Sáng tác

Thơ Trần Anh Thái

Nhà thơ Trần Anh Thái
Thơ
07:30 | 08/07/2024
Tôi uống no nê buổi sáng mát lành dịu êm cơn khát/ Bình tĩnh đứng lên đi qua âu lo bề bộn tháng ngày...
aa

CON ĐƯỜNG

I

Những cơn lốc dội vào vòm trời trống

Không có chỗ nào cho chúng ta trú mưa ...

.

Chiếc ô mỏng khi chiều rách bươm từ ngàn năm trước

Chỉ còn hai chúng ta áo quần ướt sũng và giấc mơ dang dở

Hãy bỏ lại em ơi! Hãy xích lại gần anh thêm chút nữa

Mưa bớt dội vào em trái tim bớt lạnh

Nếu không chỉ lát nữa thôi giông tố mỗi ngày

Em cảm lạnh không thể đứng lên khi ánh ngày rực sáng

Trái tim anh vụn vỡ rã rời...

.

II

Chúng ta không thể sửa chữa con đường mòn qua nhiều thế kỷ

Con đường chảy trong máu chúng ta qua tháng năm tiền kiếp

Không ít khi mộng mơ ngây dại

Rằng được sinh ra và định đoạt? ...

.

Và thế chúng ta mở lối đi giữa khu rừng lạ

Mở toang chính cuộc đời mình

Cánh rừng tự do trái tim bừng thức

Dấu chân in những thảm vàng tạc vào mặt đất

.

III

Mưa mỗi lúc dày thêm bầu trời ngày xiết chật

Chưa có vệt sáng nào xuyên qua cánh rừng chằng chịt

Đừng khóc em ơi đừng sợ hãi!

Chúng ta sẽ ra khỏi cánh rừng trước cơn giông vô hồi dội tới

Kiêu hãnh như khi mở lối ra đi vào lúc ban đầu

.

Em đừng nói gì thêm để tâm trí bình yên giữa muôn trùng giông lốc

Chớ ngã xuống lúc này đừng làm gì dại dột

Ngực em đập mạnh thế kia hơi thở sao dồn dập thế?

Hãy tựa vào vách núi bước đi...

.

IV

Nước mắt không thể xoa dịu nỗi đau

Cái chết không mở ra ánh sáng con đường

.

Đừng hối tiếc dằn lòng khu rừng vô tội

Chúng ta sinh ra và khai mở

Mỗi bước chân là một phần đời

Chớ giẫm lại lối mòn chen lấn dấu chân

.

Một lần đi lần đến trong đời...

.

V

Có thể đêm nay không vượt qua khu rừng chằng chịt bụi gai

Có thể khụy ngã nửa chừng bước chân lỡ nhịp

Nhưng nếu sáng mai mặt đất tái sinh lần nữa

Ta sẽ chọn đi như lúc khởi đầu

.

Hãy đứng dậy em ơi giông tố mỗi ngày dồn dập

Đôi môi em tím tái hết rồi bàn tay sun bầm tê dại

Nhưng thẳm sâu mắt em sáng lên vòm trời lạ

Dưới bàn chân ta gặp lại mình...

.

RA ĐI

Giông bão nổi lên rồi con thuyền nhỏ quá

Cánh buồm nâu cũ sờn

Nhưng chúng ta đã ra khơi chân trời bất tận...

.

Đám mây u ám đang đổ về phía chúng ta

Mặt biển xám cơn cuồng phong u uất

Đừng sợ hãi em ơi, cánh tay anh mỏi rũ xuống rồi

Mái chèo trĩu nặng đè nơi ngực anh ngột ngạt

.

Em cầm lấy tấm áo cuối cùng còn lại trên thân thể anh

Hãy khoác lên người mưa rát mặt mịt mùng bốn phía

Con thuyền sắp vỡ rồi bờm đen dựng sóng

Hãy nắm chặt tay anh và đừng run rẩy

Chúng ta phải vượt qua giông tố mỗi ngày…

.

Không ai cùng đi trên mặt biển này

Không con thuyền xung quanh không phao cứu hộ

Nếu không tìm ra con đường vượt qua biển cả

Cái chết sẽ đưa chúng ta đi mặt biển xóa nhòa

.

Nắm chặt tay anh hơn nữa em ơi

Nếu còn chút hơi sức cuối cùng hãy cùng anh cầm lái

Mặc kệ bão giông sấm sét đổ lên đầu chúng ta

Trong cùng tận hiểm nguy khốn khổ này

Chúng ta thấy những điều chân thật

.

Có thể chúng ta không đến được chân trời nơi ngọn lửa mơ hồ le lói

Nhưng xin em đừng ngoái lại nhìn

.

Đừng hỏi vì sao và đừng nghi ngại

Chúng ta những kẻ tinh khôi thuần khiết con người…

.

NHỮNG DẤU CHÂN

Tôi soi xuống bóng mình

soi qua ban mai khu rừng trong suốt

Tôi ở đâu ngọn cỏ mướt xanh cuống lá úa vàng?

Rừng bao phủ tầng tầng bí ẩn

Làm sao vạch lối xuyên qua đi tới chân trời?

Tôi lần theo bước chân người xưa

dấu nguyên sơ im lìm mặt đá

Không có tiếng động nào phát ra

bốn phía lạnh trời tịch mịch

Giữa quạnh quẽ núi cao trùng trùng vực thẳm

Ánh sáng nào nâng tôi lên dìu tôi qua gai bụi lầy bùn?...

.

Tôi bước phía dòng sông

làn gió thoảng một màu tinh khiết

Tôi ngụp lặn giữa dòng

thỏa sức vẫy vùng xua ưu phiền mệt mỏi

Mặt nước tràn xanh

bọt sóng hồn nhiên tóe tung rạng rỡ

Tôi uống no nê buổi sáng mát lành dịu êm cơn khát

Bình tĩnh đứng lên đi qua âu lo bề bộn tháng ngày...

.

Tôi bơi vào bờ theo khe suối ngoằn ngoèo

khu mộ cổ ngập trong cỏ dại

Người xưa có còn đây?

Tấm bia đá nhòe mờ rêu phủ

Không có ai tiếng gió ù ù

quạ hú liên hồi bầu trời lạnh

Có gì đó cho tôi tôi tìm gì mơ hồ xa cách?

Tiếng vọng nào xa xăm

vang lên phế tích hoang tàn?

Tôi mơ thấp thoáng dấu chân tổ tiên

lần tìm đi trong đêm tối

Bước chân mỗi ngày dồn dập vang lên

phía chóp ngọn nguồn

Tôi biết đỉnh xa kia những bông hoa bình yên đang nở

Gió sớm reo ca tinh khiết tỏa lan

Tôi chạy qua thác lũ réo gào vách núi dựng đứng

Tôi thấy dưới bàn chân xa xưa

ẩn giấu bao vì sao bí mật

Những vì sao tỏa sáng ngàn năm

mở sáng ngàn năm

Hiện lên chân trời đêm đêm mệt nhoài tìm kiếm

Trên con đường mải miết tôi đi ...

.

EM ƠI

Chúng ta ra đi và rời bỏ

Dòng sông triệu năm giờ đã kiệt khô

Em thấy không đáy dòng sông

những xác chết ngổn ngang la liệt

Tiếng vọng xa xăm xiết nghẹn rú gào

.

Sẽ không ai mở lối con đường

Chúng ta phải làm lại từ đầu khi bóng đêm vừa xuống

Thế giới sau ta

những vai hề huênh hoang trên sàn nhà mục

Bóng đêm phủ xuống xung quanh

.

Tiếng nói suy tàn

Chúng ta không thể làm gì

.

Ta là kẻ đầu tiên và cuối cùng mê sảng đớn đau

Hoa đào nở ngượng ngùng trong gió trái

Ngày mai trên bảng đồng hồ sẽ báo năm hai mươi…

Chúng ta chưa kịp làm gì mùa xuân chưa về đã hết

.

Thương những cành đào gượng gạo nở hoa

Nhưng ra đi em ơi

hãy bỏ mọi buồn đau phiền muộn

Bầu trời mỗi ngày chật chội

Và có thể nơi cùng tận

khi đôi chân khụy xuống

Có một chân trời le lói ban mai…

.

CHIỀU CHIỀU

Chiều chiều

Ông già ngồi câu bên bệ đá

Không thấy tiếng cá quẫy mặt hồ phẳng lặng

Lâu lâu chiếc cần giật giật

Rồi lại lặng thinh như cũ

.

Chiều chiều mặt trời kiên nhẫn lăn vòng chậm rãi

Những ráng vàng lững thững vương qua mặt nước

Chiếc phao câu im lìm bất động

Ông ngồi đấy

Như pho tượng in vào nền trời xanh....

.

Ngày nào cũng như ngày nào

Ông vác cần câu ra ngồi bệ đá

Thả vào yên lặng

gương mặt yên lặng

Những tia nắng cuối ngày mờ dần bên kia hàng cây

.

Chiều chiều những chiếc lá vàng rơi đầy quanh bệ đá

Không có tiếng động nào không gió về xào xạc

Chiều chiều mặt trời chậm chạp tắt dần

Ông thong thả đứng dậy thu lại cuộn dây câu đã cũ

Bóng tối phủ xuống mặt hồ không tiếng cá quẫy...

.

LÃNG QUÊN

I

Ông ngồi đó rất lâu

Đã mười năm

hai mươi năm

như ngàn năm trước?

Chiếc ghế góc nhà mòn trơ màu sơn lên rêu ẩm mốc

Gương mặt đi qua

gương mặt nhòa nhạt

tháng ngày nhòa nhạt

Cả những đứa con ông sinh ra cũng mờ dần ký ức ...

.

Ông ngồi như thời gian

Mơ hồ đoàn quân

mơ hồ bom rơi

tiếng la hét và lời nguyền rủa

Đâu đó mùi mồ hôi mùi máu tanh nồng khét

Lặng phắc bãi chiến trường

lặng phắc xác chồng lên xác

Hận thù đã hết...

đã hết... và ông đã chết?...

.

Mơ hồ cơn gió

mơ hồ khói hương những nấm mồ đắp vội

Tiếng gào khóc rỉ rên âm u phủ xuống chiến trường

Mênh mang...

Mênh mang ...

.

II

Không ai nhắc tên ông

không tiếng gọi

không tiếng người!

Cái bóng âm thầm in trên vách tường mốc meo cũ kỹ

Đôi khi lúc rúc tiếng chân bầy chuột nhắt ăn đêm

Đôi khi tiếng khùng khục phát ra từ cổ họng ông

Như đang ngóng đợi

Như cổ xưa vọng lại

Đôi khi...

Cõi xa xăm hoang vu chưa có con Người

Từ cõi thẳm đất dày ngục tối ...

.

III

Ngoài kia dòng người trôi

Họ đi đâu về đâu?

Ông đã quên con đường

quên sinh ra

quên gương mặt già nua cũ kỹ...

Cơn gió đến rồi đi

ánh sáng đến rồi đi

đôi mắt ông thôi nhìn mọi sự

Cả nỗi buồn thua cuộc cũng thôi tìm đến làm phiền!...

.

Dòng người lãng quên

Lạnh tanh bất động

Bộ quân phục dính trên lớp da khô đang rữa mục dần

Những bông hoa trên miệng lục bình đã héo

Lặng thinh rơi giữa không người!...

Viết & Đọc - Chuyên đề mùa xuân 2024

Thơ Trần Anh Thái Nhà thơ Trần Anh Thái, người góp phần hồi sinh trường ca Thơ Nguyễn Tùng Linh Thơ Nguyễn Thụy Kha Thơ Bích Ngân
Cú sốc. Truyện ngắn của Bích Ngân

Cú sốc. Truyện ngắn của Bích Ngân

Baovannghe.vn - My chìm vào giấc ngủ. Mái tóc phủ kín chiếc gối ôm lấy gương mặt ngời ngợi hạnh phúc. Gương mặt My bình yên theo nhịp thở, trôi nổi phiêu bồng
Ngọn gió xuân - Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Ngọn gió xuân - Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Baovannghe.vn- Làm sao cầm được ngọn gió xuân tràn về/ Để nghe hơi ấm đầy sớm mai chớm lạnh
Hội thảo khoa học "Tổng trấn Nguyễn Văn Thành (1758-1817) với Thăng Long - Hà Nội"

Hội thảo khoa học "Tổng trấn Nguyễn Văn Thành (1758-1817) với Thăng Long - Hà Nội"

Baovannghe.vn - Hướng tới kỷ niệm 220 năm xây dựng công trình Khuê Văn Các - biểu tượng của Thủ đô Hà Nội (1805-2025), sáng 19/12/2024, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức hội thảo khoa học về Tổng trấn Nguyễn Văn Thành (1758-1817), một danh nhân văn hóa đã để lại dấu ấn đặc biệt trên mảnh đất Thủ đô.
Từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương

Từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương

Baovannghe.vn - Những từ láy tạo thanh mà Hồ Xuân Hương dùng không nhiều nhưng rất đắt, rất độc đáo, và thể hiện rất đúng chức năng của nó.
Lập thể tình yêu - Thơ Hồ Thế Sinh

Lập thể tình yêu - Thơ Hồ Thế Sinh

Baovannghe.vn- Thoảng thi rưng rức thịt da/ để còn thổn thức đàn bà đàn ông