Diễn đàn lý luận

Đến với bài thơ hay "Nụ hồng tháng Giêng" của Hồ Minh Tâm

Trần Quốc Toàn
Tác phẩm và dư luận 16:47 | 06/01/2025
Baovannghe.vn - Bài thơ trình ra một triết lý nhân sinh nhẹ nhàng, nhưng đầy suy nghiệm: Muôn vật trên đời vì nhau mà sinh ra, vì nhau mà tận hiến. Vệ đường làm gì còn cỏ hoa khi thiếu bụi và mưa.
aa

NỤ HỒNG THÁNG GIÊNG

Đến với bài thơ hay
Ảnh Internet

HỒ MINH TÂM

Sương, một giọt

Chào người bạn nắng ấm

Trong khu vườn đầy tiếng chim.

Mưa, một giọt

Mẹ múc câu ca dao trong giếng nước

Đổ đầy nồi bánh chưng cho con mơ thấy mặt trời.

Chuông, một giọt

Trên mái chùa xưa

Con ngồi nhìn tượng Phật

Mẹ thắp hương mùa xuân trên mộ tổ tiên.

Gió gửi cát bụi cho mây trắng

Sông gửi chiếc lá ủ mầm vào biển cả

Giấc mơ bếp lửa cháy đỏ trong đêm Giao thừa.

Sương, một giọt

Mưa, một giọt

Chuông, một giọt

Trên nụ hoa hồng tháng Giêng…

LỜI BÌNH

Thi sĩ là kẻ tự cung cho mình cả thế giới mông lung cô độc, được cô độc, được một mình ngay cả khi ngồi giữa bạn bè và rổn rảng chén chú chén anh. Trong cái thế giới lớn hơn, xa hơn tầm mắt ấy, thi sĩ đích thực là ông chủ, mặc sức trò chuyện với bất kỳ thức/thứ gì bằng muôn vàn ngôn ngữ. Chỉ nói chẳng cần nghe và rất nhiều khi chỉ lặng nghe mà không phải nói điều gì. Ngôn ngữ là gì nếu nó không phải là phương tiện để truyền/chuyển tâm trạng, cảm xúc từ người đến người, từ người đến vật và ngược lại, từ cỏ cây gió bụi đến rung rinh chao động đất trời. Giữa những tương sinh, tương hợp tưởng như câm lặng, thờ ơ… đôi khi là cả một khuấy đảo, va đập, mọi thứ trong đời sống của chúng không ngưng nghỉ gọi mời trò chuyện cùng nhau.

Đọc Trần Quốc Toàn, là thấy và nghe những thanh âm khác, là ngắm bóng của những trống không, là vọng âm của lời sắp nói. Với tôi, thơ phải như vậy. Là thấy hoa ngay từ khi mới ươm mầm, là thẳm sâu đáy hồn người đọc trồi sinh ra đôi nụ ưu tư… để rồi gật gù, đồng cảm cùng cái đằng sau, cái bên dưới chữ/nghĩa của thi sĩ… Tôi gọi đấy là đồng sáng tác, là cùng sáng tạo, và hơn hết là cùng sống.

Hãy xô cửa sổ rồi nhìn ra, bình minh đang đến tìm bạn, những trong vắt, thơm tho đang dâng hiến bạn. Này em, mặt trời lên rồi, hãy thức dậy đi nào, hãy mở mắt và ngắm cùng anh… Tôi nghe từ đâu đó hai người đang yêu nhau và chia nhau khoảnh khắc quý giá đầu ngày, ban mai này như nhụy một đêm non.

Sương, một giọt

Chào người bạn nắng ấm

Trong khu vườn đầy tiếng chim

Cuộc sống ồn ã nơi đô thị, chẳng dễ dàng gì để mỗi sớm mai, mỗi lần bung cửa sổ là được uống cái ban mai bình yên, ngọt lành như thế. Sương, một giọt, tia nắng mỏng, trong veo và đâu đây tiếng chim nhảy nhót đầy vườn. Vâng, Trần Quốc Toàn đang mời bạn đấy. Từng dăm ba cuộc rượu với Toàn, hẹn mãi nhưng chưa một lần về để nghe chim trong vườn Toàn hót. Nhưng ít ra, với sự mô tả theo nhịp điệu tự sự đầy bình yên và thư thái…, chưa về được nhà bạn thì ngược về nhà mình vậy. Và, tôi gặp tôi tuổi mười lăm mười bảy, tôi gặp tiếng mẹ tôi sớm mai gọi thóc cho gà, tôi gặp những người trong xóm vác cày vác cuốc cùng trâu cọc cạch ra đồng. Tôi gặp tôi đang ngẩn ngơ thèm thuồng một chuyến phố xa. Làng quê tôi (và chắc nhiều làng quê khác) ngày xưa… khi sống lại trong ký ức người thành phố luôn “đẹp và buồn”, luôn mênh mênh mang mang như thế.

Vâng, sương một giọt lung linh trong nắng sớm... rồi tan, rồi bay đi cùng tiếng chim, ngày rồi cạn, cuộc sống rồi đầy hơn, sâu hơn, ngộn ngập hơn. Đâu đó giữa kiếp người, nơi hành lang mái phố… là phút thảnh thơi ta gặp:

Mưa, một giọt

Mẹ múc câu ca dao trong giếng nước

Đổ đầy nồi bánh chưng cho con mơ

thấy mặt trời.

Ừ, là mưa, là mẹ, là ngày giỗ chạp, tết nhất linh thiêng, là ánh mắt thân thương quây quần ngày gặp mặt… Tất cả hay chẳng có gì, cuộc sống thường tập tành cho ta, bắt ta nếm trải. Khổ đầu bài thơ, thấy Toàn vừa xô cửa sổ để hứng ban mai ở ngay chính ngôi nhà tuổi thơ của mình, tôi (và bạn) tưởng thế, đúng không? Nhưng đến khổ thứ hai, gặp mưa và nghe câu ca dao từ gàu nước giếng mẹ múc… thì không nữa, Toàn cũng như tôi, như bạn, đang quay quắt nhớ nhà [thực ra, nhớ nhà là nhớ hình bóng chính mình, là ngắm mình ở nơi không về được].

Và, thêm nữa:

Chuông, một giọt

Trên mái chùa xưa

Con ngồi nhìn tượng Phật

Mẹ thắp hương mùa xuân trên mộ tổ tiên.

Ôi, tôi buồn, bạn có buồn không? Tôi nhớ nhà, bạn nhớ nhà không? Trong đời, ai cũng thế... hẳn hơn một lần không ai bên mình để hỏi đôi câu ngớ ngẩn dư thừa như thế. Khi không thấy gì, không ai, họ [ta] bấu víu vào điều cảm thấy để trò chuyện với chính mình. Ai từng sống tha phương, quăng quật, bế tắc…, dù có sao, cũng còn đó thánh thần, còn đó tổ tiên, còn đó bóng hình của mẹ để mà men theo.

Giờ thì tôi đang quay mắt về phố, quay lưng và từng bước đi lui về quê nhà. Từ một tiếng chuông từ chuông, hay tiếng chuông từ não bộ của thi sĩ vọng ngân [phần nhiều tôi nghĩ tiếng chuông ấy được ngân lên từ khoảng trống, khoảng lặng, khoảng chơi vơi, nơi đời sống thi nhân bội phần bế tắc]..., ừ, về nhà với mẹ thôi, cứ men theo tiếng chuông ấy mà về.

Về như gió gửi cát bụi cho mây trắng. Về như sông gửi chiếc lá ủ mầm vào biển cả. Về với giấc mơ bếp lửa cháy đỏ trong đêm Giao thừa.

Ừ, về thôi, ngược về để thấy:

Sương, một giọt

Mưa, một giọt

Chuông, một giọt

Trên nụ hoa hồng tháng Giêng…

Tôi thích cách kết thúc bài thơ này, dù câu cuối thừa (không cần thiết và làm rối nhịp thơ) một chữ hoa. Nhưng, bài thơ như bạn và tôi đã thấy từ đầu là tự sự, là âm vọng, vì thế chăng mà thi sĩ thả lỏng, mặc cho xúc cảm càn qua.

Bài thơ trình ra một triết lý nhân sinh nhẹ nhàng, nhưng đầy suy nghiệm: Muôn vật trên đời vì nhau mà sinh ra, vì nhau mà tận hiến. Vệ đường làm gì còn cỏ hoa khi thiếu bụi và mưa.

Và, chúng ta còn gì ở ngày mai nếu tiếng chuông của đức tin bỗng một ngày im bặt?

Khai mạc "Tuần văn hóa sách Trung Quốc - ASEAN"

Khai mạc "Tuần văn hóa sách Trung Quốc - ASEAN"

Baovan nghe- Công ty tập đoàn thương mại sách Quốc tế Trung Quốc (CIBTC) phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Sách báo Việt Nam - XUNHASABA vừa tổ chức lễ khai mạc “Tuần văn hoá sách Trung Quốc - ASEAN: Giới thiệu sách và giao lưu văn hóa”.
Công nghệ 4.0 - những tác động tích cực đến Nghệ thuật biểu diễn

Công nghệ 4.0 - những tác động tích cực đến Nghệ thuật biểu diễn

Baovannghe.vn - Sáng 2/7, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo khoa học "Ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn - Thực trạng và giải pháp".
“Quản trị tốt Kế hoạch Quản trị”: BSR đạt doanh thu hơn 69.000 tỷ đồng, lợi nhuận vượt 93% kế hoạch trong 6 tháng đầu năm 2025

“Quản trị tốt Kế hoạch Quản trị”: BSR đạt doanh thu hơn 69.000 tỷ đồng, lợi nhuận vượt 93% kế hoạch trong 6 tháng đầu năm 2025

Baovannghe.vn - Bất chấp thị trường dầu mỏ thế giới tiếp tục bất ổn bởi xung đột địa chính trị diễn ra trên nhiều nơi, tác động tiêu cực chính sách thuế của Mỹ, giá dầu thô biến động mạnh và áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) khởi sắc trong 6 tháng đầu năm 2025.
Khóc thật cho một kiếp rối - Thơ Hoàng Xuân Tuyền

Khóc thật cho một kiếp rối - Thơ Hoàng Xuân Tuyền

Baovannghe.vn- Sinh ra để làm người khó nhỉ
Người - Thơ Đoàn Mạnh Phương

Người - Thơ Đoàn Mạnh Phương

Baovannghe.vn- Khi lưỡi mềm bật lên tiếng nói, Người vẫn thường tự hỏi:/ Lý do có mặt trên đời? Sống giữa lạ quen quên nhớ, vì sao được gọi là Người?