Sự kiện & Bình luận

“Đồng Tháp - Đất Sen hồng lắng đọng phù sa”

Kim Chi
Bút ký phóng sự
06:00 | 13/10/2024
Baovannghe.vn - Nhìn từng cơn gió lắt lay thoảng nhẹ trên cánh đồng sen hun hút mà lòng chú Hai Hương càng thêm khắc khoải. Dạo quanh một vòng, tay chú nâng niu từng cánh sen mỏng trong nắng, bất chợt thấy mùi hương thoảng nhẹ từ loài hoa vươn lên từ bùn lầy nhưng trắng trong, tinh khiết.
aa

Nhìn từng cơn gió lắt lay thoảng nhẹ trên cánh đồng sen hun hút mà lòng chú Hai Hương càng thêm khắc khoải. Dạo quanh một vòng, tay chú nâng niu từng cánh sen mỏng trong nắng, bất chợt thấy mùi hương thoảng nhẹ từ loài hoa vươn lên từ bùn lầy nhưng trắng trong, tinh khiết. Bao kí ức trong chú ùa về cùng những kỉ niệm của một thời gian khó ở cái nơi đã dung dưỡng một tình yêu, ở cái nơi đã cưu mang mình từ thuở ban đầu khi đặt chân tới Đồng Tháp.

Là một người con của quê hương Thanh Hoá, chú Hương luôn ấn tượng về cây sen, một loài thảo mộc miền quê nhưng thật nồng nàn quyến rũ. Sen thì rải rác từ Bắc, Trung, Nam đều xanh tươi muôn hoa khoe sắc, vẫn kiên cường vươn lên trong điều kiện khắc nghiệt nhất. Sen là hiện thân của những con người gan góc oai hùng, dù trong phong ba, bão táp nhưng vẫn ung dung tiến bước, rũ bùn đứng dậy sáng loà.

Sen Đồng Tháp không chỉ đẹp dung dị nên thơ, lung linh sắc màu, mà còn lan toả niềm kiêu hãnh, sức sống mới. Chính vì lẽ đó mà nó là mối lương duyên để chú Hai thêm yêu quý và mãi gắn bó với đất Sen Hồng như ấp ủ niềm đam mê gần năm mươi năm về trước.

Đến tận bây giờ, nghe kể chuyện năm xưa mới thấy chú Hai yêu thích loài hoa này bởi nó mang giá trị lớn không chỉ giúp đưa hình ảnh Đồng Tháp đến với bạn bè trong khu vực và quốc tế, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho người dân lao động ở địa phương.

Chú Hai trầm tư kể về những người nông dân nói chung, nơi quê nhà của mình cũng thế. Điệp khúc “được mùa mất giá” luôn là nỗi lo canh cánh trong lòng của những con người cần mẫn sớm hôm; lam lũ, một nắng hai sương, vật lộn với cái nắng, cái gió của đồng ruộng bao la được ngân nga trong từng câu hò, điệu hát. Thường thì những người nông dân chất phác thiệt thà hay bảo nhau trồng cùng một loại nhưng chưa biết sản phẩm làm ra nó đi đâu, về đâu. Cứ miệt mài chăm bón vài ba năm lại đốn bỏ cây này, trồng cây khác theo xu thế tiêu dùng của tư duy ao làng.

Thế rồi, ngẫm lại sức lao động đã hao mòn dần theo năm tháng nhưng tương lai thì vẫn còn mờ mịt từ phía xa xa, chưa chạm đến với cái gọi là hiện hữu. Bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, bao nhiêu đời người nông dân cứ nối tiếp nhau vất vả nắng mưa nhưng cái nghèo, cái khó luôn đeo bám họ mà không sao thoát ra khỏi vòng lao đao ấy. Rồi tình thương yêu những người dân lao động hiền hoà, luôn chịu thiệt thòi của chú Hai cũng bắt nguồn từ đó.

Biết tôi tâm đắc chiến lược về các sản phẩm sen của công ty, chú Hai hào hứng kể. Là quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế chiến trường Tây Nam ở những năm 70 của thế kỉ trước, được nhà nước bố trí một căn nhà tại thành phố Hồ Chí Minh để tạo lập sự nghiệp chốn đô thị phồn hoa nhưng chú quyết định cùng gia đình chọn Đồng Tháp là quê hương thứ hai cho tương lai của mình. Tôi ngạc nhiên hỏi, lí do vì sao chú không chọn địa phương khác để lập nghiệp mà lại là Đồng Tháp. Và tại sao Đồng Tháp nhiều tiềm năng thế mạnh từ nguồn tài nguyên bản địa mà chú không chọn để khởi nghiệp mà lại chọn chỉ duy nhất cây sen. Chú cười hiền, bảo nhiều người cũng thắc mắc như thế, Đồng Tháp dù là địa phương khuất nẻo nhưng có nhiều dấu ấn đặc biệt, nên chú quyết định chọn nơi đây gầy dựng sự nghiệp cho chính mình.

Gọi là dấu ấn đặc biệt bởi vì Đồng Tháp chan chứa tình đất, tình người qua cách ứng xử chân thành, mộc mạc của người dân. Dù chỉ mới gặp lần đầu như đã quen nhau tự bao giờ. Bởi văn hoá sông nước đã hình thành nên tư tưởng, cách sống phóng khoáng, rộng lượng bao dung, không so đo thiệt hơn, luôn nhường nhịn sẻ chia nhau trong cuộc sống. Ấn tượng mang tầm giá trị cao nữa là trải qua nhiều giai đoạn phát triển kinh tế xã hội ở tỉnh nhà, Đảng bộ, chính quyền Đồng Tháp luôn đồng hành, thân thiện, nhất là tháo gỡ những khó khăn vướng mắc với người dân mà doanh nghiệp rất cần sự sẻ chia đó.

Dấu ấn tiếp theo chính là cây sen. Sen chỉ mới được nghe trong ca dao, thơ ca, các nhạc phẩm thôi thì đã ngây ngất trong lòng. Khi tìm hiểu thực tế thì Đồng Tháp là thủ phủ của cây sen, và sen cũng được xem là nét văn hoá riêng có của người dân Đồng Tháp Mười được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Sen Đồng Tháp còn bao hàm những câu chuyện văn hoá ấn tượng nhất. Trong đời sống văn hoá dân gian, cây sen được người dân chọn dùng hoa để trưng bày, trang trí cúng lễ, hội họp quan trọng. Khi bàn về ẩm thực, sen dường như được tận dụng tinh tế sử dụng từng bộ phận cây sen như lá già để gói cơm, gói bánh; đọt non dùng ăn với cá lóc nướng trui; hạt sen làm mứt, làm bánh, nấu chè, hầm các món chay mặn; củ sen thì nấu canh, nấu tiềm, làm dưa. Ngay cả tim sen tuy có vị đắng nhưng dùng làm thức uống giúp an thần, ngủ ngon… Và đằng sau đó là những câu chuyện, những điều trăn trở với sự đam mê, với trách nhiệm của người yêu sen chú Hai muốn góp phần giữ gìn nét văn hoá cây sen cho thế hệ mai sau…

Công nhân đang lựa chọn từng cánh sen trước khi chế biến trà.
Công nhân đang lựa chọn từng cánh sen trước khi chế biến trà.

Quay về câu chuyện khởi nghiệp của chú Hai Hương, cựu quân nhân chân thành, cởi mở. Chú bảo, nghề là sự lựa chọn, nó luôn gắn liền với niềm đam mê và chuyên môn mà hướng đến. Một khoảnh khắc, một cuộc đời luôn là mạch nguồn để đưa chú đến với ước mơ, hoài bão từ cây sen Đồng Tháp. Ngành Y mà chú đã cống hiến mấy mươi năm khi còn ở quân ngũ và Ban Bảo vệ sức khoẻ Trung ương cũng là nền tảng để bản thân chú luôn tìm tòi, nghiên cứu ra các sản phẩm độc đáo, giá trị lâu dài từ sen. Chú muốn đóng góp sức mình cho quê hương Sen Hồng nhiều hơn nữa mặc dù hiện tại không còn trẻ.

Nghĩ là một chuyện, nhưng khi bắt tay vào làm lại là chuyện khác. Không phải như nghiên cứu một công thức, cách làm một món ăn, thức uống đa dạng ngoài kia, chỉ cần click chuột là hàng loạt hướng dẫn đưa ra, ta chỉ cần chọn và làm theo cách của mình là được. Nhưng với chú Hai, suy nghĩ lại thấu đáo hơn.

Nỗi khắc khoải đợi chờ một ngày sản phẩm từ sen được chú lập trình từ sự đam mê trong từng công đoạn chế biến. Mỗi lời nói, hành động chú sẻ chia, niềm tự hào về khí hậu, địa hình và đất đai thổ nhưỡng mà thiên nhiên ban tặng cho những ai vinh dự là công dân đất Sen Hồng như hướng tới một tương lai đầy hứa hẹn. Cái nơi được gọi là “thiên thời, địa lợi, nhơn hoà” nhưng cũng không ít gập ghềnh sóng gió. Hàng tỉ đồng bỏ ra khi chất lượng sản phẩm được gọi là cơ bản thành công, nhưng chú không mấy hài lòng. Vì tiêu chuẩn chú đặt ra phải hội tụ một vấn đề mang đến sức khoẻ cho người tiêu dùng buộc sản phẩm an toàn là quan trọng nhất.

Thất bại một lần là bài học, là kinh nghiệm cho những lô hàng lần sau. Bởi say mê nghiên cứu, dần dà chú Hai tìm ra một lỗi nhỏ trong khâu sản xuất. Trà sen bị nhiễm nấm sau khi test sản phẩm. Sen trồng đại trà giữa cánh đồng bao la, trong suy nghĩ người ta, sen chỉ đón ánh nắng vàng, hứng giọt mưa sa, bám vào lòng đất những hạt phù sa ngào ngạt. Đó chỉ là mắt thường, nhưng khi vào ống kính của ngành Y thì nó thật vô số vi khuẩn, nấm. Chúng theo từng cơn gió tạt ngang, hoặc do bàn tay con người ít nhiều vấn vít trên từng bộ phận của cây sen.

Hàng tấn sản phẩm chú Hai đành thắt ruột bỏ đi để rồi thương hiệu Trà Sen Dotha Lotus ở thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình được phát triển bền vững như hôm nay. Cái khó của nguyên liệu đầu vào từ sen phải được chắt chiu, bảo quản nghiêm ngặt ở khâu chăm sóc đến khi thu hoạch. Cần đảm bảo theo quy chuẩn của an toàn thực phẩm. Cây sen đã gắn bó bao đời với người nông dân chất phác, hiền lành, trong cách làm từ tập quán xa xưa. Họ cần cù, chăm chỉ nhưng khi bàn về nông nghiệp sạch thì còn lắm điều bỡ ngỡ. Với thói quen, kinh nghiệm “trông trời, trông đất, trông mây” và “nhất nước, nhì phân” đã ăn sâu vào tiềm thức khó có thể thay đổi được. Tư duy giữa cái cũ và cái mới đan xen, sự đấu tranh giữa kinh nghiệm của cái gọi là phong tục và tiến bộ xã hội vẫn khó dứt ra để thích nghi trong xu thế mới. Nó không phải giải quyết ngày một, ngày hai mà cần phải có thời gian và yếu tố con người tác động là rất cần thiết.

Biết là khó, là bao thách thức trong hành trình để khai sáng nguồn tài nguyên bản địa quê nhà, nhưng chú Hai không hề nản chí. Chú càng yên tâm hơn khi cả năm người con đều theo ngành Y của cha, là động lực, là niềm tin ở bề dày kinh nghiệm và chuyên môn nên dẫn dắt người nông dân trồng sen theo quy mô sạch. Dần dần công ty đã khắc phục những lỗ hổng về khâu vệ sinh thực phẩm như những ngày đầu chân ướt, chân ráo bắt tay vào nghề.

Từ thế mạnh đó, những hộ dân ở Tháp Mười, Tam Nông Thanh Bình trồng và chăm sóc sen trên những cánh đồng màu mỡ của vùng đất Đồng Tháp Mười hoang sơ ngày nào đã dần thích nghi với cách làm mới. Khó có thể tin được sức đột phá của những người nông dân “ăn chắc, mặc bền” xưa kia chưa hề biết kinh doanh, mua bán. Sản phẩm làm ra để tiêu dùng hoặc chỉ trao đổi qua lại với bà con trong phạm vi nơi mình sinh sống. Bà con còn biết tận dụng cánh đồng sen phát triển du lịch, đưa hình ảnh đất Sen Hồng ngày càng vươn xa mãi màu sen tươi thắm trên khắp mọi miền đất nước.

Đồng Tháp khí hậu ôn hoà với hai mùa mưa nắng, phù sa quanh năm mang đến dinh dưỡng cho cây trồng thêm xanh. Bởi thế cây sen càng dễ thích nghi với hạt phù sa lắng đọng mà lượng phân bón giảm đi rất nhiều. Nguồn sản phẩm sen thu được đảm bảo sạch, an toàn cung cấp cho Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Hương Sen Đồng Tháp với giá cả ổn định. Cây sen được quản lí như thế này nên phía công ty thu mua tất cả các bộ phận từ gốc đến ngọn nên bà con rất phấn khởi.

Cánh đồng sen thì ngày một nhuộm màu xanh thẫm bởi sức sống mãnh liệt với sự dịu dàng của thiên nhiên. Từng cánh hoa đung đưa trong gió lắc lư chạm vào nhau như kết tinh nguồn dinh dưỡng dạt dào từ những chiếc gương sen rắn rỏi vẫy gọi trong ánh ban mai. Cũng với các tiêu chí này, sản phẩm Trà Sen Dotha Lotus chiếm thị phần lớn tại thị trường nội địa và đã xuất khẩu sang thị trường khu vực và quốc tế.

Thành công bước đầu đã tạo bước ngoặt lớn để nung đúc niềm say mê nghiên cứu của chú Hai Hương. Bao giờ chú cũng tự hỏi mình làm sao nâng giá trị từ cây thảo mộc này. Rồi bằng sự đam mê, tâm huyết của người sáng lập về triết lí kinh doanh, chú đã miệt mài nghiên cứu cho ra đời nhiều sản phẩm chất lượng như: trà (tâm sen, trà sen Dotha Lotus), bột sữa sen, sữa hạt sen… đều được công nhận đạt Ocop 4 sao. Trong đó, sản phẩm trà sen Dotha Lotus và sữa hạt sen Dotha Lotus được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Một vấn đề đáng quan tâm là thương hiệu Dotha Lotus tạo nên điều kì diệu của sự giao thoa thổ nhưỡng giữa hai miền Nam Bắc: hoa sen Đồng Tháp và trà Tân Cương Thái Nguyên. Một dòng trà sen mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam “Trà Sen Dotha Lotus” đã ra đời đang chinh phục, gửi gắm tình yêu quê hương Đồng Tháp nói riêng và đất nước Việt Nam thân yêu nói chung đến hàng triệu con tim Việt đang sinh sống và làm việc ở các quốc gia trên thế giới. Từng sợi khói trà ngất ngây, vị trà nhàn nhạt màu nắng thơm lừng kèm theo vị đăng đắng ngòn ngọt để cho ai đó đi xa trong khoảnh khắc nhất định như níu giữ hình ảnh quê hương luôn canh cánh bên mình.

Nói về công đoạn ướp trà, chú Hai kì công nghiên cứu chọn lọc từ hàng vạn bông trên cánh đồng sen bao la với diện tích hàng trăm héc ta của tỉnh Đồng Tháp. Phải là bông sen mới chớm nở, mới có hương thơm đậm đà nhất, kết hợp tinh tuý giữa trà ngon Tân Cương Thái Nguyên cánh mỏng, là những cây trà quanh năm sương phủ. Quy trình hoàn toàn thủ công, từ công đoạn thu hái đến ra thành phẩm để bảo đảm vị và màu sắc của trà. Công đoạn ướp trà, vẫn giữ phương pháp truyền thống đầy công phu, sau khi ướp xong thì hương thơm của sen quyện vào trà Thái Nguyên. Sen thì đem đi sấy khô được giám sát nghiêm ngặt từ công đoạn sơ chế, chế biến và thành phẩm. Bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, hướng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Trong sự vùng vẫy vươn lên của quê hương Sen Hồng như con tàu vươn ra khơi xa sẽ bâng khuâng chút hơi biển mặn, chút nắng, chút gió lao xao, chút sóng dập dềnh để rồi giữa đại dương mênh mông mang đến sự mặn nồng về một khát vọng bay xa. Đồng Tháp luôn là nơi nuôi dưỡng những con người có ước mơ, hoài bão lớn bởi cái nôi văn hoá về tình đất, tình người luôn chất chứa yêu thương. Có lẽ vì vậy mà ngày càng xuất hiện nhiều con người mới như chú Hai Hương luôn ăm ắp một niềm tin phía trước.

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Trải nghiệm khám phá cao nguyên đá Đồng Văn- miền trầm tích cực Bắc tổ quốc Tươi tắn Đỗ Chu - Bút ký chân dung của nhà văn Tô Hoàng Má Sáu Ngẫu và tấm bản đồ chỉ đường tiến công vào Sài Gòn - Bút ký của Phạm Xuân Trường Đến hẹn lại về Về miền mơ tưởng
Văn nghệ số 41/2024
Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) sẽ công diễn vở "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" vào ngày 24/10 do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn.
"Cu li không bao giờ khóc" giành giải  FIPRESCI  - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

"Cu li không bao giờ khóc" giành giải FIPRESCI - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

Baovannghe.vn - Sau chiến thắng tại Liên hoan, Phim Cu li không bao giờ khóc cũng đã được ấn định lịch phát hành tại Việt Nam vào ngày 15/11 tới.
Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Baovannghe.vn - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh, trong đó có quy định rõ về các đối tượng được tuyển thẳng, được hưởng ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10
Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Baovannghe.vn- Ngày 22.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo , dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027.