Hoạt hình là một thể loại đặc biệt của điện ảnh. Sức hấp dẫn của phim hoạt hình nằm trong chính thế giới mà nghệ thuật hoạt hình tạo ra. Với phim hoạt hình Việt Nam, một trong những yếu tố tạo nên vẻ đẹp, sự hấp dẫn là ở tính dân gian, dân tộc được thể hiện trong các bộ phim. Được coi là mảnh đất màu mỡ, tính dân gian là chất liệu khai thác về mặt nội dung và cũng là niềm cảm hứng để người nghệ sĩ mặc sức sáng tạo, thể hiện qua hình thức của bộ phim.
Dưới sự sáng tạo của các nhà làm phim, mỗi bộ phim hoạt hình có một thế giới riêng, trong đó nhân vật có đời sống và các mối quan hệ mang đậm chất hoạt hình. Ở tác phẩm văn học dân gian, các câu chuyện được sự sáng tạo và tưởng tượng bởi quần chúng nhân dân lao động, rất phù hợp với thế giới của hoạt hình. Nhờ đó, các nhà làm phim có thể đem thế giới của những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, sự tích… vào trong tác phẩm của mình một cách thuận lợi. Bằng các thủ pháp nghệ thuật, người nghệ sĩ chỉ cần thể hiện tốt các câu chuyện dân gian chứa đựng những sáng tạo về cốt truyện, xung đột, kịch tính, sự biến ảo, phép màu, những điều thần kỳ, màu nhiệm… bộ phim hoạt hình đã có được sức hấp dẫn với khán giả. Chuyện Ông Gióng, Cây tre trăm đốt, Âu Cơ – Lạc Long Quân, Trường ca Đam San, Dũng sĩ Đam dông…là một vài trong số lượng lớn phim khai thác đề tài dân gian của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Có thể nói, việc khai thác yếu tố dân gian của Hãng đã thành công và để lại dấu ấn trong lòng khán giả nhiều thế hệ. Ở thời điểm hiện tại, các nhà làm phim vẫn coi kho tàng dân gian là nguồn chất liệu vô cùng phong phú để khai thác. Hàng loạt các bộ phim về đề tài dân gian được Hãng tiếp tục sản xuất trong thời gian gần đây như: Sự tích Hồ Ba bể, Huyền thoại Hồ Núi Cốc, Truyền thuyết thác Pongour, Sự tích Đền Bạch Mã, Sự tích đền Voi phục; Sự tích cây Nêu ngày Tết… đều được khán giả chào đón nhiệt tình.
Cảnh trong phim Chú gà đất (ảnh: Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) |
Không chỉ chuyển thể các truyện dân gian thành phim hoạt hình, các nhà làm phim còn khai thác các câu chuyện phóng tác dựa nguồn chất liệu dân gian như: Truyền thuyết Hoa hướng dương, Sự tích hoa Phượng, Sự tích cốm làng Vòng, Cái đuôi của cậu Ấm… Nhiều nghệ sĩ còn sáng tạo các chuyện phim từ một tứ thơ trong kho tàng ca dao, tục ngữ, dân ca hoặc xây dựng câu chuyện dựa trên những nét hoa văn độc đáo trong trang phục dân tộc như phim Truyền thuyết chiếc khăn Piêu – bộ phim giải thích sự ra đời các hoa văn trên chiếc khăn piêu; phim Truyền nhân nhỏ tuổi – câu chuyện người nghệ sĩ nhí yêu thích nghệ thuật gốm Bàu Trúc, Chú gà đất – thế giới các con vật lấy cảm hứng từ tranh Đông Hồ, gốm Bát Tràng… Độc đáo hơn, các nhà làm phim còn tạo ra những series phim hoạt hình dựa trên những nhân vật dân gian như “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” (Alpha Studio). Với sự giàu có về ý tưởng, chất liệu, màu sắc của văn hóa truyền thống, yếu tố dân gian không những đóng vai trò là nội dung mà còn là chất xúc tác, tiếp thêm cảm hứng cho người nghệ sĩ hoạt hình bay bổng, thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật, tạo được những bộ phim giàu bản sắc dân tộc, mang lại nét độc đáo riêng chỉ có ở phim hoạt hình Việt Nam.
Ngoài mặt nội dung, tính dân gian trong phim hoạt hình Việt Nam còn nằm ở hình thức thể hiện, qua phong cách tạo hình nhân vật, bối cảnh, không gian, màu sắc, chất liệu, lời thoại, âm nhạc… Với phong cách tạo hình tượng trưng, ước lệ nhiều bộ phim hoạt hình có ảnh hưởng rõ nét từ các dòng tranh dân gian. Các bộ nhân vật trong các phim nổi tiếng như Chuyện Ông Gióng, Trê Cóc, Thạch Sanh, Cây tre trăm đốt… được thể hiện sinh động, nhiều nét dí dỏm, hài hước đậm nét tranh dân gian Hàng Trống, Tranh Đông Hồ… Gần đây, những bộ phim hoạt hình vẫn tiếp tục khai thác các nét dân gian trong phong cách tạo hình như phim: Chú gà đất; Đeo lục lạc cho Mèo, Sự tích Cây Nêu ngày Tết; Sự tích hoa thiên điểu; Cái đuôi của cậu Ấm; Dưới mái thủy đình…
Bên cạnh tạo hình nhân vật, việc tạo dựng bối cảnh, không gian, thời gian cũng là điểm nổi bật thể hiện rõ tính dân gian. Nhiều bộ phim khai thác các bối cảnh, không gian đặc trưng của đồng ruộng, làng quê, nông thôn Việt Nam với cánh đồng, đàn cò trắng, dòng sông, bến đò, triền đê… với các gam màu sắc tươi tắn, trong trẻo, tạo cảm giác giản dị, mộc mạc, thấm đẫm hồn dân tộc.
Không chỉ với các bộ phim hoạt hình có đề tài, nội dung mang yếu tố dân gian phong cách thể hiện mới đậm chất dân gian. Rất nhiều phim với các đề tài và nội dung khác nhau như các phim lịch sử, đồng thoại, ngụ ngôn, cuộc sống hiện đại… ít nhiều vẫn thể hiện tính dân gian trong phong cách tạo hình, bối cảnh, màu sắc và chất liệu như các phim: Khoảng trời; Dưới mái thủy đình; Nguồn cội; Trần Quốc Toản; Cậu bé cờ lau; Người thày của muôn đời…
Về âm nhạc, nhiều bộ phim hoạt hình rất thành công khi đưa âm hưởng của âm nhạc dân gian vào trong phim, góp phần tạo nên những nét hấp dẫn qua các làn điệu mang đậm chất dân ca, các bài hát đồng dao… đặc trưng vùng dân tộc miền núi phía bắc như Sự tích Đảo Bà, Huyền thoại Hồ Núi Cốc, âm hưởng Tây nguyên như Truyền thuyết Thác Pongour; Sự tích Hoa thiên điểu hay các vùng dân tộc Chăm như Truyền nhân nhỏ tuổi…
Nhìn chung, nhờ yếu tố dân gian, về mặt hình thức, phim hoạt hình Việt Nam tạo được những nét độc đáo, khẳng định rõ bản sắc khi đứng cạnh những nền hoạt hình của các nước khác trong khu vực và thế giới.
Phim Trần Quốc Toản (ảnh: Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) |
Yếu tố dân gian thể hiện rõ trong đề tài, nội dung và phong cách thể hiện của phim hoạt hình Việt Nam. Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian và lịch sử, quan niệm nhận thức và thẩm mỹ của chúng ta luôn có sự vận động, thay đổi. Chính vì vậy, việc kế thừa và phát huy các yếu tố dân gian trong phim hoạt hình Việt Nam cũng có sự cách tân đổi mới. Khai thác các yếu tố nội dung, ngoài yêu cầu bảo tồn được các nét đời sống, cách nghĩ, các hành xử, quan niệm, suy nghĩ… đặc trưng của người Việt, các nhà làm phim cần phải có các sáng tạo hài hòa để phù hợp với sự phát triển của đời sống hiện tại. Cần có những sáng tạo về mặt câu chuyện, cách suy nghĩ, hành xử của nhân vật để tăng thêm tính tích cực, lạc quan, đem lại những giá trị sâu sắc hơn với thời đại. Trong các cuộc chiến đấu giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa phe thiện và ác, cái thiện vẫn giành chiến thắng, nhưng để đạt được điều đó, nhân vật phải nỗ lực hết mình, phấn đấu vượt qua thử thách, tự mình làm nên điều kỳ diệu, thay vì chỉ ngồi, khóc và bụt hiện lên như trong một số câu chuyện cổ tích. Điều này thể hiện rõ nét trong các phim như Sự tích Đảo Bà; Huyền thoại Hồ Núi Cốc, Huyền thoại Mắt biển… Hoặc sáng tạo hơn, các nhà làm phim còn xây dựng các series phim về nhân vật dân gian với các trải nghiệm của cuộc sống hiện thực để làm tươi mới hơn nội dung truyền thống. Ngoài việc làm mới về mặt nội dung, phong cách thể hiện cũng được các nhà làm phim tìm tòi, thể nghiệm qua các chất liệu, màu sắc, âm nhạc trong phim, để tạo nên một sự giao thoa giữa nét truyền thông và hiện đại, góp phần giúp khán giả tiếp cận và thẩm thấu những giá trị dân gian một cách trọn vẹn và cuốn hút hơn. Câu chuyện về những trăn trở của các nghệ nhân rối nước trong bộ phim Dưới mái thủy đình thể hiện rất rõ nét điều này trong cả nội dung và hình thức của bộ phim. Đó cũng chính là tâm huyết của người nghệ sĩ hoạt hình đau đáu với với việc đưa tính dân gian vào trong tác phẩm của mình.
Với lợi thế được kế thừa kho tàng dân gian với nhiều mảng như văn học, hội họa, âm nhạc, kiến trúc… các nhà làm phim hoạt hình đã và đang sở hữu một bệ phóng giàu tiềm năng để thăng hoa cảm xúc và tài năng, làm nên nhiều tác phẩm có giá trị, khẳng định được bản sắc của phim hoạt hình Việt Nam trong nền điện ảnh hoạt hình.
Phạm Thanh Hà | Báo Văn nghệ