Ở Hà Giang có nhiều chuyện lạ, thậm chí rất lạ, nhất là với những ai lần đầu đặt chân lên cao nguyên đá này. Những dích dắc của câu chuyện thật chẳng khác gì những cung đường loằng ngoằng mảnh như sợi chỉ ở Hà Giang, vừa ở đỉnh núi trập trùng mây phủ, thoắt cái đã ở thăm thẳm vực sâu. Đi ô tô qua những con đèo nghìn thước mà như trôi trong cổ tích.
Từ Hà Giang
Thời còn làm báo, tôi ra vô Hà Nội không biết bao nhiêu lần, đi khắp các tỉnh phía Bắc nhưng Hà Giang vẫn là vùng đất “trong mơ”, chưa một lần được đặt chân đến. Cứ mỗi lần thấy Mai Thanh Hải, đồng nghiệp của tôi ở báo Thanh niên “khoe” những chuyến dọc ngang của anh trên cao nguyên đá ấy, tôi lại trách Hải sao cứ “bí mật” đi một mình mà không rủ tôi đi cùng. Hải hứa là có dịp thuận tiện nhất sẽ rủ tôi đi. Và rồi Hải đã giữ lời.
Một hôm, giữa đêm khuya, Hải gọi cho tôi và thông báo: “Đi Hà Giang nhé! Có cả nhà thơ Văn Công Hùng nữa.” Tôi khoác túi lên đường mà chẳng cần hỏi mục đích chuyến đi. Tôi tự nhủ lòng, được đi với nhà thơ Văn Công Hùng, ông ấy “nổ” liên hồi kì trận thế kia, những chuyện khó cười cũng trở thành vui nhộn nên mệt nhọc gì cũng sẽ tan biến hết! Mấy anh em hẹn gặp nhau tại sân bay Nội Bài rồi cùng bắt xe lên thẳng Hà Giang.
Tôi nhìn trong lịch: hôm ấy là 25/7/2023, còn hai ngày nữa là Ngày Thương binh- Liệt sĩ 27/7, thầm nghĩ trong bụng, hẳn là có việc liên quan đến chuyện tìm kiếm liệt sĩ chi đây. Quả đúng như vậy. Mai Thanh Hải thông báo: “Ta đi xe lên Hà Giang, hôm sau sẽ đón hai thân nhân của liệt sĩ bay từ Đắk Lắk ra, hẹn nhau trên đấy. Họ đi nhận người thân đã thất lạc suốt 44 năm qua, chúng tôi mới tìm ra, ngay tại Nghĩa trang liệt sĩ Mèo Vạc.”
Lên đến thành phố Hà Giang, xe của Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chờ sẵn ở đó rồi. Chúng tôi trực chỉ Đồng Văn - Mèo Vạc trong sự háo hức lẫn nỗi sợ mơ hồ khi chiếc ô tô trườn qua những cung đường mà chỉ có trong tưởng tượng bởi vẻ đẹp vừa hùng tráng vừa lạnh sống lưng. Có lẽ đêm ngủ ở Đồng Văn hôm ấy là đêm dài nhất trong đời, vì cả tôi lẫn nhà thơ Văn Công Hùng rất nóng ruột muốn biết câu chuyện sẽ kết thúc ra sao, ngay tại Nghĩa trang liệt sĩ Mèo Vạc - nơi có ngôi mộ mang tên Hoàng Văn Phú mà thân nhân của liệt sĩ này tìm kiếm suốt 44 năm qua.
Câu chuyện về liệt sĩ Phú được bắt nguồn từ cuộc tìm kiếm một liệt sĩ khác. Đó là anh hùng liệt sĩ Lộc Viễn Tài, thượng úy Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Làn (nay là Đồn Biên phòng Sơn Vĩ). Xin được mở ngoặc một chút về nhà báo Mai Thanh Hải - người mà hầu như tất cả các đồn biên phòng dọc biên giới phía Bắc đều in dấu chân của anh. Hải thân thuộc các đồn đến mức, nghe tiếng anh “ới” ngoài sân là tất cả lũ chó mà bộ đội biên phòng nuôi ở đó đều vẫy đuôi mừng rỡ!
Năm 2021, báo Thanh niên có triển khai loạt bài về những liệt sĩ anh hùng hi sinh tại biên giới trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Mai Thanh Hải lên Hà Giang, ghé Nghĩa trang Vị Xuyên. Anh đi dọc theo các hàng bia mộ, nhẩm tên những liệt sĩ anh hùng nhưng lại thiếu tên Lộc Viễn Tài - người mà Hải đọc tài liệu và biết Lộc Viễn Tài hi sinh trong một trận đánh không cân sức giữa một tiểu đội hơn 10 tay súng ở Đồn Lũng Làn với một tiểu đoàn địch ngày 5/3/1979. Thế là Hải phi thẳng lên Mèo Vạc rồi ghé nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Mộ của anh hùng liệt sĩ Lộc Viễn Tài đây rồi. Anh nằm giữa đồng đội hơn 40 năm qua tại vùng đá núi heo hút này. Những tưởng cuộc tìm kiếm nơi an nghỉ của người anh hùng kết thúc ở đó thì như có một sự mách bảo nào đó từ trong thẳm sâu linh cảm, Hải dừng lại trước một ngôi mộ nằm ở rìa ngoài cùng. Mai Thanh Hải vừa nhẩm tên người liệt sĩ vừa xem các thông tin trên bia thì người quản trang nói rằng, ngôi mộ này suốt 42 năm qua (1979-2021) không một thân nhân nào đến viếng cả! Câu nói đã đánh thức sự tò mò chen lẫn mủi lòng của Hải. Rồi anh quyết tâm đi tìm với câu hỏi của chính anh: “Tại sao trên bia có tên họ Hoàng Văn Phú, quê huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng, lại nằm ở Nghĩa trang Mèo Vạc? Tại sao không có một thân nhân nào đến viếng? Có góc khuất nào đang bị thời gian phủ bụi chăng?”
Anh Mai Thanh Hải nhớ lại: “Những phỏng đoán lờ mờ hiện ra trong đầu chúng tôi khi nghe thông tin trên từ người quản trang: anh Phú quê huyện Trùng Khánh - Cao Bằng, lại thuộc biên chế Đồn Lũng Làn - Mèo Vạc tỉnh Hà Giang và hi sinh tại đây. Đó là lí do khiến phần mộ người liệt sĩ này bị thất lạc với gia đình mấy chục năm qua chăng? Lục tìm danh sách các liệt sĩ còn lưu lại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang thì không có tên liệt sĩ Hoàng Văn Phú. Thế là cuộc tìm kiếm manh mối về người liệt sĩ này bắt đầu.”
Biết câu chuyện mà chúng tôi đang theo đuổi, đại tá Lưu Đức Hùng nguyên Chính ủy Bộ đội Biên phòng Hà Giang góp ý: “Trước đây tôi có nghe loáng thoáng chuyện năm 1979 có thành lập chốt liên tỉnh ở khu vực giáp ranh Cao Bằng - Hà Giang. Đồn Lũng Làn nằm ở giáp ranh hai tỉnh này. Có thể quân ở Cao Bằng nhưng hi sinh ở Hà Giang, ta qua Cao Bằng lục tìm hồ sơ xem sao?”
Hai người cháu của liệt sĩ Hoàng Văn Phú tại phần mộ của chú mình sau 44 năm thất lạc. |
Qua Cao Bằng
Chúng tôi lại lên đường sang Cao Bằng. Lục tìm hồ sơ mà Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh này đang lưu giữ thì thấy Hoàng Văn Phú có tên trong danh sách liệt sĩ nhưng lại mất hồ sơ gốc, tức là các thông tin liên quan về quê quán như thôn, xã, thân nhân của liệt sĩ hiện ở đâu... không có. Một lần nữa các manh mối về liệt sĩ Phú lại mất hút.
Quyết không bỏ cuộc, chúng tôi tìm về xã Ngọc Khê huyện Trùng Khánh - địa chỉ được ghi trên phần mộ của liệt sĩ Phú tại Nghĩa trang Mèo Vạc. Sau mấy ngày lục tìm tài liệu và chắp nối các nguồn tin với nhóm tìm kiếm, Bí thư Đoàn TNCS HCM xã Ngọc Khê - anh Ngôn Văn Trịnh quyết định đưa đoàn về thôn Lũng Lầu - một ngôi làng nằm sát biên giới với Trung Quốc. Xin được lưu ý là, nếu tìm các địa chỉ ở khu vực đồng bằng thì chẳng mấy khó khăn nhưng đây lại là những tên đất, tên làng nằm sâu trong các thung lũng hoang vu, núi non trùng điệp, người dân ít có dịp tiếp xúc rộng rãi với bên ngoài nên để tìm một chi tiết trong mớ thông tin cần tìm, có khi phải mất cả tuần! Đi tìm địa chỉ quê quán của liệt sĩ Hoàng Văn Phú là một trường hợp như thế.
Rất may là khi đoàn vừa đặt chân đến Lũng Lầu thì gặp ngay ông Trưởng thôn Hoàng Văn Chủ, 70 tuổi - được xem như người cùng thế hệ với liệt sĩ Phú. Ông nói ngay: “Gia đình anh Phú trước đây ở ngay chỗ khu rừng này. Năm Trung Quốc đánh ta, chiến tranh ác liệt quá nên cả nhà tản cư về Cảnh Tiên, cách đây 20km. Gia đình Phú có 4 con trai nhưng hai người là liệt sĩ.” Đội tìm kiếm hỏi thêm thông tin về gia đình của liệt sĩ Phú hiện tại thế nào thì ông Chủ cho biết: “Ở Cảnh Tiên khổ quá, với lại hồi ấy còn chiến tranh liên miên ở vùng biên giới, không hồi hương được nên năm 1988, gia đình anh Phú quyết định di cư vào Đắk Lắk rồi. Mấy chục năm qua bặt tin gia đình này.” Nói đoạn, ông Chủ tiết lộ chi tiết quan trọng này: “Anh Hoàng Văn Chung là anh ruột của Hoàng Văn Phú hiện còn sống, đang ở Đắk Lắk.” Chúng tôi lại lên đường tìm về Đắk Lắk.
Lên Đắk Lắk
Vậy là manh mối đã được mở ra nhưng có một chi tiết làm cho những người tìm kiếm thân nhân của liệt sĩ Phú thêm một lần khốn khó. Đó là khi họ gặp cơ quan chức năng ở Đắk Lắk để tra cứu hồ sơ thì các cơ quan ấy đều nói rằng, không có ai tên Chung mà trong tài liệu lưu trữ chỉ có ông Hoàng Văn Chúng thôi. Nhưng đại diện Công an Đắk Lắk hé lộ thêm một thông tin khả tín: “Ông Chúng cũng có quê quán xã Ngọc Khê huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng hiện ở xã Ea Phê, huyện Krông Pắc.”
Lại tiếp tục cuộc hành trình về xã Ea Phê. Tại đây, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Phê - Trần Trung Hiếu, sau một hồi tra cứu thông tin trong tài liệu lưu trữ tại xã, tỏ ra vui mừng: “Ông Chúng đang cư trú trên địa bàn xã Ea Phê hiện nay có quê là xã Ngọc Khê huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng. Gia đình ông Chúng đang thờ cúng hai liệt sĩ, trong đó có liệt sĩ Hoàng Văn Phú, hi sinh ngày 5/3/1979 nhưng không biết phần mộ ở đâu. Khả năng ông Chúng này chính là ông Chung mà các anh đang tìm.” Nghe vậy, cả đoàn ai cũng khẳng định ngay rằng, họ đã tìm đúng địa chỉ cần tìm sau mấy năm lặn lội vào Nam ra Bắc. Đoàn lại tiếp tục đi 5km nữa để đến địa chỉ cần tìm.
Anh Mai Thanh Hải, nhóm trưởng của đội tìm kiếm nói giọng buồn buồn: “Đã 35 năm định cư vùng đất này nhưng ông Chung vẫn ở trong ngôi nhà tuềnh toàng, khác chăng là trên bàn thờ gia đình, bên cạnh di ảnh của mẹ ông - cụ bà Hoàng Thị Ỷ- có kèm theo Bằng chứng nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kí năm 2014.”
Khi nghe ông Trần Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Phê nói lí do các anh trong đoàn ghé thăm nhà và cung cấp thông tin về phần mộ người em trai mình - liệt sĩ Hoàng Văn Phú, ông Hoàng Văn Chung gần như ngã quỵ. Ông nói trong nước mắt: “Trước khi mẹ tôi qua đời (1993), cụ có nhắn gửi lại cho tôi là làm sao tìm cho được chỗ nằm của hai người con trai là liệt sĩ của bà. Tôi thật sự vô vọng vì suốt 44 năm qua, nghe ai mách cho thông tin nào, tôi cũng đều dò la tìm manh mối nhưng quỹ thời gian của đời tôi ngày một cạn mà lời nhắn ấy của mẹ tôi, tôi vẫn không thực hiện được. Nay biết được tin này, có nhắm mắt tôi cũng an lòng.”
Ông Chung nay đã 70 tuổi, mang đủ thứ bệnh tật, phải dùng nạng để đi lại nên ông ủy quyền cho đứa con là Hoàng Văn San ra Mèo Vạc, Hà Giang để nhận phần mộ của chú mình - liệt sĩ Hoàng Văn Phú.
Tại buổi lễ tưởng niệm ở Nghĩa trang Mèo Vạc, anh San đã nhiều lần nấc nghẹn: “Tôi khóc thay cho ông bà nội tôi vì cho đến khi từ giã cõi đời vẫn không biết những núm ruột của mình đã lưu lạc tận phương trời nào. Nay đã tìm lại được chỗ yên nghỉ của chú Hoàng Văn Phú đã phần nào an ủi vong linh các cụ. Còn người bác ruột của tôi hi sinh tại Tây Nguyên năm 1972 thì chắc là chịu rồi.” Không ai cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh hai người cháu của liệt sĩ Hoàng Văn Phú gần như ngã quỵ trên phần mộ của chú mình sau 44 năm thất lạc.
Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đã 45 năm nhưng nỗi đau chừng như vẫn chưa khép lại với nhiều gia đình có con hi sinh cho cuộc chiến ấy. Thật đau xót xiết bao!
Phạm Đương | Báo Văn nghệ
------------
Bài viết cùng chuyên mục: