Sáng tác

Vàng ở núi. Truyện ngắn của Hoàng Thị Hiền

Hoàng Thị Hiền
Truyện
09:19 | 10/09/2024
Baovannghe.vn - Thanh niên ở bản Lủng Hai đã bỏ xứ đi hết với nhau. Chỉ còn người già, bà góa, trẻ con. Báo nhìn những mỏm núi cắm lên nền trời, vững chãi qua năm tháng. Cây. Cây phủ lên núi một tấm áo tím trong nắng nhạt. Đồi Diết Rì, Khau Khiêu, Đông Luông... trọc lốc. Sim mua lè tè cùng cỏ may.
aa

Ở bản Lủng Hai, mở cửa nhà ra là thấy núi. Một màu mây trắng xốp quanh năm bồng bềnh trôi bốn bề. Đến khi có tia nắng xiên thủng tấm chăn bông ấy thì đã gần trưa. Ấm chè tươi thay nước mấy lần, nhạt vị. Rượu được lôi ra, đục như nước vo gạo. Ngày nào cũng thế, Báo đi lấy được gánh củi về đều thấy pá kề cà cùng ông Ngọc, ông Đăng, cánh thanh niên sang nhà gọi Báo đi bẫy chim cũng xỏ hai chân vào chiếc ghế gỗ thấp lè tè làm vài “choóc”.

Vàng ở núi. Truyện ngắn của Hoàng Thị Hiền
Minh hoạ Đặng Tiến

- Đi làm vàng dưới Ngân Sơn đi. Tao có mối rồi lớ!

Thằng Cư hếch một bên mắt. Cái mồm nó nhệch ra vì men cay, bỏng rẫy. Tay đưa cái chén rượu bị cụt mất quai mời bạn. Báo xua tay:

- Thôi, tao ở nhà làm giả! Mé ốm suốt. Pá say thế. Mày đi đi.

- Hớ hớ. Em trai cái Vy cũng theo tao đợt này vớ.

- Ừ.

Báo buông tiếng cộc lốc rồi ra chuồng trâu mở dóng đem con nghé lên đồi Diết Rì buộc. Ngồi xuống bãi cỏ may rộng dài, gió thổi mát rượi mà cái bụng của Báo nóng như lửa đốt. Đêm qua, trăng sáng vằng vặc. Hẹn mãi, Vy mới vùng vằng đến chỗ này ngồi. Mỗi lần Báo định cầm tay, Vy lại hẩy đi. Cả hai không nói chuyện gì ra hồn. Gặng hỏi, Vy mới bảo:

- Sao anh không rời bản Lủng Hai này lấy một bước dài? Bốn bề nơi đây chỉ đồi trọc, núi đá. Anh thấy đấy, cái Linh bạn em, nó xuống làm thuê dưới thành phố, thỉnh thoảng về quê, mé nó lại chạy sang nhà em khoe bông tai vàng. Em thích lắm. Hay là, anh theo thằng Danh xuống Ngân Sơn làm vàng, còn em xuống chỗ cái Linh? Chứ ngày nào cũng đuổi trâu đi chăn, người không ra ngợm, xinh đẹp nỗi gì.

- Anh không đi đâu cả. Làm thuê bền mãi đâu em. Ngày nào biết ngày đó thôi.

Vy nổi cáu:

- Hai bàn tay trắng, anh có cái gì chưa? Anh ru rú ở cái xứ chó ăn đá gà ăn sỏi này, nghèo lại hoàn nghèo! Anh đừng nhắc đến tương lai, cảnh anh vẽ ra trong đầu, em đã nghe mòn hơn cối đá.

Rồi Vy bỏ về, mặc cho Báo níu giữ. Thương nhau lâu rồi, sao Báo không hiểu tính người yêu. Vy mạnh mẽ, nóng vội, làm là muốn thấy kết quả ngay. Thằng Cư chơi thân với Danh để tán tỉnh chị gái, nó thỉnh thoảng bắt gặp Báo và Vy ngồi nói chuyện liền hằm hằm mặt lại. Muốn làm giàu, hai thằng rủ nhau xuống Ngân Sơn. Báo tưởng Vy so sánh với Linh rồi nói chuyện vậy ai ngờ sáng sớm cô đã nhờ thằng Cư đưa ra chợ huyện bắt xe đi thành phố. Vy đi mà không nói với anh câu nào. Nằm ngửa mặt nhìn trời, mây trắng trôi về xuôi, anh thấy mình cô độc trên mảnh đất này. Đi sao đành, mé vừa nằm giường một trận. Chăn chiếu còn ẩm mùi thuốc sắc. Những ngày tỉnh rượu của pá đếm trên đầu ngón tay. Vy nói đúng. Mình chỉ có đôi bàn tay trắng. Thanh niên ở bản Lủng Hai đã bỏ xứ đi hết với nhau. Chỉ còn người già, bà góa, trẻ con. Báo nhìn những mỏm núi cắm lên nền trời, vững chãi qua năm tháng. Cây. Cây phủ lên núi một tấm áo tím trong nắng nhạt. Đồi Diết Rì, Khau Khiêu, Đông Luông... trọc lốc. Sim mua lè tè cùng cỏ may.

Vy trở về với một người đàn ông lạ. Họ rục rịch làm đám cưới. Những câu lượn vui vẻ quấn quýt. Vy nhìn thấy bóng Báo sang hộ cỗ bàn, mắt cô lướt nhanh qua như chưa từng quen biết. Câu hát quan làng ngoài cổng cất lên. Thằng Cư nốc cố chai rượu. Cái tay đeo sợi xích vàng của nó rung rung. Báo cũng thấy miệng mình đắng nghét. Chồng Vy là lái buôn trâu. Người ta bảo thế. Báo nhìn thằng Cư lải nhải, nhìn chai rượu lăn lóc trên bàn, nhìn cô dâu chú rể rót rượu hồng, người trong bản trầm trồ món sính lễ, anh bỏ về nhà. Mé không dám hỏi con trai một câu. Nỗi đau hiện cả trong đôi mắt của Báo. Anh vác dao quắm lên vai, nhằm hướng Khau Khiêu bước phăm phăm. Lửa cháy to lắm. Cả đồi Khau Khiêu, Diết Rì chả mấy chốc biến thành màu đen trong cái ngày cả bản vui đám cưới. Xác cây sim, guột bắt lửa đượm. Khi cánh thanh niên khoác tay nải, bao tải tìm vận may đổi đời ở bãi vàng thì Báo lại lên đồi. Tre ngả xuống làm bờ rào, gốc gai kim anh chạy thành hàng bên những rãnh hào sâu. Đất đai bấy lâu nay bỏ hoang. Báo gom hết lại trong vạt sắn, kẻ băng trồng chuối. Trên đỉnh đồi, keo mọc lên. Lấp đi vết cháy nham nhở, lấp đi những tháng ngày không còn được nghe Vy thủ thỉ: “Anh là đỉnh núi, còn em là mặt trăng”.

- Thằng Báo nó vục mặt vào đất mà chết mất thôi. Từ sáng đến tối cứ ở trên đồi. Thằng Cư mua hai xe máy rồi lớ.

- Ừ thì kệ. Mất con Vy, nó không điên là may lắm a.

Bỏ hết lời người ta nói. Báo giờ chỉ biết yêu cây. Như Cư yêu vàng. Như núi đợi trăng. Mầm xanh nhú lên được tí, là anh thở phào. Đàn gà, đàn lợn quấn ở chân. Mé thấy anh làm cũng ra phụ. Pá thấy anh đào ao cũng ham. Xắn quần đào hố đóng cọc, đổ xi măng làm ống cống. Ông nổi hứng lên ngân hàng vay tiền về cho con trai. Cầm món tiền từ tay pá - đôi tay lúc nào cũng thoảng mùi men, Báo xuống chợ mua cá về thả rồi chặt tre dựng luôn lán ở đồi Diết Rì. Ngày đàn trâu được bán, vợ chồng Vy lên tận lán gọi Báo cho xem trâu. Khi hai pá nói chuyện với chồng Vy, Vy kéo tay Báo giúi cho một sấp tiền:

- Anh cầm mua cái ăn cái mặc, trông không ra người ngợm nữa đâu!

Mùi nước hoa xực vào mũi Báo hăng hắc. Tay Vy mềm và trắng trẻo lướt nhẹ trên bờ vai trần. Báo kéo Vy lại gần. Vy nhắm mắt chờ đợi. Ăn vụng một lần, ai biết đấy là đâu? Người Vy hây hẩy thế. “Hai bàn tay trắng, anh có cái gì chưa?” Miệng Vy từng thốt ra lời ấy, giờ lại văng vẳng bên tai như tiếng ve sôi mùa hè. Báo buông lơi tay, bỏ ra ngoài, mặc cho Vy tròn mắt nhìn sấp tiền rơi xuống đất.

*

Báo càng ngày càng ít nói. Anh tự tay ra nải chuối, phơi sắn trên dạt nứa rồi lai ra chợ bán. Mỗi lứa gà, lứa lợn lang thả rông thu về những món tiền kha khá. Khi đã gom đủ tiền trả ngân hàng, anh chở pá xuống thành phố chơi. Pá mặc bộ quần áo mới. Tóc tai cắt gọn gàng, cả ngày tỉnh táo. Báo dẫn pá đi thăm mô hình trang trại điển hình đã được phát trên đài của tỉnh. Lúc ngang qua tiệm vàng, chần chừ một hồi lâu, anh bước vào lựa mua đôi bông tai vàng. Đàn chó thấy chủ về, chúng ùa từ lán ra nhảy bổ lên mừng. Mé đang ngồi với một cô gái lạ. Cô ta khóc sưng húp mắt. Báo định quay ra thì pá bảo:

- Mày đi đâu? Cơm đã!

Báo miễn cưỡng bước vào. Mâm cơm mé nấu toàn món ngon lành. Cô gái ăn nhỏ nhẹ. Báo lầm lũi không ngẩng đầu lên lấy một lần. Mé nay ra chợ phiên bán trứng. Trứng lăn lóc trên lớp lá cây. Đàn chó săn lùng chuột đem nghịch chứ không ăn. Rắn cũng sợ, chẳng dám bén mảng đến xơi trứng.

- Thắm nó lỡ làng, định nhảy hoằng Tả Lậc tự tử. Người ta kéo được nó lên. Tao dỗ mãi nó mới chịu về đây. Thôi thì ở bản nhiều miệng. Lên lán chờ ngày mẹ tròn con vuông rồi cho nó đi con ạ. Tối mày về nhà mà ngủ. Tao ngủ đây cho nó khỏi sợ.

Báo không nói gì. Năm ngoái mé cũng đưa về một cô lỡ dại, làm tội Vy giận Báo cả tháng trời. Cô ta ở được ba hôm thì ăn cắp tiền công Báo đi gặt thuê rồi trốn mất tích. Lần này, mé lại thế. Người ta thế nào thì kệ họ. Thế gian này biết đường nào mà lần. Báo về nhà ngủ mấy đêm, trên lán mất mười con gà mái ấp cùng toàn bộ ổ trứng. Trộm giẫm phải bẫy cắp anh đặt sát bờ rào, vết máu chạy ra đường mòn xuống bản Lủng Hai. Mấy hôm nay, cánh làm vàng về đông lắm. Chúng tụ tập ở nhà thằng Cư và thằng Danh. Nhiều nhà kêu mất của. Mé chửi đổng từ sáng đến trưa. Báo không nói gì. Anh lên Diết Rì tỉa cành keo, phạt guột. Cổ cháy khô. Anh xuống khe vục nước ở mỏ uống. Từ vách đá, nước rỉ ra trong vắt. Vào lán thì ngại. Từ ngày Vy đi lấy chồng, Báo lánh xa gái trong bản, lời họ nói như nước suối xối đầu vịt, tin làm gì nữa. Thắm nấu thêm cơm nắm đem đến đầu bãi sắn cho anh. Cô lặng lẽ làm việc này những lúc anh không để ý, đều đặn từ ngày mé anh lựa chỗ nương náu. Thường thì đất trời dài rộng, bước chân người ngắn hẹp. Thỉnh thoảng, anh chạm mặt cô ở lối lấy nước. Cô đem đồ đi giặt. Hai người chào nhau lí nhí trong cổ. Mé ốm. Báo đưa bà ra bệnh viện huyện. Một mình anh chạy đi chạy lại ba nơi: ra bệnh viện lo giấy tờ thủ tục, về nhà nấu cơm, lên Diết Rì chăm cây cối, vật nuôi. Pá đã hộ công việc đồng áng cho kịp mùa vụ. Lúc Báo lúi húi dọn sạch chuồng trâu, Thắm quẩn quanh ở cạnh mấy lần toan nói gì xong lại thôi. Cô ta chắc cũng ngại đàn ông như anh ngại đàn bà. Khi anh chuẩn bị đồ đạc mang cho mé, Thắm mạnh dạn bảo:

- Anh chở em ra đó với bá nhé!

Báo ngẩng đầu nhìn cô gái. Lần đầu tiên đứng gần nhau lâu thế. Mặt mày sáng sủa, còn vương nét ngây thơ, thoang thoảng buồn. Anh gật đầu. Cô ra đó ngày nào cũng đỡ lo. Ở trên lán vò võ cũng có ngày hóa đá như mình. Một lần đến bệnh viện, Báo trông thấy Thắm đang bóp chân tay cho mé. Việc này anh chưa từng làm. Mé trông tươi tỉnh hẳn ra. Thắm kể chuyện gì đó rất vui. Mé lắng nghe rất chăm chú. Cái bụng của Thắm lùm lùm trong chiếc áo rộng, dựa cả vào người mé. Người ngoài trông vào tưởng như hai mẹ con. Báo chọn cho mình chiếc ghế băng ở ngoài cửa. Trên đời này người tốt vốn hiếm hoi. Nhan sắc người đàn bà chết mòn sau lời hứa của đàn ông.

Vy lại đến lán của Báo. Không phải đem cho anh niềm vui như mọi khi. Vy đến chửi anh. Cô đem nỗi giận vô cớ đổ lên đầu những người hàng xóm từng tối lửa tắt đèn. Mé không kịp đỡ một câu. Vy nói to đủ để Báo ở dưới khe đồi nghe thấy. Lời sắc như lá khem cứa, ngứa như vỏ cây xạ cài. Anh không đáp lại nhưng nóng mặt lắm rồi. Vy quay sang Thắm. Đổ cho cô tội bỏ bùa mê hoặc Báo, ngon ngọt với mé hòng tìm một danh phận. Báo leo lên dốc. Bước chân phăm phăm muốn giẫm bẹp những câu nguyền rủa kia. Sao ngày xưa anh không nghe ra? Có phải Vy làm con ma gà che mờ mắt anh? Cái tay cầm dao quắm chặt đến nỗi các khớp xương kêu rắc rắc. Hai mắt đỏ ngầu. Báo tiến đến sát đôi môi mọng. Vy lùi lại, khép nép như cỏ dại nhường lối cho cây trồng. Nắm lấy tay Vy lôi sát ngực, anh gằn giọng:

- Con của tôi nó bảo với pá nó rằng: tha thứ cho kẻ nào làm mé nó khóc là tội lớn nhất. Biến!

Đoạn tiến đến gần Thắm, Báo lấy trong túi đôi bông vàng đeo vào tai cho cô rồi dắt vào trong lán, mặc cho Vy gào khóc, nguyền rủa, mặc cho mé tìm lời can ngăn.

Trời không cho bạc, đất không cho vàng, chỉ bàn tay hứng giọt mồ hôi rơi xuống gốc cây mới đón được ngày hái quả. Mấy năm sau, Báo bán nông lâm sản thu được tiền trăm triệu. Đài, báo về tận Diết Rì chụp ảnh, lấy tin. Pá tỉnh hơn bao giờ hết, kể chuyện oang oang. Người ở bản Lủng Hai học theo Báo, lên đồi trọc khoanh đất, làm trang trại, trồng cây che phủ. Nhà nước hỗ trợ vốn. Kiểm lâm động viên, chỉ cách chống cháy rừng. Nhiều thanh niên quay về quê, không đi làm thuê nữa. Tiền từ cây, từ tay mà ra. Khi Thắm mang bầu đứa con thứ hai, Báo phải thuê người làm. Ông Đăng làm ngựa cho thằng cháu cưỡi, cười rung nhà sàn. Mé anh khỏe ra nhiều. Bà thương Thắm hơn những ngày đen tối cô vừa đến mảnh đất này.

Hôm nay, Báo đi ra xã nhận lại hai con trâu bị đánh cắp. Cả bản mất ba con trâu, hai xe máy. Thằng Danh bị công an còng tay giải đi. Lúc bước lên xe bịt bùng, nó nhận ăn cắp gà ở lán của Báo. Nó nói với, xin anh tha thứ và chăm sóc mé nó giùm. Người đàn bà tội nghiệp khóc ướt hai vạt áo chàm. Lập cập vái người trong bản nhận tội thay thằng con nghiện ngập gây ra rồi tay nải khoác vai, ra đường cái vẫy xe đi nhờ xuống thị trấn chăm Vy bị chồng đánh nhập viện. Báo chỉ kịp đưa cho bà mấy đồng. Anh thấy tội nghiệp cho Vy. Có thể trong sâu thẳm người đàn bà ấy, anh vẫn còn tồn tại nên cô ta mới ghen. Thằng Cư lẩn vào đám đông, tắt sang con đường lên Diết Rì tìm cho mình một góc đợi Báo đến. Nó bảo:

- Trước sau gì cũng chết nên tao quay lại Ngân Sơn chết với hầm đào vàng. Mày tìm thời cơ nói cho bà nội tao biết đến bản Lằng nhận vợ con tao. Số vàng này chưa đủ một tháng chơi thuốc, mày giữ hộ. Nếu tao đưa cho bà nội, có ngày tao ác hơn chồng con Vy đấy. Con Vy thế là khổ cả đời. Nó làm khổ cả tình cảm tao dành cho nó, Báo à. Nếu nó lấy mày, tao đau nhưng không đến nỗi này. Nó bảo kiếm bông tai vàng. Tao kiếm bông tai vàng. Nó đòi vòng vàng. Tao có hết. Nó đi lấy thằng mặt rỗ, nói chuyện bằng nắm đấm. Mà sao tao ngu thế kia chứ? Vàng sao đủ lấp đầy một cái hang núi? Tao căm hận con đàn bà ích kỉ, tham lam.

Cư bưng mặt khóc rưng rức. Nó sợ ngồi trên xe bịt bùng như thằng Danh. Thì ra, thằng Cư vì không lấy được Vy nên mới cho thằng Danh biết mùi đời. Dáng dúm dó của nó khuất sau hàng thông xanh, rậm rạp. Báo nghĩ đến pá mé nó đã ngủ yên bên kia sườn Khau Khiêu vì ma túy, để lại nó ngơ ngác trên lưng bà nội. Báo thở dài trông xuống bản Lủng Hai. Khói bếp đã bốc lên, vờn cùng mây núi. Thắm đã chuẩn bị bữa tối đợi chồng về. Bầu trời bao la quá, nhưng anh ở nhà thôi, bám quê mà sống, như cái cây bám đất, như miệng núi ngậm vàng, chỉ có điều, rễ cây ngắn, rễ người dài.

Hoàng Thị Hiền | Báo Văn nghệ

-----------

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc truyện: Phong lan của núi rừng. Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung Mađagui. Truyện ngắn dự thi của nhà văn Hà Đình Cẩn Đọc truyện: Ngày biển động . Truyện ngắn dự thi của Lê Sơn Những ngôi sao xô lệch. Truyện ngắn dự thi của Minh Vũ Đọc truyện: Những ngôi sao xô lệch. Truyện ngắn dự thi của Minh Vũ
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn