Quanh năm người làng thấy cái dáng gầy gầy tất tả đi trong buổi sớm, đến chiều khuất mặt người lại lầm lũi trở về. Cũng trên con đường sống trâu đó tôi đứng đợi cô. Trong đôi quang gánh mốc thếch, dưới lớp lá chuối khô bao giờ cũng có mấy cục kẹo ú, khi thì mấy cái bánh dừa cô vội vàng mua ngoài chợ cho tôi. Lần nào giở lớp lá chuối khô lên tôi cũng thấy một cái cà mèn cơm đã hết nhẵn. Gom chuối về, cô lại đem cơm ra bến sông cho người đàn ông đó. Người cô thương. Người mà làng tôi từ bao giờ đã chết với cái tên gọi “ông Cùi”.
Người đàn ông ngồi thụp xuống bên nấm đất đã khô cứng, những ngón tay còng queo cào vào lớp đất lổn nhổn đá, trên lưng áo bạc màu mồ hôi túa ra ướt sũng trong chiều đông lạnh.
“Chú Thiêm!”- Tôi gọi. Người đàn ông giật mình dừng tay, ánh mắt dại đi chợt bừng tỉnh khi nghe cái tên cha mẹ đặt cho sau mấy mươi năm tưởng như chẳng ai còn nhớ. Lâu rồi ông đã quen với cái tên thiên hạ đặt cho: Ông Cùi.
“Chú quên con rồi sao!” - Tôi rưng rưng.
Người đàn ông ngẩng lên, những nếp nhăn trên gương mặt rúm ró giãn dần khi nhận ra tôi. Đôi chân già nua lẩy bẩy vừa đứng lên đã chực sụm xuống.
“Mây đó sao?” - Ông chầm chậm đi về phía tôi.
“Chú đi lâu quá, cô con không chờ được nữa!” - Tôi nắm cánh tay khô quắt như cành củi của ông, nghe nó rung lên…
Từ buổi ấy chú Thiêm đi biền biệt, hơn mười lăm năm sau mới trở lại quê nhà. Buổi ấy, tính từ cái buổi chiều cô tôi như mọi lần lén ông tôi bỏ cái cà mèn cơm vào đôi quang gánh, mang ra túp lều ngoài bãi cho chú, cách con sông làng tôi hơn ba cây số.
*
Cô tôi quảy đôi quang gánh đi về phía sân đình. Chợ chiều đã vãn, chỉ còn những bông nắng lưa thưa nhảy nhót trên con đường sống trâu bụi mù. Đến ngã rẽ về bến sông cô dừng lại cởi nón phe phẩy, dặm mấy giọt mồ hôi đang rịn ra bết vào mớ tóc mai. Chừng đỡ mệt, cô lại chụp cái nón lên đầu, tiếng đòn gánh kĩu kịt xa dần, trên cao vòm tre đan như lòng chảo võng xuống rào rào trút lá như mưa.
Cô tôi là con của bà nội lớn. Bà đột ngột qua đời, để lại cô cho ông nuôi. Năm cô lên sáu, ông tôi tục huyền với một người đàn bà khác, là bà nội tôi. Bà tôi về với ông, sinh được cha tôi và một bầy em lít nhít. Cô chú tôi đến tuổi lớn ăn như tằm ăn rỗi, mỗi ngày cái nồi bảy phải ghế thêm khoai, đến lượt cô tôi làm đồng về thì chỉ còn miếng cơm cháy. Cô thương đàn em nên lúc nào cũng nhường.
Đến tuổi, con gái trong làng đã biết làm duyên, hễ ra đồng là thầm thì khúc khích chuyện trai làng. Cô tôi ngày ngày chỉ cắm cúi đi về lặng lẽ như cái bóng, cô biết phận mình. Bà tôi tính tình cáu bẳn, lại thêm cái quy luật ngàn đời, cay nghiệt với con chồng. Nhiều lần tôi nhìn thấy cô thầm thũi ra sau hè ngồi khóc vì không muốn ông tôi nhìn thấy lại buồn lòng, chuyện gì cô cũng âm thầm chịu, chẳng oán than.
Buổi chiều từ ngoài đồng về, cô tôi ngồi chải tóc bên hiên, chiếc lược sừng nhẵn thín, kỷ vật bà nội lớn tôi để lại. Tôi ngây người nhìn, trong bóng chiều nhá nhem cô càng chải, tóc càng dài ra, miên miết như sông.
“Sao cô không lấy chồng để được làm cô dâu như cô Dịu, cô Mừng làng mình?” Tôi ngây ngô hỏi vào một buổi chiều nắng hanh hao khi cô tôi ngồi bên hiên sảy gạo. Cô yên lặng nén tiếng thở dài, lát sau tôi nhìn thấy trong mi mắt cô ầng ậng nước. Thế giới của cô chỉ gói gọn trong mảnh vườn và thẻo ruộng sau nhà.
Đêm hè oi ả, tôi nằm gối đầu lên cánh tay cô, chiếc quạt mo cau phe phẩy, cô rì rầm kể chuyện, chuyện cái miếu làng tôi có từ bao giờ, chuyện cây vông đồng giữa đình vì sao người làng ban đêm không dám đi qua. Tôi nằm nghe rồi thiếp đi lúc nào chẳng hay. Tỉnh dậy nửa đêm có lúc quờ tay qua không thấy cô bên cạnh, tôi quay vào vách ngủ tiếp. Sớm mai thức dậy đã thấy cô ngồi xay bột bên cái cối đá, gương mặt ửng hồng như vừa chạy ngoài nắng về.
Tranh minh họa. Nguồn interest.com |
Cái tin cô tôi có người thương lan đi khắp làng. Đầu tiên là cô Mừng, cô Dịu rồi đến người làng, và cuối cùng là ông tôi. Một đứa con gái lỡ thì xấp xỉ ba mươi nay có người để mắt, bà tôi ra chợ cũng nghe người ta xầm xì. Một đêm tôi bị đánh thức bởi tiếng hét của ông:
“Ưng ai đi ưng cái thằng cùi! Tao cấm!”.
“Nhưng con thương anh Thiêm, thầy đừng cấm con, tội nghiệp!” Tiếng cô thổn thức.
“Tao cấm!” Tiếng ông tôi lần này như gầm lên.
Trong buồng, bà tôi nằm nén tiếng thở. Tôi thương cô nhưng sợ ông nên cũng nằm im thin thít cho đến khi nghe tiếng ông phủi chân lên phản nằm tôi mới rón rén vén màn ngồi dậy. Sang canh hai cô vẫn còn ngồi bên hiên rấm rứt khóc, tôi sè sẹ đến sau lưng ôm cô: “Cô vào ngủ với Mây đi!”.
Cô ôm chặt tôi vào lòng, tôi dụi đầu vào ngực cô hít hà mùi hoa dẻ thơm nồng. Từ ngày thương chú Thiêm cô đã biết ủ hoa dẻ vào ngực áo, hồi lâu tôi ngẩng lên thỏ thẻ:
“Từ mai cô đừng đem cơm cho chú Thiêm nữa, ông biết lại nổi giận, để con đem!”.
Tức thì cô đẩy tôi ra: “Mây! Ai nói với con?”
“Không ai nói với con, tự con biết, có lần con đi theo cô đến túp lều của chú Thiêm”.
“Ui cha cháu tui!” Cô lại ôm chặt tôi vào lòng, hôn lên mái tóc khét nắng của tôi, thầm thì “Giờ cô cháu mình vào ngủ, sang canh hai rồi, con gà trống cồ nó gáy đó, Mây nghe không?” Hai cô cháu tôi rón rén vào buồng. Tôi thiếp đi trong hương hoa dẻ nồng nàn…
Tôi chạy trên bờ mương khúc khuỷu, đầu đội chiếc mũ vải màu vàng mơ cô mua ở chợ Tết năm ngoái, một tay tôi xách cái cà mèn cơm lúc trưa cô đã kín đáo giấu nó ra sau hè, tay kia ôm một bọc thù lù vừa hái trên biền. Tôi chạy về phía cuối bãi, được một đoạn đã thấm mệt, tôi đi chậm lại, cổ họng khát khô. Nắng chiều còn vương vài giọt hanh hao. Từ xa tôi đã nhìn thấy túp lều của chú Thiêm nằm trơ trọi trên cánh đồng, cách bãi bồi ven sông một đoạn, trông nó như chiếc áo cũ mèm được vá bằng những mụn vải, bên trên mấy tấm tôn mục nát được lợp làm mái. Tôi rón rén đến trước cửa lều nhìn vào, chú Thiêm đang cắm cúi bện con châu chấu bằng lá dừa, trên chiếc giường đã gãy vạt la liệt những cọng lá dừa đã tước sẵn.
“Chú Thiêm!” Tôi reo lên.
Chú giật mình ngẩng lên, ngơ ngác hồi lâu mới nhận ra tôi, giọng chú run run: “Phải Mây không?”.
“Dạ, chú!” Tôi hăm hở bước vào lều, đặt cái cà mèn cơm bên bếp lửa: “Con đem cơm qua cho chú”.
“Cô Tầm đâu con?”.
“Cô con không đi được, ông con biết…” Tôi bỏ lửng câu, nhìn gương mặt chú méo xệch đến tội nghiệp.
Tôi ngồi xếp bằng trên giường xem chú Thiêm bện châu chấu, đôi bàn tay chi chít những mụn nước tưởng khó làm được việc gì vậy mà nhanh thoăn thoắt, chỉ một loáng chú đã bện được một con châu chấu xinh xắn. Trong khi tôi ngồi xem, chú Thiêm vẫn yên lặng cắm cúi làm. Tôi tò mò cầm lên một con hỏi:
“Chú bện mấy con châu chấu này để làm gì?”.
“Để mang ra chợ bán đó con, tụi trẻ nít gần trường học ưng lắm!”.
“Nhưng làm sao chú tới trường cho được? Người ta…” nói đến đây tôi biết mình lỡ lời nên im lặng.
Chú Thiêm như hiểu, giọng buồn buồn: “Mỗi khi cô Tầm đem cơm cho chú, cô lấy mấy con châu chấu gửi bên cái quán gần trường người ta bán dùm”.
Tôi bâng quơ nhìn quanh, ngoài cái giường gãy vạt, cái bếp bằng kiềng ba chân thì gia tài chú chẳng có gì ngoài chiếc túi móp xọp bạc phếch treo trong góc lều và cái mũ vải rách tưa. Ngồi chơi một lúc, nhìn trời chiều tôi đứng lên chào chú ra về.
“Con đi cẩn thận, đừng có chạy mà ngã, nói cô Tầm đừng đem cơm cho chú nữa, chú tự nấu ăn được mà!” chú Thiêm đứng lên nhúc nhắc đưa tôi ra cửa.
“Nhưng người ta có bán gạo cho chú đâu!” Tôi kêu lên rồi chạy ù đi, sực nhớ mình lại cứa vào nỗi đau của chú. Chạy đến cuối cánh đồng, tôi ngoái lại còn thấy chú Thiêm đứng nhìn theo, đôi vai gầy rũ xuống, đơn độc.
Về đến đầu ngõ tôi đã thấy ông đi đi lại lại trong sân, vẻ mặt giận dữ, vừa thấy tôi về ông đã nghiêm mặt: “Mây! Lại ông biểu!”.
Tôi rón rén lại gần.
“Con đi đâu về?” Ông hỏi, tay nhắp cái roi mây xuống phản.
“Con…con…” Tôi ấp úng chưa biết trả lời sao, ông đã đanh giọng: “Lỡ một lần này ông tha! Từ nay ông cấm không có được ra đó nữa, nghe không?”. Tôi dạ rồi len lét vào buồng ngồi im đến giờ cơm mới mới rón rén ra ăn.
Nửa đêm thức giấc tôi quờ tay sang bên cạnh, chỗ cô nằm trống không. Lẽ nào cô lại đem cơm cho chú Thiêm? Tôi thầm nghĩ rồi thiếp đi trong tiếng gà gáy sáng. Sáng sớm tỉnh dậy tôi xuống bếp đã thấy cô ngồi quấy nồi cám heo đương sôi bùng bục, gương mặt ửng hồng. Ngồi xích lại bên cô tôi thì thào:
“Đêm qua cô đem cơm ra bãi cho chú Thiêm đúng hông?”.
“Suỵt, nhỏ thôi, ông nghe là chết!” Cô đưa tay ra hiệu tôi yên lặng. Tôi sung sướng nhảy tót ra hiên, vậy là cô vẫn mang cơm cho chú Thiêm, hai người lại được gặp nhau, ông nội tôi làm sao mà biết được!
Buổi chiều cô tôi từ ngoài đồng về, chưa kịp đặt gánh rạ xuống sân bà tôi đã đứng trong bếp vọng ra:
“Ra chợ mà nghe người ta cười kìa! Đêm hôm ra bãi hẹn hò, ưng ai đi ưng cái đứa…” Bà tôi chưa nói hết câu, trong này ông tôi đã đùng đùng nổi giận, mâm cơm vừa dọn lên ông hắt hết ra sân:
“Đi đâu thì đi đi! Nhà này không chứa loại con như mày!”
Đêm đó cô thức tàn canh. Tôi nằm trong buồng chốc chốc lại lén nhìn qua chấn song, ngoài hiên mảnh trăng hạ tuần phủ lên mái tóc cô một màu nhàn nhạt.
Sáng sớm tôi thức giấc cô đã ra đồng từ bao giờ, chưa kịp ăn gì, cô muốn tránh mặt ông bà nội tôi. Chiều chạng vạng, mâm cơm dọn ra hiên cô vẫn chưa về. Tôi ra ngõ đứng trông, đến tối mịt cô mới lững thững về, đôi quang gánh trống trơn, gương mặt thẫn thờ, đẫm nước.
“Cô đi đâu giờ mới về, Mây lo quá!” Tôi quàng tay qua ôm cô, thấy tấm lưng gầy càng gầy hơn.
Như có người để trút bỏ nỗi niềm, cô quăng đôi quang gánh vào bụi, ôm tôi nghẹn ngào: “Chú Thiêm bỏ đi rồi!”.
“Cô ở ngoài bãi về sao?”.
Cô tôi gật, nước mắt lại lã chã rơi: “Chú đi để tránh cái làng này, để cho cô đỡ khổ, chú từng nói với cô như vậy. Chiều nay cô ra đó, trống trơn, có cái áo đứt nút cô chưa kịp khâu chú còn để lại”. Tôi ôm cô, nghe lòng nghẹn đắng, cô tôi và chú Thiêm, hai người hai số phận quá khổ đau.
Đêm. Trăng trên quê tôi cũng gầy gò, tái mét như số phận những người phụ nữ nơi đây. Tôi nằm yên nghe trăng tràn trên tóc qua ô cửa chấn song, chợt nhận ra số phận của những người phụ nữ quê tôi cũng nhuốm một màu buồn thương như thế.
Tôi ra thành phố, chuẩn bị cho năm học cuối cấp hai, cô đưa tôi ra hết đường làng, gương mặt lặng câm, lúc xe sắp sửa lăn bánh, cô gọi với theo: “Hè Mây nhớ về với cô nghen!”. Tôi gật đầu, nhìn cô xa dần cho đến khi bóng cô chỉ còn lại hình một chiếc lá úa phất phơ, lạc lõng giữa trời chiều.
*
Ông bà tôi lần lượt qua đời. Lần nào về tôi cũng nhìn lên mái tóc cô, nó thưa đi nhiều, mỗi năm lại thêm nhiều sợi bạc. Ngậm ngùi thương, mới ngày nào tóc cô xanh um, tôi lùa tay vào nghe mát rượi mà giờ đã lấm tấm sương.
Buổi chiều vừa về đến nhà tôi đã chạy ra đồng, chẳng thấy bóng dáng cô đâu, dưới ruộng, hoa luồng vực mọc đầy, ngoi lên tới tận bờ mương.
“Lâu quá mới thấy con về, tìm cô Tầm hử?” Bác Nhâm hàng xóm đánh trâu về, thấy tôi liền hỏi. “Dạ!” Tôi đứng tránh sang một bên cho đàn trâu đi qua. “Cô Tầm ở ngoài bãi kia!” Bác Nhâm đưa tay chỉ.
Tôi chạy như bay trên bờ mương, gió từ sông cuộn về phần phật. Từ xa tôi đã nhìn thấy túp lều của chú Thiêm nằm thoi loi giữa cánh đồng như ngày nào. Không lẽ… tôi thầm nghĩ, chân vẫn bước tới, khi chỉ còn cách túp lều mấy bước chân, tôi nghe tiếng quay vù vù đều đặn, chậm rãi. Tôi bước vào. Trước mắt tôi, cô Tầm đang ngồi se sợi bên cái khung gỗ, gương mặt cúi xuống dưới mái đầu đã điểm sương.
“Cô Tầm!”. Cô tôi ngẩng lên, một thoáng bất ngờ khi nhận ra đứa cháu đã lâu rồi mới lại về quê. Cô run run kéo tôi lại gần, bàn tay gầy gò miết lên lưng, lên tóc tôi, cô khen tôi lớn xinh đẹp lên nhiều.
“Sao cô lại ra đây? Cô về nhà nội với con đi!”.
Cô tôi lắc đầu “Cô ở đây được rồi, nhà trong đó để các chú các bác ở rồi thờ cúng ông bà”.
“Nhưng nơi này đêm hôm…” tôi nhìn quanh ngại ngần.
“Không sao! Ngày trước chú Thiêm đau ốm vậy mà còn ở được, cô khỏe mạnh như vầy…”.
“Cô ngồi đây se sợi vầy rồi ruộng đồng bên đó bỏ hoang”. Tôi lo lắng.
“Cô tính rồi, đã có thím Năm”.
“Cô ở đây một mình buồn lắm!” Tôi ôm cô thủ thỉ.
“Cô ở đây, ngày nào đó chú Thiêm tìm về, đã có cô ở đây rồi, chú không còn buồn tủi nữa”. Cô tôi thầm thì, gương mặt lại cúi xuống khung tơ đầy vẻ yêu thương, cam phận.
Tôi ngồi bên cô thật lâu, nghe gió từ sông cuộn về vấn vít trong tóc, lẫn vào những ngóc ngách trong lòng, tôi vuốt những sợi tóc đã bạc màu của cô, nghe đắng đót trong lòng một nỗi: Tình yêu là vậy sao?
Vào đại học, tôi xa nhà biền biệt. Ngày trở về, nghỉ ngơi vài hôm tôi lại ra bến đón xe về quê nội. Quê tôi vẫn vậy, ruộng đồng xanh um, mùi đồng bãi lúc nào cũng ngọt ngào, gợi thương. Cất ba lô vào nhà, tôi vội chạy ra đồng. Gặp lại cháu cô sẽ vui lắm đây, tôi thầm nghĩ.
Từ xa tôi đã nhìn thấy túp lều, nó sụm xuống như vừa qua một cơn bão, tôi lại gần nhìn vào, bên trong trống huơ, cô tôi không còn ở đó, khung quay đã gãy, nằm một góc trong lều, mọi thứ hoang tàn đến tội nghiệp.
“Cô bệnh nặng không qua khỏi”. Chú đến sau lưng tôi từ lúc nào. “Cô giờ nằm lại trên gò cao kia! Con ra đó thăm cô đi!” Chú tôi đưa tay chỉ.
Tôi quay trở lại con đường vừa đi qua, men theo đám cỏ lau tôi lên gò cao. Cô tôi nằm một mình, đìu hiu giữa trời chiều lộng gió. Chú Thiêm gục xuống, đôi vai rung lên từng hồi, những ngón tay xương xẩu cào vào lớp đất đá khô cứng.
“Chú Thiêm đã trở về với cô đấy thôi, như cô đã từng đợi chờ”. Tôi thì thầm, nghe tiếng mình lạc vào trong bóng chiều hoang lạnh.
Trên cao, một con chim ở đâu bay về đậu cành duối, nó kêu lên từng hồi, lạc giọng…
Nguồn Văn nghệ số 43/2022