“Yêu xong, Uông nói chuyện với Hạnh về cuốn tiểu thuyết của mình, anh bảo câu chuyện liên quan tới Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ, anh đã ấp ủ nhiều năm. Anh muốn nhân vật tiểu thuyết của mình một ngày nào đó sống ở thời hiện đại và buộc phải hòa nhập với thế giới đương thời. Hai kỳ phùng địch thủ ấy có vô vàn căm thù nhưng họ buộc phải điều chỉnh, hòa hoãn với lối sống hiện đại” (tr.188, 189).
“Trở về cơ quan đã cuối giờ chiều, Uông quyết định tối ấy không về nhà mà ở lại cơ quan làm việc. Uông lấy bản thảo ra đọc, những đoạn anh viết về Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh chỉ chiếm một lượng tương đối. Đây không phải tiểu thuyết lịch sử nhưng lịch sử là cột trụ quan trọng và gợi cảm hứng” (tr.239).
Chỉ cần dựa vào hai đoạn trích ngắn này ta đã có thể xác định được vài nét cơ bản về “hình thức mang tính nội dung” trong tác phẩm Hà Nội những mùa cổ điển (Tao Đàn & Nxb Hội Nhà văn, 2024), cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Uông Triều. Cái đáng chú ý không phải là cách viết “tự ăn thịt chính mình”, nghĩa là nhà văn lấy con người ngoài đời thực của mình, từ lịch sử cá nhân đến những chi tiết, những sự kiện đời sống, những phẩm chất cá biệt và những suy nghĩ riêng tư để làm chất liệu xây dựng nhân vật trong tác phẩm tiểu thuyết. Mà đáng chú ý là ở cái cấu trúc ít nhiều đã mang dáng dấp “siêu tiểu thuyết” của cuốn tiểu thuyết, nếu xét theo quan niệm của nhà nghiên cứu Patricia Waugh trong công trình Siêu hư cấu (Trần Tấn Xuân Cao dịch). Hà Nội những mùa cổ điển kể chuyện một nhà văn, biên tập viên tên Uông đang trong quá trình viết cuốn tiểu thuyết của mình - nhà văn Uông có nhiều điểm “sao y bản chính” từ tác giả là nhà văn Uông Triều Nguyễn Xuân Ban ngoài đời thực, song hai người không nhất thiết phải là một - anh ta viết, hư cấu cả một thế giới bằng tưởng tượng và ngôn từ của mình, nhưng cùng lúc anh ta cũng sống trong một thế giới mà những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết đang viết ấy luôn xuất hiện, va chạm tới anh, tác động đến anh và gây nên những hệ quả không phải là không đáng kể.
Tiểu thuyết "Hà Nội những mùa cổ điển" |
Có hai con người như thế, là Gia Long Nguyễn Ánh và Quang Trung Nguyễn Huệ, hai vị hoàng đế lừng danh trong lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Họ hai lần là nhân vật: nhân vật trong tiểu thuyết Hà Nội những mùa cổ điển của Uông Triều và nhân vật trong cuốn tiểu thuyết đang viết của nhà văn, biên tập viên Uông trong Hà Nội những mùa cổ điển. Theo cách thức thông thường, một khi đã động tới những đại nhân vật trong quá khứ như thế này, người viết sẽ phục dựng bối cảnh lịch sử mà nhân vật đã sống, hồi cố những hành động thực tế của họ, tưởng tượng những việc họ có thể đã làm hoặc những cơ hội mà họ đã bỏ qua, nêu bật những động cơ hoặc những suy nghĩ bên trong của họ, những niềm vui hoặc những cơn giận dữ hay nỗi đớn đau mà chưa có tài liệu lịch sử nào từng ghi lại. Nói cách khác, chính xác là nhà văn sẽ viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử, triệu hồi và phục sinh những hồn ma của quá khứ trong đúng khung khổ của quá khứ ấy, từ đó bộc lộ những suy nghĩ, những kiến giải về quá khứ của mình với tư cách là một con người của thời đương đại. Nhưng Uông Triều không theo cách như vậy. Anh làm sống lại hai vị hoàng đế - hai đại kình địch, hai kẻ tử thù của nhau - nhưng không để họ sống ở thời của họ, mà anh để họ sống ở thời này, giữa Hà Nội những năm đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, khi hậu quả của cơn đại dịch Covid 19 vẫn còn đang rơi rớt. “Họ buộc phải điều chỉnh, hòa hoãn với lối sống hiện đại”. Đó là lý do tại sao hai vị hoàng đế Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ trong tiểu thuyết Hà Nội những mùa cổ điển của Uông Triều - và cả trong bản thảo tiểu thuyết của nhân vật nhà văn, biên tập viên Uông - đều không mặc chiến bào hay triều phục, không ở trong quân doanh hay cung điện, cũng chẳng chỉ huy những đạo quân lớn xung trận hay ban bố chiếu chỉ trước bá quan. Mà, họ lẫn vào giữa đời sống hôm nay như hai con người bình thường giữa những con người bình thường khác: ở căn hộ tập thể hay tầng hai căn biệt thự cũ từ thời Pháp, mặc quần áo thể thao, đi giày thể thao, di chuyển bằng taxi Grab hoặc đi bộ, ăn phở bò hoặc phở gà ở các quán bình dân trên phố cổ, uống trà đá hoặc hoặc cà phê quanh khu vực Phan Đình Phùng - Hòe Nhai, nhấm nhót lạc rang húng lìu cho khỏi nhạt miệng, v.v... Hoàng đế đã xuống hàng người thường, đã lẫn vào người thường, điều đó khiến cho cái xuất xứ lịch sử giảm hẳn, nhạt hẳn đi, và tiểu thuyết Hà Nội những mùa cổ điển hoàn nguyên là một tiểu thuyết của ngày hôm nay về ngày hôm nay.
Tuy nhiên, mối thù bất cộng đới thiên giữa Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ vẫn còn đó, và nó đòi hỏi phải được giải quyết một khi nhà văn đã cho họ sống lại, dù với điều kiện rằng “họ buộc phải điều chỉnh, hòa hoãn với lối sống hiện đại”. Trận chiến kỳ quặc khiến đất trời hôn ám và bốc mùi hôi tanh lộn mửa giữa đạo quân châu chấu với đạo quân ruồi nhặng ở giữa cầu Long Biên - do hai ông hoàng đế thi triển công phu tu tập - có thể xem như dấu chấm hết cho mối đại thâm thù lịch sử này. Nhưng vấn đề đáng nói không chỉ có vậy. Mà nó còn nằm ở chỗ: trước hồi cuối kết (rất mất vệ sinh) này, cả Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ, ngoài rình rập dò la động tĩnh của đối thủ, còn hết sức quan tâm đến chuyện dư luận xã hội - ở đây là báo chí, giới khoa học và dân chúng nói chung - đã thực sự nghĩ gì, nói gì, viết gì về mình, khen hay chê, đánh giá với thái độ tích cực hay tiêu cực. Một mặt, chính sự quan tâm này của hai vị hoàng đế họ Nguyễn đã dẫn chiếu tới một truyền thống kiểm soát hoạt động ghi chép lịch sử rất sâu gốc bền rễ của quyền lực chính thống (đừng có vội tin vào tính “chân thực lịch sử” của các bộ chính sử, chúng đều được/bị can thiệp hết, sao cho ít gây bất lợi nhất cho uy tín của hoàng đế và vương triều. Một bộ sử “vô tư”, chỉ viết về lịch sử như là những gì đã thực sự diễn ra là điều không bao giờ có trên dòng lịch sử của những diễn giải lịch sử). Và mặt khác, sự “ngó nghiêng” giám sát của các vị hoàng đế đã tác động đến đường đi của cốt truyện và làm lộ ra cái điều mà nhà văn Uông Triều Nguyễn Xuân Ban đã và đang quan tâm đến mức day dứt đau khổ, một chủ đề lớn của cuốn tiểu thuyết: giữa muôn trùng áp lực đời sống hôm nay, những người viết (nhà văn, nhà báo) cần phải ứng xử như thế nào để những điều họ viết, ít nhất, là trung thực với những điều họ hằng nghĩ.
Sự “ngó nghiêng” giám sát của các vị hoàng đế đã tác động đến đường đi của cốt truyện và làm lộ ra cái điều mà nhà văn Uông Triều Nguyễn Xuân Ban đã và đang quan tâm đến mức day dứt đau khổ, một chủ đề lớn của cuốn tiểu thuyết: giữa muôn trùng áp lực đời sống hôm nay, những người viết (nhà văn, nhà báo) cần phải ứng xử như thế nào để những điều họ viết, ít nhất, là trung thực với những điều họ hằng nghĩ. |
Đọc Hà Nội những mùa cổ điển ta sẽ thấy có một tiến sĩ sử học Đinh Văn Nho, chuyên gia về thời Tây Sơn, bị đấm gãy răng cửa vì “cái tội” viết bài nói xấu Gia Long Nguyễn Ánh - theo một quán tính sử học từ trước đến nay, nhất là ở miền Bắc - trên tờ tạp chí mà nhà văn Uông giữ vai biên tập viên. Để khỏi bị ăn đòn lần nữa - mà cũng là để đảm bảo tính “khách quan” cho tờ báo, và hơn thế, để nhận số tiền thưởng gấp mười lần nhuận bút từ các đương sự đầy quyền lực bí hiểm, Nho đã viết một bài khác, lấy bút danh khác, nói ngược lại tất cả những gì mình đã viết. Và đây đã trở thành một chiến lược tồn tại của Nho giữa rừng văn trận bút. Nó được cắt nghĩa như sau: “Tinh thần khách quan khoa học của Đinh Văn Nho bị lung lay vì tiền bạc cùng những thế lực bên ngoài. Trước đây Nho còn được viết theo ý mình và những quan niệm được cho là xác đáng thì giờ anh ta phải nương theo ý người khác hoặc bị tiền bạc làm cho chệch hướng. Nếu một bài báo mà nhuận bút được trả gấp mười lần thì nên cân nhắc lắm chứ. Nho nghèo, anh cần tiền, lại còn cô vợ và những thế lực hắc ám sẽ không để anh được yên” (tr.233). Cái ứng xử ấy của Đinh Văn Nho, dù sao mặc lòng, nói nhẹ thì là thỏa hiệp, hai mang, nói nặng thì không thể khác, là đánh đĩ với chữ.
Không chỉ tiến sĩ Đinh Văn Nho, đọc Hà Nội những mùa cổ điển ta còn có thể nhận thấy tinh thần thỏa hiệp, nỗi sợ hãi những “cấp trên” mơ hồ nào đó - hệt như nỗi sợ hãi ngài Klamm mà chưa ai từng nhìn thấy mặt trong tiểu thuyết Lâu đài của Franz Kafka - còn luôn lơ lửng đe dọa cả một tòa báo (và nhiều tòa báo khác hẳn cũng thế). Họ như người đi trên dây, vừa muốn có những bài báo chất lượng, mang tính “chiến đấu” cao, nhưng lại luôn phải dè chừng những sóng to gió cả có thể ập xuống bất tình lình. Mà nó ập xuống thật, không phải từ những cấp trên mơ hồ, mà từ những thế lực bí ẩn, ma quái, và theo những cách đầy hài hước: nguồn điện cơ quan bỗng nhiên bị sập; cuộc họp ban biên tập tạp chí đang diễn ra thì con quái điểu bay vào, ỉa vãi ra trên đầu người này người kia; chiếc đồng hồ đeo tay của tổng biên tập tạp chí bỗng dưng biến mất; con sóc ngoài sân tự nhiên to như người, vào phòng của biên tập viên ôm ấp tâm sự cứ như thể tình nhân... Có thể nói, vẫn cái không gian nghệ thuật ấy - nhà số 4 - nếu như ở tiểu thuyết Cô độc trước đó là một không gian Gothic chứa đựng rất nhiều sự hồi hộp, thì ở đây, trong tiểu thuyết Hà Nội những mùa cổ điển lại là một không gian theo kiểu nhà cười. Tất cả dường như đã bị hạ thấp xuống trong một uy-mua đen.
Nhà văn Uông Triều - Ảnh: NVCC |
Trong tác phẩm, chỉ duy nhất một nhân vật từ quá khứ trở về sống với thời hiện đại mà vẫn giữ được sự lịch lãm sang trọng và vẻ thản nhiên đáng kính, đó là nhà văn Khái Hưng, nhân vật số hai của Tự lực văn đoàn, một nhà văn sống hoàn toàn bằng ngòi bút độc lập, một tác giả mà Uông Triều Nguyễn Xuân Ban hằng ngưỡng mộ không che giấu. Chỉ xuất hiện trong vài “xen” cuối của cuốn tiểu thuyết, nhưng Khái Hưng đã được làm bật lên tư thế của một vị hộ pháp trấn văn chương, kẻ bảo trợ tinh thần cho những nhà văn đang vươn đến đẳng cấp “uy vũ bất năng khuất”, dám là chính mình bằng ngòi bút của mình. “Tôi không đứng về phe nào cả. Tôi là tôi”. Câu nói thốt lên giữa lúc vô cùng hiểm nghèo ấy của nhân vật nhà văn, biên tập viên Uông, theo tôi, cũng chính là xác quyết đầy dũng khí của Uông Triều trong nhiều mùa ở Hà Nội, khi mà người ta ăn phở gà và uống cà phê rất nhiều, ở mọi nơi, nhưng chẳng mấy khi nói được câu nào cho ra hồn.
Nguyễn Hoài Nam | Báo Văn nghệ