Sự kiện & Bình luận

Tiếng gọi Ái au!...

Lương Ngọc An
Bút ký phóng sự
09:00 | 23/09/2024
Baovannghe.vn - Sinh thái không chỉ là những nguyên sơ trầm tích đến từ bên ngoài, mà sinh thái còn là những hồn nhiên trong trẻo thức dậy từ bên trong…
aa

Mỗi con sông trên trái đất này vốn dĩ đều mang theo suốt dòng chảy của nó cả một kho tàng văn hoá vô cùng phong phú. Chắc chắn sẽ không gì thú vị bằng bỗng có một ngày nào đó được nhẩn nha với một dòng sông, suốt từ nơi nó vừa sinh ra cho đến tận khi về với biển... Sông Gâm cũng vậy. Với hơn 200 km đoạn chảy trên đất Việt Nam, trong tổng số gần 300 km chiều dài, con sông bắt đầu từ Vân Nam (Trung Quốc), vượt qua biên giới, chảy lững thững qua tỉnh Cao Bằng ở vùng đất Na Động, uốn mình lượn qua những đoạn đèo quanh co, len lỏi dưới những sườn núi chênh vênh, dựng đứng, nhận thêm nước của dòng Nho Quế từ Lũng Cú (Hà Giang), rồi buông mình theo hình cánh cung của những dãy núi đá vôi về đến Na Hang thì “kết duyên” với sông Năng vừa rẽ ngang từ Ba Bể (Bắc Kạn) sang, để từ đó lớn dần lên, hùng vĩ dần lên, ngạo nghễ dần lên rồi xuôi về hoà nước với sông Lô hướng ra biển... Trên suốt hành trình ấy, nơi những nhánh sông gặp nhau tạo thành một điểm hợp lưu đầy huyền thoại giữa núi rừng ngút ngát của xứ Tuyên, khiến cho mảnh đất lâu nay vẫn được coi như một vùng đất cổ này (Na Hang theo tiếng Tày là “ruộng cuối”), mỗi nhánh sông, con suối, mỗi cánh rừng, ngọn núi đều được gắn liền với những truyền thuyết đầy hấp dẫn… Chẳng biết từ khi nào và chẳng biết đã bao nhiêu xuôi ngược, đã bao nhiêu ngụp lặn, trải tâm hồn trên những khúc nông sâu, nhưng tôi cứ nghĩ chắc hẳn từ những ngày xa xưa lắm, khi ở vùng Na Hang, Lâm Bình ngày nay, bắt đầu xuất hiện những truyền thuyết về mối tình ai oán của người con gái con Quẳng (quan) với chàng mồ côi nghèo khó, mà đến giờ vẫn còn da diết tiếng gọi Ái au (Mãi yêu); về loài hoa Phạc Phiền có hương thơm ngào ngạt có thể chữa được mọi ưu phiền cho con người; về 99 ngọn núi còn in dấu chân Phượng Hoàng đầy luyến tiếc trong dãy Pác Tạ; hay về chàng khổng lồ Tài Ngào với những đường cày vạch lộng lẫy giữa trời xanh…; có lẽ những người dân hiền lành chất phác nơi đây đã gửi gắm trong nỗi lòng mình tất cả những thâm u trầm mặc, cùng với tất cả những trong trẻo hồn nhiên của một vùng đất bình thản và sâu lắng…

Nuôi cá lồng ở hồ Na Hang - Tuyên Quang
Nuôi cá lồng ở hồ Na Hang - Tuyên Quang

Ấy thế nhưng đến những năm đầu tiên của thế kỷ XXI này, vùng đất huyền thoại Na Hang bỗng như thay đổi hẳn. Đó là khi công trình Thủy điện Tuyên Quang (ngày đó gọi là Thủy điện Na Hang) bắt đầu được khởi công trên dòng sông Gâm, thuộc địa phận thị trấn Na Hang, vào cuối năm 2002, cách nay vừa đúng 20 năm…

20 năm, lứa tuổi tráng niên của một đời người. Nhưng so với tuổi của những huyền thoại đã làm nên văn hóa của một vùng đất thì chẳng thấm thía gì. Thế nhưng hãy khoan nói đến những thông số kỹ thuật để Thủy điện Tuyên Quang trở thành nhà máy thủy điện có công suất lớn thứ năm của miền Bắc, khoan nói đến những lợi ích về phát triển kinh tế, an ninh môi trường; phòng chống lũ cho thị xã Tuyên Quang, hay tham gia điều tiết nước cho đồng bằng sông Hồng của hồ Thủy điện Na Hang khi nhà máy đi vào hoạt động vào năm 2008; Cũng hãy khoan nói đến những chỉ số phản ánh vị thế của Thủy điện Na Hang ở tầm vĩ mô… mà chỉ cần một lần “cưỡi thuyền xem núi” trên lòng hồ thủy điện, ngắm nhìn những đổi thay của vùng đất giàu truyền thuyết, đa dạng và phong phú về văn hóa này, vừa ngắm vừa ngẫm ngợi, cũng đủ thấy bâng khuâng…

20 năm. Có thể hình dung khoảng thời gian đó như thế này, rằng nếu như có những đứa trẻ ở đây được sinh ra đúng vào lúc những người công nhân đầu tiên xẻ núi, băng rừng, trèo đèo, vượt suối đến với Na Hang làm nhiệm vụ khảo sát; khi những nhà khoa học đặt những phép tính đầu tiên cho bản thiết kế của công trình này, thì cho đến ngày hôm nay, chúng đã trở thành trụ cột của hàng vạn gia đình trong khu vực lòng hồ đã phải dời nhà, dời bản chuyển đến nơi ở mới, nhường lại mặt bằng phục vụ công trình. Riêng ở Na Hang đã có 12 xã và 1 thị trấn bị ảnh hưởng, cùng với 5 xã vĩnh viễn xóa tên trên bản đồ... Đã đành rằng nguyên tắc di dân và tái định cư của thuỷ điện được đặt ra là “Đồng bào đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ”; nhưng phải chia tay ngôi nhà với những bậc cầu thang đã lên màu đen bóng, xa núi xa rừng, xa làng bản, xa con sông, bến nước, xa mồ mả ông bà, tổ tiên đã bao đời gắn bó, bỏ lại lời Then gọi bạn, bỏ lại điệu Páo Dung ân ái trên mảnh nương xưa, bỏ lại lời hẹn thề tạc đá dưới đáy sông này đâu phải là chuyện dễ dàng... Thì đấy, cứ nhìn vào ánh mắt vừa rộn ràng, khấp khởi, lại vừa như bìu díu, bâng khuâng của những người dân đang mưu sinh trên lòng hồ hôm nay khi được hỏi về những ngày xưa ấy, giữa long lanh sơn cước vẫn ít nhiều phảng phất quan san....

Một chút buồn tiếc, cũng phải thôi. Buồn chia ly là một nỗi buồn đẹp của cuộc đời. Để rồi lấn cấn mãi về những thua được mất còn, chợt gặp lại bài thơ mang tên dòng sông của nhà thơ Vũ Từ Trang, vọng về từ ký ức

Sông Gâm

Sông Gâm ngủ quên bên con đường đêm

cây lá xạc xào lòa xòa đổ gió

tôi nghe sông đêm đang hồi hộp thở

thăm thẳm đầu sông một ngọn đèn nhỏ.

Ai có ngược sông giữa mùa bão tố?

đáy sông sóng cuộn lô nhô hà bá

em ta bơ vơ sang sông một mình

vạt áo mỏng manh trái tim bỏ ngỏ.

Sông Gâm thuyền tan bè lao thác đổ

ném cả tuổi xuân rừng xanh núi đỏ

ai ai cũng có con sông trong mình

tôi có dòng sông vừa yêu vừa sợ!

Bài thơ của nhà thơ Vũ Từ Trang là một trong số ít những bài thơ hiếm hoi viết về dòng sông này. Chẳng hiểu sao cái vĩ thanh của nó cứ khiến cho lòng như bị vò, bị xẻ làm đôi…

*

Dãy Pác Tạ hùng vĩ với 99 ngọn núi xếp thành hình vòng cung ngày nào còn là biểu tượng của quyền năng vô biên của tạo hóa, giờ đây bỗng như gần lại; những đường cày của Tài Ngào vẽ lên trời thăm thẳm, giờ như trong tầm với. Đến cả cây cọc buộc trâu của người khổng lồ xưa, giờ cũng đã thành mỏm Cọc Vài xinh xắn giữa dập dìu sóng nước, một bước là đến nơi… Hình như chỉ trong khoảnh khắc của 20 năm qua, con người nơi đây đã không chỉ khuất phục dòng sông huyền thoại để tạo nên một vùng non nước kỳ vĩ trải dài trên 2 con sông thơ mộng của xứ này là sông Năng và sông Gâm, với một hồ nước mênh mông rộng hơn 8.000 héc ta, chứa hơn 2 tỉ m3 nước, nằm giữa một khu rừng đặc dụng có diện tích bảo vệ trên 61.300 héc ta, thuộc địa phận ba tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn và Hà Giang, mà riêng Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình, danh thắng Quốc gia đặc biệt gắn với lòng hồ Thủy điện Na Hang, đã có tổng diện tích trên 21.000 héc ta; mà cũng trong 20 năm đó, con người hôm nay đã góp phần kéo gần gũi lại những huyền thoại xa xăm, chiu chắt lại những giá trị tinh thần bao đời đã góp phần dung dưỡng nên bản sắc rất riêng, rất kỹ, rất ân cần của đất và người xứ Tuyên nói chung, của Na Hang nói riêng…

Ảnh: Minh hoạ
Ảnh: Minh hoạ

Vâng! Na Hang – Ruộng cuối. Thế nhưng từ 20 năm nay, từ mảnh “đất cuối” vốn xa xăm hiu hắt này, bỗng mở ra những cánh cửa, những con đường, những cơ hội mới mẻ, tươi sáng, phong quang. Nếu như ngày xưa người khổng lồ Tài Ngào chỉ có con trâu và chiếc cày để mưu sinh thì ngày nay, người dân Na Hang, Lâm Bình và cả một vùng non nước mênh mông bên dòng sông Gâm, sông Năng huyền thoại, bên cạnh những thửa ruộng, những vạt rừng truyền thống, dường như đã một tay nắm chắc mái chèo, một tay đặt vào chiếc cần vợt để tìm về no ấm, để giàu lên không chỉ từ rừng, từ ruộng, mà còn từ một gia tài vừa được đánh thức, một “Vịnh Hạ Long thơ mộng giữa núi non đại ngàn”…

*

“... Trong xu thế phát triển, Na Hang được tỉnh Tuyên Quang lựa chọn để xây dựng trở thành đô thị loại IV - là đô thị trung tâm của vùng núi phía bắc (bao gồm các huyện: Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên của tỉnh Tuyên Quang) trên cơ sở lấy hồ thủy điện Tuyên Quang, xã Hồng Thái và danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình làm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện và vùng liên huyện, liên tỉnh. Đồng thời, huyện cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là: Xây dựng Danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là trung tâm của du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia và tiến tới thương hiệu quốc tế...”

(Trích phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bí thư huyện ủy, thay mặt Thường trực Huyện ủy Na Hang tại buổi Khai mạc Trại sáng tác Văn học và nghệ thuật Của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang, tháng 9/2022)

Như vậy là cho đến thời điểm này, Tuyên Quang không chỉ còn là “Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến” với những di tích quốc gia đặc biệt là Tân Trào (Sơn Dương) và Kim Bình (Chiêm Hóa) từ lâu đã trở thành những địa danh thân thiết và thiêng liêng trong lịch sử dân tộc, mà Tuyên Quang hôm nay đã có thêm một danh thắng quốc gia đặc biệt, một địa chỉ khơi gợi, một điểm đến hấp dẫn. Đó là Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình với những tiềm năng đang dần thức…

*

Du lịch sinh thái, chiếc mái chèo trong tay người dân Na Hang hôm nay

Con người, văn hóa bản địa và thiên nhiên vốn dĩ là một mối quan hệ gắn bó mật thiết. Cái chân lý muôn thuở ấy từ lâu đã quen thuộc đến trở thành đơn giản, đến nỗi người ta có thể mặc nhiên "quên bẵng" nó đi trong những suy nghĩ hàng ngày. Chính vì vậy mà cho tới hôm nay, có một nghịch lý đang tồn tại như một nguy cơ mà hầu như không mấy ai buồn nhận ra; đó là hiện tượng các mô hình Khu bảo tồn thiên nhiên, Vườn Quốc gia, khu Du lịch sinh thái... đang được hình thành ngày càng nhiều ở hầu hết các tỉnh miến núi trên phạm vi cả nước. Thoạt nghe tưởng là điều đáng mừng, vì có vẻ gì đó như là thiên nhiên đang ngày càng được chăm lo, ưu ái… Nhưng liệu đã bao giờ có ai nghĩ tới điều này chưa nhỉ, rằng khi những khu bảo tồn như vậy mở ra càng nhiều, thì cũng có nghĩa là rừng tự nhiên đang ngày một bé lại, đang ngày một nghèo đi… Cũng giống như khi những trang sách đỏ ngày càng dày thêm, thì cũng đồng nghĩa với việc càng có thêm nhiều loài thú đứng trước nguy cơ tuyệt chủng… Mối quan hệ giữa con người và văn hoá bản địa với thiên nhiên nói trên vì thế cũng đang dần dần có sự thay đổi. Chật chội hơn, căng thẳng hơn, khắt khe hơn, mà không phải giải pháp ứng xử nào cũng đem lại kết quả như mong muốn... Sự phát triển của khoa học kỹ thuật bên cạnh những thành tựu tích cực tất nhiên của nó, thì cũng đi kèm với những hệ lụy mà con người đã ngày càng nhận ra và đang tìm mọi biện pháp để hạn chế. Khái niệm về du lịch sinh thái chỉ mới xuất hiện từ khoảng 30 năm trở lại đây, và là một trong những chỉ số tích cực của xu hướng này

Định nghĩa: “Du lịch sinh thái là loại hình du lịch diễn ra trong các vùng có hệ sinh thái tự nhiên còn bảo tồn khá tốt nhằm mục tiêu nghiên cứu, chiêm ngưỡng, thưởng thức phong cảnh, động thực vật cũng như các giá trị văn hoá hiện hữu”. Đối chiếu với những tiêu chí đó, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình, mà đặc biệt là lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, hiện đang là một địa chỉ, một hành trình hội tụ đầy đủ những yếu tố làm nên một quần thể du lịch sinh thái không chỉ ở tầm cỡ quốc gia mà ít nơi có được…

Du lịch sinh thái trên hồ thuỷ điện Na Hang
Du lịch sinh thái trên hồ thuỷ điện Na Hang. Ảnh: Internet

Thì đấy, chỉ mấy tiếng đồng hồ ngao du sơn thủy trên chiếc du thuyền dọc hồ thuỷ điện, mắt ngắm no nê cảnh non nước hữu tình với những cánh rừng nguyên sinh ngút ngát; lồng ngực căng đầy làn gió mát rượi, trong lành không một chút bụi bẩn, thứ “của hiếm” đối với người thành phố vào thời buổi này; tai được nghe những câu chuyện, những truyền thuyết, sự tích về từng mỏm núi, con thác, thậm chí là một giống chim, một loài hoa… Những câu chuyện không hẳn là lạ lẫm, cũng không đơn thuần chỉ là một sự lý giải, mà quan trọng hơn, nó đầy khơi gợi lòng hướng thiện đến trong veo… Tất cả khiến cho sự chan hòa, thân thiện ùa về, đến mức người xa lạ ngồi bên mà bỗng thành tri kỷ… Rồi bữa cơm đạm bạc mà đầy tin cậy, với những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc từ rừng từ suối, những món cá đặc sản của vùng hồ. Đặc biệt là chén rượu ngô men lá mang “thương hiệu” Na Hang đã từ lâu nổi tiếng khắp vùng, thứ rượu uống bao nhiêu cũng chỉ lâng lâng mà không say không tục, cái lâng lâng đủ để chỉ chấp nhận, chỉ thu nạp vào mình những thân thiện, hồ hởi, chân thành…

À. Thì ra “sinh thái” là vậy. Sinh thái không chỉ là những nguyên sơ trầm tích đến từ bên ngoài, mà sinh thái còn là những hồn nhiên trong trẻo thức dậy từ bên trong…

Nghề nuôi cá lồng, chiếc cần vợt để tìm về no ấm

Nếu như dung tích hơn 2 tỷ mét khối nước của hồ thủy điện Tuyên Quang có thể xem là nguồn năng lượng để làm ra sản lượng điện 1,295 tỷ kwh trung bình hằng năm của nhà máy điện; là năng lực điều tiết nước và phòng chống lũ cho thị xã Tuyên Quang và cả khu vực đồng bằng sông Hồng; là trầm tích của một nền văn hóa đa dạng, chiếc chìa khóa khơi gợi về một cánh cửa đang mở ra cho mái chèo du lịch thân thiện; thì với diện tích hơn 8.000 héc ta mặt nước, hồ thủy điện Tuyên Quang thực sự đang là điều kiện lý tưởng để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là những loài cá đặc sản của vùng núi phía Bắc.

Lui lại khoảng thời gian cách nay 20 năm về trước, khi những tráng niên sức vóc của trời nước Na Hang hôm nay vẫn còn đang là những tinh túy của núi của rừng, trên dòng sông Gâm, sông Năng đầy huyền thoại khi ấy đã từng có những chiếc thuyền câu lầm lụi ngược xuôi để đánh bắt những loài cá “đặc sản”. Gọi là đặc sản bởi cũng giống như con người, những loài cá sống ở chốn “sơn cùng thủy tận”, địa hình hẻo lánh, hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt này, ngay sự tồn tại của chúng cũng đã trở thành những huyền thoại ly kỳ, hấp dẫn. Sông Gâm cũng vậy, con sông nước xiết, nhiều thác ghềnh và nguy hiểm nổi tiếng, nhưng lại là nơi trú ngụ thích hợp của “ngũ quý hà thủy” - 5 loại cá quý miền hoang dã, là cá anh vũ, cá dầm xanh, cá chiên, cá lăng, cá bỗng... Trong đó đặc biệt có cá chiên, loài cá hung dữ, to lớn sống ở vùng nước xiết, chuyên đằm mình trong những hang hốc dưới đáy sông, vẫn thường được bà con mệnh danh là “thủy quái”. Với hình thù giống như một con “quái vật”, đầu nham nhở như một khúc gỗ mục, bèn bẹt, đen sẫm và cứng như đá, toàn thân trơn nhẵn không vảy, nhưng xù xì, loang lổ, có con nặng tới 70-80kg, từng được miêu tả như những “quả bom tấn” chìm dưới đáy sông... Chỉ sơ sơ như vậy đã thấy cái “quý” của giống “hà thủy” này không chỉ ở cái ngon, cái lạ, cái hiếm… mà còn “quý” ở chỗ mỗi con cá cũng là cả một cuộc đời như núi, như rừng, như sông, như suối, như cả tên gọi của dòng sông “vừa yêu vừa sợ”, mà mỗi chòng chành của con thuyền đang dặt dìu trên sóng bỗng nghe rờn rợn dọc sống lưng…

Người ta kể, bản tính loài cá chiên vốn dữ dằn và hung ác, bình thường bắt đã rất khó, đến khi bị dính câu, chúng càng trở nên hung dữ, liều lĩnh, thậm chí sẵn sàng đâm vào bè, mảng và người để thoát thân, không khác gì loài mãnh thú lúc cùng đường. Chính vì vậy mà những người đi săn “thuỷ quái” cũng phải có sức khỏe và lòng can đảm mới mong sống được với nghề. Và cũng chính vì vậy mà trước đây, việc đánh bắt cá chiên vừa là một nghề kiếm sống, nhưng cũng là một nỗi kinh hoàng bởi luôn phải đối mặt với “sinh nghề tử nghiệp” của dân chài lưới trên sông...

Thế nhưng chuyện về loài “thuỷ quái” sông Gâm có lẽ giờ chỉ còn thấp thoáng đâu đó mãi tận vùng Bắc Mê - Hà Giang, hay Nho Quế - Cao Bằng. Ở vùng Na Hang, Lâm Bình, nơi giao duyên của 2 con sông hoang dã, sau khi công trình thủy điện Tuyên Quang hoàn thành đã tạo ra lòng hồ Na Hang đón nước từ những con suối bắt nguồn từ rừng nguyên sinh tụ về, cùng nguồn thức ăn màu mỡ cho các loài thủy sản, là điều kiện lý tưởng cho nhiều loài cá sinh sống. Bên cạnh những loại cá thuộc “ngũ quý hà thủy”, người ta còn nuôi thêm các loại cá ao hồ như cá trắm, chép, trôi, mè, rô phi… Những “cư dân” mới của sông Gâm này nhanh chóng “an cư”. Cho đến nay, người ta đã đánh bắt được những con cá trắm, mè nặng đến 20-30 kg trên lòng hồ thủy điện… Cũng từ đó, cuộc sóng của người dân ở miền non cao này đã dần dần có sự chuyển đổi. Từ những người trước kia chủ yếu làm nương rẫy, chăn nuôi đại gia súc, khai thác rừng… những người dân nơi đây dần dần trở thanh những “ngư dân trên núi” thực thụ. Bắt đầu từ việc làm quen với sông nước, biết được tên các loài cá, thói quen kiếm ăn và phương thức đánh bắt, rồi đến nuôi trồng, lập công ty, liên doanh liên kết… là cả một chặng đường dài. Và cũng là một sự trưởng thành… Được sự ủng hộ, khuyến khích của huyện Na Hang, ngày càng có nhiều hộ dân quanh vùng hồ đã triển khai mô hình nuôi cá lồng để tận dụng diện tích mặt hồ vùng ven bờ, tăng nguồn thu nhập từ phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo nên một nguồn kinh tế thủy sản thực sự từ mảnh đất “ruộng cuối” thuở nào....

Với sự vào cuộc sâu sát và đồng bộ của cả hệ thống chính trị ở địa phương, nghề nuôi cá lồng ở Na Hang, Lâm Bình hiện nay đang thực sự có những bước chuyển mình rõ rệt từ xóa đói giảm nghèo sang làm giàu bền vững…

*

Buổi liên hoan tại Văn phòng huyện ủy Na Hang hôm ấy, sau những chén rượu ngô “uống bao nhiêu cũng chỉ lâng lâng mà không say không tục, cái lâng lâng đủ để chỉ chấp nhận, chỉ thu nạp vào mình những thân thiện, hồ hởi, chân thành…”, anh Nguyễn Văn Hữu, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy, người cùng tuổi, sau khi ghi số điện thoại, bảo: “Tôi ghi là Bạn Tùng nhé”. Với người Tày, khi đã gọi nhau là bạn Tùng có nghĩa là đã tin lắm, yêu lắm… Xong Hữu bảo: “Khi nào rảnh, bạn cứ về đây, tôi sẽ dẫn bạn đến những nơi hay lắm, thú lắm, bạn tha hồ mà viết…”. Rồi Hữu kể cách đây chưa lâu, Hữu dẫn Đoàn công tác của Hội nhà báo Tuyên Quang đến thăm mô hình nuôi cá dưới lòng hồ thủy điện. Theo Hữu thì đây là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất khu vực Việt Bắc… Chuyến đi đó, đoàn có đến thăm trang trại Thường Mai, một trong những cơ sở nuôi cá đặc sản ở đây, như cá lăng, cá trắm đen, cá sộp... Mỗi loại cá được nuôi riêng trong những chiếc lồng bè. Với cá trắm đen, mỗi lồng chừng 300 con, nhỏ thì khoảng 20 kg, lớn được 30 kg mỗi con. Lồng cá sộp thì con nhỏ là 2 kg, con to khoảng 3 kg. Đến chuồng cá lăng thì đặc sịt, nhiều vô kể... Hữu bảo: Đi qua lồng cá lăng khùa tay xuống nước định rửa tay, bỗng cả ngàn con cá nhao tới nhảy bổ lên quẫy bồm bỗm tạo cho một vùng nước đặc quánh toàn cá...

Trang trại Thường Mai có 2 công nhân là Triệu Xuân Trường - tổ trưởng, và Hoàng Văn Thực - công nhân hợp đồng. Triệu Xuân Trường thì đã làm việc lâu năm ở Công ty với mức lương 8 triệu đồng/tháng, còn Hoàng Văn Thực mới vào thử việc được vài tháng, hưởng mức lương 5 triệu đồng/tháng. Hai anh em đều là người Nà Hang, thuộc diện gia đình di dân lòng hồ. Khi xây dựng nhà máy thủy điện, đất nhà của họ đã chìm dưới lòng hồ, gia đình phải di dời về địa bàn khác. Trước đây hàng tháng, hai anh em vẫn thay phiên nhau về thăm gia đình. Từ khi có trang trại nuôi cá này, cả hai đều được tuyển dụng vào làm công nhân và giao nhiệm vụ chăm sóc đàn cá… Triệu Xuân Trường cho biết: “Hiện trang trại của Công ty Thường Mai có tổng số 70 lồng cá, chủ yếu là cá trắm đen, cá lăng, cá sộp... Bình quân mỗi đợt xuất bán từ 50 tấn, chủ yếu cung cấp cho các thị trường ở Nà Hang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nội…”

Nuôi cá lồng trên hồ thủy điện có nhiều ưu điểm, như sẵn nguồn thức ăn, dễ chăm sóc, nuôi được mật độ cao, nhiều chủng loại, nhất là những loại cá đặc sản... Bên cạnh đó, môi trường ít bị ô nhiễm, nguồn nước ở đây chảy ra từ các con suối trên rừng nguyên sinh, nơi chưa có bất kỳ nhà máy, xí nghiệp, mỏ khai khoáng nào ở gần nên rất sạch, cũng là những điều kiện thuận lợi để cá lồng sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng thịt ngon, được người tiêu dùng ưa thích… Hiện nay, ngoài Công ty TNHH Thường Mai mà Hữu vừa kể, trên hồ thủy điện Nà Hang còn có hàng trăm Công ty và hộ gia đình đang phát triển nghề nuôi cá lồng, trong đó có những doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH MTV thủy sản Nhật Nam, đơn vị thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2014. Với tổng số 40 lồng cá, chủ yếu là các loại cá đặc sản, trung bình mỗi năm, công ty Nhật Nam cung cấp ra thị trường khoảng 80 tấn cá; hay những mô hình mang tính tìm tòi như mô hình của Công ty TNHH Thủy sản Đức Nguyên, với chương trình liên kết sản xuất, tiêu thụ cá đặc sản với các hộ nuôi cá trong khu vực… Những ví dụ ấy giống như những ngón tay đang dần xiết lại trong tay nhau, xiết lại trên chiếc cần vợt để tìm về no ấm của người dân xứ này

Tiềm năng thì lớn, hướng đi cũng đã rõ ràng, quyết tâm không thiếu. Tuy nhiên cũng như ở nhiều nơi, hay với nhiều ngành sản xuất khác, việc nuôi cá lồng ở Na Hang, Lâm Bình hiện nay vẫn còn gặp khó khăn ở khâu đầu ra chưa ổn định. Ngoài một số ít các doanh nghiệp, HTX, hộ chăn nuôi thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm; thì phần lớn chỉ bán cho các thương lái vùng xuôi và các nhà hàng trên địa bàn tỉnh… Để nghề nuôi cá lồng của người dân Na Hang, Lâm Bình thực sự mang lại hiệu quả, ngay từ năm 2019, tỉnh Tuyên Quang đã xây “Đề án phát triển thủy sản tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2019-2025”, trong đó xác định hàng loạt các giải pháp đồng bộ cả từ phía người nuôi trồng đến các ban, ngành chức năng, để hướng đến mục phấn đấu đến năm 2025, phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng đặc sản trở thành ngành kinh tế hàng hóa quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh; phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9.714 tấn, trong đó, cá đặc sản đạt hơn 1.100 tấn. Đề án, cũng là quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh, thực sự không phải chỉ là một cái đích để đạt tới, mà chính là con đường mà người ta đang đi…

Đã quá trưa, chiếc du thuyền đã vòng qua ngọn Cọc Vài để quay đầu về bến. Ngồi trên thuyền đắm mình trong cảnh thiên nhiên sông nước, hòa quện bồng bềnh với cảnh sắc mây trời, lâng lâng trong men rượu nồng nàn. Mặt nước xanh như một tấm gương mà 99 ngọn núi điệp điệp, trùng trùng đan cài bên nhau, mỗi ngọn núi tự tạo cho mình một dáng dấp riêng, nhưng tất cả cùng in lên mặt nước một màu xanh hòa lẫn với màu thăm thẳm của nước. Phía đuôi tàu, sóng cuộn lên thành một đường xoáy tròn xoăn tít tung bọt trắng xóa như hình đuôi của con chim Phượng Hoàng đang chao lượn dưới mặt hồ mênh mông cất tiếng gọi bầy…

*

Không phải cho đến bây giờ mà ngay từ 20 năm trước, khi những tiếng nổ đầu tiên đánh dấu thời khắc dòng sông Gâm với những thuyền tan bè lao thác đổ cúi đầu quy thuận con người, để trở thành một dòng sông vừa yêu vừa sợ nơi ngã ba huyền thoại này, người ta cũng đã có thể phần nào hình dung ra một Na Hang, Lâm Bình, Tuyên Quang vào thời điểm hôm nay, khi Nhà máy thuỷ điện Tuyên Quang sừng sững vươn mình, góp thêm vào cái bao la, hùng vĩ của núi rừng một công trình kỳ vĩ do bàn tay và khối óc con người tạo nên. Khi đó, chắc hẳn trong bức tranh thuỷ mặc mà thiên nhiên và con người vừa cùng nhau chấm nên những nét vẽ cuối cùng ở nơi đây, sẽ không thể thiếu được một màu trắng tinh khiết của những bông hoa nước đang nở oà lộng lẫy khắp trời, và đằng sau đó là thấp thoáng những đủ đầy, no ấm... Khung cảnh hoan lạc đó cho đến nay đã thành hiện thực. Một diện mạo, một không khí, một sức vóc mới mẻ, sáng choang khiến người ở xa mới đến lần đầu mà vẫn thấy có vẻ gì đó quen quen như đang dừng chân một nơi phố thị nào đó trong vô vàn những phố thị mình đã từng qua... Vậy thì có lý do gì để dừng lại, có lý do gì để không tiến về phía trước. Gia sản của Tài Ngào giờ đã trở nên bé nhỏ trước trời nước mênh mông. Người Na Hang giờ đây đã thực sự tự tin vượt lên với mái chèo và cây vợt để làm chủ nguồn tài nguyên vô giá mà sông Gâm đã dành cho họ dưới chân Pác Tạ. Chỉ đây đó thấp thoáng giữa những khoảng rừng xanh còn nấn ná là điểm xuyết bóng những chiếc áo chàm thoang thoảng, ấy là một chút dấu ấn bâng khuâng của hôm qua...

Trước khi rời thuyền, nhìn xuống mặt hồ thăm thẳm, chợt nhớ đến câu chuyện vừa nghe. Chuyện rằng phong tục của người lòng hồ, nếu như nam nữ yêu nhau, hãy cùng nói một lời thề vào miếng ngải rồi thả xuống dòng sông. Điều ấy sẽ giúp họ giữ mãi được tình yêu cho đến tận tuổi chiều… Rồi chợt nghĩ, giờ đây, dưới đáy nước này, chẳng biết đã có bao nhiêu miếng ngải ngủ yên như những tình yêu bền bỉ… 20 năm trước, những người yêu nhau chỉ cần đặt miếng ngải xuống ngay dưới chân mình. Và sông Gâm đã gìn giữ lời yêu thương ấy đến tận muôn đời...

Thời gian không dừng lại, dòng sông cũng không dừng lại. Những hoa ban, hoa đào, hoa mận lại bắt đầu chúm chím soi mình xuống dòng sông báo hiệu một mùa xuân đang đến. Văng vẳng bên tai giai điệu vồn vã, nồng nhiệt của bài hát Tâm tình cô gái Nà Hang của nhạc sỹ Lê Việt Hòa mà mấy hôm nay luôn vương vấn: “Ai lên Tuyên Quang, ngược vòng cung Lô Gâm tới Na Hang quê em... phượng hoàng đã về đây, em mong anh về đây anh ơi... thương anh như chín mươi chín ngọn núi, nhớ anh như núi Pác Tạ anh ơi...”. Phải rồi, xứ Tuyên không phải chỉ là miền gái đẹp, mà còn là nơi nồng ấm của tình người. Cái nồng ấm không phải chỉ để mời gọi người ta đến, mà còn là cái nồng ấm để níu chân, để hẹn ngày trở lại

Xa xa, ở phía thượng nguồn, hình như vừa vọng về tiếng gọi Ái au....

-------

Bài viết cùng chuyên mục:

Để trở thành tiếng gọi của non sông Tiếng gọi đêm cuối năm. Truyện ngắn dự thi của Bùi Thị Như Lan Bất chợt mai vàng: Tiếng gọi của lương tri Tiếng gọi khẩn thiết từ một hang đá Đò ơi - Tiếng gọi từ tâm thức
Việt Nam mong muốn đóng góp vì sự phát triển bền vững trong không gian Pháp ngữ

Việt Nam mong muốn đóng góp vì sự phát triển bền vững trong không gian Pháp ngữ

Baovannghe.vn - Sáng 4/10, tại Paris, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp ngữ về đổi mới, sáng tạo (FrancoTech).
Hội thảo khoa học quốc tế “Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ”

Hội thảo khoa học quốc tế “Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ”

Baovannghe,vn - Sáng 4/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp với Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với tên gọi “Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ”
Đọc truyện: Hương xưa. Truyện ngắn dự thi của Hiệu Constant

Đọc truyện: Hương xưa. Truyện ngắn dự thi của Hiệu Constant

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Mưa bão năm Nhâm Thìn. Truyện ký của Nguyễn Văn Niên - Nguyễn Tri Nha

Mưa bão năm Nhâm Thìn. Truyện ký của Nguyễn Văn Niên - Nguyễn Tri Nha

Baovannghe.vn - Tính vậy mà không được vậy… Mới đặt tấm vạt tre đã thấy nước xâm xấp rồi. Lại ngồi dậy, lại chuyển… Riết chuyển 4-5 đám chân ruộng cao hơn mà nước vẫn dâng theo
Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Baovannghe.vn - Cả một đồi cây sau làng là thế giới của các loài chim, nhiều lắm, chúng bay thành từng nhóm, từng bầy, có khi từng đôi, cũng có khi riêng lẻ…