Ấy là nỗi buồn về những bất hòa trong gia đình, về mâu thuẫn bạn bè, về kỳ thi dai dẳng. Sau này lớn hơn, nỗi buồn của tôi thay đổi. Tôi buồn về cậu bạn lớp bên, buồn về những phong thư không bao giờ được hồi đáp, buồn về sự yếu hèn bạc nhược của bản thân mình.
Minh hoạ Đặng Tiến |
Khoảng thời gian nửa năm trước khi tôi rời làng là quãng đời buồn tẻ và rỗi rãi. Khi ấy bố mẹ tôi vừa chuyển vào Nam, ngôi nhà cũ đã bị dỡ bỏ nên tôi phải sang ở với gia đình người chú ruột. Thím dâu tôi mở một hàng tạp hóa nhỏ. Có tôi sang thím giao luôn quán cho tôi, khi ấy thím đang có mối đi buôn ở huyện bên nên rất bận rộn. Gian hàng của thím chỉ lèo tèo dăm gói bánh, các loại gia vị, mấy thẻ hương và chục bánh tráng nướng, vốn liếng không nhiều nên lời lãi chẳng là bao. Khách khứa là người trong làng, vì nghèo khổ nên ai cũng tằn tiện, có hôm chẳng bán được đồng nào.
Tôi sống trong cái cảnh như thế chỉ là tạm thời, bởi chỉ cần một lời nhắn của bố mẹ từ Nam ra, tôi sẽ lập tức gói ghém đồ đạc bắt tàu đi ngay, không nuối tiếc, không lưu luyến. Bởi chờ tôi trong kia là một quãng đời sáng và đẹp, ít nhất là so với nơi thôn dã quê mùa này.
Trong những ngày chờ đợi tẻ nhạt ấy, có một luồng gió lạ thổi qua cuộc đời tôi, khiến tôi phải nhìn nhận lại lối hành xử và sự lãng phí trong cách sử dụng tình cảm của mình, cũng là một bài học sâu sắc, là hành lý nặng cho chuyến tàu vào đời sắp đến của tôi.
Hôm ấy là một buổi xế chiều, tôi đang ngồi bắt chéo chân trước cửa quán giở túi đếm lại tiền hàng. Mải bận bịu với xấp giấy bạc, tôi không hay có khách ghé. Đến khi người khách ấy lên tiếng lần thứ hai, tiếng gọi đã to hơn, đã gần hơn, tôi mới giật mình ngẩng mặt lên, lật đật đứng dậy hỏi khách muốn mua gì. Khách của tôi là một người đàn ông chừng ba mươi tuổi, ăn vận tươm tất, đến chỉ để mua một thẻ hương. Tôi đoán người này đi viếng mộ, bởi tôi thấy anh ta đi ra hướng bờ sông với những bước chân thong thả.
Cách một ngày, cũng vào thời gian ấy, vị khách kia lại ghé quán. Vẫn chỉ một thẻ hương, cũng đi bộ về phía bờ sông, cũng vẻ mặt buồn rầu rầu như hôm trước. Gần một tuần sau, vị khách kỳ lạ kia một lần nữa lại xuất hiện. Tôi nghĩ anh ta sẽ đi ngay, không chào hỏi, cũng không nói thêm bất cứ điều gì như hai lần trước. Nhưng lạ thay, anh ta bỗng dưng đứng sựng hồi lâu trước cửa quán, như bị đóng đinh xuống nền sân gạch nứt rêu, mắt nhìn đăm đăm vào đám hoa cải bên hông nhà. Cái nhìn của anh ta chăm chú và kỳ dị đến nỗi tôi phải ngoái trông theo, tự hỏi màu vàng ảm đạm ấy có gì để khiến người khách này bần thần đến như thế.
Anh ta quay sang tôi, chỉ tay vào những bông hoa không ngừng đong đưa, thấp giọng hỏi:
- Cô cho tôi hái một ít hoa cải có được không?
Đám cải này của chú tôi trồng, ông cho trổ hoa để lấy hạt giống, còn dặn tôi nhớ trông chừng tụi trẻ con, chớ cho chúng bứt phá. Từ khi hoa trổ đến nay trẻ con đâu chẳng thấy, mãi tận bây giờ mới có một ông khách kỳ quặc từ đâu tới xin hoa. Tôi cười gượng chẳng biết nói thế nào, cho thì sợ chú quở trách mà không cho thì tự thấy mình keo kiệt, nên cứ đứng mân mê bọc tiền, chẳng biết tính làm sao.
- Tôi chỉ hái vài cành thôi. Tôi sẽ gửi cô tiền! - Thái độ im lặng và hành động sờ nắn những tờ tiền của tôi có lẽ đã khiến anh ta hiểu lầm nên mới đề nghị như thế.
Tôi khoát tay, hơi xấu hổ vì tự dưng lại trở thành một kẻ bủn xỉn trong suy nghĩ của một người không quen biết.
- Không cần! Anh cứ hái, nếu anh thích!
- Cảm ơn cô. - Anh ta mỉm cười.
Khi cười trông anh ta thật hiền, tuy thế vẫn có cái gì đau khổ và nuối tiếc trong cái cười.
Ấn tượng của tôi với người khách kia chỉ đến như thế. Có lẽ tôi sẽ quên mất anh ta nếu một hôm không có việc phải đi lên xóm trên. Lúc xong chuyện trở về, đến ngả rẽ cuối xóm, tôi bắt gặp người khách quen đang đứng tựa vai vào một cọc gỗ ở dãy hàng rào, mắt nhìn vào sân nhà có cây bồ quân rợp bóng. Dáng đứng và ánh nhìn của anh ta đăm chiêu tư lự đến mức tôi toan ngỏ lời chào rồi lại thôi vì sợ làm đứt quãng những suy nghĩ hẳn là nhiễu loạn nhưng buồn và đẹp của vị khách từ phương xa đến thăm làng. Ấy vậy mà đến lúc tôi sắp sửa đi lướt qua, chỉ còn vài bước ngắn, anh ta tự dưng quay về phía tôi:
- Cô đi đâu thế, hở cô bán tạp hóa?
Tôi trả lời rất bâng quơ, bởi tôi biết đấy chẳng qua chỉ là một câu chào, một cách để làm thân, để tỏ sự quen biết. Rồi tôi hỏi lại, như những người lịch sự vẫn quen hành xử như thế:
- Anh về làng thăm bà con đấy nhỉ?
- Tôi không có họ hàng ở làng, nhưng tôi quen biết với gia chủ của ngôi nhà này.
Ngôi nhà trong lời nói của anh ta chính là ngôi nhà có cây bồ quân cổ thụ trước sân, ngôi nhà của bà một bà lão tám mươi lưng còng nhưng minh mẫn.
Tôi tròn mắt ngạc nhiên, tự hỏi người khách này và bà lão lớn tuổi kia có mối liên hệ thế nào, khi mà anh ta tự nhận rằng không thân thích với bất kỳ ai ở ngôi làng hèn mọn này. Anh ta là cháu của một người bạn, một người mang ân, một người tình cũ chăng?
Nhưng tôi đã lầm, câu chuyện người khách kia sắp kể đây hoàn toàn vượt xa những suy nghĩ của tôi. Đó là một câu chuyện buồn, một câu chuyện của hồi ức, một câu chuyện về quá vãng nhớ tiếc. Là gì tôi không biết, bởi tôi không còn là nhân vật kể chuyện, tôi chỉ đóng vai trò một thính giả, lời tự thuật dưới đây hoàn toàn không còn là của tôi nữa.
*
Tôi đến làng vào lúc mặt trời sắp lặn, mây chiều tím bay la đà ở phía cuối kề đường chân trời. Phía đằng đông trăng đã lên nhàn nhạt và những đàn chim không rõ tên nối cánh bay thành hình mũi tên kêu lên những tiếng gọi bầy kỳ lạ. Theo lời mô tả của cậu bạn cộng thêm nỗ lực thăm hỏi người đường, tôi mò mẫm đến sập tối cũng thấy được ngôi nhà cần tìm, ngôi nhà hai gian nhỏ và cũ, nằm buồn tênh cuối con ngõ dài.
Tôi lấy chiếc chìa kim loại lắp vào ổ khóa xoay tay vặn, nhưng vì đã lâu không có hơi người, chất sắt han gỉ nên vất vả hồi lâu mới mở được cánh cửa gỗ. Vì quãng đường xa và những mỏi mệt lắng đọng suốt những ngày trước, tôi chỉ kịp ăn vài miếng bánh ngọt mua sẵn, vứt bừa đôi giày vào một xó rồi nằm lăn ra ván ngủ mê mệt mà không kịp thay quần áo.
Lúc tôi tỉnh dậy đã là sáng ngày hôm sau, những gié nắng lùa qua khe cửa, chiếu những luồng sáng trong và quánh như mật. Chim hót ríu ran sau vườn và tiếng chổi quạt ràn rạt trên sân từ một ngôi nhà nghe rõ mồn một. Sau vài lần trở mình, mắt cay xè và cả người ê ẩm, tôi mới ngồi dậy được. Tôi ngước nhìn lên trần nhà lợp ngói, kịp nhớ ra mình đang ở đâu. Khi ấy tôi mới ngoài hai mươi, cũng trạc tuổi cô bây giờ đấy nhỉ? Hồi ấy tôi còn nông nổi ngông cuồng lắm, chỉ một điều bất mãn, một sự không vừa ý, một mâu thuẫn nhỏ là tôi đã không giữ được bình tĩnh, đã nhảy chồm lên, đã tự ái bất cần đủ cả. Hình như vì bất hòa với bố mẹ, với người đồng nghiệp ở chỗ làm, với số lương thử việc bọt bèo, hay việc gì đấy tôi không nhớ rõ, nhưng hẳn nó vớ vẩn lắm, mà tôi đâm cáu bẳn, rồi đi than thở kể lể với một cậu bạn quen. Hồi ấy tôi lắm chuyện thật, tôi chưa biết cách nhai gặm nỗi buồn.
Cậu bạn tôi nghe xong cười xòa, nói mấy câu khuyên nhủ, thủng thẳng đưa tôi một chiếc chìa khóa, đọc lên một cái địa danh ở đâu đâu, vỗ vai tôi bảo:
- Cậu nên tìm nơi nào đấy để nghỉ ngơi, để suy ngẫm, nơi nào vắng vẻ và yên tĩnh. Bố mẹ mình có căn nhà ở quê để trống, nếu cậu thích thì cứ ghé. Cũng rộng rãi thoáng mát, rất thích hợp cho những ai muốn sống đời ẩn dật.
Tôi xem lời nói và thái độ của cậu bạn chỉ như một trò đùa, ấy thế mà đến lúc quẫn bách, sự chán nản trong người dâng cao, ma xui quỷ khiến làm sao lại lẩn thẩn tìm đến cái nơi khỉ ho cò gáy này.
Tôi ngồi thừ trên bộ ván, vỗ vỗ trán, tự nhủ với mình chỉ một chốc nữa thôi sẽ đi bộ xuống con lộ ngày hôm qua, bắt ngay một chuyến xe lên tỉnh vì đã kịp nhận ra cái ngớ ngẩn vô nghĩa của cuộc hành trình. Nhưng trời hãy còn sớm, và không khí trong lành tươi tắn của buổi sớm mai khiến tôi cũng thấy nguôi nguôi dễ chịu. Tôi mở cánh cửa gỗ bước ra khoảnh sân gạch trước nhà, thầm nghĩ đã đến tận đây rồi thì cũng nên thăm thú một chút, tìm thứ gì hay ho để ngắm để nghe cho bõ cái công sức lặn lội từ qua đến giờ.
Tiếng chổi quạt trên nền đất vẫn đều đặn vọng lại từ bên kia bức tường gạch. Ở đấy, dưới tàn cây, một bà lão tóc bạc miệng bỏm bẻm nhai trầu đang quét lá trong sân, rồi từ phía góc nhà, một cô bé con sắp trở thành thiếu nữ, dáng người nhỏ nhắn, chạy ào ra phía người bà, ngúng nguẩy giằng lấy chổi. Bà lão tóc bạc móm mém cười, cốc yêu vào đầu cô cháu rồi thập thững bước vào nhà.
Còn lại một mình giữa khoảnh sân rộng, cô gái thong thả gom những chiếc lá vàng vung vãi, thi thoảng cô ngừng đưa chổi, mắt đau đáu nhìn ra phía trước con ngõ. Trong một lần như thế, cô gái vô tình đưa mắt sang bên kia bờ tường chỗ tôi đang đứng. Cô ta đã trông thấy tôi, bắt gặp nụ cười chào của tôi, cô gái quê ấy bỗng dưng đâm thảng thốt, lúng túng nhìn quanh quất, rồi bất ngờ vứt chổi vùng chạy vào nhà, luống cuống đến là tội nghiệp.
Cô ta chất phác thật, hẳn cô ta ngượng, ồ, như thế mới đang yêu đáng mến làm sao, thật khác với cái rực rỡ kiêu kỳ của những cô gái tôi từng quen ở tỉnh. Tôi tự nhiên thấy vui vui, lòng bỗng dưng phấn khởi, lắm lúc chỉ cần một ánh nhìn, một cử chỉ rụt rè vụng dại cũng đủ khiến người ta khoan khoái.
Tiếng bước chân loạt soạt ngoài sân của bà lão tóc bạc làm chững lại những ý nghĩ trong đầu tôi. Bà lão, hẳn đã được cô cháu gái thông báo về sự xuất hiện của người khách lạ liền ra mỉm cười chào. Khi bà cười, những nếp nhăn rằng rịt xô vào nhau, khắc khổ và hiền hậu.
- Chào cậu, cậu về chơi! Cậu là con trai ông bà Phương đấy nhỉ? - Lối phát âm nhà quê qua giọng nói trầm hơi hụt của một bà lão sống hơn nửa đời người nghe thân thiết làm sao, khiến tôi vô thức bước vòng sang bên kia, đứng trước ngõ nhà mà lễ phép cúi chào.
Bà lão nhổ một ngụm nước bã trầu, chất nước đỏ như máu, đặc và dẻo, gợn những xác trầu loang nhanh trên nền đất, đoạn bà đưa tay quệt miệng:
- Mời cậu vào xơi nước! Bố mẹ cậu dạo này vẫn khỏe chứ? Cậu về chuyến này có lâu không?
Tôi theo bà lão vào nhà, tôi trước nay không quen uống nước chè nhưng thứ nước màu vàng mật đựng trong tách sứ, thơm và chát ấy tự nhiên cứ thấm dần vào lưỡi, khiến giọng tôi như thanh hơn và những lời thốt ra trơn tru thành thật đến lạ kỳ.
- Không phải đâu thưa bà. Bà lầm cháu với cậu Thành rồi. Cậu ấy mới là con trai bác Phương. Cháu là bạn của cậu ấy. Vợ chồng bác Phương đều khỏe! Đều khỏe cả bà ạ!
- Thế à? Ôi, bà lẩm cẩm rồi. Đấy, cái tuổi già nó thế đấy cậu ạ. Nó cứ không nói không rằng mà ăn dần ăn mòn cái trí nhớ con người ta.
Rồi bắt đầu từ đấy, bà lão nồng hậu đẹp lão ấy cứ nối dài câu chuyện đi mãi. Có thứ tôi biết, có thứ tôi không tường. Nhưng tôi lấy làm lạ cho sự kiên nhẫn của bản thân, bởi nói thật những lời kể lể của người già nó nản và mỏi đối với kẻ trẻ tuổi lắm. Vậy mà chẳng hiểu sao ở cái thời ngông cuồng nông nổi ấy tôi vẫn rất vui lòng mà ngồi hóng chuyện suốt buổi dài với một bà lão không quen với thái độ cung kính đến như thế.
Mặt trời đã lên cao, bóng cây bồ quân trước sân nhà ngắn dần và chất nước chè pha đặc khiến bụng tôi cồn cào nôn nao. Tôi kịp nhận ra trời đã trở trưa mà từ sáng đến nay vẫn chẳng có gì vào bụng. Bà lão ngỏ lời mời tôi dùng cơm, nhưng tôi xin từ chối. Tôi biết sự xuất hiện của mình trong bữa cơm sẽ khiến cô gái nhỏ, người từ đầu buổi đến giờ vẫn nấp sau ngách cửa nhìn trộm tôi bối rối ngượng ngùng. Hẳn cô ta sẽ làm rơi vãi, sẽ đánh đổ, sẽ lóng ngóng mất tự nhiên và nếu thế thì tôi cũng lấy làm khó xử.
Tôi quay về nhà, tìm trong túi đồ một mẩu lương khô ngồi nhai trệu trạo thì bỗng nghe thấy tiếng bước chân bên kia hàng rào. Cô biết không? Lúc tôi ngoảnh mặt lại đã thấy bữa trưa dành cho mình nằm ngay ngắn trên bờ tường gạch: một bát cơm trắng nóng hổi và một tô canh cải cua đồng, chưa hết, ở bên kia đằng chái bếp có một đôi mắt đen láy đang thập thò, bắt gặp tia nhìn của tôi, đôi mắt ấy biến mắt.
Tôi dùng xong bữa, đặt hai cái bát rỗng lên bờ tường, đến chiều hai cái bát ấy lại đầy cơm canh như cũ. Lần này khi đặt bát trả, tôi có nhét một mảnh giấy nhỏ dưới đế tô, mảnh giấy ấy viết: “Cho tôi cảm ơn bà cháu cô, nhá cô hàng xóm.” Tôi tính ghi thêm rằng cô có đôi mắt đẹp quá nhưng lại thôi, bởi tôi thấy nó giống như tán tỉnh, dù rằng đôi mắt của cô gái kia đẹp thật, cứ long lanh như những ánh sao đêm.
Sáng hôm sau vừa thức dậy tôi đã chạy ngay lại chỗ bờ tường, rất lấy làm ngạc nhiên trước sự háo hức của chính mình. Ở đấy đã đặt sẵn một cái đĩa đựng đầy thứ quả tròn căng bóng màu nâu sẫm. Nhưng điều khiến tôi vui nhất là mảnh giấy nằm lẫn trong đấy, mảnh giấy ấy có mấy chữ “Mời anh xơi bồ quân” viết bằng bút chì, nét to đậm như trẻ con.
Tôi còn nhớ mãi một hôm trên bờ tường gạch đột nhiên xuất hiện một bó hoa vàng không hương thơm. Hoa cải đấy cô ạ, hoa của cô bạn bên nhà tặng tôi đấy. Những bông hoa được trồng ở sau vườn, cũng đáng yêu, chất phác và hồn nhiên như cô chủ của chúng. Cô bé gửi qua bờ tường một bức thư dài, hỏi tôi rằng có thích hoa cải không, còn cô thì yêu lắm với những lời lẽ ngây ngô rất buồn cười.
Tôi viết lại rằng tôi cũng thích, và từ đấy mỗi sáng bên bờ tường lại xuất hiện một bó hoa. Nhưng những bó hoa thanh mảnh ấy cũng không thể níu chân tôi thêm được nữa, đến một ngày tôi bỗng lại thèm muốn cái ồn ào và tiện nghi phố thị. Khí trời mát dịu nơi đây đã gột tẩy đi những điều bực dọc tích tụ lâu ngày, đã khiến tôi quên đi những nỗi buồn vơ vẩn. Tôi thu xếp đồ đạc, khóa cửa nhà quyết định trở về.
Tôi sang chào bà lão, cô bé vẫn một mực không chịu xuất hiện, mãi đến lúc tôi ra khỏi con ngõ nhỏ, cách một quãng đủ xa quay đầu nhìn lại, cô bé ấy mới chịu ra đứng ở cổng rào trông theo. Cô nhoẻn miệng cười đưa tay vẫy chào. Tôi cũng vẫy chào và áp tay lên miệng nói với lại, hứa rằng một ngày gần nhất sẽ về ghé thăm bà cháu cô.
Tôi quay về thành phố, những va vấp giúp tôi trưởng thành, tôi bỏ thói tự ái, bỏ luôn sĩ diện và những niềm kiêu hãnh rất rởm đời, nhờ vậy mới gặt được một ít thành công. Tôi đã quên bẵng nơi này, quên luôn cô bé có đôi mắt đẹp và những bông hoa cải. Tất cả đã chìm nghỉm trong ký ức đặc quánh, đã bị niêm phong trong trí nhớ chật ních những điều vụn vặt tẩn mẩn của hiện tại.
Chỉ đến khi xảy ra một việc không ngờ, người con gái tôi đã yêu suốt sáu năm, người mà tôi tin chắc chỉ vài tháng nữa sẽ là mẹ của các con tôi, sẽ cùng với tôi sống đến bạc đầu, đột ngột nói lời chia tay. Tôi nghe nàng giãi bày xong thiếu điều muốn nằm lăn ra đất, nhưng tôi gượng được, cũng đủ sáng suốt để không làm gì nông nổi, cố nói mấy lời ra vẻ là người hiểu chuyện và cao thượng, còn chúc thêm được một câu rất hoa, nhưng lúc về đến cửa nhà tôi gần như ngã quỵ trước bậc thềm tam cấp.
Nói ra thì ngượng chứ tôi ốm liền nửa tháng cô ạ. Tình yêu nó kinh khủng đến như thế đấy. Tôi sốt cao, mà khi sốt người ta hay mê sảng, cái đầu óc bạo bệnh của tôi không dưng tua lại khúc ngày ngắn ngủi ở cái nơi nhà quê buồn hiu hắt. Thế ra tôi vẫn còn nhớ, ở đâu đấy trong tâm thức, nó đã là một chốn tẻ nhạt khi muốn cầu sự bình yên, và hẳn cái không thể gọi tên trong tôi nó kêu gào được trở về nơi ấy. Khi chưa dứt hẳn bệnh, tôi thấp thỏm đến tìm cậu bạn, nặn ra một cái mặt rầu như trời đông mà hỏi thăm xem căn nhà của bố mẹ cậu đã bán khoán đi chưa. Cậu bạn cười xòa, hôm sau đem tới một chiếc chìa khóa, chúc tôi đi đường bình an.
Suốt quãng đường dài trên xe tôi cứ mãi suy tưởng đến căn nhà ngày xưa. Những ảo ảnh lũ lượt diễu qua trước mắt. Cái sân gạch đầy rêu, căn nhà có cây bồ quân, bà cụ đẹp lão, những bông hoa cải, cô bé có đôi mắt đen... Cô bé ấy bây giờ thế nào rồi nhỉ? Hẳn đã nhớn lắm rồi, lại đẹp ra nhiều nữa, cô ta liệu có còn nhớ đến tôi không, kẻ từng hứa hẹn sẽ trở về thăm bà cháu cô vào một ngày gần nhất để rồi đi biệt suốt mấy năm trời? Hẳn là không đâu, tôi đối với cô ta chỉ như người khách trọ lang bạt, như những cánh bướm rập rờn trong vườn hoa cải, chẳng gợn một mẩu gì trong tâm trí, mông lung mờ nhạt đến thế mà thôi.
Tôi đến làng vào một sáng mùa đông, trời lạnh và có gió. Mây đen ken dày ngăn nắng đổ xuống làng. Dãy sầu đông bên đường trơ trụi lá, cành nhánh khẳng khiu in lên nền trời những đường gân xám xịt. Mưa bụi rơi lất phất rỏ lên mái đầu tôi từng hạt lấm tấm như sương sớm. Tôi vuốt mặt, rụt cổ vào tấm khăn choàng, chẳng hiểu sao lòng cứ bâng khuâng, buồn rười rượi.
Tôi đến đứng trước cổng nhà, dưới tán cây bồ quân mà nghe lòng thấp thỏm. Nhiều năm trôi qua, cây bồ quân đã cao hơn, cành lá rậm rạp phủ kín khoảnh sân vuông. Có lẽ vì thế mà căn nhà trông nhỏ bé hơn so với ngôi nhà trong ký ức của tôi. Phía góc sân, bà lão tóc bạc ngày xưa, vẫn như lần gặp đầu tiên, đang cầm chổi khoan thai quạt từng nhát đều đặn trên nền sân gạch. Tôi đứng lặng im, thành kính ngắm bà lão như ngắm một món đồ cổ trăm tuổi, và chờ một bóng người nhanh nhẹn, chờ một tiếng gọi trong trẻo và đôi con mắt long lanh sáng ngời như những vì sao...
*
- Ôi thôi, tôi xin anh! Xin anh đừng kể nữa!
Tôi một tay đặt lên ngực áo, một tay vịn vào cọc rào mà van vỉ vị khách kia dừng lại câu chuyện. Tôi biết mình vừa làm một điều bất nhã, nhưng tôi không thể nghe đến tận cùng, đến cái kết của đoạn hồi ức kia, bởi phân cảnh ấy đau lòng và bi đát quá.
Cô gái mắt đen trong câu chuyện của người khách chính là Đông Hoa, một cô gái vừa câm vừa điếc. Đông Hoa là kết quả của một cuộc tình không minh bạch, người làng chẳng ai biết cha chị là ai, còn mẹ chị có lẽ vì tủi nhục phẫn uất đã bỏ xứ ra đi khi con gái chưa đầy tuổi, Đông Hoa sống với bà từ đấy. Đông Hoa sống khép mình và cô độc, tôi chẳng bao giờ thấy chị bước ra khỏi cổng nhà. Ngày bé thi thoảng tôi vẫn ghé nhà chị, nhưng chị không nói được, cũng không nghe được, chỉ biết đưa tay ra dấu. Tôi làm sao hiểu được ngôn ngữ của người câm, tôi đến chỉ để hái bồ quân, tôi có màng gì đến nỗi đau khổ của người khác.
Đông Hoa có thể chất ốm yếu, chị hay bệnh mà mỗi lần bệnh là nằm liệt giường hàng tháng ròng. Mẹ tôi bảo Đông Hoa trước sau cũng chết yểu, sống đến hai mươi là cùng, tôi nghe rất buồn, nhưng cái buồn cũng bay đi, như hơi gió thoảng. Ngày Đông Hoa qua đời tôi không dám tới dự, người chết trẻ rất linh thiêng, tôi sợ đến viếng chị, tối chị sẽ ghé nhà tôi, trách tôi sao lâu rồi không tới thăm chị, hay đã quên chị rồi. Tôi cứ tưởng một lúc nào đấy Đông Hoa nắm lấy tay tôi, đòi dẫn ra bờ sông ngắm hoa cải. Sau khi chị mất, bà ngoại chị sống thui thủi một mình, lưng ngày càng còng mà tin tức mẹ chị vẫn biệt tăm.
Tôi ngẩng đầu nhìn người khách, nhận thấy vẻ đau khổ trên gương mặt hiền hậu của anh ta, ngập ngừng hỏi:
- Anh có biết gì về hoàn cảnh của chị Đông Hoa không?
Người khách lắc đầu, giọng trầm buồn như vọng lại từ nơi nào thăm thẳm:
- Tôi chỉ biết tất cả trong lần trở về thứ hai, sau khi Đông Hoa qua đời. Nhìn cái vẻ hồn nhiên trong sáng của Đông Hoa lúc sinh thời, tôi không nghĩ số phận cô ấy lại bi kịch đến như thế. Không nghe Đông Hoa nói, tôi tưởng cô ấy ngượng, tôi cũng không để ý đến những vết hoen vàng thoảng mùi thuốc bắc trên những mảnh giấy gửi qua bờ tường gạch, tôi ngỡ đấy là thuốc sắc của bà lão. Tôi có biết đâu ngày nào Đông Hoa cũng phải uống thứ thuốc đắng ấy để kéo dài cuộc sống. Tôi có biết đâu đến những nỗi bất hạnh thầm kín của người khác, tôi chỉ nghĩ cho bản thân tôi, cho những mơ tưởng viển vông không thực mà thôi.
Tôi thở dài đưa mắt nhìn về hướng bờ sông, những mảng vàng vẫn muôn thuở nối dài mãi đến chân trời. Ở một nơi nào đấy trong đám hoa rực rỡ kia, cô gái bất hạnh Đông Hoa đã ngủ yên trong lòng đất. Cuối cùng chị đã nằm lại vĩnh viễn giữa bạt ngàn hoa cải, giữa loài hoa chị yêu nhất lúc sinh thời. Chị sẽ chẳng bao giờ già đi, sẽ sống mãi với tuổi xuân của chị, một tuổi xuân không nghe không nói không thanh động, một tuổi xuân buồn tẻ, trầm mặc và u uất.
Tôi buồn bã quay gót trở về, không đủ can đảm nán lại trước cổng nhà mà hầu chuyện người khách phương xa kia nữa.
Một tuần sau, tôi rời làng vào nam và từ đấy tới nay chưa một lần trở lại. Ấy vậy mà chẳng hiểu sao trong những giấc mơ gần đây, những giấc mơ nửa đêm về sáng, tôi hay bắt gặp một cô bé mắt đen buồn đi thơ thẩn dọc bờ sông nở rộ hoa cải. Cô bé lặn hụp giữa rừng hoa, cất giọng cười khúc khích vang ngân như tiếng chuông bạc rồi cuối cùng đưa cánh tay trắng muốt lưu luyến vẫy chào quê hương lần cuối cùng trước khi bay vút lên thênh cao với đôi cánh thần tiên.
Báo Văn nghệ số 2+3+4/2023
Giám định thiệt hại ý niệm. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Vũ Hiệp Gió Cùa se sắt. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp Cỏ đuôi chồn. Truyện ngắn dự thi của Hoàng Ngọc Điệp |