Triển lãm về hành trình 30 năm xuất bản của Doraemon tại Việt (diễn ra từ 13 đến 22/9), đánh dấu cột mốc đáng nhớ của bộ truyện tại Việt Nam, nhưng đồng thời cũng cho thấy cái nhìn hoài níu của công chúng về manga. |
Có thể nói Doraemon là một trong những bộ truyện được độc giả Việt Nam mến mộ nhất. Từ số lượng bản in hằng năm ổn định, số lượt tái bản nhiều, cho tới các phiên bản xuất bản cũng đa dạng (truyện bộ ngắn - dài, tuyển tập, bản kỉ niệm…), Doraemon ngày càng trở nên nổi danh trong thị trường xuất bản Việt Nam, không ai là không biết tới. Cũng vì lẽ đó, những dịp kỉ niệm là lẽ thường tình với tượng đài manga này.
“Từ Đôrêmon tới Doraemon: 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Nam” được giới thiệu là sự kiện đặc biệt nhằm nhìn lại hơn ba thập kỉ kể từ khi bộ truyện tranh Nhật Bản Đôrêmon của tác giả Fujiko F. Fujio được giới thiệu tại Việt Nam. Triển lãm tập trung khám phá quá trình phát triển của Đôrêmon qua ba giai đoạn chính: từ phiên bản Đôrêmon không bản quyền năm 1992, phiên bản có bản quyền từ năm 1998, và phiên bản Doraemon từ năm 2010, mỗi phiên bản phản ánh sự chuyển biến của nhận thức xã hội, cũng như sự hội nhập và phát triển của ngành xuất bản truyện tranh Việt Nam. Thông qua sự thay đổi trong cách biên tập và phát hành, triển lãm giới thiệu cách Đôrêmon đã phản ánh và đồng hành cùng những biến đổi văn hóa xã hội của đất nước.
Đúng như những gì được mô tả, triển lãm đơn thuần trưng bày các phiên bản xuất bản (truyện ngắn và dài) của Doraemon cùng với một số hình ảnh trong công cuộc xuất bản, kỉ niệm bộ truyện qua các thời kỳ. Thế nhưng, ngược lại, tại sao khi xuất bản lần đầu tại Việt Nam, “Doraemon” lại biến thành “Đôrêmon” vẫn chưa được làm rõ. Và chắc hẳn đây cũng là điều nhiều người chưa biết (hoặc không quan tâm), dẫu cho “Đôrêmon” luôn được xem như bộ truyện quốc dân.
Chỉ một điều nhỏ kể trên cũng phần nào cho thấy việc “mặc định” trong quan niệm về manga ở Việt Nam. Hầu hết mọi người đều cho rằng những điều gắn với chiếc mác “tuổi thơ” là nghiễm nhiên, chẳng hề (có ý thức) tìm kiếm căn nguyên (đáng ra cần phải được hiểu rõ).
Quay lại với câu chuyện của Doraemon tại Việt Nam, vào năm 2002, khi các bộ manga khác được xuất bản (cụ thể là hai tác phẩm Ranma ½ và Inuyasha của Takahashi Rumiko), đã có bài viết đăng trên báo Thanh niên với nhận xét rằng “hai bộ truyện trên đều khuyến khích yêu đương, những cảnh khoả thân thường xuyên xuất hiện… Những cảnh chém giết, ăn tươi nuốt sống thịt người, các nhân vật ở tuổi học trò đi đánh lộn và ghen tuông… Cho tới nay, chỉ có Doraemon được đánh giá là hấp dẫn và có tính giáo dục”. Doraemon đã trở thành kiểu mẫu trong việc nhìn nhận về manga tại Việt Nam (đến nay vẫn gần như vậy).
Đồng ý rằng Doraemon là một tượng đài đáng ghi nhận và cần được biết tới khi nhắc tới manga, nhưng câu chuyện tại sao Doraemon có được vị trí ấy lại chẳng mấy ai đoái hoài, nghiễm nhiên cho rằng bởi bộ truyện vô cùng hữu ích trong việc giáo dục. Thế nhưng, có một sự thật rằng, khi tới Mỹ và Indonesia, Doraemon hoàn toàn thất bại, bởi trong suy nghĩ của xã hội hai nước ấy (đa số theo Kitô giáo), Nobita chẳng hề đáng được đồng cảm mà chỉ đơn thuần là một cậu bé khóc nhiều và hay dựa dẫm.
Tại Nhật, khi Doraemon được xuất bản, ấy là khi các tác giả truyện tranh đã chán ngấy việc gắn manga với trẻ em. Họ quyết tâm đổi mới và khởi xướng phong trào Gekiga (Kịch Họa) mang đậm tính kịch và hiện thực trần trụi với những tình dục, bạo lực… làm dấy lên làn sóng phản đối của phụ huynh. Doraemon xuất hiện với ý hướng tìm về cái trẻ thơ giữa dòng chính kịch, trả lại cái vô tư cho truyện tranh bằng những chương truyện đăng trên Tạp chí Yoiko (Bé ngoan), Yochien (Nhà trẻ)…
Khi tiếp biến sang Việt Nam, Doraemon chỉ còn được biết tới với nét nghĩa mãi mãi tuổi thơ ngây, trẻ ngoan, mang tính giáo dục, bối cảnh đa tạp của manga lúc bấy giờ hoàn toàn bị bỏ qua. Dẫu cho loại hình này đã dám đoạn tuyệt với cái trẻ thơ ban đầu để phát triển. Tóm tại, tượng đài là thứ đáng trân trọng nhưng không phải là tất cả; và việc hiểu rõ tượng đài ấy là điều quan trọng hơn cả.
Từ nhân vật truyện tranh, Doraemon trở thành người bạn của nhiều lớp thiếu nhi. Ảnh chụp tại Thư viện Fujiko F. Fujio, trường Tiểu học Ban Mai, Hà Nội. Ảnh: BMS |
Nói như vậy không có nghĩa là manga tại Việt Nam chỉ dừng lại ở những bộ truyện kiểu như Doraemon. Các nhà xuất bản, công ty sách đã có những nỗ lực lớn trong việc đa dạng hóa thị trường manga tại Việt Nam. Điều này có thể thấy rõ thông qua xu hướng của ba đơn vị xuất bản lớn trong giới manga ở Việt Nam hiện nay là Nxb Kim Đồng, Nxb Trẻ, và IPM. Mỗi đơn vị có một hướng đi riêng, giúp cho đời sống manga tại Việt Nam ngày càng trở nên sôi động. Đặc biệt, vào tháng 7 năm 2022, lần đầu tiên một bộ truyện đánh dấu sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản mang tên Sơn, Goal! ra mắt bạn đọc, hứa hẹn nhiều bước đi mới cho manga tại Việt Nam.
Dẫu vậy, một thực tế khá buồn trong công cuộc xuất bản thoạt nhìn có vẻ sôi động đó là việc thiếu hụt những ấn phẩm giúp độc giả hiểu thêm về truyện tranh (để dẫn tới tình trạng được đề cập ở trên). Các bộ truyện ăn khách tại Nhật (thậm chí là mới xuất bản), các ấn phẩm ăn theo, lights novel… đều được phát hành một cách đa dạng. Còn về những đầu sách, chẳng hạn như hướng dẫn vẽ manga thì chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Sách hướng dẫn vẽ là vậy, sách giới thiệu, nhập môn hay nghiên cứu thì tuyệt nhiên vắng bóng. Chúng ta xem manga như một món ăn tinh thần, nhiều người xem nó như một sở thích cố hữu, thậm chí yêu mến, đam mê, thao thao bất tuyệt về một nhân vật hay bộ truyện mình yêu thích; thế nhưng khi hỏi ta thực sự biết gì về nó, về con đường mà nó đã trải qua để thành hình như hôm nay, mấy ai có thể dõng dạc mà trả lời! Đó quả là một thực tại “một chiều”, tiêu thụ thì nhiều nhưng để tâm thì ít.
Mục đích sau cùng của việc du nhập, giao lưu và tiếp biến văn hoá là làm giàu cái bản địa vốn có. Manga du nhập vào Việt Nam đã phần nào thay đổi quan niệm của công chúng đối với truyện tranh (nhưng đồng thời cũng đóng khung bằng những bộ truyện “tuổi thơ”), khuyến khích những người trẻ dấn thân vào con đường vẽ vời.
Những bộ truyện ghi dấu ấn tượng của truyện Việt vẫn là những Dũng sĩ Hesman, Thần đồng đất Việt… từ trước đó. Hiện nay, một số tên tuổi xuất hiện tiếp bước dòng chảy cho truyện Việt như Lâm Hoàng Trúc với Đường hoa, Mùa hè bất tận được xuất bản quốc tế; Nachi với Điệu nhảy của vũ trụ đoạt giải Bạc cuộc thi truyện tranh quốc tế vừa qua; trước đó có Địa ngục môn của Can Tiểu Hy, Long Thần Tướng của bộ đôi Phong Dương cũng đoạt giải Bạc tại cuộc thi cùng tên. Ngoài ra còn có những cái tên khác như Badluck, Vạn nhân ký - Noãn, Bí ẩn Ozon…
Có điều, như một hệ quả tất yếu của khuynh hướng xuất bản “một chiều” và việc tiêu thụ nhiều nhưng ít để tâm, truyện tranh Việt vẫn đang chòng chành chẳng yên. Nhìn nhận một cách khách quan thì truyện tranh Việt còn yếu thế, bị lấn át bởi manga. Rõ ràng, khi ta muốn học tập từ những tương tác ngoại sinh để làm giàu những vận động nội sinh, việc nhìn nhận đúng và có hệ thống là điều tiên quyết. Nếu chúng ta cứ mãi một tượng đài bất diệt, lao đi trong vô phương thì chẳng thể tránh khỏi sự quanh quẩn, rối bời trong cả nhận thức lẫn thực hành.
Sỹ Hiếu | Báo Văn nghệ
----------
Bài viết cùng chuyên mục: