Sáng tác

Sự ra đời của những cuốn tiểu thuyết trên bàn ăn

Murakami Haruki
Văn học nước ngoài
11:00 | 26/09/2024
Baovannghe.vn- Tôi ghét ý tưởng phải làm việc cho một công ty, nên tôi quyết định mở cơ sở của riêng mình, một nơi mọi người có thể đến nghe những bản nhạc jazz
aa

Murakami Haruki sinh năm 1949, là một trong những tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước Nhật. Murakami đã trở thành hiện tượng trong văn học Nhật Bản đương đại với những mĩ danh “nhà văn được yêu thích”, “nhà văn bán chạy nhất”, “nhà văn của giới trẻ”, nhiều lần được đề cử giải Nobel văn học.

Hầu hết mọi người - ý tôi là hầu hết những người là một phần của xã hội Nhật chúng tôi - tốt nghiệp, rồi tìm việc, rồi sau một khoảng thời gian thì kết hôn. Ngay cả tôi ban đầu cũng định đi theo hình mẫu đó. Hoặc ít nhất đó cũng là cách tôi tưởng tượng mọi chuyện sau này. Nhưng thực tế là tôi đã kết hôn, rồi bắt đầu làm việc, rồi (bằng cách nào đó) cuối cùng cũng tốt nghiệp. Nói cách khác, thứ tự mà tôi đi theo trái ngược hẳn với những gì được coi là bình thường.

Sự ra đời của những cuốn  tiểu thuyết trên bàn ăn
Haruki Murakami - Minh họa của Eili Lepik

Tôi ghét ý tưởng phải làm việc cho một công ty, nên tôi quyết định mở cơ sở của riêng mình, một nơi mọi người có thể đến nghe những bản nhạc jazz, uống cà phê, ăn đồ ăn nhẹ, và uống rượu. Ý tưởng đó đơn giản và khá thảnh thơi: Tôi hình dung là làm một công việc như thế thì tôi sẽ có thời gian để nghe loại nhạc ưa thích từ sáng tới tối. Vấn đề là vì chúng tôi đã kết hôn trong khi vẫn còn học đại học nên chúng tôi không có tiền. Bởi vậy mà trong ba năm đầu, vợ tôi và tôi đã làm việc như nô lệ, thường xuyên làm nhiều việc cùng lúc để tiết kiệm được nhiều tiền nhất có thể. Sau đó, tôi xoay xở để vay mượn bất cứ khoản tiền nào mà bạn bè và gia đình dành dụm được. Rồi chúng tôi mang toàn bộ tiền gom góp được ra mở một quán bar kiêm quán cà phê nhỏ ở Kokubunji, một khu trọ sinh viên ở vùng ngoại ô phía Tây Tokyo. Đó là năm 1974.

Hồi đó tự mở quán tốn ít hơn bây giờ rất nhiều. Những bạn trẻ đã quyết định sẽ tránh xa “cuộc sống công sở” bằng mọi giá như chúng tôi cũng đang mở những cửa hàng nhỏ dọc hai bên đường. Quán cà phê và quán ăn, các loại cửa hàng, hiệu sách - vô khối. Một số nơi gần chỗ chúng tôi được sở hữu và điều hành bởi những người cùng thế hệ. Kokubunji giữ được một sự rung cảm phản văn hóa mạnh, và nhiều người trong khu đã bỏ học từ phong trào sinh viên đang thu hẹp. Đó là thời kì mà chúng ta vẫn có thể tìm thấy những lỗ hổng trong chế độ ở khắp nơi trên thế giới.

Tôi mang chiếc piano cũ từ nhà bố mẹ tới và bắt đầu phục vụ nhạc sống vào cuối tuần. Có nhiều nghệ sĩ nhạc jazz ở Kokubunji (mà tôi nghĩ là) đã vui vẻ nhận lời chơi nhạc với số tiền ít ỏi mà chúng tôi có thể trả họ. Nhiều người sau này đã trở thành nhạc sĩ nổi tiếng; thậm chí đến giờ thỉnh thoảng tôi còn bắt gặp họ trong những câu lạc bộ nhạc jazz ở Tokyo.

Dù chúng tôi được làm những gì mình thích, việc trả nợ lại là một công cuộc gian nan. Chúng tôi nợ các ngân hàng, nợ những người đã ủng hộ mình. Có lần đang mắc kẹt với khoản trả góp ngân hàng hằng tháng, khi cúi đầu lê bước lúc đêm muộn, vợ chồng tôi nhặt được một ít tiền rơi trên phố. Tôi không biết đó là tình cờ hay được thần linh giúp đỡ, nhưng số tiền đó đúng bằng những gì chúng tôi đang cần. Khoản thanh toán đáo hạn vào hôm sau, nên chúng tôi quả thật như được hoãn tử hình vào phút cuối. (Những sự kiện kì lạ như thế vẫn xảy ra rải rác trong cuộc đời tôi.) Hầu hết người Nhật có lẽ sẽ làm điều đúng đắn là mang trả lại tiền cho cảnh sát, nhưng mòn mỏi như chúng tôi khi đó, chúng tôi không thể sống bằng những tình cảm tốt đẹp như vậy.

Nhưng mọi chuyện vẫn vui. Chẳng nghi ngờ gì. Tôi còn trẻ và được nghe loại âm nhạc mình thích trong thời trai trẻ, tôi là chúa tể trong miền đất bé nhỏ của riêng mình. Tôi không phải lách mình trên những chuyến xe lửa chật ních, phải tham dự các cuộc họp mệt đầu, hay phải khúm núm trước ông sếp tôi không thích. Thay vào đó, tôi có cơ hội gặp đủ kiểu người thú vị.

Những năm tuổi hai mươi của tôi bởi vậy đã dành để trả nợ và lao động mệt nhọc (làm bánh mì và pha cocktail, đuổi những khách hàng độc miệng ra khỏi cửa) từ sáng tới tối. Sau vài năm, ông chủ nhà quyết định cải tạo tòa nhà Kokubunji nên chúng tôi chuyển tới một khu khang trang và rộng rãi ở gần trung tâm Tokyo, ở Sendagaya. Ở chỗ mới chúng tôi có đủ chỗ cho một chiếc dương cầm, nhưng số nợ của chúng tôi cũng thế mà tăng theo. Nên mọi chuyện cũng chẳng dễ dàng hơn.

Giờ nhìn lại, tất cả những gì mà tôi nhớ được là chúng tôi đã làm việc vất vả như thế nào. Tôi hình dung hầu hết mọi người đều tương đối nhàn nhã ở tuổi đôi mươi, nhưng chúng tôi hầu như không có thời gian để tận hưởng những “ngày vô tư của tuổi trẻ”. Khó khăn lắm chúng tôi mới vượt qua được. Nhưng những lúc rảnh rỗi thì tôi dành cho việc đọc. Cùng với âm nhạc, sách là niềm vui lớn của tôi. Bất kể có tôi có bận rộn thế nào, cháy túi thế nào, kiệt sức thế nào thì cũng không ai có thể lấy đi những niềm vui đó.

Cuối cùng thì khi tuổi hai mươi của tôi sắp qua, quán bar nhạc jazz Sendagaya của chúng tôi cũng bắt đầu cho thấy những dấu hiệu của sự ổn định. Quả thật, chúng tôi chưa thể ngả lưng và thư giãn - chúng tôi vẫn còn nợ tiền, việc kinh doanh cũng có lúc lên lúc xuống - nhưng ít nhất thì mọi chuyện có vẻ đã đi đúng hướng.

*

Một chiều tươi sáng tháng 4 năm 1978, tôi đến xem một trận bóng chày trên sân vận động Jingu, cách nơi tôi sống và làm việc không xa. Đó là trận khai mạc mùa giải trung tâm, séc đầu bắt đầu lúc một giờ chiều, Yakult Swallows đấu với Hiroshima Carp. Tôi hâm mộ Swallows từ những ngày đó nên thỉnh thoảng tôi ghé qua xem, như một cách đi bộ.

Hồi đó, Swallows là một đội bóng yếu (chắc bạn cũng đoán được điều đó từ cái tên của họ), ít kinh phí và không có ngôi sao nào. Đương nhiên, họ cũng không được nhiều người ủng hộ. Đó là trận mở màn mùa giải nhưng cũng không có nhiều khán giả ngồi sau hàng rào sân bóng. Tôi ngả mình xem bóng với một chai bia trên tay. Hồi đó còn chưa có khán đài mà chỉ là một gò cỏ. Bầu trời xanh ngắt, bia tươi mát lạnh, quả bóng nổi bật trên nền cỏ xanh, màu xanh đầu tiên tôi thấy trong một thời gian dài. Cầu thủ đánh bóng đầu tiên của đội Swallows là Dave Hilton, một cầu thủ gầy nhẳng mới đến từ Mỹ, và hoàn toàn không tên tuổi. Ông đứng ở vị trí đập bóng số một. Người đập bóng ở vị trí số bốn là Charlie Manuel, sau này ông trở nên nổi tiếng với vị trí người quản lí đội Cleveland IndiansPhiladelphia Phillies. Ông là một con ngựa giống, một võ sĩ nhà nghề thực thụ mà những người hâm mộ Nhật Bản đã đặt biệt danh là “Quỷ đỏ”.

Tôi nghĩ người ném bóng đầu tiên của đội Hiroshima là Yoshiro Sotokoba. Yakult đối đầu với Takeshi Yasuda. Nửa cuối hiệp đầu, Hilton đập trả cú ném đầu tiên của Sotokoba về phía sân trái và lập một cú đúp tuyệt đẹp. Cơn thỏa mãn trào lên khi chiếc gậy đập trúng quả bóng vang lên trên khắp sân vận động Jingu. Tiếng vỗ tay tán thưởng rộ lên quanh tôi. Trong khoảnh khắc đó, dù chẳng có lí do và chẳng có căn cứ nào, tôi chợt nảy ra một ý nghĩ: Tôi nghĩ tôi có thể viết một cuốn tiểu thuyết.

Tôi vẫn nhớ chính xác cảm giác lúc đó. Cứ như thể có một thứ gì đó rơi xuống từ bầu trời, và tôi bắt gọn nó trong tay. Tôi không biết tại sao nó lại tình cờ rơi vào tầm với của tôi. Lúc đó tôi không biết, đến bây giờ tôi vẫn không biết. Dù lí do là gì thì điều đó cũng đã xảy ra. Nó giống như một sự giác ngộ. Hoặc có thể hiển linh là từ chính xác nhất. Tất cả những gì tôi có thể nói là cuộc đời tôi đã thay đổi vĩnh viễn và quyết liệt trong thời khắc ấy - khi Dave Hilton đập cú đúp tuyệt đẹp và dứt khoát ấy ở sân vận động Jingu.

Sau trận đấu (tôi nhớ là Yakult thắng), tôi bắt chuyến tàu tới Shinjuku, mua một tập giấy và một cây bút viết. Khi đó máy tính và phần mềm văn bản chưa ra đời, có nghĩa là chúng tôi phải viết mọi thứ bằng tay, từng chữ từng chữ một. Cảm giác khi viết thật tươi mới. Tôi vẫn nhớ tôi đã vui mừng ra sao. Đã rất rất lâu tôi mới lại đặt bút lên mặt giấy.

Mỗi đêm sau đó, làm về muộn, tôi ngồi bên chiếc bàn ăn và viết. Ít giờ trước lúc bình minh là khoảng thời gian duy nhất mà tôi rảnh rỗi. Trong khoảng sáu tháng sau đó, tôi viết cuốn Lắng nghe gió hát. Tôi hoàn thành bản thảo đầu tiên khi mùa giải bóng kết thúc. Ngẫu nhiên là năm đó Yakult Swallows phá vỡ tỷ lệ cược và dự đoán của mọi người để giành chiến thắng giải trung tâm, rồi tiếp tục vô địch giải liên đoàn Thái Bình Dương trước đội Hankyu Braves trong giải nhà nghề Nhật Bản. Đó thực sự là mùa giải kì diệu đã làm vỡ òa trái tim của những người hâm mộ đội Yakult.

*

Lắng nghe gió hát là một tác phẩm ngắn, gần với tiểu thuyết ngắn hơn là tiểu thuyết. Nhưng vẫn phải mất nhiều tháng và nỗ lực để hoàn thành. Dĩ nhiên, một phần lí do là thời gian hạn chế mà tôi có để làm việc, nhưng vấn đề lớn hơn là tôi không biết viết tiểu thuyết như thế nào. Thú thật là dù tôi đã đọc mọi thứ, loại sách ưa thích của tôi là tiểu thuyết Nga thế kỉ 19 và truyện trinh thám tội phạm Mỹ, tôi lại chưa bao giờ nghiêm túc quan tâm tới tiểu thuyết đương đại Nhật Bản. Thế nên tôi không biết những loại tiểu thuyết Nhật Bản nào đang được đón đọc trong thời gian đó, hay tôi nên viết tiểu thuyết bằng tiếng Nhật như thế nào.

Trong nhiều tháng, tôi làm việc với sự phỏng đoán đơn thuần, chạy theo một thứ có thể gọi là văn phong. Rồi khi đọc lại những gì tôi viết, tôi hoàn toàn thất vọng. Nó có vẻ đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của một cuốn tiểu thuyết, nhưng có phần nhàm chán và toàn bộ cuốn sách khiến tôi cảm thấy lạnh lẽo. Tôi nghĩ nếu đó là cách tác giả cảm nhận được thì có lẽ phản ứng của độc giả còn tiêu cực hơn nhiều. Trông như mình không có những gì nó cần, tôi nghĩ một cách chán nản. Bình thường thì nó có thể kết thúc tại đó - tôi có thể buông bỏ. Nhưng sự hiển linh mà tôi nhận được trên gò cỏ ở sân vận động Jingu vẫn còn khắc rõ trong tâm trí tôi.

Nhìn lại thì việc tôi không thể viết ra được một cuốn tiểu thuyết hay cũng là điều rất tự nhiên. Sẽ là sai lầm lớn nếu cho rằng một gã như tôi vốn chưa bao giờ viết được gì trong cuộc đời lại có thể tạo ra được một thứ gì đó rực rỡ trong phút chốc. Tôi đã cố gắng thực hiện điều không thể. Hãy từ bỏ việc cố gắng viết ra được thứ gì đó tinh tế, tôi tự nhủ. Hãy quên đi tất cả những ý tưởng mang tính quy tắc về “tiểu thuyết” và “văn chương,” và đặt bút viết ra những cảm xúc và ý nghĩ khi chúng đến, tự do theo cách ta muốn.

Nói đặt bút viết ra những cảm xúc một cách tự do nghe thì dễ, nhưng làm được lại không đơn giản đến thế. Với một người mới bắt đầu như tôi thì lại càng khó. Để bắt đầu một khởi đầu mới, điều đầu tiên tôi phải làm là thoát ra khỏi đống giấy bút. Chừng nào chúng còn nằm trước mặt tôi thì những gì tôi viết vẫn còn “văn chương”. Thay vào đó, tôi lôi chiếc máy đánh chữ Olivetti cũ từ tủ quần áo ra. Rồi như một thử nghiệm, tôi quyết định viết lời mở đầu cho cuốn tiểu thuyết của tôi bằng tiếng Anh. Tôi nghĩ là nếu tôi đã sẵn sàng thử mọi thứ thì sao không làm tới đi.

Chẳng cần phải nói, khả năng viết tiếng Anh của tôi không nhiều nhặn gì. Từ vựng rất hạn chế, cú pháp cũng tương tự. Tôi chỉ viết ra được những câu đơn giản và ngắn. Điều đó có nghĩa là dù có bao nhiêu ý nghĩ phức tạp chạy trong đầu tôi thì tôi cũng không thể cố gắng đặt bút viết ra được. Ngôn ngữ đơn giản, những ý tưởng được thể hiện một cách dễ hiểu, cách mô tả lột bỏ tất cả những dư thừa không liên quan, hình thức cô đọng, và tất cả được sắp xếp cho phù hợp với một kích thước hạn chế. Kết quả là một thứ văn xuôi xù xì và thô ráp. Tuy nhiên, trong khi tôi đấu tranh để thể hiện bản thân mình trong phong cách đó thì từng bước từng bước một, một nhịp điệu đặc biệt bắt đầu hình thành.

Bởi tôi sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản, ngữ vựng và cấu trúc câu tiếng Nhật đã chất đầy trong cái hệ thống là tôi tới mức bùng nổ, như một chuồng ních đầy vật nuôi. Khi tôi tìm cách đưa suy nghĩ và cảm xúc của mình thành lời, những con vật đó bắt đầu di chuyển tán loạn, và hệ thống sụp đổ. Viết bằng tiếng nước ngoài, với tất cả những hạn chế kéo theo, đã loại bỏ trở ngại này. Điều đó cũng khiến tôi khám phá ra tôi có thể bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình với một số từ vựng và cấu trúc ngữ pháp hạn chế, miễn là tôi có thể kết hợp chúng một cách hiệu quả và liên kết chúng một cách khéo léo. Tóm lại, tôi nhận ra rằng nhiều từ khó là điều không cần thiết - tôi không cần cố gây ấn tượng với độc giả bằng những biến thể đẹp đẽ của các cụm từ.

Mãi sau này tôi mới phát hiện ra nhà văn Agota Kristof cũng đã viết một số cuốn tiểu thuyết tuyệt vời trong phong cách có ảnh hưởng tương tự. Kristof là người Hungary; bà trốn đến Neuchâtel, Thụy Sĩ năm 1956 trong cuộc biến động ở quê hương. Bà đã học - thực ra là buộc phải học - tiếng Pháp. Nhưng thông qua việc viết bằng tiếng nước ngoài bà đã xây dựng được một phong cách mới mẻ và độc đáo của riêng mình. Nó nổi bật với một nhịp điệu mạnh mẽ dựa trên những câu ngắn, từ ngữ không bao giờ quanh co mà luôn thẳng thắn, và cách mô tả phù hợp và không có những từ chỉ cảm xúc vô nghĩa. Các tác phẩm của bà được che giấu trong một bầu không khí bí ẩn, gợi ra những vấn đề quan trọng ẩn sau dưới lớp vỏ ngoài. Tôi còn nhớ cảm giác có phần hoài cổ khi lần đầu tiếp xúc với những tác phẩm của bà. Khá tình cờ là cuốn tiểu thuyết đầu tay của bà, The Notebook, ra mắt năm 1986, chỉ 7 năm sau khi Lắng nghe gió hát được phát hành.

Sau khi phát hiện ra tác dụng kì lạ của việc sáng tác bằng tiếng nước ngoài, từ đó có được một nhịp điệu sáng tạo riêng biệt cho mình, tôi đem cất chiếc Olivetti vào tủ và một lần nữa mang xấp giấy bút ra ngoài. Tôi ngồi xuống và bắt đầu “dịch” những chương sách tôi viết bằng tiếng Anh ra tiếng Nhật. “Cấy ghép” có lẽ sẽ chính xác hơn, bởi nó không phải là một bản dịch nguyên văn trực tiếp. Chắc chắn trong quá trình này, một phong cách mới trong tiếng Nhật đã xuất hiện. Phong cách của tôi. Một phong cách mà tôi đã tự mình khám phá ra. Giờ mình có được nó rồi, tôi nghĩ. Đó là cách tôi nên làm. Đó là khoảnh khắc của sự rõ ràng đích thực, khi những chiếc vảy rơi khỏi đôi mắt tôi.

Có người từng nói: “Tác phẩm của anh có cảm giác như văn dịch.” Tôi không để ý ý nghĩa chính xác của lời nhận xét đó, nhưng tôi nghĩ một mặt thì nó chính xác, còn một mặt thì hoàn toàn sai lầm. Bởi những đoạn mở đầu trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi đã được “dịch” theo đúng nghĩa đen, nhận xét đó không phải là sai; nhưng nó chỉ đơn thuần áp dụng cho quá trình viết. Điều tôi tìm kiếm bằng cách viết bằng tiếng Anh trước rồi sau đó “dịch” sang tiếng Nhật chỉ đơn thuần là tạo ra được một phong cách “trung lập” tự nhiên, thứ cho phép tôi được tự do hơn. Mối quan tâm của tôi không phải là tạo ra một hình thức tiếng Nhật trung hòa. Tôi muốn triển khai một loại tiếng Nhật cách li khỏi cái gọi là ngôn ngữ văn chương càng xa càng tốt để viết bằng giọng nói tự nhiên của riêng tôi. Điều đó đòi hỏi những phương pháp liều lĩnh. Để mà nói thì ở thời điểm đó, có thể tôi đã coi tiếng Nhật chỉ đơn thuần là một công cụ chức năng.

Một số nhà phê bình thấy đây là một sự sỉ nhục, đe dọa tới ngôn ngữ dân tộc của chúng tôi. Tuy nhiên, ngôn ngữ rất dẻo dai, nó là một sự kiên trì được hỗ trợ bởi một lịch sử lâu dài. Tính tự chủ của nó không thể bị mất đi hay bị hủy hoại nghiêm trọng bất kể nó có bị đối xử như thế nào, ngay cả khi cách đối xử đó rất thô bạo. Các nhà văn có quyền cố hữu là được thử nghiệm mọi khả năng của ngôn ngữ bằng mọi cách họ có thể tưởng tượng được - nếu không có tinh thần mạo hiểm đó thì không bao giờ có thứ gì mới được sinh ra. Phong cách tiếng Nhật của tôi khác phong cách của Tanizaki, cũng như phong cách của Tanizaki khác phong cách của Kawabata. Đó là điều tự nhiên. Nói cho cùng, tôi chỉ là một chàng trai, một nhà văn độc lập có cái tên Haruki Murakami.

*

Đó là một sáng chủ nhật mùa xuân nắng rực khi tôi nhận được cuộc gọi từ một biên tập viên của tạp chí văn học Gunzo, thông báo Lắng nghe gió hát đã lọt vào danh sách đề cử cho giải thưởng dành cho các nhà văn mới của họ. Gần một năm đã trôi qua kể từ khi mùa giải mới được mở ra ở sân vận động Jingu, tôi đã bước sang tuổi 30. Lúc đó khoảng 11 giờ sáng, nhưng tôi vẫn còn buồn ngủ do thức làm việc quá muộn đêm hôm trước. Tôi quờ quạng nhấc ống nghe, ban đầu còn chẳng biết ai đang gọi ở đầu dây bên kia hay anh ta đang nói gì. Thú thật là khi đó tôi hầu như đã quên mất việc tôi đã gửi Lắng nghe gió hát cho tạp chí Gunzo. Một khi đã hoàn thành bản thảo và đặt nó trong tay người khác, mong muốn viết lách của tôi hoàn toàn lắng xuống. Có thể nói, viết ra nó là một hành động bất cần - tôi cứ thế viết ra một cách dễ dàng - nên tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện nó lọt vào danh sách đề cử. Thực ra, tôi đã gửi cho họ bản thảo duy nhất của mình. Nếu họ không chọn thì có lẽ nó đã biến mất mãi mãi. (Gunzo không gửi trả bản thảo bị từ chối.) Và có lẽ tôi cũng đã không viết một cuốn tiểu thuyết nào khác. Cuộc đời lạ thật đấy.

Cậu biên tập viên bảo tôi rằng có 5 người lọt vào vòng chung kết, trong đó có tôi. Tôi rất ngạc nhiên, nhưng cũng rất buồn ngủ, nên thực tế chuyện gì đã xảy ra tôi cũng không hiểu lắm. Tôi ra khỏi giường, tắm rửa, mặc quần áo, đi dạo cùng vợ. Khi đi ngang qua trường tiểu học địa phương, tôi thấy một con bồ câu đưa thư ẩn mình trong bụi cây. Khi đỡ nó lên, tôi nhận ra một bên cánh của nó có vẻ đã gãy. Một tấm thẻ kim loại gắn dưới chân nó. Tôi nhẹ nhàng bọc lấy nó rồi mang đến đồn cảnh sát gần nhất, ở Aoyama-Omotesando. Bước dọc trên đường phố Harajuku, hơi ấm của con bồ câu bị thương tỏa xuống đôi bàn tay tôi. Tôi cảm nhận được nó đang run lẩy bẩy. Ngày chủ nhật đó sáng và trong, đám cây cối, những tòa nhà, những tấm cửa sổ lấp lánh một cách đẹp đẽ trong ánh nắng xuân.

Đó là lúc tôi hiểu ra. Tôi sắp giành giải thưởng. Tôi sắp trở thành một nhà văn có chút ít thành công. Giả định đó thật táo bạo, nhưng trong khoảnh khắc đó, tôi chắc chắn điều đó sẽ đến. Hoàn toàn chắc chắn. Không phải chắc chắn một cách lí thuyết, mà là trực tiếp và trực quan.

*

Tôi viết Pinball, 1973 trong năm sau đó như một phần tiếp nối Lắng nghe gió hát. Quán bar vẫn mở, có nghĩa là Pinball cũng được viết trong đêm muộn trên chiếc bàn bếp. Tôi gọi hai tác phẩm đó là những cuốn tiểu thuyết trên bàn ăn với tình yêu pha chút bối rối. Ít lâu sau khi hoàn thành Pinball, 1973 tôi quyết định sẽ trở thành nhà văn toàn thời gian và chúng tôi bán quán. Tôi lập tức bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết đủ độ dài đầu tiên, Cuộc săn cừu hoang, mà tôi cho là sự khởi đầu thực sự của sự nghiệp nhà văn của mình.

Tuy nhiên, hai tác phẩm ngắn đầu tiên đóng một vai trò quan trọng trong những gì tôi đã hoàn thành được tới nay. Chúng hoàn toàn không thể thay thế được, cũng như những người bạn lâu năm. Có vẻ như chúng tôi sẽ không gặp lại nhau, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên tình bạn của chúng. Chúng là sự hiện diện quý báu và quan trọng trong cuộc sống của tôi khi đó. Chúng sưởi ấm trái tim tôi, và khuyến khích tôi bước đi trên con đường của mình.

Tôi vẫn còn nhớ hoàn toàn rõ cái cách mà tôi cảm thấy điều đó - bất kể nó là gì - rơi xuống hai bàn tay tôi ngày hôm ấy cách đây 30 năm trên bãi cỏ đằng sau hàng rào sân bóng ở sân vận động Jingu; tôi vẫn còn nhớ hơi ấm của con bồ câu bị thương mà tôi đỡ lên cũng bằng hai bàn tay ấy vào một chiều xuân một năm sau, gần trường Tiểu học Sendagaya. Tôi luôn nhớ lại những cảm giác ấy bất cứ khi nào tôi nghĩ về ý nghĩa của việc viết một cuốn tiểu thuyết. Những kí ức hiển hiện đó dạy cho tôi biết tin vào những gì tôi mang trong mình, và biết mơ về những gì mà điều đó đem lại. Thật tuyệt vời biết bao khi những cảm giác ấy vẫn còn trong tôi cho tới tận ngày nay.

Nguyễn Huy Hoàng | Báo Văn nghệ

Dịch từ bản tiếng Anh, do Ted Goossen dịch từ nguyên tác tiếng Nhật

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

Xuất bản sách phục vụ việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài Thể lục bát dịch thơ nước ngoài Dịch thơ nước ngoài sang tiếng Việt “Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2023” Đọc truyện: Kí ức Ngoi. Truyện ngắn dự thi của Hà Phạm Phú
Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Baovannghe.vn- Thi nhân ạ!/ Khó minh định rạch ròi/ Ta đang ở Giới nào trong Tam giới?/ Này thì rượu. Này thì thơ. Này thì em roi rói
Câu chuyện cửa ô xưa

Câu chuyện cửa ô xưa

Hà Nội với 36 phố phường và 5 Cửa ô trong những vần thơ, câu hát đã khắc sâu trong tâm thức biết bao thế hệ người Việt. Cửa ô - danh xưng độc đáo, riêng biệt chỉ có ở Hà Nội, được mở ra tại phần tiếp giáp với sông Hồng, có chức năng như một cửa khẩu buôn bán và được canh phòng cẩn mật. Tuy nhiên, trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, những Cửa ô xưa của đất Kinh kỳ đã chìm dần trong ký ức. Câu chuyện về những Cửa ô của Hà Nội là một nội dung đầy tính hấp dẫn về chính bản thân nó cũng như gắn liền với lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
Hoa Ưu Đàm - Thơ Nguyễn Hoa

Hoa Ưu Đàm - Thơ Nguyễn Hoa

Baovannghe.vn - Bóng nhẫy lời khen/ Bài thơ/ Thiếu dòng mồ hôi nhễ nhại mặt người/ Thiếu hoa vân tay trong hồ sơ lưu trữ
"Đổi Tư Thế" MV nhạc dung tục gây tranh cãi

"Đổi Tư Thế" MV nhạc dung tục gây tranh cãi

Ca khúc "Đổi tư thế" của Bình Gold và Andree Right Hand vừa ra mắt vào ngày 2/10/2024 đang gây sốc và tranh cãi mạnh mẽ trong cộng đồng mạng, MV nhanh chóng xuất hiện trong danh sách âm nhạc thịnh hành. Tuy nhiên, thay vì được đón nhận tích cực, sản phẩm âm nhạc này lại bị lên án vì phần ca từ mang tính tục tĩu và phản cảm, dấy lên những lo ngại về ảnh hưởng của nó đối với khán giả, đặc biệt là giới trẻ.
Viết bằng nước mắt đỏ - Thơ Vương Tùng Cương

Viết bằng nước mắt đỏ - Thơ Vương Tùng Cương

Baovannghe.vn- Vẻ trầm lặng khiêm nhường/ nhưng ánh mắt không phải thế/ ánh mắt của mưa nguồn chớp biển/ có sông Lam bến tuổi thơ sạt lở