Diễn đàn lý luận

Văn học trẻ Việt Nam thiếu gì, có gì và cần gì?

Hà Thanh Vân
Lý luận phê bình
05:00 | 18/10/2024
Baovannghe.vn - Hội Nhà văn TPHCM tổ chức Hội nghị những người viết trẻ lần V - 2024 với nhiều hoạt động sôi nổi trong suốt ba ngày. Sau bảy năm, câu hỏi đặt ra vẫn là những người viết trẻ đang thiếu gì, có gì và cần gì
aa

Đây là câu hỏi không chỉ riêng cho những người viết trẻ ở TPHCM mà còn là câu hỏi ở phạm vi cả nước.

Văn học trẻ Việt Nam thiếu gì, có gì và cần gì?
Đại biểu dự Hội nghị Những người viết trẻ lần thứ V - 2024. Ảnh: Huy Sơn.

Những điều còn thiếu nhìn từ phía Hội Nhà văn

Hiện nay, dù là Hội Nhà văn Việt Nam hay hội nhà văn địa phương, đều có một vấn đề là thiếu hụt các tác giả trẻ. Những con số thống kê gần đây cho thấy: Hội Nhà văn TPHCM dù liên tiếp kết nạp tác giả trẻ, nhưng tỉ lệ dưới 50 tuổi chỉ là 9%. Còn Hội Nhà văn Hà Nội thì tỉ lệ tác giả trẻ dưới 40 tuổi là 6%. Còn theo thống kê của Hội Nhà văn Việt Nam, tỉ lệ hội viên trẻ trong Hội (tính đến tuổi 40) chỉ xấp xỉ 4%, còn nếu từ 35 tuổi trở xuống, con số này chỉ vào khoảng 1,7%. Bên ngoài có nhiều tác giả trẻ viết văn, tác phẩm bán chạy, nhưng họ chưa tham gia vào Hội Nhà văn. Trong khi Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn TPHCM đều có Ban Nhà văn trẻ, có giải thưởng cho tác giả trẻ, nhưng dường như các tác giả trẻ tự thấy việc vào Hội cũng không ảnh hưởng gì đến công việc sáng tác của họ.

Tôi cho rằng việc phát triển hội viên trẻ cần có sự thay đổi trong những hoạt động của Hội Nhà văn để thu hút các tác giả trẻ, mang chiều hướng thực tế hơn: Vận động việc xã hội hóa để tài trợ sáng tác cho các tác giả trẻ, thường xuyên mở các trại sáng tác cho các tác giả trẻ, thậm chí mở các khóa dạy sáng tác cho người viết trẻ, kêu gọi các mạnh thường quân yêu văn chương giúp đỡ vật chất, tạo điều kiện cho người sáng tác trẻ… Về mặt cơ chế, thì tác giả có thể đăng ký và Ban Nhà văn trẻ cùng với lãnh đạo Hội Nhà văn xét duyệt một cách công tâm.

Mạng xã hội - sân chơi của người viết trẻ

Trong thời đại ngày nay, sân chơi của các tác giả trẻ đã khác xưa. Cùng với sự phát triển của các phương tiện công nghệ hiện đại, mà mạng Internet là rõ thấy nhất, các tác giả trẻ có một kênh để sáng tác và quảng bá hiệu quả, thu hút đông đảo độc giả. Ngoài việc phổ biến sách in giấy theo kiểu truyền thống, trên báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng, thì ngày nay, các trang mạng xã hội và sự kết nối online của thời đại 4.0 đã trở thành nơi mà tiếng nói và cá nhân tác giả trở nên rõ nét hơn bao giờ hết, thể hiện rõ con người và tác phẩm của tác giả.

Do vậy, Internet xét theo khía cạnh tích cực là nơi có nhiều tiện lợi đối với người viết trẻ. Internet là cách thức nhanh nhất, đơn giản nhất, tiện lợi nhất để xuất bản tác phẩm văn chương và cũng là nơi nhanh nhất để độc giả tiếp cận với những sáng tác của tác giả trẻ, thay vì những cuốn sách giấy in theo kiểu truyền thống. Tác giả trẻ ngày nay có thể dễ dàng tiếp cận với những giá trị văn hóa và kiến thức văn chương được truyền tải rộng rãi trên Internet. Với Internet, tác giả trẻ có thể cập nhật nhanh chóng, dễ dàng, chỉ trong giây lát sau khi sự kiện đó xảy ra, từ đó tác động trực tiếp đến nội dung sáng tác của các tác giả trẻ, giúp họ nhạy bén, thực tế hơn trong các đề tài sáng tác. Người tham gia Internet có thể đến từ nhiều vùng miền, quốc tịch khác nhau, trình độ văn hóa khác nhau, nhưng họ có thể có chung mối quan tâm đến những vấn đề văn chương, và gặp gỡ trên mạng để thảo luận, trao đổi, qua đó có thể học hỏi, hiểu biết thêm về tri thức văn chương của nhau. Tác phẩm văn chương trên mạng là công khai, là nguồn tri thức chung mà ai cũng có thể tiếp cận, tất nhiên là sau khi đã chọn lọc, gạn đục khơi trong. Mọi độc giả trẻ đều có thể tiếp nhận tác phẩm văn chương với tâm thế bình đẳng như nhau và với những quan điểm khác nhau.

Nhờ vào sự phát triển của mạng xã hội, độc giả ngày nay có thể trực tiếp giao lưu chuyện trò với nhà văn, tiếp nhận phản hồi của nhà văn với ý kiến đóng góp của mình, cũng trực tiếp thấy được chân dung sống động của nhà văn, điều mà ngày xưa không thể có. Chính vì thế đời sống văn học mang nhiều màu sắc sinh động hơn, thực tế hơn. Không gian sáng tạo của các tác giả văn học trẻ được mở rộng có thể nói là không giới hạn. Không chỉ là không gian cụ thể trong tác phẩm của các tác giả, mà còn là không gian của ngôn ngữ. Ngôn ngữ trên mạng là một cơ hội cho các nhà văn thể nghiệm và ngôn ngữ này có thể thay đổi rất nhanh nhạy theo thị hiếu của người đọc.

Tuy nhiên, không gian rộng mở của Internet cũng giống như một con dao hai lưỡi. Trong một thế giới tưởng là ảo mà không ảo, khi mà mỗi ngày, mỗi giờ, lượng thông tin mới ập đến nhanh chóng như vũ bão, những sáng tác của các nhà văn cũng sẽ rất nhanh lướt qua mắt người đọc rồi trôi vào quên lãng. Thế nên nhiều nhà văn lại chọn một con đường khác để nổi tiếng. Con đường khác ở đây là nhắm đến yếu tố câu khách bằng những ngôn ngữ gây sốc, bằng cách viết chiều theo ý độc giả, bằng cách xây dựng những chi tiết, tình tiết vô lý, miễn làm hài lòng người đọc, hay thậm chí viết hời hợt, dễ dãi, kiểu thông tin báo chí. Do vậy, một nhận thức và tâm thế tiếp nhận tỉnh táo, khách quan là rất cần thiết cho các tác giả trẻ.

Những chủ đề văn chương mà các tác giả trẻ hiện nay đang hướng đến

Những tác giả trẻ sẵn sàng dấn thân vào những đề tài nóng: những vấn đề tiêu cực của xã hội hiện tại, vấn đề giới tính, tình dục, vấn đề dịch bệnh… với ngôn ngữ hiện đại và hậu hiện đại, sắc sảo và cái nhìn rất riêng của thế hệ trẻ, đồng thời tốc độ sáng tác cũng rất nhanh. Thậm chí họ dấn thân cả vào những đề tài mà xưa nay ít nhà văn Việt Nam sáng tác như fantasy (kỳ ảo), kinh dị, trinh thám… Sự dấn thân này cho chúng ta có quyền hy vọng vào một thế hệ thành công tiếp theo của văn chương Việt. Bên cạnh đó vẫn có một bộ phận tác giả trẻ sáng tác theo kiểu truyền thống, ngôn ngữ, phong cách sáng tác ít thay đổi so với các thế hệ trước. Đây là điều bình thường và càng cho thấy sự phong phú đa dạng của các khuynh hướng sáng tác và chính sự đa dạng phong phú này đã đáp ứng và thỏa mãn được nhu cầu đọc của mọi tầng lớp độc giả. Các tác giả trẻ bây giờ thực tế hơn xưa. Với họ, văn chương là một phương tiện, nghề nghiệp và dĩ nhiên cũng là sở thích. Nhưng văn chương cũng là cách thức để họ kiếm sống, mang lại danh tiếng cho họ và do vậy, việc viết để phục vụ cho thị hiếu của số đông công chúng là điều đương nhiên. Công chúng có nhiều tầng lớp, nhiều trình độ tiếp nhận văn chương và việc nhà văn viết cho nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp khác nhau là hết sức bình thường. Không có văn chương dành cho tầng lớp cao hay tầng lớp thấp, văn chương dành cho số đông đại chúng hay cho số ít tinh hoa, mà chỉ có sáng tác hay hoặc dở mà thôi.

Văn chương trẻ luôn và sẽ là một trong những dòng chảy mang tính chủ lưu trong văn học Việt thời gian tới. Một nền văn chương cởi mở, chấp nhận những khuynh hướng mới và trẻ trung, cần phải đáp ứng các tiêu chí sau để duy trì việc sáng tạo văn chương của người trẻ: Trình độ đọc, nhận thức ứng xử của tác giả trẻ và độc giả phải được nâng cao, kèm theo đó là một tư duy rộng mở, văn minh, biết chấp nhận những gì khác biệt so với chuẩn mực của cá nhân mình. Mà một nền văn chương trẻ, cởi mở cũng phải là một nền văn chương có sự giao lưu, kết nối với những nền văn chương khác bên ngoài nước để hiểu biết thêm và học hỏi những gì mới mẻ từ thế giới bên ngoài. Mặt khác mỗi tác giả trẻ và độc giả hãy là người trách nhiệm với chính mình và với cộng đồng. Mỗi tác giả trẻ khi sáng tác nên hiểu về trách nhiệm của bản thân để thận trọng viết ra những câu chữ và mỗi độc giả nên là người đọc đồng cảm và khoan dung.

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

“Chút tấm lòng” Thi đua - Khen thưởng: Tạo hiệu ứng lan tỏa trong đời sống xã hội Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Sớm xây dựng “Thủ đô ta” trở thành “Thủ đô xã hội chủ nghĩa” hình mẫu trên thế giới Laptop, tiểu học và nỗi lo lớn của xã hội Đọc truyện: Mây trôi rừng chiều. Truyện ngắn dự thi của Bùi Tuấn Minh
Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) sẽ công diễn vở "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" vào ngày 24/10 do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn.
"Cu li không bao giờ khóc" giành giải  FIPRESCI  - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

"Cu li không bao giờ khóc" giành giải FIPRESCI - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

Baovannghe.vn - Sau chiến thắng tại Liên hoan, Phim Cu li không bao giờ khóc cũng đã được ấn định lịch phát hành tại Việt Nam vào ngày 15/11 tới.
Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Baovannghe.vn - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh, trong đó có quy định rõ về các đối tượng được tuyển thẳng, được hưởng ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10
Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Baovannghe.vn- Ngày 22.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo , dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027.