Sáng tác

Bến cuối - Truyện ngắn của Nadine Gordimer

Nadine Gordimer / Hàn Thủy Giang dịch
Văn học nước ngoài
09:00 | 02/08/2024
Baovannghe.vn - “Ngay loài mèo còn chôn đi thứ bẩn thỉu của chúng, thế mà em lại mang nó cùng với mình khắp đó đây". Nàng nghĩ ngợi về bao lần lớn tiếng nói câu này trong vài tuần sau khi từ bệnh viện về nhà. Nàng không biết anh có quyết định cười không và họ đã đến mức độ để cười chưa. Ít năm trước đây, trước khi ngã bệnh, chỉ một lần duy nhất họ từng lưu ý tới sự hiện diện của cỗ máy thay thế kỳ quặc như thế này.
aa

Đấy là vào những buổi sáng của kì nghỉ cuối tuần đáng yêu, nằm trên giường, lật giở qua vài trang báo như họ vẫn làm, nàng đang đọc một bài báo nào đó về nạn thất nghiệp và những em gái vị thành niên đi làm điếm. Nàng lưu ý anh, ơn Chúa, tới công việc mà những người thuộc tổ chức bảo vệ tìm cho em gái này trong một nhà máy sản xuất những vật dụng hình túi bằng cao su dành cho đám người phải cắt dạ dày, thảo nào em gái đi trên đường phố, người khốn cùng bé nhỏ dáng thương...

Nàng còn nhớ như in buổi sáng ấy, tờ báo ấy. Càng ngày cuộc nói chuyện giữa họ càng quay lại nhiều hơn. Họ đã buông thả mình nói về cảnh ảm đạm của công cuộc công nghiệp hóa, và nàng còn nhớ nàng đã gọi lại cho anh (họ từng gặp nhau ở Bắc Kinh) rằng: rút cục thì những người công nhân trong nhà máy ở Trung Quốc đã có được hai lần trong một ngày mười phút nghỉ để tập thể dục mềm dẻo bắt buộc. Anh đã nói thế có phải em muốn đổi việc đó lấy thời gian uống trà và một điếu thuốc không?

Thứ vật dụng bằng cao su chạy qua trong băng chuyền trước mặt một em gái mười sáu tuổi sẽ làm điếm trong tương lai, cũng như cuộc sống của bất kì người công nhân nào thực quá cách xa với cả hai người, khi họ nằm trên giường, cười trong một buổi sáng chủ nhật. Nhưng giờ thì cỗ máy thay thế kì cục đó được lắp vào chính thân thể nàng. Nó lòng thòng ra từ nàng, từ một vết đục nhỏ giấu dưới áo quần nàng. Nàng đi ra ngoài từ cái giường dành cho họ và anh hiểu hết không cần nói nửa lời. Ở bệnh viện nàng đã được chỉ dẫn phải ra sao với điều này. Khi những chức năng tự nhiên không còn nữa, thì vấn đề lại riêng tư kinh khủng, bởi vì cả hai đều đã, hay từng đã phải trải qua. Nàng phải một mình với thứ chất thải của riêng mình.

Nadine Gordimer (1923 – 2014) là nữ nhà văn Nam Phi đoạt giải Nobel Văn học năm 1991.

Những năm 1940 – 1950, khi ở Nam Phi thi hành chính sách phân biệt chủng tộc, đề cao chủ nghĩa Apartheid, cấm hôn nhân giữa người da trắng và da đen, Nadine Gordimer đã dùng ngòi bút của mình để phản kháng. Là một người da trắng sống tại Nam Phi, một nhà hoạt động xã hội xuất chúng, các tác phẩm của bà có ảnh hưởng rất lớn trong dư luận xã hội ở Nam Phi, đặc biệt là tập tiểu luận Living in hope and history: Notes from our century (Sống trong hi vọng và trong lịch sử: Những ghi chép về thế kỉ chúng ta) được xuất bản năm 1999.

việc bà liên tục viết, phát biểu tự do trong một đất nước cảnh sát nơi mà sự kiểm duyệt, sự khủng bố các tác phẩm và người dân vẫn còn tồn tại đã khiến bà trở thành "nhà văn Nam Phi kì cựu nhất". Gordimer đã nhiều lần được đề nghị tặng giải Nobel và năm 1991 bà trở thành nhà văn Nam Phi đầu tiên giành được vinh dự này. Sách của Nadine Gordimer được dịch ra gần 30 thứ tiếng trên thế giới.

Các vị bác sĩ nói thứ máy thay thế này sẽ được bỏ đi vào đúng lúc của nó. Sáu tuần, người thứ nhất tiên liệu; không thể lâu hơn ba tháng được là ý kiến người thứ hai bảo nàng. Có thể họ đã phối hợp sắp xếp câu chuyện hoang tưởng này. Họ cho rằng (tất nhiên sau sáu tuần hoặc ba tháng) tất cả mọi thứ sẽ được nối lại với nhau trong cơ thể nàng. Miệng lỗ đục ra trên cơ thể nàng, giờ đang há miệng, sẽ được khâu liền. Nàng sẽ lành lặn trở lại, hồi phục và mọi thứ sẽ hoạt động Nàng sẽ quay về với nghề giáo viên ở trường âm nhạc. Nàng cũng có thể quay lại đây, tại sao không nhỉ? nếu muốn miễn là bản thân không mệt mỏi. Nhưng giữa lúc phải mang cái của nợ này bên mình nàng chẳng muốn điều ấy tí nào. Nàng phải nghe tràng giang những mẩu chuyện từ đám bạn bè đến động viên về những nhân vật kì diệu nào đấy đã chịu đựng, đã sống cuộc sống như bình thường một cách hoàn hảo ra sao. Thậm chí cả một thành viên trong Hoàng gia Anh quốc nữa chứ. Nàng bắt họ phải ngậm miệng lại cùng với câu chuyện hoang tưởng của họ. Nàng bảo nhưng mà với tôi chỉ có sáu tuần hoặc ba tháng thôi, tôi chẳng việc gì phải chịu đựng cả. Anh mua tặng nàng hai chiếc áo caftan của người Thổ thật đẹp. Anh tự tay chọn lựa, thật phù hợp với nàng, đúng màu, đúng kiểu và lòng khoan khoái khiến nàng lãng quên (điều đó sau này nàng biết chắc chắn cũng là cái anh hi vọng). Nàng mặc chúng để giấu đi cái dụng cụ kì quặc kia. Nàng vẫn khi chiếc này, khi chiếc kia lúc bè bạn đến thăm và trang phục của nàng ai ai cũng trầm trồ. Họ nói nàng chắc chắn giả đò ốm để trốn việc thôi, nàng trông tuyệt vời thế kia cơ mà. Và anh xác nhận với họ rằng tình trạng nàng đang tiến bộ trông thấy.

Họ đã từng nói một lần trước đây. Trước đây họ đã từng nói với nhau rằng trong cuộc sống của họ, trong cái cuộn chỉ rối tung của cuộc sống chung giữa họ thật chẳng hề liên quan đến riêng ai cả, thực sự như vậy đấy! Một công ước trẻ con, tình anh em máu mủ xứng với câu hỏi đầy cường điệu, bất tận như anh có yêu em không, anh sẽ luôn yêu em chứ, nếu một trong hai ta ốm vô phương cứu chữa thì không ai để người kia phải chịu đựng chứ, đúng không? Nếu nó xảy ra thì sao? - bậy nào, nó chẳng bao giờ xảy ra đâu. Không thể nói bằng cái lối trừu tượng dứt khoát, kịch điệu ngu ngốc ấy được. Ai có thể nói cái gì là vô phương cứu chữa. Ai có thể đoan chắc đớn đau nào là bến cuối, sự kéo dài vô giá trị này chẳng phải để thoát ra khỏi nó đấy ư? Một người làm phẫu thuật cắt vú hai mươi năm rồi mà giờ đây còn tới trường đua ngựa hàng tuần. Một gã kia bị mất tuyến tiền liệt mà mọi người vẫn thấy hắn nốc rượu gin pha tonic tại bất cứ bữa tiệc côctai nào với người vợ thứ ba nữa là.

Nhưng rồi trước khi tới bệnh viện làm phẫu thuật thăm dò, nàng lại lựa thời gian và khung cảnh để xác nhận thêm lần nữa. "Nếu tình trạng lại xấu, thật xấu... bất cứ lúc nào, anh hứa anh sẽ giúp em ra khỏi nó chứ. Em cũng sẽ làm điều đó cho anh." Anh không thể trả lời. Nàng đang nằm với anh trong bóng tối. Anh gật đầu rất mạnh, và bản công ước được xác nhận trên bờ vai nàng qua chiếc cằm của anh. Vòng xương cưng cứng làm đau nàng. Rồi anh ân ái với nàng, hòa lẫn vào thân thể nàng cùng điều ước hẹn.

Bến cuối. Truyện ngắn của Nadine Gordimer (Nobel VH 19910)
Nhà văn Nadine Gordimer.

Sau phẫu thuật nàng nom thấy đoạn ống thòi ra từ thân thể, cái lỗ máy thay thế kì cục ấy. Họ không nói đi nói lại nữa, chỉ mừng mừng tủi tủi, rồi mỗi ngày mỗi tốt lên thôi. Cái vật dụng, thòi lòi ra từ vết thương không như bất kì vết thương hở nào do chưa thể khâu liền được, cũng tựa như một câu chuyện tình ái ngẫu nhiên nào đó luôn được giữ kín trong cuộc sống của anh, hoặc của nàng, bởi sức nặng của nó sẽ đâm toạc da họ nếu phải thú nhận. Ngay tức thì họ mỉm cười với nhau và bất kì lúc nào mắt họ gặp nhau. Cuối cùng thì cũng thoát được nó. Một câu chuyện thần kì. Nó được nói đi nói lại hàng ngày, trong bất cứ dự định nào họ nghĩ ra cho tuần tới, hoặc tháng tới, hoặc năm tới, không một cái nháy mi mắt, trong mọi sự giả bộ về cuộc sống ngày lại ngày tiếp nối không ai tin nổi. Không một lời nào thật cả. Hàng tạp hóa đã tới. Một cuộc chặn xe cướp bóc khác. Anh vẫn an toàn trong cái ghế ấy. Họ nói về khuynh hướng tuyển cử Mùa xuân. Chúng ta cần những cốc rượu vang mới. Em sẽ viết những bức thư. Yêu cầu cà phê và diêm. Một khủng hoảng khác ở Trung Đông. Kéo rèm cửa lên, mặt trời ở trong mắt em. Thứ năm em phải đi làm đầu. Nếu như nàng cầm tay anh lúc này, duy nhất nó sẽ là bất tử. Và nhục dục, vì thế, không còn xứng với họ chút nào nữa.

Chỉ duy nhất còn lại một điều, mà điều ấy chính do bản chất của nó, đã không trở thành dối trá. Chỉ duy nhất có một nơi tình yêu có thể tồn tại, ấy là: cuộc sống bị bội phản, nhưng ước hẹn lại không cùng với cuộc sống.

Anh đưa nàng đến tiệm làm đầu chiều thứ năm ấy. Và khi anh quay lại đón nàng, anh nói với nàng là nàng trông rất xinh. Nàng vụng về cám ơn anh như một cô thiếu nữ lần đầu được khen. Nhưng ẩn dưới nỗi vụng về ấy, nàng kiệt sức. Mối xúc cảm mạnh mẽ đầu tiên, ngoại trừ nỗi sợ hãi và ghê tởm trong suốt nhiều tháng qua, là bởi một sự thật tràn ngập nơi anh. Đêm đó, một mình trong căn buồng kê chiếc giường ngủ cho nàng, nàng lôi ra những viên thuốc đã trữ sẵn, và trước lúc hòa chúng vào nước, nàng đặt chiếc bật lửa chặn lên mẩu giấy viết cho anh: "Giữ lời anh nhé. Đừng để em tỉnh dậy."

Suốt từ khi còn là đứa trẻ, nàng đã hiểu đấy là một giấc ngủ sâu lắm, và chỉ thế thôi. Mãi mãi nàng như thấy con chim đầu tiên nằm dưới hàng rào, đôi mắt chẳng bao giờ mở ra nữa khi nó bị một cành con chọc thủng. Người ta chỉ có thể ý thức về một giấc ngủ khi người ta tỉnh giấc, ra khỏi nó và vì thế một người sẽ không bao giờ biết được về giấc ngủ thật sâu này. Nàng không sợ chết nhưng giờ đây nàng lại kinh hoàng với cảm giác bản thân nàng đang phải tỉnh dậy từ nó, bản thân nàng đang quay về từ cái hoàn toàn không phải là chết, không thể là chết. Mí mắt nàng như tấm màn che hồng hồng, xuyên qua nó, ánh sáng đã bừng lên rực rỡ. Nàng mở mắt nhìn những bức tường loang loáng của căn phòng bệnh viện. Có một bàn tay đang đặt trên người nàng – đấy là tay của anh.

HÀN THỦY GIANG | Baovannghe.vn

dịch từ nguyên bản tiếng Anh

Một ngày- truyện ngắn của Thùy Linh Nét tương đồng thú vị giữa nghệ thuật múa truyền thống Việt Nam và Hàn Quốc Gã cười - Truyện ngắn của nhà văn Heinrich Boll Chuyến tàu ngược thời gian. Đọc "Trăng lu" của Đinh Sỹ Minh Làng quê thì mênh mông - Truyện ngắn của nhà văn Ngô Phan Lưu
Văn nghệ Trẻ, số 22/1996
Quyền lực khán giả và “cái chết” của thần tượng

Quyền lực khán giả và “cái chết” của thần tượng

Baovannghe.vn - Khán giả kết nối với thần tượng (ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng…) thông qua các sản phẩm văn hoá nghệ thuật, giải trí. Bản chất của sự kết nối này luôn đến từ sự hâm mộ, tức những tưởng tượng, vốn có tính hướng thượng (hướng đến giá trị chân thiện mỹ). Điều gì sẽ xảy ra khi một thần tượng sụp đổ hình tượng?
Hàng rong trên đường phố Hà Nội xưa

Hàng rong trên đường phố Hà Nội xưa

Baovannghe.vn - Hàng rong không chỉ ở Hà Nội mới có nhưng hàng rong trên đường phố Hà Nội đã tạo nên nét đẹp riêng trong văn hóa của phố thị.
Phim tài liệu "Thư gửi mẹ" giành giải thưởng Silvana S Film tại Liên hoan phim LENScape

Phim tài liệu "Thư gửi mẹ" giành giải thưởng Silvana S Film tại Liên hoan phim LENScape

Baovannghe.vn - Phim tài liệu ngắn Thư gửi Mẹ (Dear Mom) do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đồng sản xuất cùng đạo diễn Hà Lệ Diễm đã xuất sắc giành giải Silvana S Film - giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim tài liệu ngắn Đông Nam Á LENScape.
Nhà văn Phong Điệp và một triết lý về hạnh phúc

Nhà văn Phong Điệp và một triết lý về hạnh phúc

Baovannghe.vn - Tâm niệm "Viết để sống, để yêu và để trân trọng cuộc đời này", nên tác phẩm nào của nhà văn Phong Điệp cũng thấm đẫm vị đời, nóng hổi hơi thở cuộc sống. Giữ được sự nồng ấm này, có lẽ cũng nhờ một phần từ công việc khác của Phong Điệp: Nhà báo.
Made In Vietnam

Made In Vietnam

Baovannghe.vn - Biên giới của Made In Vietnam vươn tới đâu? Trong những cuốn sách cổ kính nhất không thấy câu trả lời, ngay cả các bản sấm ký cũng chẳng hé lộ chút gì. Chỉ biết rằng, tổ tiên của chúng ta, với sức sáng tạo lãng mạn tuyệt trần đã cài cắm “nhân sự” của mình tới nhiều nơi, cả trên trần gian lẫn ngoài thế gian.