Sáng tác

Cau non - truyện ngắn của Nguyễn Thị Phước

Nguyễn Thị Phước
Truyện
13:00 | 09/10/2024
Baovannghe.vn - Lâu lắm rồi tôi mới về quê. Đàn bà con gái khổ thế, vài trăm cây số, xe cộ cà rịch cà tàng đón khách trả hàng thì cũng sáng đi chiều đến, vậy mà không bạc cũng thành bạc. Điện thoại, mẹ tôi nói: "bận quá thì thôi", nhưng tôi biết mẹ mong tôi về. Giỗ cha tôi năm nào cũng được đứa Nam thiếu đứa Bắc. Lần này, Bắc - Nam về đủ, chẳng lẽ lại thiếu đứa ở miền Trung là tôi? Vả lại, thị thành ngột ngạt nóng rét, tôi cần thoát khỏi nó vài ngày. Phải lấy lại cái bình thường cho một sợi nào đó trong hệ thần kinh vì tôi cảm thấy nó không ổn lắm. Bứt khỏi cái guồng quay cuộc sống thường nhật không dễ.
aa
Cau non - truyện ngắn của Nguyễn Thị Phước
Cau non - truyện ngắn của Nguyễn Thị Phước

Hai ngày để chuẩn bị cho chuyến đi. Gạo, dầu, mắm, muối, tắm gội cho con, giặt là cho chồng, trăm thứ bà rằn. Biết là chẳng có tác dụng gì vẫn dặn dò đủ thứ "Anh thấm rồi, em cứ yên tâm về." “Tuyệt đối đừng cho con lại gần giếng." "Em đã nói câu đó trăm sáu lần rồi!" "Anh phải đổi món cho con đấy!" "Đã bảo nhớ rồi..." Trằn trọc, thấp thỏm, không biết có còn quên dặn gì? Vừa thiu thiu ngủ, cái đồng hồ báo thức nhà bên đã khua roong roong. Lâu nay chẳng biết trách ai, tôi đâm ra hận cái ông nào đã phát minh ra cái chuông báo thức ấy. Tiếng gì cứ như tiếng gươm giáo chặt nhau trong đầu. Thà chọc béng một nhát vào ngực còn hơn. Không bật đèn cũng biết 4 giờ. Thế là toi một đêm. Tôi nằm nghe bố con, cậu cháu nhà họ chửi nhau như róc nứa, chán, lại đến tiếng dao thớt, xoong nồi, bát đĩa. Ở khu tập thể lại còn quay đít ra mặt đường, chẳng sinh hàng, sinh quán cũng uổng. Mình phải kiếm lấy một xó mà bốc ra. Làm cái nghề khốn khổ, cả vợ lẫn chồng, thức đêm thức hôm, lại còn bị tra tấn thế này nữa, năm này tháng khác, chịu không thấu. Cày cho hết báo này tới đài kia, mà mấy năm rồi chưa được cái công trình phụ. Tôi đâm quạu cả ông chồng làm thơ làm văn: nhà gì cũng có, chỉ nhà ở là không. Bạn bè cứ thúc. Nội, ngoại cứ mong. Hai quầng mắt tôi cứ sâu thêm, đậm thêm sau mỗi đêm. Kem phấn thế nào cũng không che nổi.

Làng tôi giống hệt con thuyền nằm giữa biển lúa. Cha tôi bảo cụ tổ của chúng tôi lánh nạn về đây lập làng này. Ông ngờ mình là cháu con họ Mạc, bởi khi ráp gia phả dòng họ Chu chúng tôi với họ Chu làng Thượng mà chúng tôi vẫn coi là nhánh trên, lại không khớp. Không ai để ý lời ông. Chỉ mình ông mang mãi trong lòng ý định tìm kiếm, nhưng không đầu mối. Phút lâm chung, ông gọi riêng tôi, dặn: "nhắc - thằng – Trung - chuyện - họ - Mạc, khéo... không - mồ - cha - không khóc... lại – khóc - đống - mối..." Và ông máy môi như còn định nói điều gì đó, nhưng không kịp. Anh Trung dăm ba năm mới về một lần. Nhà được mỗi ông con trai, thì sống tận Sài Gòn, lại bị vợ giữ rịt chẳng thả cho về một mình, bởi sợ cái làng nhàng tình cũ nghĩa xưa...

Hai bà chị làm cái việc chỉ liên quan đến tiền. Cô em út là giáo viên thì quá mô đéc. Tôi thương nó nhất nhà. Ai cũng bảo mặt mũi hai chúng tôi giống nhau như đúc. Hai chị em tôi lăn lóc dưới hầm mà cứ lớn phổng như khoai lang trồng đất cát pha màu mỡ. Chúng tôi dẫn nhau đi theo đoàn người già trẻ con, sơ tán hết làng này sang xã khác. Từ khi tắm ở giếng làng còn cởi truồng, chúng tôi đã phải quen với tiếng gào rú của máy bay Mỹ, tiếng kêu khóc của những gia đình có người thân bị bom; Và chị Tâm khóc không ra tiếng trong buồng vì mới cùng cả chi đoàn đi bới đất, bới nhà, nhặt từng mẩu thịt, nắm tóc... Làng tôi ở gần trạm giao liên. Ngày ngày từng đoàn xe tải dỡ hàng, bốc hàng. Máy bay cứ nghiêng qua, ngó lại, có khi đạp bừa dăm ba trái. Vậy mà chẳng có mảnh đất nào bỏ hoang. Cấy sáng trăng, gặt sáng trăng, trẻ con đội đất mà lớn. Nhà tôi cũng một lần hứng đủ ba trái. "Phúc nhà tôi to bằng cái bình vôi - mẹ tôi thường nói - nó tránh đúng cái hầm." Tôi còn nhớ như in cái cảm giác sắp chết ngạt của hai lăm năm trước. Từng tổ kiến càng rụng xuống người, xâu vào cắn xé. Con út bảo: "Em chẳng nhớ gì." Nó mới ba tuổi mà. Vừa bằng cái phích, bây giờ đã là cô giáo, đã có chồng...

Tôi về đến cổng thì đã nghe mấy trái cau non đang chuyện nhao nhát trong nhà. Lại cả anh Trung về nữa. Mà về một mình.

- Nhà giáo và nhà báo được miễn. Còn lại - mỗi vị một triệu. Nhất trí chưa? - Lâu không gặp, tôi nghe giọng chị Tâm tôi là lạ, Hà Nội hơn, có gang thép hơn.

- Hoan hô trưởng nữ. Út nữ này xin đa tạ thịnh tình của tỉ tỉ!

Út Thảo chắp tay trước ngực, nháy tôi.

- Quỷ sứ chứ cô giáo gì mà nói năng như bọn choai choai nghiện phim Hồng Kông.

- Thì em nghiện thật chứ sao. Chị không thấy họ giỏi à? Ra chợ xem hàng Trung Quốc hơn nửa chợ!

Đêm, anh Trung nằm nhà ngoài đốt thuốc lá liên tục. Thỉnh thoảng có tiếng dép lạt xạt. Chắc anh đi thắp hương. Có cái gì đó khác lạ trong anh, tôi không dám hỏi. Mấy chị em tôi chuyện rầm rì đến khuya. Chuyện làng chuyện xóm mà nghe cứ như tiểu thuyết. Trước kia, chuyện cả làng đi đào đá đỏ bỏ ruộng hoang, rất li kì. Bây giờ nhiều chuyện hậu đá đỏ hay không kém. Chồng tôi mà về chắc viết được cả pho. Nhiều chuyện cười xong, thấy muốn khóc. Cả chuyện con út lấy chồng cũng vậy. Nó và cậu Hảo yêu nhau, đã mấy năm, hai nhà đi lại. Đùng cái, thôi nhau. Cả hai nhà ngẩn tò te. Vậy mà hai đứa tỉnh queo. Rồi em lấy chồng, anh lấy vợ. Có thứ tình yêu nào vậy chớ? Thịt cắt còn đau nữa là... Nó bảo: "bà cụ non ơi, phải yêu để kịp chán nhau trước khi ra trường, chứ cứ như bà, hai năm cầm tay, bốn năm mới sờ tóc, mất ăn mất ngủ dầu - hao - trăng khuyết, để ra thân tàn ma dại à? Lỡ không lấy được lại tự tử tự tiếc, rách việc!” "Khiếp, cô giáo gì như mày...”

Tôi nói chưa xong đã nghe nó ngáy. Nó ngủ trông mới xinh làm sao: hai má bầu lại như trẻ nít. Mẹ già như chuối chín cây. Nó là đứa tự buộc chân mình bên gốc chuối cho chúng tôi yên bụng đi xa.

Mùi hương trầm đầy nhà, khiến tôi nhớ cha tôi. Người thích đến nghiện ngập mùi này. Có khi không kịp quấn để thắp, ông xoa bột lên tay để hít hà. Rễ hương tự ông rửa, phơi, giã riêng bằng cái cối đá nhỏ. Chu hương ông cũng tự tay chẻ, phơi trên cao. Thắp hương, đợi tàn ông mới đứng dậy. Có việc ra khỏi nhà là ông đóng cửa, giữ mùi thơm lại, thành thử chăn, màn, quần áo, nhà chỗ nào cũng mùi trầm. Đôi khi bây giờ tôi cũng làm vậy. Đi làm về, mở cửa ra, thơm nở mũi, rất thích. Có lẽ vì thích mùi trầm quá mà cụ đặt tên chúng tôi là Thơm, Thảo...

Tôi vẫn không ngủ được. Lại sắp hết một đêm nữa. Ngoài kia anh Trung cũng không ngủ. Tôi chỉ biết mang máng rằng vợ chồng anh trục trặc, lại vào cái lúc đã xế chiều. Con Hiền tốt nghiệp xong không chịu nhận công tác, tha về một anh chàng vô công rồi nghề, hai đứa suốt ngày nằm đườn đưỡn xem ti-vi, nghe nhạc. Thằng Dũng rớt đại học, đua đòi hút xách. Út Thảo mắng trộm với tôi: "Đi ra, hò hét lính tráng được, thế mà về nhà có mụ vợ với hai đứa ranh con lại không dạy nổi. Cứ ném về đây cho em, trị trắng xương, ngoan liền." "Có phải đơn giản như em nghĩ!" "Cứ cố làm nó rối rắm làm gì. Làm khổ nhau cho lắm vào rồi cũng ra đất ra nước cả." "Ừ, em cũng có lí. Mà sao chị vẫn thấy lo lo cho em." "Em chẳng khổ đâu. Tiền bạc có chồng kiếm, dạy về - quăng mình xuống đệm, bật quạt, gọi ăn thì dậy ăn. Sau này có con - nuôi vú em." Cái con, cứ bộp bạp thế mà lại mau nước mắt. Anh Trung ốm sơ sơ, nó khóc như cha tôi mất...

- Chị Thơm ơi, về thôi. Ở đây, chị nghe cánh thợ mộc nói tục không quen đâu - Thảo gọi tôi - Chị xem cái nghĩa địa làng mình giờ sang không? Y như cái thành phố, nhỉ? Cũng nhà tầng, tường bao, tím vàng xanh đỏ. Toàn dân đi làm xa gửi tiền về xây đấy. Ai chưa xây được là như ngồi trên chảo rang. Người chết cũng tranh mặt đường. Chưa chết đã tranh đất xây mộ...

- Kể cũng hay. Bây giờ lại có cái thành phố của người chết! Giá có thật một cái chợ mà người sống người chết gặp được nhau như trong truyện thì hay nhỉ?

Dường như không thèm chấp cái lối nghĩ ngợi vẩn vơ của tôi, Thảo im lặng bước. Cái bím tóc mập mà đen lánh vắt qua vắt lại trên cặp mông tròn đầy. Cả nhà, mỗi mình nó có mái tóc đẹp thế, càng cắt lại càng nhanh dài. Chả bù cho tôi, nuôi thế nào cũng chỉ được như cái đuôi bò, thành thử cứ phải đến thợ uốn tóc.

Thế là xong xuôi mọi việc. Coi như ổn được một bề. Rồi cũng phải chăm cho bọn trẻ về quê, để còn biết cái gốc cái gác của mình. Với lại để bà cháu, dì cháu ríu rít với nhau, kẻo nữa lại nhìn nhau như khách. Mẹ tôi dạo này trông lạ hẳn đi. Cái vẻ tinh tướng không hiện rõ trên mặt nữa. Tóc bà như nhiều sợi bạc hơn, từng lời nói cũng không ném choang choang. Tôi tính soạn sửa để sáng mai đi sớm thì mẹ tôi gọi. Đợi đông đủ một lát, bà nói, giọng nghèn nghẹt:

- O đào Vân ốm nặng lắm, chắc không qua...

Thì có liên quan gì đến chúng tôi mà bà có vẻ quan trọng thế? Bao năm nay nhà này có thấy nhắc đến bà già tội nghiệp ấy đâu? Cái nghề hát bà đã bỏ hơn bốn chục năm rồi mà cái nghiệp vẫn chưa hết. Nhà văn hóa huyện đưa người xuống dựng bà dậy năn nỉ để học hát. Ốm lên ốm xuống mà cũng bò dậy, dạy các o múa hát. Thở ì à ì ạch mà cứ hát, mà như sống lại, đôi mắt già bỗng lóng lánh. Có kẻ ác miệng dèm: "Sắp xuống lỗ còn lắm chuyện." Bà chẳng sợ, cứ hát, cứ múa, còn lên sân khấu, đi hội diễn... Ấy là tôi nghe cô bạn phóng viên kể thế!

Chẳng lấy được người tử tế, bà chịu gãy gánh giữa đường, không kịp có nổi mụn con mà ru, đành ru con thiên hạ, vậy mà không chịu đi bước nữa. Nổi tiếng khắp vùng một thời về thanh, sắc; lại biết lắm điệu nhiều lời, cuộc hát nào có đào Vân là không khí khác hẳn. Cha tôi là thầy dạy hát của bà, là ông bầu của gánh hát, cũng phải nể trọng. Cha tôi mê hát, lại được ông nội tôi truyền nghề cẩn thận nên những ngón đàn điệu hát của ông cả vùng không dễ mấy ai sánh kịp. Đến quan phủ quan huyện cũng không dám cậy quyền cậy thế. Vậy mà vật đổi sao trời, ông bỗng trở thành người khác hẳn. Chúng tôi cũng chẳng biết đến cái quá khứ say người của ông. Thỉnh thoảng tôi nghe ông ca ư ử như sợ ai nghe: "Ngồi thử ngẫm trăm huê (hoa) ai nuốm (nhuộm)... ư... hư... một huê là riêng một ứ... sắc ư... hương"(*). Bây giờ thì tôi biết ông đã đau đứt ruột khi phải mang theo hàng chục làn điệu ca trù xuống đất. Ông không dạy cho chúng tôi. Mà có dạy chắc gì chúng tôi đã chịu học. Ngày trước bọn trai làng như chúng tôi chỉ hò hát láo nháo là giỏi, có biết ca trù nó hay đẹp thế nào đâu. Cứ thấy ư hừ a hà thế thì chán chết!

- Út ơi! Bà Vân là mẹ đẻ con dó... mẹ tôi khó nhọc trút từng tiếng.

Chưa để chúng tôi kịp hoàn hồn vì quả bom ấy, bà đã lấy hơi nói liền một mạch như sợ sẽ không còn nói được:

- Gần chục năm rồi... mẹ có tội với các con, với bà Vân. Mẹ hồi đó là cán bộ. Mẹ buộc bà Vân phải bỏ làng mà đi cho đến ngày sinh con, giao con cho mẹ mới được về ở làng, với lời thề sẽ mang điều bí mật ấy xuống mồ.

Út Thảo ngồi như bị đóng đinh xuống phản. Dưới ánh điện, gương mặt nó như nặn bằng sáp. Bất ngờ nó đứng vụt dậy, hét lên một tiếng "Mẹ!" rồi đâm bổ ra ngõ. Tôi lao theo nó. Tôi rớt sau nó xa lắm mà vẫn nghe tiếng khóc tức tưởi của nó.

Tôi chạy mãi về cuối làng. Mệt quá, tôi dừng lại. Chợt nghĩ ra mình không nên có mặt ở đó lúc này. Tôi quay về, người hẫng hụt, chân cao chân thấp, mấy lần suýt ngã vào bụi, mặc dù đường làng vẫn sáng điện bắt ra từ mỗi nhà. Đến ngõ, tôi nghe anh Trung đang trách mẹ: "...chuyện ghen tuông đàn bà con không dám trách, nhưng bấy nhiêu năm bà Vân sống vò võ, hơn bảy mươi còn phải làm lụng nuôi mình, thế mà mẹ chịu được!" Mẹ tôi phân bua: "Mẹ sợ mất con Thảo. Mẹ thương nó như con đẻ, chăm mớm cho nó từng thìa nước cháo từ khi nó còn đỏ hỏn. Với lại để bà Vân nuôi con, mẹ sợ bố anh đi lại nữa. Bà Vân đẹp, lại hát hay, một thời đàn ông ai cũng mê, nhưng bà ấy lại chỉ mê mỗi ông nhà ta. Mà cứ như có ma, hễ bà Vân ốm đau là y như ông ấy nằm liệt giường, cháo đút không chịu nuốt, dù không ai báo cho ông biết. Mọi tin tức về bà Vân mình giữ kín như bưng mà cũng vẫn rứa.”

Tôi chợt nhớ cái trừng mắt lạnh người của mẹ tôi khi trong bận tôi đã nhắc tới bà Vân. Tôi cũng nhớ lại cái phút lâm chung cha tôi nhìn tôi như cầu cứu. Ánh mắt ông lạ lắm, như hờn tủi xót xa, lại như bi phẫn, cam chịu đến tuyệt vọng. Bao năm trời ông sống như cái bóng, vợ đảm con ngoan ru rít đầy nhà mà vẫn cô đơn. Tôi lần đầu tiên dám nhìn thẳng vào gương mặt loang loáng của mẹ. Cứ ngỡ bà khóc, hóa ra không phải. Đấy là ánh sáng phản chiếu từ những khung kính treo đầy trên tường. Đúng là mẹ tôi đã mất cha tôi từ khi phải mang bầu giả. Hay chưa bao giờ bà có được ông?

Tự nhiên, cái ước mơ về một ngôi nhà có công trình phụ hoàn hảo trong tôi không còn ráo riết đeo bám như trước nữa, nếu không nói là biến mất. Cả cái điều tôi định hỏi mẹ - rằng bây giờ chúng tôi phải dạy dỗ con thế nào cho chúng nó sợ, cũng vậy. Chẳng hiểu sao tôi bỗng thấy thèm được như út Thảo. Tôi cảm thấy yêu quý nó hơn bao giờ. Và chuyến về nhà ấy - tôi đã quên nhắc lời trối của cha tôi cho anh Trung.

Tháng 7-97

(*) Một câu trong bài trù Yêu hoa của Nguyễn Công Trứ.

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc Truyện: Gió Cùa se sắt. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp Đọc truyện: Trăng mắc cạn. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Thúy Đọc truyện: Ký ức đồng vọng. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính Đọc truyện: Phong lan của núi rừng. Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung Đọc truyện: Ngày biển động . Truyện ngắn dự thi của Lê Sơn
văn nghệ trẻ, số 31/1997
Bộ NN&PTNT ra công điện ứng phó Bão trên Biển Đồng

Bộ NN&PTNT ra công điện ứng phó Bão trên Biển Đồng

Baovannghe.vn- Bộ trưởng NN&PTNT đã ban hành Công điện số 7930/CĐ-BNN-ĐĐ việc ứng phó với mưa lớn, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông.
Năm 2025: Chưa xem xét điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu và trợ cấp người có công

Năm 2025: Chưa xem xét điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu và trợ cấp người có công

Baovannghe.vn - Cơ quan thẩm tra Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, thống nhất với phương án đề xuất của Chính phủ, trong năm 2025 chưa xem xét việc tiếp tục điều chỉnh tiền lương khu vực công
Có một cây cầu chỉ còn trong ký ức… Tản văn của Minh Nhạn

Có một cây cầu chỉ còn trong ký ức… Tản văn của Minh Nhạn

Baovannghe.vn - Cây cầu Đắk Nông cũ – một cây cầu vô cùng bình thường, chẳng có gì đặc biệt, cũng không to lớn, tưởng chừng dễ dàng bị người ta lãng quên đi.
Thời đã xa. Truyện ngắn của Lê Đức Dương

Thời đã xa. Truyện ngắn của Lê Đức Dương

Baovannghe.vn - Hôm đó cơ quan vắng ngắt, tôi bỏ đi chơi ra biển nhặt những vỏ sò dưới mép cát chơi. Biển vắng hoe chỉ có gió và màu xanh của biển.
Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) sẽ công diễn vở "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" vào ngày 24/10 do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn.