Nhà văn tôi muốn nói trong bài viết này là PGS, TS Phạm Quang Long, nguyên Trưởng khoa Văn học, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV thuộc ĐHQG Hà Nội. Ông Phạm Quang Long nghỉ hưu từ cái ghế giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội, nhưng nghe chừng ông không thích ngạch đường quan lắm nên khá ngại nhắc đến cái chức này, ông chỉ vui lòng tự nhận mình là một ông thầy giáo về hưu mà thôi.
Một ông thầy giáo mà đến lúc nghỉ hưu mới phát lộ diện mạo của một cây bút văn xuôi cường tráng. Không kể những vở kịch lịch sử ông viết và đã được công diễn trước đó, từ khi hưu đến nay, ông viết liên tục và đã xuất bản năm tiểu thuyết: “Cuộc cờ”, “Lạc giữa cõi người”, “Mùa rươi”, “Chuyện làng”, “Chuyện phố” – cuốn tiểu thuyết thứ sáu, “Chuyện nhà Hóng”, cũng đang chuẩn bị ra mắt độc giả - trong đó tôi đặc biệt thích thú với hai tác phẩm “Chuyện làng” (NXB Công an nhân dân, 20200 và “Chuyện phố” (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2024). Không màu mè, Phạm Quang Long chỉ kể lại những chuyện ở làng và những chuyện ở phố (Hà Nội) mà ông từng nghe kể, từng chứng kiến hoặc tự trải nghiệm, nhưng đằng sau đó là cả một nỗ lực để nắm bắt và hiểu thấu về văn hóa nông thôn và văn hóa đô thị (Hà Nội), về sự phức tạp trong lối nghĩ và lối ứng xử của người nông dân và người thị dân (Hà Nội), nhất là ở những khúc rẽ lịch sử, những biến động lớn của đời sống xã hội.
PGS, TS Phạm Quang Long. Ảnh Internet |
Trước hết là những chuyện làng. Nhưng tôi muốn bắt đầu những chuyện làng bằng một chi tiết có trong tiểu thuyết “Chuyện phố”. Ấy là khi nhân vật nhà báo Tuấn từ Hà Nội về huyện Quỳnh ở Thái Hòa để điều tra thực hư việc nông dân nổi lên chống đối chính quyền, gây xôn xao cả nước. Xuống cơ sở, trực tiếp gặp bà con, Tuấn mới thấy rằng “ai gán cho dân tội chống đối chính quyền là những người ác, gắp lửa bỏ tay người”. Nông dân mình nghèo quá, làm đã không đủ ăn, lại còn chịu khổ trăm đường từ những thói hà lạm, nhũng nhiễu, cửa quyền, ăn bẩn ăn thỉu của nhóm cán bộ/ cường hào mới. Trong chiến tranh cũng như sau chiến tranh, nông dân đều khổ điêu khổ đứng. “Nông dân, người là ai mà xã hội này còn mang nợ người nhiều lắm?”.
Tiểu thuyết “Chuyện làng” trả lời chính câu hỏi ấy. Thời gian của truyện kể trải dài từ những những ngày tiền khởi nghĩa tháng Tám cho đến sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Chỉ một cái làng Đồng Hòa nhỏ bé ấy thôi mà đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện, những chuyện phổ biến, mang diện mạo bóng dáng của biết bao cái làng vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Nào là cải cách ruộng đất, quy thành phần, đấu tố địa chủ với không ít tình cảnh thương tâm, đau khổ và những hệ lụy về sau. Nào là chuyện nông dân phải góp đất đai trâu bò của mình để vào hợp tác xã, đi làm đổi công. Làm ra không ít nhưng chẳng bao giờ ăn được đủ no. Ngay lúc ấy nhiều người đã “chân trong chân ngoài” để thoát khỏi cái cảnh “một người làm việc bằng hai/ để cho cán bộ mua đài mua xe”. Nào là chuyện chiến tranh ập đến, làng vợi đi gần hết do thanh niên trai tráng phải lên đường nhập ngũ. Người thì vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường, kẻ sống sót trở về thì thương tật cả ngoài cơ thể lẫn trong tâm hồn. Làng như trải qua cơn bão dữ nhưng người nông dân vẫn cắn răng chịu đựng, tiếp tục lầm lũi làm ăn, lầm lũi sống tiếp.
Nhưng đó là nhìn về đại thể, và ở phần dương bản. Còn ở phần âm bản, nhà văn Phạm Quang Long đã dựng nên khá nhiều nhân vật với những tiểu tiết tính cách xem ra đúng là thuộc về “căn rễ tính cách” nông dân Việt Nam, nông dân miền Bắc. Này là cô Hân nanh nọc, cậy thế đảng viên cán bộ xã mà chuyên làm càn, sống coi thường, chèn ép bà con. Này là ông Đầu, cựu chiến sỹ Điện Biên, chủ nhiệm hợp tác xã, hăng hái thì có thừa nhưng thiếu kiến thức quản lý, kiên định trong công cuộc phá chùa phá đình đến mức cuối cùng bị “thánh vật”, nằm lăn quay ra vì đứt mạch máu não. Này là ông Thỉnh, con trai thứ lão Thích, có đầu óc tính toán, biết sống giúp đỡ người khác nhưng cũng rất biết tranh thủ cho lợi ích cá nhân, dẫu chỉ là một nắm củ riềng vặt trộm hay là một con cá nhanh tay vớt được trong ao của hợp tác xã... Nhưng nổi bật lên và sinh động một cách đầy thích thú trong số các nhân vật nông dân của “Chuyện làng”, phải là nhân vật lão Thích. Đầu óc mưu mẹo, biết cách thò ra thụt vào, tiến thoái đúng lúc đúng chỗ, hiểu người để ứng xử cương hay nhu cho thuận việc của mình, lão Thích chẳng hành động gì mấy nhưng hiệu quả có được bao giờ cũng là cao nhất. Khởi nghĩa cướp chính quyền nổ ra, lão đã tranh thủ thời cơ để được công nhận là cơ sở bí mật của cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa. Mỗi khi có khách “từ trên” xuống làm việc, lão chẳng nề hà tốn kém, sẵn sàng đảm bảo việc ăn uống đẩy đủ cho cán bộ tại nhà và làm nên hình ảnh một người quan trọng trong mắt bà con làng xóm. Với uy tín ấy, khi hợp tác xã hóa, lão dứt khoát vẫn giữ nguyên cái thửa ruộng rìa làng của mình, tự làm tự ăn, để khỏi chịu cảnh phải đi hầu không công cho đứa khác, mà rốt cuộc chính quyền cũng chịu không làm gì được lão. Cái sự giỏi tính toán và biết cách thu xếp cuộc đời một cách tốt nhất tùy theo hoàn cảnh ấy của lão Thích, có lẽ đã được nhà văn Phạm Quang Long “phiên ra” một cách đích đáng nhất bằng hình ảnh lão luôn đi đôi dép bằng mo cau và không bao giờ gây ra tiếng động. Bí ẩn như phù thủy. Tinh ranh như Bá Kiến, tôi cam đoan rằng rồi đây nhân vật lão Thích của Phạm Quang Long sẽ sớm trở thành “cổ điển”, ngang với những nhân vật nông dân nồng danh khét tiếng trong văn chương Việt Nam như lão Hạc, lão Am, lão Khúng, lão Khổ. Ngang, nhưng vẫn rất khác, rất cá biệt.
Từ những chuyện làng sẽ đến những chuyện phố, tương ứng với lịch sử đường đời của tác giả Phạm Quang Long, từ một cậu thiếu niên học phổ thông ở quê lúa Thái Bình đến một sinh viên của khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi đi làm nghiên cứu sinh bên Liên Xô, rồi về nước giảng dạy và sau đó liên tục giữ những chức vụ quản lý, tất nhiên là ở Hà Nội. Tác phẩm “Chuyện phố” của ông kể những câu chuyện về Hà Nội, về những con người sống ở Hà Nội và những con người được xem như là “người Hà Nội gốc”. Thời gian của truyện kể được bắt đầu từ trước năm 1945 khá lâu, khi ông Mưu còn là người tỉnh lên Hà Nội học việc buôn bán rồi lấy vợ là con gái của nhà buôn ở phố Hàng Đào. Tiếp đến là những ngày gia đình vợ chồng con cái ông Mưu tản cư ra vùng kháng chiến của chính phủ cụ Hồ Chí Minh. Mất vợ và chết một đứa con, ông đưa những đứa còn lại về thành, lo việc làm ăn buôn bán nuôi con cho qua hết thời chín năm, qua hết cuộc cải tạo công thương, cuộc kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ bao cấp dài dằng dặc. Nhưng những sự kiện chính của tiểu thuyết “Chuyện phố” là nói về thời sau này, thời Hà Nội cùng cả nước bước vào đổi mới, mở cửa, làm ăn theo quy luật kinh tế thị trường với biết bao sự thay đổi như trong và sau một cơn sốt vỡ da. Nhân vật của “Chuyện phố” thì nhiều, nhưng nhân vật mang tính cách “chìa khóa” để mở ra những vấn đề tác giả muốn nói, thì chỉ có hai: Tuấn, con trai thứ ông Mưu, nhà báo chuyển ngành từ bộ đội; và Lăng, bạn của Tuấn, trai quê, sử gia trẻ tuổi, giảng viên môn lịch sử thuộc một trường Đại học lớn ở Hà Nội. Chính nhờ hai nhân vật này mà “Chuyện phố” của Phạm Quang Long không chỉ hiện diện như một nỗ lực phác ra cái panorama của Hà Nội suốt mấy chục năm trong cuộc chuyển dịch từ một xã hội bao cấp sang một xã hội vận hành theo những quy luật của nền kinh tế hàng hóa, mà tác phẩm còn thực sự là một mũi khoan từ cái bề mặt phong nhiêu bộn bề của đời sống thăm dò xuống cái bề sâu Hà Nội, mảnh đất văn hiến nghìn năm này, ngõ hầu nhận ra văn hóa Hà Nội thực sự là thế nào, phẩm chất tính cách làm nên con người Hà Nội thực sự là ra sao?
“Chuyện phố” |
Đọc “Chuyện phố” ta có thể thấy một nhà báo Tuấn bụi bặm, nganh ngạnh, nhưng chân thành và hết lòng hết dạ với bạn đã đóng vai một thổ công – dẫu sao thì Tuấn cũng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội – đưa sử gia Lăng đi khắp các ngóc ngách “ngõ nhỏ phố nhỏ” ở Hà Nội để tìm lại những ký ức về một Hà Nội cổ xưa, những mảnh hồn thấm đẫm “Hà Nội tính” giữa xô bồ bát nháo phố phường của ngày hôm nay. Những ký ức, những mảnh hồn ấy không phải là những vật, mà chính là những con người đang lưu giữ và thực hành một tinh thần sống, một phong cách sống theo kiểu “Hà Nội ròng”. Ở điểm này thì nhà văn Phạm Quang Long đã gặp gỡ với Trần Chiến, Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Lê Minh Hà..., những nhà văn có cùng một sự tìm kiếm, một đích đến như ông, những nhà văn đã sớm nhận ra di sản lớn nhất của văn hóa Hà Nội chính là con người Hà Nội với lối sống, lối ứng xử đã được rèn giũa đến thành tinh hoa một cách tự nhiên và tự nhiên một cách tinh hoa.
Có hai nhân vật như thế. Một, là ông Lâm, bạn của ông Mưu, bố Tuấn, một người đàn ông đàn ngọt, giỏi ngoại ngữ, tài hoa và rất đa tình, kiểu người không bao giờ từ chối những niềm vui trần thế - đặc biệt là phụ nữ đẹp và thức ăn ngon - nhưng tuyệt đối phải đảm bảo nguyên tắc thanh sạch và yên lành, không để ảnh hưởng đến cuộc sống và sự an toàn của bất kỳ ai: “Người ta không thích thì mình tránh đi cho nó lành, đặc biệt là sống sạch sẽ, những gì có đều từ hai bàn tay mình cả”. Và hai, là người phụ nữ tên Khanh, chị họ của Tuấn, “một gái phố cổ điển hình về phẩm chất các bà, các cụ thời xưa dạy con cái nhưng cũng lại nổi tiếng về thái độ trực tính và chỉ thích sống theo ý mình”. Chị Khanh xinh đẹp, bằng cấp cao, chuyên môn giỏi, lại có chồng làm cán bộ to ngất ngưởng, “thế nhưng chị lại chẳng coi những thứ hơn người của mình ra gì”, điều chị mong muốn chỉ là một cuộc sống gia đình hạnh phúc, bình thường và giản dị, yêu thương và được yêu thương, chứ không phải một cuộc sống mà mỗi thành viên trong gia đình lại bị cuốn đi theo một hướng khác nhau, theo một cách bất tự giác. Có thể nói, hai nhân vật này là hai con người, hai cách nhập thế và hai số phận cuộc đời rất khác nhau, nhưng tác giả (vô tình hay hữu ý?) đã khiến ở họ bật lên một điểm chung: đó là lòng tự trọng và tinh thần tự nhiên. Tự trọng là để giữ lấy phẩm giá làm người. Tự nhiên là để mình được làm chính mình, một cách nhuần nhị, cởi mở, nhưng không cố kiễng, không phô trương, chỉ cần không gây hại đến ai là được. Và đó mới thực sự là cái cốt tủy của văn hóa “người Hà Nội”.
Dĩ nhiên là “Chuyện phố” phong nhiêu hơn nhiều so với những gì tôi vừa trình bày. (Và “Chuyện làng” cũng vậy). Ở đây còn là những câu chuyện và những suy ngẫm về nghề buôn, nghề giáo, nghề báo, chuyện từ chiến tranh biên giới đến chuyện “bài Hoa” một thời, chuyện từ những mưu mô thủ đoạn nơi công sở đến những chiêu trò tranh giành quyền lợi giữa anh em trong nhà vào cái thời mạt pháp v.v... Những câu chuyện ấy – những “tiểu tự sự”, theo cách diễn đạt của nhà nghiên cứu văn học Phạm Thành Hưng trong “Lời bạt” của tiểu thuyết – thể hiện một cấu trúc đan dệt, móc nối những chuyện đời tưởng như lặt vặt nhưng hóa ra lại thành một bức tranh vân cẩu đầy phức tạp về xã hội hôm nay. Làng hay phố thì cũng đều không yên ả, và càng ngày càng không yên ả. Nhưng ít ra, những xáo động chao đảo của làng và của phố cũng được xoa dịu phần nào khi có người kể về nó - một cách khoan thai nhưng đầy cảm xúc – và mời gọi người đọc cùng nghĩ về nó thật nghiêm túc. Theo tôi, ông giáo/ nhà văn Phạm Quang Long là người đã thành công khi thực hiện điều đó.
Nguyễn Hoài Nam | Báo Văn Nghệ
----------
Bài viết cũng chuyên mục: