Sáng tác

Làng Cát làng Khoai. Truyện ngắn của Nguyễn Giáng Tiên

Nguyễn Giáng Tiên
Truyện
06:00 | 08/10/2024
Baovannghe.vn- Nhờ nước thủy nông tràn trề ngày tháng đã làm thay đổi cuộc đời mẹ con chị Lâm. Một sào cát chị Lâm thu hoạch ba tạ ba lúa hạt to...Mênh mông ngàn đời mơ ước, người Làng Cát - Làng Khoai đã đổi thay cuộc sống.
aa

1.

Trên đất nước này, chưa thấy ở đâu lại nghèo đói giống quê bác gái tôi. Đúng đỉnh núi Trường nhìn thông thống xuống cửa Lạch Hới, trắng một màu cát trong nắng trời. Giữa làng nổi hẳn một doi cát tạo thành con đường đi lại. Hàng ngày, xe bịt tôn kín mít, khóa xích nghe loảng xoảng, loáng về bốc đầy: tôm, cá, cua, mực bên cửa núi Bò, vội vã phóng nhanh như một bóng đen kịp lên tỉnh đưa ngay những thứ ấy vào nhà máy đông lạnh... Mỗi lần xe chạy qua làng, cát bụi bay mù mịt. Người qua đường chỉ còn biết nhắm mắt, bịt miệng, che mặt, quay lưng lại và thả những lời nói tục tàn, mắng nhiếc... Tội nghiệp cho những gia đình ở hai bên đường, quanh năm ngày tháng phải hứng bụi...

2.

Bác gái thường kể: Ngày bác còn đeo khăn quàng đỏ, theo ông nội đi đào sông thủy nông, nay ông nội đã gần "bách niên" tóc bác gái trắng như bông, mới đón được chút nước vào cánh đồng Làng Cát - Làng Khoai. Đồng ruộng ở đây cát trắng quanh năm. Trời phú cho vùng đất bạc phèn một giống cây lương thực đáng quí: Khoai lang củ rất nhiều, to bằng lõi ngô. Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai. Những tối đi xa hàng cây số xem ti vi trở về, tôi còn mở cửa bếp, bưng cả rổ khoai nguội ngồi xoải chân giữa sân, chén căng bụng mới chịu đi ngủ. Bác gái là người có tài chế biến khoai lang trong bữa ăn hàng ngày như: nấu xéo, cháo, luộc và nhất là băm nhỏ om mẻ, thêm tí tỏi giã nát, cho chút xíu mắm cáy, ngon thượng hạng. Cả nhà lại được bữa lạ miệng, ăn thay cơm. Có gạo đâu mà chả khoai ròng cả ngày - Bữa nào thấy tôi bị nghẹn ngắc ngứ, bác lại đưa giọng khả dĩ ra chiều vuốt ve, nịnh cháu:

- Không có khoai lang ròng là chết đói cả nút đấy cháu ạ. Chính vì cháu học dốt nên bố mẹ phải "tống" về đây để cháu biết thân, biết phận mà gắng học hành, thi cử đỗ đạt thành người tài giỏi.

Thấy tôi sụt sịt tủi thân, hai mắt hoe hoe ngấn nước chực khóc kiểu ăn vạ, giọng nghiêm khắc bác nói:

- Chính bố cháu ngày còn nhỏ đã nhận ra cái nghèo ở Làng Cát - Làng Khoai... mà bác đã bạc đầu vẫn chưa biết nghĩ đến. Vì thế bố cháu sớm lột bỏ xác, đi thoát li từ lúc mới mười sáu tuổi đầu. Nay về hưu đã tậu được nhà, sống ở thành phố...

Nói được vài câu, bác gái lại ngồi thở dốc, hai tay vỗ nhẹ vào ngực nói tiếp:

- Thế là bác mừng cho bố cháu toại nguyện một đời. Làm trai phải được như thế để vợ con được nhờ!

- Không biết đến bao giờ bố mẹ cháu mới chở gạo về đây cho bác cháu ta được ăn cơm, hả bác?

Bác gái cười, đôi mắt già nua đầy nếp nhăn nheo nói:

- Hôm đưa cháu về đây, bố cháu dặn bác: Trụ được khoai thì sống... Lúc ấy biết thân phận mình cần cho ai hay là cho chính mình.

- Sao bố mẹ cháu lại xử với cháu như thế hả bác?

Suy nghĩ hồi lâu, bác gái nói:

- Bố mẹ có dạy con được như thế mới đúng sách Trời. Bao giờ cháu học được trở lại thật giỏi như trước kia, bác sẽ điện về nhà nói với bố mẹ đón cháu về sống ở thành phố ăn học. Nếu cháu không chịu phấn đấu thì cả đời cháu phải ở lại Làng Cát - Làng Khoai với mẹ con bác.

Ôi cha mẹ ơi, quanh năm ngày tháng ăn uống ở nhà bác thế này, tôi thấy cực khổ quá trời... Giống một chu kì, chừng dăm bữa, một tuần thấy người tôi xanh, bác lại sai con gái là chị Lâm, chọn những củ khoai to trông ưng mắt, xếp đầy hai sọt đại gánh đi chợ bán…

Ngồi cạnh bác nhặt từng củ khoai, xoa hai bàn tay cho sạch rễ lông, tôi tò mò hỏi chuyện:

- Chị Lâm gánh được chừng mấy chục cân hả bác?

- Khoảng bốn lăm, năm chục cân. Nhưng cháu hỏi để làm gì?

- Để biết sức lao động của chị thuộc loại A hay B chứ bác!

- Đi khám sức khỏe bảo hiểm, người ta kết luận loại Một!

- Vậy thì gánh khoai đi chợ hôm nay bán được bao nhiêu tiền ạ?

- Khéo bán được một chục, gặp buổi chợ ế ẩm chỉ bảy, tám ngàn là cùng.

- Mua được mấy cân gạo cơ ạ?

- Con này ghê nhỉ! Lục vấn cả bác nữa à! Đong về được khoảng chục bò gạo.

- Chục bò là mấy cân ạ?

Gương mặt bác gái cười rặt da bọc xương nhăn nhúm.

- Một kilôgam gạo tẻ cân đủ, ao trở lại được ba bò ba. Như vậy mười bò được gần ba cân cháu hiểu chưa?

- Vâng! Còn gạo nếp?

- Gạo nếp vì hạt to hơn nên chỉ ba bò là một cân. Con nhãi này làm bà trả lời hết cả hơi.

- Nếu mua thịt lợn?

- Được ba lạng.

- Còn mì chính?

- Một gói mì môi!

- Ôi chà chà! Của nả gì của người nông nghiệp làm ra được đem bán cũng bị coi rẻ như bèo.

- Con ranh! Cháu không được ăn nói hồ đồ như thế. Sống ở đất Làng Cát - Làng Khoai với bác, cả lũ đàn bà, thân cô thế cô. Nói năng phải biết giữ lời, cháu ạ!

3.

Chiều hôm ấy đi học về, tôi cởi vội chiếc cặp sách đeo sau lưng giáng "bịch" xuống giường, chạy bổ nhào vào bếp. Bốn mắt nhìn nhau cười. Trán chị Lâm đẫm mồ hôi nhỏ giọt, bết tóc. Moi trong túi quần, dúi vào tay tôi mấy quả táo chưa nhỉnh hơn đầu ngón tay trỏ, chỉ tay xuống hông bếp hừng than đang vần chiếc xoong nhôm to bằng chiếc bát sắt múc canh, gương mặt chị hớn hở, khoe ngay:

- Chiều nay chị em mình có cơm rồi nhé!

Tôi tò mò ghé sát tai chị thầm thì:

- Thật hả chị? Nhiều hay ít?

- Một bò!

Bốn mắt lại tròn xoe nhìn nhau, tỏ vẻ ngạc nhiên, tôi xuýt xoa:

- Ôi! Ba người nấu một bò gạo cơm! Tuyệt vời!

Từ ngoài đồng đi về, bác gái ôm trước ngực cả bọc ngọn khoai lang non bấy. Mười đầu ngón tay dính đầy mủ khoai đen nhẻm, bác cười nhìn tôi giục:

- Lâm ơi! Rửa ấu để luộc còn đãi cháu bác một bữa nộm nào!

- Nộm gì hả bác?

- Ngọn khoai lang luộc, tao hành mỡ.

Một lần nữa tôi ngạc nhiên nhìn chị Lâm, cả hai hấp háy cười... Cả nhà ngồi quanh mâm cơm, bóng điện nê-ông được bật sáng trắng toát khắp ba gian nhà ngói cũ. Chiếc quạt đứng Em mờ-dê bật số 3. Ba chiếc bát hoa sứ Trung Quốc, trông bát nào cũng được đơm đầy có ngọn nhưng lòng không như dưới đáy bát độn rau. Thấy tôi nhìn hau háu vào cả ba bát cơm vẻ thèm thuồng.

…Chiếc thìa nhôm trong tay bác gái cạo sột soạt trong nồi, vét ít cơm cháy nắm lại to bằng quả trứng gà. Miệng tôi đầy nước, háo hức gợi:

- Cháu thèm ăn cháy quá bác ạ!

- Thời kì bộ đội miền Nam tập kết ra đóng quân ở đây, bữa nào anh cấp dưỡng cũng cho bố cháu một tảng cơm cháy, bao giờ bố cháu cũng để phần cho bác một nửa.

Bác gái nhìn tôi cười.

- Cháu ăn hết phần của mình, nếu còn đói bác sẽ nhường, chị Lâm cũng sẽ nhường...

- Thật không ạ?

Hai mẹ con chị Lâm cược.

- Nếu em ăn hết một bò gạo cơm...

- Thì sao nào?

- Mai em sẽ còn được ăn cơm nữa.

- Nếu không ăn hết?

- Từ mai một bò gạo chia đôi nấu cháo với khoai lang củ bữa sớm, bữa chiều…

- Còn bác gái?

Bác thả một tiếng cười:

- Được! Được!

Đúng là con mắt to hơn dạ dày. Bác gái làm nộm ngọn khoai lang còn ngon hơn cả bố tôi làm nộm bí xanh, rau giá trộn lẫn cùi dừa bánh tẻ nạo nhỏ, với mực khô nướng xé tơi. Và một miếng cơm thay ba, bốn miếng nộm rau... Cuối cùng bát cơm của tôi phải ngắc ngứ mãi mới hết. Thấy bụng tôi to, biết là quá tải, bác gái bảo đứng thẳng người, giơ hai tay lên mái nhà như người tập thể dục. Hai tay bác vuốt từ trên ngực xuống ngang đùi luôn miệng nói:

- Vuốt hết cơm xuống bụng. Vuốt hết cơm xuống bụng. Vuốt hết thức ăn xuống bụng cho cháu tôi chóng đói...

Thật lạ thay, ba lần bác nói, ba lần đưa tay vuốt bụng như thế, tự nhiên tôi thấy bụng mình như đói thật, lại thèm ăn... Nghĩ đến bị no căng tức bụng, khó thở lại sợ, đành thôi.

Nhiều hôm bác gái bảo chị Lâm đem khoai lát khô đến máy thuê nghiền thành bột. Ngồi dần đi, rây lại hai ba lần cho được tinh bột thật mịn. Bác hòa đường với một ít muối vào nước, trộn bột khoai cho đều, nắm thành những nắm bột bằng bắp ngô con, thêm nhân hành mỡ dùng lá chuối gói lại xếp vào nồi luộc như luộc ngô, luộc sắn. Bánh bột khoai lang để nguội ăn ngon miệng, no lúc nào không hay. Đói là có ngay một thứ bánh mà thành phố không bao giờ biết mùi vị. Tôi lại thích được sống ở Làng Cát - Làng Khoai với mẹ con chị Lâm.

4.

Trong lúc hai bác cháu ôm nhau nằm trên giường chưa ai ngủ. Đầu óc tôi tỉnh như sáo, rúc đầu vào nách bác gái hỏi chuyện:

- Bác có chuyện cổ tích nào hay kể cho cháu nghe, hoặc hát ru một bài nào đó để mỗi lần nhớ bác, cháu lại hát ru...!

Bác gái hắng giọng, rủ rỉ lời ca: "Bắc thang hái ngọn trầu vàng. Bước xuống nhà chàng bái tạ tổ tiên. Vàng thì ba cót chín niên. Trầu không vô khối chín thiên thập thành. Cưới em năm chum vàng hoa. Ba chum vàng cốm nữa là năm nong. Cưới em năm chum mật ong. Chín bát mỡ muỗi chàng đong cho đầy. Ba mươi Tết, nếp đổ đầy nhà. Mừng tuổi ông bà, giàu lọ phú sang. Giàu sang phú quí. Con trai bằng phượng. Con gái bằng tiên. Mặc áo ngũ liên, mà đi chầu chúa. Các bậc gọi là: tên tôi là thầy. Tôi đi cảnh giới những ngày hôm qua. Tên tôi là cháu Đức Phật Di Đà. Trời sai tôi xuống khám nhà thế gian. Đi khám thế gian, đến nhà phu càn, chẳng thấy một ai. Đồn rằng ba bảy con trai. Năm ba con gái mười hai tốt lành. Con thì bằng tranh, con thì bằng trối. Nó ngồi nó đối những chuyện học trò. Con ông sinh đồ, đồ ông đồ công. Nghe ba tiếng trống ở ngoài khu đám. Mẹ ơi hỡi mẹ, thức dậy hay nằm. Mẹ hãy đóng của buồng tắm cho tôi. Tầm này mẹ chẳng phải nuôi. Đóng chặt cửa lại cho dâu đầy tầm. Tằm chín, tằm vàng bay ra phơi phới. Mượn ông, mượn bà bắt giúp tằm tôi. Ôi thôi đóng buồng cửa trước cho được giàu sang. Đóng buồng cửa ngang được giàu nữa. Đóng buồng cửa giữa cho trẻ đi nằm. Đóng buồng chuồng tằm cho tằm ăn dâu. Đóng buồng chuồng trâu, trâu đẻ nghé lớn. Đóng buồng chuồng lợn, lợn đẻ con to..."

Suốt ba tháng hè của lớp tám và tết cổ truyền năm ấy, bố cấm chỉ không cho tôi lai vãng về thành phố thăm thầy, cô giáo và những người bạn thân. Một hôm bố chở gạo về, tôi căn vặn:

- Vì sao bố mẹ lại xử như là con có lỗi gì?

Bố cười rất vui, giải thích:

- Vì bố mẹ lúc nào cũng mong muốn cho con trở thành người có tài. Con biết đấy, muốn có tài, con người phải được rèn luyện trong đời sống thực... Bác gái đã từng thay bà nội con mất từ lúc bố mới hai, ba tuổi - bác nuôi dưỡng, dạy bảo bố nên người. Vì thế bố phải lạy lục, cậy nhờ bác thay bố mẹ để nuôi dạy con thành người.

- Hè này bố mẹ định cho con về thăm nhà?

- Không!

Cứ thế suốt cả năm học lớp chín, tháng nào tôi cũng dẫn đầu. Mỗi sáng thứ hai, sau lễ chào cờ thầy Hiệu trưởng đều nêu gương về tinh thần học tập tốt của tôi cùng một số bạn trước toàn trường...

Tất cả như đang thúc giục, vẫy gọi, lôi kéo tôi tiến lên phía trước... Tổng kết học kì một lớp chín tôi đạt học sinh giỏi toàn trường. Sang học kì hai cũng vậy. Thi tốt nghiệp năm ấy tôi đạt liền bốn con chín!

Hôm làm cơm liên hoan tiễn tôi về thành phố học tiếp lên cấp ba gồm bố mẹ, bác gái và chị Lâm. Suốt từ ngày về ở với hai mẹ con chị Lâm, tôi học từ lớp bảy đến nay, mãi hôm nay chính mắt tôi mới thấy: Một bữa ăn năm người không hề có bóng củ khoai lang xếp quanh vành mâm, hoặc dựng trong rổ để bên.

Bầu trời hừng đông, chói lọi màu hồng từ đông bắc về đông nam toàn mây đỏ ngọn. Mẹ con chị Lâm gọi tôi dậy cùng ra đồng làm sớm kịp về kẻo nắng. Trên đồng cát mênh mông từ muôn đời để lại vụ năm chỉ thu hoạch khoai lang trồng, ngô, lạc, đậu tỉa xen. Vụ mùa phụ thuộc hoàn toàn vào mưa. Mưa nhiều thì lúa trên cồn, trên bãi cát bội thu, dưới đồng sâu, ruộng thấp lại bị ngập úng, mất trắng. Gặp mưa xấp xam hoặc nắng hạn thì ngược lại. Vậy là nạn đói cơm quanh năm nơm nớp trên đầu, dính chặt người Làng Cát - Làng Khoai. Một tiếng sau bố mẹ cũng ra đồng làm giúp mẹ con bác: Không phải cuốc khoai, bẻ ngô, nhổ lạc mà gặt lúa... Lúa chín vàng ruộm, trải dài mênh mông trên đồng cát. Bà con gặt hái đông vui như ngày hội giữa nắng tháng năm. Mẹ chị Lâm buồn cười thật: Vừa gặt lúa vừa khóc hu hu như đứa trẻ bị đánh đòn. Miệng gào:

- Ối cha mẹ ơi, cha mẹ chả sống thêm đến ngày nay để được bưng bát cơm trắng ăn no suốt quanh năm bốn mùa...

Nhờ nước thủy nông tràn trề ngày tháng đã làm thay đổi cuộc đời mẹ con chị Lâm. Một sào cát chị Lâm thu hoạch ba tạ ba lúa hạt to...

Mênh mông ngàn đời mơ ước, người Làng Cát - Làng Khoai đã đổi thay cuộc sống.

-------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Đêm định mệnh. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Việt Hòa Đọc truyện: Bên sông giặt áo - Truyện ngắn dự thi của Bảo Thương Đọc truyện: Trăng mắc cạn. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Thúy Đọc truyện: Hư cấu. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Nhật Huy Đọc truyện: Canh chua. Truyện ngắn dự thi của Ryan Phạm
văn nghệ trẻ, số 31/1997
Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 41/2024

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 41/2024

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 41/2024 ra ngày 12/10/2024 có các nội dung sau đây:
Hình ảnh Hà Nội trong truyện ngắn Đặng Nhật Minh

Hình ảnh Hà Nội trong truyện ngắn Đặng Nhật Minh

Baovannghe.vn - Nghệ sĩ Nhân dân - đạo diễn Đặng Nhật Minh sinh ra ở Huế (1938), nhưng phần lớn cuộc đời ông gắn bó với Hà Nội. Sống giữa Hà Nội, sống với Hà Nội, Đặng Nhật Minh đã chứng kiến những thăng trầm, biến đổi của thành phố này. Sự gắn bó giữa Đặng Nhật Minh với Hà Nội được chính ông hình dung như tình ruột thịt. Điều này lí giải vì sao Hà Nội hiện diện trong nhiều tác phẩm của ông từ văn chương đến điện ảnh.
Một chiều Hồ Gươm. Truyện ngắn của Trần Quốc Toàn

Một chiều Hồ Gươm. Truyện ngắn của Trần Quốc Toàn

Baovannghe.vn - Hồ Gươm cạn nước, khoe ra một hố khảo cổ sắp xuống đến đáy. Đúng dịp này tôi nhận đề tài nghề cổ quanh hồ Gươm.
Đọc truyện. Ra giêng lập nghiệp. Truyện ngắn của Trần Nguyên Mỹ

Đọc truyện. Ra giêng lập nghiệp. Truyện ngắn của Trần Nguyên Mỹ

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035

Baovannghe.vn - Phiên họp thứ 38 của Ủy ban thường vụ Quốc hội diễn ra trong 5 ngày ( từ 7-10/10 và 14/10) trong những nội dung quan trọng được bàn thảo và cần được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến, có chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.