Tôi sinh ra và lớn lên ở nơi mà tiếng “vâng” là đồng thuận. Nếu đồng ý là vâng, ai kêu thì dạ. Và cái từ vâng ấy nó cũng nhiều cung bậc lắm. Vâng, một tiếng gọn, sắc, đanh là cái cách khẳng định chắc chắn như đinh đóng cột. Vââng hơi kéo dài là có tính chất mỉa mai, giễu cợt. Vâââ…ng kéo rất dài là khó chịu lắm. Vầng, một biến thế của vâng là vâng ạ. Vầng là vâng nhanh. Vẩng hơi cao lên phía cuối như có dấu hỏi là đương nhiên, chuyện như thế là rất chính xác.
Còn dạ, là chỉ để thưa. Hồi nhỏ tôi đi chơi, mẹ gọi năm sáu lần mới dạ rồi chạy về, bao giờ mẹ cũng với theo câu nữa: Mang cái dạ về đây. Chả biết cái dạ là gì, là tiếng dạ ấy hay là cọng rạ mà tiếng Bắc hay lẫn giữa R và D.
Thống nhất đất nước, về quê, từ đầu tiên tôi nghe là “Dạ”. Tiếng dạ mê hoặc tôi ngay lập tức. Nó nhẹ, và mảnh, và sâu, và hun hút đốt hồn người đối diện. Ly cà phê vỉa hè sông Hương, tôi và một anh bộ đội quen trên xe từ Vinh vào. “Dạ hai anh dùng chi”. Từ dạ đầu câu đã là sự lạ. Cô cho hai “chén” cà phê đen. Dạ. Một lát sau: Cô ơi cho đường. Dạ. Cô ơi tính tiền. Dạ.
|
Tất cả đều dạ. Nó không chỉ là tiếng thưa nữa. Là khởi đầu của một câu hỏi, là vâng, là đồng ý, là ok như bây giờ ta hay dùng… nhưng cái tiếng dạ nó như ma dụ khiến cả những anh chàng ngổ ngáo nhất cũng phải mềm lòng. Nó là tất cả nhưng nhiều khi… chả là gì cả.
Một cô bạn người Hà Nội, luôn có câu trả lời rất nhẹ giọng Hà Nội chuẩn trước tất cả mọi đối tượng: “Dạ vâng ạ” cũng phải thốt lên với tôi: Xứ Huế có tiếng dạ thích thật, nhẹ mà vang, mà mọng mà dịu, thoảng đấy mà sâu, gọn đấy mà sắc. Cái tiếng Vâng tôi hay dùng té ra tưởng lễ phép nhưng nó cứ cứng cứng thế nào, nó đúng nhưng chưa đủ, đầy nhưng chưa tròn, nó là sự phục tùng nhưng đầy hao khuyết…
Một lần tôi về quê, xuống quán đứa cháu gái gọi bằng bác để nhậu. Thấy bốn năm bàn khách trong khi nó lăng xăng dọn bàn cho tôi, vừa dọn vừa dạ liên tục. Quan sát một lúc thì thấy sự việc như sau: mấy người giúp việc đi có việc hết, mình nó vừa chủ quán vừa nhân viên vừa nấu bếp vừa bưng bê. Đông quá, nó bê cho mỗi bàn một thùng bia rồi lúi húi dưới bếp, luôn mồm dạ dạ khi các bàn gọi.
Nhưng cái tiếng dạ của nó như có ma lực đủ khiến cho các bàn khách ngồi uống bia suông trong khi nó đang… vặt lông gà và nói chuyện với tôi. Nó bảo bác có thấy cái ông ngồi bàn ngoài cùng kia không, uống chịu miết, cháu đòi hoài mà không trả tiền, ghét. Cái tiếng ghét kéo dài và miết xuống nghe đủ biết nó… ghét ông kia thế nào đang có cơ dài ra thêm thì chính ông ấy gọi: em ơi, cho đĩa lươn xào xả ớt.
Tưởng nó sẽ sửng cồ lên hoặc mát mẻ thế nào. Nhưng không, một tiếng dạ ngọt đến không ngờ, mềm đến không ngờ lại thốt ra từ miệng nó. Tất nhiên sau đấy cả tiếng đồng hồ không có đĩa lươn nào được bưng lên vì nó vẫn còn loay hoay với… con gà luộc, và vẫn dạ rất ngọt mỗi khi ông kia gọi.
Cái tiếng dạ của con gái Huế ấy nó níu chân níu hồn níu cuộc đời của biết bao gã đàn ông, nó khiến cho người có hầm hố đến mấy cũng phải hiền lành ngoan ngoãn. Có thể gọi nó là đặc sản Huế không nhỉ, bởi cũng có nhiều người con gái phía Nam, không chỉ Huế, dạ rất ngọt, rất hiền, rất ngoan, nhưng cái tiếng dạ xứ Huế vẫn cứ khiến lòng ta nôn nao nhất.
Cái âm của tiếng dạ ở đây nó nhẹ như hơi thở, mà là hơi thở ban mai, thở như không thở, thở như làn sương mỏng quấn hờ trên những vòm liễu la đà ở công viên Lê Lợi. Cái ngữ của tiếng dạ nó cứ luyến láy cứ bâng khuâng, nó khiến người nghe như bị trói trong một sợi dây vô hình. Và nó vang vọng, nó dư ba, nó hun hút khiến có những gã đi xa đến mấy chục năm, vô tình nghe tiếng dạ giữa một nơi xa lạ, rất xa lạ, giật mình thảng thốt như mình đang hiện diện ở quê nhà. Và ký ức quay về…
-----------
Bài viết cùng chuyên mục: