Diễn đàn lý luận

Hoa hồng có gai, hay là vẫn tin vào nước mắt

​​​​​​​Nhà văn Bùi Việt Thắng
Tác phẩm và dư luận
06:00 | 03/10/2024
Baovannghe.vn - "Nước mắt làng quê" là tác phẩm văn chương giàu chất điện ảnh, nó gần như một cái mỏ lộ thiên, nhà biên kịch tài ba không cần cất công đi tìm chất liệu
aa

“Sự đời nước mắt soi gương

Càng yêu nhau lắm càng thương nhớ nhiều”

(Ca dao)

Phi lộ

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã viết về “Thời của tiểu thuyết”. Rất đúng và thuyết phục khi chúng ta ngày càng cảm nhận sâu sắc vị thế quan trọng của thể loại gạo cội này đối với sự phát triển bền vững của một nền văn học bất kỳ (ở đâu, thời nào). Có thể nói, chưa bao giờ hiện thực xã hội lại ưu tiên ưu đãi như bây giờ với nhà văn khi sẵn sàng khai quang, kê cao chỗ đứng, dâng tặng những khối vàng ròng chất liệu đời sống giàu có, gợi dẫn cao độ cảm hứng sáng tác (viết) tiểu thuyết. Vì thế trong mỗi cuốn sách thành công ròng ròng sự sống, chất đời đậm đặc dẫu cho “Tiểu thuyết là một câu chuyện bịa y như thật”.

Trên văn đàn Việt Nam đương đại, đặc biết sau Đổi mới (1986), những tác phẩm nhan đề có hai chữ “nước mắt” không nhiều, tính ra đếm được đầu ngón tay, chỉ vài ba như Nước mắt (tiểu thuyết, 1991) của nhà văn Đào Thắng, Nước mắt một thời (tiểu thuyết, 2009) của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, Nước mắt cửa thiền (tập truyện, 2013) của nhà văn Nguyễn Trọng Văn, Giọt nước mắt người lính (tập truyện, 2020) của nhà văn Nguyễn Đăng An. Nay vui mừng, độc giả lại tiếp tục chia sẻ với nỗi niềm của con người trong một thời đại không ít bể dâu bởi “sự đời nước mắt soi gương” trong tiểu thuyết Nước mắt làng quê của nhà văn Hoàng Dự - tác phẩm đoạt Giải khuyến khích cuộc thi sáng tác văn học về Công nhân, Công đoàn năm 2023 và Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành tháng 8 năm 2024. Như tôi biết, nhà văn Hoàng Dự đã ấp ủ ý tưởng viết cuốn tiểu thuyết này ít nhất bằng thời gian một cuộc kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ chống Pháp (1945-1954); nhưng khi chín ý tưởng và vốn trải nghiệm sống, trải nhiệm văn hóa đã dư đầy thì vào cuộc viết chỉ có hơn 100 ngày như là mở đầu và kết thúc hai chiến dịch lớn được ghi vào lịch sử (Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 và Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975). Cách nay đã hơn 20 năm nhà văn Hoàng Dự trình làng tiểu thuyết Đường đời (2001, 2003, 2004), sau được chuyển thể thành phim truyền hình nhiều tập, dư luận công chúng nghệ thuật đánh giá cao.

Hành động viết (ngắn hay dài) với nhà văn Hoàng Dự luôn luôn được xác tín “Tôi luôn quan tâm đến số phận con người trong tác phẩm của mình” (Tự bạch). Nhà văn Hoàng Dự, theo quan sát của tôi, viết ít (vì bận bươn chải báo chí như câu thơ phỏng theo ai đó “Người rất bận ngày ngày vô tận”). Nhưng cái sự ít này phù hợp với quy luật khắt khe trong sáng tạo nghệ thuật “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Tôi có cơ duyên được tiếp xúc với tiểu thuyết Nước mắt làng quê ở dạng bản thảo mộc ban đầu và sửa chữa nâng cao trước khi gửi đi dự thi, cuối cùng là trước khi đưa đi in ở Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Nói như cổ nhân là đến “tam ba bận”; vì thế tôi có cảm giác như là của chính bản thân viết ra nên lo toan, vun vén, kỳ vọng vào “đứa con tinh thần” của mình được sinh hạ “mẹ tròn con vuông”. Tôi nói thế, ai tin thì tin, không tin thì thôi!

Hoa hồng có gai, hay là vẫn tin vào nước mắt

Tam nông vào tiểu thuyết

Muốn tìm về căn tính Việt, văn hóa Việt thì không phải ngoái ra phố phường thị thành với xu hướng kinh tế thị trường ngày càng áp đặt xã hội và con người theo những quy luật khắc nhiệt của nó, với lối chạy theo (hay là học đòi) phong cách sống, văn hóa phương Tây được coi tân kỳ. Trái lại, phải trở về cái gốc, về nguồn, về với “tam nông” (nông thôn - nông nghiệp - nông dân), theo tinh thần cố hương, hoặc giả “lối cũ ta về”. Tôi cũng biết, theo lối riêng tư, nhà văn Hoàng Dự gắn bó máu thịt cội rễ của mình với làng quê ở xã Yên Khang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ở đó anh còn một bà mẹ vĩ đại mà thường âu yếm gọi theo cách của vùng quê đồng bằng Bắc Bộ là “bầm”, “bủ”, “u”... tùy nơi, tùy lúc. Ở đó anh có một tuổi thơ không biết có dữ dội hay không (như tác phẩm của nhà văn Phùng Quán), nhưng chí ít nơi đó nhào nặn, hun đúc nhà văn tương lai thành một “tiểu vũ trụ” căn cốt rơm rạ, đất đai, quê kiểng, chân quê, tình làng nghĩa xóm, chân phương, chân chỉ, chân thành.... Quen biết nhà văn Hoàng Dự chưa lâu, cũng nghe đó đây đánh giá ông là người của báo chí, cực kỳ nhạy cảm (nhạy bén) và thức thời, khôn ngoan (có chút đáo để), song càng gần, càng tìm hiểu, càng thấy ông này cuối cùng phải trở về bản tính của nghệ sỹ ngôn từ gần với rơm rạ, ruộng đất, hương ước, quen chơi với các thôn nữ nhà lành hơn các cô nàng mắt xanh mỏ đỏ phố phường. Nghĩa là cái “chơn” (chân) trong con người và câu chữ của ông đã ngấm nghía thành bản ngã. Nên tôi đinh ninh rằng, nếu viết về “tam nông”, nhất định nhà văn Hoàng Dự sẽ thấm nhuần mọi chuyện đến tận chân tơ kẽ tóc. Viết cứ như lấy từ trong túi mình ra. Sẽ thành công (nếu không thì cũng thành nhân). Quý vị đọc tron vẹn Nước mắt làng quê thật kỹ, sẽ cảm nhận được chậm rãi, thật thấm thía nhã thú văn chương có cái hơi hướng cổ điển, không gần (hay xa lạ) với lối văn “mỳ ăn liền” đang được PR rất mạnh mẽ trên văn đàn hiện nay, đặc biệt văn học mạng. Ông sống và viết có vẻ như theo tinh thần “Hiện sinh chủ nghĩa” nhưng không trở nên “sát đất”; bấu chặt lấy đời sống để viết nhưng không kém phần bay bổng, phiêu diêu và thậm chí phá cách mạnh mẽ.

Nhưng tại sao lại nói hướng ngòi bút (bây giờ là máy tính) viết về “tam nông” nhà văn sẽ có cơ hội tạo cho tác phẩm có sự hấp dẫn, có thể găm lại những lưu dấu về “chân - thiện - mỹ” trong ký ức độc giả ngày nay vốn thông minh, nhưng đôi khi đỏng đảnh? Ví như văn học Nga hiện đại, theo chỗ tôi biết thì, văn xuôi của tác gia A.Platônôp (1899-1951), tiêu biểu nhất Những truyện ngắn về quê hương (tập truyện) có nhiều độc giả vì đọc ông người ta mới thấm nhuần hết cái gốc rễ của nước Nga cổ truyền, mới thấu thị “Tính cách Nga” (như nhan đề một thiên truyện nổi tiếng của nhà văn tài danh A. Tolstoy - tác giả bộ ba tiểu thuyết nổi tiếng Con đường đau khổ). Một nhà văn Nga hiện đại khác viết thành công về nông thôn là V. Sucsin (1929 - 1974), tác giả của Những người nhà quê (tập truyện). Trên văn đàn Việt đương đại, những tác phẩm về “tam nông” vẫn thống ngự và thành công như Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Gia phả của đất của nhà văn Hoàng Minh Tường, Dòng sông mía của nhà văn Đào Thắng, Kẻ ám sát cánh đồng của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư,...

Nhưng một nhà văn thực sự có đóng góp vào văn chương nước nhà thì tác phẩm phải có cái mới (cả nội dung tư tưởng, cả nghệ thuật). Theo tôi, qua tiểu thuyết Nước mắt làng quê, nếu có đóng góp thực sự hiệu quả chính là ở chỗ nhà văn không thái quá nghiêng về tố khổ, kể khổ bằng cách tái hiện những cảnh ngộ bần hàn ở nông thôn trong cơn trở dạ lớn; cũng không nghiêng về miêu tả tính chất “nạn nhân” của những con người - nhân vật (nhất là nữ). Nhà văn viết sâu sắc cả hai mặt cay đắng và hạnh phúc, được và mất, phá và xây của một nông thôn đang vỡ vạc, khai quang trên con đường “nông thôn mới”. Đặc biệt nhà văn tô đậm hình ảnh lớp người mới có tri thức, cao vọng biến đổi làng quê thành nơi đáng sống, dựng xây hiệu quả thực tế một không gian hiện đại hài hòa các yếu tố kinh tế - văn hóa - xã hội - nhân văn, hội tụ qua nhân vật Nam, đại diện cho quy luật “tre già măng mọc”. Tính hiện đại của lối viết chính là đưa nhân vật nữ (điển hình là Thúy, Thắm với số phận “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh”) lên ngang hàng bình đẳng với giới mày râu. Họ là con cháu của nữ sỹ Hồ Xuân Hương dám, như giai thoại lưu danh “Giơ tay với thử trời cao thấp/ Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài”. Với Nước mắt làng quê, nhà văn Hoàng Dự đã góp công vào nhiệm vụ nghệ thuật thiết kế một “văn chương mang gương mặt nữ’, “văn chương về tam nông”.

Tái hiện những số phận người tiêu biểu, các nhân vật sắc nét như Thúy, Thắm, Thăng, Nam,... tác giả không chú mục vào vẽ và dựng những “kiếp nạn”. Trái lại, trong mỗi nhân vật đều chứa chất đầy đủ cả “3 trong 1” - mỗi cá thể đều đồng thời là “nạn nhân - tội nhân - cứu nhân”. Tùy vào hoàn cảnh và tâm trạng cũng như ứng xử, sẽ là một trong ba vị trí ấy có vẻ như trời định, tiên thiên. Nhưng cuối cùng phải hoán đổi bằng đấu tranh, cải tạo cuộc sống. Từ góc nhìn này, tôi cảm giác rõ cách xây dựng nhân vật tiểu thuyết của nhà văn Hoàng Dự là biến họ thành những “sao đổi ngôi”. Nông thôn Việt Nam ngày nay hiện lên qua tiểu thuyết Nước mắt làng quê không có cảnh trống giong cờ mở trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, đã đành; cũng xa xưa rồi cảnh mảnh đất lắm người nhiều ma, may mắn cũng đã qua đi; cũng không phải chỉ là thảm cảnh của cánh đồng chết chóc bất tận, vì nó đang có cơ hội hồi sinh... Nông thôn Việt Nam ngày nay chính là nơi đan bện các nhân tố quá khứ và hiện tại, truyền thống và hiện đại, cổ truyền và tân kỳ, đóng và mở, gắn bó và xa lìa, thất vọng và hy vọng,... với mỗi con người trong ý nghĩa là những “nguyên tử” hay “hạt nhân” của đời sống xã hội có đặc trưng ngày càng phức tạp hơn và không có tiền lệ. Vì thế con người ngày càng phải đối diện nhiều hơn với những bất ngờ, bất trắc, những tình huống bất khả kháng, vì thế những ứng xử càng cần phải thông minh gấp bội. Nghĩa là, bài toán cuộc đời mà con người hiện đại cần giải mã hóc búa hơn trước gấp vạn lần trước đây. Càng hóc búa hơn với những người nữ và những người trẻ - hai đối tượng, hai kiểu nhân vật mà nhà văn Hoàng Dự quan tâm chăm sóc, dựng xây thành những điển hình nghệ thuật có chiều sâu triết lý, có vẻ như đối nghịch “Con người! Hai tiếng ấy vang lên biết bao tự hào!” (M. Gorki) và “Hỡi những con người mà ta yêu thương, hãy cảnh giác!” (J. Fuxich).

Tác giả tặng sách các bạn văn. Ảnh tác giả cung cấp
Tác giả tặng sách các bạn văn. Ảnh tác giả cung cấp

Vĩ thanh

Nhà văn trong tác phẩm, đặc biệt ở đoạn kết nhấn mạnh về chữ “duyên”. Quá trúng và đúng, lại càng thâm hậu. Riêng tôi, thích chữ “duyên” này vì nhiều lẽ, vì đó là “duyên số”, “duyên phận”, “duyên nghiệp”. Nhưng với người sáng tác thì “duyên văn” mới quan trọng và quyết định thành bại của sự viết. Nước mắt làng quê vẫn còn không thôi chảy. Bi kịch vẫn còn trải dài trên con đường xây dựng xã hội văn minh, công bằng, dân chủ, bác ái mà “Nông thôn mới” là ánh xạ. Có sống và chết, có mất và được, có lạc quan và bi kịch, có nước mắt và nụ cười, có bản năng và trí tuệ, có đui mù bản thể và ánh sáng thiện lương, tiến bộ và phản tiến bộ, văn hóa và phi văn hóa,... nghĩa là tổng hoà các quan hệ xã hội và tự nhiên trong mỗi con người, mỗi gia đình trong quá trình đi lên, phát triển, tiến bộ và nhân văn. Có thể khẳng định, Nước mắt làng quê của nhà văn Hoàng Dự là một “phân khúc” mới của văn chương Việt Nam viết về thời đại, con người trong chủ đề “Tam nông”. Có thể nói thêm, Nước mắt làng quê là tác phẩm văn chương giàu chất điện ảnh, nó gần như một cái mỏ lộ thiên, nhà biên kịch tài ba không cần cất công đi tìm chất liệu. Tin tưởng, tại sao không ?!

Viết thêm, sẽ có người vân vi rằng, tiểu thuyết Nước mắt làng quê của nhà văn Hoàng Dự như cách nhà phê bình trình bày toàn những điều hay, hóa ra là toàn bích? Phê bình văn học, tôi nghĩ, theo hướng chỉ trích không khó. Tôi tuân thủ nguyên tắc khi viết “Nghệ thuật đi tìm cái đẹp của đời sống. Phê bình đi tìm cái đẹp của nghệ thuật”./.

B.V.T

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Nữ dung, nữ tính, nữ quyền trong tiểu thuyết Bảo Ninh Nhà văn Nguyễn Trí Huân và tiểu thuyết " Chim Én còn bay mãi" Tiểu thuyết "Thiên hồn": Tham vọng bất khả sẽ thiêu rụi mọi nhân tính Tây phương mỹ nhơn - Cuốn tiểu thuyết nữ đầu tiên xuất bản ở Việt Nam Sự ra đời của những cuốn tiểu thuyết trên bàn ăn
Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Baovannghe.vn - Cả một đồi cây sau làng là thế giới của các loài chim, nhiều lắm, chúng bay thành từng nhóm, từng bầy, có khi từng đôi, cũng có khi riêng lẻ…
Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Baovannghe.vn - Trong khuôn khổ " Ngày hội đổi mới sáng tạo" - hội thảo “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục đại học Việt Nam: Năng động và hợp tác” đã đặt ra và giải đáp nhiều vấn đề về Đổi mới Giáo dục đại học hiện nay.
Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Baovannghe.vn- Chào mào hót: cởi quách cái thử nào/ Cô gái trẻ giật mình cài lại yếm.
Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Baovannghe.vn- "Tác phẩm có ảnh hưởng tốt đến tư tưởng và tình cảm của nhân dân”/ Trong hội trường/ Anh vận bộ veston đỉnh đạc bước lên sân khấu nhận giải thưởng
Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Baovannghe.vn- Thi nhân ạ!/ Khó minh định rạch ròi/ Ta đang ở Giới nào trong Tam giới?/ Này thì rượu. Này thì thơ. Này thì em roi rói