Văn hóa nghệ thuật

Một trái tim giàu nhân hậu

Nguyễn Trường
Sách
13:00 | 04/11/2024
Baovannghe.vn - Là người đứng đầu một bệnh viện lớn, quản lí hàng trăm nhân viên, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng bác sĩ Nguyễn Hoài Nam vẫn dành thời gian cho văn chương:
aa

Là người đứng đầu một bệnh viện lớn, quản lí hàng trăm nhân viên, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng bác sĩ Nguyễn Hoài Nam vẫn dành thời gian cho văn chương: Niềm đam mê lớn của đời mình. Sau những Viết từ bệnh viện, Câu chuyện y khoa, Nửa đêm xuống phố, Những linh hồn sau cánh cửa, Chuyện tình cuối mùa đông, trong năm 2024 này anh lại cho ra mắt bạn đọc Bác sĩ phẫu thuật viết về những vui buồn, thăng trầm trong nghề nghiệp.

Một trái tim giàu nhân hậu
Bìa cuốn sách Bác sĩ phẫu thuật

Không tự nhiên Nguyễn Hoài Nam đặt cho tựa sách của mình là Bác sĩ phẫu thuật. Đây cũng là tựa đề của một bài viết trong cuốn sách. Ở bài viết này, Nguyễn Hoài Nam đã lí giải về nghề thông qua một câu chuyện nghề nghiệp. Minh là bác sĩ phẫu thuật, có người bạn là Tuấn. Vợ Tuấn bị ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu, lại chưa có con. Nếu mổ cắt tuyến giáp, sau đó xạ trị thì vợ Tuấn sẽ sống được thời gian dài nhưng sẽ không bao giờ có con. Sau khi cân nhắc, Minh quyết định chỉ phẫu thuật cắt một thùy tuyến giáp để vợ bạn còn có khả năng sinh con. Để đi đến quyết định này, Minh đã phải suy tư, đấu tranh, cật vấn bản thân rất nhiều: “mình là phẫu thuật viên hay là bác sĩ phẫu thuật. Từ ngữ thì giống nhau nhưng ý nghĩa của công việc thì lại khác nhau. Phẫu thuật viên là thợ mổ, cái gì cũng mổ, mổ rất tốt, mổ rất đẹp được nhiều đồng nghiệp khen ngợi, trầm trồ thật tuyệt vời và thật đẹp. Nhưng họ chỉ là người chữa bệnh chứ không phải là chữa người bệnh, kết quả tức thời tốt đẹp nhưng còn về sau, còn những số mệnh, còn những hậu quả cho mỗi con người, mỗi gia đình và cho cả xã hội thì chỉ có trời mới biết. Và chỉ có những người trong nghề y mới biết. Còn bác sĩ phẫu thuật là những người thầy thuốc giỏi có kinh nghiệm và đầy những suy tư ngẫm nghĩ của cuộc đời. Họ luôn mổ bệnh nhân bằng đôi tay lão luyện và bằng cái đầu đầy kinh nghiệm với tấm lòng nhân ái. Họ chữa cho người bệnh chứ không phải chỉ chữa bệnh”. Quả nhiên sau này vợ chồng Tuấn có đứa con trai kháu khỉnh, đem lại niềm vui vô bờ bến cho gia đình. Nhưng vì chỉ cắt một thùy tuyến giáp nên bảy năm sau bệnh vợ Tuấn lại tái phát. Lần này phải cắt hết tuyến giáp để giữ tính mạng cho bệnh nhân. Qua câu chuyện này, Nguyễn Hoài Nam đã “dựng” nên chân dung một bác sĩ phẫu thuật, điển hình lí tưởng: Là một bác sĩ phẫu thuật không những phải có trí tuệ, vững vàng tay mổ, còn rất cần phải có tấm lòng vì người bệnh, vì tương lai hạnh phúc của họ và gia đình họ. Nếu không có trái tim nhân hậu đó, bàn tay vàng cầm dao kéo chỉ là thợ mổ.

Đọc Bác sĩ phẫu thật, chúng ta bắt gặp trăn trở, ưu tư của tác giả về những điểm còn bất cập, những “điều trông thấy mà đau đớn lòng” của ngành y. Tại sao ngành y lại chảy máu nguồn nhân lực? Tại sao nguồn nhân lực này lại ra đi khỏi các bệnh viện công nhiều đến vậy? Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu là vì thu nhập của các y bác sĩ bệnh viện công quá thấp. Từ vấn đề vi mô ấy, tác giả hướng đến những vấn đề vĩ mô của ngành y và của cả đất nước. Tại sao ngân sách chi cho y tế quá nhỏ và èo uột như thế? Có thể giảm bớt tỷ lệ ngân sách một số ngành đã quá cao đưa cho ngành ngân sách vốn rất thấp nhưng quan trọng như Y tế, Giáo dục... được không?

Trong Bác sĩ phẫu thuật, thông qua những trang nhật kí bệnh viện, Nguyễn Hoài Nam còn giúp bạn đọc thấy được những khoảnh khắc đời thường, những nỗi niềm riêng, những góc khuất “không biết tỏ cùng ai” của người bác sĩ. Những ngày Tết trong khi mọi người quây quần bên người thân, thì vì công việc, người bác sĩ vẫn phải trực xuyên đêm, sẵn sàng vào phòng mổ bất cứ lúc nào dù cho đó là đêm giao thừa hay sáng mồng một Tết. Tính chất đặc thù của công việc đã dẫn đến bao nhiêu câu chuyện “bi kịch” đối với các bác sĩ. Chuyện các bác sĩ bị vợ bỏ, người yêu bỏ, con cái thờ ơ, không gần gũi vì quanh năm “lấy viện làm nhà” đã là chuyện “thường ngày ở huyện” đối với những người đã trót mặc áo blue trắng, lấy lời thề Hippocrates làm mục đích sống của đời mình.

Bác sĩ phẫu thuật, bên cạnh một bác sĩ – lương y Nguyễn Hoài Nam luôn đau đáu với sự nghiệp y tế nước nhà, chúng ta còn bắt gặp một nghệ sĩ Nguyễn Hoài Nam với một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế trước cái đẹp của thiên nhiên và con người. Trái tim anh rung lên trước vẻ đẹp của thiên nhiên, mùa đông của Hà Nội đang về: “Gió bắt đầu thổi nhẹ, lạnh đến tê người. Mọi người hình như đã chui vào những căn nhà nhỏ bé của phố Hà Nội. Từng cây bàng góc phố đang lắc đầu nghiêng nhẹ theo chiều gió. Hình như cây cũng lạnh lắm thì phải. Bác tôi bảo năm nay mùa đông về chậm nhưng lại rét hơn mọi năm. Tôi lang thang trên hè phố Hà Nội để cảm nhận cái rét đến tê lòng, để tận hưởng từng làn gió mùa đông đang đến. Chúng ta đang chiêm nghiệm và tận hưởng cuộc sống thanh bình. Chiêm nghiệm những điều đã qua và những năm tháng sắp đến... Vâng, đúng là mùa đông đang về lặng lẽ trên từng góc phố Hà Thành. Một mùa đông có gió heo may và cái lạnh buốt người. Một mùa đông không nồng ấm như mùa xuân, không ồn ào như mùa hè, không kiêu sa như mùa thu đầy gió và nắng vàng”.

Nguyễn Hoài Nam rất nhạy cảm về thời gian chuyển mùa, quãng thời gian cái cũ đang dần qua đi, cái mới đang dần tới làm xao xuyến lòng người. Chiếc lá cuối mùa thu ghi lại những cảm xúc đẹp và quan niệm của tác giả khi ở Paris: “Vài cây phong lá đỏ trước quán đã bắt đầu rụng lá trước những cơn gió mùa thu, đã gần cuối thu rồi đấy, giờ này bên nhà nắng vẫn gắt và đường phố vẫn ngập nước vì những cơn mưa rào như trút nước mỗi ngày... Có bạn hỏi tôi thế nào là hạnh phúc và làm sao để có hạnh phúc. Vâng, hạnh phúc là đây, hạnh phúc là khi bạn thấy mình hòa quyện cùng đất trời, sống theo nhịp sống của vũ trụ và nhất là biết sống đơn giản, vị tha và biết thế nào là đủ kể cả vật chất và tinh thần... Ngoài kia gió vẫn thổi, bầu trời vẫn cao xanh. Mùa thu vàng vẫn chầm chậm chảy qua cuộc đời mổi người. Cả cánh rừng xơ xác khẳng khiu. Một làn gió trôi qua trên những cây phong bên cạnh nhà những chiếc lá vàng cuối mùa thu đang rụng xuống chuẩn bị cho một vòng tuần hoàn muôn thuở của đất trời”.

Có thể nói qua Bác sĩ phẫu thuật, bằng giọng văn giàu nhẹ nhàng, giàu cảm xúc, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam đã dựng nên bức tranh khái quát, cơ bản về nghề bác sĩ phẫu thuật nói riêng, nghề y nói chung. Thông qua những câu chuyện chân thực, cảm động về nghề y, tác giả muốn lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến với bạn đọc, giúp bạn đọc thêm hiểu, thêm tin tưởng và hi vọng vào nền y tế nước nhà. Đây là điều thành công của cuốn sách.

Đại biểu Quốc hội: xác định nhu cầu thực về nhà ở thương mại

Đại biểu Quốc hội: xác định nhu cầu thực về nhà ở thương mại

Baovannghe.vn - Sáng 21.11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (dự thảo).
Cờ bay trong nỗi nhớ.  Truyện ngắn của Khuất Quang Thụy

Cờ bay trong nỗi nhớ. Truyện ngắn của Khuất Quang Thụy

Baovannghe.vn - Có nằm mơ tôi cũng không mơ được câu chuyện lạ lùng này: Tôi bỗng trở thành thông gia với một người mà tôi đã từng có đôi chút thành kiến.
Lựa chọn khả dĩ. Truyện ngắn của Đào Văn Hợp

Lựa chọn khả dĩ. Truyện ngắn của Đào Văn Hợp

Baovannghe.vn - Y hài lòng với phương châm sống và cuộc sống hiện tại. Mẹ y thấy thế thì lo lắm. Kinh nghiệm dạy mẹ như vậy
Lúc ấy - Thơ Nguyễn Đăng Khương

Lúc ấy - Thơ Nguyễn Đăng Khương

Baovannghe.vn- Chấm vệ tinh xâm thực mây/ bầu trời dõi theo mắt người
Đọc truyện: Giao lộ nhân sinh. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Chung

Đọc truyện: Giao lộ nhân sinh. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Chung

Baovannghe.vn- Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương