Sáng tác

Ký ức đồng vọng - Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính

Phan Ngọc Chính
Truyện
09:18 | 23/08/2024
Baovannghe.vn- Có tiếng gì đánh thoàng như sự va đập rất mạnh. Quang choàng tỉnh, mồ hôi rìn rịn trên trán. Đêm thanh vắng.
aa
Ký ức đồng vọng - Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính
Minh hoạ Đỗ Dũng

Chồng tài liệu trên bàn, từng đồ vật trong nhà vệ sinh, phòng tắm hơi vẫn còn đó y nguyên.

Lặng lẽ trở dậy, Quang mở cửa bước ra ngoài ban công. Gió từ phía bờ sông Rhine tràn tới lùa vào tóc và cổ áo anh mát rượi. Ngoài xa, đèn đường vàng vọt phủ lên dãy nhà mái đỏ thấp tầng xen giữa những lùm cây sa mộc tối thẫm. Thành phố nhỏ của miền trung Âu này vẫn đang chìm đắm trong cữ say ngủ. Chợt nhớ ra điều gì, anh trở vào bàn cầm lên chiếc điện thoại. Không có dòng tin nhắn mới nào. Giờ này, thằng Hòa và các bạn nó chắc cũng đang ngon giấc sau một ngày xuôi ngược bận rộn.

Đây không phải lần đầu anh thức dậy giữa đêm trong một hành trình xa quê. Nhưng kỳ lạ, lần đầu tiên anh gặp lại cái cảm giác khó tả. Sự khó thở và tưng tức ở ngực. Miệng đăng đắng khô khốc. Không khí ngột ngạt lờm lợm như có mùi máu và sự chết chóc vây bủa. Phải chăng, căn nguyên cái giật mình bất chợt và ảo giác kỳ lạ xuất phát từ dòng tin nhắn khuya qua anh nhận của con trai: “Đoàn người vẫn từ vùng chiến sự đổ sang đây rất đông. Lương thực và dược phẩm là ưu tiên hàng đầu. Chúng con đã cố gắng mà vẫn thấy bất lực. Tối nay, bọn con vừa trợ giúp gia đình một cậu bé lên mười, bàn tay trái bị đạn pháo cắt cụt...”.

Một luồng điện tê dại chạy qua sống lưng Quang. Trước mắt anh là ánh chớp của đạn nổ các loại, cảnh nhà sập, máu đổ. Dãy hố chôn tập thể ngổn ngang thi thể người...

Nó gợi lại cái buổi sớm anh bặm môi kéo Thảnh bò lết từng tấc. Máu từ đầu Thảnh nhỏ xuống lớp đá vôi bị pháo địch giã vụn, mịn trắng như những bông bích đào rắc trên tuyết. Máu từ đùi Thảnh xối xả cuộn trôi những hạt đá nhỏ như ánh lân tinh, vón cục thẫm lại giữa hai nhịp dịch chuyển. Cặp mắt có hàng lông mi dài như con gái của Thảnh chớp nhẹ. “Về hang đi Quang. Kệ ta…o. Tao không sống đư…ợc đâ...u”. Thảnh thều thào.

Quang cố gồng mình nhấc ngang người bạn, nhưng rồi phải tức khắc cúi gập vì sợ một phát súng bắn tỉa. Lại tiếng đạn pháo rít xeo xéo rồi nổ ùng oàng trên mỏm đá phía sau họ. Mùi thuốc pháo khét lẹt quyện mùi tanh lợm của máu và thi thể người. Cặp mi rợp như con gái của Thảnh động đậy lần cuối. Thân thể Thảnh lạnh dần rồi cứng ngắc, xuội lơ.

Không, chiến tranh với mình đã là vùng ký ức lùi xa, rất xa. Ký ức rất tự hào, đáng nhớ nhưng cũng nên được gói ghém kỹ lại. Mình của ngày hôm nay là đại biểu tham dự một hội thảo lớn ở xứ sở nổi tiếng thanh bình này. Hãy tập trung tốt nhất cho chủ đề chính của hội thảo. Chiến tranh ư? Cả ngàn năm qua, hành tinh này có khi nào vắng bóng các cuộc chiến tranh đâu.

Quang khẽ lắc đầu xua đi những hồi ức chợt đến. Trời dần sáng. Anh vươn vai hít căng lồng ngực làn dưỡng khí của một bình minh trong lành.

*

Không khí của hội thảo sôi nổi diễn ra ngay trước giờ chính thức khai mạc. Chủ đề nóng hổi. “Căn cước người” trong thời đại số hóa. Bục diễn thuyết lần lượt hiện diện các diễn giả đến từ nhiều quốc gia. Họ say sưa nói về một vấn đề rất thời thượng. Điều gì là thước đo xác định “căn cước người” khi kỷ nguyên số hóa với các AI siêu phàm đang biến hành tinh này thay đổi đến chóng mặt. Thời gian vùn vụt trôi.

Vị chủ tọa tóm lược các vấn đề đã được phân tích, mổ xẻ. Ông ngước ánh nhìn về phía Quang. “Xin giới thiệu một đại biểu đến từ Việt Nam”.

Bỏ qua bài tham luận đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, chẳng hiểu sao Quang lại nói sâu về mấy ý tưởng chợt đến. Những vấn đề và suy ngẫm nằm ngoài khuôn khổ các bài báo quốc tế, tấm giấy thông hành đưa anh đến đây.

“Thời của dữ liệu và điện toán đám mây. Thời của trí tuệ nhân tạo. Khi minh định về “căn cước người”, dường như ngài Quang vẫn tập trung quá nhiều vào các giá trị cổ điển”.

Ý kiến mang tính phản biện từ một đại biểu thuộc khối bắc Mỹ.

“Tôi không làm giảm vai trò những điều chúng ta đang thảo luận hôm nay. Nhưng “căn cước người” dù ở thời nào cũng vẫn được tạo nên bởi các giá trị văn hóa. Như tôi là người Việt Nam, với mỗi quý vị, giống mà cũng rất khác nhau. Văn hóa làm nên các giá trị riêng biệt. Văn hóa tạo nên sức mạnh, vẻ đẹp vĩnh cửu cho mỗi dân tộc cũng như hành tinh này. Thực tiễn minh chứng con người quá phụ thuộc vào công nghệ sẽ tạo nên các lỗ hổng. Công nghệ triệt tiêu cảm xúc. Công nghệ hủy hoại kỹ năng sống. Công nghệ loại bỏ linh giác, trực giác...”.

Quang dừng lại nhìn khắp khán phòng rộng. Các đại biểu lắng nghe chăm chú, đoạn chụm đầu rì rầm. Một đại biểu từ nhóm các tập đoàn công nghệ bật mích:

“Ngài có tin rồi tới ngày loài người sẽ tạo ra những cỗ rô-bốt mang đầy đủ mọi cảm xúc. Thậm chí, AI sẽ viết tiểu thuyết thay cho các nhà văn?”

Khán phòng lặng đi. Lác đác những tiếng vỗ tay. Không ít sự gật gù tán đồng. Một số ánh mắt nhìn Quang chờ đợi. Nhưng vị chủ tọa cười nhẹ, ra dấu anh hãy an tọa. Ông hướng ánh nhìn về dãy bàn ngoài cùng, nơi xuất hiện cánh tay giơ lên từ một đại biểu châu Á. “Xin mời ngài Hông, một đại biểu đến từ Trung Hoa”.

Người đàn ông châu Á đeo kính trắng đứng dậy, giọng Anh ngữ trầm lắng: “Ban đầu, tôi dự định sẽ chỉ tập trung lắng nghe. Nhưng khi nói đến rô-bốt, đến trí tuệ nhân tạo thì tôi xin được phát biểu.

Nếu như tương lai xung quanh mỗi chúng ta là hằng hà những cỗ rô-bốt, tôi sợ hãi khi phải nói dư địa của lòng yêu thương sẽ cực hẹp. Tính nhân văn sẽ tồn tại ở đâu. Chỉ nói về cuộc chiến đang ở cách chúng ta không quá xa. Bao dân lành vốn lập trình cuộc sống an bình, bỗng một ngày phải chết mà chưa hiểu chuyện gì diễn ra. Mọi tính toán, phán đoán dựa trên nền tảng công nghệ về cuộc chiến đều sai lệch cơ bản. Chỉ máu đổ, người chết và thảm cảnh với cả triệu gia đình là chân xác”.

Lại là nội hàm chiến tranh. Quang thoáng rùng mình.

Quả đồi đá nằm sâu trong đất Việt mỗi bên chiếm một nửa. Đạn pháo các loại thi nhau dội lên lối mòn dẫn lên trận địa của cả hai phía. Đã tròn sáu ngày hai bên không thể có thêm một đợt tiếp tế. Cơn mưa rào đột ngột cứu những người lính khỏi cái khát khốn khổ. Nửa năm rồi đơn vị của Quang thành công với chiến thuật chia nhỏ, cài răng lược, bám sát thắt lưng địch, giảm tối đa hiệu quả hỏa lực vượt trội và chiến thuật ỷ quân số lớn đánh lấn.

Thảnh vồ được một đôi thằn lằn núi chạy xuống hõm đá. Những chiếc răng của miệng hang thiên nhiên mà Thảnh ví như miệng con cá kình nơi vũng biển Đồ Sơn quê anh hôm tổ ba người lên đây đã bị đạn pháo bẻ gãy gần hết. Rầm. Rầm. Rầm. Thi thoảng, một sợi đá nối khối nhũ lớn với vòm miệng hang chịu rung chấn từ đạn pháo đứt gãy. Khối đá ụp xuống khiến nền hang run bần bật. Lần đầu, đang say ngủ, Quang giật mình tưởng tượng cú đạp nhảy của một tên lính sơn cước. Anh choàng tỉnh, rút phắt con dao giắt ngang hông, mồ hôi đầm đìa. Một góc hang, Thảnh đang nướng cặp thằn lằn bằng chút vụn cỏ gom được. Nhúm vụn cỏ cháy hết mà cặp thằn lằn chỉ siu siu lớp da.

“Này, có vẻ chúng nó thật sự ngán bọn mình rồi. Vừa nãy, tao thử úp cái mũ lên cây gậy như mọi lần mà chúng nó không bắn. Đến lần thứ ba thì phía nó cũng nhô ra một cái mũ, vẻ hưởng ứng...”

Khiêm sà xuống nhón một con thằn lằn, gại lớp da trật thớ thịt còn nhờ nhờ, nhờn nhợt đưa lên nhâm nhấm, mút mát. “Tanh bỏ mẹ”. Thảnh lẩm bẩm. Ba tuần rồi toàn gạo sấy, lương khô, nước suối, không một chút đạm. Vị tanh lòm từ thân cặp thằn lằn nướng dù sống vẫn khiến Khiêm suýt xoa. Quang dụi mắt: “Cẩn thận, kẻo dính bẫy nhử của bọn nó là bỏ mạng”.

Một tràng pháo tay cổ vũ lời phát biểu của Hông đưa Quang trở về với thực tại. Sâu sắc và rất đáng suy ngẫm. Vị chủ tọa khẳng định. Chờ cho không khí trong khán phòng dịu lại, giọng Hông vang, âm vực rộng một cách đột ngột: “Những ngày qua, khi chiến sự nổ ra, nếu theo lý tính thông thường, từ Pháp, con gái tôi chỉ cần gửi một chút tiền cho hoạt động cứu trợ. Vậy là xong trách nhiệm của một công dân toàn cầu. Nhưng cháu đã tạm nghỉ việc, đi hàng trăm cây số, dành tất cả nguồn tiết kiệm qua Đông Âu cứu giúp dòng người tị nạn chạy sang. Ngày nào cháu và bè bạn cũng nỗ lực đến kiệt sức. Đổi lại, các cháu thấy hạnh phúc”.

Hội trường lặng phắc. Hông tháo kính lau mắt. Hình như mắt Hông hoe đỏ. “Sở dĩ cháu làm vậy bởi cháu nhớ lại câu chuyện tôi kể ngày tham gia chiến tranh. Cách đây trên ba mươi năm, chính tôi, chẳng hiểu vì lẽ gì đã được những người lính đối phương tha mạng. Nếu đó là các AI hay rô-bốt cầm súng, chắc tôi đã không có ngày hôm nay đứng đây”.

Chiến tranh. Cuối cùng thì vẫn không thể lảng tránh. Với riêng Quang, những lời của vị học giả tên Hông còn tức khắc nhắc anh về một nhiệm vụ, đúng hơn là một sứ mệnh. “Chú cố gắng kết nối với Khiêm bằng mọi khả năng có thể nhé. Chẳng ai trong anh em mình đến được gần nó như chú”.

Dòng tin nhắn của thủ trưởng Thà khi hay tin Quang đi châu Âu. Vị D trưởng ngày xưa, tuổi ngoại thất tuần, tóc bạc trắng, phải ngồi xe lăn nhưng vẫn là hạt nhân kết nối với tất cả. Ông không thạo công nghệ, chẳng hề biết gì về các AI, nhưng vẫn luôn có cách nắm bắt thông tin và quan tâm đến cuộc sống mỗi người.

Buổi họp mặt trung đoàn sau gần ba mươi năm, theo lời nhắn bằng cách nào đó của thủ trưởng Thà, Khiêm, thằng “giời đánh” bặt tăm từ ngày xuất ngũ rồi đi Liên Xô lao động xuất khẩu, đột ngột xuất hiện. Quần gin. Áo phông. Mặt đen sạm, quắt quéo như táo tàu. Tất cả đổi khác, chỉ điệu cười khoe hàm răng trắng lấp lóa của Khiêm dường như vẫn nguyên vẹn. Cái dáng lẻo khoẻo như dải khoai càng nhỏ bé bên người phụ nữ tóc hạt dẻ, thân hình tựa một cây nấm đại. Hai người đến trước mặt Quang. Đây là Alla vợ tao, người Ucraina. Chúng tao bán đồ ăn Việt ở chợ Khác-cốp. Khiêm bám ngang lưng vợ như con nhái bén bám trên quả bí ngô rồi quay sang ôm vai bạn. Anh Quang mà anh vẫn hay kể. Quang xoa lên mái đầu trọc lốc của bạn. Mày để kiểu đầu này, gặp nhau ngoài đường tao đếch nhận ra đâu. Khiêm ngoác miệng. Hề hề, chẳng bù cho ngày ở chốt, tóc chúng mình sáu tháng không cắt rợp chấm vai nhỉ. Alla cười mà nước mắt giàn dụa. Cô ôm chồng, khoác vai Quang, cặp mắt xanh trìu mến, hiền từ nhìn anh như đã gần gũi, thân thiết tự lâu lắm.

Tiết mục văn nghệ khai mạc. Khiêm vẫy tay xin cây đàn ghi ta. Cho tôi được bày tỏ chút tình cảm của một người đi xa với những người không thể góp mặt cùng chúng ta hôm nay. Ca khúc “Hãy về đây đồng đội ơi” của nhạc sỹ Trương Quý Hải:

“Hãy về đồng đội ơi, người lính chiến mãi đôi mươi,

Về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt hồn nhiên nụ cười.

Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hoà.

Biên cương hình bóng quê nhà”.

Khiêm buông đàn, nói với Quang, giọng ắng nghẹn. “Có tin gì việc tìm hài cốt chúng nó không?” Quang lắc đầu. Dãy đồi đá bị đạn pháo giã vụn không một sự sống hiển hiện. Những cặp mắt đỏ hoe, ngân ngấn. Khiêm quay sang vợ. “Em hát cho bọn anh nghe bài Quê hương Ucraina nhé”. Alla bước lên sân khấu. Làn da trắng hồng tỏa ra nét duyên ngầm và vẻ đẹp của phụ nữ tộc slavơ. Nàng đung đưa, cất lời bằng tiếng Việt sõi cả những phương ngữ: “Đồng xanh bát ngát mênh mông Ucraina/Bạch dương tươi tốt lá xanh cành vươn bến bờ...”. Những cánh tay lính cựu vỗ rào rào trên đầu. Rượu sóng sánh chảy. Gần trăm mái đầu bạc, hoa râm chụm lại, hai tay giang rộng lúc ngửa cổ cười khà khà, khi lặng yên như phút mặc niệm trước những nấm mồ đồng đội đắp vội. Khiêm ghé tai Quang. Sớm mai vợ chồng tao bay. Vài lượt chạm cốc trôi qua, thoắt cái, hai vợ chồng Khiêm đã biến mất, nhanh và bất ngờ như lúc xuất hiện.

“Tuần đầu sau khi chiến sự xảy ra, qua nick của cô cháu nội, anh vẫn liên lạc được với nó. Khiêm bảo khu phố đã dính đợt tên lửa thứ bốn. Bao năm lặn lội gom góp xứ người vậy là thành trắng tay. Nó cố nán lại vớt vát chút lưng vốn rồi đưa vợ con lên đường”.

Dòng tin nhắn của thủ trưởng Thà. Nó khiến Quang thấy mình quá vô tâm với bạn. Vẫn biết mọi việc rất khó, khi các kết nối nhờ công nghệ với Khiêm đứt gãy. Nhưng nếu không phải mình kết nối, tìm cách giúp Khiêm thì là ai? Từ hôm sang đây, từng giờ Quang mong ngóng tin tức từ nhóm của con trai. Nhưng thằng Hòa và các bạn của nó dường như cũng bất lực. Chiến sự lan nhanh. Tất cả hệ thống hạ tầng viễn thông khu vực Khiêm ở bị đạn pháo phá hủy. Dòng người di tản vẫn cứ dài mãi ra. Sau lưng họ là lửa cháy. Phía trước họ là tương lai mờ mịt, bất định. Khiêm ơi, mày và gia đình ở đâu trong hàng triệu người lầm lũi rời khỏi quê hương kia? Quê hương Ucraina đã không còn bình yên. Đồng xanh phủ bóng chết chóc. Rừng bạch dương tan nát trong hoàng hôn tím bầm.

Hội thảo tạm nghỉ. Quang đến bên vị học giả tên Hông. Anh dè dặt: “Con gái ông đang làm công tác cứu trợ tại Đông Âu?”. “Vâng. Cháu đang ở Ba Lan”. “Chúng ta có một điểm chung. Con trai tôi cũng đang tham gia việc này. Tôi có thể nhờ ông giúp đỡ một việc. Nó khá quan trọng?”. “Vâng, tôi rất sẵn sàng”. “Ông nhắn con gái giúp con trai tôi tìm gia đình một người bạn, một người đồng đội cũ. Gia đình bạn tôi trên đường tản cư rời Ucraina, đã mấy ngày không tin tức, dấu tích”.

Từ lúc giáp mặt nói chuyện, ánh mắt của người đàn ông tên Hông luôn bám dính lấy Quang. Ở khoảng cách gần, cái nhìn khiến anh thoáng pha chút khó chịu.

“Ông vừa nói tới hai từ đồng đội. Phải chăng ngày trẻ ông có tham gia quân ngũ?”

“Tôi tham gia quân đội. Chiến tranh biên giới kết thúc, tôi đi học rồi chuyển ngành”.

“Có thể ông cho rằng tôi tò mò”. Hông kéo cặp kính trễ xuống, ánh nhìn vẫn chiếu thẳng không đổi.

“... Tôi muốn hỏi ông một điều hơi riêng tư?”

“Ông cứ hỏi”.

“Hình như ông chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang?”. Đến lượt Quang sửng sốt nhìn người đàn ông đối diện: “Đúng vậy”.

“Có phải ông ở trung đoàn 46, tiểu đoàn 3, trấn giữ mỏm đồi Đài những năm 86-89?”. Giờ thì sự sửng sốt choáng ngợp trong Quang. Mắt anh mở to, nhìn chăm chăm vào người đàn ông gốc Hoa: “Ông là ai? Sao ông lại nắm lý lịch của tôi tường tận đến vậy?”.

Những ngày tháng bảy nắng như đổ lửa. Pháo vẫn bắn cầm canh. Địch không tiến thêm được nửa bước. Thế trận đan cài giằng co. Nhưng lính bên nào hở ra là dính đạn bắn tỉa. Bên ta bền bỉ, kiên nhẫn. Kẻ địch ban đầu hung hãn, xảo quyệt với các nhóm sơn cước tinh nhuệ nhưng việc chiếm nửa quả đồi còn lại bất thành. Những tổ chiến đấu của ta bám sát, có khi chỉ cách địch hơn chục mét và sẵn sàng cận chiến. Sự ngán ngẩm thối chí từ phía binh lính địch dần loang ra rồi bộc lộ ngày càng rõ ràng. Những tên lính trẻ măng bị nhà cầm quyền ném vào cuộc chiến rất sợ các phát đạn bất ngờ từ mọi khe đá, lùm cây. Chúng mỏi mệt cùng cực và rất muốn chấm dứt. “Chúng ta phải đánh vào nhân tâm địch. Bằng mọi cách”. Chỉ đạo của trên truyền lan khắp mặt trận. “Các bạn có biết đang đóng trên đất Việt Nam? Đừng chết vô ích trên đất nước chúng tôi”. Dòng chữ viết nắn nót gói trong phong lương khô, bao thuốc Thăng Long ném qua phía bên kia. “Chúng tôi đã nói với chỉ huy mong muốn được về nhà. Chúng tôi muốn được sống”. Nửa giờ sau, một gói bánh khảo ném lại, kèm dòng chữ nghuệch ngoạc. Vị tướng của chiến dịch cho chuyển lên chốt những gói nhỏ kẹo, thuốc để bộ đội gói giấy ném sang phía đối diện. Từ bên kia, những mẩu giấy thở than, chán nản cuộc chiến vô nghĩa khi bọc thanh lương khô, lúc gói vuông bích quy được ném lại đều đặn. Dù vậy, thần chết vẫn luôn rình rập và ấp đến bất ngờ với những người lính giữ chốt.

*

Ngày hội thảo tiếp theo, Quang vừa có mặt thì từ quầy lễ tân, một nữ nhân viên bước đến chuyển tới anh một phong thư. “Ngài Hông nhờ gửi tới ông”. Quang bóc thư. Những dòng chữ nghiêng nghiêng, run rẩy:

Ông Quang, ngay từ đầu nhìn thấy ông, tôi đã ngờ ngợ khi nhận ra nét gì đó quen thuộc. Để rồi khi nghe tên ông xướng lên thì sự khẳng định trong tôi lớn dần. Và khi biết ông từng là cựu binh, hỏi về phiên hiệu đơn vị, mặt trận cũng như thời gian ông tham gia chiến tranh, tôi tin tưởng rằng chúng ta đã gặp nhau. Chúng ta từng là người lính ở hai phía đối địch. Nếu đúng vậy thì ông chính là một trong hai người lính Việt Nam đã tha chết cho tôi. Thằng lính đối phương bị các ông bắt ven bờ suối mấy mươi năm trước. Ôi, sự trớ trêu và kỳ diệu của số phận…”.

Quang lặng người. Toàn thân anh run lên. Trước mắt anh hiện lên hình ảnh khe suối cạn quen thuộc. Một buổi sớm tinh mơ, hai người trong đội bắn tỉa do Khiêm dẫn đầu từ điểm phục kích, bò trườn về hang. Họ như cặp thằn lằn lẩn vào các khe đá ở một vị trí kín đáo. “Có địch”. Khiêm thốt lên. Cách hai người không xa, một tên lính địch trẻ măng, chân tập tễnh khó nhọc chui ra từ một vạt có gianh úa nhàu. Nó không mang vũ khí, trên tay là chiếc can nhựa vỡ toác. Lết ra khe suối cạn giữa mùa khô, nó nhớn nhác nhìn quanh rồi vục mặt xuống cái vũng nước sót lại xanh lè ngập rêu và lá mục. Nó uống như thể đã bị bỏ khát cả thế kỷ.

Theo đúng quy luật thì tên lính địch sẽ “ăn” một phát đạn. Nhưng nhìn vẻ ngơ ngác, cái chân bị thương tập tễnh, khuôn mặt non choẹt và cái yết hầu gầy nhẳng nhấp nhô, nhớ tới những dòng chữ nghệch ngoạc ném lại của nhóm lính địch đối diện cái hang đá, sự thương hại tự nhiên nhen lên. Họ quyết định bắt sống tên lính.

Chắc hẳn ông vẫn còn nhớ tôi bị trói và tập tễnh bước trước hai ông, hình như chỉ vài chục mét thì bị yêu cầu dừng lại. Các ông trao đổi điều gì đó với nhau khá lâu. Khi bị quàng vào mồm chiếc khăn mặt thì tôi òa khóc nức nở. Tôi nghĩ mình sẽ bị một nhát lê thấu lưng. Thế là hết. Nhưng rồi các ông ra hiệu tôi nín khóc, đẩy tôi trở lại lối mòn cũ... Sau này hồi tưởng, tôi vẫn nhớ nét mặt và lời người đồng đội mấy lần gọi tên ông, cái âm “Quang”, “Quang”.

Chiếc máy điện thoại rung nhẹ. Dòng tin nhắn của con trai.

“Con đã gặp Li, một cô gái gốc Hoa xinh xắn, thân thiện và nhiệt tình. Nhờ Li mà con đã có được manh mối đầu tiên. Bạn bè Li miêu tả có một nhóm người từ Ucraina băng rừng, chạy sang Ba Lan. Tư trang và giấy tờ tùy thân của họ bị hỏa tiễn hủy hoại. Mấy người bị thương phải nằm lại. Những người đi được đã nhịn đói cuốc bộ xuyên đêm, gặp bão tuyết nên suýt nữa chết cóng. Trong số đó có một gia đình bốn người rất giống với bác Khiêm. Nhưng hiện giờ họ vẫn phải để cứu hộ chăm sóc nên chưa thể xác định danh tính chính xác. Bọn con đang trên đường đến đó...”.

Niềm vui dào dạt dâng lên trong Quang. Rời hội thảo, anh thả bộ ra phía bờ sông, lòng thơ thới, nhẹ nhõm.

Bất chợt, một người đàn ông châu Á lao tới ôm hai vai Quang. Hông. “Ông Quang. Ân nhân của tôi!”. Người đàn ông bật khóc rưng rức. “Ông Quang, ông còn nhớ không. Cuộc chiến đã qua mấy mươi năm mà chúng tôi không hề muốn nhắc đến. Cuộc chiến khiến những cựu binh trở về, như tôi, khi bước ra khỏi lãnh thổ, sống ở các nước văn minh đều thấy day dứt, tủi hổ mỗi lần phải tự vấn, nhớ lại. Chẳng ngờ có ngày sự kỳ diệu của cuộc đời cho tôi được gặp ông, vị ân nhân tha mạng trong một hoàn cảnh đặc biệt”.

Quang lặng người. Những giọt lệ tuôn rơi trên hai gò má anh. Nhẹ nhàng gỡ bàn tay Hông, Quang dạo bước một mình về hướng thác nước. Những lời của Khiêm vẫn văng vẳng. Nếu như mang theo tên tù binh, nhiều khả năng họ sẽ bị địch phát hiện. Khi đó, chúng sẽ gọi pháo trút bão lửa để xóa sổ tất cả. Không ít bài học nhỡn tiền, pháo địch hủy diệt đối phương đã đành, chúng sẵn sàng giết luôn cả tù binh là những đồng đội xấu số. Chỉ còn cách giết hắn. Nhưng nhìn vẻ mặt tồi tội của tên lính trẻ bị thương, hai người không ai nỡ ra tay...

Quang đứng lặng bên bờ sông nhìn thác nước tung bọt. Anh sẽ phải nói gì với Hông đây? Phải rồi, như quá khứ và cuộc chiến đã qua, anh sẽ phải nói với Hông một sự thật. Rằng người cùng với Khiêm bắt và tha chết cho Hông không phải là anh. Đó là Quảng, người anh con bác ruột cùng nhập ngũ với Quang một ngày, cùng về chung một đại đội. Hai anh em giống nhau như hai giọt nước. Khi Quang bị thương vì sức ép đạn pháo thì Quảng được điều lên cái hang đá nhỏ thay thế.

“Vậy ông Quảng bây giờ ở đâu hả ông?”. Hông run run đặt tay lên vai Quang.

“Quảng, anh của tôi đã chết. Chết bởi một phát súng bắn tỉa, chỉ vài phút sau khi cùng Khiêm tha chết cho ông”.

Sương đêm lạnh rơi thấm ướt tóc hai người đàn ông. Bờ vai người đàn ông gốc Hoa thi thoảng lại rung lên từng chặp. Sự gặp gỡ định mệnh. Ký ức tưởng có thể lẩn tránh, gói kín lại bỗng bung mở trào dâng trong hoàn cảnh không ngờ ở một nơi rất xa. Quang nghĩ về Quảng, người anh họ từ nhỏ đã ấp ủ giấc mơ đem những áng văn chương lay động truyền dạy cho đàn em thơ. Ba lô của Quảng phân nửa là sách. Ở chốt mà Quảng vẫn ôn thi, chờ ngày về giảng đường đại học. Quang nhớ về Thảnh, người đồng đội trắng trẻo thư sinh như một cô tiểu thư. Nấm mồ họ đắp bằng những vụn đá, chỉ hôm sau lại bị đạn pháo giặc đào xới... Họ tan vào núi rừng biên cương không để lại một vết tích nhỏ.

Bất giác điện thoại bật sáng, Quang nhìn xuống nín thở. Anh chờ đợi một dòng tin nhắn của con trai. Một dòng báo tin vui về gia đình Khiêm. Trong đầu anh thoáng hiện lên cuộc hạnh ngộ của Hông và Khiêm. Rất có thể.

Ngày mai hội thảo bế mạc, anh sẽ trở về quê hương. Nhưng giờ phút này, anh đang ở đây, hít thở trọn vẹn trang ký ức đồng vọng. Đơn giản, nó là “căn cước người” của thế hệ anh gắn với những điều anh đã phát biểu ở hội thảo về một chủ đề tưởng như rất xa lạ. Mấy mươi năm trước đây, “căn cước người” của anh, Thảnh, Quảng và Khiêm là biến cái hang nhỏ, chỉ cách địch vài chục mét thành một điểm tựa, dù chết không lùi bước. “Căn cước người” của Quảng và Khiêm còn là tha chết cho tên lính địch mà chính hắn cũng không thể lý giải. Với thế hệ các công dân toàn cầu như Hòa và Li hôm nay, “căn cước người” là cứu trợ được thật nhiều những dân lành phút chốc trở thành nạn nhân chiến tranh. Riêng cá nhân anh, “căn cước người” hôm nay không phải chỉ là khẳng định quan điểm ở một hội thảo lớn. Bằng mọi giá, anh phải tìm kiếm, giúp đỡ gia đình Khiêm, người đồng đội cũ trên đường di tản, bặt tin tức bị ngắt khỏi các phương tiện kết nối của kỷ nguyên số hóa.

Đứng cạnh Quang, khuôn mặt Hông lúc co lại nhăn nhúm, khi giãn ra. Hình như nước mắt vẫn lăn trên gò má Hông. Thú thực, anh không rõ vị học giả gốc Hoa giờ đã trở nên gần gũi kế bên đang suy nghĩ điều gì. Có thể Hông sẽ bất lực truy vấn “căn cước người” của mình nơi cuộc chiến năm xưa trong suốt phần đời còn lại.

Phan Ngọc Chính | Báo Văn nghệ

-----------

Bài viết cũng chuyên mục:

Búa nước - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Phương Lan Đọc truyện: Búa nước. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Phương Lan Cây gạo ở chợ chiều. Truyện ngắn dự thi của Cầm Thị Đào Ở một giấc mơ khác - Truyện ngắn dự thi của Hồ Loan Đọc truyện: Cây gạo ở chợ chiều - Truyện ngắn dự thi của Cầm Thị Đào
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.