Phỏng vấn của Trần thị Vui Vẻ |
PHÓNG VIÊN: Xin kính chào chị
PHÙ ĐIÊU: Chào cô. Cô lại định đứng cạnh tôi để chụp ảnh chứ gì? Tại sao cô lại không muốn chụp ảnh với chồng con cô (nếu có), hay chụp với người yêu cô (nếu có).
PV: Chị đừng suy từ bụng Phù Điêu ra bụng người.
PĐ: Tôi lạ gì thẩm mỹ của người thời nay. Các cô các cậu choai choai thì thích chụp ảnh đi xe Dream, đằng sau có thành phố tuyết rơi, các bà tuổi mướp thì phải ngồi ghế xích đu, trẻ con thì phải ôm bóng bay. Ở nước ta cái gì cũng dùng bóng bay.
PV: Tôi thấy thế cũng là nghệ thuật chứ sao. Bóng bay thể hiện cho sự bay lên.
PĐ: Nghệ thuật gì mà nghệ thuật, toàn là thứ không phải của mình. Thôi, chị có chụp ảnh thì chụp nhanh lên. Nhà báo là hay đưa đẩy.
PV : Tôi đến đây không phải để chụp ảnh. Tôi đến để phỏng vấn chị.
Tranh minh họa bài viết. Nguồn internet |
PĐ: Phỏng vấn tôi?
PV: Chứ sao. Và câu hỏi đầu tiên của tôi là lý do gì mà lúc nào chị cũng cười? Chắc chị có rất nhiều niềm vui?
PĐ: Thế cứ cười là vui à? Kẻ nào suốt ngày cười toe toét chắc chắn là kẻ đó mắc bệnh thần kinh.
PV: Nhưng bằng chứng là chị lúc nào cũng cười.
PĐ: Bởi vì khi người ta dựng tôi lên. Người ta họp bàn và quyết định cho tôi cười hết cả cuộc đời.
PV: Và chị cười từ đó đến giờ?
PĐ: Phù Điêu mà lị. Tôi phải cười chứ biết làm cách nào.
PV: Nghĩa là không phải lúc nào chị cũng muốn cười như thế?
PĐ: Đời ai chẳng có khi khóc khi cười.
PV: Vậy thì làm sao chúng tôi biết được khi nào chị khóc và khi nào chị cười.
PĐ: Xin lỗi cô, điều này thì cô phải tìm hiểu lấy. Tôi vốn không phải người hay tâm sự.
PV: Như thế là chị vẫn giấu lòng mình.
PĐ: Lòng tôi có gì mà phải giấu, toàn là vôi, cát, xi măng và sắt thép. Mà cũng chủ yếu là cát.
PV: Quê hương chị ở đâu?
PĐ: Quê hương tôi là một trung tâm điêu khắc.
PV: Ngày tháng năm sinh của chị?
PĐ: Tôi không nhớ rõ. Tôi chỉ biết tôi sinh ra từ phong trào xây Phù Điêu. Huyện nào cũng xây Phù Điêu, tỉnh nào cũng xây Phù Điêu. Tóm lại chỉ béo bở mấy tay điêu khắc rởm. Lúc đầu mỗi một tay điêu khắc làm một mẫu Phù Điêu.
PV: Và chị là con đẻ của ai?
PĐ: Chẳng của riêng ai cả. Vì người thì làm tôi cao quá, người làm tôi lùn quá, người làm tôi lạc quan tếu quá, người làm tôi buồn quá, người làm tôi ngẩng cao đầu kiêu hãnh, người làm tôi cúi đầu trầm tư. Thế là không nghệ sỹ nào chịu nghệ sỹ nào. Cuối cùng, họ kết hợp lại và sinh ra tôi.
PV: Như vậy chị sinh ra từ một tập thể?
PĐ: Đúng thế, tôi sinh ra từ một tập thể nghệ sỹ. Tôi sinh ra từ một phong trào.
PV: Vậy cá tính của chị là gì?
PĐ: Cá tính của tôi là cá tính tập thể vừa lùn vừa cao, vừa vui vừa buồn, vừa cười vừa khóc... Nói tóm lại, tôi không có cá tính.
PV: Từ đó đến nay, những người sinh ra chị có đến thăm chị không?
PĐ: "Cha chung không ai khóc" mà. Thật chẳng ra sao khi tôi có cả một tập thể bố. Hơn nữa, các ông bố nghệ sỹ của tôi đang còn mải sinh ra một đống các em tôi ở mọi miền đất nước.
PV: Đông anh đông em thì sướng quá còn gì.
PĐ: Sướng cái gì. Tôi rất buồn là lũ em tôi đều giống tôi như đúc. Thật đau khổ khi những đứa con nghệ thuật lại giống nhau đến phát ngán tận cổ. Mà nếu có đứa nào khác, là không được nhận anh nhận em. Hơn nữa có quá nhiều các em tôi sinh ra không đủ cân.
PV: Sao vậy?
PĐ: Vì các bà mụ nặn ra tôi có tính hay ăn bớt. Sắt bớt một tí, xi măng bớt một tí. Như tôi đây, cô tưởng khỏe mạnh lắm à? Chỉ một nhát búa là vỡ vụn, vì toàn là vôi cát mà.
PV: Dù sao thì chị cũng thành đạt ở cái thị xã này.
PĐ: Thị xã có ai nữa đâu mà tôi chẳng thành đạt. Vì xung quanh tôi toàn là nhà hàng, Karaoke, khách sạn mi-ni, công ty xổ số, hiệu ảnh mi-ni-láp...
PV: Thế còn những người nhận chị về nuôi?
PĐ: Họ đón tôi long trọng lắm, cắt băng khánh thành, diễn văn khánh thành và đại tiệc khánh thành. Nhưng sau đó họ bỏ mặc tôi sống thế nào thì sống.
PV: Hiện nay chị sống ra sao?
PĐ: Cô nhìn tôi thì biết. Người tôi mỗi ngày thêm lở loét, vì thiếu vitamin xi măng mà. Bây giờ tôi đứng không vững, vì xương tôi yếu. Đó là do thiếu canxi sắt. Tôi còn đứng được đến bây giờ là cố gắng lắm. Có rạp hát chưa kịp khánh thành đã đổ ụp. Chuyện này thì cô quá biết rồi còn gì.
PV: Thế còn nhân dân địa phương đối xử với chị ra sao?
PĐ: Cũng thế thôi. Ngày tôi mới về đây, họ đổ ra xem, tự hào lắm. Sau đó thì họ đổ rác vào chân tôi, bôi bẩn lên người tôi. Còn những người lang thang thì đêm đến đốt lửa và phóng uế ngay cạnh tôi. Tôi muốn bỏ chạy mà không được.
PV: Sao lại không được?
PĐ: Vì không ai dám phá bỏ tôi. Vì tôi là một công trình tập thể, một thành tích tập thể. Hơn nữa, họ không biết dùng tôi vào việc gì. Thôi thì cứ để tôi đứng đây, muốn ra sao thì ra.
PV: Chị có biết số phận của các em chị giờ ra sao không?
PĐ: Chúng nó cũng như tôi cả thôi, người không ra người, Phù Điêu không ra Phù Điêu.
PV: Chị có muốn gặp lại các ông bố sinh ra mình không?
PĐ: Gặp thì không muốn gặp, nhưng tôi muốn nhắn mấy lời.
PV: Chị nhắn gì?
PĐ: Nếu cô gặp họ thì bảo với họ rằng; nếu họ có đẻ thêm những đứa em tôi thì đẻ cho ra đẻ, người ra người, Phù Điêu ra Phù Điêu, hay là một đống xi măng thì ra một đống xi măng, chứ đầu Ngô mình Sở như tôi đây thì cay đắng lắm.
-----------
Bài viết cùng chuyên mục: