Sự kiện & Bình luận

Tháng Tám mùa Thu xanh thắm...

Hải Đường
Đời sống
09:13 | 29/08/2024
Baovannghe.vn- Trong hồi kí Nhớ lại một thời, Tố Hữu viết: “Sau khi được gặp Bác Hồ (ngày 5-8-1954) tôi ra về vừa phấn khởi vừa lo lắng về công việc của mình. Bác nói “...kẻ thù mới sẽ hùng mạnh và hung ác hơn nhiều”,
aa

Tháng Tám mùa Thu đã về...

Tháng Tám có ngày lịch sử trọng đại của dân tộc ta. Mùa Thu trời trong, mây nõn, trăng ngà... Ấy là cái đẹp nguyên sơ, nguyên thủy của thiên nhiên. Còn mùa Thu khi gắn với cách mạng, dân tộc và đất nước, khi “mùa thu nay khác rồi”... thì trong lòng tôi lại ngân lên những câu thơ da diết, đắm say của nhà thơ Tố Hữu trong bài Ta đi tới: Tháng Tám mùa Thu xanh thắm/ Mây nhởn nhơ bay/ Hôm nay ngày đẹp lắm/ Mây của ta trời thắm của ta...

Trong hồi kí Nhớ lại một thời, Tố Hữu viết: “Sau khi được gặp Bác Hồ (ngày 5-8-1954) tôi ra về vừa phấn khởi vừa lo lắng về công việc của mình. Bác nói “...kẻ thù mới sẽ hùng mạnh và hung ác hơn nhiều”, bởi vậy, công tác tư tưởng sắp tới phải chú ý khắc phục tính chủ quan và nhất là tâm lí “xả hơi” ngay trong Đảng ta. Khi tôi viết câu thơ “Đây mới là bài học đầu tiên” (trong Hoan hô chiến sĩ Điện Biên) là ngầm nói tới những chiến công khác trong tương lai. Thực tế đã diễn ra đúng như tiên đoán của Bác. Cũng chính nhận định quan trọng này của Bác đã thúc giục tôi viết tiếp bài Ta đi tới ngay trong tháng 8-1954, vừa ngợi ca chiến thắng, vừa gợi suy nghĩ về đoạn đường sắp tới.”

Đọc những dòng trên, ta như thấy đây vẫn là câu chuyện của hôm nay. Hãy làm nên những mùa gặt mới, những chiến công mới trong tương lai. Hãy chống lại bệnh chủ quan, và nhất là tâm lí “xả hơi”. Hãy sát vai nhau, thôi đừng quá loay hoay chuyện lợi ích của anh của tôi, đừng ham đuổi bắt những vòng tròn nhỏ mà phá vỡ một quy hoạch lớn.

Tháng Tám mùa Thu xanh thắm...
Hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội. Ảnh: unsplash.

Nói đến nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, điều đầu tiên vẫn là tạo dựng và chớp thời cơ lớn. Có người thường quá nhấn mạnh việc chớp thời cơ mà không chú ý việc cần phải tạo ra thời cơ và nắm bắt thời cơ nữa. 79 năm trước là như vậy. Ngày nay vẫn là như vậy. Vẫn là “tiên hạ thủ vi cường” - ra tay trước là thắng! Tất nhiên “ra tay” vì mục tiêu chính nghĩa, có sự chuẩn bị, tính toán kĩ lưỡng, có tinh thần và lực lượng, có những trận thắng “nhẹ nhàng như mưa rơi ở trên không” là vì thế. Mùa Thu năm ấy, việc chớp đúng thời cơ khởi nghĩa là điều có ý nghĩa quyết định. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hành động kịp thời và kiên quyết trong Tổng khởi nghĩa. Thời cơ ấy chỉ xuất hiện khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc; phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện; hàng ngũ chỉ huy của Nhật ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm. Khi ấy đội ngũ quân lính Nhật tan nhanh như bong bóng xà phòng. Bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ, tìm nơi “ẩn nấp”. Cũng vào thời điểm ấy, mọi chuẩn bị của Đảng ta về lực lượng, đường lối, phương châm tác chiến đã hoàn thiện. Cao trào cứu nước của toàn dân như sóng tràn bờ và đã dâng tới đỉnh cao nhất. “Đội quân chính trị” của quần chúng nhân dân bao gồm hàng chục triệu người được tập hợp trong Mặt trận Việt Minh bừng bừng khí thế chiến đấu giành chính quyền về tay nhân dân. Sau này các nhà thơ viết, khắp đất trời “rung sấm Tháng Tám” là hình tượng thật tự nhiên mà hào hùng, kì vĩ.

Cùng với bài học về tạo dựng và chớp thời cơ, một trong những bài học lớn của Cách mạng Tháng Tám là: đại đoàn kết toàn dân dân tộc; chủ động, sáng tạo tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Giờ đây, chỉ cần thay cụm từ “khởi nghĩa giành chính quyền” là chúng ta đã có ngay cẩm nang màu nhiệm cho thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thời cơ lớn của đất nước ta hôm nay đã được xác định rất rõ trong Cương lĩnh chính trị của Đảng, trong các văn kiện đại hội Đảng. Đó là quá trình toàn cầu hóa, thúc đẩy giao lưu kinh tế - văn hóa, đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế để nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới, phù hợp với điều kiện, thực tiễn Việt Nam. Từ tháng 9-2019, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã chỉ rõ: “Chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.”

Thời gian như mũi tên bay đi không bao giờ trở lại. Thời gian chỉ “trở lại” trong những kinh nghiệm quý giá - nguồn năng lượng tinh thần tích tụ và trao truyền cho mai sau. Mới hôm nào thế giới nói lời chia tay thế kỉ XX mà nay đã bước sang thiên niên kỉ thứ ba hơn hai thập niên. Quá trình toàn cầu hóa trong thế kỉ XXI đã sinh ra thế hệ công dân toàn cầu. Toàn cầu hóa mang lại những thay đổi nhanh chóng và đặt ra những thách thức to lớn về xã hội, chính trị, văn hóa, kinh tế và môi trường. Thời cơ và thách thức đòi hỏi những suy nghĩ, nhận thức mới và hành động ở quy mô toàn cầu của những công dân một đất nước trăm triệu dân và đang ở thời kì cơ cấu dân số vàng. Đi liền với đó là sự bùng nổ và phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, khoa học kĩ thuật đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thế giới ngày nay đang chứng kiến những biến động sâu sắc, diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Thời tiết chính trị quốc tế và khu vực đã và đang tác động hằng ngày đến việc thực hiện đường lối chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của đất nước ta. Lúc này, chúng ta càng thấm thía lời dặn của V.I Lênin: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn.” Đây là một nguyên lí phổ quát. Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, Việt Nam đã phải bền gan, kiên cường chiến đấu, chiến thắng các kẻ thù mới giữ vững độc lập, thống nhất đất nước và tiến hành công cuộc đổi mới. Ngày nay, độc lập dân tộc không chỉ gói gọn trong đường lối chính trị, kinh tế, ngoại giao. Độc lập trong thời đại mới đã tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống con người. Dự báo, trong một vài năm tới, trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi rất lớn về công nghệ, nhân lực và thông tin. Không lâu nữa, đến năm 2026, sẽ có khoảng 50% công việc lập trình do công nghệ AI thực hiện.

Thời đại mới cho ta đôi cánh của bản lĩnh và trí tuệ. Thế nhưng, cái đáng lo nhất là năng lực, đạo đức của đội ngũ cán bộ không đáp ứng. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực với chủ trương không có vùng cấm, không có ngoại lệ đã đạt được kết quả nhất định, nhưng nạn quan liêu, tham ô, nhũng nhiễu còn khá nặng nề. Trên đường lớn chưa thể “ung dung ta bước”, vì còn quá nhiều việc lớn mà vận nước đòi hỏi, nhân dân trông đợi. Thủ tướng Phạm Minh Chính những khi đi cơ sở thường nhắc cán bộ: Trước nhiệm vụ mới nói “không”, nói “khó”; chỉ bàn tiến không bàn lùi. Nói “khó” và “dễ” là phép so sánh biện chứng để bổ sung cho nhau, xác định cho nhau, để tìm cách thay đổi cuộc sống chứ không phải để rập khuôn cuộc sống. Và nói thì phải đi đôi với làm, không để tình trạng “sấm to mưa nhỏ”. Công lao là của tập thể nhưng dấu ấn phải là của cá nhân. Niềm tin của người dân bắt đầu từ những việc họ thấy được qua những thủ lĩnh sáng mắt và sáng tâm.

Với trách nhiệm chính trị trước Đảng, trước Dân, đề cao lòng tự trọng, trong những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kì Đại hội XIII đến nay, đã có không ít cán bộ, trong đó có những cán bộ cấp chiến lược xin thôi chức, từ chức vì nhiều lí do khác nhau. Điều đó thể hiện quyết tâm, sự kiên trì trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy lãnh đạo, quản lí. Đương nhiên, chúng ta rất đau xót. Nếu cán bộ thật sự chú ý tự học tập, tự rèn luyện, biết lắng nghe mọi ý kiến thuận tai, trái tai, không bị cuốn vào sự “loạn chuẩn” thì chắc đã tránh được sai phạm đáng tiếc. Lại nữa, nếu tổ chức Đảng thường xuyên giám sát, kiểm tra một cách thật sự thì đã sớm có toa thuốc dự phòng. Bởi quyền lực không thể trao cho ai mà không cần sự kiểm soát.

Nước là nước của Dân. “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lí gì”, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam mới ra đời, Bác Hồ đã nói những lời mộc mạc ấy. Ở quốc gia nào, nền văn hóa nào cũng vậy, lịch sử chỉ thật sự có giá trị khi có sự đối thoại không ngừng giữa hiện tại và quá khứ.

Thu nay, trong thời khắc thiêng liêng nhớ về cuộc cách mạng long trời chuyển đất mùa Thu 1945, lời nhắc nhau vững chí, lời chúc nhau thắm tình, mong sao chân cứng đá mềm, vẫn là Ta đi tới, Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!

Hải Đường

Kem que một thủa - Tản văn của Lê Hà Ngân Dáng quê. Tản văn của Kim Loan Lớp học trong ngôi chùa cổ - Tản văn của Nguyễn Hải Yến Cù lao quê tôi - Tản văn của Hoàng Thị Trúc Ly Đọc truyện: Trăng mắc cạn. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Thúy
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.