Văn hóa nghệ thuật

Lý giải "bản sắc" để hiểu biết phổ quát hơn về phẩm giá con người

Hà Thy Linh
Sách
10:23 | 21/07/2024
Theo Francis Fukuyama, điều cấp thiết nhất hiện nay là phải lý giải được bản sắc và hiểu biết phổ quát hơn về phẩm giá con người, nếu không thế giới sẽ tiếp tục chìm đắm trong xung đột.
aa

Tiếp tục nghiên cứu các chủ đề trong tác phẩm Political Order and Political Decay (Sự cáo chung của Lịch sử và Con người Cuối cùng), Francis Fukuyama viết Identity: The Demand for Dignity and the Politics of Resentment, dựa trên bài giảng "Tưởng nhớ Lipset về nhập cư và bản sắc" mà ông đã trình bày năm 2005 và bài giảng "Nhập cư và bản sắc châu Âu" tại Quỹ Latsis ở Geneva năm 2011.

Công trình đã đoạt giải Sách hay nhất năm 2018 của The Times, là Sách chính trị hay nhất năm 2018 do tờ Financial Times bình chọn, đồng thời nhận được nhiều đánh giá tích cực từ độc giả và các chuyên gia. Cuốn sách này đã được chuyển ngữ và ấn hành tại Việt Nam với tên gọi Bản sắc: Nhu cầu phẩm giá và chính trị phẫn nộ (NXB Đà Nẵng, 2020).

Bản sắc:
Cuốn sách "Bản sắc: Nhu cầu phẩm giá và chính trị phẫn nộ" của Francis Fukuyama.
Ảnh: Omega+

Trong cuốn sách, tác giả Francis Fukuyama khẳng định, bản sắc là chủ đề nền tảng cho nhiều hiện tượng chính trị ngày nay, từ các phong trào dân tộc dân túy mới, các chiến binh Hồi giáo, cho đến những tranh cãi diễn ra trong khuôn viên trường đại học. Thuật ngữ "bản sắc" được nhà tâm lý học Erik Erikson phổ biến trong những năm 1950 và "chính trị bản sắc" xuất hiện trong nhóm chính trị văn hóa vào thập niên 1980 và 1990. Theo Francis Fukuyama, "bản sắc" phát triển trước tiên từ sự khác biệt giữa nội ngã đích thực (true inner self) của một cá nhân và một thế giới bên ngoài bao gồm các quy luật và quy tắc xã hội. Nội ngã là nền tảng phẩm giá của con người, mang tính biến thiên và thay đổi theo thời gian. Ý thức bên trong phẩm giá luôn tìm kiếm sự công nhận. Việc tôi có ý thức về giá trị của mình là không đủ nếu người khác không công khai thừa nhận nó, hoặc tệ hơn, nếu người khác coi thường hay không thừa nhận sự tồn tại của tôi. Loài người khao khát sự công nhận một cách tự nhiên, vì thế ý thức hiện đại về bản sắc phát triển nhanh chóng thành chính trị bản sắc, các cá nhân luôn đòi hỏi công chúng công nhận giá trị của mình. Bởi vậy, chính trị bản sắc bao trùm một phần lớn các cuộc đấu tranh chính trị của thế giới đương đại.

Theo Charles Taylor, bản sắc là "ý tưởng đạo đức mạnh mẽ phụ thuộc vào chúng ta". Ý tưởng đạo đức này nói với chúng ta rằng mình có một phần nội ngã đích thực bên trong, vốn không được thừa nhận và toàn bộ xã hội bên ngoài có lẽ đã sai và đầy tính áp đặt. Điều này hướng nhu cầu tự nhiên của con người tập trung vào sự công nhận phẩm giá và đưa cho chúng ta ngôn ngữ thể hiện sự phẫn nộ. Sự công nhận đó không tồn tại thì phẫn nộ nảy sinh. Bản sắc vượt qua ranh giới lãnh thổ và văn hóa, bởi nó được gây dựng dựa trên tâm lý thymos (một phần của linh hồn khao khát có được sự công nhận về phẩm giá) phổ quát của loài người. Trong nhiều trường hợp, nhà lãnh đạo chính trị quy tụ những người ủng hộ mình về với nhận thức rằng phẩm giá của họ đang bị thách thức, miệt thị hay bị coi thường, gây ra sự phẫn nộ và đòi hỏi công chúng phải công nhận phẩm giá của nhóm.

Tác giả nhận định: "Việc yêu cầu phẩm giá biến mất sẽ là không khả thi và cũng không được mong muốn. Đó là tia lửa làm bùng lên vô số cuộc biểu tình, từ Cách mạng Pháp cho đến sự kiện khởi nguồn từ việc một anh bán hàng rong bị coi thường ở Tunisia". Nền dân chủ tự do dựa trên tiền đề rằng, phẩm giá của mỗi công dân với tư cách cá nhân được thừa nhận một cách công bằng. Chính trị bản sắc tại các nền dân chủ tự do tái hội tụ với các dạng thức tập thể và phi tự do của bản sắc như dân tộc và tôn giáo, vì thứ cá nhân thường xuyên mong muốn không phải là công nhận tính cá nhân, mà là công nhận sự tương đồng của họ với những người khác.

Một cách lý giải "bản sắc" để hiểu biết phổ quát hơn về phẩm giá con người
"Khao khát được công nhận về phẩm giá là khao khát hàng đầu của con người" - Ảnh: Omega+

Nhà triết học, chuyên gia kinh tế chính trị Francis Fukuyama cho rằng, bản sắc dân tộc bắt đầu với niềm tin chung vào tính chính danh của hệ thống chính trị quốc gia và có thể được xây dựng xoay quanh giá trị chính trị tự do và dân chủ. Có thể nói, bản sắc dân tộc rất quan trọng cho việc duy trì trật tự chính trị hiện đại hiệu quả, bởi 6 lý do sau: Đầu tiên là sự an toàn vật chất, ví dụ tiêu biểu nhất về điều có thể xảy ra khi thiếu vắng bản sắc dân tộc là nội chiến và sự chia rẽ nhà nước, như trong trường hợp của Syria và Lybia; Thứ hai, bản sắc dân tộc quan trọng cho tính hiệu quả của chính phủ. Chính phủ tốt khi các quan chức nhà nước đặt lợi ích công lên trên lợi ích cá nhân hẹp hòi của mình; Thứ ba, bản sắc dân tộc tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, ví dụ như bản sắc dân tộc mạnh mẽ ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc tạo ra giới tinh hoa tập trung cao độ vào phát triển kinh tế quốc gia hơn là làm giàu cho cá nhân; Thứ tư, bản sắc dân tộc thúc đẩy phạm vi rộng lớn của niềm tin. Xã hội phát triển dựa trên niềm tin, nhưng chúng cần phạm vi tin tưởng rộng nhất có thể để hoạt động tốt; Thứ năm, bản sắc dân tộc duy trì hệ thống an sinh xã hội, giảm thiểu bất công kinh tế, có thể kể đến nhà nước phúc lợi lớn mạnh ở Scandinavia nổi bật bởi ý thức mạnh mẽ tương đồng về bản sắc dân tộc; Cuối cùng, bản sắc dân tộc giúp hiện thực hóa nền dân chủ tự do, bởi bản sắc dân tộc được xây dựng quanh tính chính danh của khế ước ngầm giữa công dân và chính phủ, giữa bản thân công dân với nhau. Nếu công dân không tin họ là một phần của cùng một chính thể, thì hệ thống sẽ không hoạt động. Như đã nói ở trên, bản sắc có gốc rễ từ thymos và nền dân chủ không thể tồn tại nếu công dân không gắn kết theo mức độ phi lý nào đó với ý tưởng về chính quyền hợp hiến và bình đẳng con người thông qua cảm giác tự hào và tinh thần yêu nước.

Francis Fukuyama đã đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể, cùng sự phân tích chặt chẽ và lập luận thuyết phục để chứng minh rằng khao khát được công nhận về phẩm giá là khao khát hàng đầu của con người, đó cũng là yếu tố không thể thiếu trong công cuộc thúc đẩy nền dân chủ. Ông cho rằng, sự trỗi dậy của chính trị bản sắc trong các nền dân chủ tự do hiện đại là mối đe dọa của thể chế dân chủ. Nền dân chủ tự do vẫn luôn bị thách thức bởi các hình thái hạn hẹp hơn, gây nên chủ nghĩa dân túy chống nhập cư, sự bùng phát của Đạo Hồi chính trị hóa, "chủ nghĩa tự do bản sắc" chống đối tại các trường đại học và sự xuất hiện của chủ nghĩa dân tộc da trắng. Sự công nhận về bản sắc dựa trên quốc gia, tôn giáo, sắc tộc, chủng tộc, dân tộc, giới tính... chính là nền móng cho sự phát triển của nền dân chủ tự do. Chính vì vậy, điều cấp thiết nhất hiện nay là phải lý giải được bản sắc và hiểu biết phổ quát hơn về phẩm giá con người, nếu không thế giới sẽ tiếp tục chìm đắm trong xung đột.

Tác giả kết luận: "Chúng ta sẽ không tránh khỏi suy nghĩ về bản thân và xã hội của mình dưới thuật ngữ bản sắc. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng các bản sắc cư ngụ sâu bên trong chúng ta không cố định, và cũng không nhất thiết phải đến với chúng bằng di truyền. Bản sắc có thể được sử dụng để chia rẽ, nhưng cũng có thể và đã được sử dụng để đoàn kết".

Bản sắc: Nhu cầu phẩm giá và chính trị phẫn nộ giúp chúng ta hiểu hơn về bản sắc con người và mối quan hệ giữa bản sắc với nền chính trị đương đại. Sau khi gấp lại cuốn sách, người đọc hoàn toàn đồng tình với nhận xét của tờ New York Times: "Chúng ta cần thêm nhiều nhà tư tưởng thông tuệ như Appiah và Fukuyama để cày xới mảnh đất của sự tiên đoán. Và chúng ta cũng cần nhiều độc giả hơn để đọc những gì mà các nhà tư tưởng ấy thu hoạch được".

Francis Fukuyama, sinh năm 1952, là nhà triết học, chuyên gia kinh tế chính trị người Mỹ và là tác giả của những công trình khoa học nổi tiếng như: Tương lai hậu nhân loại: Hậu quả của cách mạng công nghệ sinh học (Our Posthuman Future: Consequences of the Biotechnology Revolution); Nguồn gốc trật tự chính trị (The Origins of Political Order); Trật tự chính trị và suy thoái chính trị (Political Order and Political Decay)... Trong đó, Sự cáo chung của Lịch sử và Con người Cuối cùng (The End of History and the Last man) xuất bản năm 1992 là cuốn sách nổi tiếng nhất, đã được dịch sang hơn 20 ngôn ngữ khác.

Ông nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Harvard, từng làm Phó Giám đốc của đội ngũ hoạch định chính sách cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và là học giả cao cấp của Đại học Stanford. Ông đặc biệt quan tâm tới sự phát triển của các thể chế chính trị hiện đại và thường xuyên viết về: sự công nhận, phẩm giá, bản sắc, nhập cư, chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo và văn hóa.

"Tiệm sách Cơn Mưa" - Nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách Nhà văn Nguyên Hồng: Tuy nghèo túng nhưng rất hào phóng khi mua sách Cuốn sách tiếng Pháp Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng nhà thơ Nguyễn Viết Lãm Biến động: Học cách các quốc gia trên thế giới vượt qua những biến cố toàn cầu 2 cuốn sách tiêu biểu về nghiên cứu lịch sử chữ quốc ngữ
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".