Sự kiện & Bình luận

Trông trăng cùng trẻ

Tống Ngọc Hân
Tiếng nói nhà văn
07:00 | 14/09/2024
Baovannghe.vn - Trung Thu là ngày hội của trẻ em theo phong tục cổ truyền, tổ chức vào Rằm tháng Tám âm lịch. Vào ngày ấy, ở nông thôn cũng như thành thị đâu đâu cũng rộn ràng tiếng trống ếch, tiếng đồng dao; náo nhiệt những trò chơi “rồng rắn lên mây”, rước đèn, múa lân… Chính lễ của Trung Thu là cuộc vui “trông trăng, phá cỗ” khoảng 8-9 giờ tối. Cuộc vui này thường có cả người lớn tham gia để tổ chức hướng dẫn và chia vui cùng các cháu, để thể hiện trách nhiệm và tình cảm của người lớn đối với trẻ em…
aa
Trông trăng cùng trẻ
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Ngàn đời nay Trung Thu là thế. Nhưng cách thức “trông trăng, phá cỗ” thời nay đã có nhiều nét khác xưa, những giá trị văn hóa cổ truyền của Tết Trung Thu theo đó cũng có nhiều phai nhạt. Thời của chúng tôi, những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, “tiệc” Trung Thu chỉ có ít kẹo bột, lạc rang, chuối tiêu, bưởi, hồng ngâm... Đôi khi cũng được tài trợ ít kẹo hoa hồng, là thứ kẹo gói trong giấy có in bông hoa hồng. Thế thôi, mà cả năm trông đợi. Năm giờ chiều đã nhớn nhác giục nhau ăn cơm sớm để còn kéo lên sân hợp tác xã tập trung. Đầu trần, chân đất mà đi. Dép nhựa thời ấy, con nhà nghèo chỉ để rửa chân lên giường và xỏ khi vào lớp học. Làm gì có dép để đi tung hoành và rước đèn. Mà cũng chỉ có sân kho hợp tác xã mới có đủ sức chứa mấy trăm đứa trẻ con và những chiếc đèn Trung Thu từ các nơi kéo về trình diễn. Tiệc Trung Thu do thôn đội tổ chức, chỉ đơn giản mỗi cháu một hai múi bưởi và nắm lạc rang, nhưng đứa nào đứa nấy đều vui như... Tết! Sau lễ rước đèn nhiều ngày, dư âm của tiếng trống rước, của đoàn quân thiếu nhi rồng rắn vẫn còn thùng thùng ở trong đầu, khiến nhiều đứa, trong giấc ngủ vẫn còn khua múa chân tay và hát theo. Trung Thu chỉ có một đêm duy nhất, nhưng dư âm sau đó, đối với trẻ con, thì còn rất lâu...

Trung Thu thời nay, theo quy luật phát triển của kinh tế - xã hội, tất nhiên là hoành tráng gấp nhiều lần Trung Thu ngày xưa của chúng tôi. Những cái đèn đủ mọi hình mẫu vừa sáng, vừa phát nhạc và biết xoay vòng, biết chạy dưới đất, biết bay lên. Những món đồ chơi từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đủ các kiểu dáng kích thước. Rồi thì mặt nạ, cung nỏ, kiếm sáng, súng bắn lửa, súng bắn nước, gậy thần thông, trống điện tử, đầu lân sư bằng nhựa dẻo... thật sự không thiếu thứ gì. Từ tết Trung Nguyên (15-7 âm lịch) thì thị trường đồ chơi Trung Thu đã sôi động lắm rồi. Bên cạnh đó là bánh Trung Thu, các mẫu kẹo và các loại trái cây đắt tiền dành cho Trung Thu cũng ắp đầy các kệ giá siêu thị. Nhưng một năm, mười hai tháng, ba trăm sáu lăm ngày thì có đến ba trăm ngày trẻ cắm đầu vào học hành, chạy đua thành tích, chạy đua top trường, chạy đua trong các cuộc thi thố phong trào... thì có một cái đêm rước đèn Trung Thu để chơi khác nào hạt muối thả vào biển? Những đứa trẻ được “nuôi nhốt” ngày nay thì Trung Thu, chị Hằng, chú Cuội hay các món đồ chơi sang trọng đều trở thành vật trang trí gắn vào chiếc lồng nhốt giống như bất cứ thứ đồ đạc nào trong nhà. Chúng ít tạo được cảm xúc hay dấu ấn đặc biệt trong đầu trẻ. Trung Thu từ lâu rồi không còn là những trải nghiệm thú vị của tuổi thơ; thậm chí với cả trẻ con ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Còn nữa, Trung Thu bây giờ còn là là cái cớ để người ta tặng nhau những hộp bánh hay những thứ quà cáp trị giá hàng triệu đồng, thậm chí rất nhiều triệu đồng. Dần dần, Trung Thu là dành cho người lớn với những hoạt động thiên về hình thức, bề nổi, mang nhiều ý nghĩa khác lạ với Trung Thu truyền thống. Trung Thu dành cho trẻ em thì tùy “điều kiện, hoàn cảnh” mà người ta đã định để phá cỗ, dù có trăng hay không có trăng và bữa tiệc Trung Thu thường diễn ra ở trong hội trường hay nhà văn hóa. Rất hiếm những cuộc “trông trăng, phá cỗ” diễn ra dưới ánh trăng Trung Thu vằng vặc vì rất nhiều lý do khó mà kể hết. Rõ ràng Trung Thu vẫn có “Tết Trung Thu” nhưng chẳng còn hương vị Trung Thu.

Con người của thời đại chúng ta đang sống, đôi khi không được chọn lựa cùng lúc quá nhiều thứ. Như trẻ con không thể vừa vui chơi thỏa thích với thiên nhiên, vừa trở thành quán quân, tài năng nọ kia. Giữa chơi và học, phần lớn người ta chọn học. Giữa chơi và ăn, người ta chọn ăn. Đứa trẻ bước vào tiệm tạp hóa cùng mẹ, năn nỉ “mẹ mua cho con hộp lego đi”. Người mẹ rõ ràng mạch lạc “không lego gì sất, hoặc con chọn sữa, chọn bánh, hoặc về”. Đứa trẻ nài nỉ “con thích đồ chơi cơ”. Người mẹ dứt khoát “không, mẹ không tiếc tiền mua đồ chơi, nhưng con phải học, hôm nào Trung Thu thì mẹ mua đồ chơi”. Đứa trẻ tiếp tục thuyết phục mẹ “Trung Thu có mỗi ngày được chơi, mẹ mua bây giờ, cho con chơi dần”. “Không, thế nghỉ học đi mà chơi”. Trong mắt người lớn, sự chơi ở trẻ con là nhu cầu hạng bét. Đứng sau tất thảy ăn, học, ngủ, nghỉ...

Vì không có một không gian thật sự an toàn cho cái sự chơi của trẻ con cho nên, tốt nhất là “cấm chơi”. Không có thời gian để chơi thì cũng “cấm chơi”. Tất cả thời gian, tiền bạc... chỉ đầu tư cho những nhu cầu chính là ăn, học. Mọi đứa trẻ đều trở thành “máy học”. Khi những cái “máy học” xếp hàng nối đuôi nhau rước đèn thì trông ngơ ngác làm sao, đáng thương làm sao! Kể cả lúc bất ngờ, chúng trỗi lên phá phách, ném đồ ăn đồ uống khi “phá cỗ” vào nhau cũng đáng thương làm sao. Bởi vì, trong mắt chúng, những thứ ơn huệ cha mẹ làm cho chúng là đồ ăn, đồ chơi và rất nhiều thứ phương tiện khác, nhưng vẫn thiếu thứ mà chúng mong muốn, ấy là thời gian để chơi. Cho nên, giây lát được chơi thoải mái, được phá phách là cách giải phóng năng lượng ngầm của tâm hồn trẻ thơ mà thôi.

Vẫn biết, mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại. Thời chúng tôi ngày xưa, ba tháng hè chơi vàng tóc, chơi cháy sém da, chơi đen hết cả móng tay móng chân. Chơi đến mức thèm trường, nhớ lớp, thèm bạn, nhớ thầy. Chỉ mong ngóng đến ngày khai giảng thôi. Còn bây giờ, trẻ con sợ ngày khai giảng. Khai giảng càng đến gần, trẻ càng tỏ ra thờ ơ vì người lớn đã tước đoạt hết ba tháng hè của trẻ rồi còn gì. Thế nên, tâm trí đâu mà Trung Thu với chị Hằng? Rước đèn hay không rước đèn cũng chẳng sao. Trung Thu bây giờ không cần rầm rộ chuẩn bị, vì mọi thứ đã có sẵn, chỉ mua là xong. Trung Thu giờ không có xao xuyến dư ba gì. Vì rước đèn xong, phá tiệc xong, cất đồ chơi là trẻ con lại lao vào học. Trung Thu bất ngờ đến, tưng bừng diễn ra và kết thúc ráo hoảnh.

Và vẫn biết rằng cuộc sống phải không ngừng phát triển, nhất là trong thời đại hội nhập thì mọi giá trị văn hóa đều có thể giao thoa và tiếp biến, nhưng một vài hiện tượng “biến tướng” của Tết Trung Thu cổ truyền vừa kể trên đây thì không thể đổ lỗi cho thời thế, cho cơ chế thị trường. Hình như đây đó, việc tổ chức Tết Trung Thu cho trẻ em chỉ là hình thức phong trào mà chưa thật sự quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy những giá trị nhân văn của một lễ hội truyền thống trong việc giáo dưỡng đức - trí cho con em? Hình như có một sự liên hệ nào đó giữa sự mai một trên đây với vấn nạn games online, với tình trạng bạo lực học đường và nhiều tệ nạn đang là những vấn đề bức xúc của xã hội?

Tống Ngọc Hân | Báo Văn nghệ

-------------

Bài viết cùng chyên mục:

Công bố đường dây nóng tiếp nhận tin phản ánh về tiêu cực, tham nhũng Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu phản ánh về công tác phòng, chống COVID-19 Giáo viên phản ánh, cùng bộ SGK mỗi cuốn viết một kiểu gây khó cho học sinh Hà Nội: Đẩy mạnh giải quyết phản ánh, kiến nghị trên ứng dụng iHanoi Đọc truyện: Mật mã lạc quan. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Tiến Hóa
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn