Chuyên đề

Từng có một con phố mang tên VICTOR HUGO ở Hà Nội

TS. Đào Thị Diến
Tư liệu
07:20 | 25/09/2024
Baovannghe.vn - Đến tháng 12/1945, theo danh sách đổi tên phố do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng duyệt y, đại lộ Pierre Pasquier đã được đổi tên thành phố Hoàng Diệu
aa
Từng có một con phố mang tên VICTOR HUGO ở Hà Nội
Victor Hugo

Victor Hugo sinh ngày 26-2-1802 tại Besançon và mất ngày 22-5-1885 tại Paris. Ông là một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch thuộc chủ nghĩa lãng mạn nổi tiếng của Pháp ở thế kỷ thứ 19. Ông chiếm một vị trí trang trọng trong lịch sử văn học Pháp. Các tác phẩm của ông đa dạng về thể loại và trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ông vừa là nhà thơ trữ tình, vừa là tiểu thuyết gia của công chúng lại vừa là nhà viết kịch lãng mạn mà thành công vang dội nhất phải kể đến hai tác phẩm nổi tiếng là “Nhà thờ Đức Bà Paris” và “Những người khốn khổ”.

Những lựa chọn mang tính đạo đức và chính trị của Victor Hugo, cùng với những kiệt tác văn học đã đưa ông trở thành gương mặt nổi bật của thời đại đó. Khi qua đời, Victor Hugo được nhà nước Pháp cử lễ quốc tang và thi hài ông được đưa vào điện Panthéon[1].

Ở Việt Nam, vào năm 1902, sau gần 30 năm tiến hành các bước quy hoạch và xây dựng Hà Nội, lần đầu tiên, chính quyền thuộc địa tiến hành đặt tên cho những con đường mới mở theo một quy chế xét duyệt nghiêm ngặt bởi một Hội đồng đặt tên phố. Một trong những tiêu chí để xét duyệt việc lựa chọn tên cho các đường ở Hà Nội của chính quyền thuộc địa là “lấy tên của các danh nhân văn hóa Pháp và Việt” để đặt tên cho các con phố ở Hà Nội và đường số 53 là đường đầu tiên của Hà Nội được mang tên đại văn hào Pháp Victor Hugo.

Theo Nghị định ngày 29-8-1902 của quyền Toàn quyền Đông Dương[2], tên Victor Hugo được chọn đặt cho đường số 53[3]. Từ đó, đường số 53 được mang tên là Đại lộ Victor Hugo.

Đại lộ Victor Hugo bắt đầu từ điểm kết thúc của đường số 52 (qua Phủ Toàn quyền Đông Dương), đường số 52 này được mang tên đại lộ République[4], bị cắt ngang bởi đường số 131[5], và kết thúc ở đầu đại lộ Général Bichot[6] (Cửa Đông).

Từng có một con phố mang tên VICTOR HUGO ở Hà Nội

Đại lộ Victor Hugo xưa, nay là phố Hoàng Diệu

Năm 1924, dự án quy hoạch khu phố Phủ Toàn quyền Đông Dương chính thức được chuẩn y bằng Nghị định số 4251 ngày 15-11-1924 của Toàn quyền Đông Dương[7]. Nghị định này phê chuẩn mặt bằng tuyến những đường đã có hoặc sẽ lập mới trong khu Phủ Toàn quyền, phê chuẩn bản đồ xác định giới hạn các đường đã tồn tại hoặc sẽ xây dựng trong khu Phủ Toàn quyền cùng hai bảng quy định chỉ giới kèm theo, phê chuẩn sự thay đổi giới hạn của 28 đường và phố ở khu Phủ Toàn quyền Đông Dương tại Hà Nội, trong đó đại lộ Victor Hugo.

Trong khoảng thời gian sau đó, đại lộ Victor Hugo được Hội đồng Thành phố mở rộng và nắn thẳng nhờ các hợp đồng đền bù đất cho một số gia đình người Pháp là chủ sở hữu các khu đất này[8].

Tuy nhiên, theo tiêu chí đặt tên cho các đường phố ở Hà Nội thì “tên các danh nhân văn hóa Pháp và Việt” là tiêu chí cuối cùng, sau các tiêu chí như “tên sĩ quan các cấp trong quân đội Pháp đã có nhiều đóng góp trong công cuộc “bình định” xứ Bắc Kỳ” và “tên các nhà hoạt động chính trị Pháp đã giữ những chức vụ quan trọng trong hệ thống chính quyền thực dân tại Đông Dương” hay “tên những người Pháp có kỷ niệm gắn với lịch sử đô hộ của Pháp ở Việt Nam”. Vì vậy, một thời gian sau khi dự án quy hoạch khu phố Phủ Toàn quyền Đông Dương khởi động có kết quả, Hội đồng Thành phố đã phải thay đổi một số tên phố tại khu vực này.

Năm 1928, theo báo cáo của Đốc lý Hà Nội được Hội đồng Thành phố thông qua trong phiên họp ngày 24-8[9], tên của anh em chủ nhà in F. Schneider[10] đã được chọn để đặt cho một đoạn phố Victor Hugo, đoạn nằm giữa đại lộ Carnot (phố Phan Đình Phùng) và đường số 98[11]. Như vậy, phố Victor Hugo chỉ còn lại một đoạn ngắn.

Năm 1934, trong phiên họp ngày 26-1-1934[12], Hội đồng Thành phố Hà Nội đã ra Quyết nghị đổi tên đại lộ Victor Hugo thành đại lộ Pierre Pasquier[13]. Vì thế, tên Victor Hugo đã không còn trong danh sách tên phố Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc nữa.

Đến tháng 12-1945, theo danh sách đổi tên phố do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng duyệt y, đại lộ Pierre Pasquier đã được đổi tên thành phố Hoàng Diệu[14]. Và cuối cùng, vào năm 1951, theo Nghị định ngày 28-2 của Thị trưởng Hà Nội Thẩm Hoàng Tín phố Hoàng Diệu lại được đổi thành đại lộ Hoàng Diệu[15] (tức phố Hoàng Diệu ngày nay).


[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Victor_Hugo

[2] JOIF, 2è partie: Annam et Tonkin, 1902, No 71, p. 803.

[3] Đường này được mở trước năm 1902, nguyên là đường hào cạnh phía tây hành cung thành Thăng Long thời Nguyễn.

[4] RST - 79024/01. Đại lộ République sau đổi tên thành đại lộ Honoré Tissot, rồi đổi thành đại lộ Dân Quyền, nay là phố Hoàng Văn Thụ.

[5] BMHN, 1928, No 3, p. 171-173. Đường này được đặt tên là Bernard de Beau, sau đổi thành Nguyễn Chế Nghĩa.

[6] Nay là phố Cửa Đông.

[7] TPT, hs: 4656.

[8] SCDHN – 489.

[9] BMHN, 1928, No 8, p. 756.

[10] Frères Schneider là hai anh em người Pháp, trong đó một người thành lập nhà in đầu tiên ở Hà Nội, in sách báo cho chính phủ thực dân, sau nghiên cứu làm bột giấy, có nhà máy in ở đầu đường Thụy Khuê (sau là trường Bưởi, nay là trường THPT Chu Văn An, Hà Nội). Năm 1913 Hiệp hội giấy Đông Dương đã tiếp quản nhà máy giấy này của Schneider. Từ năm 1928 phố Frères Schneider được đổi tên thành phố Nguyễn Biểu như ngày nay.

[11] Đường số 98 nguyên là đất thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ, nay có tên là phố Trúc Bạch.

[12] BMHN, 1934, No 1, p. 47-51.

[13] Pierre Marie Antoine Pasquier (1877-1934): Đốc lý Hà Nội từ 24-2-1915 đến 15-1-1917; Khâm sứ Trung Kỳ (từ 5-5-1921 đến 20-5-1922); Khâm sứ Trung Kỳ, quyền Toàn quyền Đông Dương từ ngày 4-10-1926 đến 16-5-1927; Khâm sứ Trung Kỳ hạng nhất, được bổ nhiệm chức Toàn quyền Đông Dương bởi Nghị định ngày 23-8-1928, nhậm chức ngày 26-12-1928; tác giả cuốn “L’Annam d’autrefois”.

[14] VNDQCB, 1946, tr. 288-291.

[15] SCDHN - 816.

---------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Lễ hội Sen Hà Nội 2024: Định vị thương hiệu văn hóa Thủ đô Ứng xử có văn hóa - dễ hay khó? Hà Nội và tôi - tản văn của Trần Thị Tuệ Anh Có một Hà Nội khác. Tản văn của Trịnh Thu Tuyết Những hình ảnh về tiếp quản Hà Nội 10/10/1954
archives.org.vn
Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Baovannghe.vn - Cả một đồi cây sau làng là thế giới của các loài chim, nhiều lắm, chúng bay thành từng nhóm, từng bầy, có khi từng đôi, cũng có khi riêng lẻ…
Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Baovannghe.vn - Trong khuôn khổ " Ngày hội đổi mới sáng tạo" - hội thảo “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục đại học Việt Nam: Năng động và hợp tác” đã đặt ra và giải đáp nhiều vấn đề về Đổi mới Giáo dục đại học hiện nay.
Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Baovannghe.vn- Chào mào hót: cởi quách cái thử nào/ Cô gái trẻ giật mình cài lại yếm.
Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Baovannghe.vn- "Tác phẩm có ảnh hưởng tốt đến tư tưởng và tình cảm của nhân dân”/ Trong hội trường/ Anh vận bộ veston đỉnh đạc bước lên sân khấu nhận giải thưởng
Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Baovannghe.vn- Thi nhân ạ!/ Khó minh định rạch ròi/ Ta đang ở Giới nào trong Tam giới?/ Này thì rượu. Này thì thơ. Này thì em roi rói