Sáng tác

Phần của thời gian. Truyện ngắn của Hà Huệ Chi

Hà Huệ Chi
Truyện
13:00 | 12/09/2024
Baovannghe.vn - Chấm dứt một thời gian lêu têu vô vọng. Đã đến lúc rồi. Ôi cái thời sinh viên, có bạn, có thầy. Tươi không trở lại.
aa
Phần của thời gian. Truyện ngắn của Hà Huệ Chi
Phần của thời gian - truyện ngắn của Hà Huệ Chi

Tôi tự bảo khi nào tôi khá hiểu mình, khi nào tôi không còn nói về những điều đã qua bằng một giọng cao ngạo, bất cần tuy không cay độc, thì tôi sẽ dạo lại và viết cho nó, quá khứ của tôi. Đôi lúc tôi vẫn có cảm giác lạnh cóng như cách đây nhiều năm, khi tôi mới vào đại học. Gió bây giờ là chớm hạ, rôn rốt hơi nước. Còn lúc bấy giờ, thư viện đóng cửa, tôi ngồi rúm lại dưới tầng một khoa Ký sinh trùng, một nơi hút gió, co ro, cái lạnh rít buốt vào da thịt. Chẳng biết đi đâu. Chẳng biết đi về tổ ấm nào. Tháng ngày qua, có lúc thấy ngây dại ú ớ thì càng dễ sống. Còn càng hiểu về nó, cái thực tế tan nát của tôi, hiểu thấu đáo, thì càng xót xa trong căn nhà cố làm ra vẻ yên bình giả tạo này.

Sáu tháng làm trình dược viên mang lại cho tôi một lô các kinh nghiệm hổ lốn, khả năng tiêu tiền không run tay và nhất là có thể diễn đạt mạch lạc. Sau đó tôi đổi việc làm. Ngồi cạnh Vũ trong một chuyến xuống xã cấp tập, cả đi cả về trong có một ngày, Vũ hỏi "Chi thấy làm trình dược viên thế nào? Có đáng với công sức mình bỏ ra không?" Tôi đáp: "Bác sĩ không ai coi quảng cáo thuốc là một sự nghiệp cả." Không như tôi, ra trường Vũ vào Nam ngay làm y tế cộng đồng, chán quá lại bò ra Bắc và coi Trung tâm Sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình này như một bước đầu tiên. Đây là chuyến xuống xã đầu tiên của hai đứa, tôi mới đi làm, mọi người trong cơ quan được thể ồ lên: "Thế là có cơ hội để hai đứa cùng "thăng". Hẹn nhau từ 6 giờ, tôi đến trước và cả bọn hì hục in giấy hóa đơn... sửa soạn, bận rộn như một chuyến về quê. Nắng hắt qua lưới cửa dày di dít, như lưới chuồng gà, rồi Vũ bảo: "Làm thế nào bây giờ? Cả kính hiển vi và bao nhiêu là vòng tránh thai!" Từ Trung tâm, đang xây, ra ngoài đường phải qua một cái ngõ vòng vèo, xe Vũ còn dựng tít ngoài ngõ, Vũ bảo: "Chi đưa xe mình dắt cho" rồi quyết định: "Đi hai xe! Nam nữ thụ thụ bất thân!" Thủy ở đâu xông ra, rầm rộ: "Mày điên sao Vũ! Mày tính lộn rồi! Để tao bố trí cho: mày ngồi đây, Chi ngồi đây, có sợ gì thì để túi ở giữa - Kính hiển vi cho vào rọ đằng trước, được chưa?" Tôi mắm môi cười đưa Vũ chìa khóa, rồi qua một số công đoạn đi gửi xe Vũ cho nhà ông anh họ, thế là lên đường.

Vũ cao, gầy, mắt một mí nhìn thoáng thì lờ dờ, nhưng thực ra rất hiếu động và rất sẵn những trò nghịch hiểm. Gần cuối tháng, Vũ sầm sập chạy lên tầng hai, phòng tôi: "Mọi người ơi! Có câu danh ngôn nào về sức khỏe phụ nữ để cho vào tạp chí!" Được chỉ điểm, tôi bảo: "Mình không rành về phụ nữ tình yêu gì đó đâu, phù phiếm lắm! Chỉ biết về triết lí sống thôi. Cứ đọc nhé...: Khí kị nhất là hung hăng, tâm kị nhất là hẹp hòi, tài kị nhất là bộc lộ!" - Vũ ngồi thèo đảnh trên ghế dựa sau lưng tôi, hoạnh họe: "Chi bảo sao? Phụ nữ thì bụng dạ hẹp hòi, lại hay bộc lộ á?" Rồi như sực nhớ ra, thốt lên: "À, hình như Bác Hồ có một câu: Không có phụ nữ yếu, chỉ có phụ nữ không biết làm khỏe!" Mọi người cười rộ: "Mày nói thế còn dám đi qua lăng Bác không Vũ?" "Ờ, không dám thật. Nhưng em nghe Bác còn nhiều câu hay khác nữa cơ! Như là, phụ nữ ở trong trái tim tôi!" Rồi quay ngoắt, te tái chạy xuống dưới nhà.

Trong cái tủ ọp ẹp dưới xã xếp hẳn mấy bộ dụng cụ đỡ dẻ, Vũ bước vào, mắt như thâu tóm hết toàn bộ khung cảnh rồi bảo: "Ngồi đây Chi, cho mát! Xem vô tuyến!" Tôi nói "Vô tuyến đen trắng, không thèm xem!", rồi ngó ra ngoài, nơi mọc miên man những ngọn rau lang và lũ vịt kêu ộp oạp. Tới nơi đã gần trưa, ở trung tâm y tế xã chỉ còn một chị trông nhà, đang gội đầu, nghe nói được trả tiền tuyên truyền viên thì tức tốc chạy đi gọi trạm trưởng về. Ở đây cái gì cũng phải cầm tay chỉ việc. Vũ làm tất, xong đưa đẩy để người ta nhiệt thành mua trứng vịt lộn về ăn. Vũ bịt lấy miệng bát, khi đã no, để không bị tiếp trứng nữa, nhưng lúc về lại chột dạ hỏi tôi :"Chi ăn được mấy quả?" - "hai quả", rồi tôi vui miệng: "Ăn thế này, rồi về cũng lộn luôn!" Vũ im thít, tôi biết mình lỡ lời cũng nín lặng. Nắng như táp lửa mặt đường, qua ba trạm như vậy, thế là hết một ngày xuống xã. Lục cặp, tôi kêu: "Còn sót vòng này Vũ ơi, có hai ngăn mình không xem hết!" Nhận được cái cười tủm tỉm "Thôi, mang về dùng dần" - Tôi nghĩ, ngày mai sẽ phải học Vũ cách viết báo cáo, trình bày tỉ mỉ đã làm những việc gì, triển khai những gì, kết quả thế nào... Và cười bảo "Vũ này, mai có viết đã làm những việc gì, thì gạch dòng đầu tiên, cứ viết là đánh thức Chi ngủ trưa dậy nhé!"...

*

Trung tâm tôi đang nâng cấp, đất gạch tùm lum. Hết giờ làm, mãi đến lúc đường ống đang đào được lấp lại xong thì cả lũ mới lũ lượt kéo ra. Vũ ngồi như chẫu chàng trên xe phân khối lớn, không vượt nổi đám đất đá chẻ hoe. Lên ga mãi vẫn không rú được, xe chết tắc trong góc tường rồi sừng sổ: "Mày còn đứng đấy mà nhìn à?" Trung tâm này là nơi tôi đã nương vào, rồi đâm ra tha thiết với nó, sau một quãng dài báng bổ Thượng đế, sống nhởn nhơ bên lề cuộc sống; rồi đương nhiên bị nó gạt ra ngoài cũng tàn nhẫn như vậy, mãi mới nhận ra.

Hai tháng sau khi người tôi yêu cưới, tôi mới biết chuyện.

Đây là một cuộc tình, nói cho gọn, buồn nhiều hơn vui. Không thấy điều tra đầu kì, giữa kì. Đột ngột cuối kì tôi bỗng nhận ra mình không thể nương tựa vào anh được. Rốt cục, anh lấy vợ giàu. Khi yêu tôi, anh cũng chẳng tỏ ra nghị lực gì hơn, cũng không hề giống mẫu người yêu nào của tôi trước đó. Vậy mà vẫn nhức nhối. Suốt đêm. Sáng hôm sau, bỗng ngơ ngác thấy buổi sớm hồn hậu nào cũng có khói. Chưa kịp gió, chưa kịp bụi, mọi thứ hây hẩy sắc nét như từ trong tranh bước ra. Rồi dần dần xuất hiện, dáo dác đám mẹt hàng rong, và những mẹt phơi đầy đủ lũ ruồi xấc xược cùng cơm nguội. Tôi dậy sớm, tập chạy, không đếm nổi nhịp tim mình. Một hai, một hai... Rồi ôm mặt. Anh lấy vợ rồi.

Tay tôi run lắm. Nửa muốn đến nơi làm việc hôm nay, nửa không muốn. Chỉ lo mình cư xử thất thố. Mà ở nhà thì đố mà quên được. Phóng xuống dốc, mặt đờ đẫn sau cái áo mưa, tôi gặp Vũ và Ánh, kế toán trưởng đi ra. Ánh kêu: "Sao chị Chi, vẫn mưa à?" Còn Vũ ngoái đầu dặn "Chưa ăn thì đi ăn một thể nhé!" Trong quán, Vũ ăn xong trước nhất, ngồi đợi. Chợt ho sù sụ, rồi bảo: "Chính vì cai thuốc mà mình không còn việc gì để làm." Tôi bảo: "Mình có một cách đấy, lúc bắt đầu nghiện thuốc Vũ có yêu cô nào thì bây giờ bỏ đi, thế là quên ngay. Mình cũng vậy, trước gia đình mình có chuyện buồn. Yêu một anh, sau không muốn nhớ đến chuyện gia đình nữa, bỏ quách đi, thế là khỏi bao giờ nhắc đến nữa." Vũ nheo cặp mắt một mí, mặt chợt thoáng qua một vẻ dữ tợn, rồi thoắt vô cảm. Rồi đứng dậy, giọng nhẹ và ân cần hỏi: "Chi uống trà gì, nóng hay trà đá?"

Khóc bây giờ là ngớ ngẩn. Nhưng biết làm sao, đó là con dao cứa rách cuộc đời tôi. Cắt đứt làm hai nửa. Một bên là học vấn, là nghiệp vụ, với sự kiêu kì con gái, là say mê và háo hức của tuổi trẻ và chiến thắng. Còn một bên... Tôi biết hoàn cảnh gia đình tôi không đảm bảo cho anh hạnh phúc. Không phải tôi kém chịu đựng. Cũng không phải tôi chưa từng trải qua một cái gì như bi kịch trước đó. Cái quả báo không bỏ tôi mà đi ngay được. Có một thời oanh liệt, tôi đã cảm và đã say. Rồi bỏ cuộc quá sớm, giữa chừng. Và đi đến đoạn cuối của cái tiền sử dài dằng dặc ấy, là khi, sự vô nghĩa, không biết từ đâu, tới xuyên vào hắn ta như một viên đạn.

Giờ nhiệm vụ bi kịch của nó đã hoàn tất. Ra trường, mọi người ngạc nhiên nhìn tôi đi làm quảng cáo thuốc, còn tôi cười buồn, thiếu nước che mặt "Đời em không ra gì cả!" Trước đây, tôi chưa bao giờ biết đầu hàng. Vậy mà trong suốt hai năm, tôi học hành chểnh mảng, biết là tất yếu nhưng không sao tha thứ được. Tha thứ cho ai! Có thể tôi đã không giống các cô gái khác, và chính mình. Cuộc sống cứ buông thả, phóng túng, làm những việc người khác không làm. Coi tự do là trên hết.

Cho đến khi, tôi nhìn thấy một thông báo tuyển cộng tác viên cho Giới thiệu Chương trình Ca nhạc. Cứ đứng nhìn mãi. Nó nhắc cho tôi nhiều lám. Những hồi ức mơ hồ tinh tế cựa quậy, như từ tiền kiếp, quá khứ có hoa thủy tiên, lẫn tiếng dụng cụ mổ cứ va nhau những âm thanh sác lẻm chết người. Những suy nghĩ vụt qua nhanh như chớp, mà giờ quay chậm lại, tôi bỗng thấy cô đơn kinh khủng.

Đôi lúc tôi tỉnh dậy trong đêm, ngỡ mình đang ở bệnh viện, nỗi cô quạnh quặn thắt trong tim. Ngẫm thấy mình đang đúng cảnh" không bạn bè, không có ai", dù chính tôi đã muốn thế. Tôi vẫn chưa dám đi sâu thêm vào một mối quan hệ nào, hẳn là vì tính dễ xúc động. Cái mục Cộng tác viên này cuốn hút tôi nhiều lắm, và tôi cắt bỏ hết các hoạt động hòng không làm bớt thời gian và sự tập trung cần thiết cho nó.

Cái nóng đã sầm sập sau lưng và những âm thanh dịu dàng gại vào trí nhớ tôi ráo riết. Tôi luyện giọng. Mua son, mua nhũ về kẻ mắt, hòng làm hút hồn người khác. Phát hiện ra nhiều điều mới lạ. Ở lớp ngoại ngữ, thầy giáo người Anh của tôi toàn ngồi móc răng. Anh ta chán lắm rồi. Đợi mãi, cuối cùng người tôi mong đợi cũng đến. Lay hối hả móc cặp, đưa trả lại tôi cái băng video. Lay là vợ một tùy viên Sứ quán tại đây, dong dỏng cao, da trắng, mắt một mí lúc nào cũng kẻ đen sẫm. Tôi mắc chuyện, phải có được băng thu sóng MTV, sóng có giới thiệu chương trình nổi tiếng bên Mỹ mà anten parabol bắt 8 kênh mới thu được ấy. Tôi hỏi thăm lung tung, có người xui tôi bỏ ra 6 triệu, rồi lắp lậu trên tầng 4, trồng cây cảnh phủ lên. Còn những cách khác nữa, có vẻ đều không ổn, cho đến khi dường như chỉ còn một lối thoát là chui thẳng vào khách sạn mà xem, thì tôi hỏi được Lay.

Sau buổi học, tôi đưa cô về nhà, một ngôi nhà rộng, căng thảm, toàn Tây là Tây, biết mặt hai đứa con cô dặt dẹo chẳng ra Âu cũng chẳng ra Á và đồng đỗng lẻo khoẻo như chuẩn bị còi xương. Sau khi chọn hết các kênh Star, các kênh Ấn Độ, Hồng Kông, chúng tôi thỏa thuận là cô ấy sẽ thu lại vào băng cho tôi (Đúng hơn, cô ấy có thạo gì đâu, mà phải hỏi để chồng cô ấy sẽ thu). Và hôm nay, cố gắng tế nhị, cô ta bảo không sao nhét được băng vào ổ đĩa. Lí do thì tự đoán được, chắc việc tùy viên bận quá đấy thôi, và tôi ngậm ngùi (dù vẫn toe toét cảm ơn), nhận cuốn băng cô Lay trả lại.

Tôi cần nó quá, cái sóng này, hoàn cảnh éo le đến đâu không cần biết, nhưng tôi phải có! Thế nghĩa là tối nay, tôi sẽ phải gọi điện cho Giang (mà tôi chợt nhớ ra). Giang rất đẹp, dạy nhạc cho con tùy viên sứ quán Thái Lan tại đây và nếu như vẫn duy trì được quan hệ thì... Hai cuốn băng trắng mất của tôi gần trăm nghìn, nghĩa là tối nay, tôi phải gọi điện cho Sếp cũ, ở hãng thuốc, xem tôi làm nửa tháng cuối có được hưởng lương không... Lần gặp cuối, anh bảo tôi cái gì nhỉ... Ờ, quan trọng là em làm được cái gì; Một lô dẫn chứng về các cô sự nghiệp chưa ra đâu vào đâu, cứ cành cao, không biết mình biết người và rồi sẽ bị ế chồng!!

Bước ra khỏi phòng học ngoại ngữ có điều hòa nhiệt độ, hơi nóng phả nục cả mặt, tôi thấy thất vọng. Các kiểu quan hệ tan vỡ. Dừng lại, tôi cố nghĩ ngợi xem tình cảnh của mình đã có gì giống như bị dồn vào góc tường hay chưa.

Tôi chưa biết gì mấy về nó nhưng nếu được vào làm người giới thiệu chương trình lần này (mà những yêu cầu thì ngày xưa tôi thừa đạt được: Trẻ trung này, duyên dáng này, sinh động và cuốn hút này...) ờ, với cái ngọt ngào quyến rũ, tôi sẽ đưa vào đó tiếng ve của Hà Nội, tiếng gió thốc qua những triền cây... Nỗi tê tái đau đời của bác sĩ ra trường nữa chứ..." Thơ có ưa máu tâm hồn thì mới hay được" - lời cổ nhân đã nói rồi.

Tôi gọi điện cho anh, mối dây liên hệ tôi với công việc đó. Tôi hỏi thật khéo, em muốn hỏi anh cuộn phim tiếng Pháp nào đấy về dịch thử. Anh bảo anh kẹt quá (cái âm điệu này, không hiểu sao hồi làm trình dược viên tôi nản vì quen với nó lắm rồi). Anh cảm ơn tôi. Đang có vụ xây nhà, anh có số điện thoại của tôi và sẽ gọi cho tôi.

Tôi đang theo một số dự án, và muốn hét thật to. Có lẽ lúc nào anh nhớ đến tôi, và tôi có làm nên chuyện, thì cũng phải kéo tôi về trong khi đang bì bõm trong một số công việc nhức nhối không tên, để đi đến thành công. Hay kéo tôi về từ một nơi gió Lào hẻo lánh nào cũng vậy. Nơi tôi đang phổ biến vòng tránh thai và vệ sinh sinh đẻ cho phụ nữ. Với một trọng trách tù mù là trợ lí dự án; dăm bữa nửa tháng tôi sẽ quay về Hà Nội, để "hưởng lạ", há mồm mãi không thỏa, không ngậm lại được trước cái ánh sáng phù hoa.

Không biết tôi có đã tỏ ra phù phiếm trong công việc không. Nhưng có lẽ tôi đã bị đánh đồng với những "trẻ em" mới vào nghề, rỗng tuếch. Các cơ cấu khôn ngoan thì sẽ tìm cách đẩy họ đi. Chỉ trừ khi sau này họ tỉnh ra và biết thành công, nó sẽ lại gọi người ta trở về.

Tôi thừa đủ thông minh để biết rằng nên quên chuyện đó đi, vì có thể anh ấy đã quên tôi trước rồi. Lờ mờ một cái gì đó như an ủi, trong trí nhớ đã bị cái nóng và thất vọng làm cho bải hoải, trầy trợt. Anh bảo: "Đến làm việc chứ có phải để chơi đâu!" - Ừ, cái từ làm việc... hay anh sẽ gọi tôi vào một ngày bớt bận hơn, vì một ấn tượng nào đó. Ít ra ở tôi cũng luôn có một sự chân thành. Tôi bỗng thảng thốt nhìn lại mình: Ô hô, một người như mình mà lại lập luận một cách ngây thơ đến thế!

Sau sáu tháng làm trình dược viên, nói nhiều như thuốc tẩy Hoàng Tiến, tôi e ngại không biết mọi ý nguyện lâu nay của mình tự nó còn có ý nghĩa như nhau nữa hay không? Cái con bé lanh lẹn, kiêu hãnh và dũng cảm ngày xưa, đã bị thải hồi một cách đơn giản như vậy.

Sự dữ tợn của Vũ có đáng vào đâu?

*

Không có gì phá vỡ được niềm tin của tôi cả. Cả khi một anh cao nghều trong cơ quan gắng dán cái phù hiệu Bao cao su lên ngực, vẻ mặt trầm trọng, huênh hoang: "Ta là hiệp sĩ bảo vệ phụ nữ!" Thỉnh thoảng lại có người kéo ghế đánh soạt, đòi máy tính (và tôi lại nền nã nhường lại, chả gì tôi cũng là nhân viên mới). Kể cả khi tôi giở từng trang trong tập tâm sinh lí, rà soát lại, đánh vào máy tính và đưa vào chương trình phổ biến. Phổ biến, nên nào là cần ngôn ngữ dân gian (đồng nghĩa với dài dòng), nào là phải ít từ và nhiều hình vẽ. Cuộc sống ở xã hội rồi sẽ kéo giãn ra, ì âm như sóng dâng, với nóng, với bụi và cả gió Lào nữa chứ. Cả những buổi chiều nóng hầm hập, nóng đến hun người, cuối buổi tôi không nói được câu nào nữa, chỉ còn thở dốc xem Vũ chơi trò chơi điện tử. Chơi trò đua xe, kính chắn trước cứ láng qua láng lại và anh chàng ở đích cầm cờ vẫy vẫy toàn bị Vũ đâm thẳng vào, hét lên phấn khích "Cho mày chết" rồi quay sang thổ lộ "Con trai, nhìn những hộp số như thế này, thích lắm!".

Tôi đưa mẹ tôi một số điện thoại cơ quan, dặn mẹ có việc gì thì gọi. Ngay chiều hôm đó, mẹ gọi đến "Làm ơn cho tôi hỏi…" với một giọng sung sướng. Có vẻ đã đến thời điểm mẹ biết cô đơn. Cả tuổi trẻ của tôi, tôi để mẹ khóc bằng nước mắt của tôi cho tỉnh lại. Tôi đã mất nhiều thời gian và sức lực cho nó, gia đình tôi ấy. Tôi đã kiệt sức vì nó, "khổ nạn, cam lai" cùng nó. Tôi đã cam kết chốt thời thanh xuân của tôi ở đây. Có một thời, tôi không dám dứt điểm hay rời bỏ hẳn một cái gì, vì chẳng biết đi về tổ ấm nào. Giờ thì sứ mệnh của tôi đã hết. Cả khi tôi đột ngột thôi làm trình dược viên, ấy là tôi biết đã đến lúc. Chào sếp cũ, người đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Chấm dứt một thời gian lêu têu vô vọng. Đã đến lúc rồi. Ôi cái thời sinh viên, có bạn, có thầy. Tươi không trở lại.

Tiếc là không phải người yêu tôi nói điều đó. Rằng có những cái mốc trong cuộc đời ta phải bước qua, không ngập ngừng, do dự. Thôi mong vẹn toàn về phía người tất cả. Còn sau đó, sau sự dũng cảm, là phần của thời gian.

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc văn, đọc truyện Đọc truyện ngắn Nguyễn Thị Mai Phương Thông báo mở lại Chuyên mục “Đọc truyện ngắn hay trên Báo Văn nghệ” Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng
văn nghệ trẻ, số 18/1997
Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị TƯ 10 khoá XIII

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị TƯ 10 khoá XIII

Baovannghe.vn - Trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì Hội nghị lần 10 BCH Trung ương Đảng khóa XIII

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì Hội nghị lần 10 BCH Trung ương Đảng khóa XIII

Baovannghe.vn - Hội nghị Trung ương lần này diễn ra sớm hơn, ngắn hơn dự kiến và sẽ làm việc cả ngoài giờ hành chính; thảo luận, cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược và một số việc cụ thể.
Bản tin Văn Nghệ: Hội tụ và tỏa sáng những tài năng âm nhạc, nghệ thuật

Bản tin Văn Nghệ: Hội tụ và tỏa sáng những tài năng âm nhạc, nghệ thuật

Baovannghe.vn - Ban nhạc The Bootleg Beatles sẽ tổ chức 3 đêm diễn tại Việt Nam trong chuỗi chương trình kỷ niệm 44 năm lưu diễn tri ân người hâm mộ.
Phỏng vấn một nghệ sĩ mở quán ăn

Phỏng vấn một nghệ sĩ mở quán ăn

Baovannghe.vn - Tôi vẫn thế thôi. Nhưng tác phẩm cần sự thẩm định của thời gian, chính mình phát biểu không tiện. Còn món ăn cần sự thẩm định tức thì, ngay miếng đầu tiên.
Nước. Truyện ngắn dự thi của Đặng Chương Ngạn

Nước. Truyện ngắn dự thi của Đặng Chương Ngạn

Baovannghe.vn - Mọi năm vào cữ này, vùng đồi hạn cháy, giếng nước, ao hồ khô cạn trơ đáy. Làng Ham nằm trong vùng đất luôn khô hạn thiếu nước.