Sáng tác

Mùa trái rụng năm xưa. Tản văn của Bạch Phần

Bạch Phần
Tản văn 07:00 | 29/04/2025
Baovannghe.vn - Khi ngọn gió nồm bắt đầu thổi rong và cái nắng tháng ba rát bỏng là tới mùa trái rụng! Những vườn xoài treo đầy quả chín, lủng lẳng, đong đưa, như trêu đùa trước gió.
aa

Hồi đó, vườn nhà ai cũng có vài gốc xoài, mà thường để ăn, hoặc cho, biếu bà con, chớ ít ai kêu lái vào bán. Thế là chim, chuột thỏa sức tung hoành và lũ trẻ chúng tôi được tha hồ trèo hái.

Vào những năm 1970, vườn nhà tôi cũng có vài chục gốc xoài, đủ loại! Nhiều nhất là Thơm trắng, Thơm đen, cát Chu, cát Hòa Lộc, xoài Hòn, xoài Thanh Ca... Để đám con gái ăn vặt khỏi sợ chua, cha tôi còn trồng thêm vài cây xoài Đu Đủ, xoài Tượng, xoài Cóc... Hồi nhỏ tôi có hỏi cha.

Mùa trái rụng năm xưa. Tản văn của Bạch Phần
Ảnh Anusha

- Sao gọi nó là xoài Tượng vậy ba?

Cha tôi đáp:

- Vì nó to như voi con! (Giống trái xoài Đài Loan bây giờ).

Còn vì sao gọi là “xoài Đu Đủ” là vì trái nó nhỏ, nhưng tròn đầy, da xanh như quả đu đủ, ăn giòn giòn, ngọt ngọt, ít chua. Gọi “xoài Cóc”, là vì trái nó nhỏ như trái cóc, ăn sống rất ngon, khi chín cây thì ngọt lịm, thơm nức một khu vườn. Hồi nhỏ tôi thường hái xoài Cóc chín cây bỏ vô cặp ôm đi học.

Tôi không biết ai đã đặt tên cho mỗi giống xoài, nhưng khi đưa lên chưng, cúng thì rất có ý nghĩa. Ba tôi năm nào cũng chưng một đĩa ngũ quả bằng đủ loại xoài: Đu Đủ, xoài Thơm, Thanh Ca, xoài Cát, xoài Tượng. Theo ý ông là, mong muốn có một năm mới cửa nhà sung túc, đầy đủ con cháu, đãi cát, đãi lợi, xài to...

Giống xoài Thơm, là loại xoài cả nhà tôi thích nhất, mà mọi người ai cũng mê. Những bữa lười đi chài, cha tôi thường lấy lồng ra gợt vài thúng giê đem ra chợ Sa Đéc bán. Xoài Thơm ngon lắm, nên mới bán một vèo đã hết trơn!

Xoài Thơm có hai loại (Thơm trắng và Thơm đen). Thơm trắng trái bóng bẩy, người ta mua về để chưng tết, cúng giỗ, làm quà… Thơm trắng trái to khoảng 300gram là hết cỡ, vỏ xanh da bóng, khi già ruột có bột, lúc chín vị ngọt thanh, đậm đà. Còn Thơm đen! Nói là Thơm đen, nhưng không phải trái nó màu đen, mà có màu xanh đậm hơn Thơm trắng. Thơm đen không bóng bẩy, khi già thường nổi đốm nâu, đốm mốc trên thân và cuống. Thơm đen trái nhỏ hơn Thơm trắng, nhưng ăn sống, ăn chín gì cũng ngon đáo để. Ăn xong liếm mép còn thơm! Lúc nó già đỏ, chỉ cần ra gốc bẻ một trái đập vào thân xoài cho nứt, gỡ ăn liền… Thì ôi chao, vừa giòn, vừa thơm, chua chua, ngọt ngọt, khỏi cần chấm mắm đường hay muối ớt như xoài Tượng hay cát Chu… cũng ngon hết sảy!

Quê tôi là xứ ruộng không phải xứ vườn, nhưng đất đai màu mỡ, sông, rạch lưu thông, trồng cây gì cũng tốt. Không phân thuốc nên trái ngọt thơm lành. Bà con thường trồng đủ loại cây trái chen lẫn nhau, để muốn ăn trái gì cũng có. Nhà nội tôi cũng vậy! Ông có khoảng nửa công đất để trồng vườn và ông trồng đủ loại. Xoài vài cây, vú sữa vài gốc, cam, mận, ổi, mãng cầu xiêm, chanh, quýt, sapo... Tuy không có thu nhập, chủ yếu cho con cháu bẻ ăn. Nhưng mỗi sáng tinh sương, nội tôi lại được hưởng thụ hương hoa trái trong vườn lan tỏa, hít thở không khí trong lành của miền quê êm ả: Dưới mương vịt lội, ngoài sân bờ gà tút con. Trên cành mấy thím chim chìa vôi no mồi mách lẻo vang rền…

Nhớ những trưa hè đi học về. Khi qua khu vườn lớn, bọn học trò chúng tôi thường đứng dưới gốc mấy cây xoài chờ trái rụng mà giành! Vườn thì lớn, cây lại cao. Có những cây xoài lão cao gần bảy, tám mét. Chắc cũng vài chục năm tuổi rồi. Khi xoài già chỉ thấy trái, ít thấy lá. Xoài phơi trái chín vàng, nhất là xoài Thanh Ca, đứng xa cả trăm mét vẫn nghe mùi thơm. Đây là khu vườn chúng tôi thường xuyên qua lại, nên thấy xoài rụng lềnh gốc là chuyện thường ngày! Có lẽ ăn không xuể, mà mướn hái người ta ngại cao, nên chủ vườn để cho tụi nhỏ lượm. Thế nên đến mùa, bọn trẻ chúng tôi cứ đứng dưới gốc cây chờ trái rụng để lượm. Mà cũng lạ! Vườn đủ loại xoài; xoài Thơm chín vàng thơm ngọt, xoài Thanh Ca thơm nức ngọt ngào, mà mấy đứa con gái, con trai chúng tôi chỉ tranh nhau giành xoài Tượng. Bởi đứa nào cũng nghĩ, xoài Tượng to trái rụng nghe đã tai, ăn không chua. Xoài Tượng còn dùng bằm nhỏ trộn gỏi khô cá lóc, cá sặc rằn với đọt sầu đâu, hoặc trộn dưa leo, rau răm, hay bằm vô tô cá kho lạt là ngon đáo để!

Nhớ những đêm học bài khuya, nghe tiếng xoài rụng lịch bịch ngoài vườn mà ham, cứ mong trời mau sáng để đi lượm trái.

Thời gian trôi nhanh quá! Nhanh đến nỗi cứ ngỡ như mới hôm nào. Tuổi thơ tôi tuy cực, nhưng rất hào sảng, bởi cái gì cũng có! Những năm tản cư ở đậu, ăn ké nhà người ta, cũng không bữa nào bị đói, vì tôm cá đầy sông, trái cây đầy vườn!

Tôi cứ hoài niệm những giống xoài dân dã ngày xưa, mà hôm nay không còn nữa! Các giống xoài bây giờ toàn là xoài lai, xoài ghép, xoài Thái, xoài Đài Loan... Nên nhiều lúc thèm một trái xoài Tượng, xoài Thơm… Không biết tìm ở đâu!

Diễn ngôn về văn hóa Việt Nam và những đối thoại xuyên thời từ một tiểu thuyết du ký

Diễn ngôn về văn hóa Việt Nam và những đối thoại xuyên thời từ một tiểu thuyết du ký

Baovannghe.vn - Cuốn sách Hồ Xuân Hương và Tôi của tác giả Đông Di được xếp - có lẽ do chính tác giả xếp - vào thể loại tản văn. Nhưng khi đọc xong và nghĩ sâu về tác phẩm này, tôi vẫn cứ muốn xem nó là một tiểu thuyết, chính xác là một tiểu thuyết du ký.
Tiếng lòng của người lính Hà Nội trên mặt trận vùng biên năm ấy

Tiếng lòng của người lính Hà Nội trên mặt trận vùng biên năm ấy

Baovannghe.vn - Hoàng Nguyên yêu thơ lắm. Ở đâu và lúc nào anh cũng đắm đuối thơ. Anh thuộc Thơ Mới, nhất là Nguyễn Bính. Anh noi gương mà làm thơ. Nhưng thơ anh lại rất ít lục bát. Anh làm thơ thể dài, nhưng cũng không phải thơ tự do.
Tổ chức Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025

Tổ chức Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025

Baovannghe.vn - Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế năm 2025 dự kiến kéo dài 5 ngày từ ngày 14 đến 18/11, tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.
Nhận diện truyền thống và hiện đại

Nhận diện truyền thống và hiện đại

Baovannghe.vn- Hiện đại hóa xã hội Việt Nam đang diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, với những tác động nhanh chóng và phức tạp tới mọi lĩnh vực đời sống. Trong bối cảnh đó, vấn đề kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trở thành một yêu cầu cụ thể và cấp bách trong chiến lược phát triển bền vững.
Chicago bên dòng sông Seine. Truyện ngắn của Camille Bordas

Chicago bên dòng sông Seine. Truyện ngắn của Camille Bordas

Baovannghe.vn- Camille Bordas sinh năm 1987 ở Pháp, lớn lên ở Mexico, năm 2012 cô chuyển tới Mỹ sống cùng chồng là nhà văn Adam Levin. Camille Bordas hiện làm việc tại Đại học Florida. Các tác phẩm của cô từng được đăng trên The New Yorker, The Paris Review, Tin House, Tạp chí Chicago và LitHub.