Sáng tác

Trận lụt tại Norderney - Truyện của Nhà văn Đan Mạch Isak Dinesen

Isak Dinesen / Nguyễn Tuấn Bình dịch
Văn học nước ngoài
09:13 | 31/07/2024
Baovannghe.vn - Dẫu vậy, trận lụt này vẫn sống mãi trong ký ức vùng ven biển ấy. Bởi nó tìm đến vào thời điểm mùa hè, trận lụt này thật đúng là trò đùa tai quái, kinh hoàng.
aa

Quãng hai mươi lăm năm đầu thế kỷ trước, các kỳ nghỉ dưỡng ở ven bờ biển trở thành mốt thời thượng, kể cả tại những quốc gia Bắc Âu nơi mà trong tâm trí mọi người thì biển cả trước nay vẫn tượng trưng cho điều gớm ghiếc, kẻ thù truyền kiếp lạnh lẽo và tham tàn đối với loài người. Tinh thần lãng mạn của thời đại, khiến người ta say sưa với cảnh điêu tàn, bóng hồn ma và chuyện điên rồ, coi đêm bão giông giữa chốn hoang vu hay những xung đột sâu sắc trong mê đắm mới là chốn tươi đẹp dành cho kẻ sành sỏi, hơn là cảm giác thư nhàn trong gian khách thính hay tìm mối hài hòa trong cung bậc triết học, đã khiến cho ngay cả đến những cá nhân tinh tế nhất cũng hòa mình vào vẻ hoang sơ bất tận của cảnh quan ven biển cũng như biển khơi mênh mông. Những quý bà quý ông thời thượng rời bỏ bóng mát công viên để đến đây và dạo bước trên những bến bờ cô quạnh để dõi theo những con sóng bất trị. Vị trí xung quanh khu vực con tàu đắm, nơi mà vào lúc thủy triều hạ, xác tàu nổi lên, trông như bộ xương ướp muối, đen đúa và khô khốc, trở thành địa điểm dã ngoại ưa thích, nơi các họa sỹ tài hoa dựng khung giá vẽ.

Thế nên tại bờ biển phía tây Holstein, khu bãi tắm Norderney(1) đã nảy nở và đơm bông trong suốt hai mươi năm qua. Dọc theo những con đường cát phủ băng qua vùng đồi trọc, những cỗ xe ngựa lớn nhỏ lộng lẫy xuất hiện, những hòm rương và thùng đồ được dỡ ra, rồi các quý cô đặt bàn chân nhỏ nhắn của mình xuống, mạng che và khăn voan phất phơ quấn lấy họ trong làn gió mơn man, phía trước là dãy nhà trọ và khách sạn nhỏ xinh ngăn nắp. Cùng người vợ kiều diễm và em gái, Công tước xứ Augustenburg, một con người tài trí vẹn toàn bên cạnh Hoàng thân xứ Noer làm rạng danh cho chốn này nhờ sự hiện diện của họ. Tầng lớp quý tộc địa chủ xứ Schleswig-Holstein, lòng như lửa đốt trước những biến động chính trị mới đây, cùng với các nhân vật đại diện cho những gia tộc thương nhân lâu đời tại Hamburg và Lübeck, vốn đều là các bậc cành vàng lá ngọc, cùng nhau thực hiện cuộc du hành tiến vào giữa lòng thiên nhiên. Bản thân đám nông dân và ngư dân ở Norderney cũng học cách coi con quái vật xám xịt vô đạo và ghê tởm phía đằng tây kiểu như maître de plaisir(2).

Ở đây có đường dạo mát, câu lạc bộ, và chòi nghỉ chân, chốn gặp gỡ dành cho những tối mùa hè kéo dài với bao sắc màu và âm thanh dịu ngọt. Quý bà quý cô bên cạnh con gái đến tuổi cập kê, những mùa vụ cằn khô trong cung đình và đô thành trên mái đầu họ đã được tưới tắm, lúc này đang dõi theo những màn tán tỉnh đơm hoa kết trái trên bãi biển ngập nắng. Những chàng công tử cưỡi ngựa trên dải cát dài trước những cặp mắt trong veo. Những quý ông lớn tuổi thì chìm đắm trong cuộc đàm đạo về việc triều đình và chính trị trong câu lạc bộ, với ly rượu rum hảo hạng kề bên; còn những người vợ xuân thì của bọn họ thì đi tản bộ, với tấm khăn san kashmir vương trên tay, tới vùng thung lũng hoang vắng trên khu đồi trọc, vẫn phơi mình dưới ánh mặt trời của ngày hè đằng đẵng, để được hòa mình với thiên nhiên, với loài cỏ xanh lyme(3) và loài hoa cánh bướm rung rinh trước gió, và để chăm chú ngước lên ngắm ánh trăng tròn, lơ lửng treo cao trên nền trời mùa hạ nhạt nhòa. Chính bầu không khí nơi đây chất chứa trong lòng nó sức mãnh liệt gớm ghiếc, thứ kích thích và làm hồi sinh con tim. Heinrich Heine(4), khi đến thăm thú khu bãi tắm này, tin rằng tự cái thứ mùi cá tanh đeo đẳng bám lấy họ cũng đủ để bảo vệ đức hạnh cho những nữ ngư dân xứ Norderney. Nhưng còn đó những lỗ mũi và trái tim khác bị cái vị mặn mòi khó chịu ấy khiến cho say sưa, thậm chí chẳng khác gì mùi thuốc súng phủ khắp chiến trường. Ở đây thậm chí có một sòng bạc nhỏ, nơi những kẻ muốn làm duyên với thứ quyền uy hiểm nghèo một mất một còn có thể tiến lên một cấp độ khác. Đôi khi người ta tổ chức các buổi đại khiêu vũ, và trong những đêm hè tươi đẹp, dàn nhạc tấu lên trên sân hiên.

“Chắc ngài chẳng biết đâu,” Công nương Augustenburg nói với Herr(5) Gottingen, “cái chốn này là để khiến cho ngài trở nên trong sạch. Làn gió biển ấy thổi luồn qua mũ nón và y phục của em, xuyên qua cả thịt xương, tới khi nào con tim và linh hồn em trôi tuột đi, phơi nắng và ướp muối.”

“Bằng thứ muối Attic phải không(6), ta phải để tâm mới được,” Herr Gottingen đáp lại, và, trong lúc ngắm nhìn nàng, ngài nhủ lòng: “Chúa ơi, đúng thế. Đích thị như thể khúc cá tuyết ấy.”

Vào cuối hè năm 1835, thảm họa kinh hoàng diễn ra tại khu bãi tắm Norderney. Sau ba ngày bão xuất hiện từ đằng Tây Nam, sức gió lan tỏa ra rồi hướng lên phương bắc. Đây là hiện tượng trăm năm xảy đến một lần. Khối nước khổng lồ dâng lên theo cơn bão đã chuyển hướng và đổ ập xuống khu vực này, trên miền Westerlands(7). Sóng biển phá vỡ thân đê tách thành hai nửa và cuống phăng chúng. Gia súc và cừu chết đuối phải tới cả trăm. Nông trang và chuồng trại đổ sụp như thể lâu đài xếp bằng giấy trước dòng nước lao tới, hằng bao sinh linh mất tích thậm chí trôi dạt đến tận Wilsum và Wredon.

Nó bắt đầu vào một buổi chiều tối trời yên bể lặng hơn thường lệ, nhưng không khí ngột ngạt và mang vẻ âm u nhập nhoạng, vàng vọt đến lạ lùng. Chẳng thể phân biệt được đâu là nền trời đâu là biển cả. Mặt trời chìm khuất sau vầng sáng nhá nhem, bản thân nó mang màu đỏ quạch như tấm bia đích dựng lên trên con đường đi dạo. Những đợt sóng mang hình thù kỳ dị, trông như con sứa trôi giạt vào bờ. Đó là buổi chiều tối khiến người ta vô cùng nôn nao; nhiều chuyện xảy đến tại Norderney. Đêm ấy người ta tỉnh giấc không phải bởi nhịp đập trái tim mình thổn thức mà, khủng khiếp thay, bởi tiếng gầm gào lạ lẫm đương ầm ầm lao tới. Có thể nào giờ đây biển cả lại ngân nga bằng giọng điệu đó sao?

Sang tới buổi sáng thì trời đất đã đổi khác, mà chẳng ai biết nó thành ra thế nào. Trong tiếng huyên náo đó, chẳng ai có thể trò chuyện, thậm chí đến cả suy nghĩ được gì. Biển cả đương làm gì vậy, người ta chẳng thể thốt nên lời. Y phục đã bị thổi bạt đi trước khi người ta kịp thấy bãi cát, và bọt biển cuộn tung lên trời cao. Những con sóng lừng lững cao vút xuất hiện phía sau, cứ đợt sau lại cuồng nộ hơn đợt trước. Trời lạnh cắt da cắt thịt.

Tin đồn về con tàu mắc cạn cách đây bốn dặm về phía bắc dạt vào khu bãi tắm, mà không ai dám liều ra ngoài xem sự thể. Viên Tướng già von Brackel, người từng chứng kiến sự kiện quân đoàn Napoleon chiếm đóng Đông Phổ vào năm 1806, và Giáo sư Schmiegelow, bác sỹ phục vụ cho Thân vương quốc Coburg, vốn từng có mặt tại Naples trong thời kỳ dịch tả hoành hành, cùng nhau he hé bước ra ngoài, và quan sát cảnh tượng từ trên ngọn đồi thấp, cả hai hoàn toàn thinh lặng. Chưa bước sang ngày thứ Năm cơn lũ đã tràn về. Đúng vào lúc đợt bão đi qua.

Tại thời điểm đó, cũng không còn nhiều người ở lại Norderney. Giờ đã vào cuối mùa, đa phần các vị khách danh giá nhất đều đã rời đi trước lúc bão đổ bộ. Lúc này hầu hết du khách còn lại đều vội vã khởi hành. Đám thiếu nữ áp sát gương mặt vào ô cửa trên cỗ xe, gắng hé mắt nhìn nốt được khung cảnh dữ dội ấy. Tưởng như đối với những con người này thì bọn họ đương rời khỏi một nơi chốn và thời khắc đích thực dành cho đời mình. Nhưng rồi đến khi cỗ xe lộng lẫy của Nam tước Goldstein xứ Hamburg, bị hất văng khỏi đường đê, thì người ta nhận ra rằng đã đến lúc cần phải mau chóng hành động. Mọi người rời đi tốc độ nhất có thể.

Trong vòng mấy giờ đồng hồ, lúc cơn bão đi qua và bước sang đêm tiếp theo, sóng biển đập vỡ đê. Những thân đê, được đắp nên để kháng cự lại áp lực nặng nề từ ngoài biển, đã chẳng thể chống cự được khi bị đánh sập từ đằng đông. Đoạn đê vỡ trải dài cả nửa dặm, và băng qua lối mở ra đó biển cả xộc vào.

Những người nông dân bị đánh thức bởi tiếng rống thảm thương của đàn súc vật. Bàn chân họ nhấc ngay ra khỏi giường, trong bóng tối, đặt xuống dòng nước lầy lội, lạnh giá ngập cả gang tay. Đó là nước muối. Đây chính là dòng nước cuồn cuộn, lao ra phía đằng tây, vùng nước sâu trăm sải(8), cuốn trôi chân vách đá trắng Dover(9). Vùng Biển Bắc chợt tới thăm hỏi bọn họ. Nó dâng lên chóng vánh. Trong một giờ đồng hồ đồ đạc trong các gian nhà nông thấp lè tè nổi trôi theo dòng nước, va đập vào tường thành. Khi bình minh lên, mọi người, từ trên mái nhà, quan sát thấy đất liền xung quanh mình đổi khác. Cây cối và bụi rậm trồng trên bãi đất đương dịch chuyển, còn lớp bọt màu vàng dày đặc đương cuốn phăng hết dải ngô trồng chín rộ, vụ thu hoạch mà bọn họ còn đương bàn tán chỉ ít ngày trước khi trận bão tới.

Những nạn lụt như thế từng xảy đến trước kia. Một vài người cao tuổi vẫn còn có thể thuật lại cho lớp trẻ chuyện bọn họ từng có lần được những bà mẹ mặt mày tái mét chộp ra khỏi giường rồi quẳng lên bè gỗ, và chứng kiến, từ phía những ngôi nhà đương đổ sụp, đàn gia súc vùng vẫy và chìm nghỉm trong dòng nước đen ngòm; rối những thành viên trụ cột trong gia đình đã bỏ mạng hay cả hộ gia đình đã tan tác và mất tích ra sao. Thỉnh thoảng biển cả làm thế đấy. Dẫu vậy, trận lụt này vẫn sống mãi trong ký ức vùng ven biển ấy. Bởi nó tìm đến vào thời điểm mùa hè, trận lụt này thật đúng là trò đùa tai quái, kinh hoàng. Trong biên niên sử địa phương này, nơi còn lưu giữ địa điểm và tên gọi của chính trận lụt đó, nó được gọi là trận lụt Đức Hồng Y.

Ấy là bởi giữa cảnh màn trời chiếu đất ấy, những con người kinh hoảng kia đã tiếp nhận được nguồn cổ vũ từ một nhân vật vốn phần nào mang hét huyền hoặc, và cảm thấy bên mình có sự hiện diện của thiên thần hộ vệ. Hằng bao năm về sau, trong tâm trí đám nông dân, dường như đấng đồng hành với nỗi tuyệt vọng tối tăm của bọn họ đã tung ra luồng sáng trắng siêu phàm vượt trên khắp những con sóng mịt mù.

Đức Hồng Y Hamilcar von Sehestedt, trong suốt mùa hè đó, sống trong một gian nhà nhỏ dành cho ngư dân, nằm cách khu bãi tắm một quãng, để gom góp các ghi chép hằng bao năm của mình thành cuốn sách về Chúa Thánh Thần. Đồng tình với Joachim xứ Flora(10), sinh năm 1202, vị Hồng Y tin rằng trong khi kinh sách về Chúa Cha được đưa ra trong Cựu Ước, Chúa Con thì trong Tân Ước, còn kinh sách về Ngôi thứ Ba trong Ba Ngôi vẫn cần phải được viết ra. Đấy là điều ông biến thành sứ mệnh đời mình. Ông đã lớn lên tại xứ Westerlands, và đã luôn gìn giữ, trong suốt cuộc đời kéo dài của những chuyến du hành và hoạt động tâm linh, tình yêu của ông dành cho khung cảnh ven bờ và biển cả. Trong lúc nhàn nhã ông sẽ tham gia, noi theo tấm gương Thánh Peter(11), chuyến hành trình đi biển dài ngày cùng với những ngư dân trên thuyền của họ, dõi theo công việc của bọn họ. Sống cùng ông trong ngôi nhà chài chỉ duy có một người đàn ông đại loại như để làm việc vặt hay phục dịch, tên là Kasparson. Người này là cựu diễn viên và là gã giang hồ, kẻ đồng hành tài ba theo cái cách của anh ta, con người nói được nhiều thứ tiếng và có thói quen ham học hỏi mọi thứ trên đời. Hắn tận tụy với vị Hồng y, mà có vẻ hắn giống như gã Sancho Panza hay tò mò tận tụy đối với ngài hiệp sĩ quý tộc của giáo hội.

Tên tuổi của Hamilcar von Sehestedt vào thời điểm đó đã vang danh khắp châu Âu. Ông được tấn phong tước vị Hồng Y ba năm trước đó, khi đã bảy mươi tuổi. Ông ta là bông hoa lạ mọc từ thân gỗ đặc chắc lâu năm trên cây phả hệ dòng Sehestedt. Một dòng dõi quý tộc lâu đời tại địa phương, tồn tại qua hàng trăm năm không vì mục đích gì ngoài tiến hành chinh phạt và mở mang bờ cõi, đã sản sinh ra ông. Một điều đáng chú ý đó là bọn họ đã duy trì, trải qua bao thử thách, đức tin Giáo hội Công giáo Roma(12) ngàn xưa ở lại trên xứ sở này. Bọn họ không có tinh thần dễ dao động đối với những gì đã từng ghi dấu vào trí óc mình. Vị Hồng y có chín anh chị em, không ai trong số đó cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào sẽ tham gia đời sống tâm linh. Cứ như thể khối trí năng gom góp từ từ và hoàn toàn không sử dụng đến của dòng tộc này phát tiết vào đứa trẻ này của nó. Có lẽ, một người đàn bà, tiến vào từ thế giới bên ngoài, đã nhỏ một giọt tư tưởng vào dòng máu của nó trước khi hòa nhập hoàn toàn thành một người nhà Sehestedt, hoặc ý niệm nào đó trong sách vở gây ấn tượng lên chàng trai trước khi cậu được chỉ bảo rằng những cuốn sách cùng tư tưởng đó là vô nghĩa lý, để rồi tất cả những điều ấy cứ dần tích tụ.

Năng khiếu lạ thường của cậu Hamilcar được công nhận, không phải bởi người trong nhà, mà bởi người gia sư, người từng là thầy dạy của chính Thái tử Đan Mạch. Ông ta xoay sở để đưa cậu bé tới Paris và Rome. Ở đó, nguồn sáng thiên tư lạ lẫm đột nhiên bừng lên trong ngọn lửa chói lòa, người ta không thể lờ đi được. Tại đấy còn lưu truyền câu chuyện về làm sao mà bản thân Đức Giáo Hoàng, sau khi vị thầy trẻ được diện kiến ngài, đã nhận được điềm báo trong mơ về cái cách chàng trai trẻ này được Thượng Đế tách riêng ra để đưa các nước lớn theo đạo Tin Lành về lại dưới quyền điều hành của Tòa Thánh. Dẫu vậy, Giáo hội gắng thử thách khắt khe vị thầy trẻ này, tỏ vẻ ngờ vực đa phần các tư tưởng và sức mạnh bên trong cậu, cái tài gặp được thị kiến, và cả trong đặc điểm nổi bật nhất thuộc về tính cách cậu: tấm lòng thương xót vô vàn không chỉ dành cho những kẻ tội lỗi và khốn cùng mà thậm chí dường như còn hướng đến cả giới quyền quý và linh thiêng trên cõi đời. Sự nghiêm khắc bọn họ không làm vị thầy trẻ tổn thương; sự phục tùng luôn nằm trong bản chất của cậu. Sức tưởng tượng lớn lao được vị thầy trẻ cho hòa nhập với tình yêu sâu thẳm với lề luật và trật tự. Có lẽ rốt cuộc hai khía cạnh trong bản chất con người cậu đều hướng đến cùng một điều: với vị thầy trẻ mọi điều đều có thể xảy đến, và hơn nữa đều có khả năng tuân theo sự sắp đặt hài hòa và tươi đẹp của vạn vật.

Đích thân Giáo Hoàng, về sau, nói về Hamilcar: “Giả như, thế gian hiện hữu của bọn ta sau này bị phá hủy, ta buộc phải giao phó cho một con người gây dựng lên thế giới mới, con người duy nhất ta tin tưởng để trao công việc này sẽ phải là vị thầy trẻ Hamilcar của ta.” Song liền ngay sau đó, ông ta lập tức làm dấu thánh hai ba lần.

Sau khi Giáo hội ban tước vị cho ông, Hamilcar trở thành con người đi khắp thế gian theo nghĩa xưa nay của cụm từ này, nhưng ở tầm vóc lạ lẫm và lớn lao hơn. Ông dịch chuyển với sự bình thản và tao nhã tương tự nhau giữa chốn đế vương và tầng lớp bên lề xã hội. Ông được phái tới những tu viện truyền giáo tại Mexico, và gây được tầm ảnh hưởng lớn lao đối với các tộc người Da Đỏ và tộc người lai tại đó. Có một điều ông mang đến ấn tượng cho khắp chốn thế gian: bất cứ nơi nào ông đặt chân tới, người ta tin rằng ôngcó thể tạo ra phép nhiệm mầu. Vào thời điểm ông ở lại Norderney, người dân ven biển đờ đẫn và cõi lòng nặng trĩu bắt đầu nghĩ tới những phép lạ của ông. Sau nạn lụt nhiều người nói rằng đã chứng kiến ông bước đi trên con sóng.

Chắc ông cảm thấy bất tiện khi thực hiện kỳ công đó, bởi ông suýt đã mất mạng ngay lúc biến cố vừa xảy ra. Khi ngư dân từ trong xóm chài, lúc trận lụt tràn về, chạy tới cầu viện sự trợ giúp của ông, bọn họ phát hiện ra gian nhà tranh của ông gần như đổ nát. Trong khi nó sập xuống, gã Kasparson đã bỏ mạng. Bản thân vị Hồng Y bị thương rất nặng, và phải quấn, trong suốt quá trình giải cứu của mình, dải băng bó vết thương loang lổ máu quanh đầu.

Mặc cho bị như vậy, ông lão đã hoạt động suốt cả ngày với lòng can đảm không nao núng bên cạnh đám thường dân tiều tụy. Tiền bạc giữ bên mình ông phát hết cho bọn họ. Đó là khoản đóng góp đầu tiên cho quỹ cứu trợ giúp người hoạn nạn từ khắp cõi châu Âu. Nhưng điều lớn lao hơn cả là tầm ảnh hưởng do sự hiện diện của ông lên cho bọn họ. Ông chứng tỏ sự hiểu biết sâu sắc về cách lèo lái con thuyền. Bọn họ không tin rằng bất kỳ tàu bè nào có mặt ông lại có thể chìm được. Theo mệnh lệnh của ông, bọn họ chèo thuyền tiến thằng vào giữa những khối nhà đổ sập, đàn bà bồng bế con cái nhảy xuống thuyền từ trên mái nhà. Hết lần này tới lần khác ông nói với bọn họ bằng giọng điệu sang sảng và mãnh liệt, trích dẫn Sách Job cho bọn họ nghe. Có đôi lần, khi con thuyền, do va phải thân cây đại thụ trôi nổi, gần như sắp bị lật úp, ông bật dậy và đưa bàn tay ra, rồi như thể ông nắm giữ quyền năng giữ thăng bằng diệu kỳ, tự con thuyền dần ổn định trở lại. Khi đến gần một ngôi nhà nông trại, có con chó bị xích, ngồi trên nóc chiếc cũi, bị dòng nước biển cuốn trôi đi, cố giằng giật ra khỏi dây xích và tru lên, dường như nó sắp trở nên điên dại vì sợ hãi. Khi một trong số những người này gắng tóm lấy nó, nó cắn lại ông ta. Lão Hồng Y, rẽ hướng chiếc thuyền chếch sang một chút, nói với con chó rồi tháo xích cho nó. Con chó nhảy phốc lên thuyền. Vừa rên rỉ, nó nép sát thân mình quanh chân ông lão, và chẳng chịu rời xa ông.

Nhiều hộ nông dân đã được cứu thoát trước khi ai đó nghĩ đến khu bãi tắm. Đấy là một điều lạ, bởi cuộc sống rực rỡ và giàu sang ngoài đó vốn chiếm phần đáng kể trong tâm trí dân chúng nơi đây. Mà trong thời khắc hiểm nghèo, những mối dây ràng buộc về tình ruột thịt và sự sống còn xưa nay vẫn mạnh mẽ hơn những thứ quyến rũ tân thời. Tại khu bãi tắm, bọn họ có thuyền con phục vụ du ngoạn thư giãn, nhưng không mấy người biết cách điều khiển nó. Mãi tới tận ban trưa thì những chiếc thuyền tải trọng lớn hơn được phái tới, băng qua vùng ngập sâu nhấn chìm con đường ven biển.

Địa điểm để những con thuyền dỡ tải, trên hành trình quay về đất liền, là chiếc cối xay gió, đặt tại triền dốc thoải và dựng lên trên một đồn lũy hình bán nguyệt bằng đá xây, cho phép chúng tiếp cận để đổ bộ. Từ phía bên kia của nó, có con đường để di chuyển lên theo cách nào đó. Ở đấy, cách đó một quãng, ngựa xe đã được huy động. Bản thân chiếc cối xay dựng lên cột mốc hoàn hảo, phần cánh của nó dựng đứng, vững chãi và sừng sững, một cây thập giá lớn màu đen đổ sập tương phản với nền trời màu vàng vọt. Đám đông con người tụ tập ở đây chờ đợi những con thuyền. Khi lần đầu những con thuyền từ khu bãi tắm tiến vào, người ta chẳng thấy giọt nước mắt đón mừng và hội ngộ, bởi những con người mà chúng chở đến, ăn mặc xa hoa kể cả trong cơn hoảng loạn, với hòm rương kềnh càng trên đầu gối, trông thật xa lạ. Chiếc thuyền vừa đến mang theo tin tức rằng ở ngoài đó, tại Norderney, vẫn còn bốn hay năm người bị bỏ lại do không còn chỗ lên thuyền.

Những người chèo thuyền mệt mỏi nhìn nhau. Bọn họ biết rằng thủy triều dâng cao ngoài đó, và nghĩ: Chúng ta sẽ không đi. Hồng y Hamilcar đương đứng giữa đám đàn bà con nít, quay lưng lại phía cánh đàn ông, nhưng cứ như thể ông đọc vị được vẻ mặt và trong lòng họ nghĩ gì, ông trở nên câm lặng. Ông quay lại và nhìn về phía đoàn người mới đến. Có vẻ như ông còn điều gì lấn cấn. Dưới chiếc băng trắng quấn trên đầu, ánh mắt ông chằm chằm nhìn bọn họ với vẻ lạ thường, bí hiểm. Ông đã không ăn uống suốt cả ngày; giờ ông yêu cầu đưa cho ông uống thứ gì đó, và bọn họ đưa cho ông bình rượu mạnh địa phương. Một lần nữa hướng về phía dòng nước ông cất lời bình thản, Eh bien. Allons, allons(13). Những lời đó thật xa lạ đối với đám nông dân, bởi đó là lời lẽ của đám đánh xe cho giới quý tộc, vốn áp dụng phổ biến khi điều khiển cỗ xe tứ mã. Khi ông từ trên thuyền bước xuống, người từ khu bãi tắm tản mát trước mặt ông, mấy quý bà quý cô đột nhiên vỗ tay nhiệt liệt. Bọn họ chẳng có ác ý gì. Chỉ biết đến những vị anh hùngtrên sân khấu, bọn họ trao những màn vỗ tay tán thưởng cho vở diễn. Mà ông lão khi chứng kiến màn tán thưởng thì ngưng lại chốc lát để đón nhận. Ông khẽ cúi đầu, trong tình cảnh trở trêu nhạy cảm này, theo phong thái của vai nam chính trên sân khấu. Chân tay ông cử động khó nhọc đến nỗi người ta phải dìu và đỡ ông lên thuyền.

Giờ đã là cuối buổi chiều ngày thứ Năm khicon thuyền lên đường quay về. Màn trời tối tăm chết chóc suốt cả ngày hôm đó bao phủ khắp một vùng bao la. Trong tầm mắt người, khu vực trước đây là dải đất trập trùng thì giờ đây chẳng còn gì ngoài một vùng phẳng lặng xám xịt mênh mông, đe dọa sự sống. Dường như chẳng còn thứ gì trụ vững nổi. Đối với trái tim tan nát của đám người chèo thuyền khi băng qua những cánh đồng ngô và đồng cỏ, biến cố xảy đến với những gì họ coi là nền móng và bàn đạp thực quá sức chịu đựng, họ ngước mắt đi chỗ khác để khỏi phải chứng kiến. Những đám mây lơ lửng xà thấp xuống mặt nước. Con thuyền nhỏ, di chuyển nặng nề, dường như nó phải băng qua một luồng lạch có bề ngang chật hẹp, bị đè nén bởi sức nặng bên dưới và hóa ra là cả sức nặng bên trên. Bốn người vừa mới được giải cứu thoát khỏi chốn hoang tàn Norderney, đương ngồi, trắng bệch như xác chết, trên mạn thuyền.

Người đầu tiên trong bọn họ là Cô Nat-og-Dag lớn tuổi, bà cô chưa chồng vô cùng giàu có, người sau cùng thuộc về dòng họ danh gia vọng tộc từng có đạo quân mang hai sắc phục trắng và đen, và cái tên của dòng họ này nghĩa là “Đêm và Ngày.” Bà ta đã đến ngưỡng tuổi sáu mươi, và tâm trí mấy năm qua có phần biêng biêng, bởi bà, vốn là một cô nương tuyệt đối đức hạnh, lại tự cho rằng mình là một trong những người đàn bà tội lỗi nhất thời đó. Đi cùng với bà là cô gái mười sáu tuổi, Nữ Bá tước Calypso von Platen Hallermund, cháu gái của vị học giả và thi nhân cùng họ. Hai quý cô, dẫu trong tình cảnh ngặt nghèo vẫn tỏ ra vô cùng tự chủ, mang đến ấn tượng về sự quyết liệt, mà trong thời cuộc thái bình, chỉ còn tầng lớp quý tộc đương suy tàn và tan biến mới có khả năng gìn giữ. Đối với đoàn người đi giải cứu, thì cứ như thể bọn họ rước lên thuyền hai con hổ cái, một già và một trẻ, thị hổ con thì hoàn toàn hoang dại, còn ả hổ già thậm chí còn nguy hiểm hơn vì mang dáng vẻ đã thuần phục. Chẳng ai trong hai bọn họ tỏ ra có chút sợ sệt nào. Khi chúng ta còn trẻ, ý niệm về chết chóc hay thất bại là điều quá quắt đối với ta; thậm chí có khi chỉ là chuyện trêu chọc, chúng ta cũng chẳng thể chịu nổi. Mà chúng ta còn đặt niềm tin không thể lay chuyển vào vì sao chiếu mệnh, và niềm tin rằng không điều gì có thể cả gan xảy đến để chống lại chúng ta. Mà khi chúng ta già đi, chúng ta dần bắt đầu tin rằng mọi thứ hóa ra chẳng tốt lành với mình lắm đâu, và rằng thất bại là bản chất của vạn vật; nhưng khi ấy chúng ta chẳng còn để tâm lắm đến chuyện xảy đến với mình theo cách này hay cách kia. Bởi thế trạng thái cân bằng được thiết lập. Cô Malin Nat-og-Dag, trong khi hoàn toàn dửng dưng với điều có thể xảy đến với mình, còn cho thấy mình, bởi đầu óc biêng biêng, đương hòa mình vào, rất có ích lợi cho tuổi tác của bà, thứ đặc ân của tuổi trẻ, thứ tinh thần lạc quan ngây thơ và kiêu mạn vốn cứ cho rằng chẳng có điều gì không ổn ở đây. Thậm chí không rõ liệu bà có tin rằng mình có thể mất mạng hay không. Thiếu nữ mười sáu tuổi, nép sát bên bà, những lọn tóc sẫm màu buông xõa và tung bay, đón nhận lấy mọi thứ xung quanh trong niềm ngây ngất: gương mặt của những người đồng hành, chuyển động của con thuyền, sắc màu đùng đục, gớm ghiếc của dòng nước bên dưới, và đương tưởng tượng mình là vị thần tối cao trên biển cả.

Người thứ ba trong đoàn được giải cứu là chàng trai người Đan Mạch, Jonathan Mᴂrsk, vốn được vị bác sỹ gửi tới Norderney để hồi phục sau khi mắc phải chứng trầm uất nghiêm trọng. Người thứ tư là đứa thị tỳ của Cô Malin, nằm dưới đáy khoang thuyền, sợ hãi đến nỗi không dám ngẩng mặt lên khỏi đầu gối bà chủ.

Bốn con người này, tuy vừa mới thoát ra khỏi lưỡi hái tử thần, nhưng vẫn còn ở trong bàn tay kìm kẹp của ngài. Khi chiếc thuyền chở bọn họ, trên đường hướng về đất liền, băng qua gần những khối nhà rải rác trong một nông trang, mà giờ chỉ còn tầng mái và những gì trên thành tường là nổi trên mặt nước, bọn họ bắt gặp những bóng người đương ra dấu cho họ từ trên gian gác của một trong số những khối nhà đó. Đám nông dân chèo thuyền kinh ngạc, bởi bọn họ cam đoan rằng người ta đã phái một chiếc xà lan tới vị trí này ngay từ đầu ngày rồi mà. Bị sai khiến bởi ánh nhìn của nàng Calypso, cô vừa thoáng thấy bóng con nít trong đám người chơ vơ đó, bọn họ chuyển hướng, và khó khăn mãi mới tiếp cận được tới tòa nhà. Khi bọn họ tiến đến gần, một kho thóc nhỏ, chỉ còn mỗi phần mái là trông thấy được, đột ngột chấp nhận đầu hàng, đổ sập, rồi lặng lẽ tan biến ngay trước mắt họ. Chứng kiến cảnh tượng đó Jonathan Mᴂrsk bật đứng dậy khỏi thuyền. Trong khoảnh khắc đó cậu gắng dùng mắt dõi theo những mảnh vụn tan tác từ đống đổ nát. Rồi cậu lại ngồi xuống, mặt mày tái nhợt. Con thuyền va kèn kẹt vào thành tường của ngôi nhà để rồi rốt cuộc cũng tìm chiếc móc sắt bắt vào thanh xà nhà nhô ra, nhờ đó bọn họ mới có thể liên lạc với người trong gian gác chứa cỏ khô. Bọn họ phát hiện thấy ở đó có hai người đàn bà, một già một trẻ, một cậu trai mười sáu tuổi, và hai đứa trẻ, và nắm được rằng xà lan đi giải cứu đã tìm đến khoảng ba giờ trước. Nhưng bọn họ lại lợi dụng nó để chở đi đám bò bê, và thu gom được một ít nông sản vụn vặt, đánh liều phó mặc bản thân cho dòng nước dâng cao vây quanh. Bà lão thậm chí còn được đề nghị cho lên xà lan, cùng với đám súc vật, nhưng bà từ chối rời xa con gái và cháu mình.

Con thuyền không tài nào có thể chất thêm tải trọng của năm người nữa, vậy nên cần phải đưa ra quyết định mau chóng xem ai trong số những hành khách có thể đổi chỗ cho gia đình hộ nông trại này. Những người ở lại trên gian gác sẽ cứ ở nguyên đó chờ đến khi con thuyền có thể quay lại. Bởi giờ trời đã bắt đầu tối dần, và không có cơ may nào đưa thuyền ra khơi cho tới lúc bình minh, điều này có nghĩa là phải chầu trực sáu đến bảy tiếng. Vấn đề là liệu khối nhà này có trụ vững được lâu đến vậy không.

Vị Hồng Y, bật đứng dậy trong tấm áo choàng sẫm màu bay phần phật, tuyên bố rằng ông sẽ ở lại trên gian gác. Những lời đó khiến mọi người trên thuyền rơi vào trạng thái hoảng loạn tăm tối. Bọn họ sợ phải quay về mà không có ông. Những người chèo thuyền buông tay khỏi mái chèo, níu bám lấy ông, rồi van xin ông hãy ở lại cùng bọn họ. Mà ông bỏ ngoài tai, rồi giải thích với bọn họ rằng dù có ở đây hay bất kỳ nơi nào khác thì ông vẫn cứ ở trong bàn tay của Chúa, có khác chăng thì cũng chỉ là dưới sự sai khiến của ngón tay này hay ngón kia mà thôi, và rằng có lẽ bởi chính thế nên ông được phái đi vào chuyến hành trình cuối cùng ấy. Bọn họ nhận ra rằng không thể lay chuyển nổi ông, đành phó mặc bản thân cho số phận. Cô Malin khi ấy ngay lập tức đưa ra tuyên bố sẽ tiếp tục đồng hành cùng ông trên gian gác, còn cô gái thì sẽ không bỏ mặc người thân lớn tuổi của mình. Cậu Jonathan Mᴂrsk dường như bừng tỉnh khỏi mộng mị, bảo rằng mình sẽ đi cùng bọn họ. Vào phút cuối, đứa thị tỳ của Cô Malin gào lên rằng mình sẽ không bỏ mặc bà chủ ở lại, rồi trong lúc người ta đã đỡ cô ngồi dậy khỏi sàn thuyền thì bà chủ giáng về phía ả ánh nhìn kiểu như người ta phán xét xem liệu người đó có đủ khả năng tạo nên bộ tứ hoàn hảo để chơi bài hay không. “Cái con bé này,” bà nói, “chẳng ai muốn ngươi ở đây đâu. Mà hơn nữa, ngươi chắc là có thai rồi mà, vậy phải biết gìn giữ cho mai sau chứ, cái con bé khốn nạn này. Buổi tối tốt lành, Mariechen.”

Không dễ dàng cho những người đàn bà này rời khỏi thuyền để tiến vào gian gác. Dẫu vậy, cô Malin vốn mảnh mai và khỏe mạnh, được những người đàn ông nhấc bổng lên rồi đặt trước bệ cửa như cách người ta dựng con bù nhìn ngoài cánh đồng. Cô gái thanh thoát và nhỏ nhắn đi theo sau bà dẻo dai như loài mèo. Con chó mực, nhìn thấy thấy vị Hồng Y rời thuyền, tru lên rồi đột nhiên nhảy từ thành tay vịn lên gian gác, và cô gái kéo nó vào. Giờ là lúc để hộ nông dân đó lên thuyền, mà bọn họ chưa chịu đi chừng nào, trong lúc khóc lóc rẫm rức, chưa hôn tay những người cưu mang mình rồi thốt ra cả tràng lời cầu chúc cho bọn họ. Bà lão khăng khăng phải trao xong cho bọn họ chiếc đèn lồng treo chuồng ngựa nhỏ cùng cặp cây nến mỡ bò dự phòng, một bình nước, một can rượu gin, cùng với mẩu bánh mỳ đen giòn do nông dân Westerlands làm ra.

Những người đàn ông cho thuyền rời đi, và trong giây lát một xoáy nước đục ngăn giữa ngôi nhà và con thuyền.

Từ bệ cửa gian gác chứa cỏ khô những kẻ trơ trọi ở lại dõi theo con thuyền rút lui, vô cùng chậm chạp, bởi gánh nặng nó phải chở, băng qua khoảng mênh mông nhấp nhô. Những cành dương cao vút gần tòa nhà bập bềnh trên mặt nước và bị trôi giạt theo con thuyền. Bầu trời u ám, cả ngày hôm đó như thể chiếc nắp vung xám xịt bao trùm lấy thế gian, bỗng ửng hồng ở phía đằng tây xa thẳm,, như thể chiếc nắp he hé nhấc lên nơi đó, để sắc đỏ rực lên phản chiếu xuống mặt biển bên dưới. Mọi gương mặt trên con thuyền đều hướng về gian gác, và mãi đến khi gần như chẳng thể trông thấy người ở lại, bọn họ giơ tay vẫy chào tạm biệt. Vị Hồng Y, đứng trên bệ cửa gian gác, nghiêm trang giơ cánh tay về phía bọn họ để chúc phúc. Cô Malin vẫy chiếc khăn tay nhỏ xinh. Ngay lập tức con thuyền, mờ dần khỏi tầm mắt bọn họ, đã hòa làm một với biển khơi và bầu trời.

Như thể bốn con rối, bị kéo giật bởi cùng một sợi dây, bốn con người quay mặt nhìn nhau.

“Làm sao ông ta phải nhảy cùng nhỉ?” Cô gái tự hỏi, khi, trong màn múa rối ấy, chiếc mũ Chapeau(14)hiện diện trước mặt cô. Có khi cô còn thêm vào: “Làm sao ông ấy lại là kẻ si tình, một Épouseur(15), Ý Trung Nhân của đời mình được?”

“Làm sao những con người này lại chịu chết chung nhỉ?” Những kẻ ở lại trên gian gác, chăm chú nhìn gương mặt nhau, tự hỏi lòng mình. Cô Malin, lúc nào cũng hướng tới khía cạnh tích cực của vấn đề, bản thân cảm thấy hài lòng với những kẻ cùng chung cảnh ngộ.

Vị Hồng Y tỏ ra mình đương chìm đắm trong dòng suy tư ấy. Ông lão đứng thinh lặng trong giây lát, như thể cần thời gian để ông thích nghi trở lại với sự bình lặng trong ngôi nhà, sau cả ngày lênh đênh trên thuyền vượt biển động, để chuyển sang bầu không khí tương đối yên ả sau hằng bao thời khắc ngặt nghèo không ngơi nghỉ – và còn để dần thích nghi, sau những việc ông đã làm với đám nông dân và ngư dân tan nát cõi lòng vây quanh mình chuyển sang những người đồng hành cùng đẳng cấp. Dần dần thái độ của ông chuyển từ viên chỉ huy sang người bằng hữu. Ông mỉm cười với những kẻ đồng hành.

“Hỡi anh chị em,” ông nói, “tôi lấy làm tự hào khi được đứng đây bên cạnh những con người can đảm. Tôi đương chờ mong tới thời khắc tôi sẽ được, nhờ Chúa ban ơn, ở bên các người tại đây. Thưa Quý Bà,” ông nói với Cô Malin, “tôi không ngạc nhiên về tấm lòng hào hiệp của bà, bởi tôi biết dòng dõi nhà bà. Có một người trong họ Nat-og-Dag, tại Warberg, khi ngựa của đức vua bị bắn hạ, đã nhảy xuống khỏi ngựa của mình và trao nó cho đức vua, cùng với câu nói: “Ngựa của ta, là dành cho đức vua; mạng của ta, là dành cho kẻ thù; linh hồn ta, là dành cho Đức Chúa.” Có một vị Svinhoved(16), nếu ta không nhầm - cụ cố nhà bà - là người, trong trận hải chiến ở Koege, không đành lòng để đoàn chiến hạm Đan Mạch rơi vào tình cảnh bị thiêu rụi bởi con thuyền của mình đang bốc cháy, đã quyết định lao đi chiến đấu tới hơi thở cuối cùng, tới tận khi ngọn lựa lan tới thùng thuốc súng, khiến cho ông và toàn bộ đoàn thủy thủ bị nổ tung. Lúc này đây,” ông lên tiếng, nhìn quanh gian gác, “Tôi có thể nói thế này: Cầu Chúa phù hộ cho dòng máu thuần khiết ấy, bởi bọn họ nhất định sẽ phải đối mặt với...” Ông ngừng lại, ngẫm ngợi về điều định nói. “Cái Chết,” ông khép lại. “Bọn họ sẽ phải chứng kiến, đích thị là vậy, gương mặt thần chết. Bởi thế giây phút lúc này đây, chúng ta noi theo, cha ông ta được trui rèn, qua hằng bao thế kỷ, tài nghệ chiến đấu và lòng trung thành với bậc quân vương; còn bà mẹ ta, được dạy dỗ về đức hạnh.”

Ông chẳng thể nói điều gì tuyệt vời hơn để làm vững tâm và truyền nhiệt huyết cho những người đàn bà này, vốn đều là loài quỷ dữ hung bạo khi động đến thanh danh dòng tộc. Mà cậu Jonathan Mᴂrsk, thuộc tầng lớp tư sản, làm điệu bộ như thể xua đi. Dẫu vậy cậu chẳng nói gì.

Bọn họ khép cửa gian gác, mà như thể nó đương lung lay, cứ đập ra đập vào, vị Hồng Y hỏi đám phụ nữ xem liệu bọn họ có thể tìm thấy thứ gì đó để buộc cố định nó lại. Cô gái rờ rẫm tìm dải ruy băng cột tóc, mà nó đã bị thổi bay đi mất rồi. Cô Malin lúc này mới nhẹ nhàng nhấc tấm váy lót lên và cởi chiếc nịt bít tất dài được thêu những nụ hồng ra. “Đỉnh cao trong sự nghiệp của chiếc nịt bít tất, Chúa ơi,” bà lên tiếng, “thông thường là để nới lỏng ra, chứ không phải để thít chặt lại. Bởi có một chiếc ruy băng giống như thế này, chiếc ruy băng giờ đây sắp được thánh hóa nhờ bàn tay linh thiêng của ngài, đương nằm dưới mái vòm Lăng mộ Hoàng gia Stuttgart.”

“Thưa Quý Bà,” vị Hồng Y nói, “bà vừa lỡ lời rồi. Hãy cầu nguyện để đừng nói năng hay suy nghĩ kiểu đó nữa. Không gì ban thánh hóa, và không gì, quả là vậy, được thánh hóa, trừ Ý Chúa sắp đặt, đấng thần thánh độc nhất. Bà nói như thể người ta tuyên bố rằng phân nửa số nốt trên khuông nhạc – cứ cho là vậy, do, re, mi là linh thiêng, còn fa, sol, la,si lại chỉ là phàm tục, trong khi, thưa Quý Bà, không một nốt nào trên khuông nhạc tự thân nó linh thiêng cả mà đó là âm nhạc, thứ do chúng tạo nên, mới là điều thần thánh duy nhất. Nếu chiếc nịt bít tất của bà mà lại được bàn tay già nua yếu ớt của tôi ban thánh hóa,, thì chính chiếc nịt bít tất lụa tuyệt hảo của bà cũng làm điều đó với bàn tay tôi vậy. Con sư tử nằm rình phục con linh dương tại khúc sông cạn, và con linh dương được ban thánh hóa nhờ con sư tử, cũng như con sư tử được con linh dương làm vậy, bởi Ý Chúa sắp đặt là điều thần thánh. Bản thân quân tượng, quân mã, hay quân xe đầy sức mạnh không thể trở nên linh thiêng được, mà chỉ có cờ vua mới là môn chơi cao quý, và ở đó quân mã được quân tượng thánh hóa, còn quân tượng lại được quân hậu làm vậy. Mà cũng chẳng đạt được lợi lộc gì nếu quân tượng mang tham vọng giành được những ưu thế cao hơn quân hậu, hay như quân xe đòi điều tương tự ở quân tượng. Chúng ta cũng được thánh hóa như vậy khi bàn tay của Chúa di rời ta tới nơi ngài muốn ta tới đó. Tại đây ngài chắc định sắp đặt một cuộc cờ hay cho bọn ta, và trong cuộc cờ đó ta nhất định sẽ được bà thánh hóa, còn ai đó trong bọn ta sẽ làm thế với bà.”

Khi cánh cửa gian gác được đóng lại, nơi này trở nên tăm tối, mà chiếc đèn lồng con con trên sàn nhà tỏa ra thứ ánh sáng dìu dịu. Gian gác trông như thể mái ấm dành cho tâm hồn kẻ trôi giạt. Cứ như thể họ từng sống ở nơi này lâu lắm rồi. Những người nông dân vừa mới thu hoạch cỏ khô, và hầu như cả gian gác chất đống rơm rạ. Nó tỏa hương thơm dịu và tạo ra chỗ ngồi sạch sẽ và êm ái. Vị Hồng Y, người vô cùng mệt mỏi, ngay lập ngả người xuống đó, tấm áo choàng dài trải ra mặt sàn chung quanh ông. Cô Malin ở về phía đối diện với ông qua chiếc đèn lồng. Cô gái trẻ ngồi bên cạnh bà, khoanh chân lại, như thể bức tượng thần phương đông nhỏ nhắn. Chàng trai, khi rốt cuộc cũng ngồi xuống cùng bọn họ, chọn lấy vị trí trên chiếc thang đặt nằm trên sàn, và nó khiến cho cậu nhô cao hơn một chút so với những người còn lại. Con chó vẫn kè kè bên vị Hồng Y. Ngồi bật dậy, tai vểnh ra sau, đôi lần có vẻ như, trong cơn kích động sâu sắc, nó làm vậy để kìm nén nỗi sợ và cô đơn bên trong. Cả đoàn vẫn giữ nguyên tư thế ấy hầu như suốt đêm hôm ấy. Quả thật, vị Hồng Y và Cô Malin giữ nguyên vị trí của họ, nghe nói là vậy, tới tận khi tia sáng bình minh đầu tiên ló rạng. Toàn bộ những chiếc bóng, trong vầng sáng hắt ra xung quanh từ ngọn đèn chuồng ngựa, vươn lên tới tận những thanh xà gồ dưới mái nhà. Trong suốt cả đêm đó, dường như lúc nào những chiếc bóng dài kia thực sự mang theo sức sống, và chúng gìn giữ linh hồn và cuộc chuyện trò của đám người này, đằng sau những con người kiệt lực.

“Thưa Quý Bà,” Vị Hồng Y nói với Cô Malin, “Tôi nghe người ta kể về gian khách thính của bà, ở đó bà giúp mọi người cảm thấy thoải mái đồng thời khiến cho họ hăng hái thể hiện hết mình. Bởi chúng ta muốn có cảm giác giống như thế vào đêm nay, tôi khẩn nài bà sẽ đóng vai vị nữ gia chủ, và truyền tải hết tài năng của tới gian gác này.”

Cô Malin ngay lập tức tán đồng lời gợi mở của ông và giành quyền làm chủ không gian này. Suốt đêm đó bà đảm nhiệm vai trò ấy, thết đãi những vị khách bằng những món xa xỉ hiếm có: cô độc, tối tăm, và ngặt nghèo, trong khi bà giấu sau ống tay áo chính cái chết chóc, như thể bậc nổi danh(17) nào đó, một giọng nam cao tuyệt vời đến từ nước Ý nào đó, thoát khỏi sự chèo kéo của những nữ gia chủ kình địch, đợi chờ ngoài cửa để được xuất hiện và làm nên cơn rúng động cho đêm nay. Người khác sẽ tìm cách ngả ngớn trên ngai tòa; nhưng Cô Malin, trái lại, ngồi trong đống cỏ như thể ngồi trên chiếc ghế đẩu vốn là đặc ân thuộc về hàng nữ công tước. Bà yêu cầu Jonathan cắt lát bánh mỳ và chuyền nó đi vòng quanh, và đối với những người đồng hành, những người không ăn uống gì suốt cả ngày, mẩu bánh mỳ đen khô cứng kia chất chứa hương thơm ngát của cánh đồng ngô. Suốt đêm hôm ấy, bà và vị Hồng Y, những người già cả và yếu ớt, uống với nhau gần cạn rượu gin trong can. Đám trẻ thì không động đến nó.

Bà ngay lập tức phải gánh vác trọng trách nặng nề hơn nhiệm vụ làm những người đồng hành cảm thấy thoải mái, bởi vừa nói xong thì vị Hồng Y rơi vào cơn bất tỉnh mê man. Đám đàn bà, không dám nới lỏng chiếc băng quấn quanh trên đầu ông, lấy nước từ trong bình rưới lên chúng. Ngay khi tỉnh lại, ông trừng trừng nhìn bọn họ, rồi đặt tay lên đầu, mà như thể ý thức phục hồi, ông nhẹ nhàng xin thứ lỗi vì những âu lo ông gây ra cho họ, còn nói thêm rằng ông đã có một ngày mệt mỏi. Dẫu vậy, dường như ông đã đổi khác sao đó sau khi hồi tỉnh, có vẻ yếu hơn trước, và, như thể trao phần nào quyền dẫn dắt và trách nhiệm cho Cô Malin, còn ông song hành cùng bà.

Giờ có lẽ cũng đến lúc thích hợp để đưa ra vài dòng vắn tắt miêu tả về Cô Malin Nat-og-Dag:

Người ta nói rằng đầu óc bà hơi có chút vấn đề. Dẫu vậy, với những ai hiểu rõ bà, dường như thỉnh thoảng lại dấy lên hồ nghi rằng phải chăng nếu thích thì bà sẽ chằng tỏ ra hâm hấp đâu, hay bắt nguồn từ thói đồng bóng nào đó, bởi tính khí bà thất thường. Mà không phải lúc nào bà cũng hâm hấp. Bà từng là người phụ nữ vô cùng hiểu biết, nghiên cứu triết học, và khinh miệt dục vọng trong con người. Giả như Cô Malin bây giờ được trao cơ hội quay trở lại trạng thái minh mẫn trước kia, và đủ khả năng nhận thức được ý nghĩa của lời đề nghị đó, có lẽ cô sẽ khước từ với lý lẽ rằng con người ta quả thực nhận về nhiều niềm vui từ đời sống hơn khi đầu óc biêng biêng một chút.

Cô Malin bây giờ là người đàn bà giàu có, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Cô lớn lên mồ côi trong gia đình người bà con lắm tiền nhiều của. Niềm tự hào về tên tuổi dòng họ lâu đời lúc nào có có trong cô, cũng hệt như niềm tự hào về chiếc mũi to tướng của mình vậy.

Cô từng được một phó mẫu(18) sùng đạo nuôi nấng, người này thuộc giáo phái Hernhuten, để tâm nhiều đến đức hạnh nữ giới. Thủa ấy, sự hiện hữu của người đàn bà là một khối lực hút, và bởi thế cuộc sống của cô giản đơn hơn so với sau này. Cô ta có thể đầu độc người thân thích và trơ trẽn chơi cờ gian bạc lận, mà vẫn cứ là honnête femme(19) miễn là cô ta không dung túng cho tư tưởng tà đạo nào được phép xâm nhập vào lãnh địa đặc biệt của mình. Các quý cô thời ấy có thể tự mình ngã giá cho trái tim và lý trí, kể cả là linh hồn, nếu bọn họ quyết thương lượng với quỷ dữ; mà về phần thể xác, vốn là ngón tủ của phụ nữ, thì việc hạ thấp giá trị tiêu chuẩn thiêng liêng ấy đối với bọn họ được cho là như thể là màn cạnh tranh không lành mạnh trong hiệp hội của các honnête femme, và đó là tội lỗi cùng cực. Quả thật, người thiếu nữ càng nâng cao giá trị bản thân lên, thì cô ta càng linh thiêng và tốt hơn cả nếu người ta nói về cô ấy rằng chỉ vì cô ta mà khiến hằng bao đàn ông thành ra bất hạnh, chứ không phải là cô ta làm cho bao nhiêu đàn ông hạnh phúc.

Cô Malin, bị thúc đẩy bởi cả tính khí bản thân lẫn phương hướng giáo dục, có phần điên cuồng lao theo mối liên hệ với quan điểm ấy. Cô dựng lên một giới tuyến, không chỉ để phòng thủ, mà còn dành cho cuộc tấn công liều lĩnh nhất. Vốn bản tính kỳ quái, cô không tìm ra lý do cần phải ôn hòa, và đề cao giá trị bản thân tới mức tột cùng kỳ quái. Quả thật, trong chuyện làm cao, cô trở thành nạn nhân của một thứ đại loại như chứng vĩ cuồng. Sigrid Kiêu Sa, Nữ hoàng Na Uy cổ đại, cho triệu tập tất cả những kẻ cầu hôn trong đám tiểu vương trên xứ sở này, rồi phóng hỏa đốt tòa dinh thự để thiêu rụi toàn bộ bọn họ, tuyên bố rằng đó sẽ là cách bà dạy dỗ đám tiểu vương Na Uy hèn mọn nếu còn tìm đến và theo đuổi mình. Malin có lẽ cũng sẽ hành động y chang như vậy với lương tâm thanh thản tương tự. Cô nhập tâm điều bà phó mẫu đọc cho cô nghe từ trong Kinh Thánh, đó là: “phàm ai nhìn người phụ nữ để thỏa lòng dục thì đã ngoại tình với nó ở trong lòng rồi(20),” và cô tự biến mình thành nhân vật nữ của chàng trai trồng cây si trong sách Phúc Âm. Khao khát của đàn ông dành cho cô đối với cô mà nói, chắc cũng như đối với Nữ hoàng Sigrid, là điều cực kỳ vô phép, và phạm phải trọng tội như thể có ý đồ hãm hiếp vậy. Cô hầu như không thể hiển được nét esprit de corps(21) về phe nữ giới, và hóa ra không mảy may để tâm rằng sẽ thật nghiệt ngã đối với những thiếu nữ đoan chính nói chung nếu nguyên tắc đó được đem ra thực thi, bởi toàn bộ môi trường hành động của bọn họ đặt giữa hai luồng tư tưởng, và, khi trộn lẫn lại, người ta sẽ mau chóng đặt dấu chấm hết cho hoạt động của bọn họ hệt như thể bạn làm điều đó với người chơi đàn công-xéc-ti-na(22) bằng cách gập chiếc đàn lại và móc hai đầu nó lại với nhau. Cô mang dáng vẻ khá bi thương, giống như tất cả mọi người, trên thế gian này, tuân đúng theo lời lẽ trong Kinh Thánh au pied de la lettre(23). Mà cô cũng chẳng hề có ý nghĩ rằng dáng vẻ mình như thế.

Dẫu vậy, hồi còn trẻ, hình ảnh người trinh nữ cuồng tín này trông không hề tầm thường trong xã hội, bởi cô vô cùng thông minh và tài giỏi. Dẫu không xinh đẹp, cô sở hữu tài năng vượt trội hơn vẻ bề ngoài, và trong xã hội cô đảm nhiệm vai hoa khôi khi mà những người đàn bà kiều diễm hơn nhiều bị bỏ mặc chẳng được đoái hoài. Niềm tôn sùng cô đón nhận như cống phẩm đương nhiên dành cho người con Nat-og-Dag, và cô không hề vô cảm trước những lời tán tụng về tinh thần và chí khí, hay tài năng hiếm có của cô đối với âm nhạc và khiêu vũ. Thậm chí cô còn lựa chọn bạn bè đa phần trong số đàn ông, và cho rằng đàn bà hơi ngờ nghệch. Mà đồng thời lúc nào cô cũng mang thái độ, như con bò đấu sĩ dành cho tấm khăn màu đỏ, hay lính thập tự chinh dành cho dấu hiệu trăng bán nguyệt, còn cô thì dành cho bất kỳ dấu hiệu nào từ ánh mắt khát khao, nhằm mục đích tiêu diệt chủ nhân của nó một cách không thương tiếc.

Nhưng cô Malin vẫn còn chưa thoát khỏi số phận thường tình của con người. Cô từng có mối tình lãng mạn. Hồi hai mươi bảy tuổi, khi đã là một thiếu nữ quá lứa lỡ thì, cuối cùng thì cô cũng quyết định đi đến kết hôn. Trong tình cảnh này cô cảm thấy mình như thể là ả chó cái lừng lững bị bầy chó con la liếm sủa ẳng ẳng. Cô vẫn sẵn sàng thiêu rụi đám tiểu vương hèn mọn nếu bọn họ sáp đến theo đuổi cô, nhưng cô tìm thấy lựa chọn của mình. Nữ Hoàng Sigrid cũng vậy, khi nàng sà xuống vị anh hùng Ki-tô giáo, Olav Trygveson, và trong câu chuyện sử thi đó, người ta có thể thấy được hậu quả bi thảm dành cho màn chạm trán giữa hai trái tim kiêu hãnh.

Về phần mình, Malinchọn ra Hoàng thân Ernest Theodore xứ Anhalt. Chàng vốn là thần tượng trong thời mình. Có xuất thân cao quý và vô cùng giàu có, bởi bà mẹ vốn là một nữ đại công tước nước Nga, chàng cũng khôi ngô như thiên thần, như một bel-espirit(24), và là sư tử Judah trong vai người chiến binh. Chàng thậm chí còn có tấm lòng cao thượng, và không có thói phù phiếm trong tính cách, vậy nên khi xung quanh, những người đàn bà đẹp héo tàn vì dâng hiến tình yêu cho mình, chàng đau buồn. Và bởi tất cả điều đó, chàng đứng dự thính; và nhìn nhận mọi điều. Một ngày nọ chàng bắt gặp Cô Malin, và sau đôi lần thì nhận ra có điều gì khang khác.

Chàng trai đó đã đạt được mọi thứ trên đời - và riêng về đàn bà - thì đạt được với giá quá rẻ mạt. Nhan sắc, tài năng, quyến rũ, đức hạnh thì chỉ cần búng một ngón tay là thuộc về chàng. Về phần Cô Malin thì chẳng có gì nổi trội ngoài tính làm cao. Một thiếu nữ không xu dính túi, mũi to, gầy gò, lớn hơn chàng hai tuổi, lại đòi hỏi không chỉ là danh tiếng hoàng gia và tương lai tươi sáng được thừa kế trọn vẹn của chàng, mà còn đòi hỏi sự phủ phục tôn sùng, lòng chung thủy suốt đời, và chịu tuân phục cả lúc sống lẫn khi chết, và có được điều mà mà chẳng phải mất đi điều gì cả, - điều ấy gây ấn tượng với chàng Hoàng thân.

Một số người chất chứa tình yêu không thể chế ngự trước những câu đố. Bọn họ có thể có cơ hội để lắng nghe lý lẽ đơn thuần, hay lắng nghe các bậc trí giả giảng giải sự đời; nhưng không, bọn họ phải lao vào và vắt nát óc để vượt qua câu đố, chỉ bởi họ không hiểu mục đích của nó là gì. Việc lời giải đa phần tự nó là ngớ ngẩn cũng chẳng quan trọng gì với những kẻ bị ám ảnh bởi đam mê kỳ lạ này. Hoàng thân Ernest mang theo tâm tính ấy, và, ngay từ hồi còn nhỏ, cậu có thể ngồi cả ngày đắm chìm trong các trò chơi ô chữ và giải đố – thú tiêu khiển, trong trường hợp của cậu, được coi như minh chứng cho trí tuệ tầm cao. Bởi thể, một khi chàng phát hiện ra thứ khó nhằn này, việc hóa giải dễ dàng đám người đẹp trở nên mờ nhạt trước mắt chàng.

Bởi Hoàng thân Ernest đã quá căng thẳng về chuyện chẳng may lần đầu bị khước từ trong đời – và có Chúa mới biết liệu đó là điều khiếp sợ nhất hay thèm muốn nhất đối với chàng – nên phải mãi đến tận buổi tối cuối cùng trước khi lên đường ra mặt trận chàng mới ngỏ lời cầu hôn Malin Nat-og-Dag. Hai tuần sau chàng bỏ mạng tại chiến trường Jena, và bàn tay chàng nắm chặt lấy chiếc mề đay nhỏ bằng vàng chứa lọn tóc vàng hoe bên trong. Bao nhiêu thiếu nữ tóc vàng tìm thấy niềm an ủi khi nghĩ đến chiếc mề đay ấy. Không ai biết rằng trong số hằng bao mái tóc óng ả từng là gánh nặng đối với chàng, chỉ có lọn tóc từ mái đầu thiếu nữ quá lứa lỡ thì kia mới là chiếc lông vũ Walkyrie(25) đối với chàng, mới nâng bổng chàng lên khỏi mặt đất.

Giả như cô Malin là người theo Công Giáo, hẳn cô sẽ đi tu sau trận chiến Jena đó, để cứu rỗi, nếu chẳng phải là linh hồn mình, thì chí ít cũng cứu rỗi lấy lòng tự tôn của mình, bởi, như người ta nói, chẳng có thiếu nữ nào có thể kiếm được mối hôn lễ hoàn hảo như cô, người sẽ trở thành cô dâu Huân tước. Nhưng là tín đồ Tin Lành nhiệt thành, tuân theo những lời giáo huấn của giáo phái Hernhuten(26), cô chỉ cầm cây thánh giá lên và vác nó đi một cách hiên ngang. Do chẳng ai trên thế gian này biết được tấn bi kịch của cô để mà đồng cảm với quan điểm của cô về người khác, cụ thể là, bọn họ chẳng bao giờ biết thứ gì là quan trọng với thứ gì cả. Cô từ bỏ mọi ý nghĩ về hôn nhân.

Ở vào tuổi năm mươi, bà bất ngờ được thừa hưởng một kho báu kếch xù. Với những người chẳng hiểu mấy về bà thì tin rằng đó chính là thứ len lỏi vào trong đầu óc bà và gây ra ở đó sự lẫn lộn giữa thực tế và ảo tưởng. Thật ra không phải vậy. Bà chí ít thì cũng không bị rối loạn đến mức tự cho rằng mình sở hữu những kho báu trên đảo Grand Turk(27). Điều khiến bà thay đổi là điều khiến tất cả phụ nữ tuổi năm mươi thay đổi: công cuộc biến đổi từ vai phụng sự cuộc đời tích cực - nhờ khoản trợ cấp hưu trí hay màn rút lui trong danh dự(28), có lẽ trường hợp này là vậy - sang trạng thái kẻ ngoại cuộc bị động thuần túy. Gánh nặng đã được trút bỏ khỏi con người bà; bà vút bay lên cành cao và khẽ cười khúc khích. Vận may ấy chỉ giúp cho bà mỗi việc là cấp thêm luồng không khí nâng đôi cánh lên để bà có thể bay cao thêm chút và khẽ cười khúc khích thêm chút, dẫu vậy nó cũng giúp bà bỏ lại hết mọi lời bình phẩm vây quanh. Trong tiếng cười giải phóng của bà, cố nhiên có đôi phần biêng biêng.

Cái nét hâm hâm ấy, như đã nói, mang hình hài kỳ quái về một niềm tin vững chắc vào quá khứ dâm loạn khủng khiếp. Tự bà cho rằng mình là một đại kỹ nữ hạng sang ở thời mình, nếu không thì phải là con điếm khét tiếng trong sách Khải huyền. Bà coi tài sản, nhà cửa và đồ trang sức như thể là do tội lỗi mà có được, tích cóp từ con đường sa ngã bấy lâu nay, và bởi thế bà cực kỳ hào phóng trong chuyện tiền nong, vì cho rằng thứ gì kiếm không chính đáng thì cũng phải tiêu pha một cách nông nổi. Bà chẳng thể mở miệng mà không ám chỉ đến một thời trụy lạc. Thậm chí Hoàng thân Ernest Theodore, chàng nhân tình trẻ tuổi trong sáng vốn bị bà thậm chí khước từ cả nụ hôn chia tay, lại được nhắc đến trong bộ sưu tập hình nhân bằng sáp của bà như là nạn nhân của thói táo tợn và mánh lới của ả mỹ nhân ngư.

Thật khó mà tin rằng khi đứng trước một cảnh tượng, người ta có tận hưởng nó theo cùng một cách giữa những kẻ, dầu sau thì, vẫn có thể liều mình tham gia vào nó và những kẻ ở vào tình thế khả năng nào cũng bị chặn đứng hoàn toàn. Đích thân vị Hoàng Đế La Mã có lẽ, sau màn trình diễn cực kỳ phấn kích, sẽ thấy cây đinh ba và tấm lưới(29) trong cơn ác mộng. Mà những Trinh Nữ Vestal(30) sẽ nằm trên tràng kỷ cẩm thạch và, bằng hiểu biết của kẻ sành sỏi, soi xét mọi tình tiết cuộc đấu, rồi tưởng tượng ra bản thân mình thế chỗ chàng võ sĩ giác đấu họ yêu mến. Tương tự như vậy chẳng thể nào mà cô già vô cùng sùng đạo lại lại tham dự phiên tòa xét xử và thiêu sống phù thủy với tâm trí hoàn toàn không bận tâm như đám đàn ông bu quanh cột thiêu.

Không thiếu nữ nào, kể cả xuất phát từtrong buồng nữ tu, lớ đẩy mình vào trong trí tưởng tượng đi xa thái quá của Cô Malin mà không thấy sợ hãi và run rẩy. Ấy mà bà cô già này, vốn từng chăm lo cho sự an toàn của bản thân, lại có thể lặn ngụp xuống bất kỳ vực thẳm trụy lạc nào với vẻ thanh thoát của con chào mào. Bà bám chặt lấy niềm tin cố hữu rằng tuổi trẻ của mình liên quan đến lời lẽ nói về ngoại tình trong sách Phúc Âm. Bà tin theo những lời Thánh Kinh để cho rằng vô số chàng trai quả thật đã phạm phải tội lỗi đó với bà. Mà bà cương quyết phơi bày chúng từ trong ra ngoài, như thể phụ nữ làm thế với tấm váy khiến cô ta thất vọng vì màu sắc nhạt phai. Bà là hình ảnh phản xạ lại của kẻ tội lỗi vĩ đại biết ăn năn hối cải, tội lỗi của họ phải được tẩy trắng như bông, còn ở đây bà đạt tới niềm thư thái đích thực bằng cách nhuộm thứ len lông cừu tuyệt vời của đời mình bằng đủ thứ chất nhuộm hổ lốn ghê rợn. Ghen tuông, lừa lọc, cám dỗ, hãm hiếp, giết trẻ sơ sinh, và tàn nhẫn của tuổi già, cùng với mọi thói hư thân mất nết trong cõi dục vọng của loài người, kể cả là maladies galantes(31), bà thể hiện sự hiểu biết đáng kinh ngạc về những điều đó, như thể là viên kẹo ngọt xinh xinh mà bà có thể nhón lấy ra, từng chiếc từng chiếc một, từ chiếc bonbonnière(32) trong tâm trí, rồi nhai rau ráu với thói gourmandise(33) đích thực. Trong toàn câu chuyện tưởng tượng của mình, bà tự đảm nhân vai nữ chính, và chạy băng băng qua bảy tầng tội lỗi cùng cực với niềm ngây ngất của cậu nhóc phi nước đại băng qua những vòng đua vĩ đại của thế gian trên con ngựa bập bênh. Nếu có một con người để bà nhắc đến với sự khinh miệt thì đó phải là Mary Magdalene(34) trong sách Phúc Âm, người đã chẳng phải mang gánh nặng tội lỗi nào ngọt ngào hơn là được lui về hoang mạc Libya bầu bạn với chiếc đầu lâu. Bản thân bà mang gánh nặng tội lỗi của mình bằng sự tài tình của người vận động viên, và đủ sức để chơi môn thả cầu tung hứng(35) đầy thanh nhã với nó.

Bản thân gương mặt bà biến chuyển dưới tác động của cuộc cách mạng tinh thần lớn lao đó, và vào thời điểm khi mà những người đàn bà khác phải viện đến son phấn và cây cà dược, thì tình khoan dung dành cho khuyết điểm của con người mới sinh ra trong bà lại làm tôn lên vẻ hồng hào và ánh mắt tươi sáng hiền dịu. Bà đến gần với hình ảnh người phụ nữ xinh đẹp hơn so với trước kia. Lúc nào cũng mang dáng vẻ mụ phù thủy, nhưng khi bước vào tuổi hồi xuân này thì thần thái của bà trông giống với những nàng tiên xấu xa trong chuyện cổ tích con trẻ hơn là Medusa, nữ thần báo thù với thanh gươm bốc lửa, luôn bắt bản thân mình phải chống lại Hoàng thân Ernest. Bà gìn giữ dáng vẻ mảnh mai và thanh thoát như yêu tinh, và bởi cả tài năng khiêu vũ của mình, bà vẫn giữ vai trò hoa khôi trong bất kỳ buổi đại khiêu vũ nào. Chiếc đế guốc nhỏ bé giờ đã được giát vàng xinh đẹp, như chính con dê của Esmeralda. Thế là trong khí thế hừng hực phát ra từ cơn dở người nhè nhẹ và tuổi hồi xuân, giờ đây, bị bỏ lại trên gian gác chứa cỏ khô của người nông dân, bà ngồi trò chuyện sôi nổi với vị Hồng Y Hamilcar.

”Hồi còn bé, ta từng đôi lần đến sống tại Coblentz, trong cung điện của Công tước xứ Chartres lưu vong,” vị Hồng Y lên tiếng, sau thoáng trầm ngâm im lặng, “Ta có quen biết người họa sỹ tài danh Abildgaard, và thường dành cả buổi sáng ở xưởng vẽ của ông. Khi các quý bà trong triều đình đến gặp để yêu cầu ông vẽ chân dung - bởi ông được nhiều hạng đàn bà kiều diễm săn lùng bởi bọn họ muốn nhan sắc của mình trở nên bất tử - không biết hằng bao lần ta phải nghe ông ta bảo với bọn họ: “Hỡi các Quý bà, hãy đi rửa mặt đi. Bỏ hết phấn, son và cả kem đánh mắt nữa. Bởi nếu các bà tự tô vẽ gương mặt mình rồi thì ta chẳng thể tô vẽ các bà được đâu.” Trong cuộc đời mình, ta thường hay nghĩ về lời ông ta nói. Dường như đối với ta, đấy chính là lời của Đức Chúa luôn nói với những kẻ rỗng tuếch và yếu hèn: “Hãy đi rửa mặt đi. Bởi nếu các người tự tô vẽ gương mặt mình rồi, bôi trát lên trên sự hèn mọn và buông thả, cái vẻ quảng đại và trinh trắng dày cả phân, thì ta chẳng thể làm gì với chúng được. Quả thật đêm nay,” ông lão nói tiếp, mỉm cười, khi biển động mạnh dường như khiến tòa nhà rung lắc, “Đức Chúa đương lấy chính bàn tay người gột rửa cho bọn ta, và ngài dùng thật nhiều nước để làm điều đó. Mà bọn ta sẽ kiếm tìm nguồn vỗ về bằng cách suy nghĩ rằng không có vinh hạnh hay hạnh phúc nào dành cho bọn ta cao cả hơn điều này: có được bức chân dung được bàn tay của Chúa tô vẽ. Chỉ độc có chuyện đó mới là điều chúng ta hằng khao khát và vinh danh nó là bất hủ.”

Nhận thấy gương mặt của người phát ngôn bị che kín bởi lớp băng bó loang lổ máu, Cô Malin định bụng đưa ra lời nhận xét, mà rồi kìm lại được, bởi không biết cái nét méo mó cứ đeo đẳng lấy vóc dáng cao quý kia có thể che đậy điều gì. Vị Hồng Y nắm bắt được ý nghĩ của bà và biểu lộ nó ra bằng một nụ cười. “Đúng thế, thưa Quý Bà.” Ông lên tiếng, “gương mặt ta Đức Chúa xét rằng nó thích hợp phải gột rửa bằng thứ khí lực mãnh liệt hơn. Chẳng phải bọn ta từng được chỉ dạy về quyền năng thanh tẩy bằng máu sao? Thưa Quý Bà, ta biết lúc này nó thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả điều bọn ta tưởng. Và chắc là gương mặt ta cần đến nó đấy. Còn ai, ngoài Đức Chúa, biết rằng ta đã tô son trát phấn lên nó thế nào suốt bảy mươi năm qua? Thành thật mà nói, thưa Quý Bà, khi còn có lớp băng quấn đầu này, ta cảm thấy trước nay chưa bao giờ ta được đứng làm người mẫu cho ngài vẽ chân dung ta gần đến vậy.”

Cô Malin hơi đỏ mặt khi để người ta phát hiện ra suy nghĩ thiếu tế nhị ấy, vội đánh trống lảng sang cuộc hội thoại, như thể người ta vặn lại kim đồng hồ. “Tôi lấy làm cảm tả,” bà nói, “vì trong đời mình tôi chẳng tô son trát phấn lên gương mặt, nên Quý ông Abildgaard có thể tô vẽ nó bất kỳ lúc nào. Mà nhắc tới bức chân dung thần thánh của tôi, thứ mà, tôi đồ rằng, để treo tại gian trưng bày trên thiên đường, khi bản thân tôi đã khuất núi rồi – xin cho phép tôi được nói rằng, ôi Chúa ơi, lúc này quan điểm của tôi hơi khác ngài chút ít.”

“Quan điểm của nhà phê bình nghệ thuật,” vị Hồng Y lên tiếng, “được phép trái chiều mà; ta đã học hỏi được nhiều điều trong xưởng vẽ. Ta từng chứng kiến chính bậc thầy ấy đành vào mặt vị họa sỹ tài danh người Pháp bằng bàn chải cạo còn phủ đầy cadmium(36), bởi bọn họ bất đồng về nguyên tắc hình chiếu phối cảnh. Hãy trình bày ta nghe quan điểm của bà, thưa Quý Bà. Biết đâu ta lại chẳng học hỏi được thêm từ bà.”

“Thôi được, vậy thì,” Cô Malin nói, “ở đâu trên khắp thế gian mà ngài có được cái ý niệm cho rằng Đức Chúa muốn có được sự thực từ chúng ta? Chúa ơi, quan niệm của ngài, thực là lạ lùng, vô cùng độc đáo. Tại sao lại thế được, người biết tỏng nó rồi, mà có khi còn phát hiện ra nó hơi buồn tẻ nữa. Sự thực chỉ dành cho thợ may đo với thợ đóng giày thôi, ôi Chúa ơi. Tôi, trái lại, lúc nào cũng tin rằng Đức Chúa thích thú với màn giả trang hơn. Chẳng phải bản thân ngài đã bảo, hỡi nhà lãnh đạo tinh thần của bọn ta, rằng những thử thách của bọn ta thực sự chính là phúc lành được cải trang đi sao(37)? Thế thì chúng cũng vậy thôi. Cả tôi cũng phát hiện ra chúng là thế đấy, vào lúc nửa đêm, vào thời khắc chiếc mặt nạ rơi xuống. Nhưng đồng thời không ai có thể phủ nhận được rằng chúng đã được hóa trang bởi bàn tay của chuyên gia vô song. Bản thân Đức Chúa - xin ngài cho phép - có vẻ như đối với tôi thì ngài cũng đã từng tùy ý hóa trang vào cái thời ngài còn khoác tấm thân người trần mắt thịt và sống giữa bọn ta. Quả thật, tôi mà là bà chủ bữa tiệc cưới Cana, có lẽ tôi hơi phật lòng về chiến tích đó - cứ để tôi nói ngài nghe, ôi Chúa ơi - tôi mà ở đó, tôi đã đề nghị với cậu thanh niên tài ba đó, con trai người thợ mộc, để thết đãi cậu nếm thử chai Berncastler Doktor hảo hạng(38) của tôi, và cậu, vào lúc thích hợp, sẽ biến thứ nước tinh khiết kia thành thứ rượu vang hảo hạng hơn nhiều! Mà dầu sao thì, quý bà đó cũng chẳng biết được, dĩ nhiên rồi, những gì cậu ta thực sự có khả năng làm được, ngài là Đấng Toàn Năng mà.

“Quả thật, ôi Chúa ơi,” bà nói tiếp, “trong số tất cả các bậc đế vương tôi từng nghe nói đến, có một vị tiến đến, trong tâm trí tôi, sát nhất với tinh thần đích thực của Đức Chúa: đó là Caliph Haroun thành Bagdad, con người, như chúng ta đã biết, có sở thích cải trang. Ôi chao, ôi chao! Tôi mà sống cùng thời với ông ấy chắc tôi phải thi với ông ta một ván bằng chính sở trường của ông ấy, chắc tôi phải đi làm quen với năm trăm gã ăn mày trước khi đụng phải vị Giáo chủ dưới tấm áo hành khất. Rồi khi tôi, trong cuộc đời mình, có dịp được tiến đến gần nhất vai nữ thần, điều tôi chẳng mong muốn từ những kẻ thờ phụng mình đó chính là sự thật. “Hãy làm thơ đi,” tôi sẽ nói thế với bọn họ, “sử dụng trí tưởng tượng của các ngươi, che đậy sự thật đi cho ta. Các người mà tiết lộ sự thật sớm quá,” - ngài thông cảm nhé, ôi Chúa ơi, “là cuộc vui chấm dứt đấy.”

“Và bây giờ, là thế nào đây, ôi Chúa ơi,” bà cô già nói, “ngài nghĩ gì về nét đoan trang thục nữ? Hẳn rồi, đó là phẩm cách linh thiêng; mà về căn bản nó chính là màn dối gạt chứ là gì đâu? Bởi lúc này đây còn có sự hiện diện của một chàng trai và một cô gái, ngài và tôi, những con người đã quan sát cuộc đời này từ những đài quan sát tuyệt vời nhất - ngài từ buồng xưng tội, còn ta từ sau hốc tường - sẽ cố gắng hết sức để tránh nói đến sự thực ấy; chúng ta sẽ chỉ nói về đôi chân. Rồi thì, tôi có thể nói cho ngài hay rằng ngài có thể phân chia tất cả đàn bà theo vẻ đẹp đôi chân họ. Có những người sở hữu đôi chân xinh đẹp, và có những người biết che đậy sự thật để làm cho nó ngọt ngào hơn mọi mộng tưởng, ấy mới là những người đàn bà hào hiệp đích thực, những người nhìn thẳng vào gương mặt bạn, những người cổ động đích thực cho những ý nghĩ cao đẹp. Những nếu bọn họ bắt đầu chuyển sang mặc quần dài, liệu lòng hào hiệp của bọn họ sẽ đặt ở đâu? Mấy cậu thanh niên thời bọn ta, mặc những chiếc quần bó sát, cái thứ đòi hỏi bọn họ phải dùng tới hai tên hầu để kéo chúng lên, mỗi gã kéo một chân...”

“Đó quả là công việc khó nhọc mà.” Vị Hồng Y trầm ngâm lên tiếng.

“Để đi rong ruổi như thể những nhà truyền giáo đích thực cho sự thật,” Cô Malin tiếp tục, “có thể con người hơn, nhưng chắc chắn là chả còn gì là thần thánh cả. Bọn họ có thể mang theo bên mình thực tế cuộc đời, trong khi đôi chân người đàn bà, dưới lớp váy lót, là những ý niệm. Mà những con người khởi đi trên những ý niệm mới là những kẻ mang theo lý tưởng anh hùng thực sự. Bởi đó là nhận thức về sức mạnh tiềm ẩn, thứ mang đến lòng can đảm. Mà xin ngài thứ lỗi, ôi Chúa ơi, tôi lại dông dài quá mất rồi.”

“Hỡi Quý Bà,” Vị Hồng Y nhẹ nhàng lên tiếng, “bà không việc gì phải xin lỗi cả. Lời phát biểu của bà có ích cho ta lắm. Mà nó đâu có thuyết phục ta rằng ta và bà thực sự không cùng chung suy nghĩ. Thế giới của bọn ta như thể trò chơi ú tim(39) của con trẻ; luôn luôn có thứ gì bên dưới - sự thật, lừa gạt; sự thật, lừa gạt! Khi vị Caliph cải trang như thể một trong số những thần dân nghèo khổ của ngài, mọi thứ tráng lệ ngài che giấu chẳng thể cứu vãn được trò đùa giỡn ấy khỏi cảm giác nó chán chết, nếu như ngài không che đậy bên dưới nó trái tim nhân ái với những người đồng bào nghèo khổ. Tương tự vậy, khi Đức Chúa của chúng ta, trong khoảng ba mươi năm, đã cải trang thành người trần thế, sẽ chẳng thể cảm nhận điều gì thực sự tốt đẹp trong chuyện này nếu như ngài không sở hữu, dầu sao thì, trái tim bác ái, và thậm chí, thưa Quý Bà, cả mối đồng cảm với những người mê uống rượu ngon. Người đàn bà tinh tế, thưa Quý Bà, chọn y phục dạ hội là bộ đồ bộc lộ tài tình điều gì đó nơi tinh thần hay thâm tâm mình, điều mà lệ thường hàng ngày che đậy; và khi cô đeo lên chiếc mặt nạ mũi dài gớm ghiếc của người Venice, cô muốn nói với chúng ta rằng, không chỉ cô có chiếc mũi như trước nay vẫn vậy phía sau nó, mà cô còn chất chứa nhiều hơn thế, và có lẽ có thứ gì đó còn đáng tôn sùng hơn chỉ là nhan sắc của cô. Và vị Giám khảo của buổi lễ hóa trang sẽ nói rằng: “Nhờ có chiếc mặt nạ ta mới biết rõ các người.”

“Mà chúng ta hãy cứ đồng tình với nhau rằng, thưa Quý Bà,” cái ngày phán xét nhất định chẳng phải, như mấy nhà giảng đạo nhạt nhẽo bắt chúng ta tin rằng, là khoảnh khắc hé lộ nỗ lực lừa gạt vô cùng nghèo nàn của chính bọn ta, bởi trò đó Đức Chúa quả thật biết tỏng cả rồi, mà, trái lại, đó nhất định là thời khắc cho chính Đấng Toàn Năng để rơi tấm mặt nạ xuống. Khoảnh khắc đó mới tuyệt sao! Ôi trời, thưa Quý Bà, sẽ có đáng gì nếu phải chờ đợi điều đó cả triệu năm. Thiên đường sẽ rung lên và vang dội với những tiếng cười, thanh khiết và ngây thơ như con trẻ, trong trẻo như cô dâu, đắc thắng như người chiến binh trung kiên giật bỏ lá cờ của kẻ thù xuống dưới bàn chân làm chủ, hay của con người đến phút cuối cùng đã được nâng dậy từ ngục tối và xiềng xích, xóa sạch mọi lời vu khống của những kẻ vu oan giá họa!

“Mà, thưa Quý Bà, chẳng phải lúc này đây Đức Chúa sắp đặt cho bọn ta một ngày phán xét thu nhỏ đó sao? Nó sẽ đến ngay trong đêm nay. Hãy cứ để thời khắc đánh rơi lớp mặt nạ đó đến. Nếu chẳng phải là chiếc mặt nạ của bà, thì là của ta, nó nhất định phải rơi ra, hãy để nó là chiếc mặt nạ của cuộc đời và số phận. Chết chóc là điều bọn ta có lẽ sẽ sớm phải đối mặt, khi mà không còn lớp mặt nạ nào cả. Trong khi chờ đợi chúng ta còn làm gì nữa ngoài hồi tưởng lại xem cuộc đời này thực sự như thế nào. Hãy tới đây, thưa Quý Bà, và cả những anh chị trẻ tuổi kia! Bởi bọn ta nhất định sẽ chẳng ngủ được đâu, và khi còn có chỗ ngồi dễ chịu như lúc này, hãy kể cho ta nghe các người là ai, và tường thuật cho ta nghe câu chuyện của các người, đừng ngại chi.

“Cậu,” ông lão nói, hướng sự chú tâm về phía Jonathan Mᴂrsk, “bật dậy khỏi con thuyền, chẳng màng chuyện làm lật thuyền, khi thấy cảnh tượng kho thóc sụp xuống. Vậy, ta tin rằng, có tòa kiêu hãnh nào đó trong đời cậu đã sụp đổ, và tan thành từng mảnh trước mắt cậu. Hãy kể bọn ta nghe về nó đi.

“Ngoài ra, ta còn vừa mới để ý thấy,” ông nói tiếp, “lúc ta nói về sự thuần khiết trong dòng dõi bọn ta, thì cậu rùng mình lại trước lời ta nói như lúc chứng kiến cảnh kho thóc. Cậu, có lẽ, là người theo phe ủng hộ lý tưởng cách mạng của thế hệ mình. Thế thì, đừng có mà tưởng ta xa lạ với những quan điểm ấy. Ta quả thật có mối liên hệ gần gũi với chúng hơn cậu nghĩ đấy. Mà sao lại để bất kỳ quan điểm bất đồng chính trị nào chia rẽ tâm hồn chúng ta trong thời khắc này? Hãy đến đây, ta sẽ nói với cậu bằng chính lời lẽ của các cậu: Và giờ là lúc phải tôn trọng tự do, bình đẳng, tình huynh đệ, trong ba thứ này, chỉ một thứ vĩ đại nhất: tình huynh đệ.

“Hay là,” ông nói tiếp, “cậu có thể, con trai ơi, đương rền rĩ vì gánh nặng đau buồn của một đứa con hoang. Còn ai ngoại trừ những đứa con hoang mới gào than lên để hỏi thăm xem mình là ai? Vậy hãy đặt niềm tin vào bọn ta. Giờ hãy nói cho bọn ta nghe, trước khi trời sáng, câu chuyện cuộc đời cậu.”

Chàng trai, suốt quãng thời gian đó mang vẻ mặt ghi dấu sự cô độc xác nhận cho nỗi sầu muộn đích thực, trước những lời nói ấy đã ngước lên nhìn vào gương mặt vị Hồng Y. Vẻ vô cùng trịnh trọng trong phong thái của ông lão gây ấn tượng cho những người còn lại kể từ lúc bọn họ cảm nhận được sự hiện diện của ông. Giờ đây chàng trai bị mê hoặc bởi vẻ tinh anh trong ánh mắt ấy. Trong chốc lát hai người nhìn nhau. Sắc đỏ ửng lên trên hai gò má nhợt nhạt của chàng trai. Cậu trút mạnh làn hơi thở.

“Dạ vâng ạ,” cậu nói, như thể lên giây cót tinh thần, “cháu sẽ kể cho mọi người nghe chuyện về cháu. Biết đâu cháu sẽ hiểu được về nó thấu suốt hơn khi rốt cuộc cháu có thể thốt ra chuyện đó bằng lời.” “Đi rửa mặt đi, anh bạn trẻ,” Cô Malin nói, “và tấm chân dung của cháu, trong lòng bọn ta, sẽ mang đến cho cháu sự bất hủ.”

“Cháu sẽ đặt tên cho câu chuyện của cháu là,” chàng trai nói, “Câu chuyện về Timon xứ Assens(40).”

“Nếu mọi người vô tình từng sống ở Copenhagen,” chàng trai bắt đầu, “hẳn là đã nghe nói về cháu, bởi ở đó, có thời, người ta bán tán về cháu nhiều lắm. Bọn họ thậm chí còn gán cho cháu biệt danh. Bọn họ gọi cháu là Timon xứ Assens. Và bọn họ đã đúng về việc quả thật cháu đến từ Assens, nơi mà, mọi người biết đấy ạ, thị trấn hải cảng khiêm tốn trên đảo Funen. Đó là nơi cháu sinh ra, con trai của những người vô cùng đàng hoàng, thuyền trưởng Clement Mᴂrsk và vợ ông, Magdalena, bọn họ làm chủ ngôi nhà có vườn tược xinh đẹp trong thị trấn.

“Cháu không biết liệu mọi người có cho là lạ lùng không khi suốt thời gian sống ở Assens chẳng có bất kỳ điều gì xảy đến có thể hay sẽ làm hại đến cháu. Cháu chưa bao giờ, quả thật, nghĩ rằng có bất cứ điều gì có thể làm vướng bận cháu. Dường như với cháu, trái lại, nhiệm vụ của cháu là chăm chút thế gian này. Cha cháu giong buồm ra khơi, và hằng bao mùa hè cháu đi biển cùng ông, đến Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Khi hai cha con lênh đênh trên biển, con tàu và hàng hóa phải do cháu và cha chăm chút, và với cả hai cha con chúng dường như là những thứ quan trọng trên thế gian.

“Mẹ cháu là một phụ nữ kiều diễm. Dẫu có quãng thời gian bước vào xã hội quyền quý nhất, cháu chưa bao giờ thấy ai bì được với bà cả về dung mạo lẫn phong thái. Mà bà không kết thân với các bà vợ những vị thuyền trưởng khác, và không bao giờ đi tới nhà họ. Cha bà vốn là trợ lý cho nhà thực vật học vĩ đại người Thụy Điển, Linné, và đối với bà những loài hoa, và những gì diễn ra quanh chúng, cùng loài ong, tổ ong và hoạt động của nó, dường như quan trọng hơn bất kỳ thứ gì mà con người cần phải tiến hành. Khi ở bên bà, cháu chất chứa một niềm tin rằng cây trồng, hoa và côn trùng là những thứ thực sự quan trọng trên thế gian, và loài người xuất hiện trên đời chỉ để chăm chút chúng.

”Tại khu vườn Assens hai mẹ con cháu sống trong thế giới mà cháu nghĩ người ta gọi là khung cảnh điền viên. Những ngày tháng đó không còn điều gì khác ngoài ngập tràn sự trong trẻo và niềm vui thú.”

Cô Malin, đã lắng nghe chăm chú, bởi lúc nào cô cũng say sưa với bất kỳ câu chuyện kể nào, lúc này ngắt lời người kể chuyện, khẽ thở dài. “Chao ôi,” bà nói, “ta biết thế nào là thú điền viên mà. Mais moi je n’aime pas les plaisirs innocents(41).”

“Cháu có một người bạn ở Assens, hoặc cháu nghĩ là vậy,” Jonathan tiếp tục, “một chàng trai ranh mãnh tên là Rasmus Petersen, lớn hơn cháu hai tuổi, và cao hơn cháu cả cái đầu. Anh ta có ý định trở thành linh mục, nhưng vướng vào vấn đề gì đó và không bao giờ đạt tới được, nhưng hồi còn là sinh viên ở Copenhagen anh ta đi làm gia sư cho nhiều gia đình quyền cao chức trọng. Anh ta luôn khiến cho cháu phải vô cùng chú tâm đến, nhưng dẫu ngưỡng mộ anh ta, cháu không bao giờ cảm thấy có thể bầu bạn được. Anh ta vô cùng sắc sảo, như con dao cạo; người ta không thể tránh xa khỏi anh ta mà không bị xước tay được, mặc cho ngay lúc ấy thì người ta không hề cảm thấy. Khi cháu lên mười sáu anh ta bảo với cha rằng cháu nên đi cùng anh ta tới Copenhagen, để học tập với những người có học thức mà anh ta quen ở đó, bởi anh ta nghĩ rằng cháu là chàng trai vô cùng tài giỏi.”

“Vậy là cháu đã từng vô cùng tài giỏi hả?” Cô Malin sửng sốt hỏi.

“Trời đất hỡi, không phải vậy, thưa Cô,” Jonathan nói.

“Khi lần đầu đến Copenhagen,” Jonathan tiếp tục, “Cháu vô cùng đơn độc, bởi chẳng có việc gì cho cháu làm. Dường như với cháu ở đây chỉ toàn người là người. Bọn họ cũng chẳng quan tâm tới cháu nữa. Khi cháu trò chuyện với họ thì chỉ thoáng chốc là bọn họ lại bỏ đi. Mà sau một thời gian mối quan tâm của cháu bị thu hút bởi những tòa nhà kính và các vườn ươm rộng bao la trong cung điện hoàng gia hay thuộc về các gia đình đại quý tộc. Trong số đó nổi bật hơn cả là những khối nhà thuộc về Nam tước Joachim von Gersdorff, người giữ chức Đại Quản Quan Đan Mạch, và bản thân ông là nhà thực vật học lớn, người đã đi chu du khắp châu Âu, Ấn Độ, châu Phi và châu Mỹ, du thập những giống cây trồng hiếm có từ khắp muôn nơi.

“Mọi người trước đó có nghe nói hay biết về người đàn ông này không ạ? Ông ta đến từ một gia tộc nước Nga, mà giàu có như ông ta thì ở Đan Mạch chẳng ai bì kịp. Ông ta là nhà thơ, nhà soạn nhạc, nhà ngoại giao, kẻ quyến rũ đàn bà, thậm chí kể cả khi ông ta đã luống tuổi. Dẫu vậy, tất cả những điều đó chưa thể bắt mọi người phải lưu tâm đến ông ta. Mà là bởi điều này: ông ta là con người thời thượng. Hoặc người ta có thể nói thế này: bản thân mốt thời thượng, chí ít là ở Copenhagen, chỉ bám theo gót chân Nam tước Gersdorff mà thôi. Bất kể ông ta làm gì thì ngay lập tức mọi người làm theo. Ôi trời, cháu không muốn miêu tả về con người đó. Mọi người biết mà, cháu nghĩ vậy, con người thời thượng là như thế nào mà. Cháu từng thấm nhuần nó. Người như thế là ông ta đấy ạ.

“Cháu chưa đến tòa nhà kính của ông ta, chỗ này là do Rasmus xin phép giúp cho cháu, quá đôi ba lần khicháu gặp chính Nam tước Gersdorff tại đó vào buổi chiều nọ. Rasmus giới thiệu cháu với ông ta, và ông ta chào đón cháu theo cách vô cùng lịch thiệp, và đề nghị chỉ cho cháu xem toàn bộ chốn này, việc mà ông ta đã thực hiện với rất nhiều sự kiên nhẫn và rộng lượng. Sau ngày đó, cháu gần như lúc nào cũng phát hiện thấy ông ta ở đó. Ông ta giao cho cháu việc lên danh mục cho tòa nhà cây xương rồng. Cháu và ông ta đã dành ra nhiều ngày bên nhau trong tòa nhà kính oi bức đó. Cháu rất có cảm tình với ông ta, bởi ông ta đã chứng kiến nhiều điều trên thế gian, và có thể kể cháu nghe về những loài hoa và côn trùng trên đời. Đôi lần cháu để ý rằng sự hiện diện của cháu khiến ông ta phấn kích lạ lùng. Một chiều nọ, khi cháu đương đọc cho ông ta nghe chuyên luận về tràng hoa của loài Quỳnh(42), cháu thấy ông ta nhắm mắt. Ông ta cầm và nắm lấy bàn tay cháu, và khi cháu đọc xong ông ta ngước lên và nói: “Ta định thế này, Jonathan, trao cho cậu một khoản phí dắt mối nhé?” Cháu cười và đáp lại rằng cháu không nghĩ mình khám phá ra điều gì đặc biệt cả. “Ôi trời, Chúa ơi,” ông ta nói, “khoản phí dắt mối cho mùa hè năm 1814 cơ!” Ngay sau hôm đó ông ta bắt đầu nói với cháu về giọng ca của cháu. Ông ta nói rằng cháu sở hữu chất giọng ngọt ngào nổi bật, và đề nghị cháu cứ để ông ta sắp đặt việc Quý ông Dupuy luyện thanh cho cháu.”

“Thế ra cháu có chất giọng đẹp à?” Cô Malin hỏi có phần hoài nghi, bởi nghe giọng của người kể chuyện trầm và đục.

“Vâng, thưa Cô,” cậu nói, “thời gian đó cháu có chất giọng vô cùng tuyệt vời. Cháu từng được được mẹ chỉ bảo cách hát.”

“Ái chà chà,” cô Malin nói, “chẳng có gì trên thế gian đáng yêu hơn chất giọng của chàng thiếu niên dễ thương. Khi ta còn ở Rome có cậu thiếu niên tên là Mario trong dàn hợp xướng Thiên Chúa, sở hữu chất giọng như thiên thần. Bản thân Đức Giáo hoàng bảo ta hãy đến và lắng nghe cậu bé, và ta đã hiểu ngay được là vì sao, bởi ngài đương hy vọng cải đạo cho ta sang Công Giáo, và nghĩ rằng bài ca thiên thần huy hoàng kia có thể đánh gục mọi sức kháng cự của ta. Từ băng ghế nhà thờ ta chứng kiến đích thân Đức Giáo Hoàng rưng rưng dòng lệ khi mà, như con thiên nga tung cánh, Mario cất cao giọng hát trong câu hát nói bất hủ của Carissimi(43): “Hãy lui ra đằng sau ta, hỡi quỷ Satan!” Ôi trời, đó là ngài Pius VIII(44) đức hạnh. Hai ngày sau ông ta bị đầu độc một cách ác nghiệt bằng ba viên cantharide(45). Ta không ủng hộ chế độ giáo hoàng, nhưng ta thừa nhận rằng ông ta hình hài tuyệt vời của vịGiáo hoàng, và đã chết như một con người. Rồi thế là cậu tham gia luyện tập rồi trở thành nghệ sĩ tài danh, hỡi Quý cậu Jonathan?”

“Đúng ạ, thưa Cô,” Jonathan mỉm cười trong khi nói, “cháu có tham gia luyện thanh. Và bởi cháu lúc nào cũng vô cùng say mê âm nhạc nên cháu luyện tập chăm chỉ và có đà tiến triển tốt. Khi bước sang mùa đông thứ ba, ngài Nam tước, người cho đến lúc này có vẻ không bao giờ muốn rời xa cháu, đưa cháu tới khắp các tòa dinh thự của bằng hữu và để cháu hát cho họ nghe. Khi lần đầu bước chân tới Copenhagen cháu thường đứng bên ngoài các tòa dinh thự trong buổi chiều tối mùa đông, để ngắm nhìn những bông hoa và chúc đài treo trong gian sảnh, cùng những người phụ nữ trẻ lúc họ bước ra khỏi cỗ xe. Giờ đây tự cháu tiến vào khắp nơi, và các quý cô, cả già lẫn trẻ, đối đãi tử tế như thể cháu là bậc con cháu hay anh em trong nhà. Cháu đến hát tại Hoàng cung, trước mặt nhà Vua Frederick và Nữ hoàng Marie, rồi Nữ hoàng mỉm cười vô cùng trìu mến với cháu. Cháu vô cùng sung sướng. Cháu nghĩ: sao lại có người ngớ ngẩn đến mức nói với người ta rằng những bậc quyền quý trong đô thành chẳng mê mẩn gì ngoài cái vòng danh lợi tầm thường. Mọi quý bà và các quý ông khả kính đều yêu âm nhạc như cháu vậy - đúng thế, có khi còn hơn, - và quên bẵng đi mọi thứ khác vì nó, thật tuyệt vời sao khi đó là tình yêu dành cho cái đẹp.”

“Cậu yêu chưa đấy?” Cô Malin hỏi.

“Trong chừng mực nào đó cháu đã yêu tất cả bọn họ,” Jonathan nói. “Bọn họ rơi lệ khi cháu hát; bọn họ phụ họa với cháu trong lúc chơi đàn hạc, hay hòa giọng với cháu lúc song ca; bọn họ lấy những bông hoa cài trên tóc rồi trao cho cháu. Mà có lẽ cháu cảm mến Nữ Bá tước Atalanta Danneskjold, người trẻ nhất trong chị em nhà Danneskjold, mà người ta gọi là chín nàng thiên nga xứ Samsǿ. Mẹ nàng sắp đặt để bọn cháu cùng nhau chơi đố chữ, như thể Orpheus với Euridice. Cả mùa đông đó giống hệt như giấc mơ vậy, bởi chẳng phải người ta đôi khi mơ rằng mình có thể hát được bất kỳ nốt nhạc nào mình muốn, lên xuống cả một quãng tám, như những thiên thần trên bậc thang của Jacob? Cháu thi thoảng mơ về nó thậm chí kể cả bây giờ.

“Mà sang đến mùa xuân thì tai vạ khủng khiếp xảy đến với cháu, mà không hề hay biết tai họa ấy dấn đến điều gì. Cháu bị ốm, rồi khi sắp khỏe lại thì viên bác sỹ triều đình, người đương trông chừng cháu, bảo với cháu rằng cháu bị mất giọng hát và không còn hy vọng nào có thể lấy lại được. Khi vẫn nằm trên giường bệnh, chuyện này khiến cháu âu lo vô cùng, không chỉ bởi bản thân chuyện mất giọng, mà bởi suy nghĩ về việc cháu giờ đây sẽ làm thất vọng và đánh mất đi những người thân thiết như thế nào, rồi cuộc đời cháu sẽ trở nên buồn thảm ra sao. Cháu thậm chí còn òa khóc vì điều đó khi Rasmus Petersen đến thăm cháu. Cháu thổ lộ cõi lòng với anh ta, để mong nhận sự cảm thông cho nỗi sầu muộn trong lòng. Anh ta đã phải bật dậy khỏi ghế để làm bộ nhìn ra ngoài ô cửađể che dấu nụ cười. Cháu cho rằng anh ta thật vô cảm, và chẳng nói điều gì với anh ta nữa. “Tại sao chứ, Jonathan,” anh ta nói, “Anh có lý do để cười mà, bởi anh đã thắng cược. Anh tin rằng quả thật em chỉ là gã thộn như vẻ ngoài của em thôi, điều mà chẳng ai chịu tin cả. Bọn họ nghĩ rằng em là một thiếu niên khôn ngoan cơ đấy. Sẽ chẳng chút mảy may khác biệt nào trên thế gian xảy đến với em khi đánh mất giọng hát đâu.” Cháu chẳng hiểu anh ta nói gì. Càng nghĩ cháu càng trở nên tái nhợt, mặc cho những lời khích lệ của anh ta đối với cháu.

“Nào,” anh ta nói, “ngài Nam tước Gersdorff là cha em. Anh đoán là đúng thế đấy, trước cả khi anh đưa em đến những tòa nhà kính của ông ta, từ lúc trông thấy bức chân dung ông ta hồi nhỏ, ông ta cũng có mái đầu như thiên thần. Lúc chính ông ta nhận ra điều đó, chưa bao giờ anh thấy ông ta hài lòng hơn thế. Ông ta nói, “Ta chưa bao giờ có con trong đời. Có vẻ thật kỳ lạ đối với ta khi lẽ ra ta phải có một đứa chứ. Dẫu vậy, ta tin rằng cậu thiếu niên này quả thực là con đẻ của mình, nên ta nhất định sẽ chăm lo cho cậu ta vì điều đó. Mà nếu ta nhận ra rằng tâm hồn mình sẽ còn trao truyền lại, thông qua cậu ta – có Chúa chứng giám, ta sẽ làm thủ tục để hợp pháp hóa cho cậu ta, và để lại cho cậu ta mọi thứ thuộc sở hữu của ta. Nếu chẳng thể biến cậu ta thành Nam tước Gersdorff, chí ít ta cũng cho phép cậu ta trở thành Hiệp sỹ Malta dưới tên hiệu là Phục Sinh.

“Chính bởi thế,” Rasmus nói, “những người quyền quý ở Copenhagen tất cả đều đương làm hư em, Jonathan à. Bọn họ đương dõi theo em mọi lúc mọi nơi để xem liệu tâm hồn Nam tước Gersdorff có phải đương tự phơi bày ra thông qua em không, nếu mà thế thì em sẽ trở thành người giàu nứt đổ vách, và còn là đám cưới hỏi hoàn hảo nhất, Jonathan à, trên khắp xứ Bắc Âu này.” Rồi anh ta bắt đầu kể chi tiết với cháu cuộc hội thoại của anh ta với Nam tước Gersdorff về cháu:

“Cậu biết ta, hỡi Rasmus lanh lợi kia, là thi nhân mà,” ngài Nam tước nói với anh ta. “Đúng thế, ta sẽ nói cho cậu nghe ta là hạng thi nhân như thế nào. Cả đời ta chưa bao giờ viết nổi một câu thơ nào mà không tự tưởng tượng mình là nhà thơ này nhà thơ nọ mà ta biết. Ta viết thơ phỏng theo phong cách Horace hay Lamartine. Tương tự như vậy, ta không thể nào viết thư tình gửi người đàn bà mà tâm trí ta không biến mình thành Lovelace(46), tên Hải Tặc(47) hay Eugene Onegine(48). Những quý bà quý cô nghe được lời tán tỉnh, tôn sùng, và bị quyến rũ của hết thảy các nhân vật lần lượt từ Chateaubriand đến Ngài Byron. Chẳng có điều gì ta từng thực hiện ngẫu hứng, mà không biết rõ việc ta làm cả. Mà với cậu thiếu niên này, cậu Jonathan đó, ta thực sự đã làm mà chẳng suy tính gì cả. Cậu ta chắc chắn, không phải bất kỳ nhân vật nào của Firdousi(49), hay thậm chí Oehlenschlaeger(50), mà là tác phẩm đích thực và chính cống của Joachim Gersdorff. Đó là điều lạ lùng, vô cùng lạ lùng, khiến cho Joachim Gersdorff này buộc phải dõi theo. Đây là chuyện lạ thường tối quan trọng đối với Joachim Gersdorff. Cậu ta chỉ cần chứng tỏ cho ta thấy một Joachim Gersdorff thực sự là như thế nào, thì chẳng có gì nơi ta đền đáp cho đủ được cả.Tài sản, nhà cửa, ngọc ngà, đàn bà, rượu chè, và cả sự trọng vọng trên xứ sở này nhất định thuộc về cậu ta vì điều đó.”

“Đó là tất cả điều cháu nghe được khi nằm trên giường bệnh.

“Cháu không biết liệu mọi người có cảm thấy điều đó lạ lùng không, ôi Chúa ơi, hoặc với cô, thưa Cô Nat-og-Dag, có thứ xúc cảm cực kỳ dữ dội trong lời nói ấy khiến cõi lòng cháu trào dâng nỗi tủi hổ tận cùng. Cảm giác dữ dội như thế cháu chưa bao giờ, trong suốt đời mình, phải nếm trải.

“Nếu như ngài Nam Tước quyến rũ cháu, bởi cháu tin rằng ông ta từng quyến rũ những cậu thiếu niên dễ thương khác, thì cháu có lẽ đã phải đỏ bừng lên khi giáp mặt những con người thánh thiện. Nhưng cháu chỉ có thể tìm nơi ẩn náu cho nỗi tủi hổ ngay trong lòng mình, bởi trong chừng mực nào đó cháu cảm mến người đàn ông này. Bởi nỗi tủi hổ xuất hiện trong lòng mình, cháu cảm thấy dường như chẳng còn chốn nào để dung thân nữa. Tận thẳm sâu trong tâm hồn, cháu cảm thấy, và đó là lần đầu trong đời, cặp mắt của cả nhân gian.

“Thượng Đế tạo ra thế gian này, ôi Chúa ơi, và ngắm nhìn nó, rồi nhận ra rằng nó thật là tốt đẹp. Đúng thế. Mà giả như thế gian này ngước lại nhìn ngài, để xem liệu ngài tốt xấu thế nào thì sao? Đó là điều, cháu nghĩ thế, Lucifer(51) thực sự đã làm với Thượng Đế: hắn ngước nhìn về phía ngài, và khiến cho Đức Chúa cảm thấy bản thân ngài đương bị một kẻ phê bình phán xét. Ngài tốt đẹp sao? Cháu - cháu từng trong trắng như Thượng Đế. Mà giờ đây người ta bắt cháu trở thành một Joachim Gersdorff thực thụ. Chảy trong huyết quản của cháu là dòng máu của người đàn ông đó, của con người thời thượng đó, loại người thu hút cắp mắt của cả nhân gian. Thượng Đế không thể chịu được điều đó. Ngài quẳng Lucifer xuống, hẳn mọi người còn nhớ, xuống vực thẳm. Thượng Đế có lý; ngài sao lại phải chịu đựng điều này. Cháu cũng chẳng thể chịu đựng được, nhưng cháu phải chịu.

“Để khám phá xem liệu Rasmus nói có đúng không, cháu đã, cháu nghĩ thế, làm một chuyện dũng cảm, thậm chí còn anh hùng nữa, để chứng tỏ cho tâm trí mình thấy rằng, dầu sao thì, cháu được nuôi dạy tử tế bởi một người thuyền trưởng và phu nhân của ông. Cháu đến dự buổi đại tiệc tại dinh thự Bá tước Danneskjold, và lại hát cho họ nghe. Cháu hát những bài hát trước nay vẫn hát, và nghe chính giọng mình, hoặc là những gì còn sót lại của nó. Mọi người cũng thấy rồi đấy, những ai đương lắng nghe cháu nói lúc này, chắc là nó phải tồi tệ biếtbao. Cháu từng hát cho họ nghe trước đó, và thể hiện tốt nhất những gì mình có thể, có vẻ như đối với cháu, cháu khi ấy còn trao cho họ những gì tốt đẹp nhất bên trong mình. Mà giờ đây cháu hát, không một gương mặt nào xung quanh thoáng tỏ ra một chút não nề hay tiếc nuối. Mọi người đều tỏ ra ân cần và tán tụng cháu, như trước nay vẫn vậy. Cháu liền cảm thấy mình sẽ không bao giờ trao gửi bất cứ điều gì cho bọn họ nữa, không bao giờ làm gì cho họ cả. Mọi ánh mắt đổ dồn vào cháu, bởi cháu đích thị là một Joachim Gersdorff, một chàng trai thời thượng. Cháu bỏ đi khỏi tòa dinh thự đó lúc nửa đêm và đó là thời khắc, ôi Chúa ơi, chính là lúc kho thóc đó sụp đổ khiến cháu nhớ lại.

“Ngay đêm ấy cháu viết thư cho ngài Nam tước, để cáo biệt ông ta. Lòng cháu ngập tràn nỗi oán ghét dành cho ông ta và toàn bộ thế giới của ông ta, khi đọc lại toàn bộ lá thư của mình, cháu phát hiện ra từ “thời thượng” lặp lại tới chín lần. Cháu đưa thư cho Rasmus để trao tận tay ông ta. Khi anh ta rời đi cháu sực nhớ rằng cháu đã không nói gì về gia sản mà ngài Nam tước định để lại cho cháu. Lúc đó cháu đuổi theo để yêu cầu người bạn mình phải truyền đạt tới ông ta lời khước từ của cháu đối với bất kể thứ gì.

“Cháu không thể chịu nổi quang cảnh phố phường. Rời bỏ những căn buồng đẹp đẽ của mình kế bên Cung điện Gersdorff, cháu lên thuyền băng qua bến cảng để tiến đến đảo tiền đồn Trekroner, và dọn tới ở tạm với người sĩ quan hậu cần, đó là nơi cháu chẳng thể nhìn thấy gì ngoài biển khơi. Rasmus có lần xuống đó, và mang đồ đạc cho cháu. Suốt thời điểm đó anh ta gắng kéo cháu về. Bọn cháu đã đi qua cánh cổng Cung điện Gersdorff, và nỗi ghê tởm toàn bộ chốn này đột nhiên lại dâng trào trong lòng đế mức khiến cháu nhổ toẹt một bãi tại đó khi chứng kiến nó, như cha cháu - trời đất hỡi, như thuyền trưởng Clement Mᴂrsk xứ Assens - dạy cháu cách nhổ nước bọt hồi còn nhỏ.

“Trong ít ngày tới sống tại Trekroner, cháu gắng tìm lại ở nơi đó thế giới trước kia từng thuộc về cháu -không phải, mà là bản thân mình, bởi cháu chẳng muốn gì ngoài được là chính mình. Cháu nghĩ về khu vườn Assens, mà nó đã khép lại với cháu mãi mãi. Một khi bạn đã ăn trái trên cây biết điều thiện ác(52), và nhận ra được bản thân mình, thì tự khu vườn đóng chặt lại với bạn. Người ta trở thành con người thời thượng, thậm chí Adam và Eve cũng thế khi bọn họ bắt đầu bối rối về vẻ ngoài của mình.

“Mà chỉ ít ngày sau Rasmus tạt qua thăm cháu. Anh ta lấy chiếc thuyền yawl(53) nhỏ để tới gặp cháu, anh ta là kẻ chỉ biết sợ hãi trước biển cả.

“Ôi chao, em trai thân yêu,” anh ta nói, xoa hai tay vào nhau, “em được ông trời phù hộ đấy. Tôi trao thư của em cho ngài Nam tước, và khi đọc ông ta trở nên phẫn kích và khoái trá tột bậc. Ông ta bật dậy, đi đi lại lịa, rồi tuyên bố: “Chúa ơi, kẻ chán đời này, kẻ sầu muộn này! Ta biết chúng thế nào mà. Chúng nằm cả trong ta đây! Bởi mới tuần đầu tiên sau khi ta trở thành nhân tình của Nữ Hoàng Catherine ta đã cảm thấy mọi điều hệt như cậu ta lúc này. Ta còn định vào sống trong tu viện cơ. Giờ tới lượt cậu chàng Joachim Gersdorff này, mà sao hành động u tối thế, như tấm bản khắc axit từ bức tranh nguyên bản đầy sắc màu vậy. Mà hỡi Chúa lòng thành, cậu thiếu niên này chất chứa trong lòng mình sức lực mạnh mẽ làm sao, cái u tối tăm mới sâu thẳm làm sao! Sao ta lại không nghĩ về nó khi nghe giọng hát vút cao của cậu ta nhỉ. Đó là đêm mùa đông nước Nga, những con sói trên thảo nguyên.” Sau đó ông ta đọc lá thư của em lần thứ hai và nói: “Nó sẽ không chịu trở thành con người thời thượng sao? Nhưng bọn ta đều vậy cả thôi, những con người Gersdorff bọn ta; cha ta trong triều đình vị Nữ Hoàng trẻ tuổi cũng vậy. Tại sao con trai ta lại không như vậy? Ắt hẳn nó sẽ là người nối dõi bọn ta, tấm gương soi kiểu cách, và là khuôn mẫu điển hình.”

“Anh bảo này, Jonathan,” Rasmus nói, “nỗi sầu muộn của em trở thành mốt thời thượng nổi như cồn ngày nay. Những chàng trai Copenhagen thanh lịch giờ mặc y phục đen và mở miệng là nói giọng chua chát về thế gian, còn quý bà quý cô thì nói về nấm mồ.”

“Và kể từ thời điểm đó bọn họ bắt đầu gọi cháu là Timon xứ Assens.

“Thế anh có nói với ông ta,” cháu hỏi Rasmus, “rằng em sẽ không liên can gì hết tới bất kỳ đồng tiền nào của ông ta?” Rồi Rasmus đáp, “Có chứ, anh có nói; và ông ta hài lòng đến nỗi anh nghĩ ông ta như thể sắp lên cơn kích động và để lại gia tài cho em ngay lập tức. “Tuyệt,” ông ta nói, “tuyệt, Timon con trai ta. Hãy để ta chứng kiến con quẳng nó đi như thế nào. Cả vung vãi nó nữa. Chứng tỏ cho thế gian này thấy con khinh miệt nó theo cách của một người Gersdorff thực thụ. Hãy để cho đám đĩ điếm hạng sang hưởng thụ nó; chẳng cách nào quảng bá tốt hơn cho con người sầu muộn vậy đâu. Bọn họ sẽ theo chân con khắp muôn nơi và tạo nên nét tương phản quyến rũ với vẻ tối tăm cùng cực của con. Ta yêu cậu thiếu niên này biết bao,” ông ta nói, “ta sở hữu,” ông ta nói thêm, “bộ sưu tập ngọc lục bảo, không đâu sánh bằng trên khắp châu Âu. Ta sẽ gửi nó cho cậu ta ngay đây.” Và đây, đúng thế đấy, nó đây này,” Rasmus nói, trao cho cháu, với vẻ vô cùng cẩn trọng, hòm trang sức.

“Mà khi ngài Nam tước nghe được,” Rasmus nói, “chuyện cậu khạc nhổ trước cửa nhà mình, ông ta trở nên vô cùng nghiêm nghị. “Đó là điều,” ông ta nói, ‘ta từng làm trước cửa nhà cha ta, ngưỡng cửa Cung điện Gersdorff ở St. Peterburg.” Ông ta ngay lập tức triệu luật sư đến, rồi thảo văn bản thừa nhận em là con trai ông ta, và để lại cho em toàn bộ gia sản. Đồng thời ông ta còn viết là truyền lại cho cậu danh hiệu Hiệp sỹ Malta, với tên hiệu là Phục sinh.”

“Vào thời điểm đó cháu tuyệt vọng đến nỗi cháu nghĩ về cái chết với niềm khát khao và nỗi nhớ nhà thực sự. Cháu đi cùng Rasmus về lại kinh đô, với mục đích trả mấy khoản nợ, để gã thợ cắt may và lão bán mũ không có đàm tiếu về cháu khi cháu chết đi, rồi cháu bước lên cây cầu Langebro, trông ra dòng nước và những con thuyền neo đậu tại đó, có cả những chiếc thuyền đến từ Assens. Cháu chờ đợi tới khi chỉ còn lác đác bóng người xung quanh. Đó là một buổi chiều muộn tháng Tư u hoài ở Copenhagen. Bỗng khúc đò đưa của Salvadore cháu từng hát chợt nảy lên trong óc. Điều đó khiến tâm trí cháu thanh thản, và ngay lúc đó xuất hiện ý nghĩ cháu cần phải biến mất ngay thôi. Khi cháu còn đương đứng đó thì bỗng có cỗ xe, tiến đến gần bên, giảm tốc độ, rồi một lát sau xuất hiện quý cô trong trang phục viền đăng ten màu đen, ngó quanh, rồi nói với cháu bằng giọng khe khẽ, như thể nghẹn lại. “Anh là Jonathan Mᴂrsk phải không?” cô ta hỏi cháu, và khi cháu đáp rằng đúng, cô ta tiến đến gần cháu. “Ôi trời, Jonathan Mᴂrsk,” cô ta nói, “em biết anh. Em có theo dõi anh. Em biết điều anh định làm. Hãy để em chết cùng anh. Em bấy lâu ấp ủ tìm cách để chết, mà không dám làm một mình. Để em đồng hành cùng anh. Em là kẻ tội đồ khủng khiếp như Judas vậy,” cô ta nói, “giống như gã đó em đã bội phản, đã bội phản. Nào, anh em mình đi cùng nhau thôi.” Trong ánh chiều chạng vạng mùa xuân cô ta chộp lấy bàn tay cháu và nắm lấy. Cháu đã vùng thoát khỏi cô ta và bỏ chạy.

“Cháu nghĩ: chắc lúc nào ở Copenhagen cũng có bốn hay năm mụ đàn bà chỉ chực đi tự tử; mà có khi còn hơn. Nếu cháu trở thành con người thời thượng bị bọn họ bu quanh, làm sao cháu có thể thoát khỏi họ, để chết cho thanh thản? Chẳng lẽ cháu phải chết, như lúc này đây, có bầu có bạn sống thời thượng cùng mình, và phải trao cả tinh thần thời thượng ấy cho câu cầy Langebro ư? Chẳng lẽ cháu buộc phải lao xuống đáy biển khơi trong thế giới toàn những người đàn bà không biết âm giai trưởng khác âm giai thứ, và chẳng lẽ tiếng than khóc cuối cùng của cháu sẽ là...”

Le dernier cri(54),” Cô Malin nói, với tiếng cười thực sự tinh quái.

“Cháu quay lại Trekroner,” Jonathan nói tiếp sau thoáng ngưng lại, “và ngồi trong buồng mình. Cháu chẳng thể ăn uống gì nổi.

“Đúng lúc đó cháu đón nhận cuộc viếng thăm bất ngờ từ thuyền trưởng Clement Mᴂrsk xứ Assens. Ông rời đi để tới Trankebar, và khi vừa mới quay về, đã đi tìm cháu.

“Thế là thế nào,” ông nói, “điều ta nghe về con, thằng nhóc Jonathan này? Bọn họ biến con thành Hiệp sỹ Malta à? Ta biết rõ Malta lắm. Khi con tiến tới lối ra vào và thấy Lâu đài San Angelo phía bên tay phải, con phải cẩn trong men quanh ngọn núi đá khi tiến vào cảng.”

“Cha ơi,” cháu nói, sực nhớ tới cảnh hai cha con từng đi biển cùng nhau, “Nam tước Gersdorff là cha con ạ? Người biết người đàn ông đó phải không?”

“Bỏ ngay chuyện đàn bà đó đi,” ông nói. “Nơi thuộc về con, Jonathan à, là con tàu viễn dương, dù ai sinh ra con đi chăng nữa.”

“Cháu liền kể cho ông nghe mọi chuyện xảy đến với cháu.

“Thằng nhóc Jonathan này,” ông nói, “con rơi vào cái động bàn tơ rồi.” Cháu bảo rằng thực sự chẳng không hề quen biết nhiều phụ nữ. “Điều đó chẳng nói lên được gì cả,” ông ta nói, “ta từng chứng kiến cánh đàn ông ở Copenhagen. Những kẻ khát khao mong điều gì xảy đến thì đều là đàn bà cả, chẳng qua là cải trang bằng chiếc mũi sáp kiểu mới mà thôi. Ta bảo con này, nói về chuyện tàu bè nhé, giả như không có những người đàn bà chầu trực ngoài cảng chờ đợi lụa là, trà, phấn thoa mặt và hạt tiêu - mọi thứ khiến bọn họ làm đủ mọi cách để bắt chúng xuất hiện - thì những con tàu cứ mãi bình lặng giong buồm, bằng lòng với biển khơi và chẳng bao giờ nghĩ về đất liền. Mẹ của con,” ông nói tiếp sau hồi ngưng lại, “là người đàn bà duy nhất ta biết chưa từng khát khao mong ngóng những thứ ấy xuất hiện.” Cháu nói, “Mà ngay cả mẹ, Cha ơi, cũng chẳng giúp được chuyện này, giờ chỉ có Chúa mới giúp được con thôi.”

“Cháu kể cho ông chuyện Nam tước Gersdorff muốn để lại toàn bộ gia sản cho cháu như thế nào. Cha trở nên chăm chú lắng nghe. Chỉ một lát sau ông nói, “Con nói về tiền bạc đấy à? Con thèm khát tiền bạc phải không, Jonathan? Thật kỳ lạ nếu con lại như vậy, bởi ta biết chỗ có nhiều món đó lắm. Tám năm trước,” ông tường thuật lại, “Ta từng bị mắc cạn khi muốn rời khỏi một hòn đảo nhỏ gần Haiti. Ta tiến vào gần bờ xem chốn này thế nào, và đào lấy lên một số giống cây trồng hiếm có định bụng mang về cho mẹ con, rồi thì ta đào trúng phải kho báu chôn giấu của Thuyền trưởng l’Olonnais(55), một trong số những tên Cướp biển. Ta đào hết nó lên, và bởi ta muốn rèn luyện sức khỏe một chút ta lại chôn hết nó xuống để xem ta có làm tốt hơn những gì tên Thuyền trưởng kia đã làm hay không. Ta biết đích xác vị trí của nó. Nếu con muốn, ta sẽ để nó cho con vào lúc nào đó, còn nếu con không thể cản được việc ngài Nam tước cho con tiền bạc, con có thể trao tặng nó cho ông ta. Nó còn nhiều hơn những gì ông ta có.”

“Cha!” cháu gào lên, “người không hiểu người đương nói gì đâu. Người không sống trong đô thành này. Nó để ý kiểu cách lắm ạ. Nó sẽ biến con thành con người thời thượng suốt đời mất thôi – quả thật con là Timon xứ Assens mất rồi. Hãy mang về cho con con vẹt Haiti, Cha ơi, chứ đừng mang tiền bạc.”

“Ta tin rằng con không hạnh phúc, Jonathan à,” ông nói.

“Con không hạnh phúc, thưa Cha, “Con yêu đô thành này và con người nơi đây. Con say sưa bọn họ trong niềm khoái trá. Nhưng bọn họ có chất độc nào đó trong người khiến con không thể chịu đựng được. Giả như con nghĩ về bọn họ lúc này con sẽ nôn mửa hết linh hồn mình ra mất. Cha có biết cách nào chữa lành cho con?”

“Sao vậy nhỉ, đúng thế,” ông nói, “Ta biết thứ thuốc chữa lành cho tất cả: nước muối.”

“Nước muối ư?” cháu hỏi ông.

“Phải,” ông nói. “bằng cách này hay cách khác. Mồ hôi, hay nước mắt, hay muối biển.”

“Cháu nói: “Con đã thử bằng mồ hôi và nước mắt. Muối biển thì con định thử, mà người đàn bà mặc y phục viền đăng ten đen cản đường con.”

“Con nói lung tung gì thế, Jonathan,” ông nói.

“Con có thể đi cùng ta,” một lát sau ông nói. “Ta sắp đi St. Petersburg.”

“Không ạ,” con nói, “tới St. Petersburg con sẽ không đi đâu.”

“Thôi được,” ông nói, “ta sắp đi tới đó. Nhưng hãy đi đâu đó để hồi sức lại trong khi ta đi tới đó, bởi trông con ốm yếu lắm. Ta sẽ đưa con đi theo khi quay lại, tiến ra biển cả mênh mông.”

“Con không thể ở Copenhagen được nữa,” Cháu nói.

“Tốt,” ông nói, “đi nơi nào đó theo lời khuyên của bác sỹ ấy, rồi ta sẽ đón con tại Hamburg.”

“Và bởi thế, ôi Chúa ơi, và thưa Cô Nat-og-Dag,” chàng trai nói, “cháu được gửi tới đây, theo ý của thuyền trưởng Mᴂrsk, mặc cho ông có phải cha cháu hay không, để chữa lành bằng muối biển.”

“Ôi chao, ôi chao, ôi chao,” Cô Malin nói, khi chàng trai hoàn thành xong câu chuyện của mình, vào lúc này bà hoàn toàn bị cuốn hút vào nó. Bà xoa hai bàn tay nhỏ nhắn vào nhau, thích thú như đứa trẻ với món đồ chơi mới. “Chuyện thế mới là chuyện chứ, hỡi Quý cậu Timon. Cái chốn đó là thế này đây! Với con người như bọn ta đây! Bản thân ta giờ mới bắt đầu nhận ra mình là ai: Ta là Tiểu thư Diogenes, còn chiếc đèn lồng nhỏ này, chiếc đèn bà lão nông dân phốp pháp để lại cho bọn ta, đó là ngọn đèn lẫy lừng của ta, nhờ nguồn sáng ấy ta mới tìm kiếm được người đàn ông, và nhờ nó ta phát hiện ra cậu ta. Cậu là người đàn ông đó, Timon! Giả như ta dò tìm khắp châu Âu với nguồn sáng từ chiếc đèn lồng này, chắc ta chẳng thể tìm được con người chuẩn xác hơn thế này.”

“Bà muốn cháu vì nhẽ gì vậy, thưa Cô?” Jonathan hỏi bà.

“Ôi trời, không phải cho bản thân ta đâu,” Cô Malin nói. “Ta đâu có tâm trạng ái ân đêm nay nữa. Quả thực, ta có mang theo, cho bữa tối, thứ thuốc sắc từ ba nhánh agnus castus(56), loài cây chỉ thấy ở Guinenne thôi. Ta muốn để cậu đến với Calypso.

“Cậu nhìn thấy con bé chưa?” bà hỏi cậu, ngước nhìn kiêu hãnh và dịu dàng về phía con người trẻ trung xinh xắn bên cạnh mình. “Nó không phải là con đẻ của ta, vậy mà, nhờ Chúa Thánh Thần, ta đương thai nghén ra con bé, y như gã bạn già Nam tước Gersdorff từng thai nghén ra cậu vậy. Ta ấp ủ con bé trong trái tim và trí óc, rồi thở dài trước gánh nặng nó đem lại. Giờ đây những tháng ngày đó sẽ qua đi khi ta sẽ được giải thoát, và ở đây chúng ta có chuồng ngựa và máng cỏ. Mà một khi ta đã sinh thành ra con bé, ta nhất định muốn có người bảo mẫu; hơn nữa, ta còn muốn có người sư mẫu, người giám hộ, vị maestro(57) cho con bé, và cậu chính là người có thể đảm nhận toàn bộ.”

“Ôi trời, để dạy cho cô gái điều gì ạ?” Jonathan hỏi.

“Để dạy con bé chuyện để người ta ngắm nhìn mình,” cô Malin nói. “Cậu phàn nàn về chuyện người ta cứ nhìn vào cậu. Mà liệu cậu có đổ gục xuống hay không khi gặp điều bất hạnh ngược lại? Liệu sẽ thế nào nếu không ai có thể hay muốn nhìn thấy cậu, dẫu cho cậu, bản thân cậu, hoàn toàn nhận thức được sự tồn tại của bản thân? Có những kiếp đọa đày còn hơn những gì cậu trải qua đấy, hỡi Kẻ Chán Đời xứ Assens. Cậu có lẽ từng đọc câu chuyện về bộ y phục mới của Hoàng Đế, của tác giả trẻ tài năng đang lên, Hans Andersen. Mà lúc này đây chúng ta lại có câu chuyện đi theo một hướng khác: vị Hoàng Đế bước đi trong toàn thể dáng vẻ lộng lẫy, cây vương trượng và quả cầu trên tay, mà không ai trong toàn thành dám ngước nhìn ngài, bởi bọn họ tin rằng bọn họ rồi sẽ bị cho là không làm đúng nhiệm vụ chức trách, hay là trì độn vô dụng. Ấy là vị Hoàng Đế xinh xắn của ta; đám tùy tùng đó do một kẻ tệ hại tạo ra, kẻ mà ta sẽ kể cho cậu nghe; còn cậu, hỡi Quý ông Timon, cậu là đứa trẻ trong trắng đương gào lên: “Mà có vị Hoàng Đế thật mà!”

“Khẩu hiệu của dòng họ Nat-og-Dag,” Cô Malin nói tiếp, “tuyên bố thế này: “Có chua thì phải có ngọt.” Bởi một lòng hướng đến tổ tiên, ta đã nếm trải hằng bao món ăn pha trộn của cuộc đời: món canh cổ cánh gà từ ngài Swedenborg(58), món xa lát tình yêu của ngài Plato(59), thậm chí cả món dưa cải bắp của ngài Marquis thần thánh(60). Ta thành ra rất sành khẩu vị của người Nat-og-Dag thực thụ; ta bắt đầu thích thú với chúng. Nhưng vị chua chát của đời, đó là thứ thực phẩm tệ hại, nhất là cho trái tim non trẻ. Trên đồng cỏ xứ Westerlands, bọn họ chăn nuôi một loại cừu lấy thịt, cho ăn bằng cỏ muối, để sản sinh ra thứ thịt có hương vị tuyệt hảo mà trong thế giới bếp núc người ta gọi là pré-salé(61). Cô gái này được nuôi nấng trên cánh đồng muối như thế và bằng thứ cỏ mặn mòi và chua chát. Trái tim thân thương của con bé chẳng còn thứ gì gì khác để ăn vào. Nó quả thật, trên phương diện tinh thần, là agneau pré-salé(62), con cừu non ướp muối của ta.”

Cô gái, suốt quãng thời gian đó ngồi nép sát vào bà cô già, gượng dậy khi Cô Malin bắt đầu nói về câu chuyện của mình. Cô liền ngồi thẳng người, ánh mắt màu hổ phách ẩn dưới hàng mi thanh tú, rủ dài giống như những đường gân trên cánh bướm, hay bản thân chúng giống như cặp cánh giang ra sà thấp, lơ lửng trong không trung, kiêu kỳ đến nỗi chẳng thể hướng về người xem. Bất kể hàng lông mày ấy hiền dịu đến đâu, cô vẫn là con thú dữ tợn, chỉ chực lao bổ. Mà lao vào đâu? Vào toàn bộ cuộc đời này.

“Cậu có từng nghe về,” Cô Malin hỏi, “Bá tước August Platen-Hallermund chưa?” Khi cái tên ấy vang lên cô gái rùng mình và trở nên tái nhợt. Bóng nhá nhem kinh hoàng chìm ngập trong ánh mắt trong veo. “Suỵt,” Cô Malin nói, “bọn ta sẽ không nhắc đến tên ông ta nữa. Bởi ông ta không phải là người, mà là thiên sứ, bọn ta sẽ gọi ông ta là Bá tước Seraphina. Bọn ta sẽ ngồi, đêm nay, trên chiếc lit de justice(63) bàn về ngài Bá tước. Sự thực phải được bóc trần về ông ta dẫu chỉ một lần. Hồi ta còn bé và được học tiếng Pháp,” bà cô già hướng sự chú ý, vượt qua những mái đầu xuân thì, đột nhiên tỏ ra có phần thân mật, tới vị Hồng Y, “ngay câu đầu tiên trong cuốn sách ta đọc viết như vậy này: Le lit est une bonne chose; si l’on n’y dort pas, l’on s’y repose(64). Thay vì những điều hồi nhỏ bọn ta được dạy dỗ nữa, cuộc đời chứng minh rằng nó hoàn toàn là ngụy biện. Nhưng có lẽ nó vẫn áp dụng cho cái đệm công lý này được.”

“Quả thật tôi từng đọc thơ và triết lý của Bá tước August,” vị Hồng Y lên tiếng.

“Ta thì chưa,” Cô Malin nói. “Khi mà, vào ngày tận thế ấy, ta bị triệu đến để tra xét chuyện dành hằng bao thì giờ tại những nơi sai trái, thể nào ta cũng sẽ cố cãi: “Nhưng ta còn chưa đọc thơ của Bá tước August von Platen mà.” Ông ta viết bao nhiêu bài thơ vậy, ôi Chúa ơi?”

“Ôi chao, tôi không thể nói được,” vị Hồng Y nói. Cô Malin lên tiếng: “Cinq ou six milles? C’est beaucoup. Combien en a-t-il de bons? Quinze ou seize. C’est beaucoup, dit Martin.(65)

“Ngài từng đọc mà, ôi Chúa ơi,” bà nói tiếp, “về chàng trai trẻ bất hạnh bị mụ phù thủy biến thành con chó pug(66), và anh ta chẳng thể biến hình trở lại trừ phi có nàng trinh nữ trong trắng, con người chưa từng biết đến đàn ông, vào đêm thánh Sylvester, có thể đọc tập thơ của Gustav Pfizer mà không rơi vào ngủ mê? Có người bạn thương cảm anh ta, khi được nghe kể mọi chuyện, liền đáp: “Thế này thì, trời đất hỡi, ta chẳng thể giúp được cậu. Trước hết, ta không phải là trinh nữ. Thứ hai, ta chưa bao giờ có thể, lúc đọc thơ Gustav Pfizer, mà không rơi vào giấc nồng cả.” Nếu như Bá tước August bị biến thành con chó pug, thì đích xác chính cái nguyên do đó mà ta sẽ chẳng thể nào cứu giúp ông ta được.

“Người đàn ông đó, giờ thì là, vị Bá tước Seraphina này,” bà tiếp tục mạch câu chuyện, sau một hồi nghỉ vẩn vơ đâu đó, “là ông chú của cô gái này, con bé được nuôi nấng trong nhà ông ta sau khi bố mẹ qua đời. Vậy nên, lúc này đây, hỡi những người bạn thân mến, ta sẽ thắp sáng bóng tối đêm nay cho các bạn, bằng việc in dấu lên nó câu chuyện về Caplyso còn tối tăm hơn:

“Bá tước Seraphina,” Cô Malin nói, “suy ngẫm nhiều về chuyện trên trời. Và, hẳn là mọi người cũng nhận ra, những ai từng đọc thơ ông ta, ông ta đoan chắc rằng không người đàn bà nào từng được phép lên thiên đường. Ông ta căm ghét và ngờ vực mọi điều gì về nữ giới; nó khiến ông ta nổi da gà.

“Thế nên, quan niệm của ông ta về miền cực lạc là đoàn dài các cậu trai dễ thương, trong bộ áo chùng trắng trong suốt, bước đi hàng đôi, cất lời thơ của ông thành tiếng nhạc, bằng những nốt vút cao đẹp đẽ như chính cậu từng sở hữu, thưa Cậu Jonathan, hoặc nếu không thì đương thảo luận về triết lý của ông, hay chìm sâu vào những cuốn sách về đại số của ông ta. Điền trang ông ta sở hữu tại Angelshorn xứ Mechlenburg đươc ông ta nỗ lực biến nó thành như thể cõi thiên đường, một khuôn mẫu miền cực lạc của nhà Von Platen, và chính trong lòng nơi này, ông ta có, điều khó xử nhất đối với bản thân ông ta và đối với con bé, cô gái dễ thương này, liên quan tới việc ông ta hồ nghi rằng liệu con bé có được phép bước vào như một thiên thần hay không.

“Chừng nào con bé còn là nhỏ tuổi thì ông ta còn thoải mái đồng hành với nó, bởi ông ta có con mắt biết đánh giá cái đẹp và vẻ thanh tú. Ông ta bắt con bé mặc đồ con trai, đủ các kiểu nhung ren, và cho phép con bé để tóc dài óng ả như cậu Ganymede(67) trẻ tuổi từng để trên thiên đình của thần Jove. Tâm trí ông bận tâm quá nhiều vào chuyện chứng tỏ bản thân như một thầy phù thủy, một Pháp sư da trắng cấp cao có khả năng hô biến giọt máu quỷ dữ trong mình, một cô gái, trở thành đối tượng duyên dáng tựa như những thiên thần, ấy là thành con trai. Hoặc có khi thậm chí ông ta mơ ước sáng tạo ra một giống người riêng biệt, một đối tượng của nghệ thuật không phải con trai hay con gái, mà là một giống người Von Platen thuần khiết. Có lẽ đã hằng bao lần, lúc ấy, dòng máu nghệ sỹ tinh tế trong huyến quản của ông đã bị khuấy động bởi ý tưởng đó. Ông dạy con bé tiếng Hy Lạp và Latin. Ông gắng truyền đạt cho con bé ý niệm về vẻ đẹp của toán học cao cấp. Mà khi ông giảng giải cho con bé về vẻ đẹp vô tận của đường tròn, con bé hỏi ông: nếu nó thực sự đẹp đến thế, màu sắc của nó là gì – chẳng phải là xanh lam sao? Ôi trời, không, ông nói, nó chẳng có màu sắc nào cả. Từ khoảnh khắc đó ông bắt đầu sợ rằng con bé sẽ không trở thành con trai được.

“Ông ta tiếp tục trông chừng con bé, trong mối hồ nghi khủng khiếp, trong cơn phẫn nộ chính đáng ngày càng gia tăng khi nhận thấy những dấu hiệu mình đã sai lầm. Và khi ông nhận thấy rằng chẳng còn gì mà hồ nghi nữa, ngoại trừ thất bại của ông là điều chắc chắc, bằng cái rùng mình, ông ngoảnh mặt ngó lơ con bé mãi mãi, và hủy hoại con bé. Nhan sắc là bản án tử dành cho con bé. Nó xuất hiện vào độ hai hay ba năm trước. Kể từ ấy con bé không tồn tại. Thưa Cậu Timon, cậu cứ thoải mái mà ghen tị với con bé.

“Bá tước Seraphina có niềm say sưa vô cùng về thời Trung Cổ. Tòa lâu đài sừng sững tại Angelshorn có từ thời đó, và ông ta nỗ lực hết mình để biến đổi bên trong nó quay trở về, như vẻ bên ngoài, thời kỳ Thập tự Chinh. Nó được gây dựng lên, chẳng khác gì chính ngài Bá tước, không phải là để trải ra trên mặt đất, mà là những tòa tháp cao vút hướng lên bầu trời, với đàn quạ chao liệng như làn khói mỏng manh vây quanh ngọn tháp, và những mái vòm sâu hun hút như tự chôn mình vào hố thẳm. Ánh sáng ban ngày lọt vào bên trong, len lỏi qua những bức tường thành dày cả sải tay, xuyên qua những tấm kính hoen màu cũ kỹ, như màu bột quế và tiết bò, len dọc theo những khoang tường trong buồng, ở đó, trên những tấm thảm thêu bạc màu, những con kỳ lân bị tiêu diệt và những Pháp sư cùng đoàn lâu la mang vàng bạc và nhựa thơm tới Bethlehem. Tại nơi này vị Bá tước lắng nghe, và tự tấu lên âm thanh từ chiếc viol de gamba và chiếc viol d’amore(68), rồi luyện tập bắn cung. Ông không bao giờ đọc sách in, mà yêu cầu các tác giả thời nay phải chép tay bằng nét chữ màu xanh biếc và đỏ thắm.

“Ông ta thích tưởng tượng mình là cha tu viện trưởng của một tu viện biệt lập hoàn toàn, nơi chỉ có các thầy tu trẻ tuổi đáng yêu có phong thái hòa nhã và thiên tư tài giỏi mới được phép gia nhập. Ông ta và đám bạn trẻ đó ngồi xuống ăn tối trên băng ghế gỗ sồi chạm khắc cổ xưa, và mặc áo chùng lụa màu tía. Dinh thự của ông là tòa tu viện đặt trên mảnh đất phương bắc, một Đỉnh Athos(69) nơi mà bò cái hay đàn bà không được phép bén mảng, thậm chí là cả loài ong rừng, bởi có mụ ong chúa. Đúng thế, ngài Bá tước còn sốt sắng hơn cả những thầy tu Athos, bởi ông ta và cung điện dành cho các thiếu niên dễ thương này đôi khi uống rượu đựng trong đầu lâu, để duy trì sự hiện diện dành cho suy nghĩ về cái chết và cõi vĩnh hằng, ông cẩn trọng xem xét để chắc rằng đó không phải là đầu lâu của đàn bà. Ôi trời, nhắc đến cái tên gã đó làm hoen ố miệng ta mà! Tốt hơn hết cho một gã đàn ông là hắn nên giết một người đàn bà, để lấy hộp sọ của thị về mà đựng rượu uống, thế mới đáng nói, chứ sao lại tự thấy khoái trá khi uống rượu từ chính đầu lâu của mình.

“Trong lâu đài tối tăm đó, cô gái bị hủy hoại cứ đi lang thang. Con bé là thứ đáng yêu nhất tại chốn đó, và hẳn sẽ tô điểm cho cung điện Nữ Hoàng Vệ Nữ, người rất có thể sẽ biến con bé thành kẻ trông nom bầy chim câu, bản thân con bé cũng như thể con chim câu vậy. Mà ở đó con bé biết rằng nó không hề tồn tại, bởi chưa từng có ai đoái hoài nhìn nó. Từ nơi đâu cơ chứ, ôi Chúa ơi, âm nhạc được sinh ra - từ nhạc cụ hay là từ trong cái tai lắng nghe? Vẻ yêu kiều của đàn bà được tạo ra là dành cho cặp mắt đàn ông. Cậu đề cập, Timon ơi, đến việc Lucifer xúc phạm Đức Chúa vì đã dám ngắm nhìn để phán xét ngài thế nào. Điều đó chứng tỏ rằng cậu thờ phụng vị nam thần. Vị nữ thần thì sẽ hỏi kẻ thờ phùng mình ngay câu đầu tiên: “Trông ta thế nào?”

“Cậu chắc định hỏi ta lúc này: “Sao không ai trong đám tôi đòi đẹp mã của lão chủ lâu đài đó tự mình tìm kiếm và phát hiện ra cô bé mới ngọt ngào làm sao?” Ấy mà không; đấy là câu chuyện về bộ y phục mới của Hoàng Đế, và nó được kể ra là để cho người ta thấy sức mạnh từ thói phù phiếm của con người. Những câu thiếu niên xinh đẹp này chỉ sợ bị coi là trì độn vô dụng, và không hoàn thành nhiệm vụ chức trách mà thôi. Chúng còn bận bàn về Aristotle và thuyết trình về những học thuyết và vẻ huyền bí trong triết học kinh viện cổ trung đại.

“Bản thân Hoàng Đế, mọi người còn nhớ mà, tin rằng thứ ông ta khoác lên mình thật hoàn hảo. Bản thân thiếu nữ này cũng tin rằng con bé không đáng để được ngắm nhìn. Dẫu vậy, trong thâm tâm con bé chẳng thể nào tin vào điều đó, và cuộc vật lộn muôn đời giữa bản năng và lý trí đã tàn phá con bé, như thể chính Hercules, hay bất kỳ nhân vật bi kịch theo truyền thống trước nay vậy. Đôi khi con bé đứng lại và nhìn ngắm bộ giáp sắt oai hùng trên dải hành lang Angelshorn. Những thứ đó trông như thể đàn ông đích thực. Con bé cảm thấy chúng như đứng về phía mình nếu như chúng đừng rỗng tuếch như vậy. Con bé trở nên ngượng ngùng trước mọi người, và rồ dại, trong cảnh sống đơn độc bên trong lâu đài nguy nga đó. Mà nó khiến con bé trở nên hung tợn, và chắc có lẽ, vào đêm tối tăm nào đó, sẽ châm lửa đốt tòa lâu đài.

“Rốt cuộc, như cậu, Timon ạ, chẳng thể chịu đựng được sự tồn tại của mình, cậu thành thử có ý định nhảy xuống dòng nước Langebro, con bé cũng không chịu được sự không tồn tại của nó ở Angelshorn. Mà nhiệm vụ của cậu dễ dàng hơn. Cậu chỉ muốn biến mất, trong khi con bé phải tự tạo ra chính mình. Con bé được nuôi nấng quá lâu trong tòa tà đạo độc địa của những lời xuyên tạc sai sự thật, hoàn toàn bị tra tấn và hăm dọa trên cọc thiêu sống, đến nỗi con bé lúc này sẵn sàng phủ nhận bất kỳ vị thần nào. Abu Mirrah sở hữu chiếc nhẫn khiến ông ta vô hình, nhưng khi ông ta muốn kết hôn với Công chúa Ebadu, mà chẳng thể tháo bỏ nó ra khỏi ngón tay, ông ta đã cắt đứt ngón tay đeo nó. Làm theo cách đó, Calypso quyết tâm cắt phăng mái tóc dài, và xẻo phăng bộ ngực xuân thì, để trông giống như người xung quanh. Hành vi tăm tối đó, con bé quyết chí phạm phải vào một đêm hè nọ.”

Đúng vào lúc Cô Malin kể đến đoạn này, cô gái trước đó còn nhìn trân trân về phía trước, bỗng hướng ánh mắt hoang dại về phía người kể chuyện, và bắt đầu lắng nghe với vẻ chú tâm khắc hẳn, như thể bản thân cô bé đương nghe câu chuyện lần đầu vậy. Cô Malin có sức tưởng tượng thật dồi dào. Mà dẫu vậy, câu chuyện này, dù chuẩn xác hay không, thì đối với bản thân vai nữ chính nó là một biểu tượng, một hình ảnh khoác lên những gì cô thực sự đã trải qua, và cô chấp nhận nó bằng cái liếc nhìn sâu thẳm trong veo về phía bà cô già.

“Đúng nửa đêm, ôi Chúa ơi,” Cô Malin tiếp tục, “người thiếu nữ bật dậy để đi tới chốn định hẹn bi thương ấy. Một tay cầm cây nến, còn tay kia cô cầm chiếc rìu sắc, như thể Judith lúc đi tới chỗ sát hại Holophernes(70). Mà tối tăm làm sao, hỡi bạn tôi ơi, thật tối tăm làm sao trong cái tòa lâu đài Angelshorn ấy, phải sánh với túp lều Dothaim mới đúng. Những thiên thần ắt hẳn phải ngoảnh đi và nhỏ lệ.

“Cô bước xuyên qua tòa dinh thự để tới gian buồng mà ở đó cô biết rằng có chiếc gương soi thật lớn đặt trên tường. Đó là gian buồng không bao giờ được sử dụng đến; chẳng có ai bén mảng tới đó. Cô gái lạc lối trút bỏ xiêm y xuống dưới eo, chăm chăm nhìn vào gương, không cho phép bản thân nghĩ tới điều gì khác, sợ rằng nó sẽ khiến cô hoảng sợ mà buông bỏ ý định.

“Chính vào thời khắc nửa đêm ấy khi mà những chàng trai trẻ vừa mới cưới, trong gian buồng tân hôn, đương run rẩy, vén mạng che, ve vuốt và hôn lên cơ thể cô dâu trẻ. Trong nguồn sáng của năm trăm ngọn nến sáp những quý cô tuyệt vời đương làm biến chuyển vận mệnh dân tộc khi nâng đôi vai lên khỏi chiếc đầm cổ trễ. Ngay cả trong những dãy nhà tai tiếng ở Naples, những madama(71) đen đúa già cả, dắt những cô gái tiến tới ngọn nến nhỏ đặt trên tủ đầu giường, kéo vạt áo của bọn họ xuống, đương mặc cả với khách làng chơi để mong kiếm lợi. Calypso, lúc này hạ ánh mắt của mình xuống bầu ngực trắng ngần trong tấm gương soi mờ đục, bởi con bé chưa bao giờ nhìn thấy chính mình khỏa thân trong gương, đương rờ thử lưỡi rìu bằng đầu ngón tay nhỏ bé.

“Đúng khi cô nhìn vào tấm gương soi thì thấy một hình hài to lớn ngay sau lưng mình. Nó dường như dịch chuyển, và cô quay ngoắt lại. Chẳng có ai ở đó, nhưng trên tường là bức họa từ xưa sừng sững đã ngả màu theo thời gian, tại những mảng tranh được thắp sáng lên, được soi rọi bằng ánh nến trên tay cô, chợt hiện ra. Nó thể hiện cảnh tượng đời sống của những nữ thần, người dê và thần rừng, cùng loài nhân mã, chơi đùa trong lùm cây và trên những cánh đồng hoa. Bức tranh được đưa về, từ nước Ý từ nhiều năm trước bởi một vị gia chủ xa xưa của tòa dinh thự, nhưng nó bị cho rằng đấy làbức họa vô cùng thiếu đứng đắn thậm chí còn trước cả thời của vị Bá tước hiện tại, thế nên nó đã bị di rời khỏi phòng khách. Đó không phải là bức tranh tô vẽ đẹp, nhưng có nhiều nhân vật trong đó. Ở phần cận cảnh, ba nữ thần khỏa thân trẻ trung, lấp lánh như bông hoa hồng trắng, đương cầm những nhành cây giơ lên.

“Calypso bước dọc khắp chiều dài khung tranh đồ sộ, giơ cao cây nến, và nghiêm nghị chăm chú nhìn vào đó. Đấy là bức tranh khiếm nhã mà cô không đủ hiểu biết để nhìn nhận; cô cũng không ngờ rằng ấy là hình ảnh tượng trưng cho con người hiện hữu ngoài đời thực. Cô ngắm nhìn vô cùng chú tâm vào những gã thần rừng và nhân mã. Trong đời sống cô độc của mình, cô đã nảy sinh ra thứ tình cảm trìu mến dành cho thú vật. Trong tâm trí của Bá tước August, sự tồn tại của giống loài súc sinh thật khó hiểu và là bi kịch, thế nên không có con thú nào ở Angelshorn. Mà với cô gái này thì chúng dường như còn dịu dàng hơn con người, và cô thích thú khi nhận ra rằng con người sở hữu rất nhiều những đặc điểm của chúng. Mà cô còn thấy sửng sốt và choáng ngợp làm sao khi quả thật những sinh linh cường tráng và thú vị kia rõ ràng đương tập trung sự chú ý của mình để dõi theo, tôn sùng và đeo bám những thiếu nữ trẻ chạc tuổi cô, mang theo gương mặt và hình hài như cô, và toàn bộ việc này được tiến hành là để tôn vinh bọn họ và được truyền cảm hứng từ nét quyến rũ của bọn họ.

“Cô nhìn bọn họ một hồi lâu. Rốt cuộc cô quay lại với tấm gương và đứng đó ngắm nhìn bản thân mình trong đó. Cô sở hữu khả năng cảm nhận nghệ thuật từ chính ông chú, và bản năng cô biết rằng những thứ này thật hài hòa với nhau. Lúc này đây một cảm giác trước nay chưa từng nếm trải về vẻ hài hòa tuyệt vời chợt nảy sinh trong cô.

“Cô biết giờ đây mình có bầu bạn trên thế gian. Nhờ vào chính hình hài này, cô có thể bước vào luồng sáng lấp lánh dịu êm, giữa bầu trời xanh thẳm và làn mây xa mờ, trong bóng râm nhuộm màu nắng của miền đồng bằng và lùm ô liu. Trái tim cô thổn thức vì lòng cảm tạ và niềm kiêu hãnh, bởi lúc này đây hết thảy bọn họ đều ngắm nhìn và chấp nhận cô thuộc phe bọn họ. Đích thân vị thần Dionysus, hiện diện ở đó, ngắm nhìn cô, cả cười, nhìn thẳng vào đôi mắt.

“Cô nhìn quanh gian buồng và nhận ra, trong tủ kính, những thứ mà cô chưa bao giờ trông thấy trước đó ở Angelshorn: quần áo, quạt, trang sức và những chiếc giày nhỏ xinh của phụ nữ. Tất cả những thứ này từng thuộc về người bà cố. Bởi, ngạc nhiên chưa, vị Bá tước từng có một người bà. Ông thậm chí từng có một người mẹ, và từng có một thời, bon gré mal gré(72), ông gần gũi với cơ thể của người đàn bà trẻ trung xinh đẹp. Ông thừa hưởng nét dịu dàng từ người bà, vốn hay đánh đòn ông hồi còn con nít. Và ngay trong lòngtòa tu viện này, ông để mặc khuê phòng của bà không ngó ngàng đến. Mùi hương thoảng qua của tinh dầu hoa hồng vẫn còn vương vấn đâu đây.

“Cô gái suốt đêm đó ở lại gian buồng. Cô khoác lên rồi lại cởi ra những tấm áo choàng cung đình, chuỗi ngọc trai và kim cương. Cô nhìn qua tấm gương để thấy trong bức tranh vẻ tán thưởng của những con nhân mã – chúng thích chí khi cô ăn mặc thế này phải không? Cô chẳng ngờ vực gì về điều đó. Cuối cùng cô rời khỏi gian buồng để tới phòng của kẻ cai quản tòa lâu đài. Trước khi khép cửa cô dịu dàng hôn các nàng nữ thần, với tới nơi nào cao nhất mà cô có thể đặt nụ hôn, như thể đó là những người thân yêu của mình.

“Cô khẽ khàng bước lên cầu thang, và đến gần chiếc giường lớn của ông chú. Ông ta ở đó, giữa những tấm rèm vàng buông lụa, mắt nhắm nghiền, mũi thở phì phò, trắng toát trong bộ đồ ngủ. Cô gái vẫn khoác lên mình chiếc váy vàng thêu kim tuyến lộng lẫy, và đứng bên thành giường như thể Psyche(73) bên cạnh tràng kỷ của Eros. Psyche đã khiếp sợ khi trông thấy con quái vật, và phát hiện ra đó là vị thần tình yêu. Mà Calypso thì tin rằng ông chú mình là người cai quản chân lý, người phán xử thẩm mỹ, đích thị là vị thần Apollo, rồi cô phát hiện thấy điều gì? Một con búp bê cỏn con tồi tàn nhồi mùn cưa, một bức biếm họa mang hình đầu lâu. Người cô đỏ bừng lên. Sao cô từng phải sợ kẻ đó - chính cô, người chị em thân thiết với các nữ thần và bầu bạn với loài nhân mã? Cô mạnh gấp trăm ngàn lần ông ta.

“Ông ta mà thức giấc lúc này, rồi thấy cô bên thành giường, tay vẫn cầm chiếc rìu, ông ta có lẽ đã chết giấc vì sợ hãi, hoặc có khi lại đem đến cho ông ta điều tốt số theo cách nào đó. Nhưng ông ta vẫn ngủ say - Chúa mới biết ông ta mơ gì - và cô không chặt phăng đầu ông ta. Thay vì thế cô trao cho ông ta đoạn thơ châm biếm chợt tuôn ra từ cuốn sách tiếng Pháp của mình, vốn được viết ra dành cho một ông vua cứ tưởng rằng mình được quý mến lắm:

Ngài Louis nằm đây, vị quân vương tội nghiệp.

Họ bảo ngài tốt số - mà sao lại thế này?(74)

Và cô chẳng còn chất chứa bất kỳ mối oán giận nào đối với ông ta nữa; bởi cô đâu phải là kẻ nô lệ được trả tự do, mà là kẻ chinh phục với chiếc đuôi váy dài oai vệ, con người đủ khả năng để cho qua đi.

“Cô rời bỏ gian buồng lặng lẽ như lúc tiến vào, thổi tắt ngọn nến, bởi trong đêm hè ấy cô có thể tự dò đường mà không cần đến nó. Bủa vậy lấy cô là cả tòa tòa lâu đài thinh lặng; duy có lúc băng ngang qua cửa thì cô nghe thấy hai cậu thiếu niên đương tranh luận với nhau về tình yêu thiêng liêng. Giờ cô chẳng còn màng đến bọn họ nữa. Khi nâng chiếc then cài đóng cổng nặng nề thời trung cổ, cô cũng nhấc luôn gánh nặng bọn họ ra khỏi lòng mình.

“Cô bước ra ngoài lúc trời đang mưa. Ngay cả màn đêm cũng muốn chạm đến cô.

“Cô đi qua những cánh đồng hoang, trang nghiêm như chính Ceres với tia sét trên tay mượn được từ thần Jove, người mà thậm chí lúc cau mày, thoảng mùi hương dâu tây và mật ong. Xa xa cuối chân trời những tia sét lung linh đùa vui như để tôn vinh cô. Cô để mặc đuôi váy dài lướt qua vườn thạch thảo. Sao cô không dám chứ? Giờ mà có gã trai tráng cướp đườngnào chạm trán cô, cô có thể biến anh ta thành chồng mình ngay tức khắc, đến khi cái chết mới chia lìa được bọn họ; hoặc cô có thể chặt đầu anh ta, có Chúa mới biết số phận nào tốt hơn để mà ganh tị với hắn.

“Đôi môi cô không cất lên khúc đoản ca vui tươi. Cô được dạy dỗ nghiêm khắc để trở thành một tín đồ Tin Lành ngoan đạo, và cuộc sống chỉ bảo cô không được nông nổi. Trong thâm tâm, cô lẩm nhẩm bài tụng ca của Paul Gerhardt(75) đức hạnh, chỉ sửa lại nhân xưng(76) cho phù hợp:

Ai dám đứng chống lại ta đây?

Trên tay ta là tia sét ấy

Ai dám mang sầu muộn tới chốn này

Khi ta đã quyết ban phúc lành cho nơi đây?

“Mới sáng tinh mơ, con bé đã xuất hiện trước ngôi nhà ta đương ở. Toàn thân con bé ướt đẫm như thân cây trong vườn. Con bé có biết ta, bởi ta là mẹ đỡ đầu của nó, và con bé cảm thấy rằng ta còn biết, và có thể kể cho con bé nghe nhiều hơn, về những nữ thần và loài nhân mã. Con bé tìm thấy ta đúng lúc ta đương lên xe để đi tới khu bãi tắm Norderney. Và như thế số phận đưa đẩy bọn ta bên nhau, thành ra, rốt cuộc, như chính cậu, Cậu Timon à, cần muối biển để chữa lành.”

“Và để soi tỏ trên mái đầu bọn họ nữa” vị Hồng Y cất lời dịu dàng như đã thể hiển trong suốt lúc lắng nghe câu chuyện của bà cô già, “hỡi Đức Mẹ Sao Biển(77) trong màn đêm trên gian gác của bọn ta.”

“Thưa Cô, quả thật,” Jonathan nói, “cháu không biết liệu bà có thấy lạ không, ấy mà cháu chưa bao giờ trong suốt cuộc đời, tới tận khi nghe bà kể cháu nghe lúc này, nghĩ rằng phụ nữ xinh đẹp lại phải chịu đau khổ cả. Cháu tin rằng bọn họ như bông hoa đài các, phải được chăm chút từng li từng tí.”

“Thế cháu cảm thấy thế nào về điều ta vừa kể cháu nghe vậy?” Cô Malin hỏi cậu.

“Thưa Cô,” chàng trai lên tiếng sau hồi suy nghĩ cặn kẽ, “cháu cảm thấy mở mang thêm khi thấy suy nghĩ trước nay của chúng ta về phụ nữ đều sai lạc cả.”

“Cháu quả là một chàng trai trung thực,” Cô Malin nói. “Phía bên hông làm đau cháu lúc này, là nơi chiếc xương sườn bị lấy đi khỏi cháu đấy.”

“Nếu cháu sống trong lâu đài Angelshorn,” cậu tiếp tục, trong tâm trạng kích động cao độ, “cháu chẳng nghĩ đến chuyện khát khao theo đuổi quý cô này đâu.”

“Nào, Jonathan và Calypso,” Cô Malin nói, “thật là tội lỗi và báng bổ nếu hai cháu phải chết đi mà chưa thành hôn. Các cháu từ Angelshorn và Assens được dẫn lối tới đây là để có nhau trong vòng tay. Cháu là dành cho con bé, còn con bé là của cháu, còn vị Hồng Y và ta, đứng ra thay mặt bố mẹ các cháu, và sẽ trao cho các cháu lời chúc phúc của bọn ta.” Hai con người trẻ tuổi trân trân nhìn nhau. “Nếu ai đó nói rằng,” Cô Malin nói, “dòng dõi nhà cháu không môn đăng hậu đối với con bé, ta sẽ đáp trả rằng cháu thuộc hàng hiệp sỹ trên gian gác Norderney này, bên ngoài gian gác này thì không thành viên nào của nó có thể cưới xin đâu nhé.” Cô gái, trong nỗi phẫn kích tột độ, hơi rướn người dậy và dựng thẳng người trên tư thế quỳ đầu gối. “Cháu không nhận ra sao, Calypso,” Cô Malin hiền dịu chăm chú nhìn cô gái, “vì lẽ gì mà cậu ta lại đi theo cháu tới tận đây, và làm sao mà, từ cái lúc cậu ta biết được rằng cháu ở đây bên ta, thì còn điều gì trên thế gian có thể xui khiến cậu ta bước lên thuyền? Mênh mông là nước cũng không thể dập tắt được ngọn lửa tình yêu, kể cả nạn lụt cũng chẳng dìm nó xuống được.”

“Thật thế ạ?” Cô gái hỏi, hướng ánh mắt về phía chàng trai với cái nhìn khắc khoải và mãnh liệt như thể chuyện sinh tử của cô phụ thuộc vào lời đáp của cậu.

“Phải, đó là sự thực,” Jonathan nói. Điều đó không tài nào là sự thực được. Cậu thậm chí còn, vào lúc này, không nhận thức được về sự tồn tại của cô gái. Mà trí tưởng tượng của bà cô già đủ để nhấc bổng con người ta lên khỏi mặt đất. Gương mặt cô gái, khi nghe lời cậu nói, đột nhiên tái đi, chuyển sang màu trắng đục khó tả. Ánh mắt cô trở nên to tròn hơn và tăm tối hơn. Chúng chiếu vào cậu như những vì sao đẫm hơi sương, sâu xa hơn giọt lệ, và khi nhìn thấy gương mặt biến sắc của cô, Jonathan quỳ sụp xuống trước mặt cô trên đống cỏ khô.

“Ôi trời, Jonathan,” Cô Malin nói, “cháu sẽ phải cảm tạ ngài Nam tước, khi cháu quỳ xuống, vì những điều bận lòng mà ông ta mang đến cho cháu đấy nhé?”

“Dạ phải ạ, thưa Cô,” chàng trai đáp.

“Còn cháu, Caplyso,” bà hỏi cô gái, “cháu muốn cậu ta ngắm nhìn cháu suốt đời suốt kiếp không?”

“Có ạ, “ cô gái nói.

Cô Malin nhìn bọn họ với vẻ mãn ý. “Rồi thì, ôi Chúa ơi,” bà nói với vị Hồng Y, “ngài sẽ bằng lòng tổ chức hôn lễ cho hai con người này chứ ? Sự hiện diện của ngài là tối quan trọng đấy ạ.”

Ánh mắt vị Hồng Y nghiêm trang hướng về gương mặt bọn họ, những gương mặt giờ đã ửng hồng lên như thể đương đứng trước đống lửa rực cháy. “Ta đồng ý,” lão nói. “Đỡ ta dậy nào.” Kẻ sắm vai chú rể giúp lão đứng dậy.

“Các cháu sẽ,” Cô Malin nói, “được vị Hồng Y tổ chức hôn lễ cho các cháu, một người họ Nat-og-Dag làm phù dâu, điều mà sau này chẳng ai có được đâu. Đám cưới của các cháu xét theo mọi nhẽ còn mãnh liệt hơn đám đông lãnh đạm thường vây quanh tán tụng bọn ta chứ, bởi cậu phải ngắm nhìn, lắng nghe, cảm nhận, tìm hiểu về cô ấy với nguồn sinh lực mà cậu muốn sử dụng để nhảy bổ xuống biển khơi từ cây cầu Langebro ấy. Một nụ hôn sẽ là lời tuyên bố cho một cặp đôi mới ra đời, và vào lúc bình mình cậu sẽ kỷ niệm đám cưới vàng của mình.”

“Ôi Chúa ơi,” bà nói với vị Hồng Y, “tình cảnh này sao mà lạ thường thế nhỉ - bởi bọn ta nào có nhu cầu sinh sôi nảy nở, bởi con thuyền đó nào có thể chuyên chở gì thêm ngoài bọn ta, và bọn ta nào có liều mà dan dan díu díu, ta cảm thấy rõ mà; còn về chuyện đồng hành với người lạ, bọn ta có muốn cũng chẳng thể thoát được - ta nghĩ rằng ngài sẽ phải tạo cho bọn ta một nghi thức kết hôn kiểu mới đấy.”

“Ta nhận thức được điều đó,” vị Hồng Y nói.

Để tạo ra khoảng không gian sáng sủa tại trung tâm đám người, Cô Malin giơ cao ngọn đèn nhỏ trên bàn tay để móng dài, rồi Calypso gạt mẩu bánh mỳ và vại rượu sang một bên. Con chó, khi thấy nhóm người sắp đặt lại vị trí, bật dậy và ngập ngừng bước vòng quanh. Rốt cuộc nó ngồi xuống bên cạnh cô dâu trẻ.

“Quỳ xuống nào, mấy đứa nhóc này,” vị linh mục lên tiếng.

Lão đứng lên, thân hình nặng nề và cao lớn phủ chiếc bóng lên bọn họ trong gian buồng nhá nhem và rộng lớn. Đúng lúc ấy, có ngọn gió khe khẽ nổi lên, bọn họ nghe thấy tiếng dòng nước rì rào bên dưới.

“Ta chẳng thể,” Vị Hồng Y cất lời vô cùng chậm rãi, “tại đây đêm nay, mà đòi hỏi phải có thánh đường nguy nga, hay sự hiện diện của giáo đoàn, mà chứng giám cho lễ thành hôn này. Ta không có thời gian để chỉ bảo hay chuẩn bị cho các con. Vì thế các con buộc phải chấp nhận độc chỉ có lời tuyên xưng dành cho các con dựa trên thầm quyền của ta. Hai con, ta nhận thấy,” ông tiếp tục sau hồi ngưng lại, “đều mất niềm tin vào tính gắn kết và công lý trên đời. Hãy đặt niềm tin vào ta lúc này; ta sẽ giúp các con. Các con có nhẫn chưa?”

Hai bạn trẻ không có nhẫn, thiếu nó thì quả là rắc rối, nhưng Cô Malin tháo viên kim cương cực kỳ lộng lẫy ra, trao cho ông lão.

“Jonathan,” lão nói, “hãy đeo chiếc nhẫn này lên ngón tay cô gái.” Chàng trai làm như vậy, và vị Hồng Y đặt tay lên đầu từng con người đương quỳ xuống bên dưới. “Jonathan,” vị Hồng Y lại lên tiếng, “giờ con có tin rằng mình đã thành hôn chưa?”

“Có ạ,” Jonathan nói.

“Còn con, Calypso?” vị Hồng Y hỏi cô gái.

“Có ạ,” cô đáp thì thầm.

“Vậy là các con sẽ,” vị Hồng Y tiếp lời, “kể từ nay, yêu thương và tôn trọng nhau cho tới trọn đời, cho đến hơi thở cuối cùng và kể cả khi cái chết tìm đến và khi sang cõi vĩnh hằng?”

“Dạ vâng ạ,” bọn họ nói.

“Thế là,” vị Hồng Y nói, “các con đã nên vợ nên chồng.”

Cô Malin ở bên cạnh, đứng thẳng người, giữ ngọn đèn như một bà đồng cốt.

Mấy giờ ngơi nghỉ trong gian gác cỏ khô không giúp cho lão Hồng Y khỏe lên, ông có lẽ đã cạn kiệt toàn bộ sức lực. Cử động của ông có vẻ còn kém vững vàng hơn lúc bước ra khỏi con thuyền. Điệu bộ ông dường như lảo đảo, lạ lùng thay, ứng với mỗi lần có tiếng nước động.

“Về lễ giáo trong hôn nhân,” lão nói, “và vấn đề ân ái, ta đồ rằng chẳng đứa nào trong hai con biết gì về những chuyện này?” Hai người trẻ lắc đầu. “Ta chẳng thể,” vị Hồng Y lại lên tiếng, “lúc này có được cuốn Kinh Thánh và Giáo Phụ để chứng giám cho những lời ta nói với các con. Ta thậm chí chẳng thể, bởi ta mệt mỏi quá, đọc to lên những đoạn kinh sách và những tấm gương để từ đó khai sáng và chỉ dẫn cho các con. Lại thêm lần nữa các con sẽ chấp nhận lời tuyên xưng dựa trên thẩm quyền của ta như một người vô cùng lớn tuổi đã trải qua cuộc đời lạ lùng và dài đằng đẵng trong vai nhà nghiên cứu những vấn đề linh thiêng. Những vấn đề, ta bảo các con nghe, linh thiêng. Jonathan, liệu con có trông đợi và gìn giữ chúng như vậy không?”

“Được ạ,” Jonathan đáp.

“Còn con, Calypso?” lão hỏi cô dâu.

“Được ạ,” cô nói.

“Vậy là mọi thứ đã xong xuôi,” vị Hồng y nói.

Bởi trông lão có vẻ như chẳng thể nói tiếp được nữa, hai con người trẻ tuổi vừa thành hôn, ngay sau đó, bật dậy, nhưng bọn họ bị xúc động mạnh đến nỗi chẳng thể thoát ra khỏi nó. Cứ đứng đó, bọn họ nhìn nhau lần đầu tiên kể từ khi được tuyên bố đã kết hôn, và ánh nhìn đó cuốn trôi hết vẻ ngượng ngùng từ phía cả hai bạn trẻ. Bọn họ quay trở về chỗ của mình trong đống cỏ khô.

“Về phần tôi và bà, thưa Quý Bà,” vị Hồng Y lên tiếng, giọng nói vọng qua mái đầu các bạn trẻ sang phía Cô Malin, mà dường như ông quên rằng mình chẳng còn ở trên bục giảng kinh nữa, bởi ông tiếp tục nói nghiêm nghị như trong khi cử hành hôn lễ, “những kẻ ngoài cuộc trong sự kiện này, và những người biết nhiều về chuyện ái tình và hôn nhân, bọn ta sẽ xem câu chuyện này, hơn hết thảy mọi điều, là lời chỉ bảo cho bọn ta về lòng can đảm phi thường của Đấng Tạo hóa ra thế gian. Bất kể con người nào, ta tin rằng, cũng đều có lần để tâm đến ý tưởng tạo dựng thế giới của riêng mình. Đức Giáo hoàng, bằng lời lẽ tán tụng, cổ vũ những suy nghĩ đó trong ta hồi trai trẻ. Ta khi ấy suy nghĩ rằng mình có thể, giá mà ta được trao cho quyền uy tự do và tuyệt đối, sẽ tạo dựng nên một thế giới tuyệt vời. Ta từng nghĩ về những hàng cây và con sông, về những thanh điệu khác biệt trong âm nhạc, về tình bằng hữu và sự trong trắng; vậy mà xin lấy danh dự của ta ra mà cam đoan, ta chẳng dám sắp đặt chuyện ái tình và hôn nhân như vậy đâu, và bởi thế nên thế giới của ta đáng buồn thay đã lạc lối. Đó là bài học làm choáng váng mọi người nghệ sỹ! Đừng có e sợ làm điều ngờ ngệch, đừng chùn bước trước điều kỳ quái. Khi ở vào thế tiến thoái lưỡng nan, hãy chọn lấy giải pháp chưa ai nghe nói đến, giải pháp liều lĩnh nhất. Hãy can đảm lên, can đảm lên! Ôi chao, thưa Quý Bà, chúng ta có quá nhiều thứ còn phải học.”

Nói đến đây, ông chìm sâu vào suy tưởng.

Khi ngồi xuống, vị trí ngồi của bọn họ không thay đổi nhiều so với trước, trừ việc hai con người vừa mới thành hôn giờ ngồi gần nhau hơn, và tay trong tay. Đôi khi bọn họ cũng hướng gương mặt về phía nhau. Chiếc đèn lồng đặt trên sàn ngay trước mặt họ. Cô Malin và vị Hồng Y, sau nỗ lực cử hành hôn lễ, tiếp tục im lặng trong khoảng nửa giờ, làm ít hớp rượu gin.

Cô Malin ngồi thẳng người, mà lúc này bà trông như thể tử thi để quá hai tư giờ. Bà vô cùng xúc động và hạnh phúc, như thể bà thực sự trao đi người con gái trong lễ cưới. Cơn rùng mình hồi lâu chạy suốt từ đầu tới chân bà. Rốt cuộc khi bà tiếp nối cuộc đàm thoại trở lại, giọng yếu ớt, nhưng bà mỉm cười. Chắc có lẽ bà đương ngẫm ngợi về đám cưới và Vườn Địa Đàng.

“Thế ngài, ôi Chúa ơi,” bà hỏi, “có tin vào sự sa ngã của con người hay không?”

Vị Hồng Y suy nghĩ cặn kẽ câu hỏi của bà một hồi lâu, rồi ông cúi người về phía trước, khoanh tay đặt lên đầu gối, rồi khẽ kéo chiếc băng quấn đầu nhô lên khỏi vầng tráng ra đằng sau.

“Đó là vấn đề,” ông nói bằng chất giọng hơi khang khác, đầy đặn hơn trước, mà nó còn mang theo nguồn sinh khí lớn hơn nhiều, cứ như thể lúc này đây lão trẻ ra mười tuổi vậy, “mà ta đã bỏ hằng bao thì giờ nghiền ngẫm . Thật thú vị khi ta có dịp được nói về nó đêm nay.”

“Ta bị thuyết phục rằng,” ông tuyên bố, “sự sa ngã là có, nhưng ta không cho rằng kẻ sa ngã là con người. Ta tin rằng có sự sa ngã ở chốn linh thiêng. Chúng ta giờ đây đang phụng sự một thiên đình suy vi.”

Cô Malin đã chuẩn bị sẵn sàng cuộc tranh biện tài trí, mà lời phát biểu đó khiến bà choáng váng, và trong giây lát, bàn tay nhỏ nhắn của bà vẫn còn giơ lên che tai. “Lời lẽ đó thật quá khủng khiếp với đôi tai người theo phe Chính Thống,” bà gào lên.

“Thế thì chúng phải là thế nào,” vị Hồng Y nghiêm nghị nói, “trên đôi môi người theo phe Chính Thống? Ta từng cản ngăn thốt ra lời đó suốt bảy mươi năm qua. Mà bà đã hỏi ta, thưa Quý Bà, và, nếu sự thật phải được phơi bày, thì đây là địa điểm thích hợp và đêm này là dành cho nó. Thỉnh thoảng có xảy đến, trên thiên đình, cuộc lật đổ kinh hoàng, hệt như cuộc Cách mạng Pháp dưới hạ giới, và nó kéo theo hậu quả về sau. Thế gian ngày nay, như nước Pháp ngày nay, dưới quyền hành của một Louis Philippe(78).”

“Truyền thống thì vẫn còn theo,” ông tiếp tục, “từ thời le Grand Monarque(79) le Grand Siècle(80). Nhưng không một con người nào cảm nhận được về những điều cao quý lại có thể tin rằng vị Thiên Chúa tạo ra những vì sao, biển cả, hoang mạc, thi nhân Homer và hươu cao cổ, lại chính là vị Thiên Chúa lúc này đương tạo ra, và ủng hộ, vị Vua nước Bỉ, trường Thi ca Schwaben và những lý tưởng đạo đức thời nay. Hai ta rốt cuộc có thể nói về điều đó. Chúng ta đương phụng sự Louis Philippe, một vị Chúa trên trần gian, trong khi vị Vua nước Pháp này là vị Vua của giới tư sản.”

Cô Malin nhìn chằm chằm về phía ông, mặt tái nhợt, miệng khẽ há hốc.

“Thưa Quý Bà,” ông nói, “chúng ta thuộc dòng dõi đại quý tộc Hoàng gia, đời đời giữ chức thế tập trong triều đình, và mang theo phép tắc le Grand Monarque trong huyết quản, có bổn phận đi theo vì vua chính thống, bất kể chúng ta nghĩ sao về ngài. Chúng ta buộc phải giữ vững niềm vinh quang cho ngài. Bởi thần dân không được phép ngờ vực sự cao cả của đấng quân vương, hay hoài nghi rằng ngài có bất kỳ khuyết điểm gì, và trách nhiệm gìn giữ đức tin cho bọn họ đặt vào bà và ta, thưa Quý Bà. Tay thợ cạo trong triều đình làm sao có khả năng giữ vững chính kiến bản thân; hắn ta đã phải thì thầm với đám cây sậy về đôi tai lừa của nhà vua(81). Mà bọn ta – bọn ta là đám thợ cạo sao? Không, thưa Quý Bà, bọn ta không phải là đám thợ cạo.”

“Chẳng phải bọn ta đã gắng hết sức mình rồi sao?” Cô Malin kiêu hãnh cất tiếng hỏi.

“Đúng thế,” vị Hồng Y đáp, “bọn ta đã gắng hết sức mình. Khi bà nhìn quanh, thưa Quý Bà, bà nhận ra khắp nơi đều là thành tựu của những con người trung thành, những con người chiến đấu, thầm lặng, để vinh danh nhà vua. Ta có thể nêu tên cho bà hằng bao tấm gương lịch sử, về những chiến công mà ta còn nhớ đến. Ta sẽ chỉ đưa ra cho bà một số ví dụ thôi. Chúa tạo ra lớp vỏ bọc, thứ vỏ bọc đẹp đẽ, mà chẳng hơn gì cái thứ Louis Philippe vớ được lúc nghịch ngợm với cây thước com-pa. Từ vỏ bọc đó, bọn ta tạo nên toàn là thứ nghệ thuật rococo(82), thứ trò đùa vui quyến rũ, trong lòng tinh thần thời Grand Monarque đích thực. Và nếu bà đọc lịch sử những vĩ nhân, bà sẽ phát hiện ra rằng các quý ngài và quý cô trong buồng ngủ cũng đang lao động, để phụng sự cho vị chủ nhân hằng sống mãi trong ta. Giáo hoàng Alexander(83) và con cái ông ta, theo những nghiên cứu lịch sử mới cập nhật, là một đám nông dân, chỉ quen làm vườn và trang trí nhà cửa, chan hòa tình cảm gia đình, et violà tout(84) - hiển nhiên là có sự nhúng tay vào của Louis Philippe. Mà từ nguồn tư liệu sai lạc đó, chúng ta tạo nên chân dung gia tộc Borgia cho mình. Bà sẽ còn khám phá ra điều hệt như vậy trong lịch sử nếu bà tìm hiểu sâu thêm thông tin về những người nổi tiếng trong lịch sử. Hoặc thấm chí là, thưa Quý Bà, liệu bà chưa để tâm,” ông lão tiếp tục, “đến cái chết: nó là thứ gì chứ, trong thời nay, dưới quyền hành của Louis Philippe? Sự phủ nhận, sự thối rữa, chẳng có cái gì hợp lẽ trước nay cả. Mà nhìn vào những gì chúng ta gây dựng cho nó, trung thành với vị Đức Chúa đã rời xa bọn ta: Lăng mộ Đế vương Escurial, hỡi Quý Bà, bản “Hành khúc Tang lễ” của Herr(85) Ludwig von Beethoven. Chúng ta làm sao có thể làm nên những điều như thế - loài người tội nghiệp như bọn ta, và, hơn nữa, chính bọn ta đều phải góp phần nhỏ bé vào đó - nếu như bọn ta không chất chứa trong lòng mình tình yêu bất diệt với vị Đức Chúa đã rời bỏ bọn ta, bậc du hành vĩ đại, đấng mà dòng họ nhà ta tuyên thệ lòng trung thành đặt lên trên hết.”

“Mà dẫu có thế nào,” ông tiếp tục, vô cùng nghiêm nghị, “cái kết đương đến gần rồi. Ta nghe thấy tiếng gà trống gáy. Vua Louis Philippe không thể tồn tại lâu được. Theo đuổi sự nghiệp này, dòng máu Roland của chính ông ta sẽ bị đổ đi phí hoài vô ích. Ông ta có mọi phẩm chất của một nhà tư sản cừ khôi, và không hề chứa chấp thói trụy lạc của nhà Grand Seigneur(86). Ông không hề đòi hỏi gì ngoại trừ trở thành công dân đâu tiên trên vương quốc mình, và không cần đặc ân gì ngoài trừ lợi ích đem lại do lòng trung thành của ông ta đối với nguyên tắc đạo đức của giai cấp tư sản. Khi tình hình đến nước này, những ngày tháng bảo hoàng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Ta sẽ tuyên bố một lời phán truyền rằng, thưa Quý Bà: vị Vua tốt lành của nước Pháp sẽ không tồn tại quá mười ba năm nữa đâu. Còn vị Chúa lòng thành, đấng mà Louis Philippe và giai cấp tư sản của ông ta thờ phụng ngày nay, ngài sở hữu mọi đức hạnh của con người công chính; ngài chẳng đòi hỏi đặc quyền linh thiêng ngoại trừ chỉ cần đức hạnh ngài đang có. Bọn ta, bọn ta trông đợi vào quan điểm đạo đức của vị Chúa chẳng hơn gì điều bọn ta muốn yêu cầu vị Vua vĩ đại của chúng ta phải chịu trách nhiệm trước luật hình sự. Vị Chúa nhân đức phải chia sẻ số phận với vị Vua tư sản. Bản thân ta được những con người nhân đức dạy dỗ rằng phải tin tưởng vào vị Chúa nhân đức. Đó quả thực là điều không tài nào chịu đựng nổi đối với ta. Ôi chao, thưa Phu Nhân, nó đúng là điều mặc khải mà, đúng là niềm vui sướng với trái tim ta, khi, hằng đêm ở Mexico, ta cảm thấy truyền thống vĩ đại lại trỗi dậy từ vị Chúa đã không còn để tâm đến lời răn dạy chúng ta. Bởi vì như thế, thưa Quý Bà, chúng ta đang khát khao một cứu cánh đã biến mất.”

”Để chúng ta được đền đáp trên thiên đường,” Cô Malin nói.

“Ôi, không, thưa Phu Nhân,” ông tiếp tục, “bọn ta sẽ chẳng được nhận vào thiên đường đâu, cả bà và ta. Hãy nhìn vào những con người được Vua Louis Philippe ngày nay tặng thưởng, đề bạt địa vị và chức vụ của kẻ ngang hàng vào vị trí quyền cao chức trọng. Bọn họ là những nhà tư sản yên ổn, toàn thể bọn họ; không có cái tên nào đứng trong hàng ngũ quý tộc xưa kia xuất hiện trong danh sách. Bà hay tôi chẳng ai có thể thành công trong việc làm hài lòng Đức Chúa ngày nay; bọn ta có khi còn làm ngài tí nữa là phát cáu ấy chứ, và chẳng có gì là khó hiểu khi ngài chứng tỏ điều đó thông qua cách hành xử đối với bọn ta. Tầng lớp quý tộc cũ, phong thái và chính cái tên mang lại truyền thống thời Đại Vương, bắt buộc phải trải qua đôi chút khó khăn với Vua Louis Philippe.”

“Vậy bọn ta chẳng có chút hy vọng nào ở trên thiên đình à, cả ngài và ta?” Cô Malin kiêu hãnh cất tiếng hỏi.

“Ta tự hỏi liệu bà có háo hức muốn vào đó không,” lão Hồng Y hỏi, “nếu ngay từ đầu bà được phép liếc nhìn vào chốn đó. Ắt hẳn đó là chốn hò hẹn của giới tư sản. Hỡi Quý Bà, trong suy nghĩ của ta không bao giờ có người nghệ sỹ lớn mà lại thiếu đi một chút phô trương; kể cả là vì vua vĩ đại hay thánh thần cũng không khác đi được. Tính cách phô trương là tối cần thiết nơi triều chính, nhà hát, hay trên thiên đường. Sấm sét và chớp giật, trăng non mới nhú, chim sơn ca, người thiếu nữ - tất cả đều phần nào mang nét phô trương, mang nét khoe khoang diệu vợi. Cái gallérie de glaces(87) tại Versailles cũng vậy thôi. Mà Vua Louis Philippe lại không mang một giọt máu khoe mẽ nào trong người; ông ta thật sự đáng tín cẩn từ đầu tới chân. Thiên đường, những ngày này, cũng chính là vậy đấy. Bà và ta, thưa Quý Bà, không được dạy dỗ để thỏa mãn điều hợp lẽ đó. Bọn ta sẽ mang hình hài hợp hơn dưới địa ngục. Bọn ta được rèn giũa cho nó đấy.”

“Thật thỏa lòng, thưa Quý Bà, khi được làm điều mà người ta được rèn luyện kỹ càng. Ắt hẳn nó cũng làm thỏa lòng bà, tôi chắc vậy, khi nhảy điệu minuet. Bọn ta hãy đưa ra một ví dụ. Bọn ta hãy nói về chuyện hồi còn nhỏ ta được rèn giũa làm điều gì đó. Mục đích là để tranh biện, chúng ta hãy nói về chuyện diễn trò đu dây nhào lộn. Ta từng được chỉ dạy làm điều đó, bị ép học cái trò đấy. Nếu ngã xuống và gãy xương, ta vẫn phải tự đứng dậy đi tiếp. Mẹ ta từng dốc hết vốn liếng để mời thầy dạy nhảy về chỉ bảo cho ta. Rồi ta trở thành một vũ công đu dây cừ khôi, phải nói là vũ công đu dây cừ khôi nhất thế giới. Điều đó thật tuyệt vời, khi ấy, khi trở thành một vũ công đi dây. Rồi ta sẽ được tưởng thưởng hậu hĩnh vào lúc, trong dịp trọng đại nào đó, tại buổi biểu diễn dành cho vị vua ngoại quốc vĩ đại, nhà Vua của ta bảo với vị khách đế vương của mình rằng: “Ngài nhất định phải xem màn diễn này, hỡi Đức Vua, người anh em của ta; đó là màn trình diễn hoàn hảo nhất, từ tên nô bộc Hamilcar của ta, gã vũ công đu dây nhào lộn!” Mà giả như ông ta lại nói, thưa Quý Bà, “Màn đu dây này chẳng ra cái gì cả. Đó là màn trình diễn thô thiển, ta cho ngừng nó lại nhé”? Thế cái trò gì bây giờ, về phía Nhà Vua, bắt ta phải biểu diễn?”

“Bà từng đến Tây Ban Nha chưa, thưa Quý Bà?” ông hỏi bà cô già.

“Ồ, rồi ạ,” Cô Malin nói, “đất nước tươi đẹp, Chúa ơi. Ta từng nghe thấy những dạ khúc ngân vang từ dưới ô cửa sổ, và chân dung ta được đích thân Quý ông Goya vẽ đấy.”

“Bà từng đi xem đấu bò ở đó chứ?” Vị Hồng Y hỏi.

“Rồi ạ,” Cô Malin nói. “Đó là trò vô cùng kỳ thú, dẫu không hợp với tôi.”

“Đó là một trò kỳ thú,” vị Hồng Y nói. Và bà tượng tượng thế nào, thưa Quý Bà, về điều con bò nghĩ về nó? Con bò tầm thường có lẽ nghĩ thế này: “Xin Chúa hãy thương xót cho con, tình cảnh lúc này khốn nạn quá. Thật là thảm họa, ôi thôi mới đen đủi làm sao. Mà phải đành cam chịu thôi.” Rồi nó cảm tạ sâu sắc, thậm chí xúc động tới tuôn trào dòng lệ tủi hèn, nếu như nhà Vua, giữa cuộc đấu bò, phán lệnh cho cuộc đấu ngừng lại, bởi thương xót cho nó. Mà với con bò đấu sĩ thuần chủng sẽ tiếp tục theo đuổi cuộc đấu, và nói: “Trông kìa, đây là cuộc đấu bò.” Nó sẽ để máu nóng trong người nó xộc lên ngay lập tức, rồi chiến đấu đến chết, bởi nếu không thì còn đâu là cuộc đấu bò được tạo nên từ những điều như thế nữa. Người ta cũng sẽ biết đến nó sau hằng bao năm là con bò đen đúa đã trình diễn một trận đấu tuyệt vời đến thế, và đã giết chết gã đấu sĩ. Mà nếu, ở giữa màn kịch chiến, khi con bò đã đổ máu, nhà Vua lại quyết định cho ngừng lại, thì con bò chiến binh đích thực sẽ nghĩ thế nào về điều này? Nó có thể tấn công khán giả, thậm chí cả người chủ trì lễ hội vào lúc đó. Nó sẽ gầm lên vào bọn họ: “Các người chắc đã nghĩ thế từ trước rồi!” Thưa Quý Bà, vị Vua chắc muốn thể hiện mình. Ông ta đã nuôi dưỡng và chăm sóc ta vì điều này, và ta sẵn sàng chiến đấu đến chết trước mặt Đại Vương, khi ngài trọng thể tiến vào để chứng kiến ta. Mà ta sẽ bị treo cổ,” ông nói sau một hồi im bặt, với nguồn sinh lực lớn lao, “nếu ta quyết trình diễn trước Louis Philippe.”

“Ôi chao, mà đợi đã,” Cô Malin nói, “ta lại nghĩ tới điều khác nữa. Biết đâu ngài đã lầm khi suy nghĩ về óc hài hước của Vua Louis Philippe. Ông ta có lẽ có sở thích hoàn toàn khác biệt với ta và ngài, kiểu như thích thế gian bị đảo lộn vậy, giống như Nữ hoàng Nga, để mua vui cho bản thân, bắt những ngài Ủy viên Hội đồng cao tuổi của mình, mặc cho gương mặt nhòa lệ, phải khiêu vũ trong vở ballet trước mặt bà, còn những vũ công ballet thì lên ngồi lên trên hội đồng. Điều đó, Chúa ơi, có thể chính là ý tưởng tạo trò vui của ông ta thôi. Ta sẽ kể ông nghe câu chuyện nhỏ khiến bản thân ta thấy sáng tỏ, nó cũng thích hợp lúc này nữa, bởi bọn ta đương nói về màn đu dây nhào lộn.

“Cách đây hai mươi năm khi ta ở Viên,” bà bắt đầu, “có một cậu trai dễ thương với cặp mắt to tròn xanh thẳm gây ra cảnh náo động khủng khiếp bằng màn bịt mắt đu dây. Cậu ta nhảy múa với vẻ uyển chuyển và khéo léo tuyệt vời, mà chuyện bịt mắt là thật sự, mảnh khăn được một người từ phía khán giả buộc quanh mắt cậu. Màn trình diễn của cậu mang đến cảm xúc mãnh liệt vào thời điểm đó, rồi cậu được triệu đến để biểu diễn trước Hoàng Đế và Nữ Hoàng, hoàng tử và công chúa, cùng triều thần. Vị bác sỹ nhãn khoa đại tài, Giáo sư Heimholz, cũng có mặt. Cậu được Hoàng Đế triệu đến, bởi mọi người bàn tán về khả năng thấu thị. Mà khi kết thúc màn trình diễn cậu bật dậy và hô lên: “Muôn tâu Bệ Hạ,” cậu nói, trong vẻ vô cùng rối bời, “và toàn thể Triều đình, tất cả đều là lừa bịp, đều là gian trá.”

“Không thể nào là lừa bịp được,” viên bác sỹ nhãn khoa triều đình nói, “đích thân ta buộc dải khăn quanh mắt cậu bé vô cùng cẩn thận.”

“Tất cả chỉ là lừa bịp và gian trá,” vị chuyên gia đại tài phẫn nội bác lại. “Đứa trẻ kia khi sinh ra đã mù sẵn rồi.”

Cô Malin ngưng lại một lát. “Thế nào đây,” cô nói, “nếu như vì vua Louis Philippe của ngài sẽ nói, khi xét thấy bọn ta mang dáng vẻ hoàn hảo nơi địa ngục: tất cả chỉ là trò lừa bịp. Những kẻ này vốn ở địa ngục từ khi sinh ra rồi.” Bà khẽ cười.

“Thưa Quý Bà,” vị Hồng Y lên tiếng sau hồi im lặng, “bà có sức tưởng tượng thật mãnh liệt, và có dũng khí tuyệt vời.”

“Ôi trời, tôi là một người Nat-og-Dag mà,” Cô Malin khiêm nhường nói.

“Mà bà đâu có,” vị Hồng Y nói, “chút nào...”

“Hâm hâm sao?” bà cô già nói. “Ta nghĩ rằng ông cũng nhận ra điều đó mà, ôi Chúa ơi.”

“Không,” ông nói, “đó chẳng phải điều ta muốn nói. Mà là đâu có chút nào ác cảm đối với vì Vua nước Pháp đâu. Trong khi đáng lẽ ta ở vị thế thấu hiểu ông ta rõ hơn bà. Ông ta theo tư sản, chứ nào phải đám vô lại.

“Ta sẽ kể cho bà nghe một câu chuyện,” ông lão tiếp tục, “bởi ta chưa đóng góp gì cho cuộc vui đêm nay. Ta sẽ kể nó ra chỉ để minh họa rằng - xin bà cho phép, thưa Quý Bà - còn có những điều tồi tệ hơn kiếp đọa đày, và ta sẽ gọi nó là...” ông ngẫm ngợi một lát - “Ta sẽ gọi nó là “Món rượu của lão Chư hầu”.’

“Chuyện xảy ra vào Thứ Tư đầu tiên sau ngày Phục Sinh, khi mà,” vị Hồng Y bắt đầu, “Tông Đồ Simon, còn gọi là Peter, đương bước xuống đường phố Jerusalem, chìm đắm mải miết theo suy nghĩ về cuộc phục sinh ấy đến nỗi ông chằng biết mình đang bước đi trên mặt đường hay đương được khiêng đi trong không trung nữa, ông để ý thấy, khi đi ngang qua Ngôi đền, có gã đương đứng cạnh cây trụ cột đợi chờ mình. Khi ánh mắt họ gặp nhau, gã người lạ tiến tới và nói với ông. “Chẳng phải ông từng ,” hắn nói, “ở bên Jesus xứ Nazareth sao?”

“Phải, phải, phải,” Peter vội đáp.

“Thế thì ta rất muốn được trò chuyện với ông,” hắn nói. “Ta không biết phải làm gì. Liệu ông sẵn lòng vào tửu quán đằng kia, và uống với ta vài ly?” Peter, bởi chẳng thể thoát khỏi dòng suy tư đè nặng lên bản thân để tìm lời chối từ, đã đồng ý, và ngay lập tức hai người ngồi bên trong tửu quán.

“Người lạ dường như biết rõ nơi này. Hắn ngay lập tức dành lấy cho mình chiếc bàn tại góc buồng để thoát khỏi sự dòm ngó của khách khứa cứ thi thoảng lại ra ra vào vào quán, và còn gọi mang lên món rượu hảo hạng cho mình và vị Tông đồ. Lúc này Peter mới ngắm nhìn con người này, thấy rằng hắn mang dáng vẻ đầy ấn tượng. Hắn là gã trai ngang tàng, nước da ngăm ngăm, thân hình đậm chắc. Hắn ăn mặc tồi tàn và khoác tấm áo choàng da dê vá chằng vá đụp, nhưng cùng với đó hắn lại đội tấm khăn choàng đỏ thắm tuyệt đẹp, và đeo dây chuyền vàng trên cổ, bàn tay thì mang đầy những chiếc nhẫn vàng nặng trĩu, một chiếc còn gắn viên ngọc lục bảo to đùng. Cơ hồ Peter cảm thấy mình từng gặp con người này ở đâu đó, trong cảnh đáng sợ và hỗn loạn khủng khiếp; dẫu vậy, ông không nhớ ra là ở đâu.

“Nếu đúng ông là một trong những môn đệ của vị Nazareth ấy,” hắn nói, “ta muốn hỏi ông hai câu hỏi. Ta cũng sẽ nói cho ông biết lý do của ta, vì sao lại đi hỏi điều đó, khi chúng ta trò chuyện.”

“Ta sẽ rất vui nếu có thể giúp được anh theo cách nào đó,” Peter nói, đầu óc vẫn để đi đâu.

“Thôi được,” người đó hỏi,”thứ nhất: chuyện có thật không, điều bọn họ kể về vị Rabbi(88) mà ông phụng sự, và kẻ đó trỗi dậy từ sau cái chết?”

“Vâng, đó là sự thật,” Peter nói, thậm chí cảm thấy trái tim mình đập mạnh khi tuyên bố ra điều đó.

“Hơn thế, ta còn nghe đồn thế này,” người này nói, “mà ta không biết chắc. Vậy có đúng thật là đích thân người đó nói với ông, trước khi bị đóng đinh trên cây thập ác, rằng người đó sẽ trỗi dậy?”

“Đúng vậy,” vị Tông đồ lên tiếng, “ngài bảo ta như vậy. Bọn ta biết rằng điều đó sẽ xảy ra.”

“Thế lúc ấy, ông nghĩ rằng,” người lạ hỏi, “mọi lời người đó tuyên bố nó nhất định sẽ thành sự thật sao?”

“Không gì trên thế gian này chắc chắn hơn thế,” Peter đáp. Hắn ngồi thinh lặng giây lát.

“Ta sẽ kể cho ông nghe tại sao ta lại hỏi ông như vậy,” hắn đột nhiên cất lời. “Bởi tên bạn ta bị đóng đinh trên cây thập giá bên cạnh người đó vào ngày thứ Sáu tại pháp trường. Ông đã thấy bạn ta ở đó, ta nghĩ vậy. Gã được vị Rabbi của ông hứa rằng gã sẽ được ở bên người đó trên thiên đường đúng vào hôm đó. Thế ông có tin rằng gã đã lên thiên đường vào ngày thứ Sáu vừa rồi không?”

“Phải, gã chắc chắn sẽ lên đó và lúc này đang ở đó,” Peter nói. Hắn lại thinh lặng.

“Thôi được, thế thì tốt,” gã nói. “Gã là bạn ta mà.”

“Lúc này cậu nhóc bồi bàn mang rượu theo yêu cầu của kẻ đó. Người này rót ra ly, ngắm nghía, rồi đặt nó xuống. “Rồi còn,” hắn nói, “một việc nữa ta muốn nói với ông. Ta đã gắng nếm hằng bao món rượu trong mấy ngày gần đây, và vị của chúng tất cả đều dở tệ với ta. Ta không biết điều gì xảy đến với món rượu xứ Jerusalem. Từ độ đậm đà đến hương vị đều chẳng còn. Ta nghĩ có thể là do chuyện kinh thiên động địa bọn ta chứng kiến vào chiều thứ Sáu ấy; nó biến tất cả mọi thứ trở nên dở tệ.”

“Ta không nghĩ rằng món rượu này tệ đâu,” Peter nói, để động viên người lạ mặt, bởi hắn trông sầu thảm như muốn chết.

“Không phải vậy sao?” giọng kẻ đó phấn khởi hẳn, và nhấp một chút. “Đúng thế, nó vẫn tệ như vậy,” hắn nói, khi đặt ly xuống. “Thế này mà ông bảo là ngon, có lẽ ông không biết uống rượu? Ta thì biết, và chỉ có món rượu hảo hạng mới khiến ta khoái trá tột cùng. Mà giờ ta chẳng biết phải làm gì cả.

“Giờ về phần gã bạn ta, Phares,” hắn tiếp nối mạch đối thoại, “ta sẽ kể cho ông nghe mọi điều liên quan tới việc gã bị bắt bỏ tù thế nào, và bị hành quyết ra sao. Gã là tên thảo khấu trên cung đường Jericho đi Jerusalem. Trên cung đường này xuất hiện đoàn vận tải rượu do Hoàng Đế La Mã gửi đến như món quà dành cho lão chư hầu Herodes, và trong đó có thùng rượu vang đỏ Capri, giá của nó ở trên trời. Vào tối nọ, tại chính chỗ chúng ta ngồi đây lúc này, ta đương trò chuyện với Phares. Ta nói với gã: “Ta thà chết cũng phải nếm đước món rượu vang đỏ của lão chư hầu đó.” Gã nói: “Vì tình thân của ta dành cho ngươi, và để chứng tỏ cho ngươi thấy ta nào có kém cạnh khi so với ngươi, ta sẽ khử tên cai giám sát việc chuyên chở rồi chôn thùng rượu vang đỏ dưới gốc cây tuyết tùng ở chỗ này chỗ kia trên núi, rồi ngươi và ta sẽ cùng nhau uống món rượu của lão chư hầu.” Gã quả nhiên xong xuôi trót lọt mọi chuyện, nhưng khi đột nhập vào Jerusalem để tìm ta, gã bị một tên trong đoàn chuyên chở nhận ra, kẻ đã thoát thân được, rồi gã bị quẳng vào tù, rồi bị kết án đóng đinh trên cây thập giá.

“Ta nghe được tin tức ấy, rồi tới buổi đêm ta lảng vảng quanh Jerusalem, nghĩ xem có cách nào để cứu gã trốn thoát. Sáng hôm đó, khi băng qua những bậc thềm của Ngôi Đền, ta nhận ra ở đó có lão ăn mày, ta thấy lão hằng bao lần trước đó, lão có chiếc chân bị què, băng bó trên xuống dưới, và còn bị điên nữa. Khi điên lên lão gào thét, rồi phán này phán nọ, oán trách số phận và nguyền rủa những kẻ cai trị thành phố này, phát ngôn nhiều điều thậm tệ nhắm vào lão chư hầu cùng người vợ. Mà sáng hôm đó xảy ra chuyện viên bách binh trưởng lúc băng qua đó cùng binh lính, khi nghe thấy lão ăn mày nói về phu nhân lão chư hầu, y đã phát cáu. Y bảo lão ăn mày rằng nếu còn lặp lại y sẽ bắt lão phải ngủ trong đề lao Jerusalem, rồi y sẽ bắt lão chịu đòn hai mươi lăm gậy vào tối hôm đó, và hai mươi lăm gậy vào sáng hôm sau, để dạy cho lão biết đường ăn nói cung kính với bề trên.

“Ta lắng nghe và suy ngẫm: đây là cơ hội cho ta. Vậy nên suốt cả ngày đó ta đã cạo bỏ râu tóc đi, bôi nhem mặt mình bằng dầu hạt phỉ, rồi mặc đống giẻ rách lên người, và còn băng bó toàn bộ bên chân phải, nhưng bên trong ta giấu chiếc giũa sắc, cứng và một cuộn dây thừng dài. Buổi tối đó, khi ta bước lên bậc thềm Ngôi Đền, lão ăn mày vì quá sợ hãi đã không xuất hiện, thế là đích thân ta thế chỗ lão tại đó. Ngay khi kẻ canh phòng vừa đi qua, ta gào tướng lên, bằng giọng của lão ăn xin điên loạn, những lời nguyền rủa kinh tởm nhất ta có thể nghĩ ra để nhằm vào chính Caesar tại Rome, rồi, y như ta trù tính, tên canh phòng bắt giữ rồi ném ta vào ngục, chẳng ai nhận ra ta trong đống giẻ rách đấy. Ở đó, ta phải ăn hai mươi lăm cú vụt đòn, rồi ta lưu ý đến gương mặt kẻ đã đánh ta, vì cần cho mai này; mà với một đồng bạc ta đã hối lộ cho gã coi ngục để nhốt ta vào ngục tại chính nơi Phares bị giam giữ, nó nằm ở nơi cao nhất trên nhà ngục, ở đó, ông biết đấy, được xây vào hang đá.

“Phares đổ sụp xuống và hôn chân ta, rồi gã đưa cho ta chút nước hắn có, mà sau đó bọn ta bắt tay vào việc giũa song sắt ô cửa. Nó cao quá, lúc thì gã phải đứng trên vai ta, lúc thì ta đứng trên vai gã, mà tới gần sáng bọn ta đã phá xong, rồi buộc dây thừng lên chấn song bị phá. Phares tụt người xuống trước, cho đến khi gã chạm đến đầu sợi dây thừng, nó không đủ dài, rồi thả ra bản thân rơi xuống. Rồi ta lao ra ngoài, nhưng ta còn yếu, thành ra quá chậm, nên đúng lúc đó có một toán lính tiến vào với một tên tù. Bọn họ mang đuốc bên mình, mà một trong số đó chợt thấy cảnh ta đang treo lơ lửng vào sợi dây thừng trên tường. Lúc đó Phares có thể chạy trốn, nếu hắn chạy đi, nhưng hắn không chịu đi đến khi nào chứng kiến được chuyện gì xảy đến với ta, và vì thế bọn ta lại bị bắt lại lần nữa, rồi bọn họ nhận ra ta là ai.

“Đó là chuyện đã xảy ra,” kẻ lạ lên tiếng. “Mà lúc nãy ông nói với ta rằng Phares giờ ở trên thiên đường.”

“Qua toàn bộ chuyện này,” Peter nói, mặc dù chỉ lắng nghe bập bõm, “ta cho rằng ngươi quả thực rất là gan đấy, và đã liều cả mạng sống vì bạn bè.” Lúc này hắn thở một hơi thật dài. “Ôi trời, ta đã sống trong rừng rú lâu tới nỗi chẳng biết sợ loài cú là gì,” kẻ lạ nói. “Mà có bất kỳ ai nói với ông về ta rằng ta là cái hạng thấy nguy nan là bỏ chạy chưa?”

“Chưa,” Peter nói. “Mà lúc nãy ngươi nói với ta,” ông nói sau hồi ngập ngừng, “rằng ngươi bị bắt bỏ tù rồi mà. Vậy sao, giờ ngươi lại ở đây, ngươi thoát được bằng cách nào?”

“Phải; ta đã thoát được,” kẻ đó nói, và trao cho Peter cái liếc nhìn vô cùng lạ lùng, “Ta muốn, lúc ấy, trả thù cho cái chết của Phares. Mà bởi gã đã lên thiên đường nên ta không thấy điều gì cần phải bận tâm nữa. Mà giờ ta không biết phải làm gì cả. Chắc ta phải đi đào thùng rượu của lão chư hầu lên để tọng vào họng à?”

“Xin chia buồn với ngươi khi không còn người thân thiết,” Peter nói, và ánh mắt ông nhòa lệ cứ như thể nó còn đọng lại từ chuyện cuối tuần trước. Ông trộm nghĩ có lẽ mình nên quở trách con người này vì đã trộm cắp rượu của ngài chư hầu, mà quá nhiều ẩn ức lại trào dâng trong cõi lòng ông.

“Không, đó chẳng phải điều ta nghĩ đến,” kẻ lạ nói, “mà lại là chuyện nếu món rượu đó cũng thành ra dở tệ và chẳng khiến takhoái trá, thế thì ta biết làm gì đây?”

Peter ngồi chìm đắm trong suy tưởng chốc lát. “Hỡi người huynh đệ,” ông nói, “còn nhiều thứ khác trong đời mang lại vui thú hơn là món rượu của ngài chư hầu mà.”

“Phải, ta biết,” kẻ lạ nói, “mà sẽ ra sao nếu chính chuyện này xảy đến với mấy ả? Ta có hai cô vợ yêu kiều đợi ta ở nhà, và mới chỉ trước khi chuyện này xảy đến ta vừa tậu về một trinh nữ tuổi mười hai. Ta chưa gặp lại cô bé kể từ lúc đó. Ta phải thử với bọn họ mới được, xem ra sao. Mà chuyện kinh thiên động địa kia chắc còn gây cả ảnh hưởng lên mấy ả mất, lại khiến mấy ả chẳng còn hương thơm và xác thịt, lúc ấy ta sẽ phải làm gì đây?”

“Lúc này Peter bắt đầu ước ao tên này ngừng những lời than vãn lại và để cho ông yên. “Tại sao,” ông hỏi, “ngươi lại muốn gặp ta vì chuyện này?”

“Ông nhắc ta mới nhớ,” kẻ lạ nói. “Ta sẽ kể cho ông hay. Ta được người ta loan tin rằng vị Rabbi của ông, vào cái đêm trước khi qua đời, đã tổ chức tiệc tùng với các môn đệ, và lúc ấy có món rượu đặc biệt được mang ra thết đãi, mọn rượu này vô cùng hiếm có và có vẻ gì đó cực kỳ quý giá. Thế bây giờ, liệu ông cón còn chút rượu nào không, và ông sẽ chịu bán lại nó cho ta chứ? Ông muốn thế nào ta cũng trả.”

“Peter chằm chằm nhìn kẻ lạ. “Ôi, Chúa ơi, ôi trời, Chúa ơi,” ông thét lên, tâm trạng kích động cao độ đến mức làm đổ cả rượu, khiến nó chảy xuống sàn, “ngươi không biết mình đang nói gì đâu. Món rượu bọn ta uống vào đêm Thứ Năm ấy, đến cả Hoàng Đế La Mã cũng chẳng thể trả nổi để mua lấy một giọt.” Cõi lòng ông bị vò xé khủng khiếp đến nỗi ông loạng choạng chao đảo trên chỗ ngồi. Dẫu vậy, trong nỗi đau buồn, những lời của Đức Chúa, những lời biến ông phải trở thành nhà truyền giáo, lại vọng về, và ông suy xét rằng có lẽ bổn phận của mình là phải giúp đỡ con người này, con người có vẻ như chìm trong nỗi cùng quẫn sâu sắc. Ông quay lại với hắn, mà khi trông thấy hắn, điều choán lấy tâm trí ông là gã trai tráng này là kẻ, kỳ thực trên khắp thế gian, chẳng thể nào giúp đỡ nổi. Bản thân bình tĩnh lại, ông nhắc đến một trong những câu nói của chính Đức Chúa.

“Con trai,” giọng nói của ông hiền từ và nghiêm nghị, “cầm lấy cây thập giá của nhà ngươi và đi theo ngài.” Kẻ lạ, đúng vào lúc vị Tông đồ cất lời, đang định mở miệng nói. Giờ hắn ngưng lại và sa sầm ánh mắt hướng về phía Peter. “Cây thập giá của ta!” hắn gào lên. “Cây thập giá của ta đâu? Ai vác mất cây thập giá của ta?”

“Chẳng ai ngoài bản thân ngươi có thể vác cây thập giá của mình,” Peter nói, “mà Người sẽ giúp ngươi mang nó đi. Hãy nhẫn nại và mạnh mẽ. Ta sẽ kể cho ngươi nghe nhiều hơn về toàn bộ chuyện này.”

“Ông định chỉ bảo gì ta về điều đó?” Kẻ lạ nói. “Có vẻ như đối với ta ông chẳng biết gì về điều đó. Giúp đỡ ư? Ai là kẻ mong muốn có sự giúp đỡ bằng cách khiêng vác cái thứ kiểu như cây thập giá mà mấy gã thợ mộc Jerusalem làm ra trong những ngày này? Không phải ta, ông có thể tin chắc là vậy. Cái gã người Cyrene chân vòng kiềng(89) đó sẽ chẳng bao giờ có cơ hội để thể hiện sức mạnh nhân danh ta. Ông nói về sức mạnh và nhẫn nại,” hắn tiếp tục sau hồi ngưng lại,mà vô cùng kích động, “nhưng ta chưa từng bao giờ biết ai khỏe được như ta cả. Hãy nhìn đây,” hắn nói, rồi hất phăng tấm áo choàng ra đằng sau cho Peter thấy bộ ngực và bờ vai, với hằng bao vết sẹo trắng bệch ghê tởm bắt chéo qua. “Cây thập giá của ta! Cây thập giá của Phares ở bên phải, cây thập giá của gã Achaz, kẻ chẳng ra gì, ở bên trái. Ta mà khiêng cây thập giá thì chẳng kẻ nào sánh bằng. Chắc ông chẳng nghĩ rằng ta chịu được quá sáu giờ đồng hồ? Ta chẳng bận tâm lắm tới chuyện đó đâu, ta nói cho ông nghe. Bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của ta, ta đều là kẻ cầm đầu, bọn họ phải ngước mắt về phía ta. Đừng tưởng, bởi lúc này ta không biết ta phải làm gì, thì có nghĩa là ta không có thói quen chỉ bảo kẻ khác phải đi đâu làm gì theo ý mình đâu nhé.”

“Trước lối ăn nói khinh mạn đó Peter sắp sửa đánh mất sự bình tĩnh trước kẻ lạ, nhưng ông đã tự hứa với lòng mình, kể từ lúc ông cắt phăng đi đôi tai của Malchus(90), phải kiềm chế đừng nóng, vậy nên ông không nói gì.

“Kẻ đó nhìn ông hồi lâu, như thể bị ấn tượng bởi vẻ thinh lặng ấy, “Thế ông,” hắn nói, “môn đệ của vị Tiên tri ấy, ông nghĩ điều gì sẽ xảy đến với chính mình lúc này?” Gương mặt Peter, tiều tụy vì sầu khổ, trở nên bừng sáng và giãn ra. Toàn bộ sắc mặt của ông ánh lên niềm hy vọng. “Ta kỳ vọng và tin tưởng rằng,” ông nói, “đức tin của ta, dẫu có phải trải qua dầu sôi lửa bỏng, rồi sẽ nhận được sự tán dương và tôn kính. Ta hy vọng mình được ban nỗi khổ đau và hy sinh vì Đức Chúa. Thậm chí đôi khi, trong mấy đêm gần đây,” ông tiếp tục, hạ thấp giọng, “Ta từng nghĩ ở phía cuối con đường kia có lẽ có cây thập giá đương đợi ta.” Khi nói vậy ông không dám ngước lên nhìn ánh mắt kẻ đó. Ông vội nói thêm, “Dẫu ngươi có thể nghĩ rằng ta khoác lác, và rằng ta quá hèn mọn để đảm đương việc đó.”

“Không,” người lạ nói, “ta nghĩ rất có khả năng tất cả những điều ông vừa nói sẽ xảy đến với ông thật.”

“Ước vọng của bản thân được tin tưởng khiến cho Peter sửng sốt coi đó như thể món quà hào hiệp và bất ngờ nhất đến từ kẻ lạ. Cơn nóng giận trong ông tan biến vì niềm cảm tạ. Ông đỏ mặt như cô dâu. Bởi đó là lần đầu tiên ông cảm thấy trong số bầu bạn có ai đó để tâm thực sự, dường như ông cảm thấy mình nên làm chuyện gì đó cho hắn để đáp lại điều đáng mến hắn đã nói với mình. “Ta lấy làm tiếc,” ông dịu dàng nói, “vì ta chẳng thể làm gì giúp ngươi thoát khỏi gánh nặng đè lên tâm hồn. Mà quả thật ta khó lòng làm chủ được mình, sau quá nhiều chuyện xảy đến mấy ngày qua.”

“Ôi trời,” người lạ nói, “ta chẳng thể mong điều gì tốt đẹp hơn.”

“Trong suốt cuộc trò chuyện,” Peter nói, “đã hai lần ngươi nói rằng ngươi chẳng biết phải làm gì cả. Hãy nói ta nghe xem chuyện gì đã khiến ngươi trở nên hoài nghi như thế này. Thậm chí kể cả món rượu này, thứ mà ngươi nhắc đến ý, ta sẽ gắng cho ngươi lời khuyên.” Kẻ lạ nhìn ông. “Ta không biết phải nói cụ thể về chuyện gì nữa,” hắn nói. “Ta không biết phải làm gì cả. Ta không biết tìm đâu ra món rượu có thể khiến cõi lòng ta hân hoan trở lại. Mà ta đồ rằng,” hắn tiếp tục, sau hồi lặng im, “ta nên đi đào món rượu của lão chư hầu xem sao, rồi ăn nằm với con bé ta đã kể với ông. Ta có lẽ nên thử coi tất cả.”

“Nói xong hắn bật dậy khỏi bàn và phủ tấm áo choàng quanh người.

“Đừng đi vội,” Peter nói. “Dường như đối với ta, còn nhiều điều chúng ta chưa nói hết với nhau mà.”

“Đằng nào ta cũng phải đi thôi,” kẻ đó nói. “Có chuyến chở dầu đang trên đường đi từ Hebron, ta phải tới xem thế nào.”

“Thế giờ anh đi buôn dầu à?” Peter hỏi. “Theo cách nào đó,” kẻ đó nói.

“Mà hãy nói ta nghe, trước khi ngươi đi,” Peter nói, “tên ngươi là gì? Bởi bọn ta có thể còn có dịp trò chuyện, khi nào đó, nếu ta biết chỗ tìm ngươi? Người lạ đã đứng ngay bệ cửa. Hắn xoay người lại và nhìn Peter với ánh mắt ngạo mạn và có vẻ khinh miệt. Trông hắn thật ngang tàng. “Ngươi không biết tên ta sao?” hắn hỏi ông. “Cả cái thành này người ta réo gọi tên ta suốt đó. Chẳng có tên thị dân ngoan ngoãn nào tại Jerusalem mà không dồn hết sức bình sinh mà gào rú lên. “Barabbas(91)!” chúng gào lên, “Barabbas! Barabbas! Hay trao trả Barabbas cho bọn ta!” Tên ta là Barabbas. Ta vốn là kẻ cầm đầu sừng sỏ, và như ngươi từng nói, kẻ có gan đấy. Tên ta sẽ còn được nhớ đến.”

“Nói xong hắn bỏ đi mất.”

Khi vị Hồng Y kể xong câu chuyện, Jonathan bật dậy và thay cây nến mỡ vào trong chiếc đèn lồng, bởi nó đã cháy sắp tàn, và giờ đương bùng lên dữ dội rồi tắt lịm trong phút le lói cuối cùng.

Ngay khi cậu làm xong điều đó thì cô gái kề bên trở nên bợt bạt vô cùng. Ánh mắt cô nhắm lại, và toàn bộ hình hài của cô dường như lả đi. Cô Malin ân cần hỏi thăm xem có phải cô buồn ngủ hay không, mà cô khăng khăng phủ nhận, nhưng có lẽ là vậy thật. Cô đã sống trọn vẹn đêm nay như trước giờ chưa từng được sống. Cô đã đối diện với cái chết và cao thượng lao mình vào lưỡi hái tử thần vì những người cùng hội cùng thuyền. Cô đã trở thành nhân vật trung tâm trong đám người lạ thường này, và giờ cô đã kết hôn. Cô không muốn bỏ lỡ dù chỉ một phút giây trong thời khắc trọng đại ấy. Mà chỉ mười phút sau, chốc chốc mắt cô díp lại dù cố để thức, mái đầu trẻ trung gật lên gật xuống.

Rốt cuộc cô chấp nhận nằm nghỉ ngơi giây lát, và người chồng sửa soạn một chiếc đệm rơm cho cô, cởi áo khoác ra để đắp lên cô. Dẫu vẫn nắm lấy tay cậu, cô hạ người xuống, và trông như, trên nền đất tối tăm, bức tượng cẩm thạch đáng yêu của một thiên thần chết chóc. Con chó, đã ở bên cạnh cô suốt cả tiếng đồng hồ vừa qua, ngay lập tức theo sau, rồi cuộn tròn mình lại, nép sát vào cô, đầu tựa lên đầu gối cô.

Người chồng trẻ ngồi xuống, thảng hoặc dõi theo giấc ngủ của cô, mà lát sau cậu cũng không thể thức thêm được nữa, nằm xuống gần bên cô, đủ sát lại để có thể nắm lấy tay cô. Trong chốc lát còn chưa thiếp đi, thỉnh thoảng cậu ngắm nhìn cô, đôi khi lại ngắm nhìn hình hài ngay ngắn của Cô Malin và vị Hồng Y. Khi rốt cuộc cũng đã thiếp đi, trong giấc ngủ cậu bỗng nhiên giật bắn, nhao người về phía trước, đến nỗi mà mái đầu cậu và cô gái gần chạm vào nhau, mái tóc của bọn họ, trên chiếc gối rơm, đan vào nhau. Một lát sau cậu chìm vào giấc nồng say hệt như người vợ.

Hai con người già cả ngồi thinh lặng trước nguồn sáng từ cây nến mới, ngay từ đầu nó chỉ cháy lên le lói. Cô Malin, người giờ trông như thể mãi mãi cô sẽ chẳng bao giờ ngủ nữa, để tâm đến những kẻ đang thiếp đi với vẻ nhân từ của người mai mối thành công. Vị Hồng Y nhìn bà giây lát rồi lẩn tránh khỏi ánh mắt của bà. Một lát sau ông bắt đầu tháo băng quấn đầu, vừa tháo ánh mắt ông vừa ngước về phía gương mặt bà cô già bằng ánh nhìn trừng trừng lạ lùng.

“Ta nên bỏ cái thứ này ra,” ông nói, “ giờ đã sắp sáng rồi.”

“Ông không còn đau nữa sao?” Cô Malin lo âu hỏi.

“Không,” ông đáp, rồi tiếp tục việc làm của mình. Một lát sau, ông nói tiếp: “Thậm chí nó có phải là máu của ta đâu. Bà, Cô Nat-og-Dag, vốn có con mắt nhìn nhận đâu là dòng máu quý tộc đích thực mà, chắc là bà nhận ra dòng máu thuần chủng quý tộc của lão Hồng Y Hamilcar chứ.”

Cô Malin không động đậy, nhưng gương mặt trắng bệch của bà hơi biến sắc.

“Máu của Đức Hồng Y Hamilcar ư?” bà hỏi bằng giọng hơi mất bình tĩnh. “Phải,” lão nói, “Máu của lão quý tộc già nua ấy. Trên đầu ta. Và cả trên bàn tay ta nữa. Bởi ta đã lấy thanh xà nhà rơi xuống để đập vào đầu lão, trước khi chiếc thuyền đến giải cứu bọn ta sáng sớm hôm nay.”

Trong khoảng đôi ba phút, gian cỏ khô chìm đắm trong sự im lặng. Duy có con chó là cựa quậy, rên lên khe khẽ trong giấc ngủ khi nó rúc đầu vào trong lớp váy của cô gái. Gã đàn ông quấn băng và bà cô già không rời mắt khỏi nhau. Gã chậm rãi cởi hết những dải vải lanh dài lòng thòng, loang lổ vết máu, và đặt chúng xuống. Thoát khỏi mớ vải đó, hắn cho thấy gương mặt to bè, ửng đỏ, phừng phừng, và mái tóc sẫm màu.

“Chúa phù hộ cho con người cao quý ấy được yên nghỉ,” Cô Malin rốt cuộc lên tiếng. “Thế ngươi là ai?”

Gương mặt gã đàn ông hơi biến sắc trước lời bà nói. “Có phải là bà hỏi ta không đấy?” hắn nói. “ Bà đang nghĩ về ta, chứ không phải lão già đó?”

“Ôi trời, bọn ta không cần phải nghĩ về ông ta nữa, ngươi và ta,” bà nói. “Ngươi là ai?”

“Tên của ta,” gã đàn ông nói, “là Kasparson. Ta là tên đầy tớ của lão Hồng Y.”

“Ngươi phải nói ta nghe rõ hơn,” Cô Malin nói với giọng quả quyết. “Ta vẫn muốn biết về kẻ đã trải qua đêm nay cùng ta.”

“Ta sẽ nói cho bà nghe nhiều điều hơn, nếu nó khiến bà vui lòng,’ Kasparson nói, “bởi ta từng đặt chân đến hcùng trời cuối đất, và bản thân ta thích ăn mày dĩ vãng.

“Ta là một diễn viên, thưa Quý Bà, như bà là một người Nat-og-Dag; đấy là thứ vẫn còn lại trong ta bất kể bọn ta có đóng vai gì đi chăng nữa, và nó chính là thứ bọn ta cầu viện đến khi những thứ kia bất thành.”

“Mà hồi còn nhỏ ta biết múa ballet, khi lên mười ba tuổi ta dành được sự chú ý - bởi vẻ uyển chuyển lạ thường, và nhất là do ta đã đạt tới trình độ hiếm thấy trong kỹ thuật múa ballet được gọi là ballon(92), điều này có nghĩa là khả năng vút bay lên, bật khỏi mặt đất và thoát khỏi luật trọng trường - từ các bậc đại quý tộc lớn tuổi ở Berlin. Bố dượng của ta, giọng tenor lừng danh, Herr Eunicke, tiến cử ta trước bọn họ, và tin rằng ta sẽ trở thành mỏ vàng cho ông ta. Trong vòng năm năm ta biết đến thế nào là một người đàn bà kiều diễm, được ăn ngon mặc đẹp, khoác lên mình lụa là và đội turban óng ánh, những thứ đồng bóng chi phối mọi con người. Mà Herr Eunicke, như mọi ca sĩ tenor khác, quên tính đến quy luật thời gian. Tuổi tác thình lình ập đến còn trước cả khi bọn ta mơ về nó, và cuộc đời ta trong đĩ đực hạng sang thật ngắn ngủi.

“Rồi ta tới Tây Ban Nha, trở thành thợ cạo. Ta làm thợ cạo ở Tây Ban Nha trong vòng bảy năm, và ta thích vậy, bởi ta lúc nào cũng có niềm say mê đối với xà bông và nước hoa, thích tất cả những gì gọn gàng sạch sẽ. Bởi lý do đó nên lão Hồng Y thường làm ta sửng sốt khi lão không khó chịu trước việc để bàn tay mình lem nhem vì thứ mực đen đỏ của lão. Ta trở thành, thưa Quý Bà, đúng là một người thợ cạo rất cừ đấy.

“Mà, ta còn từng là thợ in báo chí cách mạng tại Paris, kẻ lái chó ở London, buôn bán nô lệ ở Algiers, và làm tình nhân của bà principezza(94) quả phụ xứ Pisa. Nhờ bà ấy, ta được tham gia chuyến du hành cùng Giáo sư Rosellini, và nhà Đông phương học người Pháp vĩ đại Champollion theo chân đội quân viễn chinh Ai Cập. Ta từng ở Ai Cập, thưa Quý Bà. Ta từng đứng dưới chiếc bóng hình tam giác sừng sững của kim tự tháp vĩ đại ấy, và từ trên đỉnh cả bốn ngàn năm của nó chằm chằm nhìn vào ta.

Cô Malin, bị choáng ngợp trước vai nhà du hành hế giới của tên đầy tớ, mau chóng tìm thấy nơi trú ẩn trong thế giới tưởng tượng mênh mông của mình. “Ôi chao,” bà nói, “tại Ai Cập, dưới chiếc bóng tam giác sừng sững của kim tự tháp vĩ đại ấy, đương lúc con lừa gặm cỏ, Thánh Joseph nói với Đức Mẹ Đồng Trinh: “Ôi chao,” nàng yêu dấu, nàng chẳng thế nhắm mắt lại chốc lát và tin rằng ta là Chúa Thánh Thần được sao?”

Karsparson tiếp tục câu chuyện của mình. “Ta thậm chí từng đến sống ở Copenhagen,” hắn nói, “mà kết cục thì đó chỉ là quãng thời gian khốn nạn của ta. Ta trở thành gã coi chuồng ngựa tại quán trọ qua đêm của một lão phì nộn tên là Bolle Bandsat - cái nơi đó có nghĩa là, xin bà thứ lỗi, cái chốn đáng nguyền rủa, cái chốn chết tiệt, cái xó xỉnh mà nếu chịu trả một xu, bà có thể ngủ dưới sàn, còn nếu trả có nửa xu, thì đứng dậy, với hai tay bị trói bằng sợi thừng. Rồi thì rốt cuộc ta buộc phải trốn chạy khỏi bàn tay pháp luật tại đó, ta đổi tên thành Kasparson, để tưởng nhớ đến thằng nhóc bất hạnh và kiêu hãnh xứ Nürnberg, thằng nhóc tự đâm dao vào mình để khiến Huân tước Stanhope tin rằng nó là đứa con ngoài giá thú của Nữ Đại Công tước Stephanie xứ Baden.

“Còn về phần lai lịch nhà ta nếu bà muốn nghe. Ta hân hạnh được cho bà biết rằng ta là đứa con hoang đàn thuộc về dòng máu hoang đàn thuần chủng nhất hiện còn. Mẹ ta là đứa con đích thực của quần chúng nhân dân, con của một thợ thủ công lương thiện, nữ diễn viên kiều diễm Johanna Handel-Schutz, người đã biến mọi lý tưởng cổ điển sống dậy trên sân khấu. Dẫu vậy bà mắc chứng trầm uất. Trong số mười sáu anh chị em của ta, có đến năm người tự tử. Mà nếu ta kể bà nghe rằng cha ta là ai, chắc sẽ khiến bà thích thú đấy. Khi Johanna đến Paris, vào tuổi mười sáu, để theo học nghệ thuật, bà đã lọt vào mắt xanh của một vị đại lãnh chúa.

“Ta là con trai của Công tước xứ Orléans(94) - con người có quãng kết giao ngắn ngủi với quần chúng nhân theo một cách khác nữa - người khăng khăng muốn người ta gọi mình là citoyen(95), bỏ phiếu ủng hộ việc kết liễu vị Vua nước Pháp băng hà, rồi đổi tên mình thành Êgalité(96)! Đứa con hoang của dòng Êgalité! Liệu còn ai có thể hoang đàn hơn thế, hỡi Quý Bà?”

“Không ai cả,” bà cô già nói, đôi môi trở nên cứng đờ và bợt bạt, chẳng thể thốt nên lời an ủi dành cho con người tái nhợt trước mặt bà.

“Nhà vua tội nghiệp Louis Philippe đó,” Kasparson nói, “ta cảm thấy tiếc cho con người ấy, và đó là người khiến ta thấy xót xa khi thốt lời cay nghiệt đến vậy vào đêm nay – đó là em của ta.”

Cô Malin, kể cả khi phải đương đầu với những nỗi bất hạnh khủng khiếp nhất, cũng chẳng bao giờ có thể ngừng nói được lâu. Bà lên tiếng sau hồi im lặng:

“Giờ hãy nói ta nghe, bởi bọn ta chắc không còn nhiều thời gian nữa, trước hết, tại sao ngươi lại giết Đức Hồng Y? Và thứ hai, tại sao ngươi lại phải nhọc công lừa gạt ta, sau khi ngươi đến đây cùng ta, và biến ta thành kẻ ngốc vào cái đêm có lẽ là cuối cùng của đời mình? Ngươi có gặp bất trắc gì ở đây đâu. Hay là ngươi nghĩ tinh thần ta không đủ tỉnh táo, hay không biết cảm thông với những nơi sâu tối trong cõi lòng, để hiểu được ngươi?

“À,” Kasparson nói, “tại sao ta không nói với bà ư? Khoảnh khắc đó đó, vào cái lúc ta xuống tay với lão Hồng Y, linh hồn ta đã kết giao với số mệnh, với cõi vĩnh hẵng, với linh hồn của Chúa. Chẳng phải bọn ta vẫn phải chấp nhận im lặng trước ngưỡng cửa buồng tân hôn? Hay thậm chí, nếu Hoàng Đế(97) bắt tung hê cho thiên hạ, chẳng lẽ Pythagoras không được phép giữ lẽ cho mình?

“Thế tại sao ta lại giết ông chủ của mình?” hắn tiếp tục. “Thưa Quý Bà, chẳng có hy vọng nào cho cả hai ta có thể được cứu thoát, thế nên ông ta sẽ phảihy sinh mạng sống của mình cho ta. Ta có nên sống tiếp tục trong vai tên nô bộc có ông chủ chịu chết thay, hay đơn giản là ta nên chết đuối và mất tích, một gã giang hồ nhân kết cục buồn thảm?

“Ta bảo với bà rồi: ta là diễn viên. Chẳng lẽ diễn viên lại không có vai diễn? Nếu như từ trước tới nay gã bầu sô rạp hát chịu giữ lại những vai diễn hay cho bọn ta, thì việc gì bọn ta khăng khăng đòi đóng thế vai ngôi sao? Thử thách đảm nhiệm vai diễn ấy có thể thành công hay thất bại. Ta đã đóng tốt vai diễn này. Lão Hồng Y sẽ vỗ tay khen ngợi ta, bởi ông ta là kẻ am hiểu nghệ thuật tuyệt vời. Sir Walter Scott, thưa Quý Bà, cực kỳ thích tiểu thuyết của Wilibald Alexis, Walladmor, tác phẩm ông ta đã ghi tên mình để xuất bản(98), và gọi đó bí ẩn kỳ thú nhất thế kỷ. Lão Hồng Y hẳn sẽ nhận ra bản thân mình trong ta.” Trích lời thoại từ tấn bi kịch vĩ đại, Axel và Walburg(99), hắn chậm rãi lên tiếng:

“Hỡi Đức Chúa cao vời, Thánh Olaf hiển linh,

Ngài khoác hình hài con, chọn con để ẩn mình.

Con là chiếc linh hồn, tinh thần ngài thai nghén

Tấm vỏ bọc nhất thời, cho trí tuệ hằng minh...”

“Duy có một điều,” hắn tiếp tục sau hồi im lặng, “ông ta có thể phê bình, đó là: ông ta có thể cho rằng ta diễn hơi quá lố cái vai này. Ta ở lại trong gian cỏ khô để cứu mạng đám nông dân dốt nát, những kẻ mong cứu đàn gia súc còn hơn cứu chính mình. Chẳng biết liệu lão Hồng Y cũng sẽ hành động như thế chăng, bởi ông ta là con người vô cùng đức độ. Chắc cũng sẽ làm vậy. Mà chút phô trương lúc nào cũng phải cần đến trong mọi kiệt tác nghệ thuật, thế nên bản thân lão Hồng Y cũng chẳng tránh được đâu.

“Mà dù sao đi nữa,” hắn kết luận, nâng cao giọng và vươn mình đứng dậy, “vào ngày phán xét, Chúa sẽ chẳng nói với ta thế này đâu: “Này Kasparson, ngươi, tên diễn viên tồi! Chẳng lẽ ngươi chẳng thể, kể cả khi tim ngươi ngừng đập rồi, đóng cho ta xem cái vai gã người Gaul hấp hối(100)?”

Cô Malin lại ngồi thinh lặng hồi lâu trong gian buồng rộng lớn tối tăm.

“Mà tại sao,” rốt cuộc bà lên tiếng, “ngươi lại muốn đóng vai này đến thế?”

“Ta sẽ tiết lộ cho bà nghe,” Kasparson lên tiếng, giọng từ tốn. “Không phải là gương mặt, con người ta được biết đến là nhờ tấm mặt nạ kia. Ta cũng đã nói thế ngay từ đầu buổi tối hôm nay.

“Ta là một đứa con hoang. Ta phải mang theo bên mình cái tai vạ dành cho đứa con hoang, điều này bà sao mà hiểu được. Dòng máu Êgalité là dòng máu kiêu căng, đầy phù phiếm – thật khó, thật khó cho ngươi, khi ngươi chất chứa nó trong huyết quản. Nó đòi phải được huy hoàng, thưa Quý Bà; nó sẽ không chịu được đời sống bình bình; nó khiến ngươi cực kỳ đau đớn kể cả khi phải chịu sự khinh miệt nhỏ nhặt nhất.“Mà đám nông dân và ngư dân lại có cùng xuất thân như mẹ ta. Bà chẳng nghĩ được rằng ta từng nhỏ lệ máu trước đời sống khó nhọc và những đứa con xanh xao của bọn họ phải không? Khi nghĩ về mẩu bánh mỳ cứng đanh và chiếc dao cắt lát mòn vẹt, quần áo vá chằng vá đụp và gương mặt nhẫn nhục của bọn họ, con tim ta bị vò xé. Ta chẳng yêu thương điều gì trên thế gian, trừ bọn họ. Nếu bọn họ tôn ta lên thành bậc thầy, ta sẽ dành cả đời ta để phụng sự bọn họ. Chỉ cần bọn họ đổ sụp xuống và tôn thờ ta, ta sẽ chết vì bọn họ. Mà bọn họ có làm thế đâu. Bọn họ dành điều đó cho lão Hồng Y. Duy có đêm nay khi bọn họ mới đổi ý. Bọn họ đã thấy gương mặt Đức Chúa trên gương mặt ta. Bọn họ sẽ nói với bà rằng, sau đêm nay, một luồng sáng trắng bao trùm lấy con thuyền và trong luồng sáng đó, ta bước ra đồng hành bọn họ. Phải, sẽ là thế đấy, thưa Quý Bà.

“Bà biết không,” hắn nói, “bà biết tại sao ta hướng tới, tại sao ta lại níu bám lấy, Đức Chúa? Tại sao ta chẳng thể làm gì mà vắng bóng ngài? Bởi ngài là đấng duy nhất ta không cần, ta không thể, ta không phải, cảm thấy xót thương. Nhìn vào tất cả những kẻ khác trên đời này khiến ta bị hành hạ, bị hủy hoại bởi nỗi xót thương, khiến ta quỵ gối và gục ngã dưới gánh nặng khổ đau của họ. Ta lấy làm tiếc cho lão Hồng Y, vô cùng tiếc thương bởi lão già đó quả thật tử tế và cao thượng, kẻ viết cuốn sách về Chúa Thánh Thần như thể dã tràng xe cát biển đông vậy. Mà trong mối liên hệ giữa Đức Chúa và ta, nếu có bất kỳ niềm thương xót nào diễn ra, thì ngài mới phải là người làm điều đó. Ngài sẽ phải thương xót cho ta.

”Mà sao lại vậy, thưa Quý Bà, đáng lẽ các vì vua của chúng ta cũng phải thế chứ. Nhưng, xin Chúa phù hộ, ta cảm thấy thương xót cho đứa em làm Vua nước Pháp của mình. Con tim ta có chút nhói đau vì con người đáng thương đó.

“Duy có Chúa là ta sẽ gìn giữ, mà chẳng ban ơn gì cho ngài đâu. Chí ít hãy để ta gìn giữ Chúa, hỡi các ngươi, những con người có trái tim hiền dịu.”

“Mà cứ coi là thế,” Cô Malin đột ngột lên tiếng, “điều này có nghĩa lý gì đối với ngươi khi còn chẳng biết có ai đến cứu bọn ta hay không. Thứ lỗi cho ta đã nói vậy, Kasparson à, mà số phận nhà ngươi có khác biệt gì nhiều đâu nếu mà tòa nhà này còn đứng vững đến khi con thuyền quay lại đón bọn ta, hoặc nó sụp đổ trước đó.”

Kasparson, khi nghe tới đó, cả cười, nhẹ nhàng và đắc ý. Rõ ràng lúc này vại rượu gin của đám nông dân khiến hắn lâng lâng, mà trong chuyện này, Cô Malin cũng chẳng hề kém cạnh.

“Bà nói đúng, thưa Cô Nat-og-Dag,” hắn nói, “trí tuệ sắc sảo của bà đã gãi đúng chỗ ngứa rồi đấy. Và đó là tất cả những gì có thể nói về dũng khí tuyệt vời của ta. Mà hãy kiên nhẫn thêm chút nữa , ta sẽ giải thích chuyện này cho bà nghe.

“Hiếm có người nào, ta đã nói rồi, có thể tự nhủ bản thân rằng bọn họ không có niềm tin rằng mình có thể gây dựng nên thế giới này. Không, chính xác hơn, thưa Quý Bà: hiếm có người nào có thể tự nhủ bản thân rằng bọn họ không có niềm tin rằng cái thế gian bọn họ nhìn thấy xung quanh mình, kỳ thực là tác phẩm sinh ra từ trí tưởng tượng của họ. Thế thì bọn ta phải hài lòng với nó, tự hào về nó chứ? Phải, có đôi lần. Vào buổi tối trời, những ngày đầu xuân, khi đồng hành cùng đàn con trẻ hay đám phụ nữ hóm hỉnh, xinh đẹp. Ta cảm thấy hài lòng và tự hào về sức sáng tạo của mình. Còn những lúc khác, khi ta ở bên những kẻ tầm thường, ta thấy cắn rứt lương tâm vì đã sản sinh ra những điều thô bỉ, nhạt nhẽo, buồn tẻ. Ta có thể tìm cách xa lánh bọn họ, như vị thầy tu, nhốt mình trong buồng, gắng loại bỏ hình ảnh hạ cấp làm xáo trộn tâm trí thanh thản và niềm kiêu hãnh khi được là người nô bộc cho Đức Chúa của mình. Lúc này, thưa Quý Bà, ta vui sướng vì đã tạo ra đêm nay ở đây. Ta thực sự tự hào vì đã tạo ra bà, ta cam đoan với bà vậy. Mà còn một nhân vật nữa trong bức tranh, gã Kasparson này thì sao? Liệu hắn có thành công? Hắn có đáng được giữ lại? Liệu hắn có bị tuyên bố như vết nhơ trên bức tranh? Viên tu sỹ có thể tiến tới mức độ tự hành hạ mình để thoát khỏi hình ảnh gây xúc phạm ông ta. Năm anh chị em, trong số mười sáu người con của mẹ ta, đều đi đến chỗ tự vẫn, có lẽ mang cảm giác y như vậy, bởi, như ta đã nói, mẹ ta có cảm nhận và bản năng sâu sắc về những gì kinh điển, về trật tự vũ trụ hài hòa. Bọn họ có lẽ sẽ nói thế này: “Bản thân tác phẩm này tự nó rất tuyệt vời rồi. Điều thất bại duy nhất của ta là để nhân vật này ở trong đó, thế nên giờ ta sẽ loại bỏ nhân vật đó ra, thậm chí phải trả giá.”

“Thôi được,” Cô Malin nói sau hồi im lặng, “thế là ngươi đã tận hưởng vai diễn Đức Hồng Y khi rốt cuộc ngươi có được cơ hội? Ngươi đã có thời khắc hài lòng rồi phải không?

“Có Chúa chứng giám, thưa Quý Bà, ta đã có được điều đó,” Kasparson nói, “trọn một ngày đêm tốt lành. Bởi ta đủ từng trải, cho tới giờ này, để biết rằng, khi ma quỷ nhe răng ra cười vào mặt ta, thì nhe răng cười lại thôi. Và giờ liệu có phải – trò nhe răng cười lại khi ma quỷ cười vào mặt người ta - quả thực lại là nguồn vui đích thực duy nhất, đỉnh cao nhất trên khắp thế gian? Và liệu mọi thứ khác trên đời, thứ mà người ta gọi là nguồn vui,, lại chỉ là điềm báo trước, là linh cảm, của trò này? Đó là môn nghệ thuật đáng để nghiên cứu đấy.”

“Và ta cũng thế, ta cũng thế,” Dẫu cố kìm mình lại, tiếng nói của cô Malin vẫn cất lên dạt dào và lanh lảnh, dường như nó vang lên theo cánh chim chiền chiện chao lượn. Như thể muốn chính mình đồng hành với chuyến hành trình vút bay đó, bà bật thẳng người dậy, với vẻ thanh thoát và đường hoàng mà một quý bà, vào lúc này, đã chán ngấy buổi trình diễn lý thú, đương muốn nói lời cáo biệt. “Ta từng nhăn nhở cười đáp trả hắn nữa. Đó là môn nghệ thuật đáng nghiên cứu mà.”

Người diễn viên đã bật dậy cùng bà, gã cavalière servante(101) của bà, và giờ đã đứng lên. Bà nhìn hắn với ánh mắt ngời sáng.

“Kasparson, ngươi, tên diễn viên tài ba,” bà nói, “Đứa con hoang của dòng họ Êgalité, hãy hôn ta đi.”

“Ôi trời, không được, thưa Quý Bà,” Kasparson nói, “Ta thật xấu xa; miệng ta có độc đấy.”

Cô Malin phá lên cười. “Chẳng có nghĩa lý gì đâu cho đêm này,” bà nói. Quả thật, bà trông như đã trúng phải thứ độc dược nào rồi. Trên đôi vai bà là mái đầu chết chóc mà các dược sĩ bào chế dán nhãn lên những chai thuốc độc, một mái đầu chẳng lôi kéo nổi bất kỳ người đàn ông nào muốn hôn lên. Nhưng khi nhìn thẳng vào người đàn ông đứng trước mặt mình, bà chậm rãi cất lời vô cùng dịu dàng: “Fils de St. Louis, montez au ciel(102)!”

Người diễn viên quàng tay vòng qua bà, giữ chặt bà bằng cái ôm ghì siết, và hôn bà. Vậy là bà cô già kiêu hãnh đã biết đến hương vị nụ hôn trước khi tiến xuống nấm mồ.

Bằng cử chỉ trang trọng và duyên dáng, bà nâng mép váy và đặt nó vào bàn tay hắn. Manh lụa, từng loẹt quẹt dưới sàn, ướt sũng nước. Hắn chợt hiểu ra đó là lý do tại sao bà bật dậy khỏi chỗ ngồi.

Ánh mắt bọn họ, cùng nhau, dõi theo mặt sàn gian gác. Một hình hài tối tăm, như con rắn dày mình dài thượt, đương bò trên những tấm ván, rồi tại chỗ trũng hơn một chút, nơi mặt sàn hơi nghiêng đi, nó trải rộng thành một vũng đen ngòm suýt chút nữa là chạm đến bàn chân cô gái đang thiếp đi. Dòng nước đã dâng cao tới gian gác rồi. Quả thật, khi cử động, bọn họ cảm thấy những tấm ván nặng nề dao động lắc lưng, bập bềnh trên dòng nước.

Con chó đột nhiên giật mình ngồi dậy. Nó ngửa đầu ra đằng sau, tai căng lên, giỏng mũi vào không trung, rồi khẽ tru lên.

“Xuỵt, Passup ơi,” Cô Malin nói, bà đã biết được tên nó từ đám ngư dân.

Bà nắm lấy bàn tay gã diễn viên đặt vào tay mình. “Chờ chút,” bà dịu dàng nói, để không làm thức giấc những kẻ đang ngủ. “Ta muốn nói với ngươi. Ta cũng từng là một thiếu nữ. Ta bước đi trong khu rừng và ngắm nhìn những chú chim, rồi ta nghĩ: Sao người ta lại nhốt chim trong lồng, ôi chao khủng khiếp quá. Ta nghĩ: Nếu như ta còn được sống và phụng sự thế gian đeo đuổi lấy ta, thì sẽ chẳng bao giờ còn bất kỳ con chim nào bị nhốt trong lồng nữa, tất cả chúng sẽ được tự do...”

Bà ngừng lại và ngoái nhìn ra vách tường. Giữa kẽ những tấm ván, một dải màu xanh thẳm vừa mới hiện ra, tương phản với vệt máu loang lổ hồ như hắt ra từ chiếc đèn lồng. Bình minh đã thức giấc.

Bà cô già chầm chậm rút những đầu ngón tay khỏi tay người đàn ông, và đặt một ngón tay lên môi mình.

“Câu chuyện kể tới đây,” bà nói, “Scheherazade bỗng thấy mặt trời ló rạng, và đột nhiên im bặt.”(103)

Truyện của Isak Dinesen / Nguyễn Tuấn Bình dịch


1. Norderney là một trong các hòn đảo có người ở thuộc quần đảo Đông Frisia ngoài khơi Biển Bắc của nước Đức.

2. Nguyên văn tiếng Pháp, có nghĩa là: “Người chủ lễ.” Thuật ngữ khởi nguồn từ Giáo hội Công giáo. Nó chỉ người điều hành các buổi lễ, người chủ tế của nhà thờ. Đó là người rất quan trọng của buổi lễ tế, chịu trách nhiệm tiến hành chính xác và suôn sẻ các buổi lễ và xây dựng nghi thức liên quan.

3. Tên khoa học là leymus arenarius: là tên gọi của các loài cỏ trong nằm trong họ Hòa thảo (họ Cỏ) sinh sống ở các bờ biển Đại Tây Dương và phía bắc châu Âu.

4. Heinrich Heine (1797-1856) là một trong những nhà thơ người Đức nổi tiếng.

5. Tiếng Đức trong nguyên văn, có nghĩa là: “Ngài.”

6. Thành ngữ ám chỉ ăn nói có duyên và hóm hỉnh, ở ta thì như “thêm mắm dặm muối vào câu chuyện.”

7. Thị trấn có thật, thuộc vùng Schelswig - Holstein, Đức.

8. Đơn vị đo chiều sâu, 1 fathom (1 sải) = 1.8288m.

9. Vách đá trắng Dover là vùng bờ biển của Anh đối diện với eo biển Dover và Pháp. Mặt vách đá, cao tới 350 feet (110 m). Nằm ở phía Tây so với Nordeney.

10. Không rõ tác giả có lầm lẫn không, Joachim de Fiore (1135-1202), là một nhà thần học Kitô giáo người Ý, tu viện trưởng Công giáo, và là người sáng lập dòng tu San Giovanni ở Fiore. Theo nhà thần học Bernard McGinn, "Joachim xứ Fiore là nhà tư tưởng khải huyền quan trọng nhất trong toàn bộ thời kỳ trung cổ." Thần khúc của Dante Alighieri là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất lấy cảm hứng từ ý tưởng của ông.

11. Thánh Phêrô hay Thánh Peter là tông đồ trưởng trong số mười hai Tông đồ của Chúa Giêsu. Thánh Phêrô được Chúa Giêsu trực tiếp trao quyền cai quản Hội Thánh.

12. Ở các xứ Bắc Âu, hầu hết đã đổi sang đạo Tin Lành theo giáo phái Luther.

13. Nguyên văn trong tiếng Pháp trong nguyên văn. Có nghĩa là: “Ôi trời, ổn thôi mà. Tiến lên, tiến lên.”

14. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “Chiếc mũ của vị Hồng Y.”

15. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “Đức Lang Quân.”

16. Cái tên này có nghĩa là “Thủ Lợn.” (ghi chú trong nguyên bản).

17. Nguyên văn là “lion of the season”, một lối nói theo nghĩa bóng về người được chú ý hay người được nhiều người theo đuổi.

18. Phó mẫu, cũng gọi nôm na Nữ gia sư, là một dạng nghề nghiệp hay chức danh dành cho các phụ nữ thường là trung niên, có học thức chuyên đảm nhiệm dạy dỗ con cháu nhà quý tộc hay thậm chí hoàng tộc.

19. Nguyên văn tiếng Pháp, có nghĩa là: “người đàn bà đoan chính.”

20. Tôi lấy theo bản dịch Tân Ước – Tin Mừng theo Thánh Matthêô (5:28) của Linh mục Nguyễn Thế Thuấn.

21. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “tinh thần đồng đội.”

22. Một loại đàn như accordion. Nó bao gồm các ống thổi mở ra và co lại, với các nút thường ở cả hai đầu, không giống như các nút của đàn accordion, ở mặt trước.

23. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa đen là: “theo chân con chữ.”, nghĩa là “đúng từng ly từng tí.” Đây là thành ngữ có nghĩa là: chú ý chặt chẽ đến từng chi tiết, hay triệt để thi hành một mệnh lệnh.

24. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “con người tinh tế.”

25. Nữ thần trong thần thoại Bắc Âu.

26. Hernhuten là nhánh dòng Giáo hội Moravian, một trong những giáo phái Tin Lành lâu đời nhất.

27. Đảo Grand Turk được cho có thể là nơi Christopher Columbus đổ bộ trong chuyến hải trình đầu tới Tân Thế Giới vào năm 1492.

28. Quyền rút lui trong danh dự là các những điều kiện chiếu cố cho phép làm theo quân lễ đối với một đạo quân đầu hàng (được giữ vũ khí, cầm cờ đi ra...)

29. Các vũ khí của người võ sĩ giác đấu.

30. Người ta gọi họ là những trinh nữ giữ ngọn lửa thiêng gắn liền với sự hưng thịnh của đất nước. Họ phải nghiêm ngặt tuân thủ lời thề giữ trọn trinh tiết trong suốt 30 năm phục vụ nữ thần Vesta. Nếu vi phạm sẽ bị chôn sống.

31. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “thói phù hoa.”

32. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “hộp kẹo.”

33. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “phàm ăn.”

34. Trong nghệ thuật, văn học và thần học phương Tây, Mary Magdalene được miêu tả là một cô gái điếm gặp Đức Jesus, ăn năn tội lỗi của mình và đổ dầu lên chân người trong một cử chỉ khiêm nhường, sám hối và biết ơn. Hình tượng bà sau này thường gắn với chiếc đầu lâu. Biểu tượng này được lý giải: Đón nhận Tin Mừng của Chúa, Thánh nữ đã vượt qua cõi chết để đến với cõi vĩnh hằng.

35. Nguyên văn là môn chơi bilboquet: Cây gậy có ba cốc và một que. Quả cầu có một lỗ. Cả hai nối với nhau bởi một dây. Khi chơi, người chơi hất quả cầu lên cao và cố hứng bằng cốc hoặc que của gậy. Một cách chơi khác là hất gậy và hứng bằng quả cầu.

36. Một chất hóa học (ký hiệu Cd) chứa độc tính, thường có trong lớp sơn.

37. Đây cũng là một thành ngữ trong tiếng Anh, có ý nghĩa tương đương với “trong cái rủi có cái may38. Một thương hiệu rượu vang hảo hạng của thế giới.

39. Nguyên văn là trò chơi “bread and cheese”.

40. Phỏng theo tên Timon xứ Athens, một nhân vật của Shakespeare, một kẻ chán đời.

41. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “Mà ta chẳng thích niềm vui thú trong trẻo.”

42. Ephiphyllum: Chi Quỳnh, là một chi thực vật gồm khoảng 19 loài thuộc họ Xương rồng, có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Tên gọi chung của chúng trong tiếng Việt là quỳnh, hoa được gọi là hoa quỳnh. Các loài quỳnh thường là hoa dại hoặc được trồng để làm cảnh và hoa nở về đêm nên được mệnh danh là nữ hoàng của bóng đêm.

43. Giacomo Carissimi (1605-1674) là một nhà soạn nhạc và giáo viên âm nhạc người Ý. Ông là một trong những bậc thầy nổi tiếng nhất của thời kỳ đầu Baroque hay chính xác hơn là Trường phái âm nhạc La Mã.

44. Giáo hoàng Pius VIII (1761-1830), là vị giáo hoàng thứ 253 của Giáo hội Công giáo tên lúc sinh là Francesco Saverio Castiglioni, tại vị từ tháng 3 năm 1829 đến cuối năm 1830.

45. Cantharide là một chất do nhiều loài bọ cánh cứng tiết ra. Nó là chất độc với liều lượng lớn.

46. Richard Lovelace (1617-1657) là nhà thơ trữ tình tại Anh vào thế kỷ mười bảy.

47. Chuyện thơ The Corsaire của Lord Byron.

48. Tên một cuốn tiểu thuyết bằng thơ của đại thi hào A.S.Pushkin, được viết từ 1823 đến 1831. Đây là tác phẩm được đánh giá cao nhất trong sự nghiệp sáng tác của A.S.Pushkin và có nhiều ảnh hưởng tích cực trong sự phát triển của văn học - nghệ thuật Nga ở các giai đoạn sau.

49. Firdousi ( 940-1020 CN) là nhà thơ người Ba Tư. Ông là tác giả của Shahnameh, sử thi quốc gia của Iran và của thế giới nói tiếng Ba Tư.

50. Adam Oehlenschläger (1779-1850) [1] là nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng của Đan Mạch thế kỉ thứ XIX.

51. Lucifer thường được coi là một trong những đứa con đầu tiên được tạo ra bởi Thiên chúa. Lucifer sau đó phản bội lại đức tin của mình vì cho rằng bản thân mới là kẻ mà con người phải phục tùng và sùng bái thay vì phải phục vụ cho họ, hắn đã triệu tập tất cả những thiên thần nổi loạn ủng hộ mình (sau này bị gọi là những thiên thần sa ngã, chiếm khoảng 1/3 trong tổng số thiên thần trên Thiên đàng) và khơi mào cho cuộc Chiến tranh trên Thiên đàng. kết quả là Lucifer cùng các thiên thần nổi loạn đã bị đánh bại bởi các thiên thần khác dưới sự lãnh đạo của những người anh em mình là thiên thần Michael, Gabriel, Uriel, Raphael. Hắn, cùng với Beelzebub, Leviathan và Asmodeus là những kẻ đầu tiên bị trục xuất khỏi thiên đàng, đày xuống hỏa ngục. Lucifer được gắn với sự kiêu ngạo, một trong "7 Đại Tội", bởi chính sự ngạo mạn của bản thân khiến hắn rơi khỏi ân sủng của Chúa Trời.

52. Còn gọi là cây Sự Sống, cây Trường Sinh trong vườn Địa Đàng. Adam và Eve đã nghe lời con rắn ăn trái cấm trên cây đó và đánh mất đi sự trong trắng.

53. Một dạng thuyền có hai cột buồm.

54. Tiếng Pháp theo nguyên văn, có nghĩa là: “phong cách thời thượng.” Dù nghĩa gốc là “tiếng than khóc cuối cùng.”

55. François l'Olonnais (tức là Francois người Hà Lan) (1630 – c. 1669) là một tên cướp biển người Pháp hoạt động ở Caribe trong thập niên 1660.

56. Một loài thảo dược được biết đến với nhiều tác dụng trong y học trong điều trị các triệu chứng của phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, đặc biệt làm giảm các triệu chứng về tâm lý.

57. Danh vị cho người nhạc trưởng đại tài.

58. Emanuel Swedenborg (1688-1772) là một nhà khoa học, nhà triết học, thần học, mặc khải, và nhà huyền học người Thụy Điển. Ông được biết đến với cuốn sách của ông về thế giới bên kia, Thiên đàng và Địa ngục (1758). Theo Học thuyết Thiên đàng, Thiên Chúa đã mở mắt tâm linh của Swedenborg, để từ đó ông có thể tự do tham quan thiên đường và địa ngục và nói chuyện với các thiên thần, ma quỷ.

59. Tình yêu Plato: chỉ tình yêu thuần khiết, không có nhu cầu tình dục giữa hai người. Platonic love được đặt tên theo vị triết gia thời Hy Lạp cổ - Plato.

60. Hầu tước de Sade (1740-1814) là nhà quý tộc, nhà văn và nhà cách mạng người Pháp. Tác phẩm bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch... với một số được phát hành dưới dạng khuyết danh. Ông nổi tiếng nhất với những tiểu thuyết mang tính khổ dâm và bạo dâm, mô tả những cảnh tình dục mang tính tàn bạo trong đó nhân vật bị tra tấn, hành hạ đau đớn; đặc biệt lồng ghép nội dung khiêu dâm với các chủ đề triết lý, xã hội, đả kích nhà thờ... Ông đã trở nên nổi tiếng khi đưa những tưởng tượng này vào thực tế với cả người đồng ý và không đồng ý. Ông theo chủ nghĩa tự do quá khích: con người không bị ràng buộc bởi các phạm trù đạo đức, luân lý hay tôn giáo.

61. Nguyên văn theo tiếng Pháp, có nghĩa là: “Ướp muối sẵn.”

62. Nguyên văn theo tiếng Pháp, có nghĩa là: “con cứu ướp muối.”

63. Nguyên văn theo tiếng Pháp, có nghĩa là: “đệm công lý”. Một hình thức họp Nghị viện Paris có sự xuất hiện của nhà vua. Tên gọi này xuất phát từ chiếc ghế mà vì vua Pháp ngồi trong phiên họp đấy.

64. Nguyên văn theo tiếng Pháp, có nghĩa là: “Đệm quả là thứ hay ho; nếu không muốn ngủ trên đó, thì nghỉ ngơi cũng được mà.”

65. Tiếng Pháp theo nguyên văn, có nghĩa là: “Năm hay sáu dặm? Nhiều thế. Bao nhiêu món tử tế ở đó? Mười lăm hay mười sáu. Nhiều thế, Martin thưa.

66. Pug, hay thường được gọi là chó mặt xệ, là giống chó thuộc nhóm chó cảnh có nguồn gốc từ Trung Quốc, chúng có một khuôn mặt nhăn, mõm ngắn, và đuôi xoăn. Giống chó này có bộ lông mịn, bóng, có nhiều màu sắc nhưng phổ biến nhất là màu đen và nâu vàng

67. Trong thần thoại Hy Lạp, Ganymede là hoàng tử của thành Troia. Hómēros miêu tả Ganymede là cậu thiếu niên đẹp nhất cõi trần tục. Cậu là con trai của Tros, vua của thành Troia. Trong một phiên bản thần thoại, Zeus vì chao đảo, không kìm được lòng khi nhìn thấy Ganymede có mái tóc vàng thong thả giữa đàn cừu trắng, nên Zeus đã biến thành con đại bàng và bắt cóc cậu lên đỉnh Olympia. Tại đây, các vị thần cực kỳ yêu quý cậu vì vẻ đẹp tuấn tú của cậu, trừ Hera, vợ của Zeus. Để tránh việc mọi người cảm thấy rờn rợn vì Zeus lại đi với một thanh niên, Zeus đã ban cho Ganymede sự bất tử để cậu được ở trong hình dạng thiếu niên mãi mãi. Ganymede trở thành vị thần của tình yêu và ham muốn đồng tính, cậu còn là người giữ cốc (Cup bearer) cho các vị thần trên đỉnh Olympia, và Zeus đã biến cậu thành chòm sao Bảo Bình (Aquarius) để bắt cậu ở thiên đàng mãi mãi.

68. Đó là tên các loại đàn violon thời cổ.

69. Được người Hy Lạp gọi là núi thiêng, ngọn Athos bao quanh bởi núi non và bán đảo ở Macedonia, nằm ở phía Bắc Hy Lạp. Nơi đây có một đạo luật hết sức kỳ lạ: cấm phụ nữ.

70. Trong Kinh Cựu ước, Judith là một góa phụ đã có công cứu sống người Do Thái. Khi đội quân của Holofernes đang tìm diệt người Do Thái, thì Judith đã dùng nhan sắc của mình để chinh phục trái tim Holofernes. Khi đã được tin tưởng hoàn toàn, Judith trong một lần chuốc rượu cho Holofernes say mèm, đã cùng người hầu gái chặt đầu Holofernes. Câu chuyện đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ họa sĩ.

71. Nguyên văn theo tiếng Ý, có nghĩa là: “má mì”.

72. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “dẫu đặng chẳng đừng.”

73. Psyche là một người phụ nữ xinh đẹp trong thần thoại Hy Lạp. Nàng là vợ của thần tình yêu Eros (Cupid). Mối tình của Psyche và Eros là một trong những mối tình đẹp trong thần thoại Hy Lap.

74. Nguyên văn trong tiếng Pháp như sau:

Ci-git Louis, ce pauvre roi.

L’on dit qu’il fut bon - mais à quoi?

75. Paul Gerhardt (1607-1676) là một nhà thần học người Đức, mục sư theo thuyết Luther và người soạn thánh ca.

76. Trong nguyên gốc bài tụng ca, nhân xưng là Chúa (God), ở đây đổi sang cho nhân vật (me). Ý muốn cho rằng Calypso đóng vai trò của Chúa. Nguyên văn như sau:

Against me who can stand?

The lightning’s in my hand.

Who dares to bring distress

Where I decide to bless?

77. Đức Mẹ Sao Biển là một tước hiệu cổ xưa dành cho bà Maria, mẹ của Chúa Giêsu. Từ "Sao Biển" xuất phát từ phiên âm tiếng Latinh của tước hiệu Stella Maris, lấy hình tượng sánh ví như Sao Kim (còn gọi là "sao mai" hoặc "sao hôm", chứ không phải loài sao biển sống ở đại dương).

78. Louis Philippe I là vua của Pháp từ năm ngày 06/11/1830 đến ngày 24/02/1848, với tước hiệu chính thức “Vua của người Pháp”. Ông là vị vua cuối cùng của Pháp có gốc tích từ Nhà Bourbon và cũng là vị vua áp chót của Pháp – vị vua cuối cùng là Napoleon III của Pháp. Cha của ông là Louis Philippe II, Công tước xứ Orléans, vốn là người ủng hộ Cách mạng Pháp đã bị xử tử vì bị phe cộng hoà nghi ngờ phản quốc. Triều đại của Louis Philippe được gọi là Chế độ Quân chủ Tháng Bảy và được thống trị bởi các nhà công nghiệp và chủ ngân hàng giàu có.

79. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “Đại Vương,” một danh xưng của Vua Louis XIV (1638 – 1715) còn gọi là Vua Mặt Trời.

80. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “Đại Thế kỷ” đề cập đến giai đoạn lịch sử Pháp trong thế kỷ XVII dưới triều đại Louis XIII và Louis XIV.

81. Tích truyện của vua Midas có đôi tai bị biến thành tai lừa. Anh thợ cạo đã hứa giữ kín điều này nhưng rồi lại nói ra.

82. Từ Rococo là sự kết hợp của từ rocaille (vỏ) trong tiếng Pháp và từ barocco trong tiếng Ý. Đây là phong cách kiến trúc thường có các đường cong trang trí dạng vỏ và thường tập trung vào những đường nét họa tiết trang trí, do vậy nên một vài nhà phê bình nghệ thuật đã sử dụng từ này để ngụ ý chỉ rằng đây là một phong cách phù phiếm và chỉ coi nó như một trào lưu nhất thời.

83. Alexander VI (1431-1503) là vị giáo hoàng thứ 214 của giáo hội Công giáo. Ông tên thật là Roderic Llançol, sau này là Roderic de Borja i Borja. Ông có bốn người con ngoài giá thú. Alexander VI thật sự là một nhân vật có đời sống tội lỗi. Lịch sử Giáo hội đã phải than trách điều này. Giáo hoàng Alexanđê VI đột ngột qua đời ngày 18 tháng 8 năm 1503, sau một buổi chiều lễ. Ông chết do uống nhầm rượu mà chính ông sai bỏ thuốc độc, nhằm hạ thủ một số hồng y chống đối.

84. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “Chỉ có thế thôi.”

85. Tiếng Đức trong nguyên văn, có nghĩa là: “Ngài”.

86. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “Đại quý tộc.”

87. Tiếng Pháp theo nguyên văn, có nghĩa là: “sảnh gương.”

88. Rabbi là vị thầy đạo theo cách gọi của người Do Thái.

89. Người đã vác Cây thập giá theo sau Đức Jesus khi đi hành hình.

90. Khi Chúa Jesus bị bắt, Peter đã vung tay, tuốt gươm chém đứt tai của một tên đầy tớ gã thượng tế tên là Malchus, Jesus đã chữa lành tai cho tên đầy tớ ấy.

91. Trong Kinh Thánh, Theo thông lệ, việc phóng thích một tù nhân Do Thái trước lễ Vượt Qua (Mác 15: 6). Thống đốc La Mã đã khoan hồng cho một tên tội phạm như một hành động thiện chí đối với những người Do Thái mà ông ta cai quản. Phi-lát đưa ra cho đám đông một sự lựa chọn: thả Chúa Giê-su hoặc thả Ba-ra-ba, một tên tội phạm nổi tiếng đã bị cầm tù “vì nổi loạn trong thành và vì tội giết người” (Lu-ca 23:19). Đám đông đã chọn Barabbas là một tù nhân được đám đông ở Jerusalem, thay vì Chúa Jesus.

92. Ballon là thuật ngữ trong kỹ thuật múa ballet, người nghệ sỹ nhảy tung người lên không trung, lơ lửng và hạ xuống nhẹ nhàng. Cái tên được lấy cảm hứng từ vũ công ballet của Pháp Claude Balon, người nổi tiếng với cú nhảy này.

93. Tiếng Ý trong nguyên văn, có nghĩa là: “công chúa.”

94. Louis Philippe II, Công tước xứ Orléans (1747 - 1793) Ông là cha của Công tước Louis Philippe III, người tương lai trở thành vua của nước Pháp với vương hiệu Louis-Philippe I. Năm 1792, trong cuộc Cách mạng Pháp, ông đổi tên thành Philippe Égalité (Phillippe Bình Đẳng). Louis Philippe d'Orléans là em họ của Vua Louis XVI và là một trong những người đàn ông giàu có nhất ở Pháp thời bấy giờ. Ông tích cực ủng hộ Cách mạng 1789, và là người ủng hộ mạnh mẽ việc xóa bỏ chế độ quân chủ chuyên chế của Pháp để chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến. Ông đã bỏ phiếu ủng hộ hành quyết Vua Louis XVI vì tội phản quốc; tuy nhiên, chính ông cũng đã bị chém đầu vào tháng 11 năm 1793 trong thời kỳ Triều đại Khủng bố.

95. Tiếng Pháp theo nguyên văn, có nghĩa là: “Công dân.”

96. Tiếng Pháp theo nguyên văn, có nghĩa là: “Bình đẳng.”

97. Cuộc hôn nhân đồng tính của hoàng đế Nero là với một người nô lệ tên Pythagoras.

98. Sự kiện này có thực.

99.Trong vở kịch Axel và Walborg (1810) của Adam Oehlenschläger, cặp tình nhân Axel và Walborg bị vua và nhà thờ chia cách, và chỉ còn một cách do Vilhelm, người bạn của Axel nhìn ra có thể đưa bọn đến bên nhau đó là đành phải phạm tội gian trá để đạt được mục đích cao đẹp. Anh ta có ý định đóng vai hồn ma của Thánh Olaf nhằm dọa nạt khiến mọi người trong nhà thờ bỏ đi, để Walborg có thể được đưa nhanh lên thuyền đợi ngoài cảng. Vấn đề ở đây là liệu thủ vai vị thánh có phải là tội lỗi không. Đoạn thơ trên là lời biện minh.

100. Tên nhân vật trong “The Dying Gaul”, bức tượng bán nằm bằng đá cẩm thạch thời La Mã cổ đại hiện đặt trong Bảo tàng Capitoline tại Rome.

101. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “hiệp sỹ nô bộc”, từ để chỉ người tình theo đuổi các quý bà, vốn đã có chồng, với sự tận tân phục dịch hết mực.

102. Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa là: “Con trai thánh Louis, lên thiên đường thôi!” Câu nói phúng dụ tại Pháp để ám chỉ việc hành hình vua Louis XVI. Câu nói này người ta đồn rằng là lời của vị tu sĩ tháp tùng nói với Louis XVI trước khi lên máy chém. Nó còn có ý nghĩa thông thường như là “Hãy để ta đưa ngươi lên thiên đường, cục cưng của ta!”

103. Câu nguyên văn bằng tiếng Pháp: “A ce moment de sa narration,” bà nói, “Scheherazade vit apparaître le matin, et, discrète, se tut.”

Bên trong mặt nạ “Cái chết đỏ” Dù bị đe dọa truy tố, Arundhati Roy vẫn giành giải PEN Pinter Viết cho Esmé Với tình yêu và tiếng thét Tượng thi hào - Truyện ngắn của Slawomir Mrozek Konstantin Simonov - Hai diện mạo trong một cuộc đời
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...
Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Baovannghe.vn - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới - Microsoft đã chính thức bước chân vào ngành xuất bản sách với việc ra mắt 8080 Books, một nhà xuất bản được thiết kế để thúc đẩy sự đổi mới trong xuất bản và kể chuyện. Được đặt tên theo bộ vi xử lý Intel 8080 – nền tảng cho sự khởi đầu của Microsoft trong thập niên 1970 – 8080 Books không chỉ là một cột mốc mới trong chiến lược đa dạng hóa của công ty mà còn đại diện cho tham vọng đưa công nghệ vào thay đổi ngành xuất bản vốn còn nhiều hạn chế.
Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Baovannghe.vn- Đối diện nhau, con cá mập và Tử thần, kẻ bị giết và kẻ giết, con mồi và gã thợ săn, đối tượng của cái chết và tay sai của cái chết, con cá mập nằm sóng soại trên sàn thuyền, Tử thần thì đứng thẳng hiên ngang, một trục hoành - một trục tung, tạo thành một hệ tọa độ bất đắc dĩ giữa biển xanh sâu thẳm, mỗi kẻ đeo đuổi những huyễn tưởng khác nhau, nhưng sau rốt đều xuất phát cùng từ một gốc: ám ảnh về những trò ảo thuật.