Văn hóa nghệ thuật

Hà Nội ngày tiếp quản rực rỡ trong tranh Trịnh Hữu Ngọc

Minh Trung
Mỹ thuật
06:00 | 08/10/2024
Baovannghe.vn- Hai tác phẩm của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc được thực hiện cách nhau 10 năm, ghi lại khoảnh khắc lịch sử trọng đại của dân tộc bằng chất liệu, phong cách khác nhau.
aa
Hà Nội ngày tiếp quản rực rỡ trong tranh Trịnh Hữu Ngọc
Bức tranh Tiếp quản Thủ đô của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Ảnh: Omega Plus cung cấp

Hà Nội ngày 10/10/1954 là mốc son chói lọi trong lịch sử Thủ đô nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung. Đây cũng là đề tài, nguồn cảm hứng sáng tác của biết bao tác phẩm nghệ thuật. Ngược dòng lịch sử 70 năm trước, rất nhiều văn nghệ sĩ hòa chung niềm hân hoan của quân dân Thủ đô, để rồi cho ra đời nhiều tác phẩm vừa góp vào kho tàng nghệ thuật đất nước, vừa thể hiện tình yêu đối với lịch sử dân tộc. Trong số các văn nghệ sĩ ấy, có họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc.

Ngày mùa thu năm ấy, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã mang giá vẽ ra đầu phố Hàng Đào trực họa cảnh đường phố trong ngày 10/10/1954. Bức tranh Hàng Đào ngày tiếp quản Thủ đô khắc họa Hà Nội rực rỡ cờ hoa dưới nắng thu khi đất nước vừa trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến (1946-1954). Bức tranh được hoàn thành ngoài phố với bút pháp mạnh mẽ, khoáng đạt, thể hiện tâm trạng hân hoan. Tác phẩm bộc lộ tình cảm, lòng tin của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc vào cuộc sống mới của quê hương. Những con người mà ông khắc họa trong tranh là một phần của dân tộc, của đất trời đang thay da đổi thịt. Bức tranh Hàng Đào ngày tiếp quản Thủ đô có chất liệu sơn dầu trên bìa cứng Canson, kích thước 54cm x 64cm, hiện thuộc sưu tập của gia đình.

Hà Nội ngày tiếp quản rực rỡ trong tranh Trịnh Hữu Ngọc
Bức tranh Hàng Đào ngày tiếp quản Thủ đô của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc.

10 năm sau đó, khi cảm xúc đã chín và họa sĩ có đủ thời gian để nhìn nhận sự kiện lịch sử, Trịnh Hữu Ngọc lại thực hiện một bức tranh khác với đề tài Hà Nội ngày tiếp quản. Vốn là một họa sĩ có những sáng tạo riêng với lối đi khác biệt ở mảng sơn ta, Trịnh Hữu Ngọc sử dụng chất liệu truyền thống để sáng tạo bức Tiếp quản Thủ đô. Quanh việc sáng tạo bức tranh có nhiều điểm đặc biệt.

Trịnh Hữu Ngọc và họa sĩ Nguyễn Gia Trí vốn có mối quan hệ rất thân thiết. Trước khi vào Nam (năm 1954), tác giả Vườn xuân Trung Nam Bắc để lại cho Trịnh Hữu Ngọc một số họa cụ, trong đó có bộ sơn mài Phong cảnh Bắc Kỳ chưa hoàn thành của họa sĩ Lê Phổ, gồm có 5 tấm vóc cỡ 200cm x 80cm. Năm 1964, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc phủ son lên mặt sau của 4 tấm vóc để thực hiện tác phẩm Tiếp quản Thủ đô. Tác phẩm song sinh, một mặt là Phong cảnh Bắc Kỳ của Lê Phổ, một mặt là Tiếp quản Thủ đô của Trịnh Hữu Ngọc ra đời như thế.

Bức tranh mang giá trị lịch sử khi ghi dấu khoảnh khắc quan trọng của nước Việt Nam hiện đại. Tác phẩm khắc họa cảnh đón chào các anh bộ đội Cụ Hồ bên bờ hồ Gươm. Ở đó, Trịnh Hữu Ngọc vẽ các tầng lớp nhân dân, từ trí thức (cả trí thức xưa mặc áo dài khăn xếp đến trí thức vận Âu phục), cảnh những người phụ nữ buộc khăn mỏ quạ, công nhân, trẻ em, những cô gái làng hoa Ngọc Hà… Bóng bay trên bầu trời, hoa được tung lên chào đón, dòng biểu ngữ “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm”…, tất cả đang trong một không khí lễ hội nồng nhiệt mà không kém phần duyên dáng.

Về giá trị thẩm mỹ, Tiếp quản Thủ đô là một tác phẩm sơn mài có bố cục cổ điển được làm theo phong cách hoàn toàn mới. Bao quanh hình ảnh đón chào bộ đội trở về là một khung trang trí chứa đựng những bức tranh nhỏ. Các bức tiểu họa đó là hình ảnh lịch sử từ Cách mạng Tháng Tám cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ như hình ảnh Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê, dân công trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đoàn Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân… Xen kẽ các bức tranh nhỏ là các loài hoa quen thuộc với người Việt như phong lan, hoa cúc, hoa phượng… Đặc biệt, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã dùng một kỹ thuật chạm khắc riêng của ông, khiến cho bức Tiếp quản Thủ đô này thoát hẳn ra khỏi lối tranh sơn khắc học theo lối các bình phong trang trí dùng nhiều vàng bạc vỏ trứng của dòng sản phẩm Trung Quốc, gọi là đồ sơn mài Coromandel, học được trong lớp sơn mài của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Lối khắc của Trịnh Hữu Ngọc khiến những hình trong tranh trông như vẽ bằng bút chì hoặc màu nước, tả khối và không gian ba chiều rõ ràng trong phần chính của tranh. Ông chỉ dùng chút vàng bạc cho dây hoa cúc trang trí viền xung quanh mà thôi.

Bên cạnh các bức tranh, tiêu biểu là hai bức với đề tài tiếp quản Thủ đô, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997) nổi tiếng trong vai trò là nhà thiết kế nội thất. Ông từng thiết kế một số nội thất trở thành di vật lịch sử quốc gia như chiếc bàn nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập, tủ đựng tài liệu, bàn đánh máy, bàn ăn của Hồ Chủ tịch.

Ông Trần Tiến Đức - con trai Trần Duy Hưng - kể bố ông rất trọng tài năng của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, đã mời ông thiết kế nội thất cho văn phòng Ủy ban hành chính Thành phố Hà Nội mà ông làm Thị trưởng.

Bức tranh từng được ông Trần Duy Hưng, khi ấy là Thị trưởng Hà Nội, một người bạn thân thiết của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc trong nhóm Hướng Đạo, mượn để treo trong phòng Khánh tiết của Ủy ban hành chính Thành phố Hà Nội, nơi mà toàn bộ nội thất đều theo thiết kế của Trịnh Hữu Ngọc. Trên tường là bức Tiếp quản Thủ đô, bên trên là bức phù điêu chân dung Hồ Chí Minh bằng thạch cao sơn nhũ vàng gắn trên nền nhung đỏ, do con trai ông là Trịnh Lữ thực hiện.

Năm 1985, Ủy ban nhân dân Hà Nội xây trụ sở mới, bức tranh được chuyển xuống kho. Đến năm 2011, một người thân của gia đình họa sĩ làm việc ở Thành ủy nói với họa sĩ Trịnh Lữ về một bức tranh “có lẽ là của Trịnh Hữu Ngọc” đang nằm trong kho. Họa sĩ Trịnh Lữ đến nhận ra tranh của cha mình ở trong tình trạng xuống cấp. Với suy nghĩ mình không có điều kiện để phục chế đàng hoàng, và muốn cứu bộ tranh quý, họa sĩ Trịnh Lữ đã trao tác phẩm cho một nhà sưu tập với niềm tin tranh sẽ được một nhóm chuyên gia Nhật Bản phục chế, và sau này bất cứ lúc nào nhà sưu tập cũng sẽ sẵn sàng đưa bức tranh ra triển lãm theo yêu cầu của gia đình. Sau đó, tình trạng tác phẩm như tác giả Trịnh Lữ viết trong cuốn sách Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương: “Chúng tôi được biết bộ vóc hai mặt đã được tách đôi và phục dựng lại thành ba tác phẩm: bức Tiếp quản Thủ đô của Trịnh Hữu Ngọc và hai bức của Lê Phổ”.

Minh Trung | Báo Văn nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Một số suy nghĩ về sáng tạo của văn học - nghệ thuật trong đời sống hôm nay Đời sống nghệ thuật: Khi nhà phê bình cô đơn, chực chờ “chạy làng” Để “Cây Tình Thương” tỏa bóng, vươn cành trong đời sống xã hội Đồng vọng: những thanh âm đời sống Đọc truyện: Hương xưa. Truyện ngắn dự thi của Hiệu Constant
Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Baovannghe.vn - Ba bộ phim đặc sắc được công chiếu "Dòng sông hoa trắng" ngày 11/12; "Cây bạch đàn vô danh" ngày 12/12 và "Người đàn bà mộng du" ngày 13/12
“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

Baovannghe.vn - Vượt qua hai vòng chấm Sơ khảo và Chung khảo “Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh do Nxb Kim Đồng tổ chức
Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Baovannghe.vn- Ngơ ngác, bấn loạn, tôi loanh quanh ở nhà chờ, nơi nhận hành lí để thoát ra ngoài. Cả ba tiếng đồng hồ trôi qua tôi chưa thấy gã. Gã lặn mất tăm với chiếc vali
Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Baovannghe.vn - Nhà văn Han Kang vừa có buổi gặp gỡ với báo chí tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển trong thời gian chuẩn bị cho buổi nhận giải Nobel Văn chương.
Tờ lịch - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Tờ lịch - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Baovannghe.vn- Bóc tờ lịch cuối năm/ Mùa Đông còn chút lá