Sáng tác

Ông chủ và nhà thơ. Truyện ngắn của Đinh Anh Tuấn

Đinh Anh Tuấn
Truyện 19:10 | 31/07/2024
Baovannghe.vn - Câu chuyện giữa họ còn một đoạn nữa, không được hay cho lắm trước khi Nhà Thơ ra khỏi ngôi biệt thự tối ấy mà không một lần quay đầu trở lại
aa
Ông chủ và nhà thơ. Truyện ngắn của Đinh Anh Tuấn
Ông chủ và nhà thơ - truyện ngắn của Đinh Anh Tuấn

Ông ta nuôi một Nhà Thơ? Quả thật là lạ lùng.

"Tôi cần một nhà thơ" - ông ta có lần giải thích, "để chữa bệnh tâm hồn cho tôi. Tôi mải kiếm tiền, và thường xuyên cảm thấy tâm hồn mình bệnh hoạn..." Ông Chủ giải thích vậy thì quả lại càng lạ! Ông ta nuôi ăn, trả lương Nhà Thơ "theo sản phẩm". Hợp đồng giữa họ qui định: Nhà Thơ mỗi tháng phải nộp một bài, và trò chuyện cùng Ông Chủ khi Ông Chủ có nhu cầu. Hợp đồng này xem ra lỏng lẻo, có lợi cho Nhà Thơ. Nhưng khi Nhà Thơ rụt rè đề nghị nâng lên năm bài thơ mỗi tháng thì Ông Chủ trả lời là không cần thiết...

Có lẽ phải nói đôi điều về Nhà Thơ này.

Ông ta, hay anh ta, thật khó đoán tuổi, nghe đâu là cựu sinh viên từng có thâm niên gần mười năm qua ba trường đại học ở Hà Nội. Mãi không lên được cậu Cử, lại liên tiếp thi trượt môn Ái tình, lại thêm vướng một cái tiền sự nào đấy. Chán đời bỏ lên miền ngược luyện võ, hái thuốc, và làm thơ. Ông Chủ nghe dân Tuyên Quang đồn vậy cùng bao huyền thoại khác quanh nhân vật này, nhân một chuyến làm ăn ngược lên thượng du Bắc bộ. Lấy làm lạ, ông ta tìm đến gặp cho được thì thấy: người này cao dễ mét tám, mặc áo thổ cẩm, chân đi giày ba ta. Lại thấy mặt mũi góc cạnh, mắt sáng quắc, tóc tai để tốt lút buộc túm lại sau gáy như cầu thủ bóng đá Ý Rôbetô Bagiô. Ông Chủ cả mừng, ngồi trò chuyện cùng Nhà Thơ nhiều giờ liền, thấy nói lời nào sắc lời ấy, ý tứ thâm hậu. Mới lấy làm ưng ý, mời cho được Nhà Thơ về Hà Nội nuôi trong nhà.

Nhà Thơ về ở một phòng trên tầng ba ngôi biệt thự có cửa sổ trông ra hồ. Do Ông Chủ hay vắng nhà, người thường ngày được "chữa bệnh tâm hồn" là vợ con ông ta. Bà Chủ người nở nang, kẻ mắt thẫm màu, mặc áo rộng cổ, có tật hay cúi xuống làm một cái gì đó trước mặt khách. Tháng đầu tiên Nhà Thơ nộp một bài ca ngợi những thiếu phụ kẻ mắt thẫm màu và mặc áo rộng cổ. Tháng thứ hai làm một bài về cây cảnh và hòn non bộ. Mới nhất là bài ca ngợi máy điều hòa hai cục, chạy êm ái và tiện lợi.

Thời gian rỗi, nghĩa là suốt ngày, Nhà Thơ mặc pyjama ngồi gác chân lên ghế bành nhai kẹo cao su, đọc báo hoặc xem ti vi. Nhà Thơ béo trắng ra, cái mặt cùng cái mông tròn vo trông rất buồn cười. Bà Chủ đã chán những công việc phải cúi xuống để làm trước mặt Nhà Thơ. Con gái và con trai bà ta bấm nhau cười "hic, hic", gọi nhà thơ là "thằng Lại Cái".

Thực ra chúng cũng chả để ý đến Nhà Thơ cho lắm. Chúng còn bận bịu những công chuyện của chúng.

*

Thấm thoắt thoi đưa, Nhà Thơ đã "ở" cho Ông Chủ được một năm, thơ nộp đủ 12 bài, cũng vừa hết thời gian thử thách.

Tối hôm ấy có một cuộc nói chuyện giữa họ trong phòng khách.

"Trong này có tiền và tờ giấy ghi rõ mỗi bài thơ của ông được trả bao nhiêu." Ông Chủ đặt một cái phong bì màu hồng khá dày lên mặt bàn nước. "Ông có thể mở ra kiểm tra lại ngay bây giờ. Ngày mai, ông được tự do. Chúc ông lên đường may mắn."

"Tổng số tiền là bao nhiêu vậy, thưa ông?"

"Mười hai tờ ngân phiếu loại một triệu."

"Ông trả đắt đấy."

"Thơ của ông không thể ngửi nổi."

"Nhận xét của ông tinh tế và chính xác. Tôi muốn đi ngay đêm nay có được không?”

"Tùy ông."

Nhà Thơ trở lên phòng của mình, thu dọn đồ đạc.

*

Khi Nhà Thơ đi xuống, Ông Chủ đang ngồi trước ti vi nhâm nhi ruợu whisky.

"Tôi muốn hỏi ông một câu trước khi đi. Xin ông cho biết thật: Ông cần gì ở tôi vậy?"

Ông Chủ nhấp một hụm rượu, vẫn không rời mắt khỏi cái ti vi, bật cười ha hả: "Tôi là nhà kinh doanh, tôi không cần cái không kinh doanh được. Cái tôi cần là sự nhạy cảm và khả năng tiên tri của một người làm thơ, xong tôi đã lầm. Ông hoàn toàn không có những cái đó."

Ông Chủ quay lại.

"Thực ra tôi cũng đã từng là sinh viên, đã từng thất tình, và đã từng làm thơ. Thôi, ông đi đi. Khoản tiền kia là tôi muốn giúp đỡ ông, không liên quan gì đến những bài thơ bốc mùi."

"Cám ơn ông. Ông có muốn biết sai lầm của ông nằm ở chỗ nào không?"

"Ông cứ nói."

"Ông có một nước cờ rất cao khi nuôi một người như tôi. Nhưng ông đã không tính được hết. Nhà Thơ cũng ví như một loài chim quý, chỉ hót hay khi uống những giọt sương tinh khiết nhất của đất trời buổi ban mai. Đem nuôi trong nhà, tiếng hót đó kể như đã vút."

"Ông nói hay lắm. Thế sao lại rời chốn rừng thẳm để về đây hót cho tôi nghe?”

“Suy ngẫm, ông ạ. Tôi về đây để suy ngẫm. Và cũng đã suy ngẫm được đôi điều.”

*

Câu chuyện giữa họ còn một đoạn nữa, không được hay cho lắm trước khi Nhà Thơ ra khỏi ngôi biệt thự tối ấy.

"Và nếu ông cần một lời tiên tri." Nhà Thơ ngập ngừng mãi mới nói được, khi Ông Chủ đã nhấp thêm một hụm rượu và quay lại dán mắt vào màn hình. "Tôi xin góp với ông một câu... Để ra đi được nhẹ nhõm với khoản tiền công của ông." Nhà Thơ nói tiếp sau một giây im lặng. "Vợ ông có bồ, con gái ông hoang thai và con trai ông nghiện hít hêrôin."

"Ông cút ngay!" Ông Chủ đứng phắt dậy. "Tôi đéo muốn nhìn thấy cái mặt ông nữa!”

Nhà Thơ cúi đầu chào Ông Chủ, khoác đẫy đi ra cửa. Chợt ông ta quay lại, lấy ra cái phong bì màu hồng và đặt lên bàn.

"Cho tôi được phép nói với ông: tôi đéo cần chỗ tiền này. Tiện thể, điều tiên tri kia trên thực tế đã thành sự thật, thưa ông."

Lần đầu tiên hai kẻ đó văng bậy với nhau như vậy.

Và Nhà Thơ khoác đẫy đi ra cửa, lần này không hề quay lại.

Đinh Anh Tuấn | Baovannghe.vn

Gã cắt tóc. Truyện ngắn của Đinh Anh Tuấn Bạn đường - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Trí Huân Sông xưa - truyện ngắn của Nguyễn Một Sính lễ Một ngày- truyện ngắn của Thùy Linh
Văn nghệ Trẻ, số 20/1996

Bình luận

avatar-comment
Mẹ gieo - Thơ Lê Gia Hoài

Mẹ gieo - Thơ Lê Gia Hoài

Baovannghe.vn- Mẹ gieo lên cánh đồng/ Những toan lo vất vả
Từ ngày em tới - Thơ Khuê Việt Trường

Từ ngày em tới - Thơ Khuê Việt Trường

Baovannghe.vn- Ta vốn vậy, vốn quên điều cần nhớ/ Những sớm mai chạm phố với mặt trờ
Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 29/2025

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 29/2025

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 29 ra ngày 19/7/2025 có các nội dung sau đây:
Điểm thi TN PTTH không "gây sốc" nhưng buộc các trường nhìn nhận lại cách dạy và học

Điểm thi TN PTTH không "gây sốc" nhưng buộc các trường nhìn nhận lại cách dạy và học

Baovannghe.vn - Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, thành công của kỳ thi 2025 đến từ việc mạnh dạn đổi mới theo hướng đánh giá năng lực thay vì kiểm tra kiến thức thuần túy. Việc học sinh được chọn môn thi theo sở trường đã tạo cơ hội để các em phát huy năng lực cá nhân.
Triển lãm "Nối" - Sự giao thoa giữa di sản và nghệ thuật đương đại

Triển lãm "Nối" - Sự giao thoa giữa di sản và nghệ thuật đương đại

Baovannghe.vn - Chiều 14/7, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm Nối với sự hiện diện của đông đảo họa sĩ, khách mời và công chúng yêu mến nghệ thuật, đánh dấu chặng mở đầu cho hành trình nghệ thuật kéo dài hơn hai tuần giữa lòng di sản.