Năm nào cũng thế, khi cây thị ở cuối vườn bắt đầu ươm vàng thể nào bà tôi cũng kể chuyện chị Giúp. Câu chuyện luôn bắt đầu bằng những câu rất à ơi: “Chà đã nghe mùi thị chín thơm vườn rồi đấy! Rõ nhớ con Nguyệt, biết bây giờ đang phương nao?”
Chị Nguyệt không chị em máu mủ gì với gia đình tôi. Chị chỉ là đứa con nuôi của nhà hàng xóm nhặt được bên vồng khoai bị ai đó vứt lại. Không hiểu sao thời đó, người ta toàn vứt con ra giữa đồng làng. Đứa không may thì chết vì mưa nắng hay chuột, kiến cắn. Đứa sống sót có người nhận nuôi cũng không mấy khi được hưởng hạnh phúc vui vẻ. Người làng bảo thứ con sài, con đẹn là giống không ra gì sau không thành trộm cắp thì cũng phạch phò nên bỏ đi không ai tiếc.
Chị Nguyệt nằm trong số được sống mà bỏ đi không ai tiếc đó. Chị không được đi học, lại cộng với tính khí sống sượng, dễ nổi nóng, chuyên gây gổ đánh người nên hễ trong xóm có ai bị mất đồ vặt thể nào cũng réo tên cha mẹ nuôi chị ra chửi. Mỗi lần như thế, ông nội tôi lại kéo chị sang nhà, trốn hẳn ra sau chái bếp để tránh những đòn roi của mẹ chị lùng tìm. Lâu dần chị ở lại giúp việc cho nhà tôi, ông bảo tôi không gọi người ta là kẻ ở, chỉ gọi là chị giúp. Cái tên chị Giúp theo tôi bắt đầu từ đó.
Ban đầu chỉ là canh chừng, bồng bế, ru tôi ngủ những khi mẹ vắng nhà. Sau dần những việc bón cơm, tắm rửa đến việc đưa tôi đi chơi khắp làng đều từ tay chị Giúp. Chị không nề hà bất cứ việc gì liên quan đến tôi. Đến cả ăn cơm thừa của tôi chị cũng tiếc của không bỏ. Hồi bé tôi được cưng nên khảnh lắm, đố mà ăn được thức ăn lạ. Vậy mà từ ngày chị Giúp đến nhà, chị đưa tôi ra chơi với đám trẻ con nhà nghèo ngoài đường, bao đồ ăn thức uống, trái trăng nào chúng ăn được, chị cũng cho tôi ăn tuốt. Bữa đầu còn lạ, sau dần rồi quen. Tôi còn biết phân biệt các loại cây lá trong vườn, lá nào ăn được lá nào không. Việc đó, đến tết ông tôi còn thưởng tiền thêm cho chị.
|
Vườn nhà tôi xưa rộng lắm. Từ cổng đi vào cho đến tận cuối vườn phải có đến chục loại cây ăn quả. Có cây mỗi năm chỉ được một vài trái, người nhà chưa biết ngon dở thế nào nhưng chị Giúp lại rành rẽ nhất. Chị bảo với bà nội: “Từ ngày về ở với ông bà con chẳng trèo cây hái trộm chỉ có cây thị, nói thật, năm nào mùa thị chín, con cũng lén hái đôi trái”, “Để làm gì?”, “Để ước”, “Ước gì?”, “ Ước một ngày nào đó cha mẹ đẻ của con ở đâu quay về tìm con. Con đã từng mơ rất nhiều lần họ trở về. Sáng ra tỉnh giậy thấy mùi thị chín thơm lừng bên cửa sổ”.
Bà tôi nghe thế thương chảy nước mắt. Bởi thế mùa thị chín năm nào bà cũng sai chị hái một rổ thị thật to để trang trọng trên bàn khách.
Tôi lớn hơn được tí, chị Giúp đã làm tất cả những việc trong nhà tôi. Từ việc vo gạo thổi cơm như thế nào đến việc đặt nhát chổi quét sân ra làm sao được bà chỉ dẫn cặn kẽ. Chị nhìn thế mà khéo. Bao việc bà tôi dạy chị nhanh chóng thuần thục. Dần dần một bữa cơm chuẩn Huế chị làm gọn gàng đúng vị. Bà bảo: chờ cho tôi cứng hơn tí nữa sẽ cho chị một ít tiền mở quán cơm nhỏ, hoặc chị muốn học nghề gì tự chị lựa chọn.
Ấy vậy mà chị Giúp đã bỏ đi không lời từ biệt.
Chị đi khi đám giang hồ ghé nhà tôi đòi người. Chúng đòi chị về vì bà mẹ nuôi đã nhận tiền bán chị cho cho một gánh hát hội chợ. Chị trốn mãi không được nên nửa đêm chị bỏ nhà ra đi. Bà tôi dậy thấy trái thị chị đi vội để quên nơi đầu giường khóc mãi.
Câu chuyện về chị Giúp từ đó không mấy ai nhắc lại nữa. Chỉ bà tôi thi thoảng nhắc tên chị trong một nỗi nhớ mơ hồ.
Trong những lần đi công tác có đôi lần tôi gặp những ánh mắt, những nụ cười làm tôi nôn nao nhớ chị Giúp. Họ cười với tôi thân thiện, hỏi han tôi chân tình nhưng khi nghe tôi hỏi liệu rằng họ có phải chị Nguyệt hay chị Giúp tôi đều nhận từ họ cái lắc đầu đầy nuối tiếc thương cảm. Tôi đã tính đi tìm chị nhưng không thành. Chân trời góc biển, lại không có lấy một thông tin, một tấm ảnh nào của chị thì làm sao tôi có thể tìm lại được chị.
Cũng lại đành tùy duyên. Người ta đến cùng mình, đi cùng một đoạn đường đời đẹp nhất đó cũng là một điều hạnh phúc. Và tôi vẫn tin rằng, dù chị ở đâu trên đất nước này, mỗi mùa thị chín chị cũng sẽ nhớ nhà, nhớ tôi như tôi từng nhớ chị không quên ...
Trần Quỳnh Nga |Báo Văn nghệ