Đánh giá về vai trò của dịch thuật đối với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, Nguyễn Đình Chú viết: “Việc dịch thuật trong mặt tích cực của nó đã góp phần khá đắc lực vào công việc chuyển biến đổi mới, đưa nền văn học Việt Nam vào con đường hiện đại hóa lúc này. Nhờ dịch phẩm mà tầm hiểu biết của người Việt Nam được vươn tới chân trời xa lạ của thế giới, của nhân loại. Nhờ dịch phẩm mà người Việt Nam làm quen dần với các thể tài mới, các kiểu sáng tác mới. Dịch cũng là phương tiện luyện bút, trau dồi ngôn ngữ, góp phần nâng cao cải tiến sáng tác”(1). Như đã biết, trước khi Pháp xâm lược Việt Nam nền dịch thuật của nước ta chủ yếu là dịch từ chữ Hán sang chữ Nôm. Đến khoảng thế kỷ XVII - XVIII, sau khi sáng tạo ra chữ quốc ngữ, các giáo sĩ phương Tây mới dịch Truyện các Thánh của Girolarmo Majorica từ chữ Nôm ra chữ quốc ngữ để truyền đạo và giảng dạy trong các trường dòng, cộng đồng người Công giáo. Sau khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp sử dụng chữ quốc ngữ là công cụ truyền bá văn hóa và văn minh Pháp. Tuy nhiên, ban đầu đa phần người dân và tầng lớp trí thức Nho học đều quay lưng lại với chữ quốc ngữ không chỉ vì xem đấy là chữ của kẻ xâm lược mà bởi học xong không có sách để đọc, để học ngoài sách viết về những tấm gương tử vì đạo của đạo Thiên Chúa. Chính Giám đốc Trường Hậu bổ Elucian Luro đã phải thốt lên: “Trước đây chúng ta cho rằng trong vài năm thôi nhân dân sẽ bỏ thứ chữ tượng hình khó hiểu, nhưng than ôi chúng ta đã ảo tưởng quá chừng… Sau ba tháng học, trẻ em nào thông minh thì đọc được công báo, sách duy nhất của trường học thảm hại của chúng ta. Mọi người đều khinh cái học vẹt của đứa trẻ. Đứa trẻ xấu hổ nên vội vàng bỏ rơi tất cả những gì nó đã theo học theo lệnh của hương chức, mà hương chức cũng chẳng biết gì ngoài cái việc bắt học trò đi học cho nhà cầm quyền Pháp hài lòng”(2). Đến lúc này, thực dân Pháp phải có những thay đổi nhằm phổ biến chữ quốc ngữ. Và dịch thuật được xem là chìa khóa giải quyết vấn đề này cho người Pháp. Họ cho rằng: “Người ta sẽ không chống lại việc học chữ viết bằng mẫu tự Latin, nếu tiếng Annam được thay thế để dịch một vài tác phẩm Trung Hoa cơ bản và cổ điển. Nếu sau đó người ta cung cấp cho các học sinh những sách viết bằng tiếng Annam và chứa đựng nhiều ý tưởng mới mẻ đối với họ, họ sẽ tiếp tục học và chữ Nho sẽ mất một phần ảnh hưởng và người Annam sẽ bắt đầu viết bằng chữ của họ”. Để thực hiện công việc này, Pháp không chỉ dựa vào những người Việt thông thạo chữ quốc ngữ, chữ Hán và biết chữ Pháp (thường họ là giáo dân Thiên Chúa giáo) như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Nguyễn Chánh Sắt… mà còn cả những người Pháp đã có nhiều năm sinh sống tại Việt Nam như Canavaggio, Janneaux…
Vai trò của dịch thuật đối với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam |
Có thể nói, người đầu tiên dịch văn học cổ điển Việt Nam bằng chữ Hán, chữ Nôm ra chữ quốc ngữ là Janneaux với tác phẩm Lục Vân Tiên năm 1873 nhưng người có nhiều đóng góp nhất trong lĩnh vực này là học giả Trương Vĩnh Ký. Trương Vĩnh Ký (1836 - 1898) có thể đọc, nói, viết thông thạo 15 thứ sinh ngữ và tử ngữ Tây phương, 11 ngôn ngữ phương Đông. Trương Vĩnh Ký đã phiên âm chữ Nôm ra chữ quốc ngữ các tác phẩm: Đại Nam quốc sử diễn ca (1875), Kim Vân Kiều (1878), Huấn nữ ca (1882), Lục súc tranh công (1887), Trung nghĩa ca (1888), Lục Vân Tiên (1889), Phan Trần truyện (1889)…; các công trình Hán văn ra quốc ngữ: Đại học (1881), Trung dung (1881), Tam tự kinh quốc ngữ diễn ca (1884), Minh Tâm Bửu giám (1891)… Tiếp đến Huỳnh Tịnh Của (1834 - 1907) phiên âm các truyện Chiêu Quân cống Hồ (1906), Thoại Khanh - Châu Tuấn (1906), Bạch Viên Tôn Các (1906). Dịch từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ thì có Trần Đại Học với tác phẩm Truyền kỳ mạn lục đăng trên Lục tỉnh tân văn năm 1912 - 1913. Phong trào dịch thuật tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa ra tiếng Việt rất rầm rộ thời kỳ này. Ngay từ cuối thế kỷ XIX, Huỳnh Tịnh Của cũng đã sử dụng hình thức này trong các tác phẩm Chuyện giải buồn. Tác phẩm Chuyện giải buồn (1885) gồm 112 truyện của ông phần nhiều là những truyện được dịch từ các tác phẩm Trung Quốc như Cao sĩ truyện, Trang Tử, Chiến quốc sách, Liêu trai chí dị… Đến đầu thế kỷ XX, Canavaggio dịch bộ tiểu thuyết chương hồi nổi tiếng Trung Quốc là Tam quốc chí tục dịch đăng trên tờ Nông cổ mín đàm từ năm 1901. Huỳnh Tịnh Của dịch Tống Từ Vân (1904), Nguyễn Chánh Sắt và Phụng Hoàng Sang dịch bộ Truyện Nhạc Phi (1905), riêng Nguyễn Chánh Sắt còn dịch các cuốn: Tam tự kinh diễn nghĩa (1911), Trung Quốc cổ kim lược ký (1928), và gần 20 bộ truyện Tàu… Phong trào dịch thuật truyện Tàu phát triển rầm rộ ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX. Theo Bằng Giang, đến năm 1930, ở Nam Bộ có tới hơn 50 tác giả với hàng trăm bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa được dịch sang tiếng Việt. Cá biệt có những tác phẩm được dịch đi dịch lại bởi nhiều dịch giả khác nhau như bộ Tam quốc diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc, Liêu trai chí dị, Ngũ hổ bình Nam, Bình Nam lãnh yên… Những dịch giả nổi danh đương thời như: Nguyễn Chánh Sắt, Trần Phong Sắc, Nguyễn An Khương, Đinh Văn Đầu, Trần Hữu Quang, Huỳnh Trí Phú…
Về vấn đề dịch các tác phẩm văn học phương Tây ra chữ quốc ngữ cũng được coi trọng và Trương Minh Ký là người có công đầu. Ngay từ năm 1884, Trương Minh Ký đã tuyển chọn các truyện ngắn của J. Wirth, Schmid, P. Larrousse, R. Dosdley… để dịch ra chữ quốc ngữ và in trong cuốn Truyện Phansa diễn ra quốc ngữ rồi dịch các truyện Riche et Pauvre (Phú bần truyện diễn ca, 1884) của Émile Souvestre, Robinson Crusoe (Truyện Robinson, 1886) của Daniel Defoe, Les aventures de Télémaque (Chuyện Tê Lê Mặc tình cờ, 1887) của Fénelon… Trần Chánh Chiếu dịch đăng trong Lục tỉnh tân văn các tác phẩm Le Conte de Monte Cristo (Tiền căn hậu báo, 1907) và Les trois mousquetaires (Ba người lính ngự lâm pháo thủ, 1914) của A. Dumas… Đinh Thái Sơn dịch cuốn Les mille et une nuits (Gia đàm dị sử, 1911)…
Hơn nữa, chính phong trào dịch thuật phát triển giúp người đọc dần đoạn tuyệt với việc tiếp nhận văn học cổ điển Trung Hoa với lối văn biền ngẫu. Đối với các nhà văn, như chúng ta đã biết, ở giai đoạn này đa phần họ đều là những nhà dịch thuật trứ danh. Trong quá trình dịch thuật, họ vừa trau dồi vốn ngôn ngữ, vừa rèn luyện kỹ năng viết bằng cách mô phỏng, phóng tác các tác phẩm của nước ngoài, tiêu biểu nhất là Hồ Biểu Chánh với các tác phẩm: Vậy mới phải (1913) mô phỏng Le Cid của Corneille, Chúa Tàu kim quy (1922) mô phỏng Le Conte de Monte Cristo của A. Dumas cha, Cay đắng mùi đời (1923) - Sans Famille của Hector Malot, Ngọn cỏ gió đùa - Les Misérables của V. Hugo, Người thất chí - Crime et châtiment của Dostoievski,… Ngoài ra còn có Lê Hoằng Mưu với Tiền căn báo hậu (1920) - Le Conte de Monte Cristo của A. Dumas cha, Nguyễn Thới Xuyên với Người vợ hiền (1931) mô phỏng cuốn Une honnête femme của Henry Bordeaux, Trần Quang Nghiệp với Lửa tình (1931) - Les Amants de Venise của M. Zévaco, Người thương của tôi (1932) - La morte của Guy de Maupassant… Ở ngoài Bắc ta cũng bắt gặp hiện tượng này nhưng ở mức độ ít đậm đặc hơn và cũng rất hiếm gặp như Sống chết mặc bay (1919) của Phạm Duy Tốn có nhiều nét tương đồng với Ván bi-a của A. Daudet, Giọt lệ hồng lâu của Hoàng Ngọc Phách mô phỏng La Dame aux camélias (Trà hoa nữ) của A. Dumas con, Một người du học sinh An nam và Ôi thiếu niên! của Vũ Đình Chí mô phỏng Tuyết hồng lệ sử của Từ Chẩm Á... Chính phong trào dịch thuật này đã có những tác động không nhỏ đến sự hình thành và quá trình phát triển của văn học quốc ngữ ở Nam Bộ trong thời kỳ này.
Trần Văn Trọng | Báo Văn nghệ
....................
(1). Nhiều tác giả (1997): Hợp tuyển thơ văn Việt Nam 1920 - 1945 (Tập 5 - Quyển 1), Nxb Văn học, Hà Nội, tr.55.
(2). Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Công Bình (1988): Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh - Tập 2, tr.151.
----------
Bài viết cùng chuyên mục:
Công trình dịch thuật để đời Dịch thuật và nghiên cứu KHXH&NV: Sự lựa chọn mới Lê Bá Thự từ dịch thuật đến phê bình văn học Muốn xuất khẩu văn chương phải có tác phẩm hay Dịch văn học - vài suy ngẫm |