Sáng tác

Annie Ernaux và hành trình tìm tự do qua văn chương

Bùi Tùng Linh
Văn học nước ngoài
10:00 | 31/03/2025
Baovannghe.vn - Hành trình sáng tác của Annie Ernaux minh chứng mạnh mẽ cho ý nghĩa của “viết để tự do”: tự do để nói lên tiếng nói của mình, tự do để bảo vệ kí ức chân thật...
aa

Annie Ernaux(sinh năm 1940) là một trong những nhà văn quan trọng nhất của văn học Pháp đương đại. Năm 2022, bà được trao giải Nobel văn chương nhờ “sự can đảm và sự sắc sảo mang tính lâm sàng trong việc khám phá cội rễ, sự ghẻ lạnh và những kiềm tỏa tập thể của kí ức cá nhân”​. Được biết đến với các tác phẩm phần lớn mang tính tự truyện​, Ernaux đã biến chính cuộc đời mình thành chất liệu văn chương, phân tích bản thân từ mọi khía cạnh, bà dùng ngòi bút để giải phóng kí ức và thân phận mình khỏi những ràng buộc cá nhân và xã hội. Văn chương của bà không dừng lại ở việc ghi chép những kí ức cá nhân, mà còn là một công cụ mạnh mẽ để phân tích xã hội, phơi bày những cấu trúc quyền lực và sự bất công mà con người phải đối mặt.

Viết để chống lại sự lãng quên

Annie Ernaux và hành trình tìm tự do qua văn chương
Nhà văn Annie Ernaux

Câu mở đầu trong tác phẩm Les Années (Những tháng năm, 2008) của Ernaux là: “Mọi hình ảnh sẽ biến mất.” Tuyên ngôn này phản ánh nỗi ám ảnh của bà về sự trôi qua của thời gian và tính vô thường của kí ức. Đối diện với nguy cơ bị quên lãng, Ernaux chọn cách ghi lại tất cả - qua nhật kí, ảnh chụp, phim tư liệu - như một cách thức kháng cự. Với bà, viết không chỉ là phương tiện biểu đạt mà còn là hành động bảo tồn kí ức, một dạng lưu trữ cá nhân chống lại sự xóa nhòa của lịch sử.

Ngay từ đầu sự nghiệp, Annie Ernaux đã tập trung viết tự truyện. Bà quan niệm rằng việc viết về bản thân không phải để tôn vinh “cái tôi” mà để nói lên sự thật của trải nghiệm cá nhân trong bối cảnh xã hội rộng lớn. Ernaux chủ trương loại bỏ mọi tô vẽ hư cấu khi viết về đời mình. Bà từng coi việc hư cấu hóa nguồn gốc giai cấp là một sự “phản bội” đối với gia đình và tầng lớp của mình​. Tác phẩm của bà nằm ở giao điểm giữa văn chương, xã hội học và lịch sử​. Bằng cách “viết giản dị về trải nghiệm của chính mình”, bà muốn đưa vào văn chương tiếng nói tập thể của tầng lớp lao động Pháp​ - những con người mà đời sống thường ngày từng bị văn học bỏ quên. Việc Ernaux lớn lên trong một gia đình lao động và sau này bước vào thế giới trung lưu học thuật đã khiến bà nhận ra khoảng trống trong văn chương: “Cuộc sống hằng ngày của tôi không hề được tái hiện trong nền văn chương (Pháp) mà tôi học và đọc.”​ Thế nên, bà xem viết tự truyện như một sứ mệnh trao tiếng nói cho những trải nghiệm bị bên lề. Lựa chọn này xuất phát từ ý thức rằng văn chương không nên làm “đẹp” hay “bi kịch hóa” đời sống tầng lớp lao động chỉ để chiều theo nhãn quan độc giả trung lưu. Ngược lại, Ernaux theo đuổi một lối viết trung tính, thẳng thắn như “một vũ khí chiến đấu” cho sự thật trần trụi. Bà phát triển phong cách “l’écriture plate” - “lối viết phẳng” - có phần khô khan, phi trau chuốt, nhằm tái hiện chính xác thực tại. Trong La Place (Một chỗ trong đời, 1983), tác phẩm viết về người cha lao động của mình,Ernaux giải thích: “Lối viết trung tính này đến với tôi một cách tự nhiên, đó chính là phong cách mà tôi vẫn dùng khi viết thư về cho cha mẹ kể những tin tức mới nhất.”​ Sự giản dị đến mức “gọt sạch” mọi hoa mĩ​ ấy thể hiện nỗ lực của Ernauxmuốn chuyển tải đời thực như vốn có, không uốn nắn theo khuôn mẫu thông thường. Có thể nói, Ernauxviết về mình không phải để phô bày cá nhân một cách vị kỉ, mà là hành động đấu tranh dũng cảm: đấu tranh chống lại sự quên lãng.

Ernauxnhiều lần nhắc đến sứ mạng văn chương để giải phóng kí ức bị kiềm tỏa và vượt qua sự im lặng mà hoàn cảnh áp đặt. Bà sử dụng chính cuộc đời mình làm “chứng liệu sống” nhằm tháo gỡ cảm giác ghẻ lạnh, lạc lõng do khác biệt giai tầng và giới tính gây ra. Chẳng hạn, trong cuốn Une femme (Người đàn bà, 1988) viết về mẹ,Ernauxkhẳng định: “Đây không phải tiểu sử, dĩ nhiên cũng không phải tiểu thuyết… Mẹ tôi, sinh ra trong một tầng lớp bị trị mà bà đã muốn thoát khỏi, phải trở thành lịch sử, để tôi bớt cảm thấy cô độc và giả tạo trong thế giới thượng lưu của chữ nghĩa và ý tưởng, nơi mà theo ước nguyện của bà, tôi đã bước vào.”​​ Việc “biến mẹ thành lịch sử” cũng chính là biến nguồn cội của mình thành một phần của câu chuyện chung, qua đóErnaux giải phóng bản thân khỏi cảm giác lạc lõng khi bước chân vào thế giới học thuật thống trị bởi tầng lớp trên.

Tương tự, trong L’Événement (Hồi cố, 2000) kể lại trải nghiệm phá thai bất hợp pháp thời trẻ, Ernaux viết: “Có lẽ mục đích thật sự của đời tôi là để thân thể, cảm giác và tư tưởng của mình thành văn chương, tức thành thứ gì đó có thể hiểu được và mang tính phổ quát, khiến cho sự hiện hữu của tôi hòa lẫn vào cuộc sống và tâm trí của người khác.”​ Những lời này cho thấy, bà xem việc viết ra trải nghiệm riêng tư nhất như một cách để thoát khỏi sự khép kín của cái tôi, giải phóng bản thân khỏi tính đơn nhất và là một phương thức kiến tạo lịch sử tập thể. Viết, với Ernaux, trở thành hành động vươn tới tự do.

Viết để định hình bản sắc

Trong tác phẩm Soi-même comme un autre (Chính mình như một người khác, 1990),Paul Ricœur phát triển khái niệm “nhận dạng tự sự” (identité narrative), ông cho rằng cá nhân xây dựng định hình bản sắc của mình thông qua việc kể và diễn giải các câu chuyện cuộc đời mình. Theo Ricœur, quá trình ghi nhớ không đơn thuần là một hành vi cá nhân mà mang tính xã hội. Les Années, là một ví dụ tiêu biểu, cuốn sách dày chỉ hơn 100 trang nhưng lại là một “biên niên sử đồ sộ về lịch sử xã hội Pháp thế kỉ XX khúc xạ qua cuộc đời của một người phụ nữ”​. Ernaux không chỉ kể lại cuộc đời bà mà còn phản chiếu cả lịch sử xã hội Pháp thế kỉ XX. Chính điều này đã làm văn chương của Ernaux trở nên độc đáo khi bà dung hợp trải nghiệm cá nhân với bối cảnh lịch sử - xã hội, tạo thành một dạng “tự truyện tập thể”, để cái tôi cá nhân hòa quyện với kí ức tập thể.

Để đạt được hiệu ứng “vừa chủ quan vừa vô ngã, vừa riêng tư lại vừa tập thể”​,Ernaux đã lựa chọn hình thức trần thuật phi truyền thống. Bà gần như không dùng ngôi “tôi” trong tác phẩm này; thay vào đó, câu chuyện được kể bằng ngôi “chúng ta” hoặc đại từ “ta”. Nhân vật “Ernaux” không xuất hiện với tên riêng, mà ẩn sau danh xưng số nhiều - đại diện cho cả một thế hệ. Đây chính là tự truyện phi ngôi thứ nhất nhằm nhấn mạnh tính phi cá nhân hóa của kí ức: “cái tôi” trong Les Années thực chất là một “chúng ta” rộng lớn​. Thông qua chiến lược này, kí ức của riêng bà - từ những biến cố gia đình đến các mảnh đời thường nhật - hòa quyện cùng kí ức tập thể về thời cuộc, biến động xã hội (hậu chiến, phong trào nữ quyền, văn hóa đại chúng qua các thập niên...). Kết quả là tác phẩm vượt khỏi khuôn khổ hồi kí thông thường để trở thành một dạng “nhật kí công cộng” của cả cộng đồng​. Có thể nói, vớiErnaux, nhớ lại chuyện đời mình đồng thời là nhớ cho cả người khác, ghi lại những hình ảnh và trải nghiệm chung trước khi chúng “biến mất” theo dòng thời gian​. Kí ức cá nhân vì thế được tái hiện như một phần của bức tranh xã hội rộng lớn - vừa cụ thể vừa khách quan hơn, giúp người đọc tìm thấy sự đồng cảm từ câu chuyện đời tư.

Khi biến bản thân thành nhân vật, Ernaux rất ý thức về khoảng cách giữa “cái tôi” người kể và “cái tôi” được kể. Bà thường xuyên đặt mình vào vị trí nhà quan sát đối với chính quá khứ của mình như một sử gia quan sát một nhân vật trong quá khứ​. Chẳng hạn, trong Mémoire de fille (Hồi ức thiếu nữ, 2016),Ernaux thuật lại trải nghiệm tình dục đầu đời năm 1958 nhưng không xưng “tôi” cho cô gái trẻ năm ấy, thay vào đó bà gọi thiếu nữ ấy là “elle” (“cô ta”) hoặc “la fille de 58” (“cô gái năm 58”). Cách dùng ngôi thứ ba để nói về bản thân thời quá khứ tạo nên độ lùi cần thiết, giúp tác giả phân tích và phán xét bản thân một cách tỉnh táo như một nhân vật trong nghiên cứu. Nhà phê bình Philippe Lejeune - chuyên gia về tự truyện - nhận xét ngôi thứ ba trong tự truyện thường nhằm mục đích tạo khoảng cách nội tâm và diễn tả sự tự đối thoại, tự đối đầu”, nó vừa “mang lại sự nhẹ nhõm vừa tạo căng thẳng cho văn bản”​.

Thật vậy, Ernaux nhiều lần áp dụng thủ pháp này để tái hiện những kí ức khó nói (chẳng hạn trải nghiệm tình dục, bạo lực) một cách thành thật mà không bị cảm xúc chi phối hoàn toàn. Hơn nữa,Ernaux còn bổ sung độ chính xác cho hồi ức bằng cách đan xen vào tác phẩm tư liệu và hiện vật: nhật kí thời trẻ, ảnh chụp cũ, thư từ, báo chí đương thời. Những “dấu vết” này giúp kiểm chứng kí ức và đưa chi tiết xác thực vào câu chuyện, đồng thời cho thấy nỗ lực của Ernaux trong việc đối chiếu kí ức chủ quan với sự thật khách quan. Bà từng bày tỏ sự hoài nghi đối với trí nhớ cá nhân, một người viết hồi kí khác thường: bà không hoàn toàn tin vào kí ức của chính mình, nên thường xuyên tự vấn: “Liệu kí ức có phản bội sự thật?” Để trả lời, Ernauxviết văn với phương châm “trung thực tuyệt đối”, thậm chí chấp nhận văn phong khô khan ghi chép như “một người lưu trữ tài liệu” hơn là một tiểu thuyết gia giàu tưởng tượng​. Bà tự ví mình như một “nhà lưu trữ” hay “nhà dân tộc học của chính mình”, sẵn sàng hi sinh văn hoa để đạt được sự chính xác và chân thực trong tái hiện kí ức​. Kết quả là văn chương của Ernaux mang giọng điệu khách quan lạ thường đối với một tác phẩm tự truyện: kí ức được mổ xẻ một cách sắc sảo lạnh lùng, được phân tích với cái nhìn nửa như người trong cuộc, nửa như người ngoài cuộc. Cách tái hiện này vừa giúp giải phóng kí ức khỏi tính chất chủ quan phiến diện, vừa cho phép Ernaux và người đọc đối diện quá khứ một cách thẳng thắn, đa chiều.

Viết để tự do

Annie Ernaux và hành trình tìm tự do qua văn chương
Nhà văn Annie Ernaux

Nhiều ý kiến vẫn cho rằng, tự truyện/ hồi kí thường có nguy cơ trở thành trò phô diễn bản thân và nuôi dưỡng chủ nghĩa vị kỉ. Nhà phê bìnhLaura Marcus tác giả của cuốn Auto/ biographical Discourses: Theory, Criticism, Practice (Diễn ngôn Tự truyện/ Tiểu sử: Lí thuyết, Phê bình, Thực hành, 1994) đã lưu ý rằng, độc giả hiện đại vừa bị cuốn hút bởi chuyện thật, vừa hoài nghi tính chân thật của nó vì tác giả có thể “dựng phiên bản có lợi về chính mình”. Đã từng có những vụ tai tiếng khi hồi kí/ tự truyện bị phanh phui là bịa đặt, thêm thắt, những sự kiện này dẫn đến thảo luận về “khế ước tự truyện” (pacte autobiographique) - thuật ngữ của nhà phê bình Philippe Lejeune- tức thỏa thuận ngầm giữa tác giả và người đọc rằng câu chuyện là thật. Bất kì vi phạm nào cũng bị coi là phản bội niềm tin. Do đó, viết về mình phải luôn đi kèm trách nhiệm sự thật. Bản thân Ernauxrất ý thức điều này, song, sự thật kí ức cũng phức tạp: kí ức có thể sai lệch hoặc thay đổi theo thời gian.Jacques Derrida hay Paul de Manthậm chí còn cho rằng tự truyện là một hình thức hư cấu vì ngôn ngữ không bao giờ tái hiện đúng thực tại. Bởi vậy, việc Ernaux viết ở ngôi “chúng ta” và lồng ghép dữ kiện thật có thể hiểu như nỗ lực đáp lại hoài nghi đó - rằng bà giảm tính chủ quan nhất có thể để tiến gần đến “sự thật người thật việc thật”. Viết về bản thân, từ góc độ này, được xem như hành động văn hóa phản kháng: phản kháng lại thói quen che đậy, tô vẽ; đòi hỏi quyền được bộc lộ con người thật.

Điều đáng nói là Ernaux không chỉ ghi lại những sự kiện lớn trong đời mình, mà còn cả những kí ức đời thường, lặt vặt - từ cảnh sinh hoạt khu chợ, quang cảnh trên chuyến tàu, đến lời đối thoại thoáng nghe nơi công cộng. Các tập “nhật kí ngoại vi” của bà như Journal du dehors (Nhật ký bên ngoài, 1993) hay La vie extérieure (Đời sống bên ngoài, 2000) tập hợp những quan sát đời thường để làm phông nền xã hội cho cái tôi. Đối vớiErnaux, kí ức cá nhân không tồn tại trong chân không, mà luôn vang vọng những tiếng nói của thời đại. Thế nên viết hồi ức cũng là chép lại một lát cắt của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, bà cũng ý thức về những khoảng trống trong kí ức - những điều từng bị lãng quên hoặc cố tình quên. Chẳng hạn, trong L’Événement, bà phát hiện nhật kí năm 1963 của mình hoàn toàn không nhắc đến vụ phá thai, như thể kí ức về sự kiện đau đớn đó đã bị chôn vùi. Vì thế, việc viết còn là quá trình đào xới khoảng trống kí ức, lấp đầy nó bằng ngôn từ để tìm sự giải thoát. Có thể thấy, khi “cái tôi” là nhân vật chính, Ernaux đã lựa chọn lối tái hiện kí ức rất đặc thù: đan xen cá nhân và tập thể, kết hợp chủ quan và khách quan, sử dụng khoảng cách ngôi kể và bằng chứng tư liệu để đảm bảo ký ức được phơi bày vừa chân thực, vừa giàu tầng nghĩa. Cách làm này không những tạo nên nét độc đáo cho văn chương Ernaux,mà còn biến mỗi trang viết thành một hành động tự giải phóng khỏi quá khứ - đối mặt nó, mổ xẻ nó, nhìn ngắm nó qua nhiều lăng kính.

Hành trình sáng tác của Annie Ernauxminh chứng mạnh mẽ cho ý nghĩa của “viết để tự do”: tự do để nói lên tiếng nói của mình, tự do để bảo vệ kí ức chân thật, và tự do để vươn khỏi những giới hạn mà xuất thân, giới tính và thời đại áp đặt. Bằng cách biến chính cuộc đời mình thành chất liệu văn chương, Ernaux đã xóa nhòa ranh giới giữa cá nhân và xã hội, giữa hư cấu và tư liệu, tạo nên một thể loại tự truyện độc đáo. Kí ức trong trang viết củaErnaux vừa riêng tư đau đớn, vừa mang tính phổ quát - chúng được tái hiện với sự chính xác và tỉnh táo, nhờ đó giải phóng cả người viết lẫn người đọc khỏi bóng tối của lãng quên và lừa dối. Nhìn rộng hơn, truyền thống văn học và tư tưởng đã luôn trân trọng những tiếng nói tự thuật can đảm như vậy, từ lời thú tội của Augustine, trang tiểu luận củaMontaigneđến tự truyện hôm nay.

Michel Foucault đã nghiên cứu thực hành này trong tiểu luận L’écriture de soi (Viết về mình, 1983). Ông chỉ ra rằng ở các tu sĩKitô giáo sơ kì, việc viết nhật kí tự vấn lương tâm là “vũ khí trong cuộc chiến tinh thần” - bằng cách đặt tư tưởng thầm kín lên trang giấy, con người có thể xua tan bóng tối dối trá nội tâm và “giải phóng” mình khỏi cám dỗ tội lỗi​, giúp cá nhân tự nhận thức và tái định nghĩa bản thân trước những áp lực quyền lực xã hội. Foucault gọi đó là một “công nghệ tự ngã” (technology of the self), viết về mình trở thành một thực hành đạo đức để đạt tự do cá nhân - tự do trước nhất là tự do khỏi chính những yếu đuối, vô minh của bản thân. Viết về bản thân không chỉ là một thể loại văn chương, mà còn là một hành động giải phóng, giải phóng ngôn từ khỏi khuôn mẫu, giải phóng cá nhân khỏi im lặng, và giải phóng sự thật khỏi “sự kiềm tỏa tập thể của ký ức cá nhân”. Văn chương của Annie Ernaux nhắc nhở chúng ta rằng mỗi cuộc đời đều chứa đựng một câu chuyện đáng kể - và kể ra được câu chuyện ấy một cách chân thực chính là đang bước một bước dài tới tự do.

Bộ GD&ĐT: Đề xuất quy định bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo

Bộ GD&ĐT: Đề xuất quy định bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo

Baovannghe.vn - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo.
Hà Nội: Biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật dịp 30/4 và 1/5

Hà Nội: Biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật dịp 30/4 và 1/5

Baovannghe.vn - Các chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước sẽ mang đến công chúng những tác phẩm ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
Khai mạc triển lãm "Nghe vải kể chuyện"

Khai mạc triển lãm "Nghe vải kể chuyện"

Baovannghe.vn - Sáng 2/4, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm tranh Nghe vải kể chuyện của họa sĩ Trần Thanh Thục.
Hội thảo quốc tế "Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc"

Hội thảo quốc tế "Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc"

Baovannghe.vn - Sáng 3/4, tại Hà Nội, Bộ VHTT&DL đã tổ chức Hội thảo quốc tế "Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Vươn mình trong hội nhập quốc tế

Vươn mình trong hội nhập quốc tế

Baovannghe.vn - Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta xác định muốn hòa bình và phát triển thì phải mở cửa với bên ngoài, hợp tác với các quốc gia khác, trong đó hội nhập quốc tế là hình thức, trình độ phát triển cao của hợp tác quốc tế. Baovannghe điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết "Vươn mình trong hội nhập quốc tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm.