Sáng tác

Tôi nhớ cô Bình. Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Tiến

Nguyễn Vĩnh Tiến
Truyện
11:00 | 10/10/2024
Baovannghe.vn - Cô Bình là người họ hàng xa với tôi. Xa đến nỗi tôi còn mong được lấy cô làm vợ. Nhà cô Bình ở xóm trên, nhà tôi ở xóm dưới.
aa
Tôi nhớ cô Bình. Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Tiến
Tôi nhớ cô Bình - truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Tiến

Thỉnh thoảng tôi đi chặt gỗ, có qua xóm trên. Có lần mệt quá tôi nằm phơi bụng giữa đỉnh đồi. Cô Bình đi qua, xấu hổ, rẽ lối khác. Tôi nhỏm dậy, gọi theo nhưng lưỡi díu lại. Về sau gặp tôi, cô Bình mặt vẫn đỏ nhừ. Tôi gọi mấy đứa trẻ xóm trên, bày cho chúng hát rằng:

Nắng to, nằm ngửa

Nghe núi đồi cười

Người nhìn ra người

Sao còn đỏ mặt

Chuyện gì vụn vặt

Đất đá biết rồi

Người đã gặp người

Sao còn xa xôi...

Chuyện đó, lời đó bay đến tai cô Bình. Cho đến nay, tôi chưa hề biết thái độ của cô ra sao, chỉ nhớ rằng đồ Sâm - cha đẻ cô Bình gọi tôi đến, mắng rằng: "Lá rụng thì rơi xuống đất, gió hất thì lá bay lên chứ chẳng khi nào lá cành dưới nằm sấp lên lá cành trên. Đúng ra mày phải gọi con Bình bằng cô." Tôi trở về nhà, buồn bã lắm. Dạo đó, gặp cô Bình khi trên đường, khi trên nương sắn, khi giữa chợ phiên, tôi toàn thấy nắng là nắng, tôi còn thấy cái bụng của tôi phơi giữa đỉnh đồi như thế nào. Thu qua rồi đông đến. Tôi vẫn cởi trần đi đốn gỗ qua xóm trên. Đường qua xóm trên cỏ mọc dày hơn. Bọn trẻ chăn trâu chuyển qua hát những bài hát khác nhưng tôi chẳng quan tâm. Dưới thung lũng có nhiều cây lớn, lá rụng xuống, khô đét và trôi một cách khó khăn trên những khe nước nhỏ. Chiều về tôi thường đi men theo khe nước đó. Thấy nó chảy mà không phát tiếng, hình như con nước này đến sông vẫn vậy. Bất giác nhớ đến những thác nước, nhớ đến sự đục khoét rồi lại bồi đắp của những dòng sông mà tôi phá lên cười. Đi bên khe nước đó, tôi bị thụt chân nhưng thường rút chân lên một cách bình thản mà trong đầu không hoài công rút ra một cái gì cả. Có lần, tôi ra đến sông. Trời tối mịt, những bãi cát trắng cũng trở nên đen ngòm. Trăng và sao có tác dụng rất lớn để tôi khi ngoái lại vẫn nhìn thấy rõ quang cảnh xóm trên, xóm dưới và những dãy đồi nhu nhú lên khỏi mảng màu xanh sậm đó. Rừng - lắm lúc cũng đem lại nhiều nhàm chán. Nhiều đêm, nằm với thằng em trong nhà chứa gỗ mà tôi cứ chồm chổ muốn về với những khe nước rậm rạp ở xóm trên. Tôi chán ông em vì hắn lầm lì. Hắn tên là Khảm, kém tôi sáu tuổi. Có lần, không ngủ được tôi gặng hỏi hắn: "Này, mày để ý đến con nào chưa?" Hắn im lặng một lúc rồi văng ra một câu: "Con khỉ!" Phát ngán. Thứ cục súc như hắn có lẽ suốt đời chỉ cần chặt gỗ rồi trông gỗ. Nói như vậy nhưng tôi thương hắn. Hắn chẳng được học như tôi. Gia đình ép, hắn vùng vằng. Bố tôi bảo: "Có chữ rồi, muốn làm gì thì làm." Tôi lẳng lặng ra sau nhà, hướng mặt lên xóm trên, lại đưa mắt nhìn những cây lớn có khe nước nhỏ chảy phía dưới. Thằng Khảm lầm lì, ấy mà được việc. Hôm thằng Tấn sẹo kéo đàn em đến bới móc chuyện cũ với bố tôi. Thằng Khảm ngồi thừ ở góc nhà. Bố tôi rót rượu, uống một mình rồi hỏi, mắt không rời khỏi miệng con sư tử bằng gỗ được chạm rất khéo léo giữa điện thờ: "Giờ định làm." Thằng Tấn nói: "Những chuyện cũ không hay, giờ đem ra mà gọt lại."

Bố tôi hỏi: "Cầm chuôi gọt hay cầm lưỡi gọt?" Thằng Tấn trả lời: "Cầm chuôi." Bố tôi hỏi: "Thế mấy thằng kia có biết cầm chuôi không?" Tấn không đáp. Khảm đứng lên quát: "Kéo thêm bọn đó làm gì?” Bố tôi quát "Thôi!" Tấn cười, bấy giờ mới ngồi xuống ghế bảo bố tôi "Anh rót cho em chén nước." Sau đó đưa chén nước cho Khảm. Nước không sánh ra ngoài mà tay vẫn ướt. Về sau, Tấn tìm gặp Khảm nhưng Khảm vẫn thích ở nhà, rồi vào rừng đốn gỗ, rồi trông gỗ, hơn là đi đâu đó. Tôi thấy Khảm có mỗi điều ấy đáng phục. Năm sau, cô Bình lấy chồng người thành phố, tên là Thụ. Hôm cưới cô, vợ chồng đô Sâm xuống tận nhà tôi mời. Cả nhà tôi đi, trừ thằng Khảm. Nó bỏ vào nhà chứa gỗ trong rừng. Không hiểu sao, tôi lại nhận lời với cô Bình rằng nhất định tôi sẽ đến. Giờ đón dâu, cô Bình với Thụ trông thật đẹp đôi, cả xóm trên và xóm dưới đều bảo nhau thế. Lúc đốt pháo xong, bọn trẻ con không xúm vào tìm pháo xịt mà tự dưng lại đọc: “Nắng to nằm ngửa. Nghe núi đỗi cười. Người ra nhìn người. Sao còn đỏ mặt. Chuyện gì vụn vặt Đất đá biết rồi. Người nhìn ra người. Sao còn xa xôi...” Cô Bình tái mặt, nhưng khi thấy tôi cười mặt lại đỏ bừng. Trông cô đẹp gần bằng ngày xưa.

Tháng sau, Thụ đưa cô Bình về chơi xóm trên. Tôi ở rừng về, trần trùng trục, đang chuẩn bị lần xuống khe nước thì nghe tiếng Thụ: "Này, anh gì ơi!" Tôi đáp: "Tôi tên Ngạn." "À anh Ngạn - Thụ vuốt lại mái tóc vừa đổ sập xuống mặt - Làng quê ta dẹp thật." Tôi gật đầu "Ừ đẹp." Thụ bảo "Anh có thể đưa tôi đi đâu đó được không? Nhà tôi thỉnh thoảng vẫn nhắc đến anh đấy!" Tôi nói "Thế à?” Thụ chỉ tay "Phía rừng kia chắc thú vị, ở thành phố nhiều bụi bặm, cuối cùng con người lại trở về với thiên nhiên hoang dã phải không anh Ngạn?" Tôi đáp "Phải." Thụ hỏi tôi "Chắc anh vừa ở rừng về?" Tôi đáp: "Nếu anh thích, tôi sẽ đưa anh vào rừng chơi." Thụ cười: "Nếu vậy thì tuyệt vời, tôi hiểu, anh sống trong khung cảnh này chắc sẽ rất nhạy cảm..." Tôi thấy những câu nói của Thụ bắt đầu giống những lớp vỏ cây già sắp sửa tách khỏi thân cây. "Sống với cô Bình anh có hạnh phúc không?" Tôi bỗng hỏi một cách ngu ngốc. "Có chứ - Thụ đáp - Nhưng người đàn bà thì mấy ai khác ai." Tôi định nói câu gì nhưng im lặng. Tôi nhớ đến những khe nước nhỏ của tôi. Ước gì ngay bây giờ tôi được đi men theo dòng nước đó và ra đến bờ sông. Ba năm sau, tôi chuyển sang nghề đánh cá. Một hôm, thằng Khảm ở rừng về rồi buông một câu cộc lốc "Cô Bình chết rồi!" Tôi giật mình, gặng hỏi: "Thế nào?" Khảm nói thêm câu nữa: "Mai mới chôn, đưa trên thành phố về." Tôi hộc tốc chạy sang xóm trên, nghe thấy mấy bà đi trên đường chép mộng "Khổ cho nó, khổ cả đời con gái lấy được ông chồng tử tế mà lại mắc bệnh mà đi!" Tiếng bà khác "Ừ, cái Bình khổ thật, nhưng chắc gì ông chồng đã tử tế... ôi chao, đời con gái." Tôi quay về, mò xuống phía thung lũng hết ầm lên: "Khổ là thế nào? Sướng đâdy chứ. Nhưng sướng chưa?" Đám tang cô Bình buồn tẻ. Tôi đứng trên đỉnh đồi xóm trên nhìn theo đám rước. Nắng to quá chắc cô Bình sẽ nhanh chóng rữa ra mà về với đất. Tôi nhìn xuống chỗ tôi nằm phơi bụng ngày trước tưởng cô Bình rẽ lối khác nhưng không phải. Cô Bình đang đi theo khe nước nhỏ có rất nhiều lá khô đang ướt trở lại. Bấy lâu tôi là nghề đánh cá, tôi sợ rằng khi trở lại khi nước đó sẽ nhìn thấy cá đang bơi. Mà tại sao, cùng đã lâu tôi không về với thung lũng có những cây đại thụ đó. Bấy giờ tôi về, không biết cô Bình đã đi đến bờ sông chưa?

Tôi nhớ cô Bình. Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Tiến
Spring Landscape của Konstantin Somov.

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Canh chua. Truyện ngắn dự thi của Ryan Phạm Đọc truyện: Dưới đế giày sũng nước. Truyện ngắn của Thu Trân Đọc truyện: Mặt nạ. Truyện ngắn dự thi của Trần Ngọc Mỹ Đọc truyện: Kỷ vật. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Anh Tuấn Đọc truyện: Hương xưa. Truyện ngắn dự thi của Hiệu Constant
văn nghệ trẻ, số 32/1997
The Vienna Concert - Trái tim âm nhạc cổ điển châu Âu đập rộn ràng tại Hà Nội

The Vienna Concert - Trái tim âm nhạc cổ điển châu Âu đập rộn ràng tại Hà Nội

Baovannghe.vn - Hai đêm diễn Hòa nhạc Vienna - The Vienna Concert, thuộc chuỗi Musical Seasons 2024-2025, đã chính thức khép lại vào tối 24/11/2024 tại Nhà hát Hồ Gươm, để lại những dư âm không thể nào quên trong lòng khán giả Thủ đô.
Đeo lại xà tích - Thơ Trần Đức Tín

Đeo lại xà tích - Thơ Trần Đức Tín

Baovannghe.vn- Em đã về rồi phải không/ hãy đến đây ngồi xuống bên cọn nước
50 năm Văn học Đà Nẵng: Nhìn lại để vươn tới đỉnh cao

50 năm Văn học Đà Nẵng: Nhìn lại để vươn tới đỉnh cao

Baovannghe.vn - Với sự kế thừa một truyền thống Văn học quý giá và với những tiềm năng, những triển vọng đã và đang có, các Nhà văn Đà Nẵng và Hội Nhà văn TP Đà Nẵng sẽ có một bước phát triển mới, có bước bứt phá để vươn đến đỉnh cao
Tiếng thơ của hai cha con Chế Lan Viên, Phan Thị Vàng Anh

Tiếng thơ của hai cha con Chế Lan Viên, Phan Thị Vàng Anh

Baovannghe.vn - Bộ sách giáo khoa của nhóm Cánh Diều có tác phẩm của hai cha con đặc biệt. Đó là quyển Ngữ văn 11, tập 2 có trích bài thơ Tình ca ban mai của Chế Lan Viên (1920-1989); còn ở Tiếng Việt 2, tập 1 có trích bài thơ Mèo con đi học của Phan Thị Vàng Anh (sinh 1968).
Mưa trong mắt mẹ - Thơ Trần Đức Tín

Mưa trong mắt mẹ - Thơ Trần Đức Tín

Baovannghe.vn- Phố phường mưa lạnh mềm áo bụi/ bao mùa rồi chúng con vẫn ra đi