Sáng tác

Tào Lường - Truyện ngắn của nhà văn Tô Hoài

Nhà văn Tô Hoài
Danh tác văn học
13:22 | 11/07/2024
Tư nhớ lại đêm đầu mùa đông năm ngoái, thầy tào Triệu Văn Hương kể chuyện Tào Lường bên bếp lửa...
aa

I

Từ Nà-lôộc lên Pá-pầu nửa ngày đường. Lối đi xoai xoải dưới chân rồi càng cao càng dựng đứng. Qua rẫy sàn của bản Nà-lôộc đến dốc rừng tre, độc rừng tre rồi rừng gianh, rồi lại dốc, lại dốc rừng tre nữa. Bỗng Tư trông thấy một cái rẫy lúa chín vàng nuột bên sườn núi. Tư hơi ngạc nhiên vì sự đột ngột gặp được công cuộc làm ăn cấy hái ở một nơi cheo leo thế này. Rừng núi mênh mang mà chỗ nào cũng có lối, lối đi chằng chịt như mạch máu trên thân người.

Những cây hạt dẻ cao vút, quả khô gai lủa tủa. Quả trám trắng lẹt đẹt rơi. Con hươu gộ dưới gốc, tiếng khô như một cành củi gãy. Dưới xa, trong lòng thung lũng, tiếng suối phảng phất thở dài. Trông sang phía Cao Bằng trước mặt, núi xanh núi trắng, loang lổ dán lên nhau. Tư hỏi người giao thông:

- Sắp đến chưa, đồng chí!

- Còn một dốc thêm.

Rồi qua bụi sa nhân, bụi nát, mấy cây chanh, cây mận và cây mần tang lưa thưa, lộ ra mấy mái nhà bạc trắng, lợp thanh tre như ống máng. Nhà làm theo bậc núi, mỗi cái hai gian nhỏ, cái nọ ngồi lên cái kia. Có ba nhà cả thảy. Mấy con lợn con thò đầu ra ngoài vách, rồi thụt vào trong vách. Đó là làng Pá-pầu.

Người giao thông trỏ lên cái nhà trên cùng:

- Nhà đồng chí Chẩn.

Tư bước vào. Một cái mặt đen sì, khô đét, có đôi mắt ngơ ngác trắng nhã ngóc lên. Giữa mặt, một vết thương đương lên da non, hon hỏn dài gần suốt hai má, người ấy cởi trần, héo như một cái lá khô, nằm trên một mảnh ván cạnh bếp. Vai, cổ, đùi, bụng, sườn, bắp chân, cánh tay, giữa đám ghét đen xỉn, loét từng vết thương dài như vết quào chém, không khí thum thủm. Người ấy nói thổ.

- Đồng chí Chẩn đi rẫy, muốn gọi, tôi gọi về cho.

Rồi anh ta nói ra ngoài cửa mấy tiếng Mán. Một bà ké thấp lùn sau lưng ngặt nghẽo địu một đứa trẻ, cung cúc chạy xuống dốc. Một người, mà Tư không đoán được là đàn bà hay đàn ông, đầu cạo trọc nhẵn, trên đỉnh nuôi một cái hoa roi để rũ dài xuống gáy. Hắn thò đầu vào, Tư trông thấy trước nhất là cái bụng to tướng lồi ra ngoài áo báng như bong bóng lợn. Cái mặt chảy phì và mắt mũi, mồm chỉ còn là những nét mờ trên nước da xám nhợt. Hắn thờ thẫn thò đầu vào.

- Đồng chí Chẩn đây à?

Anh thanh niên ốm ngồi trên tấm ván trả lời:

- Không phải. Đấy là đồng chí Bàn Văn Minh ở nhà dưới.

Một người mặt mũi vuông vắn da mai mái, gò má hơi nhô, cằm nở bạnh nét. Màu chàm trên áo đã xạm xỉn và hai ống quần thì bợt hết gấu. Anh ta vác ngang trên vai khẩu súng kíp, lưng đeo túi đạn làm bằng da con nhông vàng xọng.

- Đồng chí Chẩn?

Một giọng tiếng phổ thông lơ lớ:

- Phải... tôi... đồng chí Chẩn...

Tư nói để đồng chí Chẩn biết Tư là người của một cơ quan đoàn thể. Tư lên đây khai hội với các đồng chí về vấn đề tổ chức và báo tin truyền làng. Nhưng Tư muốn đi Píc-cáy trước, vì Píc-cáy gần chợ Phủ hơn. Nghe Tư nói, đồng chí Chẩn gật gật đầu, thưỡi cái môi dưới và đáp chuyện dịp một tiếng “thế... thế...”

- Bây giờ đi Píc-cáy còn được không?

- Đồng chí muốn đi Píc-cáy à? Đi cũng tối thôi.

Nghĩa là đi Píc-cáy bây giờ thì tối đấy. Tư phải ở lại Pá-pầu. Đêm trên núi cao, gió thổi rét lắm. Đồng chí Chẩn lấy thịt gấu khô treo trên bếp nấu cho Tư ăn (thịt con gấu chó, hai anh em đồng chí Chẩn mới bắn được hồi tháng Tám. Nó quào nát mặt, người đồng chí Bảo, làm thuốc đến bây giờ chưa khỏi).

Đồng chí Bảo chống gậy nhảy đến bàn cơm. Một cô con gái gầy gùa, chít khăn thêu đỏ, thái dương và gáy cạo nhẵn, ngồi ăn cơm với bà ké bên bếp.

Nhà có mỗi một cái giường. Không biết ai ngủ đâu? Đồng chí Bảo co quắp trên mảnh ván cạnh đống lửa. Bà ké buộc chặt lại địu đứa bé bước ra cửa. Cô gái gầy theo mẹ. Đồng chí Bàn Văn Minh ở nhà dưới lên, vai vác khẩu súng lừ đừ đi sau hai người. Tư hỏi đi đâu, đồng chí Chẩn bảo: “Nó đi ngủ trong rừng”. Đêm trên núi cao, gió thổi càng khuya càng rét. Lúc Tư nghe tiếng ho mới biết đồng chí Chẩn nằm trên ấy.

Bấy giờ vào khoảng tháng Mười. Buổi sáng, từ trong hốc núi ở cuối thung, mây trắng trôi cuồn cuộn, bập bềnh như sóng trên làng mạc và cánh đồng. Các chỏm Cứu Quốc xanh rì nhô lên như những cù lao chơi vơi giữa bể tuyết. Đồng chí Chẩn thổi xong cơm, vùi nồi xuống gio, rồi xách cái nỏ lên rừng. Bà ké địu đứa bé, cô gái gầy gùa mặt xanh rớt và đồng chí Bàn Văn Minh đã về ngồi quanh bếp. Hai bàn tay giơ trên ngọn lửa, mặt ngoẹo nghiêng nheo nheo con mắt. Một thoáng đồng chí Chẩn đã về, xách một con chuột đuôi xù, dài. Chuột nướng lên bếp rồi mổ, bỏ vào chảo.

Cơm xong, cô con gái xuống nhà dưới, cùng mọi người ra rẫy. Bà ké địu đứa bé vào rừng vác củi. Đồng chí Bảo lấy mật gấu bôi khắp các vết đau rồi ngồi vót tên bắn chuột, Tư và Chẩn đi Píc-cáy. Gà, lợn đã bắt vào cơ quan cả. Thỉnh thoảng một đứa bé nhà dưới ra đứng cửa cất tiếng eo éo Tăm lơ lơ... Tăm lơ lơ... Nó gọi con chó.

Tư và Chẩn trở về thì sương đã xuống lạnh hai bàn tay. Trong nhà có tiếng gõ cành cạch và tiếng rì rầm lè nhè. Một người đầu trọc, áo quần rách như sơ mướp ngồi trước một con gà luộc đặt trên một bát gạo. Trong bóng tối lờ mờ, ông thầy tào đập hai mảnh gỗ vào nhau kêu cạch cạch và rì rầm lè nhè. Đó là ông tào đương cúng ma như noọng Liễu - cô con gái gầy gùa, em đồng chí Chẩn mà Tư gọi là noọng cho Thân - độ này sốt rét.

Cúng xong đồng chí Chẩn ôm vào nhà một đống củi, đốt cháy lên ngùn ngụt. Cả làng đến chơi. Đồng chí Đặng Đức Quân, nhà dưới cùng, búi tóc, chít khăn, áo rộng tay như học trò thời xưa. Thằng bé con cởi truồng, ngồi chầu hẫu dưới đất, bên đùi gối bố. Đồng chí Bàn Văn Minh thì đương cơn sốt không lên được. Nghe ngoài gió thấy tiếng ho đưa lên. Vợ đồng chí Minh và hai con cùng với Chẩn, Bảo, bà ké, noọng Liễu ngồi một góc. Ông tào lúc nãy bây giờ chạy đi chạy lại lấy củi. Họ quây quanh lửa. Làng được tất cả mười người. Họ đến nghe Tư nói.

Cái vốn tiếng bản địa của Tư không được phong lưu gì. Hắn chỉ nói được cho người ta biết một cách giản đơn: bây giờ làng nào cũng phải canh gác đề phòng thằng Pháp và Việt gian đi mò thám. Nếu không cẩn thận canh gác, như ngày trước, thằng Nhật đem bảo an lên tận Píc-cáy bao vây, nó nổ súng ta mới biết, các đồng chí còn nhớ không.

- Chứ vớ!(1)

Thầy tào trả lời Tư ấy, là đồng chí Triệu Văn Hương. Đồng chí Triệu Văn Hương lùn hủn hoẳn: tròn như cái nắm tay. Mặt bóng nhẵn và xám như một hòn đá cuội. Chốc chốc anh ta thở dài. Anh ta có tính hay thở dài.

Rồi mọi người ra về. Bà ké và noọng Liễu đi cơ quan trong Rừng. Nhà chỉ còn có thầy tào Triệu Văn Hương và ba người.

- Đồng chí Triệu Văn Hương ở đâu?

- Tôi ở Nà Lương.

- Làng Nà Lương có bao nhiêu nhà?

- Một nhà?

- Chỉ có một nhà?

- Lúc trước còn có nhà Tào Lường. Tào Lường nuôi nhiều cách mạng. Thằng Pháp bắt đi giết bốn năm nay rồi. Húi dà, khổ lắm, lúc trước thằng Pháp nó làm người ta khổ lắm.

- Lúc trước cách mạng ở đây có nhiều không?

Đồng chí Chẩn:

- Lúc thì nhiều, lúc thì ít. Đồng chí Liên Bang, đồng chí Tiên Phong, đồng chí Thanh Quang, đồng chí có biết không? Vàng-kheo, Píc-cáy có nhiều cơ. Khuổi-slám có cơ du kích. Cách mạng vui lắm, làm hát, dạy chữ. Đồng chí Bảo cũng được đi cơ bí mật học chữ một tháng. Đồng chí Văn Hương được đi giao thông luôn. Ai cũng đi giao thông. Tào Lường được lên khu trên Cao Bằng một lần, tôi đi đánh Nhật ở Phiêng-phường một lần.

Triều Văn Hương thở dài thườn thượt một cái.

- Thằng Pháp nó làm người ta khổ lắm. Ba hôm, bốn hôm, lính đi tuần phòng một lần, khám nhà một lần. Người ta đi đâu, nó bảo đi với cách mạng, nó bắt. Nắm cơm to đi rẫy, nó bảo đem cho cách mạng, nó bắt. Đi chợ Phủ nó xui người Thổ không bán muối cho người Mán ăn, để người Mán làm cộng sản. Nó giết Tào Lường.

Đồng chí Bảo từ nãy đến giờ im lặng như một con chuột ngồi rình chộp từng hạt ngô nở nảy trong gio ra, bây giờ mới nói:

- Cái này để nhớ mãi. Bao giờ ông chết hết thì cho mày độc lập...

Tư bật cười vì câu nói sai chữ rất ngộ. Nhưng Tư thấy biết bao nhiêu chua cay, căm thù, Tư bỗng hiểu rằng tại sao, trong hoàn cảnh khó khăn xưa kia, người Mán đói, rét, chết khô trên các mỏm núi mà vẫn rất hăng hái giúp cách mạng. Tư bỗng hiểu tại sao hiện nay trong những vùng có thổ phỉ quấy, thằng Pháp cho bọn tay chân thằng Sì Lìn ra công đi mua chuộc, dụ dỗ Mán mà cũng chẳng được mấy người. Chúng ta phải làm cho anh em Mán đủ ăn, được học, có áo mặc rét và hiểu biết. Phải có những người cán bộ chịu khó, kiên tâm. Bởi vì anh em Mán lang bang trên các đỉnh núi, mà cán bộ ta: đồng chí xuôi lên thì ít chịu tìm hiểu, đồng chí ngược thì chủ quan. Có những làng Mán chôn rau cắt rốn của Giải phóng quân, mà từ lâu, không có một người cán bộ nào trèo lên. Pá-pầu, Píc-cáy, Vàng-kheo, Nà-lương; Nà-đông, Phiêng-phàng, Nậm-tuốc, Na-ngòa... những cái tên mà đọc lên, chắc không một đồng chí Nam tiến đã qua châu Trưng Vương không biết, không thuộc, thuộc từng khe đá gốc cây, từng cái lều canh này, cái cối nước ngủ đêm.

Đồng chí Bảo đã nằm co quắp trong đống tã rách trên mảnh ván làu nhàu nói:

- Tôi khỏi đau, tôi đi bắn thằng Tây.

Chẩn và Triệu Văn Hương đã trèo lên gác bếp, rúc sột soạt trong đống rơm. Chuẩn nói chõ xuống:

- Bắn thằng Pháp cũng bằng bắn con gấu thôi.

Cả bốn người cười hà hà. Gió lùa ù ù vào khe nứa. Triệu Văn Hương thở dài thật to. Đồng chí Chẩn rì rầm hát như thầy tào cúng ma. Đồng lòng hy sinh... tiến ra sa trường tranh đấu... cho muôn hạnh phúc... cho muôn thái bình... gió giải phóng... Bảo ngóc cổ thò ra cho đỡ lạnh và cũng lên tiếng hát. Giọng Bảo rầu rĩ véo von.

- Pí noọng ơi! Ngẫm nghĩ tỉnh Bắc Kạn dân boong slà thật lầm than, khổ sở như tỷ đai. Khau phia lẻ ăng ắc mì lai, tôm háy nà nọi mì, tọ nhưng mà Nhật, Tây bấu slương hại dân boong sìa.

Thảm thiết lai! Slam pi quá già mà, dân boong slà mẻn hành hạ bạng như tua vài mò...(2)

- Ai dạy cho đồng chí Bảo thế?

- Cần cách mạng slon hử(3).

II

Một hôm, đồng chí Hùng Vương dẫn một người đến cơ quan đồng chí Tư.

- Tôi xin giới thiệu đây là đồng chí Hoàng.

Đồng chí Hoàng mặc quần tây, áo sơ mi dài tay bằng dạ xám. Trạc tuổi ba mươi, vóc người vạm vỡ to lớn. Khuôn mặt tròn, lừ đừ với cái mũ cát két vàng như một anh thợ máy. Trên túi áo ngực thò ra một mẩu bao xanh đựng bút máy, một tràng dây hột cườm xanh đỏ lóng lánh. Tư đã được nghe nói Hoàng quê ở trên Kim Mã, một cán bộ người Mán của tỉnh.

Vừa gặp Tư, Hoàng đã rút bút máy và sổ tay trong sắc cốt:

- Đồng chí có tài liệu về tình hình Tàu và tình hình thế giới độ này thế nào?

- Giải phóng quân vẫn thắng to và tiến mạnh. Còn thế giới thì Mỹ vẫn sinh sự với Nga.

Đồng chí Hoàng cắm cúi biên:

- Hai trăm mười cái ô tô thằng Pháp đi đường Tà Lùng vào Cao Bằng đồng chí có biết là tại làm sao không?

- Tại mấy thằng phản động ngoại quốc cho nó mượn đường để nó làm kế hoạch bao vây biên giới mình.

- Thế à?

Và Hoàng cười:

- Vây người ta tám mươi năm còn không được, còn vây cái gì? Thằng Pháp dốt quá.

Đồng chí Hùng Vương nhếch mép, đôi mắt chăm chắm như nghĩ - một điệu sửa soạn nói trịnh trọng quen thuộc của Hùng Vương:

- Thưa đồng chí, tôi đến đây hôm nay rủ đồng chí lên Pá-pầu khai hội với anh em.

Nhưng Tư mắc bận không đi được.

Một lần khác, Tư lên Pá-pầu. Đương đi trong rừng tre, nghe trước mặt có tiếng hát:

Đi là chiến đấu

Đi là đi chiến thắng

Đi là mang mối thù thiên thu...(4)

Tiếng hát khi xa khi gần, nhịp bước chân cao, thấp của người xuống dốc. Tưởng ai, chẳng hóa ra đồng chí Lý Định Bảo. Ồ, đồng chí Bảo này đã khác cái đồng chí Bảo mấy lần trước còn nằm còng queo trên mảnh ván. Bảo đã khỏi đau. Chân chỉ còn hơi tập tễnh một tý. Vết sẹo dài ngang má lằn hẳn thành một hằn đen. Hôm nay, nom Bảo đã có da thịt. Quần áo tuy bợt thủng nhiều chỗ nhưng cũng là một gã thanh niên nhanh, khỏe. Bảo hạ cái nỏ trên vai xuống, cười bắt tay đồng chí Tư:

- Tôi khỏi rồi.

- Đi đâu?

- Đi bắt con chuột ở rẫy. Con chuột ăn nhiều thóc, hại quá...

Tư rẽ vào Nà-lương. Nhưng không thấy thầy tào Triệu Văn Hương. Chỉ thấy một cái nhà đã tuông cả bốn vách nứa. Ba con trâu đứng ở trong nhà nghếch mồm thở ra phì phì. Độ này nghe tiếng súng chợ Phủ, luôn chắc thầy tào Triệu Văn Hương đã dọn nhà đi ở cơ quan bí mật...

Tư lên Pá-pầu. Noọng Liễu ngồi trước cửa thêu đầu thắt lưng. Thấy Tư, noọng Liễu đứng lên, cất túi kim chỉ rồi lấy cái chổi tre lạch cạch quét nhà. Con Pú, thằng Ly, hai con đồng chí Minh, không biết ở đâu ra, thò đầu nhòm vào nhà. Mặt, tay đứa nào cũng vừa rửa trắng bóng. Thằng bé con đồng chí Quân, mặc áo dài, đến ngồi nghiêm chỉnh lên mảnh ván đồng chí Bảo vẫn nằm, rồi nghếch đôi mắt thao láo nhìn Tư. Như khoe cho Tư biết là mình không ngồi bệt xuống đất đâu. Đối với chúng nó, đồng chí Tư không phải là người lạ nữa. Mỗi khi Tư lên, dù rét đến đâu con Pú cũng rối rít dắt em ra máng nước cọ mặt, cọ tay, cọ chân. Và noọng Liễu quét nhà rồi đặt cái siêu nước đồng vừa bằng cái nắm tay vào bếp. Nước sôi, Liễu ra đầu nhà nhặt mấy cái lá ổi.

Tiếng hát nhịp nhàng từ cây ổi đưa vào.

Vì nước lườn mẻn Tây xâm lăng

Dân boong hây quyết chí lèo cọn hâng

Quân oóc xa trường nhẳng cần dân dú lâng.

Hây thây nà lom sluôm, phát đông mặn nè...(5)

- Noọng Liễu học được bài hát mới ở đâu?

- Đồng chí Hoàng, cán bộ cần đông slon hử noọng(6).

Càng về chiều càng lạnh tê. Người ta xúm xít quanh lửa. Nếu không có lửa, chẳng biết người ta sống thế nào? Lũ trẻ cởi truồng ngồi nướng từng hạt ngô trong bếp gio. Trên núi, con sơn dương kêu kít kít... Mỗi năm khi sơn dương vè kêu trên núi là trời sắp trở lạnh thêm. Bao giờ cũng vậy, trời sắp rét nhiều thì sơn dương lại về núi này. Năm nay mới có ba con về, đồng chí Chẩn bảo thế. Tư lại còn biết trong các cánh rừng Nà-lôộc, Khuổi-slám, Nà-lương, Pá-pầu có bốn con gấu, năm con lợn, hai con nai và hơn trăm con hươu, chỗ nào cũng có dấu chân hươu. Con nai, con gấu nào lạ mới đến đồng chí Chẩn đều biết.

Buổi chiều, cả làng tụ tập ở nhà đồng chí Chẩn, những buổi tối có đồng chí Tư. Bây giờ Tư lại được biết thêm là đồng chí Chẩn ngày trước lấy em gái đồng chí Quân. Nhưng vợ đồng chí Chẩn chết năm ngoái. Đứa trẻ mới được mười tháng ngoẹo ngọ trên lưng bà ké là con đồng chí Chẩn. Cả nhà, trước ở Píc-cáy bị Pháp dồn xuống chân núi đã hơn một năm. Tổng khởi nghĩa thì bỏ Píc-cáy về Pá-pầu. Đồng chí Bàn Văn Minh, con rể bà ké, cũng ở Píc-cáy, nhưng ở Píc-cáy - đồng chí Bàn Văn Minh kể chuyện - cáo ma nó làm bụng mỗi ngày mỗi to, ho luôn, sốt luôn, không làm gì nên ăn, phải cho vợ con sang Pá-pầu. Rồi nhà đồng chí Quân - đồng chí Bảo mách cho Tư biết là cả nhà đồng chí Quân đều có ma gà - cũng sang Pá-pầu. Thế là từ năm ngoái ở đây thành làng.

Ở nhà dưới đưa lên tiếng thúng thắng ho và thở ề ề. Đồng chí Minh lại ốm rồi.

- Hôm nọ đồng chí Hoàng lên ở mấy hôm?

- Nó ở một hôm.

- Đồng chí ấy nói gì?

- Nó nói nhiều lắm.

- Những cái gì?

- Nó nói giải phóng quân ngày trước bé. Vệ quốc đoàn bây giờ to. Giải phóng quân bé mà đánh thằng Pháp, thằng Nhật. Bây giờ Vệ quốc đoàn to đánh thằng Pháp, thằng Pháp phải chết.

- Đồng chí ấy nói đúng đấy.

- Nó lại nói sắp có đội tuyên truyền võ trang toàn người Mán có ai muốn đi thì nó giới thiệu với đoàn thể.

- Có ai đi không?

Bảo đáp:

- Đi thì cũng đi thôi.

- Đồng chí ấy còn nói gì thêm không?

- Nó còn bảo ta phải đánh nhau lâu thì mới có độc lập hoàn toàn.

- Đồng chí ấy nói đúng đấy.

Trong nhà nhộn nhịp ríu rít. Những đứa trẻ thi nhau hát đồng thanh. Chúng nó hát quốc ca. Chúng nó hát quốc ca. Chúng nó hát bài Bắc Sơn, hôm nọ mới nghe được các đồng chí trong cơ quan của Tư đã hát. Chúng nó thuộc lòng được cả quyển Vần quốc ngữ (một điều đặc biệt là trừ noọng Liễu bập bẹ đôi ba chữ, còn chưa đứa nào biết chữ và cả noọng Liễu nữa chưa ai nói được tiếng Kinh. Thế mà cả quyển Vần quốc ngữ cứ đọc làu làu).

Góp chuyện, Tư giở câu chuyện Thủ đô Hà Nội của Tư ra kể cho mọi người nghe. Đây là chuyện Hà Nội, Hà Nội là Thủ đô của nước ta. Hà Nội có nhà gác ba, bốn, năm tầng, nhà nhiều hơn cây trong rừng. Ban đêm đèn điện nhiều bằng sao trên trời. Đế quốc thì ở nhà cao, cái gì nó cũng có. Dân ta ở nhà thấp, cái gì cũng không có. Cái gì Đế quốc cũng bắt ra thuế, thuế nuôi con chó, thuế nước uống, thuế nhà ở, thuế đường, thuế chỗ đi ỉa. Nhưng từ khi Cụ Hồ về Thủ đô, dân ta đỡ khổ, được tự do và Đế quốc sợ lắm.

Kể đến những đoạn kỳ lạ, “đèn điện nhiều bằng sao trên trời”, “ra thuế nuôi con chó, thuế nước uống, thuế đường đi, thuế nhà ở, thuế chỗ đi ỉa”, cả lũ cùng: A lúi, A lúi! Kéo dài, ngân ngư, ngơ ngác. Nhưng đến chỗ “từ khi Cụ Hồ về Thủ đô thì dân ta đỡ khổ, được tự do và Đế quốc sợ lắm”, đồng chí Bảo kêu:

- Húi dà...

Đồng chí Chẩn đương dầm cả hai chân vào cái chậu nước nóng vẫn để rửa mặt, ngẩng lên cười hề hề:

- Bao giờ hoàn toàn, tôi mua một bộ quần áo tốt về Hà Nội chơi với đồng chí Tư.

Bảo giơ tay nói hẳn một câu toàn tiếng Kinh:

- Tôi cũng đi với anh em!

- Vằn lừ hoàn toàn, đồng chí Tư hở noọng mà liều Hà Nội nơ(7).

Đêm trên núi cao, gió hun hút hú lên. Con sơn dương kêu kít kít, rét lắm. Những đứa trẻ cởi truồng, ngủ co hai đầu gối bên cạnh mẹ trên cái cót phơi thóc rải dưới đất. Tư nằm gác bếp không thể ngủ được. Tư trèo xuống, ngồi dựa vào vách trước bếp gio còn ấm, mắt gà gà. Con sơn dương kít kít, khắc khoải ghê lạnh như tiếng gió rú. Ở cái cót dải dài từ lò nấu lợn đến trước bếp, lũ con Pú, thằng Ly, và mẹ nó, thằng bé con đồng chí Quân và mẹ nó. Trên giường, noọng Liễu, bà ké và đứa trẻ mười tháng. Gác bếp, anh em Chẩn. Tiếng phì phò thở mệt nhọc, nhưng chắc đâu ai đã ngủ được? Tiếng ho khắc khoải đối đáp nhau trên gác bếp, dưới đất và dưới nhà đồng chí Bàn Văn Minh và dưới nhà đồng chí Đặng Đức Quân. Tiếng ho khắc khoải, thúng thắng. Bỗng Tư nghe ai thổi lửa phù phù. Tư choàng mắt. Bà ké vẫn ẵm đứa bé đã đến trước mặt lúc nào:

- Đảng lai, đồng chí Tư à?(8)

- Rét lắm!

Ánh than hồng lên khuôn mặt gồ ghề, rắn chắc, soi rõ hai cửa tay áo dài đã bợt lướp tướp. Mỗi đêm bà ké thường dậy thổi lửa vài ba lần. Năm nay sáu mươi mốt tuổi. Không hiểu tại sao bà lão lại sống được đến bao giờ? Và sống lâu như thế? Sao những con người cùng khổ, không biết rơi rãi từ kiếp nào trên những đầu núi này, bao nhiêu năm tháng thằng Pháp cố tình làm cho chết, mà sao không chết? Tư liên miên nghĩ đến những chuyện lặt vặt ban ngày, những chuyện con con cảm động, thấy Tư đến thì quét nhà, trẻ con rửa mặt và tối ngủ rửa chân cẩn thận. Rau cải ngoài rừng lấy về, vò rửa rồi mới bỏ vào chảo. Cơm xong, uống nước nóng. Lúc rỗi xem báo, hỏi chữ và muốn có quần áo tây, nếu họ được một đời sống tươm tất hơn, nếu những Chẩn, Bảo được ở gần mình, chắc rồi có thể cừ được. Tư tưởng tượng: một anh Chẩn, một anh Bảo cứng cỏi, lành lặn, khỏe như anh cán bộ Hoàng đương tung tăng đi giữa phố đông.

Bà ké đã về giường ngủ. Nhưng lúc sau, đứa bé ọ ọe khóc, bà lại dậy ra thổi lửa. Và chốc chốc, Chẩn hoặc vợ đồng chí Quân, vợ đồng chí Minh cũng dậy, lại thổi lửa, ngồi hơ tay một chốc, lại ngủ, ngủ một lúc lại dậy ra thổi lửa. Rồi hai con gà trong chuồng dưới chân giường độp độp vỗ cánh te te gáy.

Sang đầu tháng Giêng, các làng dưới chân núi còn thong thả thì các làng Mán đã bắt đầu phát rẫy tra ngô - có những nhà thiếu gạo đã đốt rẫy từ tháng Chạp. Năm nay nhà nào cũng lo thiếu. Vì mùa vừa rồi thằng Pháp nhảy dù xuống tỉnh, nhiều người qua làng và đi giao thông luôn, thóc gặt không kịp, “con chuột ra ăn hại quá” người ta càng phải đi làm sớm. Đồng chí Bảo, Chẩn, noọng Liễu gánh gạo ra ở luôn rẫy, chỉ có đồng chí Minh ốm, mấy đứa trẻ và bà ké ở nhà.

Tư lên tìm gặp Bảo một hôm cuối tháng. Tư muốn thực hành cái ý nghĩ nhỏ của mình đêm ấy. Bảo nói:

- Tôi muốn được đi với đồng chí, được theo đoàn thể, rồi giỏi, rồi sung sướng. Nhưng ở nhà, người già làm không đủ ăn.

Được ít lâu, Tư có việc phải đi từ bên kia triền núi, qua đèo Cứu Quốc xuống Nà-lôộc. Hôm về tới Pá-pầu, Tư định ghé ngủ đêm lại đấy.

Nhưng khi qua hết bụi sa nhân, bụi nát, mấy cây chanh, cây mận và cây mần tang lưa thưa, Tư đứng trước ba cái nhà đã tuông hết vách nứa. Cái giường đồng chí Bàn Văn Minh vẫn nằm ho, trâu đã giẫm đổ. Nhà đồng chí Chẩn, gác bếp sụp xuống. Những máng nước đầu chuồng lợn đã gãy, tan tác. Họ đi đâu? Ai có thể biết được? Sự bí mật lạnh lẽo của người Mán cũng chẳng khác gì triền Cứu Quốc bí mật, lạnh lẽo.

III

Đồng chí Nông Văn Pảo viết giấy mời Tư về khai hội. Bầu lại Việt Minh và Ban Chấp hành các giới Cứu quốc trong xã. Cơm sáng xong, Tư đi hội. Chờ đến trưa mà mọi người vẫn lục tục đến chưa hết, Tư kỳ kèo đồng chí Pảo: không thông tri rõ ràng cho các đồng chí biết là ăn cơm sáng xong thì về hội ngay cho khỏi mất thì giờ chờ đợi nhau. Mấy lần, bao nhiêu lần lôi thôi như thế này rồi mà “đồng chí vẫn chưa rút kinh nghiệm gì cả”. Tư đương mải kỳ kèo Pảo. Một người lên thang, vào nhà, gọi:

- Đồng chí Tư!

Tư reo to:

- A, kìa đồng chí Chẩn, đồng chí về hội à?

Đồng chí Chẩn hôm nay mới diện làm sao! Các anh hãy trông đồng chí Chẩn đẹp bằng anh cán bộ đi công tác! Đồng chí ấy đội cái mũ bọc vải dù như mũ của đồng chí Hùng Vương. Cái áo sơ mi dòng dọc xanh dài tay. Cái quần soóc vàng. Bên sườn tòn teng chiếc sắc cốt da mới cứng kềnh kệnh, miệng khâu hình ông sao năm cánh, cũng như sắc cốt của đồng chí Hùng Vương, của đồng chí Pảo, của đồng chí Hoàng, của đồng chí Long cao và của đồng chí Tư. Nhưng Chẩn gầy hơn mọi khi. Gò má nhô cao càng thưỡi thêm cái môi dưới. Vẻ mệt nhọc như vừa mới sốt xong: mặt nhợt rám xàm xạm còn như in vết những buổi trưa nắng gò lưng trên rẫy gạo, rẫy đậu.

Tư ngắm nghĩa, vuốt áo, xem mũ rồi nắm chặt hai cánh tay Chẩn:

- Quần áo tốt đây - Hoàn toàn thì về Hà Nội nhé.

- Về thôi.

Hai người cùng cười. Họ hỏi chuyện nhau, Tư hỏi cả làng đi đâu. Tại sao mà đi? Chẩn trả lời rằng các rẫy ở Pá-pầu, Vàng-kheo, Píc-cáy làm nhiều năm rồi, không tốt nữa. Phải đi phá chỗ mới bên Khuổi-buồn, và ăn hết gạo rồi, nên mọi người cùng sang cả đấy.

Chẩn nói:

- Tôi việc làm ăn phải đi xa nhưng tôi không có anh em đâu. Tôi được giấy đồng chí Pảo tôi cũng về hội ngay.

Tư hỏi mua sắc cốt bao giờ? Chẩn mở sắc cốt cho Tư xem. Các anh có biết không? Trong miệng sắc cốt của đồng chí Chẩn vàng óng ánh một cái cặp bút. Rút ra thì là một chiếc bút máy màu đỏ sậm như của Tư. Lại quyển lịch bỏ túi 1948, lại quyển sổ tay con con. Cũng như đồng chí Tư! Chẩn nói Chẩn mua ở chợ Léng. Tư đoán:

- Chắc đồng chí mới đi dự lớp huấn luyện cán bộ Mán của tỉnh.

- Bảo đi.

- A, Bảo đi.

- Bảo lại đi thêm rồi.

- Đi đâu?

- Đi đội võ trang tuyên truyền.

- A đồng chí Bảo đi đội võ trang tuyên truyền! Đội võ trang tuyên truyền ấy của trung đoàn do đồng chí Hoàng phụ trách. Hai tháng trước đây, đội công tác qua Kim Mã, đồng chí Hoàng để toàn đội hành quân đi trước, còn Hoàng tạt về nhà. Chẳng may gặp địch, Hoàng bị hy sinh.

- Các đồng chí đã biết tin đồng chí Hoàng hy sinh chưa?

- Biết chứ!

Tư nhớ lại đêm đầu mùa đông năm ngoài, thầy tào Triệu Văn Hương kể chuyện Tào Lường bên bếp lửa. Tư nhớ câu nói ngộ nghĩnh của Bảo: “Cái này để nhớ mãi. Bao giờ ông chết hết thì cho mày độc lập”.


1. Nhớ.

2. Anh chị em ơi! Ngẫm nghĩ tỉnh Bắc Kạn, dân ta thật lầm than khổ sở hơn chỗ khác; núi rừng thì trùng trùng điệp điệp, đất cày ruộng có ít nhưng mà Nhật, Tây không thương hại dân ta. Thảm thiết lắm! Ba năm qua rồi, dân ta bị hành hạ như trâu bò... (bài hát Hô hào đồng bào tỉnh Bắc Kạn của Đội Tuyên truyền Hồng Phong, 1943).

3. Người cách mạng dạy cho.

4. Bài hát Xuất quân của Phạm Duy.

5. Vì nước nhà bị Tây xâm lăng. Dân ta quyết chí phải đánh lâu. Quân ra sa trường còn người dân ở sau. Ta cày ruộng, làm vườn, phát rừng thật khỏe... (Bài Tăng gia sản xuất theo điệu Về đồng hoang của Phạm Duy).

6. Đồng chí Hoàng, cán bộ người Mán dạy cho em.

7. Ngày nào được hoàn toàn, đồng chí Tư cho em về chơi Hà Nội nhé.

8. Rét lắm đồng chí Tư à?

Tô Hoài, một phong cách văn xuôi nhiều màu sắc* Hơn bảy mươi năm đường văn Tô Hoài* Ra mắt bộ sách kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tô Hoài Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Tô Hoài Tô Hoài cũng là một thi nhân
Tuyển tập 75 gương mặt Văn nghệ - Kỷ niệm 75 năm báo Văn Nghệ
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.