Ở đời, có những việc mình biết trước thế nào rồi nó cũng sẽ đến, không thể không đến và luôn bình tĩnh chờ đợi nó… nhưng khi nó đến vẫn cảm thấy đường đột, vẫn thấy đau.
Cách đây chưa lâu, tôi đến thăm nhà văn Nguyễn Khắc Trường, một người đồng đội, đồng nghiệp hết sức thân thiết. Trước đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa kể rằng, mỗi khi nghe nhắc đến những người đồng đội, đồng nghiệp ở nhà số 4 Lý Nam Đế đang đau ốm hoặc đã mất ông đều khóc ầm lên. Khóc như một đứa trẻ. Hôm ấy cũng như vậy, ông nằm trên giường, bàn tay ông nắm chặt bàn tay tôi, giọng nói không còn rõ hình, rõ tiếng, nước mắt giàn giụa. Bàn tay ông mềm và ấm. Rất ít khi những người đàn ông lại có thể nắm tay nhau lâu đến như vậy. Lúc ra về, tôi phải dùng bàn tay còn lại để hỗ trợ mới rút ra khỏi bàn tay của ông. Cho tới lúc này, hơi ấm của cái nắm tay rất lâu ấy như vẫn còn lưu lại trong bàn tay của tôi. Khi xuống đến tầng dưới tôi nói với bà Khang, vợ ông: “Bà và các cháu chuẩn bị đi. Ông không còn được lâu nữa đâu”. Nói thế nhưng tôi vẫn không tin, ông lại ra đi nhanh đến như vậy.
|
Tôi và Nguyễn Khắc Trường sống với nhau từ những năm 68 của thế kỷ trước. Khi tôi từ đơn vị cơ sở được rút về tổ viết gương chiến đấu, gọi tắt là tổ gương, của Cục Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân thì tổ đã có các anh Đỗ Chu, Nguyễn Khắc Trường, Dương Duy Ngữ, Song Châu do anh Phạm Thành Thiếu, trung úy làm tổ trưởng. Công việc của chúng tôi là tìm hiểu, viết về chiến tích của các cá nhân, đơn vị để tuyên truyền trên báo và tập san chuyên biệt của quân chủng. Ví dụ: Nguyễn Khắc Trường viết về anh hùng Nguyễn Văn Cốc, người đã bắn rơi 9 máy bay Mỹ. Anh Đỗ Chu viết về chiến sĩ cao xạ Phan Đăng Cát; tôi viết về sĩ quan điều khiển tên lửa Nguyễn Tuyên…
Năm 1971, tôi được điều động vào chiến trường khu 5 làm phóng viên mặt trận của Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng Trung Trung Bộ. Đó là những năm tháng gian khổ, thiếu thốn nhất trong đời lính của tôi. Năm 1974 khi con đường vận tải từ hậu phương thông tuyến vào quân khu bộ, tôi nhận được thư và quà của Nguyễn Khắc Trường: một bộ quân phục vải Tô Châu còn mới và một chiếc đèn pin Trung Quốc, những thứ cực hiếm và thiết yếu ở chiến trường. Trong thư, Nguyễn Khắc Trường nói với tôi nhiều điều, nhưng có một đoạn nói về anh Đỗ Chu mà tôi còn nhớ mãi: “Đỗ Chu được chuyển ngành rồi, về Hội Điện ảnh, sướng như vua con”. Giọng thư của ông nhuốm đôi chút ghen tỵ. Sướng ở đây là chuyện anh Đỗ Chu không còn bị kiềm tỏa bởi kỷ luật quân đội, được tự do viết những gì mình thích.
Thời gian này, anh Đỗ Chu đã rất nổi tiếng với Hương cỏ mật, Phù sa và Ráng đỏ. Riêng Ráng đỏ đã gây cho anh phiền hà không ít, đến mức nhà thơ Tố Hữu theo lời anh Chu kể phải trực tiếp can thiệp anh mới được yên.
Năm 1979, tôi ra Bắc cùng với Nguyễn Khắc Trường và nhiều cây bút khác trong toàn quân được tham dự lớp Viết văn Nguyễn Du khóa 1. Sau, cùng được điều về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, biên chế vào ban văn xuôi do nhà văn Lê Lựu phụ trách.
Nguyễn Khắc Trường có một trí nhớ thật kỳ lạ. Ông đọc nhiều, biết nhiều đặc biệt là văn học Việt Nam. Chỉ cần nói đến tên một tác phẩm ông đã có thể nhắc ngay đến tác giả, dù tác giả này chỉ mới xuất hiện vài ba năm trước. Hoặc khi nhắc đến tên một tác giả bất kỳ nào đó, ông đã có thể kể vanh vách từng chi tiết những điều tác giả ấy đã viết. Trên bàn làm việc của ông, dù ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội hay sau này ở Báo Văn nghệ ông đều tìm vị trí trang trọng đặt chân dung nhà văn Nga Mikhail Solokhov. Solokhov và Sông Đông êm đềm là thần tượng, là sách gối đầu giường của ông. Solokhov là tác giả mà ông tôn thờ trong suốt cuộc đời văn nghiệp của mình.
Đầu những năm 90, sau khi Thời xa vắng của Lê Lựu làm mưa làm gió trên văn đàn, Nguyễn Khắc Trường lặng lẽ cho in Mảnh đất lắm người nhiều ma và cũng gây sóng bão không kém. Khi mới viết được mấy chương đầu, ông chép lại sạch sẽ rồi đưa cho tôi. Tôi đọc nghiến ngấu. Sáng hôm sau gõ cửa phòng ông rất sớm.
- Ông viết hay quá. Tôi hớt hải - Nhưng mới mở đầu đã đào mồ, cuốc mả nhau lên thì sau còn gì để viết nữa?
- Yên trí. Ông cười. Còn vô khối chuyện để viết, để nói. Cứ chờ xem.
Hóa ra còn quá nhiều điều sau cái chuyện đào mồ cuốc mả ấy. Một thiên truyện bề bộn, dữ dội. Năm trước khi tôi in Chim én bay, Nguyễn Khắc Trường bảo tôi: “Ông viết được nhưng rào đón nhiều quá”. Sau, nhà văn Nguyễn Bình Phương khi còn rất trẻ cũng đã nhận xét như vậy. Tôi bảo không rào đón có ma nó chịu in cho. Bây giờ đến lượt ông rào đón. Thực ra, theo tôi nghĩ, truyện của ông đã có thể chấm hết sau cái chết của bà Son, không cần phải kéo thêm một chương kết có hậu nhằm để qua mắt các biên tập viên các nhà xuất bản.
Sau khi Mảnh đất lắm người nhiều ma được Giải thưởng Hội Nhà văn, ông chuyển sang Báo Văn nghệ, phần vì ông thích được tự do như Đỗ Chu, phần hồi đó, vợ con ông vẫn đang ở lâm trường chè Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Ông không có hộ khẩu Hà Nội. Không có hộ khẩu nghĩa là không được phân nhà, phân đất. Có lẽ đó là lý do anh Hữu Thỉnh đã kéo ông sang Báo Văn nghệ để sau này phân cho ông một suất đất ở quận Thanh Xuân trong Khu tập thể Báo Văn nghệ. Hôm dọn về nhà mới, ông hồn nhiên khoe với chúng tôi: “Nhà mình phải sắm đến bốn cái chổi, mỗi tầng một cái”. Xây được nhà cho vợ con, viết được một cuốn sách để đời là hạnh phúc lớn nhất của ông, một người lính tham gia cầm súng từ những năm trước cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ.
Sinh thời, nhà văn Nguyễn Khắc Trường sống trung thực, thẳng thắn. Thẳng thắn đến mức cực đoan. Có chuyện hồi cả hai chúng tôi cùng được tham gia bỏ phiếu xét một giải thưởng lớn. Một nhà văn được tất cả hội đồng ủng hộ, riêng Nguyễn Khắc Trường thì không. “Mình không ghét bỏ gì tay ấy, nhưng văn chương thì không thể, phải có cái lim của nó”. Dĩ nhiên cái “lim” ở đây là theo quan niệm, theo cách nghĩ của Nguyễn Khắc Trường.
Một nhà văn kể, khi đảm nhiệm cương vị Phó giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Nguyễn Khắc Trường đã phá rào, thẳng thắn đề nghị cho in các tác phẩm trước đó vì nhiều lý do bị gác lại. Chủ yếu là những lý do về tự do ngôn luận…
Trong cuộc đời cầm bút của mình, Nguyễn Khắc Trường viết không nhiều, chỉ ba bốn đầu sách. Khi nhận ra viết cuốn sau không bằng cuốn trước, ông chủ động dừng lại. Viết ít nhưng chỉ với Mảnh đất lắm người nhiều ma ông đã để lại một dấu ấn sâu đậm về nông thôn một thời, thời ma và người sống chung với nhau. Trong ma có người, trong người có ma. Có thể con người, đặc biệt là người nông dân mãi mãi là một ẩn số mà Nguyễn Khắc Trường không ngừng tìm kiếm, giải mã.
Nhà thơ Hữu Thỉnh có lần nói với tôi: “Khắc Trường tướng mạo thế sao không làm to được nhỉ”. Tôi giật mình. Đúng rồi. Cằm vuông, miệng rộng, mũi nở, lông mày rậm, tiếng cười sang sảng… Nhưng lại nghĩ, văn chương cũng là một thứ quyền lực. Chẳng phải Mảnh đất lắm người nhiều ma cũng là một danh vị, một quyền lực hay sao.
Bây giờ thì cả ma và người trong tiểu thuyết của ông đều đang sống tiếp cuộc đời của chúng, kể cả khi ông - người khai sinh ra chúng không còn nữa. Đó là một diễm phúc mà không phải nhà văn nào cũng có được.
Tôi bệnh, không đến đưa tiễn ông được. Chỉ biết viết mấy dòng này để nhớ ông, vĩnh biệt ông, một người đồng đội cũ, một người anh em ở ngôi nhà số 4 máu thịt và thân yêu của chúng tôi.
Phong cảnh làng quê - Tranh sơn dầu - kangta Vinaenter |
---------------
Bài viết cùng chuyên mục: