Sự kiện & Bình luận

Khi bão lũ đi qua...

Sương Nguyệt Minh
Tiếng nói nhà văn
06:00 | 26/09/2024
Baovannghe.vn- Siêu bão Yagi đầu tuần qua là cơn bão lớn nhất trong nhiều chục năm qua ở biển Đông, đã hoành hành quần thảo ở Quảng Ninh, Hải Phòng rồi Hải Dương, Hà Nội..
aa

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, đến ngày 12/9, bão Yagi và lũ lụt đã làm chết và mất tích hơn 300 người, gần 148 ngàn ha lúa bị ngập úng, hàng trăm ngàn gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Cầu Phong Châu ở Phú Thọ bị sụp đổ hai nhịp khiến hơn chục chiếc ô tô và nhiều xe máy rơi xuống dòng nước xoáy. Lũ quét xóa trắng thôn Làng Nủ ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai khiến hơn 30 người chết và hơn 60 người mất tích. Nước lũ và sạt lở còn xảy ra tại nhiều địa phương, vùi lấp nhiều ô tô chở khách, xe con, xe máy khiến hàng chục người chết và mất tích đến nay vẫn chưa thống kê đầy đủ. Hàng ngàn ngôi nhà bị cuốn trôi, tan nát tan hoang, hàng vạn người sống trong cảnh màn trời chiếu đất.

Khi bão lũ đi qua...
Bão số 3 (Yagi) tràn qua Thủ đô khiến hàng chục cây cổ thụ ở quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm bị bật gốc, gãy đổ chắn ngang đường. Ảnh: Internet

Cả nước hướng về Tây Bắc, Việt Bắc, với tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “một miếng khi đói bằng một gói lúc no”. Nhiều ca nô cao tốc ở miền Trung vốn đã qua thử thách lũ lụt được bốc lên ô tô, những con thuyền vốn làm phương tiện sinh nhai ở chùa Hương cũng được người dân đưa đến nơi lũ lụt nhanh nhất. Tiền nong, quần áo, sách vở, lương thực thực phẩm, thuốc men đi bằng con đường Nhà nước, và tự nguyện cá nhân cũng đã và đang đến với đồng bào lũ lụt… Tự nguyện, không vì ai gây áp lực, hay vận động, đồng bào làm xuất phát từ tình thương yêu, từ lương tâm thúc giục. Khi tôi đang viết những dòng chữ này, thì nước lũ ở Yên Bái, Tuyên Quang, hạ lưu sông Hồng đoạn cầu Long Biên đã bắt đầu rút, nhưng công cuộc cứu trợ đồng bào lũ lụt thì chưa hề dừng và đang dồn dập hơn, rộng lớn hơn, huy động sức người sức của nhiều hơn. Máy bay trực thăng của quân đội đã bay lên Cao Bằng, xuồng cao tốc của các tiểu đoàn công binh vượt sông đã được bốc lên ô tô và có mặt kịp thời rẽ sóng đến các vùng bão lũ cô lập đồng bào...

Cùng lúc với công cuộc cứu trợ đồng bào lũ lụt khẩn trương và hiệu quả thì dư luận cũng bàn về nguyên nhân lũ lụt và đề xuất các giải pháp phòng chống. Trước hết, chúng ta không phủ nhận thiên nhiên hung dữ là nguyên nhân trực tiếp đầu tiên gây ra thiệt hại về người và của. Bão dồn dập cấp 12, giật cấp 15. Hà Nội và miền núi Tây Bắc, Việt Bắc mưa to đến rất to. “Nước chảy chỗ trũng”, mưa như thế mà không lũ lụt mới là chuyện lạ. Những nơi bão giông, lũ lụt đi qua mới thấy sức tàn phá khủng khiếp thế nào. “Nắng mưa là việc của trời”, động đất, sóng thần, hạn hán, lũ lụt, lở tuyết, tan băng… khắp hành tinh không chỗ này thì chỗ kia, là quy luật, không thể duy ý chí “thay trời đổi đất, sắp xếp lại giang sơn”... Thiên tai đã, đang xảy ra và sẽ tiếp tục xảy ra. Con người nhỏ nhoi, mong manh lắm, mà thiên nhiên thì bao la, bí ẩn, đầy uy lực. Con người chỉ có thể nắm bắt quy luật của vũ trụ, nương theo mà “chung sống hòa bình”. Con người chỉ có thể né và tránh thiên tai, chứ đừng mang tư duy chống lại thiên nhiên.

Thế nhưng, con người đã cố ý hoặc vô tình góp phần với thiên tai tàn phá chính cuộc sống con người. Cũng lượng nước mưa trắng trời trắng đất như vừa qua, nếu hệ sinh thái dưới tán rừng nhiệt đới nhiều tầng từ tán cây cổ thụ xuống cây lâu năm, bụi cây lúp xúp, dây leo, cỏ và lớp lá mục, dưới nữa là đất mùn xốp được giữ gìn tốt, thì nước được giữ lại một phần đáng kể, thẩm thấu từ từ. Còn thừa mới đổ ra khe, suối, sông. Cũng lượng mưa vừa, mưa to đến rất to ấy đổ xuống đồi trọc thì nước trôi tuột đi ngay, chẳng mấy chốc mà thành lũ ống, lũ đâm ngay ở dưới chân núi đồi. Ở nước ta, ngoại trừ một số cánh rừng nguyên sinh còn sót lại ít ỏi đang được bảo tồn, còn lại thì... cơ bản đã phá xong rừng. Bây giờ, chỗ nào thấy còn màu xanh thì chủ yếu là rừng mới trồng, hoặc rừng xơ xác được giữ lại đang phát triển sau lệnh cấm rừng của Thủ tướng Chính phủ. Chất lượng rừng mới trồng với rừng nguyên sinh khác nhau một trời một vực, như vườn cây xóm xã với vườn cổ tích. Mất rừng còn mất luôn cả mạch nước ngầm, hạn hán xuất hiện. Vậy là, mùa mưa thì lũ lụt. Mùa nắng thì khô hạn. Nhãn tiền!

Mấy năm trước, dư luận xôn xao bởi dinh thự gỗ của một nữ trung úy công an. Toàn gỗ quý hiếm ước giá ngàn tỷ đồng. Gỗ có tuổi đời trăm năm thì không thể gia đình trồng. Nó phải có xuất xứ ở những cánh rừng nguyên sinh Tây Nguyên, hoặc một nơi nào đó trên trái đất này. Nhà gỗ, phản gỗ, sập gỗ, tủ và bàn ghế từ gỗ quý... ở nước ta đâu đâu cũng có. Thói quen và văn hóa sử dụng nhà gỗ, đồ dùng bằng gỗ cũng góp phần làm rừng chảy máu và cạn kiệt. Còn bao nhiêu nhà đang say mê đồ gỗ từ rừng, mà không biết rừng chảy máu và hiểm họa một phần từ cái nhà gỗ, dinh thự gỗ mình đang ở mà vô tình gián tiếp gây ra lũ lụt?

Đất nước ta đang trên con đường công nghiệp hóa. Công nghiệp hóa và tự động hóa thì không thế thiếu năng lượng. Chủ trương phát triển thủy điện lớn, vừa, nhỏ là hoàn toàn đúng và cần thiết. Hàng trăm cánh rừng, thung lũng chìm xuống đáy lòng hồ sau khi tích nước. Rừng xanh bị hi sinh cho thủy điện một cách đau đớn và đó là sự hi sinh cần thiết. Nhưng, cách thức điều hành tích nước hồ và xả nước khoa học, nhịp nhàng đang là thử thách ngành thủy điện. Trước mưa bão, nếu xả sớm thì lại sợ thiếu nước, thiếu điện. Chờ cho đến nước dâng cao có nguy cơ vỡ đập và lụt ở đầu nguồn mới đột ngột xả thì dân phía hạ lưu rất có thể chạy không kịp. Trâu bò, chó mèo, gà lợn... càng không kịp. Không chỉ nhà cửa, đồ dùng mà đường sá, công trình kinh tế, văn hóa xã hội khác cũng chìm trong biển nước do mưa đang tầm tã rơi cộng với nước xả từ hồ thủy điện.

Trong một báo cáo tổng kết ở “Hội nghị về đa dạng sinh học” tại Bonn, người ta tính thiệt hại về rừng sẽ làm cho mức sống người nghèo tồi tệ thêm và có thể làm giảm 7% GDP của thế giới vào năm 2050. Ở Việt Nam ta, sự nghèo nàn của rừng đã nhãn tiền. Không còn thấy “trám bùi để rụng/ măng mai để già” ở rừng nữa. Hổ, báo, gấu, sư tử, voi... chỉ còn trong công viên. Lũ lụt Tây Bắc, Việt Bắc sau cơn bão Yagi thêm một lần nữa khẳng định: thiên nhiên đang trả đũa con người với tần suất ngày càng dữ dội, khủng khiếp. Chết chóc tang thương và thảm họa mất cửa mất nhà, mất cả đất do lũ cuốn đang đổ vào đầu người dân nghèo. Còn thủ phạm giấu mặt chặt gỗ tàn phá rừng đầu nguồn, hủy hoại màu xanh gây ra thiên tai lũ lụt thì bình an vô sự, đang ung dung hưởng lạc xa hoa. Bất công vô cùng bất công. Phi lý tận cùng phi lý!

Hãy hành động gấp chấm dứt phá rừng. Hãy từ bỏ tập quán sử dụng gỗ rừng làm nhà, làm đồ gia dụng mà chỉ sử dụng gỗ từ rừng trồng. Hãy đóng cửa rừng tuyệt đối! Và nên chăng phải mở Hội nghị Diên Hồng bàn cách ngăn chặn nạn phá rừng đầu nguồn và thảm họa xả nước của thủy điện. Việc này lớn lắm, làm được còn có ích hơn là mở những dự án to lớn, viển vông và lãng phí.

Sương Nguyệt Minh | Báo Văn nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục

Để “Cây Tình Thương” tỏa bóng, vươn cành trong đời sống xã hội Đồng vọng: những thanh âm đời sống Đọc sách và sách dành cho trẻ em - những vấn đề đặt ra trong đời sống sáng tác Bản tin văn nghệ: Sắc màu đời sống văn hóa - nghệ thuật Đọc truyện: Kí ức Ngoi. Truyện ngắn dự thi của Hà Phạm Phú
Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Baovannghe.vn - Cả một đồi cây sau làng là thế giới của các loài chim, nhiều lắm, chúng bay thành từng nhóm, từng bầy, có khi từng đôi, cũng có khi riêng lẻ…
Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Baovannghe.vn - Trong khuôn khổ " Ngày hội đổi mới sáng tạo" - hội thảo “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục đại học Việt Nam: Năng động và hợp tác” đã đặt ra và giải đáp nhiều vấn đề về Đổi mới Giáo dục đại học hiện nay.
Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Baovannghe.vn- Chào mào hót: cởi quách cái thử nào/ Cô gái trẻ giật mình cài lại yếm.
Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Baovannghe.vn- "Tác phẩm có ảnh hưởng tốt đến tư tưởng và tình cảm của nhân dân”/ Trong hội trường/ Anh vận bộ veston đỉnh đạc bước lên sân khấu nhận giải thưởng
Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Baovannghe.vn- Thi nhân ạ!/ Khó minh định rạch ròi/ Ta đang ở Giới nào trong Tam giới?/ Này thì rượu. Này thì thơ. Này thì em roi rói