Sáng tác

Thân thương bờ tầm vông Nam Bộ

Lê Đức Đồng
Tản văn
15:00 | 31/08/2024
Baovannghe.vn - Trên các tuyến đường dọc ngang miền đất Nam Bộ, tầm vông là loại cây phổ biến và bền chắc với thời gian...
aa
Thân thương bờ tầm vông Nam Bộ
Con đường tầm vông ở Ô Tà Sóc, An Giang. Ảnh: Đỗ Phu

Trên các tuyến đường dọc ngang miền đất Nam Bộ, tầm vông là loại cây phổ biến và bền chắc với thời gian. Đây là loại cây mang lại cho người ta lợi ích về vật chất và tinh thần. Hình ảnh cây gậy tầm vông khơi dậy chí quật cường Nam Bộ trong những ngày hào hùng qua khúc hát “Nam Bộ kháng chiến”.

Dọc miệt vườn, miệt quê sông nước, ta luôn bắt gặp hình ảnh những bờ tầm vông trồng mé sông, mé vườn, cặp lộ… Cây tầm vông gắn bó với cuộc sống người nông dân Nam Bộ từ đời này qua đời khác. Cuộc sống đổi thay nhưng cây tầm vông, bờ tầm vông vẫn biếc xanh một màu, vẫn dáng đứng thẳng ngay trước bão dông, mưa nắng. Bờ tầm vông với hàng trăm cây cắm bộ rễ khổng lồ bền bỉ, kiên cường, cần cù giữ bờ sông thêm vững vàng trước những cơn lũ cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ xuống.

Tầm vông chẳng cần chăm sóc, tưới tắm bao giờ. Quét nhà, quét sân, quét đường khi có rác, cứ đổ vào gốc cây, thậm chí thân cây chuối, bẹ lá dừa quăng quanh gốc là mầm măng đua nhau lên tua tủa “chưa lên đã nhọn như chông lạ thường” (thơ Nguyễn Duy).

Lặng thầm mà xanh, mà lớn, cây tầm vông được làm biết bao vật dụng của nhà nông. Những cây tầm vông già, thân mốc thếch mà ngọn lá vẫn xanh, phải dùng búa mới hạ được nó vì thân tầm vông lúc này rất cứng, dao chạm vô là mẻ lưỡi ngay.

Đem ngâm tầm vông xuống mương chừng nửa năm vớt lên, phơi khô thì nhà thay ba, bốn mùa lá nhưng rui, mè, đòn tay tầm vông vẫn cứng nguyên. Tầm vông làm cán cuốc, cán len thì tuyệt vời, chẳng bao giờ bị gãy dù đã thấm biết bao mồ hôi, bao sình đất, nắng mưa.

Tầm vông dùng làm cây sào chống ghe, chống xuồng lên ruộng thật tiện lợi. Ai qua cây cầu khỉ chênh vênh cũng thầm cảm ơn tay vịn là những thân tầm vông ngời bóng. Tầm vông cùng với dăm bảy chiếc tấm lợp bằng lá dừa nước được dựng lên thành những quán nhỏ bên đường, một nét sinh hoạt có từ thời xa xưa của vùng quê Nam Bộ.

Chiếc chõng tre dưới bóng mát của bờ tầm vông bên bờ sông bao đời vẫn còn đó. Chiều chiều, các lão nông cùng vui chuyện làng, chuyện quê bên ấm trà thơm…

Cây tầm vông hiền lành là thế, lặng thầm là thế mà khi có giặc tràn vào lại hóa thành vũ khí! Hình ảnh đẹp nao lòng là một rừng gậy tầm vông nhất tề giương cao trong tiếng nhạc, tiếng hát hào hùng: Mùa thu rồi, ngày hăm ba/ Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến/ Rền khắp trời lời hoan hô/ Dân quân Nam nhịp chân tiến ra trận tiền(1).

Ngay thẳng, cứng cáp, thủy chung, bám làng bám đất, nghĩa khí sắt son của cây tầm vông cũng là nghĩa khí của người Nam Bộ. Không chịu sống quỳ, không chịu làm nô lệ, đứng lên đánh đuổi kẻ thù, giành lại cuộc sống thanh bình, giành lại bờ tầm vông thân thương!

Dường như vẫn nghe vọng về trong gió thu lồng lộng tiếng hát của những ngày Nam Bộ vùng lên: Ta đem thân ta liều cho nước/ Ta đem thân ta đền ơn nước/ Muôn thu sau lưu tiếng anh hào(2).

Lê Đức Đồng

--------------

(1), (2). Lời bài hát “Nam bộ kháng chiến” - Nhạc và lời: Tạ Thanh Sơn

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Có một Hà Nội khác. Tản văn của Trịnh Thu Tuyết Mùa mưa nhớ cha - Tản văn của Nguyễn Minh Nguyệt Hạ cũ. Tản văn của Ngọc Hoài Lâm Dáng quê. Tản văn của Kim Loan Cù lao quê tôi - Tản văn của Hoàng Thị Trúc Ly
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.