Sáng tác

Chùm tiểu luận của Costica Bradatan: Tái sinh trong ngôn ngữ thứ hai

Hải Ngọc
Văn học nước ngoài
10:00 | 06/09/2024
Baovannghe.vn - Khi bạn là nhà văn, bạn không làm việc trong sự trừu tượng mà luôn trong quan hệ với một ngôn ngữ nhất định. Viết là cắm rễ vào trong ngôn ngữ ấy
aa
Chùm tiểu luận của Costica Bradatan: Tái sinh trong ngôn ngữ thứ hai

Costica Bradatan là triết gia, giáo sư người Mỹ gốc Romani tại Đại học Công nghệ Texas (Mỹ). Ông cũng là biên tập viên các chủ đề về tôn giáo và nghiên cứu so sánh cho tờ The Los Angeles Review of Books.

Trong tác phẩm trình bày những suy ngẫm về đạo Thiên Chúa, Bức thư gửi một linh mục (Letter to a Priest) - tác phẩm được viết một năm trước khi tác giả qua đời vào năm 1943, Simone Weil đã đưa ra một nhận định đáng lưu ý: “Đối với bất kì người nào, việc đổi tôn giáo cũng là một điều nguy hiểm như việc đổi một ngôn ngữ đối với một nhà văn. Nó có thể thành công song cũng có thể dẫn đến những hậu quả khốc hại.” Triết gia người Romani, Emil Cioran, người đồng thời cũng là một nhà văn, đã nói đến việc đổi ngôn ngữ như một sự kiện thảm họa trong tiểu sử của bất cứ tác giả nào. Và quả là đúng như thế.

Thế giới tự phát lộ chính nó theo một cách nào đấy đối với nhà văn Nhật Bản và theo một cách khác với một người viết bằng tiếng Phần Lan.

Khi bạn là nhà văn, bạn không làm việc trong sự trừu tượng mà luôn trong quan hệ với một ngôn ngữ nhất định. Viết tức là cắm rễ vào trong ngôn ngữ ấy, càng trở thành nhà văn giỏi, cái rễ đó lại càng cắm sâu hơn. Những bậc thầy văn chương luôn cho thấy một khoái cảm khi được vùi sâu vào mảnh đất quen thuộc. Nói chung, nếu vì bất cứ lí do gì, nhà văn phải thay đổi ngôn ngữ, điều đó không khác nào việc anh ta bị đặt trước một mối đe dọa đối với chính sự sống của mình. Không chỉ là việc anh ta sẽ phải bắt đầu lại mọi thứ từ số không mà còn là ở chỗ anh không được làm những gì anh đã từng làm gần như trong suốt phần đời trước đó của mình. Việc đổi ngôn ngữ không dành cho những kẻ nhút nhát, cũng không dành cho những người thiếu kiên nhẫn.

Là một sự kiện đau đớn trong đời người, nếu nhìn một cách nghiêm ngặt, song kinh nghiệm này cũng có thể khơi gợi mạnh mẽ những suy tư triết học. Hiếm khi nào chúng ta lại có cơ hội quan sát một sự tái tạo bản ngã kịch tính hơn thế. Vì ngôn ngữ của một nhà văn, còn hơn cả một phương tiện biểu đạt đơn thuần, trên hết, là một phương thức tồn tại chủ quan và là một cách để trải nghiệm thế giới. Anh ta cần ngôn từ không chỉ để mô tả sự vật, mà để nhìn chúng. Ngôn ngữ của một nhà văn không chỉ là cái gì đó anh ta sử dụng mà là bộ phận cấu thành nên mà anh ta là. Đó là lí do tại sao việc phải bỏ rơi tiếng mẹ đẻ và chấp nhận một ngôn ngữ mới cũng có nghĩa là tự tháo dỡ bản thân, từng chút một, rồi sắp xếp lại bản ngã của mình trong một hình thức mới.

Đầu tiên, khi đổi ngôn ngữ, bạn phải chấp nhận đi xuống điểm không của sự tồn tại của chính mình. Thậm chí hẳn phải có một thời điểm, dẫu ngắn ngủi, bạn phải chấm dứt là chính bạn. Bạn vừa mới lìa bỏ thứ ngôn ngữ cũ và ngôn ngữ mới thì vẫn chưa chấp nhận bạn; giờ đây bạn ở trong tình trạng lấp lửng, giữa hai thế giới, chơi vơi trên vực thẳm. Sự thay đổi ngôn ngữ thường xảy ra khi nhà văn bị lưu đày hoặc tự lưu đày. Thế nhưng sự lưu đày trong không gian vật chất còn được nhân đôi trong những trường hợp mà chủ thể trải nghiệm sự lưu đày từ bản thể - sự tự cảm thấy mình ở bên mép rìa của đời sống. Cứ như thế, tại một thời điểm, nhà văn như đi giữa một sự trống rỗng - qua vết nứt hẹp giữa các ngôn ngữ, nơi không có từ ngữ nào để nắm giữ và chẳng có gì có thể gọi được tên - bản ngã của nhà văn như không còn nữa. So sánh của Weil, ví trường hợp này với sự cải đạo, thực ra, hoàn toàn không cường điệu, vì cũng tương tự kẻ cải đạo, nhà văn đổi ngôn ngữ cũng phải trải qua kinh nghiệm của sự chết và tái sinh. Người ta chết đi và rồi trở lại như một con người mới. Nói như Cioran, “Khi tôi đổi ngôn ngữ, tôi xóa sổ quá khứ của mình, tôi biến đổi toàn bộ đời mình.”

Khi bắt đầu viết bằng thứ ngôn ngữ mới, thế giới như được khai sinh trước mắt nhà văn. Thế nhưng sự tái sinh đặc biệt hơn cả chính là sự tái sinh của chính nhà văn. Đây là dự phóng kiến tạo lại tổng thể bản ngã, nơi không một hòn đá nào được ném trở lại, không có gì trông y nguyên như trước được nữa. Tiếng mẹ đẻ của ai - bản ngã trước kia của anh - dường như dần dần xa lạ với chính anh. Song điều này chẳng làm anh bận tâm nữa; trên thực tế, anh đợi đến lúc mình sẽ sử dụng nó như một thứ ngoại ngữ khác. Không lâu sau khi chuyển sang sử dụng tiếng Pháp, Beckett, một người Ai-len, đã than phiền về ngôn ngữ Anh, tiếng mẹ đẻ của ông: “Thứ ngôn ngữ khủng khiếp, mà giờ tôi vẫn còn biết về nó quá rõ.” Lời hứa hẹn về sự đổi mới toàn diện về bản thể đến cùng với một thứ ngôn ngữ mới không phải là điều thiếu chất kích thích.

Khi được tái sinh theo cách này, dường như nhiều khả năng được mở ra; anh được trao cho cơ hội để tái tạo mình theo bất kì hình dạng nào anh chọn. Anh là đấng sáng tạo của chính anh: nói theo cách nào đó, từ chỗ không gì cả, anh có thể trở thành mọi thứ. Năm 1954, khi được hỏi vì sao lại đổi ngôn ngữ, Beckett trả lời “vì muốn được trở thành kẻ thiếu trang bị” (need to be ill-equiped). Đó là một câu trả lời tinh quái vì nếu nghe thật chăm chú, ta sẽ nhận ra có một tham vọng hàm ẩn trong đó. Vì trong tiếng Pháp, ý muốn “trở thành kẻ thiếu trang bị” (d’être mal armé) nghe không khác lắm với ý muốn “trở thành một Mallarmé khác” (d’être Mallarmé). Bất cứ cái gì kém tầm hơn Mallarmé đều không đáng là tham vọng của một Beckett đang tìm kiếm một bản ngã mới. Cuối cùng, ông không trở thành Mallarmé, mà là Samuel Beckett, một tác giả Pháp ngữ với những tác phẩm như Molloy, Malone chết (Malone Dies) hay Chờ Godot (Waiting for Godot), điều đó có lẽ cũng thỏa mãn được tham vọng của ông. Nhưng cứ như thể vẫn chưa thấy mình hoàn toàn biến thành kẻ lạ khi đổi sang viết một ngôn ngữ mới, ông còn tự làm mình xa lạ hơn với chính bản thân ông bằng việc một lần nữa dịch tác phẩm viết bằng tiếng Pháp của mình sang tiếng Anh. Ở đâu đó Beckett từng xác nhận rằng ông thích tiếng Pháp hơn vì nó cho phép ông viết “không cần phong cách”. Song viết “không cần phong cách” là một trong những phong cách viết khó theo đuổi nhất; thực sự người ta cần được trang bị đầy đủ.

Trở thành nhà văn viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình có lẽ là một điều tự nhiên. Đạt đến trình độ tự ý thức trong ngôn ngữ ấy, đồng hóa bản ngã của mình vào tiếng mẹ đẻ, nhà văn có cảm giác mình được đặt vào một vị thế hưởng nhiều ưu tiên: anh ta chỉ cần hoàn thiện những gì mình đã được nhận về. Nhưng cứ cho là vậy, một sự rèn luyện nghiêm khắc, ý thức kỉ luật và sự bền bỉ vẫn cần thiết; rốt cục, nghệ thuật là sự đối lập với tự nhiên. Tuy nhiên, dù bạn nhìn vấn đề này thế nào đi nữa, vẫn có một cảm giác rất rõ về sự liên tục và sự tiến triển mang tính chất hữu cơ trong quỹ đạo của một nhà văn viết bằng tiếng mẹ đẻ.

Trở thành nhà văn viết bằng thứ ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của mình là điều không thuận theo tự nhiên; không có gì mang tính hữu cơ ở quá trình này, đó là một quá trình nhân tạo. Không có “những bản năng” ngôn ngữ dẫn lối cho bạn, các thiên thần hộ vệ của ngôn ngữ hiếm khi thì thầm vào tai bạn; bạn thực sự đơn độc. Nói như Cioran: “Khi viết bằng tiếng Romania, từ ngữ không độc lập với tôi. Ngay khi tôi viết bằng tiếng Pháp, tôi phải ý thức chọn từng từ. Tôi thấy chúng ở trước tôi, bên ngoài tôi, mỗi từ đứng ở vị trí của mình. Và tôi chọn chúng: Nào, giờ ta sẽ lấy mi, rồi đến mi.”

Nhiều người khi chuyển sang viết một ngôn ngữ thứ hai đã hình thành một sự nhạy bén đặc biệt về ngôn ngữ. Trong một bài trả lời phỏng vấn năm 1979, bảy năm sau khi chuyển từ nước Nga quê hương sang định cư tại Mỹ, Joseph Brodsky đã nói về “mối tình” đang tiến triển của ông với tiếng Anh. Ngôn ngữ là một sự hiện hữu gây choáng ngợp đối với những người lựa chọn như vậy đến nỗi nó dẫn đến việc họ cấu trúc nên những tiểu sử mới cho mình. “Tiếng Anh là thứ thú vị duy nhất còn lại trong đời tôi.” Brodsky nói. Ban đầu, nhu cầu tìm kiếm từ ngữ phù hợp nhất giống như một mối quan tâm, rồi điều đó chuyển thành một nỗi ám ảnh, và cuối cùng trở thành một cách sống. Những nhà văn này nổi trội trong cách ứng xử với điều vạn bất đắc dĩ này: từ nhu cầu muốn hiểu một ngôn ngữ mới, họ trở thành những kẻ bị ngôn ngữ ám; từ chỗ quan tâm đến việc nói sao cho đúng, họ bắt buộc trở thành những nhà ngữ pháp học.

Khi rời sang Pháp ở tuổi 26, thực sự Cioran chưa thực sự thành thạo ngôn ngữ này, thế nhưng cuối cùng chính ông lại một trong những nhà phong cách học vĩ đại nhất của văn chương Pháp ngữ. Tương tự, Joseph Conrad học tiếng Anh tương đối muộn nhưng điều đó đã không thể ngăn ông trở thành một trong những đại diện tinh tế nhất của ngôn ngữ này. Vladimir Nabokov chắc chắn cũng là một đại diện tiêu biểu nữa, dù ông bắt đầu học tiếng Anh từ khá sớm. Vẫn là mô hình ấy lặp lại liên tục: mọi thứ hình thành từ không gì cả, từ tình trạng ngắc ngứ, không biết gì đến chỗ trở thành người sáng tạo nên một lối diễn đạt tinh tế nhất.

Đến đoạn kết tiểu thuyết Farenheit 451 của Ray Bradbury, độc giả bắt gặp một điều mà ý nghĩa của nó còn vượt quá khuôn khổ câu chuyện. Đó là cảnh nhân vật Montague gặp những “người sách”. Trong một thế giới nơi sách in bị cấm, họ dành cả đời mình để bảo tồn những “cuốn sách vĩ đại” của nhân loại, mỗi người từ ràng buộc kí ức của mình với một cuốn sách và cả cuộc đời, họ chỉ làm việc diễn ngâm cuốn sách ấy. Họ là những văn bản sống, là hiện thân của ngôn ngữ - những nhân vật ấy. Ngoài việc những kiệt tác đó trú ngụ trong họ, con người của họ không có ý nghĩa gì nhiều nữa. Thân thể của họ chỉ nhỏ bằng trang giấy in của cuốn sách. Nói theo cách nào đó, một nhà văn đổi ngôn ngữ cũng không khác nhiều lắm với những nhân vật này. Kết quả là, vì bắt buộc phải bận tâm vì độ chính xác của ngôn ngữ và sự hoàn thiện của phong cách, một quá trình giống như thuộc địa hóa đã xảy ra: ngôn ngữ thẩm thấu tất cả các chi tiết của cuộc đời nhà văn, nó thấm nhuần và nhào nặn lại cuộc đời ấy, nó khẳng định sự thống trị của mình lên cuộc đời của nhà văn - nó chiếm đoạt anh ta. Bản ngã của nhà văn giờ phải chịu sự chiếm giữ của một quyền lực xâm lấn: từ chính sự viết của anh ta trong một ngôn ngữ mới.

Hiểu theo nghĩa nhất định, cũng có thể cho rằng, rốt cục, anh đâu có thật sự thay đổi ngôn ngữ: mà chính là ngôn ngữ thay đổi anh. Ở một cấp độ sâu hơn, cá nhân hơn, viết văn bằng một ngôn ngữ khác có một phẩm chất biểu hành rất đặc thù: khi anh viết một điều gì đó xảy ra với mình thì ngôn ngữ đồng thời sẽ tác động lên anh. Cuốn sách anh viết cuối cùng sẽ viết lại chính anh. Kết quả này giống như một quá trình “biến thành ma” (ghostification). Vì đổi một ngôn ngữ, đối với nhà văn, cũng có nghĩa là trải qua một quá trình phi vật chất hóa: trước khi anh nhận ra điều này, anh chỉ có thể là ngôn ngữ, chứ không phải cái gì khác. Bỗng một ngày, một trực giác nào đó bắt đầu xuất hiện trong bạn, nói cụ thể hơn, nó nói với anh, rằng anh không còn được hình thành nên chủ yếu từ xương thịt nữa, mà từ những dòng, những vần, những thủ pháp tu từ, những mô thức tự sự. Cũng như những “người sách”, anh chẳng là gì hơn những văn bản trú ngụ trong anh. Thay vì là những người đàn ông, đàn bà bằng xương bằng thịt, giờ đây anh là phần da thịt của bản thân ngôn ngữ, là một dự phóng văn chương, rất giống với những cuốn sách mà anh viết. Nhà văn, người đổi ngôn ngữ, thực sự là một nhà văn “ma” - người duy nhất xứng đáng với cái tên ấy.

Trải qua những điều này, trải qua đớn đau của sự thay đổi ngôn ngữ, trải qua những nghi thức chết - tái sinh, đôi khi anh được trao cho - một thứ giống như phần thưởng - một khả năng thấu thị siêu hình về một cái đẹp lạ lùng, man dại. Chính ý niệm này khiến ta có thể nghĩ thế giới này chẳng là gì khác hơn một câu chuyện đang hình thành và chúng ta, những kẻ trú ngụ trong đó, chẳng là gì khác hơn những nhân vật của câu chuyện ấy. Những nhân vật đi tìm tác giả của mình. Quả đúng là thế đó.

Chùm tiểu luận của Costica Bradatan: Tái sinh trong ngôn ngữ thứ hai
Ảnh minh họa. Nguồn internet

Khoái cảm hủy hoại của chúng ta

“Tôi, chẳng hạn,” người kể chuyện vô danh trong tác phẩm Bút kí dưới hầm (1864) của Fyodor Dostoevsky, “sẽ chẳng mảy may ngạc nhiên nếu đột nhiên, không biết từ đâu, giữa thế giới hữu lí phổ quát này, lại xuất hiện một gã ti tiện, hay khá khẩm hơn, một kẻ ngược đời, thích nhạo báng, tay chống nạnh và nói với tất cả chúng ta: “Vâng, thưa các vị, tại sao chúng ta không giản lược cả mớ những thứ hữu lí này thành bụi bằng một cú đá trúng phóc, đem gửi tất cả những phép toán logarithm này cho quỷ dữ và sống thêm một lần nữa theo ý chí ngu ngốc của chính mình! Vẫn sẽ chẳng có gì sất, nhưng điều xúc phạm ở đây là hắn ta chắc chắn sẽ tìm thấy những kẻ hưởng ứng mình bởi con người vốn dĩ đã được cấu tạo nên như thế.”

Những suy nghĩ của nhân vật mà dường như giờ đây đã trở nên thích đáng - không chỉ qua sự kiện Donald Trump nắm quyền lực tại Nhà Trắng mà qua sự trỗi dậy của cảm thức và đường lối chính trị dân túy ở những khu vực khác trên thế giới. Song dù mang giọng điệu chế giễu, cười cợt, những bình luận của người dưới hầm vẫn mang những ngụ ý nghiêm túc và sâu xa. Vì, xét đến cùng, điều y nói với chúng ta ở đây là câu chuyện về một sự mù quáng thảm họa có tính lịch sử.

Một thời gian trở lại đây, ở phương Tây, chúng ta sống theo một số giả định văn hóa về việc “Thế nào là người?”: rằng con người bị thúc đẩy bởi một “cuộc truy cầu hạnh phúc” mang tính duy lí, rằng họ lựa chọn - một lần nữa, theo lí trí - cái gì là tốt nhất cho mình, cái gì đem đến lợi ích cho cá nhân và tập thể. Một phần nhờ di sản của thời kì Khai Sáng này, chúng ta đi đến mặc định lịch sử là sự tiến bộ, hướng đến sự dung nạp, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, khoan dung và thừa nhận lẫn nhau và lòng cuồng tín, thói bài ngoại, sự khắc nghiệt và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc sẽ dần dần biến mất như là “tất yếu lịch sử”. Vì lịch sử, như Hegel đã dạy chúng ta (mà chúng ta lại hiếm khi thách thức ông thầy này), thực ra chỉ là sự mở dần dần chiều kích lí tính trong thế giới.

Những mặc định này được phản chiếu qua cách mà triết học chính mạch kiến tạo chủ thể người. Cái định nghĩa nên con người chủ yếu là năng lực lí tính của chúng ta; chúng ta bao giờ cũng sử dụng lí trí của mình để đưa ra những quyết định, liên hệ với kẻ khác và thế giới quanh mình, làm chủ cuộc đời mình. Cứ cho là chúng ta có những cảm xúc, có năng lực cảm nhận và đam mê, nhưng không hiểu vì sao, trong cuộc truy cầu dự phóng triết học của chúng ta, những phương diện cấu tạo nên bản chất của chúng ta. Chúng không phải là những thứ làm nên chúng ta; chúng ta, về cơ bản, là những “tác nhân lí tính” (rational agents).

Giả định này có những lợi ích của nó. Vì hành vi kinh tế và xã hội của những nhân tố như thế có thể dự đoán được - thực vậy, hành vi ấy có thể được nhào nặn, kích thích, thậm chí điều khiển. Không những ta có thể biết những tác nhân lí tính ấy sẽ mua một sản phẩm nào đó mà nhờ vào những thủ thuật market nhất định, họ sẽ còn bị thôi thúc để làm việc ấy. Nếu chủ nghĩa tư bản hiện đại được xem là thành công thì đó là vì, ở tâm điểm của mình, nó dựa vào một nhận thức duy lí phì đại (hyper-rationalistic) về chủ thể người.

Thế nhưng giả dụ tất cả điều này là sai và chúng ta bị mắc kẹt trong một điểm mù thì sao? Nếu lí tính không phải là lực thúc đẩy lịch sử nhân loại và chúng ta, thực ra thường xuyên hành động một cách phi lí tính, theo xung lực của sự oán ghét, giận dữ, mệt mỏi, đố kị, thậm chí tự hủy hoại thì sao? Giả dụ sẽ ra sao nếu như thậm chí có một thứ như là sự truy cầu nỗi bất hạnh? Hay, nói như lời nhân vật dưới hầm, “Giả dụ có một lúc nào đó, lợi ích của con người không những có thể mà thậm chí nằm trong chính mong muốn về một điều gì đó tệ hại đối với mình, thì sẽ thế nào? Giả dụ trên thực tế chúng ta tìm thấy khoái cảm trong sự hủy hoại? Tôi chắc chắn con người sẽ không bao giờ khước từ nỗi đau khổ thực sự, tức là sự hủy hoại và hỗn mang.” Nhân vật của Dostoevsky đã khẳng định như vậy trong một đoạn khi y đang đắm chìm vào những suy tư triết lí của mình.

Trên thực tế, chủ nghĩa duy lí phì đại mà chúng ta đang sống trong nó và chiếm lĩnh nó dựa vào một sự đơn giản hóa đến cực điểm bản chất thực sự của con người. Đó là một sự mô tả thiên về tính châm biếm hơn là thực tế. Và triết học biết về điều này rõ hơn: từ Diogenes xứ Sinope và Augustine đến Pascal, từ Dostoevsky, Schopenhauer và Leopardi đến Nietzsche, Mishima và Cioran, có cả một truyền thống lâu dài suy tư về vực thẳm của con người. Nếu con người là một con thú phức tạp thì nhân loại còn là một quái vật phức tạp hơn thế nữa, với nhiều lớp lang, phân khu, lớp này lại phi duy lí hơn lớp kế tiếp.

Loài người là đầu mối của vô số những nghịch lí và động cơ đối lập; lí trí và phi lí trí; uyên thâm và nông nổi, logic và tưởng tượng. Chúng ta “ăn” khoa học chính xác cũng nhiều không kém các huyền thoại, các câu chuyện hư cấu, ngụ ngôn. Chúng ta có thể chết cho kẻ khác, cái khác hoặc có thể để chúng giết chết ta lạnh lùng; chúng ta có thể tạo ra những thứ phi thường chỉ để thưởng thức sự hủy hoại tột cùng của chúng; xã hội loài người có thể cùng lúc vừa là thiên đường, vừa là địa ngục.

Trong thế kỉ vừa qua, triết học hầu như đã bỏ rơi những nỗ lực để giải thích sự phức tạp này và thời đại dữ liệu lớn, đến lượt mình, đã bùng nổ. Chúng ta trở thành bậc thầy của sự tuân phục, bằng chứng và khoa học kinh nghiệm. Chúng ta đọc sách của Pascal, Nietzsche, Dostoevsky và nhiều nhà tư tưởng khác, những người suy tưởng về vực thẳm như thể chúng ta nhìn vào những đồng tiền xu cổ: như là những hiện vật gây tò mò, dấu tích của một thời đại xa xưa, chứ không phải như những gì mà có thể nuôi dưỡng chúng ta hôm nay. Chúng không có giá trị gì trong việc giúp chúng ta hiểu tốt hơn về chính mình.

Cứ như thể chúng ta đã trở nên duy lí hơn cả Descartes nữa; ta từ chối bất cứ cái gì không rõ ràng và rạch ròi; nếu cái gì đó bất tuân những kiến giải thông thường và dường như có phần bí ẩn, thì nó sẽ bị xem là “có hơi hướm tôn giáo”. Nếu một vấn đề nào đó khuấy động chúng ta, nhưng nó lại không thể giải quyết được bằng ngôn ngữ học, các thuật ngữ logic hay kinh nghiệm, ta sẽ coi đó là một “vấn đề giả” và đi tiếp. Ngày nay, người ta thường nghĩ sẽ chẳng ích lợi gì, chẳng khoa học gì nếu nói đến những vấn đề thuộc trái tim con người - mà chính cái điều nhỏ bé bí ẩn này lại thứ khiến con người hành động, sống và chết chứ không phải logic hay lập luận.

Tuy nhiên, lí do chính để chúng ta không quan tâm suy tư về vực thẳm lại không tất yếu là sự lười nhác về tinh thần. Phần lớn thời gian, đó thuần túy là do niềm sợ hãi. Vì, như Nietzsche từng cảnh báo, nếu ta nhìn thật chăm chú vào vực thẳm, vực thẳm ấy sẽ bắt đầu nhìn lại ta. Dostoevsky - nhà xã hội chủ nghĩa, tù nhân chính trị, một tay nghiện cờ bạc, một nhà tư tưởng phản động, một nghệ sĩ có tầm nhìn xa rộng - đã nhiều lần nhìn sâu xuống vực thẳm và lời chứng nhận của ông gây choáng ngợp. Gần như “hiển nhiên”, ông thú nhận trong Nhật kí nhà văn, rằng “cái ác nằm sâu trong con người hơn là những gì mà các bác sĩ-xã hội của chúng ta giả định; rằng không cấu trúc xã hội nào sẽ trừ khử được cái ác; rằng tâm hồn con người vẫn cứ luôn là vậy; rằng sự dị dạng và tội lỗi sẽ nảy sinh từ chính tâm hồn; và cuối cùng những quy luật của tâm hồn vẫn còn hầu như chưa được biết đến, quá mờ tối đối với khoa học; quá bất định và bí ẩn đến nỗi không có, và không thể có các bác sĩ hay những thẩm phán cuối cùng dành cho nó.”

Khi mô hình duy lí phì đại thất bại, thì sự thất bại của nó cũng thật ngoạn mục. Trong cuộc bầu cử tại Mỹ, lí trí đã nhường chỗ cho sợ hãi, oán giận, căm ghét và bất chấp tất cả. Hầu như không thấy “tác nhân duy lí” ở đâu cả. Những gì dường như thúc đẩy sự ủng hộ cho Donald Trump còn tối tăm hơn và phức tạp hơn - bởi nó xuất phát từ tâm ý. Và điều khiến sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không hẳn là khía cạnh chính trị của nó (dù đây là khía cạnh đủ nghiêm túc) mà là việc chúng ta nhận ra mình được trang bị nghèo nàn như thế nào để có thể hiểu nó. Chính bởi cái cách rất vụng về mà chúng ta vẫn tưởng tượng về mình, chúng ta đã không được chuẩn bị để có thể tiêu hóa nổi sự kiện này. Hiếm có một thất bại của trí tưởng tượng nào lại bẽ bàng hơn thế.

Vấn đề vực thẳm của con người từng là mối quan tâm đặc biệt của tôn giáo, song kể từ Thượng đế chết, chúng ta thực sự chưa tìm được một sự thay thế khả dĩ nào. (Không phải không có những ứng viên nghiêm túc cho vị trí này.) Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn cứ tiếp tục là người, lãng quên vấn đề này, nhìn ra đâu đó, không nên là một lựa chọn. Các ngành nhân văn có thể sáng tạo lại chính mình, chỉ trong chừng mực trong khả năng đầy đủ nhất mà con người có, chúng có thể đo được chiều sâu trọn vẹn của vực thẳm nhân sinh. Nếu chúng ta không tìm được một cách nào đó để giải thích về chủ thể người một cách toàn vẹn, mà không tự vuốt ve hay tự lừa dối, chúng ta sẽ chỉ quẩn quanh, không thể nào vượt qua được chủ nghĩa duy lí phì đại mù quáng mà mình là nô lệ của nó.

Hải Ngọc | Báo Văn nghệ

Dịch từ nguyên bản tiếng Anh

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

Thể lục bát dịch thơ nước ngoài Dịch thơ nước ngoài sang tiếng Việt “Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2023” Văn học Việt Nam dịch ra tiếng nước ngoài: Một ví dụ nhìn từ Ba Lan Đọc truyện: Ngày biển động . Truyện ngắn dự thi của Lê Sơn
Trượt - Thơ Vũ Thanh Hoa

Trượt - Thơ Vũ Thanh Hoa

Baovannghe.vn- Đám mây chiều sũng nước/ trùm lên thành phố
Bài thơ "Không nói" của Nguyễn Đình Thi

Bài thơ "Không nói" của Nguyễn Đình Thi

Baovannghe.vn - Nhà thơ Nguyễn Đình Thi - gương mặt thơ tiêu biểu của thơ ca kháng chiến, từng để lại ấn tượng đáng quý trong bạn đọc yêu thơ về sự cách tân, tìm tòi và sáng tạo cho thơ ca hiện đại...
Bài thơ “Chợ chim” của Hữu Thỉnh

Bài thơ “Chợ chim” của Hữu Thỉnh

Baovannghe.vn - Nói đến Chợ chim là nói đến chim và chợ. Đây là cuộc họp mặt ăn tiệc rộn ràng của họ hàng nhà chim tại cái chợ của chúng - chợ theo cách hiểu của tác giả bài thơ...
Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ đêm và sáng sớm trời rét, ngày nắng hanh.
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".