi Trụn Châu Sơn. Núi Trụn như cái đầu sư tử nhô ra chắn ngang dòng chảy. Theo thời gian, nước xói mòn thành cái hàm ếch sâu hoắm. Mọi vật trôi trên sông quẩn vào vòng xoáy rồi kẹt lại đây.
Túc trực bảy ngày không thấy xác Mai, người nhà ông Thận mới lọc cọc đạp xe năm mươi cây số xuống Gia Lách. Gia Lách là khúc cua của sông trước khi đổ ra biển. Xưa nay xác người chết đuối từ trên nguồn thường dạt vào cua tay áo này. Đến nơi, công an địa phương cho biết, cách hai ngày, địa phương lượm được một xác phụ nữ. Do chết lâu ngày nên khó nhận diện độ tuổi, chỉ ước chừng trung niên, quần phíp, áo phin trắng. Chờ một ngày không ai nhận, xã thuê người chôn ở bãi mồ hoang...
Đúng rồi, Mai cũng thường mặc quần phíp áo phin trắng. Mọi người đinh ninh vậy rồi vào nhận mộ.
*
Sau 1975 hai tháng, có một anh bộ đội khoác ba lô tìm nhà ông Hạ trao cho ông bà lá thư và kỷ vật của Nhàn. Thư Nhàn viết chưa kịp gửi thì hy sinh. Lá thư có thông tin vô cùng hệ trọng nên người đồng đội phải vượt đường xa để đưa tận tay. Trong thư Nhàn báo bố mẹ: đứa bé Mai sinh ra là con của Nhàn... Ông bà Hạ vui mừng khôn xiết khi biết Nghĩa là giọt máu của Nhàn để lại. Bà Hạ khóc trong sung sướng. Bà còn khóc vì thương Mai chịu bao đớn đau, tủi nhục để giữ danh tiếng cho Nhàn.
Theo phong tục dòng họ, chín năm sau, ông bà Thận cải cát cho con gái. Ông giao cho hai anh em trai và nhờ người họ hàng giúp việc đại sự này. Khi tới bãi mồ hoang hai người em giật mình thảng thốt. Mộ chị ai đào mất rồi...
Trấn tĩnh, hai anh em vào trình báo công an. Họ nói việc lâu rồi không nhớ nữa và cũng không có hồ sơ gì. Quay ra hỏi người làng, hai anh em chỉ biết: hình như ngôi mộ này hàng năm vẫn có người đến thắp hương. Do bãi hoang xa làng nên cũng không đích xác họ thắp hương mộ nào, đào bốc mộ nào. Hai anh em thất thểu, thấy thật có lỗi với chị. Do xa xôi, chín năm chỉ xuống thăm mộ chị được vài ba lần, để chị quạnh hiu giữa trời đất, để giờ người ta đào mất mộ chị.
Trở lại ngôi mộ bị đào, người em trai mếu máo: “Chị ơi, sao chị khổ thế này! Sống khổ, chết cũng chưa hết khổ! Giờ biết tìm chị nơi nào...?”. Nghe lời than vãn xót xa, Nghĩa cũng khóc theo: “Mẹ ơi con thương mẹ lắm...”. Tiếng khóc vỡ giọng của đứa con trai đang lớn làm những người cùng đi rưng rưng.
Mộ Mai bị mất như một chuyện huyền bí. Dân làng xì xào thêu dệt. Thêu dệt chuyện mồ mả luôn nhuốm màu tâm linh. Chết thảm giờ lại mất mộ, không thể oan nghiệt hơn. Điềm gở hay điềm lành? Rồi đây có sự báo oán không? Rồi đây có chuyện gì nữa không?...
Sự xì xào thêu dệt như một cơn dư chấn. Vịnh thấy mình không còn ngoài cuộc nữa. Sự ân hận xót thương Mai len lỏi vào cảm xúc Vịnh. Nghĩ tình xưa nghĩa cũ, Vịnh xin ý kiến bố xây cái miếu trên bến Hàm Rồng để linh hồn Mai có nơi trú ngụ. Thời gian đã trôi về dĩ vãng, ông Trinh thấy ngày ấy mình hơi quá nên gật đầu. Người nhà ông Thận cũng muốn vong linh Mai được tĩnh lặng nên không cản trở gì. Từ ngày có miếu, mỗi lần ra bến sông, người làng đều ghé thắp hương cho Mai.
Hai mươi năm tính từ năm Mai mất, ông bà Hạ cưới vợ cho cháu Nghĩa. Đám cưới như trong cổ tích. Người yêu của Nghĩa là Hoa, con gái đầu ông Vịnh. Ai cũng trầm trồ, cảm kích sự cởi mở của ông Vịnh. Sau cưới, họ còn nghe, khi biết Nghĩa và con gái mình có tình ý, ông Vịnh đã âm thầm nhờ người vun vén cho hai đứa, nhờ người gỡ bỏ khúc mắc để làm dịu lòng ông bà Thận.
*
Cách đây chín năm, xã Bằng Sơn thêm một phen kinh ngạc. Bà Mai như trên trời đột nhiên rớt xuống... Những người cùng thời dụi mắt, chớp chớp mắt vì không tin nổi - O Mai chết hơn bốn mươi năm vẫn còn sống.
Năm đó bà 71 tuổi. Bà mặc y phục nhà chùa. Gương mặt vẫn lưu giữ những nét ưa nhìn của hơn bốn mươi năm trước.
Những ngày mới về, ngày nào bà cũng ra miếu thắp hương. Gặp ông Vịnh, bà cảm ơn ông đã bỏ qua mặc cảm, lỗi lầm của người lớn để kết tóc xe duyên cho con trẻ. Bà xin ông đừng đập bỏ miếu. Bà nói: “O Mai ngày ấy đã chết nên cứ để miếu thắp hương cho o. Bà Mai này không phải o Mai bí thư đoàn thời ấy...”
Nguyễn Việt Hòa | Báo Văn nghệ
-----------
Bài viết cùng chuyên mục: