Diễn đàn lý luận

Bài thơ "Bờ sông vẫn gió" của Trúc Thông

Nguyễn Thị Thiện
Tác phẩm và dư luận
08:00 | 31/08/2024
Baovannghe.vn - Trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam, nếu kể các bài thơ hay nhất về mẹ, không thể không nói đến "Bờ sông vẫn gió" của nhà thơ Trúc Thông...
aa

BỜ SÔNG VẪN GIÓ

TRÚC THÔNG

Chị em con kính dâng hương hồn mẹ

Lá ngô lay ở bờ sông

Bờ sông vẫn gió

Người không thấy về

Xin người hãy trở về quê

Một lần cuối... một lần về cuối thôi

Về thương lại bến sông trôi

Về buồn lại đã một đời tóc xanh

Lệ xin giọt cuối để dành

Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha

Cây cau cũ, giại hiên nhà

Còn nghe gió thổi sông xa một lần

Con xin ngắn lại đường gần

Một lần... rồi mẹ hãy dần dần đi.

LỜI BÌNH:

Trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam, nếu kể các bài thơ hay nhất về mẹ, không thể không nói đến "Bờ sông vẫn gió" của nhà thơ Trúc Thông. Mới nghe, tưởng như bài thơ là tiếng khóc của đứa con trước hương hồn của mẹ. Thực ra thi phẩm ra đời năm 1983, trong lần thi nhân về quê thăm mẹ, một năm sau đó mẹ tác giả mới mất. Thi phẩm là tiếng nói từ trái tim nặng sâu tình mẫu tử của người con tưởng tượng cảnh mẹ về với miền mây trắng, ẩn trong đó là tình cảm yêu thương, nhớ tiếc và tấm lòng biết ơn vô hạn công lao của đấng sinh thành.

Bài thơ "Bờ sông vẫn gió" của Trúc Thông
Bờ sông gió. Tranh Minh họa

Nhan đề "Bờ sông vẫn gió" khơi gợi về một không gian thoáng, rộng nhưng cũng thật buồn. "Bờ sông" đây tác giả nói đến đoạn bờ sông Sắt, sông Liêm Phong, là những chi nhánh của sông Đáy, sông Châu Giang thuộc hệ thống sông Hồng ở vùng quê hương Bình Lục - Hà Nam, nơi mẹ tác giả quanh năm đi về để lo sinh kế cho con cái và gia đình. Hiện tại cảnh "bờ sông" vẫn như xưa nhưng chẳng còn thấy mẹ đâu? Bao nhiêu đớn đau, thương tiếc, xót xa …

Trúc Thông (1940 – 2021) là nhà thơ lớn từng đoạt nhiều giải thưởng của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam và Hà Nội, được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016. Ông là một trong số ít các thi nhân luôn trăn trở với những tìm tòi, đổi mới trong biểu đạt thơ. Quan điểm đổi mới thi ca của ông rất gần gũi với nhà thơ Thanh Thảo và có ảnh hưởng rõ nét tới sáng tác những cây bút trẻ. Nhiều cây bút coi ông là thần tượng. Bài thơ này là một ví dụ tiêu biểu, tuy nhà thơ dùng thể lục bát truyền thống - thể thơ được coi là "xương sống của nền thi ca Việt" - nhưng có sự cách tân rõ rệt ở nhiều phương diện để giãi bày những tình cảm chân thành mà rất đỗi thiêng liêng về mẹ. Với tấm lòng hiếu thảo và nhớ thương mẹ khôn nguôi, chủ thể trữ tình về quê thăm mẹ, đi chầm chậm trên con đường mẹ thường xuyên qua trước đây như để tìm lại bóng dáng người mẹ thân thương.

Những câu thơ mở đầu phác họa sự tương phản giữa cảnh vật và con người. Thơ lục bát thường ngắt nhịp chẵn. Dấu hiệu đổi mới trước tiên ở đây là nhà thơ ngắt nhịp lẻ ở câu lục thành 3/3 rất khác thường “Lá ngô lay ở bờ sông”. Đáng chú ý hơn nữa về sự cách tân là: ở câu bát tác giả ngắt thành hai dòng thơ: “Bờ sông vẫn gió/ Người không thấy về”. Điều này nếu là thơ đương đại ngày nay là lối thơ lục bát ngắt dòng khá quen thuộc, nhưng đặt trong hoàn cảnh lịch sử bài thơ ra đời cách nay đã hơn 40 năm, đó là rất mới, rất sáng tạo. Nhờ đó, câu thơ như tiếng nấc nghẹn lại trước cảnh cũ người đâu?... Sự đối lập giữa thiên nhiên vô tư "lá ngô lay", "Bờ sông vẫn gió" và con người đầy tâm trạng bởi cảnh vẫn còn đây nhưng người đâu chẳng thấy... Nỗi xót đau như trùm lên cả không gian, vạn vật.

Tuy đã biết mẹ về cõi vĩnh hằng là quy luật nhưng lòng tác giả không muốn chấp nhận điều đó, vẫn cầu xin một lần mẹ trở về: "Xin người hãy trở về quê/ Một lần cuối... một lần về cuối thôi". Lại lần thứ ba trong bài câu thơ tiếp theo ngắt nhịp lẻ 3/5 cùng các điệp từ "một lần" và điệp ngữ "một lần cuối" tạo sự chú ý của người đọc. Điểm thứ tư đáng chú ý là việc sử dụng sáng tạo thanh điệu: chữ "một” trong vế câu “…một lần về cuối thôi" là âm tiết thứ tư trong câu bát. Theo luật B - T (bằng - trắc) lẽ ra phải là thanh bằng nhưng ở đây nhà thơ lại dùng thanh trắc, kết hợp với dấu chấm lửng giữa dòng thơ đã nhấn mạnh nỗi nhớ mẹ đến ngẩn ngơ, niềm mong mỏi đau đáu mẹ hãy về, để con được gặp mẹ kính yêu thêm một lần cuối. Hơn nữa, mẹ: "Về thương lại bến sông trôi/ Về buồn lại đã một thời tóc xanh". Từ “về” điệp tới năm lần, phải chăng nhà thơ nói đến quy luật ở đời sống gửi, thác về? Nghệ thuật nhân hoá rất đắt giá ở những câu thơ trên khiến cảnh vật thiên nhiên bờ sông, bến nước cũng nặng tình buồn đau, tiếc nhớ. Nhà thơ thương mẹ vất vả suốt thời tuổi trẻ phải lặn ngụp giữa bao nhiêu dâu bể của cuộc đời nhưng chủ thể trữ tình cố nén lại: "Lệ xin giọt cuối để dành". Hàng loạt từ “thương, buồn, lệ” xuất hiện ở đầu những câu thơ liên tiếp nhau càng khơi gợi nỗi buồn thương khiến người đọc rưng rưng nước mắt. Việc sinh tử ở đời chẳng ai tránh được? Thi nhân tự an ủi: nếu mẹ về với thế giới bên kia sẽ được bên cha, có cha ra phần mộ chờ đón, mẹ sẽ không lẻ loi: "Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha". Mấy câu thơ tiếp gợi tả hình ảnh cây cối, đồ dùng thân thuộc trong ngôi nhà mẹ. Cây cau và giại hiên nhà, tấm bình phong đan bằng tre để chắn gió mưa, một vật dụng rất quen thuộc với những ngôi nhà ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, cũng trào dâng nỗi niềm nhớ thương mẹ khi gió từ sông xa thổi về. Hai câu kết bài thực sự là cao trào cảm xúc, những hình ảnh đó neo lại đậm nhất trong lòng người đọc. "Con xin ngắn lại đường gần/ Một lần... rồi mẹ hãy dần dần đi". Đây lại là sự ngắt nhịp 3/5 rất ấn tượng buộc người đọc phải chú ý. Phải chăng người con tự nguyện muốn rút ngắn lại “đường gần” cuộc đời hữu hạn của mình để được thấy mẹ về thêm một lần nữa, sống thọ hơn nữa. Tấm lòng thương yêu và hiếu kính với mẹ thật tha thiết, sâu nặng biết bao.

Trên thế giới này, không có tấm ân tình nào dành cho ta lớn hơn ân tình của cha mẹ. Vì thế, tấm chân tình của người con Trúc Thông dâng lên hương hồn mẹ kính yêu đã nói hộ tấm lòng của biết bao đứa con, nói hộ lòng chúng ta với các đấng sinh thành. Bài thơ đã chạm đến trái tim người đọc, làm rung ngân và cộng hưởng những cảm xúc thẩm mỹ khiến tâm hồn chúng ta như được thanh lọc để ngày càng yêu thương nhiều hơn, sáng trong và cao đẹp hơn…

Nguyễn Thị Thiện | Báo Văn Nghệ

------

Bài viết cùng chuyên mục:

Nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn: "Hoa rơi không có kẻ giật mình" Bài thơ "Vị Xuyên" của Chử Thu Hằng Bài thơ buổi sáng - Thơ Nguyễn Hữu Quý Bài thơ "Làm dâu" của Trần Mạnh Hảo - Lời bình Đặng Toán Bài thơ “Cỏ ướt” của Trần Quốc Thực. Lời bình của Trần Tuệ Anh
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...
Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Baovannghe.vn - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới - Microsoft đã chính thức bước chân vào ngành xuất bản sách với việc ra mắt 8080 Books, một nhà xuất bản được thiết kế để thúc đẩy sự đổi mới trong xuất bản và kể chuyện. Được đặt tên theo bộ vi xử lý Intel 8080 – nền tảng cho sự khởi đầu của Microsoft trong thập niên 1970 – 8080 Books không chỉ là một cột mốc mới trong chiến lược đa dạng hóa của công ty mà còn đại diện cho tham vọng đưa công nghệ vào thay đổi ngành xuất bản vốn còn nhiều hạn chế.
Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Baovannghe.vn- Đối diện nhau, con cá mập và Tử thần, kẻ bị giết và kẻ giết, con mồi và gã thợ săn, đối tượng của cái chết và tay sai của cái chết, con cá mập nằm sóng soại trên sàn thuyền, Tử thần thì đứng thẳng hiên ngang, một trục hoành - một trục tung, tạo thành một hệ tọa độ bất đắc dĩ giữa biển xanh sâu thẳm, mỗi kẻ đeo đuổi những huyễn tưởng khác nhau, nhưng sau rốt đều xuất phát cùng từ một gốc: ám ảnh về những trò ảo thuật.