Từ các phương tiện thông tin đại chúng và từ trong phim ảnh, từ trong văn chương, ba chữ "thời bao cấp" phổ cập vào đời sống, trở thành thông dụng. Mâm cơm bưng ra, ông bố bảo với các con: "Thời bao cấp làm gì có những món này mà ăn". Tivi chiếu một phim Mỹ, ngồi ở sa lông người ta tấm tắc: "Phim thế mới là phim chứ, đâu như xinê thời bao cấp". Tậu xe Dream, các vị khoái trá: "Chả bù thời bao cấp xếp hàng suốt đời ngóng một cái Thống Nhất". Ôm nhau ở Hồ Tây cũng: "Thời bao cấp mà thế này thì lôi thôi ngay với dân phòng ấy chứ anh nhỉ". Cãi lại sếp: "Có phải là thời bao cấp nữa đâu mà ông hống hách thế" v.v… Lớp trẻ ít rành chuyện xưa cũng lải nhải:
- Con ăn mặc thế nào kệ con, bây giờ không phải thời bao cấp của bố mẹ.
- Việc gì em phải "giữ" với anh như cái lối yêu nhau thời bao cấp thế v.v…
Tranh vẽ "Người sửa xe đạp" của họa sĩ Hồ Minh Tuấn |
Người lớn lạm dụng ngôn từ nên đã làm lệch nhãn quan của con em mình. Trong sự mường tượng của lớp trẻ ngày nay "Thời bao cấp" như là một hình ảnh tương phản với các giá trị của công cuộc Đổi Mới. Hiểu sai lạc như vậy nên nhiều bạn trẻ dễ đi đến chỗ cho rằng cuộc sống trong những năm tháng từ 1986 đổ về trước là lạc hậu và trì trệ. Thế hệ cha anh của các em dường như không biết quản lý nền kinh tế, đời sống văn hóa thì đơn điệu tẻ nhạt, mọi mặt của cuộc sống từ vật chất đến tinh thần cái gì cũng bao cấp.
Ai đã từng trải những năm kháng chiến ắt phải thấy rằng cơ chế bao cấp là cần thiết. Tuy nhiên sự bao cấp cũng chỉ là một khía cạnh trong đời sống kinh tế những năm sóng gió trước đây. Không thể dùng khái niệm bao cấp trong kinh tế để khái quát một giai đoạn lịch sử trọng đại như thế của đất nước. Xét về mọi mặt thì đấy là một thời đại lớn lao, một thời đại đẹp đế, anh hùng và lãng mạn, hết sức đáng tự hào và đáng được ghi sâu trong tâm khảm của nhiều thế hệ người Việt Nam. So với sức mạnh ngày hôm nay của nền kinh tế thì kinh tế thời bấy giờ chưa đáng gì cả, tuy nhiên vẫn là một nền kinh tế đầy sức sống, quật khởi và tự cường. Và đấy là một nền kinh tế đầy hiệu quả, tạo ra cơ sở vật chất ban đầu của Chủ nghĩa Xã hội đồng thời nuôi sống cuộc kháng chiến trong suốt nhiều chục năm cho đến tận ngày Toàn Thắng. Về văn hóa, giáo dục, về y tế và phúc lợi xã hội cũng vậy, những thành quả mà chúng ta đã đạt được trong thời kỳ đó là không thể phủ nhận.
Ngày nay, do đã sống quen với kinh tế thị trường, quen với sự phân cách giàu nghèo, người ta hay chê bai lối sống trước đây là lối sống của "chủ nghĩa bình quân". Thật ra thì trong hiện thực của đời sống đất nước những năm trước đây không hề tồn tại cái gọi là "chủ nghĩa bình quân” bị hiểu theo nghĩa thô thiển mà chỉ có một tinh thần chung của toàn xã hội chuộng công bằng, chuộng tình nghĩa, coi trọng lao động chứ không coi trọng đồng tiền. Điều đáng nói và đáng lo là ở chỗ, có rất nhiều giá trị tốt đẹp mà xã hội ta đã đạt được nhờ ý tưởng yêu chuộng lẽ công bằng giờ đây đang bị xuống cấp.
Bữa nọ, trong tiệm ăn, tôi thấy một cảnh như sau. Một thằng bé ăn xin bằng cách nào đó qua mắt được chủ tiệm, xán tới các dãy bàn mà thực khách đã đứng dậy để húp chỗ cơm thừa canh cặn. Ở bàn cạnh bàn chúng tôi có một đôi nam nữ đang rủ rỉ ngồi... ăn với nhau. Chàng trai gọi thằng bé ăn xin lại, bảo nó ngồi xuống ghế, rồi anh gọi cho nó một tô phở tú hụ. Một trong số các ông bạn nhậu của tôi đã ngà ngà lập tức có ý kiến phê bình chàng trai tốt bụng. Ông nói vóng sang, cực kỳ kẻ cả và láo xược:
- Này, anh chàng bệnh sĩ kia! Anh muốn chửi vào mặt mọi người phỏng? Chỉ có anh là từ tâm hả? Tình thương bao la gớm. Muốn tái lập thời bao cấp chăng? Sao không gọi tất cả bọn nhãi ăn mày ăn nhặt tới mà bao cấp. Chỉ bao cấp một đứa là bất công đấy bạn ạ!
Chúng tôi đã lớn tuổi, chàng trai nọ trẻ người non dạ đâu dám cãi lại. Anh đỏ mặt cười trừ. Anh ngượng vì đã làm điều thiện hay là ngượng thay cho chúng tôi?
---------
Bài viết cùng chuyên mục: