Ý tưởng về một cây cầu đường sắt bắc qua sông Hồng đã hình thành trước khi Paul Doumer đến Đông Dương. Ngay từ năm 1896, một nhiệm vụ nghiên cứu đã phác ra sơ đồ các tuyến đường sắt. Trong số đó, một số tuyến đã hoàn thành hoặc đang tiến hành, đặc biệt là tuyến nối Hà Nội với Nam Định, Thanh Hoá và Vinh. Tham vọng của Toàn quyền Doumer là xây dựng cho Đông Dương một mạng lưới đường sắt.
Tham vọng của Toàn quyền Doumer là xây dựng cho Đông Dương một mạng lưới đường sắt. |
Cho đến thời điểm đó, tuyến đường sắt nối Lạng Sơn với Hà Nội kết thúc tại một nhà ga tạm nằm ở Lâm Du (Gia Lâm), bên tả ngạn Sông Hồng. Tuy nhiên, chính quyền Hà Nội, cả Pháp và Việt Nam, và đặc biệt là các thương nhân, đều lo ngại rằng hoạt động thương mại của thành phố sẽ chuyển sang phía bên kia sông. Để giữ được vị thế và hoạt động thương mại của Hà Nội, nhà ga phải ở bên hữu ngạn và cây cầu do đó không thể nào thiếu được.
Điều này được nhắc đến trong bài diễn văn phát biểu tại lễ khánh thành cầu của Đại diện Phòng Thương mại Hà Nội: “… Lựa chọn Gia Lâm để đặt ga Hà Nội trở thành nỗi lo cho thương mại….”
Trích diễn văn tại lễ khánh thành cầu của đại diện Phòng Thương mại Hà Nội, 1902. Nguồn TTLTQGI/RST |
Ngay khi Toàn quyền Doumer đặt chân tới Hà Nội vào tháng 3 năm 1897, ông đã nhận thấy, “Thành phố tách biệt với các tỉnh phía tả ngạn bởi con sông rộng 1700 mét với nhiều bãi cát nhanh chóng bồi lên rồi lại biến mất. Việc qua sông đối với người bản xứ luôn khó khăn và tốn kém, đôi lúc còn nguy hiểm.”[1] Trong Hồi kí của mình, Doumer đã viết: “Đông Dương cần tất cả những gì tạo nên cơ sở hạ tầng cơ bản cho một xứ sở rộng lớn, phì nhiêu và đông đúc. Một việc mà tôi cho là cực kì cấp thiết đó là xây dựng một cây cầu lớn qua Sông Hồng ở Hà Nội[2]. Chính vì thế, ngay lập tức, Toàn quyền đã yêu cầu nghiên cứu lựa chọn vị trí để xây dựng một cây cầu bắc qua Sông Hồng.
Báo cáo ngày 01 tháng 4 năm 1897 của Giám đốc Công chính về việc Toàn quyền yêu cầu nghiên cứu xây dựng cầy qua Sông Hồng. Nguồn TTLTQGI |
Sơ đồ phục vụ xây dựng cầu nhanh chóng được kiến trúc sư Borreil vẽ kèm theo tập điều kiện hoàn thiện. Bản vẽ cho thấy vị trí cây cầu, đoạn cầu đường sắt và ga Hà Nội ở Gia Lâm (tỉnh Bắc Ninh).
Sơ đồ phục vụ xây dựng cầu được kiến trúc sư Borreil vẽ ngày 23 tháng 5 năm 1897. Nguồn: ANOM |
Một cuộc tuyển chọn nhà thầu được tiến hành. Thông báo đấu thầu cũng được đưa ra ngay trong năm 1897. Có sáu công ty lớn của Pháp tham gia gồm xây dựng Levallois-Perret, Daydé et Pillé, Schneider et Cie (Creusot), Công ty Fives-Lille, Baudet Donon Paris, và Công ty cầu và công trình thép (Joret). Chỉ hai công ty Levallois-Perret, Daydé et Pillé còn lại trong cuộc đua. Hai công ty phải chỉnh sửa lại các bản vẽ và cho tăng cường đá trụ cho dự án của mình. Công ty Daydé et Pillé đã giành chiến thắng bởi vì, ngoài các giải pháp kỹ thuật đã đề xuất, mức giá dự thầu của công ty không vượt quá hạn mức kinh phí quy định là 5.500.000 francs cho riêng cây cầu.
Kỹ thuật được lựa chọn là kỹ thuật dầm hẫng. Kỹ thuật này cho phép các nhịp cầu dài và nhẹ hơn. Cây cầu có mười chín nhịp với hai mươi trụ xây ở độ sâu hơn 30 m dưới mực nước thấp nhất. Tổng chiều cao cây cầu là 61 m. Cây cầu có hai nhịp hai đầu dài 78,70 m và chín nhịp dài 75 m, xen kẽ với tám nhịp dài 106,20 m.
Viên đá khai móng long trọng được đặt xuống vào tháng 9 năm 1898. Cây cầu được xây dựng với tốc độ ấn tượng, trong ba năm bảy tháng, trong khi thời hạn xây dựng là năm năm. Chi phí thực tế để xây dựng cầu Doumer là 6.200.000 franc. Lễ khánh thành chính thức được ấn định vào ngày 28 tháng 2 năm 1902.
Trong bài phát biểu của mình, đại diện Phòng Thương mại Hà Nội đã bày tỏ sự vui mừng vì quyết định xây dựng cầu đã giúp xoá bỏ lo ngại về việc mất vị thế thương mại của thành phố Hà Nội nếu như ga Hà Nội vẫn đặt ở Gia Lâm như trước đó. Bài diễn văn có đoạn viết : “Quyết định của ngài đã chấm dứt nỗi lo của chúng ta; cây cầu qua sông như từ trong chuyện cổ tích Nghìn lẻ một đêm; Hà Nội vẫn duy trì được các hoạt động buôn bán và chắc chắn thành phố sẽ được tô điểm và trở lên đẹp đẽ hơn…”[3].
Trích diễn văn tại lễ khánh thành cầu của đại diện Phòng Thương mại Hà Nội, 1902. Nguồn TTLTQGI/RST |
Cây cầu đầu tiên qua Sông Hồng ở Hà Nội là biểu tượng của sự thay đổi mô hình giao thông đầu thế kỷ XX ở Việt Nam. Hơn thế, cây cầu trong hệ thống đường sắt còn là phương tiện phát triển kinh tế không chỉ của Hà Nội mà của cả Đông Dương những năm sau đó. Cây cầu hoàn thành cùng với đó là nhà ga được xây dựng tại Hà Nội đã đem lại cơ hội phát triển kinh tế thủ đô của Liên bang Đông Dương.
Tài liệu tham khảo:
- RST 38723
- Le Génie civil, 1909.
- L’Avenir du Tonkin
[1] Paul Doumer, Situation de l’Indo-Chine (1897-1901) : rapport, Hanoi, 1902, p.26.
[2] Paul Doumer, Xứ Đông Dương (Hồi ký) ,1905, p.308 -309
[3] TTLTQG1/RST 38723
Đỗ Hoàng Anh
Nguồn: archives.org.vn
----------------
Bài viết cùng chuyên mục: