Tiếng rao đêm Hội An, những gì của phố cổ còn nằm ngang ngổn trong đầu tự dưng lần lượt hiện ra trước mắt tôi. Trong một đêm, tôi theo bạn bè thuê thuyền ra Cửa Đại, lúc trở về thả bước lang thang các phố, tiếng rao hàng từ xa vọng lại cứ kéo chúng tôi đuổi theo từng mảng đời in bóng dưới ánh đèn đêm. Những con người nai lưng ra kiếm sống cứ theo từng bước chân buông bóng dài ra rồi từ từ thu ngắn lại. Đọc bài của anh, tôi hiểu thêm về những bóng người không tên tôi đã từng gặp mặt; Một anh trò nghèo, một ông già Tàu hơn 60 năm kĩu kịt gánh chè Xíu Mà giữ trọn cái nghiệp... Tôi đã yêu phố cổ Hội An rồi nhưng đọc xong bài báo, tôi càng yêu thêm nơi chỉ dừng chân có một ngày. Đêm nay Đài truyền hình trung ương phát bộ phim Chuyện tình Phố Hội, tôi bỏ một vài cuộc hẹn, ngồi chờ xem phim cho thỏa nỗi nhớ mong nhưng tiếc thay trong phần giới thiệu chương trình, phát thanh viên lại thông báo nhà đài hoãn trình chiếu bộ phim đó. Tôi rất thông cảm với anh "cứ tiếc mãi tại sao không có một nhà dân tộc học hay nhà ngôn ngữ học đi tìm hiểu những con người với những tiếng rao đêm”. Không phải chưa ai làm điều anh đang trông ngóng đâu.
Ngày tôi còn học ở Trường thành chung Lê Lợi (Hải Phòng) - có lẽ cách đây chừng 53 năm tôi có đọc một bài báo của ông Parmen-tier, sĩ quan quân nhạc của Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 4 (4 RIC) đã viết về những tiếng rao đêm đó. Ông Pamentier còn là người viết nhạc cho một số bài hát lớp học sinh chúng tôi vẫn đồng ca trong những năm cuối cùng của đời học sinh và trong những ngày cầm súng đi đánh thực dân Pháp, khi gặp nhau lũ học sinh chúng tôi vẫn ngâm nga:
...Trưa hè trong quán tre
Dừng chân nằm trên chõng tre thưa
Ngay trước lều lá tre la đà sẽ lay đưa
Ru tấc lòng khách tha hương dầm nắng mưa
(Bài hát Cây Tre)
Ông Parmentier viết bài báo khá công phu, chắc trong những đêm mất ngủ, ông đã ghi lại từng tiếng rao lạc lõng trong khoảng trời thanh vắng. Bài báo viết bằng tiếng Pháp nhưng những lời rao ông lại viết tiếng Việt: Lạp sường lồ mãi phàn (xôi lạp xường), thống chế ì chê, cà lố mì chế (mía hấp), bỏng bắp bỏng cốm, cháo gà, lục tầu xá (chè đỗ xanh),... rồi dịch sang tiếng Pháp và - điều này mới đặc sắc ông còn ghi từng tiếng rao đêm theo ký âm Pháp minh họa cho bài báo. Chắc chắn công trình sưu tầm công phu của ông sĩ quan quân nhạc này đã bị thiêu hủy trong cuộc bể dâu rồi nên chẳng mấy ai nhớ đến nữa. Sau này nếu có ông bà nhạc sĩ nào đi ghi lại những tiếng rao đêm sẽ được các nhà báo ghi công đầu trong việc sưu tầm văn hóa dân gian. Chuyện này thôi không nói nữa.
Anh đang lo nay mai phố cổ Hội An sẽ trở thành một điểm văn hóa hấp dẫn khách du lịch, không biết chúng ta có giữ lại được tiếng rao đêm không? Tôi không dám chắc là chúng ta sẽ giữ được tiếng rao đêm vì bây giờ đi lễ Chùa Hương, đi lễ Đền Bà Chúa Kho, người ta đã đội mâm trên đầy ắp bia Heineken, Tiger, thuốc lá 555 và từng tập tiền đôla made in Ngân hàng địa phủ. Trong nhà người ta đã cúng cụ mâm ngũ quả bằng chất dẻo, thắp hương và đọc lời khấn bằng radio-cassette.
Bây giờ mọi thứ đều quy ra thóc hết cả rồi. Nếu một đêm nào đó, "cụ" Trần Kỳ Trung không ngủ được lục xục dậy uống nước không nghe thấy tiếng rao đêm ở phố cổ Hội An xin “cụ” đừng buồn.
Chúc anh viết không mỏi tay và gia đình làm ăn ngày càng tấn tới.
Tha thiết hy vọng sẽ có một ngày về Hội An, hai chúng ta cùng bá vai nhau lang thang khắp phố cổ mà nghe tiếng rao đêm Hội An.
Thương nhớ.
----------
Bài viết cùng chuyên mục: