Bản Nà Bái nằm biệt lập trên sườn núi Khụ Khen, nhờ có dòng nước từ trong núi chảy ra mà những cánh ruộng bậc thang đã nuôi sống cả bản nhiều đời nay. Nhà ông Khẻn ở ngay đầu bản, ông có người anh ruột là liệt sĩ hi sinh bên Campuchia, mấy chục năm qua ông Khẻn đã cất công tìm kiếm mà vẫn chưa biết liệt sĩ Bùi Văn Khỏn hiện nằm ở nơi nào.
Vào một buổi tối, khi cả nhà vừa cơm nước xong, đứa con gái út của ông Khẻn cho biết tìm thấy ảnh bia mộ liệt sĩ Bùi Văn Khỏn trên mạng internet, nhưng không ghi quê quán, chỉ có họ, tên và ngày tháng năm hi sinh. Ông Khẻn vội chạy vào buồng mở rương lấy giấy báo tử để đối chiếu thông tin, đúng là trùng khớp thật. Nhưng lạ một nỗi mộ này lại nằm ở Nghĩa trang liệt sĩ liên huyện Đất Đỏ - Long Điền, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chắc không phải đâu, chỉ là có ai đó trùng tên thôi. Thấy bố còn băn khoăn, con gái ông giải thích:
- Con nghe chị cán bộ trên xã nói là có thể đơn vị quy tập hài cốt liệt sĩ từ Campuchia đi theo đường biển về Vũng Tàu. Giờ muốn xác định chính xác thì phải làm thủ tục đề nghị giám định ADN đấy bố ạ.
Nghe vậy ông Khẻn cũng cảm thấy có hi vọng. Chiều hôm sau ông nhắn chị dâu là bà Hẩn, vợ của liệt sĩ Khỏn đến để bàn bạc.
Cái rét đầu mùa cùng với đám sương mù suốt ngày len lỏi vào khe hở các tấm liếp nhà sàn, làm cho không khí đã ẩm thấp lại thêm ngột ngạt, các đòn tay trên mái lúc nào cũng như sắp nhỏ giọt. Ông Khẻn ngồi bên bếp lửa giữa nhà, cầm chiếc cắp nặp(1) cứ luôn tay gắp những thanh củi đẩy thêm vào bếp, tỏ vẻ sốt ruột. Xẩm tối mới thấy bà Hẩn đến, khi bà còn đang rửa chân dưới môộc chạn(2) ông Khẻn đã lên tiếng:
- Mấy mấy thửa ruộng trong Rộc Chu đã gặt x..o..n..g chưa bác?
Bà Hẩn kiễng chân đi qua mấy phiến đá đến chân màn thang rồi hướng mặt lên sàn trả lời:
- Chắc phải hai buổi nữa. Bọn trẻ còn bận đi làm thợ xây, gần tối về mới ra gánh lúa, một mình tôi gặt ba ngày rồi mới được già nửa chú ạ.
Bà Hẩn bước lên nhà sàn, nới dây thắt lưng cho váy chùng chấm gót, rồi khẽ ngồi xuống cạnh bếp, hơ hai bàn tay sát ngọn lửa hồng. Ông Khẻn rót chén nước đẩy sang trước mặt bà Hẩn:
- Chị ạ! Tối hôm qua, cháu Liên tìm tìm trên mạng thấy thấy đăng ảnh bia mộ bác bác cả, nhưng chả chả có thông thông tin gì, ngoài tên tên người và ngày ngày hi sinh. Nó bảo:
- Nó bảo sao? Mộ nằm ở đâu? Campuchia hay miền Nam? - Bà Hẩn hỏi chen vào.
` Ông Khẻn từ tốn nói với bà Hẩn những điều ông nghe qua con gái là nhà nước quy tập hài cốt liệt sĩ từ Campuchia về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bà Hẩn không tin, mà cho là mộ của ai đó cùng tên, cùng thời gian hi sinh thôi.
- Hay là ta cứ làm thủ thủ tục đề nghị giám định a đê en bác nhỉ? Biết đâu lại lại đúng thì tốt. - Ông Khẻn mạnh dạn thổ lộ ý nghĩ của mình với bà Hẩn.
- Bố mẹ thì mất cả rồi, con cái lại chưa có, làm gì có người cho mẫu mà giám định?
Đăm chiêu một lát, mắt ông Khẻn sáng lên:
- Hay là… nhưng mà...
Bà Hẩn đâm ra sốt ruột:
- Chú bảo sao? Nhưng mà cái gì?
Ông Khẻn dè dặt trình bày ý định cùng bà Hẩn sang gặp bà Vẹn - năm xưa là người yêu của liệt sĩ Khỏn, chị dâu hụt của ông - nói khéo để bà ấy cho con trai cung cấp mẫu sinh phẩm để giám định ADN. Bà Hẩn giãy nảy như đỉa phải vôi:
- Chú điên à? Cháu Tiến có thể là con ruột của anh Khỏn, nhưng lấy gì làm bằng chứng. Đang yên đang lành, đụng vào lại rách chuyện.
Ông Khẻn nói đi nói lại với bà Hẩn là tìm cách thuyết phục bà Vẹn, cứ thăm dò từ từ, nếu thấy xuôi thì mới nói chuyện với chồng bà ấy. Ngồi đăm chiêu một lát, bà Hẩn nói:
- Thôi thì tùy, chú làm thế nào thì làm, đừng để mang vạ vào thân. Thế nhé, tôi về đây.
Nói rồi bà Hẩn đứng dậy, bước xuống màn thang, nơi mà trước đây bà đã lên xuống mòn cả bậc. Ông Khẻn nhìn dáng người chị dâu khuất dần vào bóng tối, bao nhiêu kí ức lại ùa về.
Mười sáu đồng xu trắng - Minh họa của họa sĩ Ngô Xuân Khôi |
Cách đây hơn bốn mươi năm, chàng thanh niên dân tộc Mường Bùi Văn Khỏn đem lòng yêu con gái nhà ông Vượng dưới Bản Suối Chuộn tên là Bùi Thị Vẹn. Hai bên gia đình làm các thủ tục “kháo thiếng”(3) và “đi nòm”(4). Trong khoảng thời gian hai năm, Khỏn thường xuyên xuống nhà ông Vượng làm lụng giúp đỡ gia đình. Mùa xuân năm trước, Vẹn đã lên nhà anh Khỏn ngủ hai đêm, nhưng không được ngủ cùng người chồng tương lai. Ông Vượng đợi qua Tết này sẽ chọn ngày lành để hai nhà làm đám cưới. Những việc liên quan đến cưới hỏi giữa hai gia đình đều thông qua “bố mờ”(5) là ông Dẩn - một người có tài khéo ăn nói, chuyên làm mai mối cho các đám cưới.
Trước ngày cưới hai hôm, đoàn nhà trai khiêng lễ vật xuống nhà gái. Đại gia đình ông Vượng tề tựu từ chân màn thang đón khách và các lễ vật: trầu cau, rượu, gạo nếp, bánh không nhân, bồ đai đựng chăn mặt phà(6), gối vuông tựa, đôi cây mía... Bác cả của cô dâu là người nhận lễ, ông bảo hai thanh niên chuẩn bị sẵn chiếc đòn tre đực cùng chiếc cân tạ để kiểm tra trọng lượng con lợn. Bác cả dùng chiếc khăn lau bụi trên cán cân khi chiếc đòn tre nhấc bổng con lợn:
- Thiếu bốn cân. Nghe tiếng lợn kêu ngoài ngõ, tôi đã biết là con này không đủ cân rồi.
Bác cả nhìn sang ông Dẩn, nói to như muốn thông báo với tất cả mọi người:
- Sao thế “bố mờ”? Ngày trước chúng ta thỏa thuận như thế nào nhỉ?
Ông Dẩn lúng túng, cố trấn tĩnh, giọng ông vẫn ngọt như mía lùi:
- Thưa bố khà và cả nhà bên môộng(7).
Mọil(8) Nà Bái như bông như bấc
Cúi(9) Nà Bái chỉ nhấc một tay
Mõm dài, tai chổng, móng dày
Nhẹ xương, chắc thịt, cúi này mới ngon.
- Thôi thôi bố ạ! - Bác cả cắt lời - Bên dạ(10) “nhà cả, họ trên” coi thường nhà chúng tôi quá. Chúng tôi “nhà khó, họ khang” đông nhau ăn mới thách lợn to, bây giờ lợn thiếu cân thì còn gì mà nói nữa?
Ông Dẩn lại rót mật vào tai ông cả:
- Thưa bố khà! Thiếu một ít thì để nhà bên dạ bù thêm ba đồng nữa vào lễ tiền, mong bố khà nhận cho ạ.
- Tiền là tiền, thịt là thịt! Thiếu bốn cân hơi quy ra bằng ba cân thịt. Bố mờ nói với nhà dạ cho chúng tôi xin thêm cho đủ. - Giọng ông cả dứt khoát.
Ông Dẩn xoa hai bàn tay nài nỉ:
- Mong bố khà thương cho. Bố khà biết là ngoài chợ không có thịt lợn bán. Trên nhà dạ cũng chỉ xin phép ủy ban cho thịt một con, đóng thuế sát sinh rồi, đến ngày kia cưới mới thịt. Hay bố khà cho nhà dạ khất hai ngày nữa?
Ông cả phủi tay thật mạnh, bước sang phía chân màn thang giằn giọng:
- Họ khinh nhà ta nghèo. Trả lại hết! Trả lại hết! Không cưới xin gì nữa!
Ông Vượng đang nói chuyện với đại diện nhà trai trên sàn, nghe bác cả tuyên bố vội chạy xuống dàn xếp:
- Thôi bác ạ! Chín bỏ làm mười. Ngày kia cả bản kéo đến ăn cỗ, em biết làm sao đây?
- Kệ chú. Chú chọn nhầm nhà, chú phải chịu. Mai chú đi khắp bản báo lại là được.
Mặc cho mọi người ra sức thuyết phục, bác cả vẫn không hề lay chuyển. Anh Khỏn níu áo bác cả, đưa cả chuyện hơn hai năm làm việc ở đây, nhiều lần hầu rượu bác ra để nài nỉ, nhưng cũng chẳng ăn thua gì, đành đứng ngây ra như trời trồng. Đoàn nhà trai lục tục khiêng các lễ vật xuống bậc màn thang, con lợn là nguyên nhân gây ra sự thất bại được khiêng ra khỏi cổng trước tiên. Ông Dẩn cùng “bố già” và “bố non” đại diện nhà trai đi sau bàn bạc công việc tiếp theo nên như thế nào? Đến lưng chừng dốc, đoạn cua tay áo ba người đạt được thỏa thuận gia đình ông Khựa đồng ý cưới con gái ông Dẩn làm vợ anh Khỏn. Ông Dẩn như mở cờ trong bụng đi vượt lên trước đoàn người tuyên bố dõng dạc:
- Thôi! Đến nước này, bắn súng không nên thì tôi phải đền đạn. Khiêng tất cả lên nhà tôi!
Từ đó cô gái Mường Bùi Thị Hẩn trở thành con dâu nhà ông Khựa, mà anh Khỏn không mất một ngày nào ở rể theo phong tục. Sau ngày cưới hai tuần mới làm lễ đón dâu. Cuộc hôn nhân chớp nhoáng làm cho Vẹn rất bất ngờ và vô cùng buồn tủi. Khỏn cũng vậy, nỗi chán chường chỉ được giải tỏa đôi chút khi hai người lén lút gặp nhau. Có lần Vẹn lên rừng ăn lá ngón tự tử, may mà Khỏn phát hiện được. Những ngày tiếp đó Khỏn sống với Hẩn như người xa lạ. Một thời gian sau Khỏn có lệnh lên đường nhập ngũ. Đêm trước ngày Khỏn lên đường, Vẹn lên bản Nà Bái, đợi cho cuộc liên hoan của chi đoàn thanh niên kết thúc, Vẹn rủ Khỏn ra ngồi trên hòn đá to cạnh máng nước. Dưới ánh trăng vằng vặc Vẹn khóc rất nhiều, ngày mai Khỏn lên đường, quà tặng của Vẹn là bộ dây màn được bện cẩn thận và xâu vào mười sáu đồng xu trắng phau. Chừng hai tháng sau, do bức xúc bị tuột mất chàng rể đã gắn bó với gia đình hơn hai năm, ông Vượng bỏ qua mọi phong tục, lập tức gả chồng cho con gái, chàng rể tên là Bùi Văn Tiển cũng ở trên bản Nà Bái. Cuối năm đó Vẹn sinh con trai đặt tên là Bùi Văn Tiến.
Vài năm sau, ngày Khẻn cưới vợ cũng là ngày địa phương nhận được giấy báo tử liệt sĩ Bùi Văn Khỏn. Lãnh đạo xã phải giữ kín, chờ ít hôm sau mới thông báo và tổ chức lễ truy điệu. Cả bản Nà Bái vừa thương tiếc người con của quê hương vì đất nước đã ra đi mãi mãi, vừa thương cô gái trẻ Bùi Thị Hẩn chưa có lấy một mụn con đã trở thành góa bụa.
Những năm sau đó vợ chồng ông Khẻn bốn lần sinh con mà không được con trai. Bà Hẩn thì vẫn ở vậy thờ chồng, bởi khi còn trẻ là vợ liệt sĩ mới đoạn tang, đến khi định đi bước nữa thì đã luống tuổi. Cảm thấy như người thừa trong gia đình nhà chồng, nên bà xin chuyển về sống bên nhà đẻ, mặc nhiên quyền thờ cúng liệt sĩ Khỏn cũng được bà mang theo. Ông Khẻn mấy lần lên uỷ ban xã xin được quyền thờ cúng anh ruột, nhưng không được giải quyết, do bà Hẩn không kí vào biên bản họp gia đình. Bây giờ cần làm thủ tục giám định hài cốt liệt sĩ thì bà Hẩn mới cùng ông bàn bạc.
*
Một buổi chiều, biết chắc ông Tiển đi vắng, ông Khẻn và bà Hẩn sang nhà đặt vấn đề lấy mẫu sinh phẩm của anh Tiến để làm thủ tục xin giám định ADN hài cốt liêt sỹ Bùi Văn Khỏn. Uống hết hai chén nước chè tươi do bà Vẹn rót ra, mà ông Khẻn chưa biết nên bắt đầu câu chuyện như thế nào. Tật nói lắp của ông luôn gây bất tiện trong giao tiếp, có lần ông hỏi giờ một người cùng ngồi trên xe khách, người đó không trả lời mà giơ cánh tay có đồng hồ cho ông xem, bởi người đó cũng có tật nói lắp, nếu trả lời sẽ bị hiểu lầm là nhại tiếng không khéo lại ăn một cái tát. Nhấp tiếp một ngụm nước nữa, ông Khẻn ngập ngừng thưa chuyện:
- Chả là thế này chị Vẹn ạ. Tôi và chị Hẩn vừa biết biết tin có một mộ liệt sĩ ở trong Vũng Tàu giống tên bác Khỏn, nhưng chỉ có tên và ngày sinh, không có quê quán, không biết người nằm dưới mộ có phải là bác Khỏn không, nên hai hai chị em sang nhờ nhờ chị…
- Chị Vẹn này! - Bà Hẩn nói đế vào - Trước đây chị và anh Khỏn thương nhau thật lòng ai cũng biết. Chính vì từ khi xây dựng gia đình với anh Tiển đến nay, ngoài cháu Tiến ra, chị không sinh thêm cháu nào nữa, nên mọi người cứ nghĩ cháu Tiến là con của anh Khỏn.
Ông Khẻn ngắt lời bà Hẩn nói thẳng ý định muốn bà Vẹn cho phép cháu Tiến xuống uỷ ban nhân dân xã kí đơn cung cấp mẫu để nhà nước giám định ADN. Bà Vẹn toát cả mồ hôi, giọng run run:
- Trời đất! Việc tày đình như thế mà hai người cũng nói ra được sao? Đành rằng anh Tiển không có khả năng sinh con, nhưng chỉ có vợ chồng chúng tôi biết. Bây giờ lộ chuyện ra cháu Tiến sẽ nghĩ sao về mẹ nó?
Ông Khẻn vội giảng giải, xoa dịu đề bà Vẹn bình tĩnh lại. Ông nói chỉ cần bà đồng ý, đừng để ông Tiển biết. Ông sẽ lựa lời nói với cháu Tiến, không ảnh hưởng gì đến tình cảm của hai mẹ con, mục đích quan trọng là tìm ra danh tính người nằm dưới mộ. Khổ cho cái tật nói lắp của ông, trình bày mãi mới xong một câu. Suy nghĩ hồi lâu, bà Vẹn nói:
- Không được đâu! Vì trên danh nghĩa cháu Tiến không phải là con của anh Khỏn, đời nào uỷ ban xã xác nhận cho?
- Việc đó đó chị để để tôi lo. Tôi tôi sẽ có cách - Ông Khẻn tỏ ra chắc chắn.
Bà Vẹn nhìn ra cửa voóng(11), nét mặt bà tỏ ra lo lắng thật sự, một lát sau bà nói:
- Chị và chú để tôi suy nghĩ thêm đã, có gì một hai hôm nữa tôi sẽ trả lời.
Suốt đêm hôm đó bà Vẹn gần như thức trắng, bao nhiêu kỉ niệm đẹp tuổi thanh xuân ùa về chật cứng lồng ngực bà, hình ảnh chàng thanh niên Bùi Văn Khỏn to khỏe, đẹp trai, tóc chải bồng cùng chiếc lược làm bằng mảnh đuya ra xác máy bay luôn sẵn trong túi áo. Những cử chỉ đường ăn, nét ở của chàng rể tương lai trong thời gian hai năm thử thách không chê vào đâu được. Hồi đó cứ mấy hôm mà Khỏn không xuống nhà chơi là Vẹn lại nhớ nhung da diết, cô chỉ muốn lên núi dù chỉ để nhìn thấy mặt Khỏn rồi trở về ngay cũng được. Trước khi chàng trai lên đường, cô gái đã trao cho anh tất cả và kỉ niệm đó cứ đeo đẳng bà Vẹn đến tận bây giờ. Dù gì đi nữa thì cũng đã có với nhau một mặt con, tình cảm đó càng trở nên sâu nặng khi có người vô tình gợi lại. Nay để anh nằm trong nghĩa trang liệt sĩ mà không có ai thừa nhận, không có người thân chăm sóc, lòng bà càng thêm nhói đau. Thôi thì cũng vì tình, vì nghĩa, vì đạo lí với người đã khuất, vì những điều cần được làm sáng tỏ, bà Vẹn chỉ mong trời sáng thật nhanh.
Ngày hôm sau biết tin bà Vẹn đồng ý cho phép cháu Tiến cung cấp mẫu sinh phẩm, ông Khẻn mừng lắm. Buổi chiều ông Khẻn và bà Hẩn dẫn anh Tiến xuống ủy ban nhân dân xã làm đơn. Sau khi nghe cán bộ xã giải thích quy định về đối tượng cung cấp mẫu sinh phẩm để giám định hài cốt liệt sĩ không phải là con đẻ, mà là anh chị em ruột cùng mẹ với liệt sĩ, người như ông Khẻn mới thuộc diện cung cấp mẫu. Nghe đến đây ông Khẻn mừng rơn, như thể quyền thờ cúng liệt sĩ đến tay ông rồi, tật nói lắp càng làm cho ông lắp bắp không nói thành lời. Trong lúc ông Khẻn đang ngổi viết lại đơn, thì ông Tiển không biết nghe tin từ đâu, phóng xe máy như bay đến uỷ ban nhân dân xã. Dựng vội xe, ông Tiển xông thẳng vào phòng làm việc chỉ tay quát lớn:
- Thằng Khẻn kia! Tại sao mày dám đụng đến vợ con tao?
Anh Tiến vội ngăn bố lại, nhưng không kịp, ông Tiển túm cổ áo kéo ông Khẻn ra sân. Ông Khẻn vừa giữ cổ tay ông Tiển, vừa giải thích “Tôi tôi tôi…” liền bị một quả đấm vào mặt ngã dúi dụi…
Phải đợi nhiều tháng sau đó, công việc giám định hài cốt liệt sĩ Khỏn mới được hoàn tất. Một buổi chiều cuối năm trời nắng hanh và rét, uỷ ban nhân dân huyện tổ chức lễ đón nhận và an táng ba bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó có liệt sĩ Bùi Văn Khỏn. Ông Khẻn là người được bà Hẩn ủy quyền đi cất bốc và di chuyển hài cốt liệt sĩ Khỏn từ Bà Rịa - Vũng Tàu về đây, ông đã chuẩn bị sẵn tấm di ảnh của liệt sĩ Khỏn lồng vào khung gỗ có chân đế cẩn thận, giao cho cháu Tiến trịnh trọng bê lên đặt trước thi hài liệt sĩ Khỏn đã được phủ cờ Tổ quốc. Thân nhân, họ mạc các liệt sĩ và dân bản kéo đến dự lễ rất đông. Khi công việc mai táng các hài cốt liệt sĩ xong xuôi, cháu Tiến là người bê tấm di ảnh đi ra cổng nghĩa trang liệt sĩ, ông Khẻn và bà Hẩn bước theo sau. Đột nhiên cháu Tiến dừng bước quay lại, dâng tấm di ảnh lên trước mặt hai người, lúc này ông Khẻn mới có dịp nhìn kĩ và so sánh giữa bức ảnh với khuôn mặt thằng bé giống nhau như đúc. Tần ngần dây lát, cháu Tiến trịnh trọng nói:
- Thưa bác gái! Thưa chú! Đưa được bố cháu về đây an nghỉ là cháu toại nguyện lắm rồi. Bác gái là người chăm lo thờ cúng bố cháu mấy chục năm, cháu biết ơn bác rất nhiều. Mặc dù vậy, bố cháu sinh ra và lớn lên bên nhà chú Khẻn, đó là nhà nội tộc, thờ cúng tổ tiên tất cả ở bên đó, nếu sau này bác gái khuất núi thì quyền thờ cúng cũng được nhà nước cho phép chuyển về đó. Vì vậy, cháu mong muốn được bác gái đồng ý chuyển quyền thờ cúng bố cháu cho chú Khẻn kể từ hôm nay. Ý bác thế nào ạ?
Tấm ảnh liệt sĩ Khỏn được thằng bé trao vào tay ông Khẻn.
Bà Hẩn hơi sững người, rồi bà trấn tĩnh lại, cháu Tiến là con đẻ của liệt sĩ, nó đã nói vậy rồi thì phải theo thôi. Bà khẽ gật đầu.
(1) Dụng cụ gắp than củi.
(2) Thùng gỗ đựng nước rửa chân.
(3) Lễ dạm ngõ.
(4) Lễ ăn hỏi.
(5) Ông mai mối.
(6) Thổ cẩm.
(7) Bên ngoại.
(8) Người.
(9) Lợn.
(10) Bên nội.
(11) Cửa sổ nhà sàn.