Sáng tác

Gặp mẹ - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Khải

Nhà văn Nguyễn Khải
Danh tác văn học
11:00 | 07/07/2024
Về để thăm mẹ với em thì chưa chắc đã gặp, nhưng về cho mình đỡ thắc mắc, yên chí chiến đấu... Thôi bận khác... Kỳ nào giải phóng làng về chơi một thể.
aa

Nhân nghiêng nghiêng tai để phân biệt những tiếng động bên trong. Vẫn chưa có gì. Lâu thật. Có lẽ đại đội Nhân đến sớm hơn các đại đội khác. Tiểu đoàn đặt mức đêm nay tiêu diệt mấy vị trí cơ mà. Đêm nay là nó chết bỏ mẹ. Nhân để cằm gối lên bàn tay, nhìn chằm chằm vào cái đống đen phía trước. Chỗ này chốc nữa sẽ được san phẳng như ngày xưa, ngày chưa kháng chiến. Ngày xưa chỉ cách đây có mấy năm thôi mà Nhân cảm thấy như xa lắm. Con đường lờ mờ chạy sát chân đồi kia là đường đi về làng. Làng cách vị trí chỉ một cây số là cùng. Đến đầu làng rẽ ngoặt về tay trái, men theo dẻo ao đến gốc cây vối là cổng nhà Nhân ngay đấy.

Những con đường, những ngôi nhà, bờ ao, vườn chuối, cái giếng hiện lên rõ rệt như trước mắt. Không hiểu bây giờ trong làng có biết gì không? Nhưng làm gì chẳng biết. Thế thì mẹ Nhân nhất định còn thức, cái Lý chắc cũng thức. Bộ đội đánh đồn ai mà yên tâm đi ngủ được. À mà chắc đâu nhà Nhân còn nguyên vẹn như cũ? Có thể mẹ Nhân chết rồi, cái Lý bị nó bắt lên đồn. Hay cả hai mẹ con vẫn còn sống nhưng tản cư sang làng khác. Và thứ ba, nhà không xảy ra chuyện gì, bây giờ đương lúi húi thổi xôi đem cho bộ đội.

Càng nghĩ, Nhân càng thấy những hình ảnh thứ nhất ám ảnh Nhân nhiều hơn, rõ rệt hơn. Mấy năm trong vùng bị tạm chiếm, dù chẳng xảy ra chuyện này cũng xảy ra chuyện khác, yên làm sao được với thằng Tây? Ngày đã lâu, gặp anh Trương, cũng nói làng khó thở lắm. Giáo Tơn làm vua làm chúa, dân sợ như cọp. Chính nó một hai dọa đuổi mẹ Nhân đi. Thế thì nó không để yên rồi! Mẹ Nhân, nhất là đứa em gái của Nhân. Nhân lắc đầu. Người Nhân nóng bừng lên, tai rần rật. Mãi chưa có lệnh nổ súng. Lâu quá. Một bóng người chạy vụt đến. Nhân ngoái cổ lại. Anh tiểu đội trưởng ghé vào sát tai Nhân nói:

- Chuẩn bị.

Nhân miết tay vào báng súng, tim đập ình ịch.

- Ùm! Ùm!

Hàng rào sập xuống rào rào. Ùng, một vầng sáng lóe lên ngang phía Nhân... Oành! Xoảng, xoảng! Lô cốt sập rồi! Kèn xung phong tíu tít.

- Xung pho...ong!

- Giết...iết!

- Mãnh xung anh em ơi!

Tiếng lựu đạn nổ ầm ầm. Tom-sơn chạy ròn từng băng một. Nhân chạy sầm sầm từ chỗ này sang chỗ khác. Khói đạn Ét-ca-dét khét lèn lẹt như bít lấy mũi. Lửa chạy xồng xộc từ mái nhà này sang mái nhà khác. Tre nổ đôm đốp như súng trường, Ét-ca-dét gặm hẳn một nửa trên lô cốt. Những thanh sắt cong lên, khẳng khiu xuyên qua đống gạch nát vụn. Nhân trèo lên bước vào, một cảm giác là lạ dưới chân như đi trên đất thịt trời mưa. Nhân nhìn xuống mấy cái xác chết nằm úp mặt xuống. Trên đống gạch nham nhở, những tên Pháp nằm, ngồi. Có tên đứng dựa vào một cái khe bình thản như không có chuyện gì. Nhân lại gần, tóc chúng nó cháy xém đi quăn lại vàng hoe. Mặt ám khói đen đen. Sờ vào người vẫn còn nóng hổi mềm nhũn. Tỵ lôi ở đâu ra một tên ngụy binh, mắt nó tròn xoe, không nhìn hẳn vào ai cả, hai tay buông thẳng, chân bước chập chững. Tỵ để nó ngồi vào đống gạch hỏi:

- Anh đi lính cho nó được bao lâu rồi?

Nó lẩm bẩm một mình:

- Vệ quốc bắn kền quá!

Tỵ gắt:

- Cậu cứ nịnh làm quái gì, nói đi!

Lửa đằng trước cháy bùng lên. Mắt nó nhìn Tỵ chằm chằm đỏ như miếng tiết. Anh trung đội trưởng chạy lại cười:

- Dấm dớ cái ông này, người ta đã để cậu ấy vào chỗ kia để chốc nữa y tá đưa về trạm. Cậu ấy bị choáng óc đấy!

Nhân định hỏi. Tỵ giơ tay:

- Im nghe xem.

Tiếng My vọng lại ở hàng rào ngoài:

- Bắt, bắt các cậu ơi.

Nhân cầm súng chạy xuống:

- Chạy đi đâu. Bắt nó hộ với!

Một hình người lao ngang qua. Nhân xiết chặt báng súng vào nách lao đến, đưa thẳng lưỡi lê về phía trước. Sụt! Người nhân chùn lại, Nhân mím môi rút mạnh lưỡi lê ra, một tia máu phọt theo. Xác tên chạy đổ vật ra đằng sau. Nhân xộc lại gần. Quái thằng nào giống giáo Tơn thế? Mà giáo Tơn thật rồi. Cái vết sẹo tròn tròn ở má còn rành rành kia. Môi Nhân run run. Không ngờ chính tay Nhân lại được đâm chết giáo Tơn, thằng Việt gian. Lưỡi lê đâm trúng bụng, máu giàn ra lênh láng, mặt nó rúm lại. Nhân không dám nhìn thêm nữa. Nhân quay phắt đi, chạy lại phía anh em đương bắt đầu khuân chiến lợi phẩm, hỏi to:

- Cậu nào bắt được thằng trưởng đồn. Nó đâu lôi nó ra. Xem mặt nào...

Trời trông như sáng dần. Dân công ùa vào lố nhố khắp đồn khuân súng đạn, thuốc, lương thực, đập phá các công sự. Những dãy nhà của Pháp và ngụy binh chỉ còn là một đống dấm lửa đỏ rừng rực. Trung đội một bắt đầu đi. Người Nhân cồn lên, tay giựt mãi cái dây súng mà vẫn thấy khó chịu. Vậy giờ, Nhân chỉ xin phép cấp chỉ huy chạy rõ nhanh độ hơn một cây là về đến nhà. Về để thăm mẹ với em thì chưa chắc đã gặp, nhưng về cho mình đỡ thắc mắc, yên chí chiến đấu. Có nên xin phép không? Những bóng trên Nhân lùi lũi đi. Nhân người nóng bừng, chạy theo. Có nên về không? Thôi bận khác... Kỳ nào giải phóng làng về chơi một thể. Mạn phía bắc đã nổi lên những mảng sáng rực. Tỵ đi sau hỏi nhỏ:

- Đằng ấy chắc cũng chu rồi đấy nhỉ?

Bộ đội vừa lên đường đã có tiếng người ào ào:

- Đây! Về cả đây rồi!

- Đâu, đâu nhiều không?

- Con khỉ, gánh đi đâu. Các anh ấy đây cơ mà!

Anh đại đội trưởng hạ lệnh nghỉ. Hơi xôi nóng bốc lên phưng phức. Lúc ấy Nhân mới cảm thấy đói. Ăn từ chiều, có nắm cơm thì lúc xung phong rơi béng đâu mất. Giờ có xôi phải ăn hết vài ba nắm to.

- Các anh ăn đi. Lấy nắm này này.

- Các anh ăn đi cho nóng.

Nhân hai tay cầm hai nắm, chưa biết nắm thứ ba để đâu. Một chị cứ nằng nặc bắt Tỵ phải cầm thêm nắm xôi của mình đưa. Tỵ cuống lên gật gật đầu xuống cái túi áo Nhật ra hiệu:

- Thế chị bỏ vào đây hộ.

Anh trung đội trưởng ở phía trên chợ xuống gọi:

- Nhân, Nhân ơi, Nhân có dưới ấy không các cậu?

- Kìa Nhân lên trên có ai gọi.

Nhân gửi Tỵ hai nắm xôi chạy lên.

- Có tươi đấy Nhân ạ.

- Có người nhà đấy.

- Đây, đây cơ mà... Chạy đi đâu.

Nhân đứng lại ngơ ngác chưa biết chỗ anh trung đội trưởng ngồi đâu.

- Lại đây.

- Nhân ơi! Nhân u đây!

Tim Nhân đập long lên. Nhân xồ lại:

- Anh gọi tôi?

Mẹ nhân đứng vội lên:

- U đây mà. Bố mày. Tao cứ tưởng mày...

Nhân rú lên nắm lấy tay mẹ:

- Kìa u! Lý nó đâu. Ối giời ơi! Con cứ đinh ninh...

Mẹ Nhân nắm tay con:

- Độ này mày gầy hơn trước đấy, nhưng trông khỏe. Đi đâu cứ biền biệt thôi.

Anh Trung đội trưởng xen vào:

- Cụ cho anh ấy ít tiền để tẩm bổ cụ à. Gặp nhà đời lại tươi.

Mẹ Nhân ngồi xuống mở nắp thúng tíu tít.

- U thổi ít xôi để anh em ăn đỡ đói. Con ăn chưa. Các anh ăn với em nắm xôi, trong có cả thịt rồi đấy.

Cả tiểu đội ngồi xúm quanh thúng xôi. Mẹ Nhân đưa mỗi anh một nắm:

- Độ này mày có khỏe không? Cái Lý ra ngoài ấy đi tải thương cho bộ đội từ hôm nọ. U cứ tưởng mày không về cơ. Ai ngờ lại gặp. Nghe tin anh em phá xong đồn mừng mừng là... Mày ăn đi, mẫu nếp của nhà năm nay cũng chẳng được mấy. Hòe nó cũng đem xôi ra đấy. Lâu lắm lại gặp anh em, mừng mừng là.

Nhân cướp lời:

- À, giáo Tơn chết rồi u ạ. Con... à anh em đâm trúng bụng nó. U ở nhà chắc cũng khổ với nó.

Mẹ Nhân nhìn con:

- Thế nó chết rồi à? Có bắt được thằng nào không? Phúc đức quá. Thôi thế dân làng cũng đỡ khổ, ơn nhờ anh em quá đi thôi. Thế bao giờ lại đi? Có ở chơi được vài hôm không? Cứ nghĩ đến mày là tao nóng ruột như ngồi trên đống lửa.

Nhân đói cồn cào từ lúc đánh đồn, cầm nắm xôi thơm và hãy còn nóng thế mà cổ cứ ngứ lên không nuốt được. Bao nhiêu chuyện định nói, định hỏi lúc gặp mẹ cũng không biết nói gì, hỏi gì.

- Chỉ nghỉ một lát rồi đi bây giờ đây. Ít nữa con sẽ xin phép về nhà với u vài hôm.

Mẹ Nhân ngồi im lặng. Tiếng cười ran ran chung quanh. Hòe đang lải nhải ở phía dưới:

- Chúng em sửa soạn bao nhiêu lâu, cả làng chờ mà các anh không về, hay các anh ghét làng chúng em.

Mẹ Nhân thở dài:

- Thế các anh đi ngay bây giờ? Mày đi bao giờ lại được về đây? Thôi thì thương mày để bụng, chứ làm thế nào được. Nước chưa độc lập, thì về làm sao. U đưa cho ít tiền đem đi mà tiêu. Vội quá, giá biết mày về trước thì cũng.

Vi thích tay Nhân:

- Cụ cho anh ấy ít thôi, còn để dành tiền đến độc lập cụ cưới vợ cho anh ấy nữa.

Mẹ Nhân giở bao tượng cười:

- Thì cũng mong như thế đấy. Các anh cứ đánh như thế này năm, bảy lượt nữa là độc lập đến nơi. Làng tôi cũng mang tiếng vì thằng giáo Tơn, em nó đi theo các anh thế này, may ra Chính phủ cho được cái huy chương thì cũng đẹp mặt cho làng xóm. Chẳng biết có được thế không?

Gà bắt đầu gáy le te. Anh tiểu đội tưởng của tiểu đội Nhân ở dưới gọi to:

- Nhân ơi về sửa soạn.

Mẹ Nhân cuống lên dúi tiền vào tay con, cắp thúng chạy theo Nhân xuống phía dưới. Nhân thắt lại bao đạn, tiếng xẻng đập vào vỏ lưỡi lê kêu lách cách. Tiểu đội Nhân xì xào hỏi:

- Bà cụ nhà cậu đấy à? Bà cụ cũng đi phục vụ chiến trường! Bà cụ đến sáu mươi rồi ấy!

Mẹ Nhân đứng sát dặn dò:

- Thôi thì ở nhà có mẹ có cha. Đi thế này có anh có em sống chết có nhau. Các anh huấn luyện cho em để em nó nên người.

Trung đội bắt đầu đi rẽ xuống đường ruộng. Nhân ngoái cổ lại nhìn mẹ. Mẹ Nhân nói với:

- Mày đi với anh em cho mạnh khỏe. Đánh được nhiều Tây nhé.

Cái khối đen đen của dãy tre làng Nhân mở dần. Tiếng cười nói, gọi nhau của dân chúng nhỏ đi. Chỉ còn nghe tiếng lọp bọp của chân rút ra khỏi ruộng lầy.

Tháng Tư, nhớ câu chuyện giữa nhà văn Nguyễn Khải và Anh hùng Biệt động Sài Gòn Tư Chu Nhà văn Nguyễn Khải: Bớt tham thì sẽ tốt lên thôi Anh y tá Minh - Truyện ngắn của nhà văn Từ Bích Hoàng Những ngày cuối năm - Truyện ngắn của nhà văn Trần Đăng Thư nhà - Truyện ngắn của nhà văn Hồ Phương
Tuyển tập 75 gương mặt Văn nghệ - Kỷ niệm 75 năm báo Văn Nghệ
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...