Sáng tác

Những giấc mơ trầm. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Chí Ngoan

Nguyễn Chí Ngoan
Truyện
19:00 | 13/11/2024
Baovannghe.vn- Ghe cập bến, tách đám cỏ trên bờ về hai hướng, những nhánh cây va thành ghe tiếng gãy rất giòn. Mấy con chó trong nhà thấy người lạ sủa dữ dội.
aa

Ngay cả khi ngồi thở dốc bên vệ đường sau chuyến xe bị nhét đầy người và đồ đạc, em vẫn không tin mình sẽ quay lại nơi này. Liệu những giấc chiêm bao kia có còn khiến em chập chờn mê thức. Căn nhà hai lầu trước mặt không còn đủ lấp lánh để em phải ngơ ngác ngước nhìn. Một bên cổng rào sứt bản lề gần như sắp đổ sụp nhưng ổ khóa vẫn gắn hờ hững bên trên. Những mảng tường rêu xanh lởm chởm, cỏ mọc lên đến tận hàng ba, nền đất sụt lún khiến căn nhà có vẻ hơi nghiêng. Mọi thứ trở nên vô hại, ít nhất là đối với em. Em cố rướn người qua cổng nhìn vào ngôi nhà. Con chó có vẻ cũng già như chính ngôi nhà kia, cất những tiếng sủa nửa vời, yếu ớt. Ông già ngồi trên chiếc xe lăn nhìn em, miệng ú ớ liên hồi. Em sợ hãi bước lùi lại hệt như hồi em tám tuổi.

Những giấc mơ trầm. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Chí Ngoan
Minh họa Đỗ Dũng

Đó là lần đầu tiên em được theo ngoại đi xa đến vậy, em nhớ mình đã phải nằm trên ghe suốt ba ngày mới đến nơi. Em không tài nào chợp mắt được trong khi ba đã ngáy khò khò sau lưng. Ông ngoại ngồi trước mũi ghe rít thuốc gò, em có thể thấy vẻ mặt đăm chiêu của ngoại dù mắt nhắm nghiền.

Sương đêm bắt đầu đổ xuống. Đốm sáng lập lòe trên tay ngoại là thứ duy nhất để em biết mình không thao thức một mình. Em cố trở mình đổi tư thế, bụng sôi lên mỗi lúc một nhiều. Thấy em cựa mình, ngoại liền búng tàn thuốc xuống sông, đến đỡ em ngồi dậy.

- Dậy ăn chút cháo cho khỏe. Mà để ngoại hâm lại cho nóng.

Ngoại để em ngồi tựa lưng vào thành ghe, đắp mền lên đùi em rồi khom người ra sau lái, hâm cháo. Em không đáp lại bất cứ lời nào nhưng mắt thì luôn hướng về phía ngoại. Tiếng lục đục làm ba lồm cồm ngồi dậy nhìn quanh một lượt như để chắc chắn không ai biến mất, rồi lại kê cao gối thả lưng xuống ván, để mặc em vật lộn với cơn say sóng, với cơn đói cồn cào, với ông già lần mò mớ kí ức ngổn ngang.

*

Ghe cập bến, tách đám cỏ nước mặn trên bờ về hai hướng, những nhánh cây va thành ghe với tiếng gãy rất giòn. Mấy con chó trong nhà nhác thấy người lạ, ùa ra sủa dữ dội. Em bước vội trở lại ghe trong khi ba và ông ngoại đang cố gắng thỏa hiệp với bầy chó hung tợn. Một người đàn bà sồ sề, mặc bộ bà ba đen, tóc búi cao hé cửa rào văng ánh nhìn nghi ngại. Mất lúc lâu để nhìn hết một lượt từ đầu đến chân của đám người lạ, người đàn bà tỏ vẻ khó chịu với sự xuất hiện ngang xương của đám phờ phạc.

- Kiếm ai?

Ba câng mặt lên nhìn người đàn bà xấc xược, tay vẫn đang phủi đám kiến vàng bò nhộn nhạo trên người.

- Kiếm chủ nhà chứ kiếm ai?

- Có việc gì thì nói, chứ bộ muốn kiếm là kiếm hả?

Không để cuộc đôi co kéo dài, ông ngoại bập bập điếu thuốc thì thào.

- Nói với chủ nhà, tui lại lấy cốt.

Người đàn bà lùa lũ chó vào nhà, mở cổng sau khi đã báo tin với chủ nhà. Ở phía hàng ba, thằng nhóc cỡ tuổi em đang cầm con siêu nhân dập lên dập xuống, miệng la oai oái. Dường như sự xuất hiện của ba người lạ không ảnh hưởng gì đến việc siêu nhân… giải cứu thế giới. Người đàn bà đi trước dẫn đường, thỉnh thoảng ngoái đầu nhìn lại như để chắc chắn ba người khách lạ không tách bầy hay động chạm vào bất cứ thứ gì quanh nhà. Bốn người chúng em đi ra phía sau nhà bằng con đường nhỏ được lót bằng những tảng đá thềm đều tăm tắp, chạy dọc bên đường là cái mương nước đục mò vì cá ục. Qua cửa sổ, em thấy người đàn ông đang cởi trần cầm điều khiển tivi bấm chuyển kênh liên lục, còn bà vợ thì đang thổi vào bộ móng tay vừa được sơn mới. Họ cũng giống thằng bé khi nãy, chẳng thèm ngó coi mặt mũi của những người khách lạ.

Người đàn bà đứng trước cây cầu ván, hất mặt về phía chòm mả lạng bên kia mương nước, nói bằng cái giọng ngang tràn.

- Cái mả đất nằm phía bên trái. Đào xong nhớ lấp lại.

Nói đoạn đó, bà ta đã ngoe nguẩy bỏ vào nhà, để mặc cho ông ngoại và ba đứng thừ người với cây cầu trước mặt. Ông ngoại thở một hơi rõ dài rồi lầm lũi đi qua, em có thể biết được ngoại đang cắn chặt môi mình dù ông không hề quay lại. Em đã dừng lại rất lâu trước ngôi mộ của ông cố “ngang hông”. Và đó là lần đầu tiên em tận mắt thấy ngôi mộ của người Hoa. Nó khiến em choáng ngợp, mê mẩn rồi tàn lụi đi bởi cái ý nghĩ hết sức nực cười, chết rồi cần chi những thứ lộng lẫy quanh mình. Ngôi mộ hình bán nguyệt được ốp đá, nằm trên mô đất cao, trang trí bằng những cuốn thư ghi chi chít chữ Tàu, phía trên mộ là dải cỏ mướt xanh thưa thớt những nụ hoa vàng. Chẳng thấy chút dấu tích thời gian nào hằn trên những phiến đá, mọi thứ như sáng bừng trong nắng. Em lén sờ lên bia mộ rồi giật mình rút tay lại. Một dự cảm bất an nhen nhóm trong em.

Ngoại ngồi bệt xuống đất, đưa mắt thẫn thờ nhìn ngôi mộ đất thoi loi trước mặt. Ba lấy hộp quẹt trong cái nón đang đội trên đầu đốt nhang. Em nhìn theo những sợi khói tan trôi dần về cuối gió, thấy lòng thắp lên một nỗi muộn màng. Ba đưa nhang cho ông ngoại rồi quay sang nhìn em.

- Đốt nhang rồi kêu bà cố về ở với mình.

Em quỳ xuống trước mộ bà cố - người em chỉ được biết qua lời kể của ngoại. Giây phút đó, em như thấy cố như đang ngồi mò mẫm lại từng nóc nhà mà ghe hàng đã đi qua, nhắc với cho ông chồng lầm lì, nhà chỗ bụi me mua thiếu trăm gam đường, nhà bà già cất vó cập mé sông chưa trả tiền đợt trước, còn nhà ông cà lăm thiếu bịch thuốc gò với tương hột… Lúc đó cho dù bà cố có nói đến khô nước miếng thì ông chồng cũng không thèm ừ hử tiếng nào. Những điều ngoại kể dần hiện ra trước mắt em, chân thật đến không ngờ, tưởng như em có thể thấy bà cố bằng xương bằng thịt, chứ không phải là mô đất hờ hững bị nắng mưa dội đến mòn.

Em và ba dọn cỏ quanh mộ, những sợi dây bìm bìm xanh um mọc trườn qua mộ kéo đến hụt hơi cũng không đứt rời được. Những nhát dao dứt khoát, ba dọn sạch mấy sợi dây leo cứng đầu mà mồ hôi chảy ròng ròng trên trán. Em lần theo đám dây leo, chợt thấy một ngôi mộ thấp lè tè, chóp mộ xói mòn đến độ sắp không nhận ra. Em và ba thắp nhang mà không biết chủ nhân nằm đó là ai. Đời người đó chắc cũng hẩm hiu như cố. Tuyệt nhiên chúng em đã không thắp nén nhang nào cho người trong ngôi mộ huy hoàng kia. Một cảm giác xa lạ, một giềng mối căm hờn mọc mầm trong em.

Nhang cháy quá nửa, ông ngoại và ba cầm leng đào mộ, từng nhát leng được xúc lên đắp thành hàng thẳng tắp. Đào tới lớp leng thứ ba thì trúng ngay phần cốt của cố. Ba biểu em chạy lại chỗ khác, không cho em nhìn. Nhưng em đã không làm vậy. Bởi, người nằm trong đó chẳng phải là cố mình hay sao? Ngoại buông leng bật khóc nức nở. Em chạy đến ngồi lặng im cùng ngoại. Ba mở nắp quách, trải tấm keo su trắng dưới nền đất đặt hài cốt của cố lên trên. Nghĩ đến toát mồ hôi, em cũng không dám hình dung cảnh người ta đắp đất lên người cố. Chiếc chiếu chôn theo đã mục rữa từ lâu, chỉ còn miếng vải may bao đầu chiếu sót vài sợi lát hững hờ. Bộ đồ chôn theo cố cũng đã rã rời, chỗ còn chỗ mất. Ngoại trừ những thứ đó, chúng em không tìm thêm được gì khác.

Những đoạn xương dần được lấy lên cùng với đất cát, cố chẳng còn lại gì ngoài nắm xương tàn gửi vào đất. Một nỗi chua xót vụt qua làm mắt em đỏ hoe, tự hỏi, cố có đáng bị đối xử như vậy không. Có lẽ vì vậy mà hương hồn của cố vẫn còn quanh quẩn trần gian, lâu lâu về báo mộng cho ngoại.

Khi thì vía thấy cố đang đứng dầm mưa trước hàng ba khóc, khi thì thấy cố đứng trên đầu nằm kêu “Thằng Hai, má lạnh”, hay có đợt ngoại thấy cố ngồi quay mặt đi chỗ khác không thèm nhìn mặt ngoại, mặc ngoại kêu khàn cả giọng cũng nhất quyết không quay lại nhìn. Ngoại tin cố giận vì đã để cố nằm quá lâu trên đất người dưng. Em đã bao lần thao thức cùng ngoại với những câu chuyện tưởng chừng như chưa bao giờ là cũ. Khi ấy em đã tin đó là một tín hiệu mà cố đang muốn nhắn gửi. Năm mua được chỗ đất “cắm dùi” thì bà ngoại bầu vượt mặt, năm sắm được cái ghe lại hụt tiền mua gạo, năm thì mùa nối mùa thất bát không đủ lo cho chín miệng ăn. Ngoại gác công cuộc mang cố và sống cùng những giấc chiêm bao dai dẳng. Lần lữa đến tận hơn mười năm, ngoại mới phóng xuống ghe giật máy băng qua những vàm sông mang cố về.

Ngoại cầm những khúc xương xếp gọn gàng như chắc chắn không để sót mảnh xương nào lại. Lúc đó em đã ngó đám cỏ nước mặn xanh mỏi mòn.

- Cố về ở với con nghen cố!

Nắng chiều chợt tắt trên những hàng cây, ông ngoại lọ mọ xếp xương vào quách trong khi ba đang lấp đất trả lại như lời của người đàn bà ục ịch ban nãy. Chỗ đất đó chắc cỏ sẽ kéo xanh, lành lặn không vết tích. Bận ba lấy leng đập xuống đất rồi đi tới đi lui mấy vòng cho đất bằng phẳng, em đã đốt thêm nén nhang cho ngôi mộ vô danh bên cạnh như lời chào tạm biệt. Mường tượng lúc cố rời đi chắc người nằm dưới đó cũng sẽ buồn. Ngoại ôm cái quách vào lòng đi một nước te te xuống ghe, chẳng ngoái đầu nhìn lại. Ba đốn cây chuối non, chặt một khoanh nhỏ làm chỗ cắm nhang. Lúc ba đưa em cầm “lư hương”, biểu phải vừa đi vừa gọi chỉ đường cho cố về, em đã lờ mờ đoán ra nét mặt khó chịu của bà giúp việc khi chuối trong vườn bị đốn ngã. Thằng bé rướn người qua cửa sổ, cầm đá chọi về phía em, nó chạy lên nhà trên, toan chặn đầu em.

Em bị ba với ông ngoại bỏ lại một đoạn khá xa, vì ai cũng háo hức cho cuộc trở về. Bà giúp việc đảo mắt nhìn như muốn kiểm tra đám người chúng em có mang đi thêm thứ gì khác, ngoài nắm xương tàn. Ánh nhìn của người đàn bà khiến em hoảng sợ, bàn tay nhỏ bé xương xẩu không che hết khoang chuối còn đang rỏ mủ. Em cúi mặt bước nhanh qua nhưng ánh mắt đó cứ đuổi theo, không bao giờ dừng lại.

Người đàn ông trong nhà đang ngồi bứt mấy sợi lông mũi cứng đầu, nhưng mắt vẫn dán chặt vào màn hình tivi. Sự xáo động của chúng em không khiến ông ấy bận tâm, như thể thứ vừa được lấy chỉ là cái cây, cái cột bứng đi là xong. Em hồ nghi, người đàn ông đó là người từng quăng bị đồ của cố ra sân, cắn ngập răng vào bắp tay của cố, từng cắc cớ gài cửa bỏ cố ở ngoài sân vào một ngày mưa gió, khi ông Ba Tàu không có ở nhà? Người đàn ông đó từng được cố chăm bẵm, chở che, nuôi dạy như con ruột của mình. Nhưng tất cả những điều đó cũng không đổi lại được chút thương cảm, dù chỉ là một ánh nhìn. Thằng nhóc chu miệng huýt sáo một hơi dài, nhướng mắt nhìn em đầy khiêu khích. Em vẫn không mảy may bận tâm, dù cho nó tìm mọi cách để gây sự chú ý từ em. Bởi đàn ông trong nhà đó chẳng có ai tốt cả, rồi nó cũng giống ba nó, ông nội nó, lớn lên từ những lạnh lùng.

Đám cây cập mé sông cậy mình cao ngọn lớn tàn, che khuất bầu trời chiều xứ lạ. Cây thì xanh mà tóc ngoại thì trắng. Ông ngoại khom người tháo dây ghe mà mắt vằn lên những ánh nhìn chua xót. Ánh nhìn đó như một hạt mầm ở lại bến sông này, bén rễ xanh bạt ngàn. Bến sông này, chắc cố đã từng đứng trên bờ kéo vạt áo lau nước mắt, nhìn về phía ngã ba sông ngút ngàn lau sậy. Thằng bé lú mặt ra khe hở hàng rào, le lưỡi, trợn mắt nhìn em. Em nắm chặt khoanh chuối trong tay mình, tuyệt nhiên không rơi giọt nước mắt nào. Ba lui ghe, khom người giật máy, rời bỏ bến sông không lưu lại bóng mình. Em ngước mặt lên nhìn đám mây nhàn nhạt trôi, nói trong vô thức.

- Mình về nhà thôi cố!

*

Ngoại vẫn ngồi nguyên tư thế đó, không nói bất cứ câu gì kể từ lúc xuống ghe. Không hiểu sao những đợt sóng bạo tàn kia không còn làm em chao đảo. Ba biểu chắc có cố đi cùng nên phù hộ cho em.

Em tựa vào thành ghe đưa mắt nhìn hai bên đường trước khi bóng tối liếm láp mọi thứ. Đột nhiên ngoại đi đến ngồi sát em, đốt thuốc kéo một hơi dài, thả chùm khói lơ lửng bay lên. Tiếng máy vẫn “cọc cạch” bỏ lại phía sau những bãi bờ xa lắc. Ngoại nhìn về chỗ cố nằm, thở dài.

- Tội nghiệp bà cố bây.

Ngoại bắt đầu câu chuyện về cố bằng hai từ “tội nghiệp”, gần như lúc nào cũng thế. Em ngồi uống từng lời của ngoại, thuộc lòng những bất trắc được dựng lên trong đời cố. Năm ông ngoại đi lính, cố từ giã căn chòi dột bộn, bước xuống ghe ông Ba Tàu góa vợ xuôi về tuốt miệt Sóc Ven. Gia tài mang theo chỉ là đồ lên nước cũ mèm. Cố xuống ghe hàng, chấp nhận sống đời trôi nổi với tiếng kèn thả dài rền rĩ trên sông. Chiếc ghe nhỏ cũ tróc sơn loang lổ với cái mũi nứt vỡ bởi những lần ghé bến quá trớn, thành chỗ chui rúc cho ba con người phiêu dạt. Cố đứng bên lề thế giới của hai cha con họ. Bởi ánh mắt âu yếm, cử chỉ nuông chiều đó, người ta chỉ để dành cho những người trong gia đình. Suốt ngày lầm lũi ở đuôi ghe, có việc gì cần đến, ông Ba Tàu mới gọi cố bằng cái giọng không thể khó chịu hơn. Cố đã để lưng áo ướt đẫm mồ hôi, lội bộ suốt một giờ đồng hồ chỉ để mua cuộn chỉ màu đỏ cho cô thợ may ở Kinh Cùng, khi trong mớ hỗn độn của ông chồng không có thứ khách cần. Chồng nói với cố, đâu có để mất khách được. Lần này không có thì lần sau chắc gì người ta đã kêu ghe mình lại. Cũng tại cái lí do trời đánh đó mà biết bao lần cố phải buộc mình vào những nẻo đường xa lạ, có lúc tưởng chẳng còn nhớ đường quay về.

Chán cảnh đời trôi nổi, ông Ba Tàu mua đất cất nhà, dựng tiệm tạp hóa đầu tiên ở miệt Sóc Ven. Người trong xóm treo ánh mắt thèm thuồng lên những món đồ trong tiệm, cố cũng không ngoại lệ. Nhà thiếu hụt gì cũng phải báo cáo với ông già, chỉ khi ông cho phép thì cố mới được phép đụng tới. “Tưởng đâu vợ của chủ tiệm thì sướng. Ai dè còn thua cả mình.” Ai đó đã nói vậy trong lúc nhìn thấy dáng vẻ rúm ró của cố trước ông chồng lạnh lùng. Sập tối, sau khi buộc ghe dọn hết đồ lên tiệm, ông Ba Tàu đếm lại số tiền cố đưa, cầm sổ kiểm đếm bằng hết mọi thứ có trong tiệm. Ông thuộc hết mọi ngóc ngách trong nhà, những dãy hàng hóa được sắp xếp một cách có trật tự mà không ai được phép di dời. Khi đã chắc chắn không có sự hao hụt nào trong lúc mình vắng nhà, ông chồng ngả lưng lên ghế phe phẩy quạt trong khi cố còn ngồi gấp đầu mấy bọc đường, bột ngọt hơ dưới ngọn lửa đèn dầu. Thằng con chồng vẫn chưa thôi những trò cắc cớ, khi nó liên tục chu mỏ thổi tắt ngọn đèn, giựt dép chọi ra ngoài sân, xé giấy rải lên đầu cố.

*

Đêm đổ tràn và ngọn đèn dầu không làm cho đêm bớt lạnh. Chiều đó, chỉ mình ba ăn cơm. Em và ông ngoại không thể nuốt trôi hột cơm nào! Những âm thanh như được sinh ra từ đêm, chúng rộn ràng cất tiếng dội vào ghe không ngớt.

Người đàn bà mặc bộ bà ba trắng mang dép lê xoèn xoẹt từ mũi ghe xuống chỗ em. Em chống tay ngồi dậy, cố dụi mắt để nhìn rõ khuôn mặt bà nhưng đã quá trễ. Người đàn bà ngồi quay lưng về phía em, mặt hướng ra sông, không nói câu nào kể từ khi ngồi xuống. Ngoại và ba vẫn chìm trong giấc ngủ như thể tiếng bước chân vừa nãy không đủ vang động cho một cuộc thức dậy.

- Bà ở đâu mà ban đêm ban hôm xuống ghe của tôi?

Vai người đàn bà run lên bần bật, những tiếng nấc càng lúc càng rõ ràng hơn. Thêm vài câu hỏi nữa nhưng đáp trả lại em, chỉ là những tiếng khóc. Em cố lay ngoại tìm kiếm đồng minh nhưng ông chỉ trở người đổi thế nằm. Em với tay định kéo người đàn bà về phía sau. Nhưng bà đã kịp đứng dậy bước vội lên bờ, rải những tiếng khóc bền dai dọc theo sông. Trời dúi vào em một tràng thê lương bằng trận mưa đêm xối xả. Ban đầu những giọt mưa chỉ xước qua người em nhưng lâu dần chúng điên cuồng quất vào mặt em rát buốt. Chiếc ghe như bị nhấn chìm trong màn mưa, những nhánh cây cập mé sông quất vào mui ghe chan chát. Em giật mình tỉnh sau giấc chiêm bao kì quặc, ý nghĩ lạ lùng xuất hiện trong đầu em, rằng người đó có phải là cố hay người nằm bên cạnh mộ cố.

Ông ngoại trùm keo su đổ người che chỗ cố nằm, còn ba vẫn đang hai tay kẹp vào đùi ngủ ngon lành. Có gì buồn bằng mưa đêm xứ lạ, em nhớ có ông nhạc sĩ nào đó từng viết vậy. Bận đó em đã nghĩ bụng, mưa thì chỗ nào chả giống nhau, mắc gì buồn. Nhưng ngay lúc này, em thấy mọi thứ trở nên lạ lẫm, đến cả cơn gió, tiếng mưa, con sóng cũng không giống xứ mình. Đến đoạn đường trở về của cố cũng gian nan thì thử hỏi đời đã xô vào cố những gì?

Em nhìn nén nhang cháy đượm bởi gió rít qua liên tục, thứ ánh sáng duy nhất còn sót lại trên ghe lúc này. Khói ngợp làm ngoại ho khục khặc, em chồm dậy đốt lại ngọn đèn bị gió thổi tắt. Ý nghĩ nắm giữ lửa trong tay, ngộ nhận thứ mình vừa thắp lên không chỉ đơn thuần là một ngọn lửa, chúng sáng hơn vật chất trên đời làm em mê mẩn.

Mưa tạnh. Mặt sông không chút gợn sóng. Ngoại giũ miếng keo su lấy khăn lau sơ mình mẩy, rồi châm thuốc hút như thường khi. Em thỏ thẻ kể ngoại nghe về giấc chiêm bao lạ kì kia như sợ có thêm ai khác nghe thấy nữa. Ngoại gạt tàn thuốc ra vẻ trầm ngâm.

- Chắc bà cố theo độ mày. Mai ăn cơm nhớ kêu cố về ăn.

Chẳng hiểu cố giận gì mà không thèm quay mặt lại nhìn em. Không biết lúc chiều khi đưa cố về, em có lỡ làm điều gì cho cố buồn. Em gác tay lên trán, trông lên nóc mùng, cố phục dựng mớ kí ức hãy còn mới tinh. Nhưng dù có thử bao nhiêu lần, em vẫn không thể nào hình dung được khuôn mặt của cố để tả cho ngoại nghe.

- Cố khóc dữ lắm.

Em đã nói thế trong lúc ngoại đốt nối thêm một nén nhang sắp tàn.

*

Từ lúc mang cố về, thì đến lượt em bị hành hạ bằng những giấc chiêm bao chập chờn. Người đàn bà đó cứ liên tục bám vào trong giấc ngủ của em. Đi không biết bao nhiêu ông thầy pháp, thay đổi hơn chục đạo bùa cũng không giúp em thoát khỏi những giấc chiêm bao bất chợt. Cả ông ngoại cũng không hiểu sao cố “theo em” đến vậy. Sau mỗi giấc chiêm bao em lại thấy bứt rứt như thể mình vừa để lỡ một điều gì trong đời. Sống với những đêm dài mất ngủ, em chẳng thể nào chợp mắt lại được với tiếng khóc xé lòng từ năm này qua năm khác. Ngoại húp ngụm trà hỏi với vào mùng.

- Chiêm bao nữa hả?

Em vén mùng bước đến ngồi cùng ngoại. Thật buồn khi không có bất kì chi tiết mới nào để thuật lại cho ngoại nghe. Bao năm trời vẫn ngần ấy thứ xuất hiện, lặp đi lặp lại đến tẻ nhạt. Nó cũng giống hệt những lần ngoại kể đến đoạn cố nhất định không chịu từ bỏ ông chồng liệt giường trong căn phòng treo đầy vải đỏ với ngọn đèn cháy lừ đừ. Bằng niềm tin không biết lấy từ đâu, cố nghĩ lúc chồng mất thể nào con cháu cũng chia cho ít đỉnh dưỡng già. Lúc đó thì về sống với ngoại cũng chưa muộn. Nhưng chuyện đời vốn dĩ khó lường, ông Ba Tàu còn nằm ngửa mặt lên trời hứng nước đái thằn lằn thì người ta tìm thấy cố gục chết bên mương nước sau nhà, cùng với mấy bó lá dừa.

- Kiến cắn muốn nát hai mí mắt mà.

Ai đó đã nói với ngoại câu đó, khi biết tin ngoại lần tìm chút tin tức về cái chết của bà mẹ xấu số.

Bà già ở cập ranh đất kể, lúc ông Ba Tàu đổ đốn ăn chơi, tiêu bay hết gần nửa gia sản mới ngã bệnh báo đời. Nói đến đoạn đó bà già thở dài, phải lúc đó bả gom vàng trốn đi cũng không ai biết. Thằng con càng lớn càng giống ông già Ba Tàu ngó bộ mặt lúc nào cũng quạu đeo, không nói năng chi mà ánh nhìn như một khuôn đúc ra. Ngoại leo lên võng đưa vùn vụt, tiếng dây võng va vào cột nhà đều đều cùng với những giấc chiêm bao là thứ em không bao giờ chờ đợi.

*

Ông già ngồi xe lăn trước mặt em vẫn chưa dứt những tràng âm thanh ghê rợn, cả người như muốn tuột ra khỏi chiếc ghế tới hồi gỉ sét. Một gã thanh niên từ trong nhà bước ra, khum tay che nắng nhìn về phía em. Một cảm giác vừa quen vừa lạ nhóm lên trong em. Gã đẩy ông già lại gần sát mép cổng rồi bước qua mảng rào sụp lún, hằn học nhìn em.

- Kiếm ai?

Em chưa kịp trả lời, ông già mũi dãi lòng thòng gần như đang sắp rơi ra khỏi xe lăn. Ngó thấy bộ dạng của ông già, gã vội chạy về đỡ. Ông già như dùng hết sức lực đưa tay chỉ về phía em. Em không biết phải trả lời câu hỏi đó như thế nào. Em cũng không biết mình sẽ tìm kiếm điều gì nơi đây, chỉ biết mình cần quay lại. Thấy vẻ mặt chần chừ của em, gã tỏ ra bực dọc quay mặt định đẩy ông già vào bên trong.

- Hồi đó bà cố tôi chôn ở đất này. Từ hồi lấy cốt đến giờ, tôi cứ mơ thấy bà cố về than khóc. Tôi nghĩ hồn cố còn ở đây nên trở lại “dắt đường”.

Ông già ngồi xe lăn trở nên kích động hơn, tay bấu chặt vào bánh xe như muốn nhón người đứng dậy. Gã vuốt ve trấn an ông già rồi tiến lại gần chỗ em.

- Anh là cháu của cố Hai hả?

Em khẽ gật đầu và có phần bất ngờ với cách xưng hô của gã. Những cơn gió chiều bồi thêm một chút mênh mông, sau khi bỏ lại một khoảng trống vô hình. Lúc này, em có thể thấy mắt ông già ngập nước, chực chờ rơi xuống. Gã ngập ngừng lúc lâu rồi thều thào như đang nói với chính mình.

- Mộ bà cố thứ Hai còn ở đây, chưa có lấy đi đâu.

Em chưng hửng nhìn hai người đàn ông trước mặt. Không biết phải chờ đợi điều gì tiếp theo từ họ. Em thấy mình sắp chết hụt trong mớ lời vừa được thoát ra. Bỏ lại những mảng tường nhà loang lổ, đám dây leo bịt hù, cái mương nước tròm trèm sắp cạn và chiếc cầu gãy mất nhịp giữa, em đứng lặng trước cố nhìn mưa nắng đi qua. Sẽ thế nào khi ngoại biết người mà mình quỳ mọp khóc ngất lại là ông già giữ trâu cho chủ. Không biết ở dưới đó, ngoại và cố đã gặp lại được nhau chưa? Gã bước lại đứng gần em sau khi quơ xong đám dây leo quanh mộ ông Ba Tàu. Ngôi mộ gần như đổ nát, hoang tàn hơn mọi cảnh vật nơi đây. Cảnh đó không hả hê như em tưởng.

- Hồi đó, cô giúp việc chỉ sai hướng. Mộ bên đây mới phải.

Em chẳng biết trách ai, đành đổ lỗi cho số phận thích trêu người. Mưa lất phất rơi trên những phiến lá buồn và lúc đó em không biết thứ vừa rơi xuống là mưa hay nước mắt. Ừ thì, cố vẫn còn ở đây, tìm lại là được, em đã nghĩ vậy lúc bóng gã khuất dần trong màn mưa.

*

Lần này thì không thể nào nhầm lẫn được nữa. Cố đã trở về nằm cạnh ngoại như chưa từng có sự chia cắt nào.

- Con mang được cố về rồi ngoại ơi!

Ngồi bệt xuống đất, em khóc như thể bao nhiêu nước mắt chỉ để dành cho ngày này. Em đã khóc cho phận đời nghiệt ngã của cố, cho những dằn vặt đeo bám đời ngoại và cho những giấc chiêm bao bủa vây em không thương tiếc.

Em giật mình tỉnh giấc lúc giữa khuya, cả người lạnh buốt, mồ hôi ướt đẫm lưng áo vì hình ảnh hãy còn chân thực. Trong giấc chiêm bao, em thấy một bà già máu me nằm bên mương nước, cạnh đó có thằng bé đang chà bàn tay dính máu xuống đất. Khuôn mặt của thằng bé đó có một nốt ruồi, nhìn quen lắm...

An Minh, 6/3/2024

VN20/2024

Những giấc mơ trầm. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Chí Ngoan
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Baovannghe.vn - Hà Nội Concert: Hoà nhạc Mùa đông do Đài PT-TH Hà Nội tổ chức tại Nhà Hát Lớn vào tối 13/12 với sự tham gia của Dàn giao hưởng trẻ Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Baovannghe.vn - Sáng 9/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026
Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Baovannghe.vn - Ban Nội chính TƯ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Baovannghe.vn - Xe máy được chỉ ra là phương tiện xả khí thải lớn nhất gây ô nhiễm môi trường như NO2, CO, SO2, NMVOC, CH4, nhất là bụi mịn PM2.5.
Biết viết và không biết viết

Biết viết và không biết viết

Baovannghe.vn - Tôi thường dè dặt khi đưa ra các dự đoán về công nghệ, nhưng tôi khá tự tin về dự đoán này: trong vài thập kỉ tới, sẽ không có nhiều người có thể viết.